Lão về đến thành phố từ chiều. Dồn hết những đồng tiền còn lại, lão sửa sang lại cái bề ngoài và sắm bộ cánh tàm tạm. Lão thơ thẩn nấn ná chờ đến tối hẳn mới về nhà. Nơi ấy có cô vợ bé xinh đẹp trong căn nhà hai tầng đủ tiện nghi và xinh đẹp như nàng. Nhưng sau bốn năm trời lão bị tù tội, liệu đã xảy ra những gì ở cái tổ ấm ấy? Con người nàng lão đâu có lạ. Nàng đến với lão đâu phải vì yêu mà từ những đồng tiền tội lỗi vơ được từ quyền lực của lão, nó dễ dàng như lão đi mua một thứ đồ dùng. Ngoài sự đam mê tiền bạc, cái thể trạng bốc lửa của nàng mỗi khi gần kề có lúc đem đến cho lão sự hoan lạc cực điểm, cũng không ít lần khiến lão run sợ, thể chất đàn ông của lão, tuy không vào loại xoàng, vẫn cảm thấy bị xỉ nhục ê chề. Liệu... Nghĩ đến cảnh trên giường nàng là một người đàn ông khác, cổ lão nghẹn đắng, đầu lão bốc lửa. Lão phăm phăm bước. Cánh cửa quen thuộc đã ở trước mặt. Lão run rẩy đặt tay lên núm chuông. Có lẽ đến một phút sau đèn trong nhà mới bật sáng. Cửa mở. Trước mặt lão là một bà già.
- Ông hỏi ai?
- Tôi về đến nhà tôi chứ hỏi ai. Cô Loan đâu?
- Thế ra là ông đấy à! Cô Loan và chồng cô ấy đã đi Vũng Tàu từ tuần trước. à mà xin được hỏi lại, ông có phải là ông Hạng không ạ?
- Phải. Nhưng...
- Cô ấy bảo dịp này thế nào ông cũng về, nên gửi lại cho ông lá thư. Mời ông vào nhà, để tôi lấy thư cho ông.
Lão ngồi phịch xuống ghế, mặt tái xanh, môi run run như sắp khóc. Tay lật bật, hấp tấp xé phong bì. Những dòng chữ nhảy múa. Lão vừa đọc vừa nghiến răng ken két, quai hàm bạnh ra, mắt lóa sáng man rợ. Lão hậm hực, sôi sùng sục. "Cảm ơn" à? Đồ đểu! "Em vẫn thương anh à"? Đồ gian manh! "Cảnh ngộ chúng ta nó trớ trêu" à? Đồ phản bội! "Buộc lòng phải lấy người ta" à?" Đồ đĩ rạc! "Anh nên về với chị ấy ở quê" à? Đồ đạo đức giả! Đồ lật lọng! Đồ. Đồ... Lão xé nát tờ giấy và ngồi chết lặng. Rồi bất chợt lão ngẩng lên, sỗ sàng:
- Thế bà biết cái thằng chồng nó chứ? Chúng nó ở với nhau từ bao giờ?
- Ông ta tên là Hoành, hình như là phó của ông ngày trước. Họ ở với nhau hơn ba năm rồi ạ.
Choang! Cái bàn vô tội bằng kính Nhật sáng loáng cùng bộ ấm chén Giang Tây bị đạp lật nhào, vỡ tan tành.
- Việc đã rồi, ông chớ nóng giận vô ích. Đổ vỡ này tôi biết nói thế nào với cô chủ. Bây giờ khuya rồi, mời ông đi tắm rửa và nghỉ ngơi cho lại sức. Mai ông hãy về quê.
Thế là hết thật rồi. Bà già đã khẳng định thân phận lão. Lão cay đắng cảm ơn bà rồi lẳng lặng ra đi.
Lão vật vờ như một bóng ma trên đường phố. Mưa lâm thâm. Trời cuối thu lành lạnh. Lão co ro run rẩy. Thành phố dần chìm vào khuya vắng. Lão vẫn lê bước như kẻ vô hồn. Cơn nóng giận bức xúc đã phần nào dịu lại, nỗi cô đơn trống vắng, tuyệt vọng dâng lên. Lão hằn học, ta phải sống để phỉ nhổ vào mặt những kẻ đã phản bội ta. Nhưng sống ở đâu, làm gì? "Mai ông hẵng về quê", tiếng nói của bà già nọ như mở ra cho lão một con đường. Nhưng trên đó chông gai nhiều lắm, mà lại do chính lão rải ra để lấp mất lối về. Lão lục lọi trí nhớ, tìm kiếm lại những kỷ niệm đẹp thời xa xôi với người vợ quê mùa, mong có được một cứu tinh cho lão trong bước đường cùng. Bên lề đường có người đang rửa mặt ở vòi nước công cộng, chiếc xe đạp dựng bên cạnh. Có lẽ là một người đi làm ca về. Rửa xong, anh ta vươn vai mấy cái rồi nhảy lên chiếc xe đạp, huýt sáo miệng một giai điệu vui vẻ phấn chấn. Lão nhìn theo, thở dài, tiến lại, mở vòi bụm hai tay hứng nước phả lên mặt. Nước lạnh ngắt làm cho lão tỉnh táo hơn. Hình ảnh người đàn bà áo nâu chới với trong đám đông gần cửa khi lão đi giữa hai người cảnh sát bước vào chiếc xe tù. Cánh cửa xe sập lại. Có phải bà ấy không? Suốt thời gian đứng trước vành móng ngựa đã nhiều lần lão đưa mắt dõi tìm mà không thấy bà ấy và các con. Tòa tuyên án mắt lão hoa lên, nhòe đi, nào có phân biệt được gì! Đúng bà ấy, không thể là ai khác được. Chắc bà ấy cũng... Cùng lắm thì lão bí mật lấy đi món lão để dành, rồi liệu sau.
Lão về đến quê nhà từ chiều. Dồn hết những mặc cảm vào nơi sâu kín nhất của tâm trí, cố lấy vẻ tự nhiên đàng hoàng. Lão thơ thẩn nấn ná chỗ này chỗ khác giết thời gian. Chờ đến tối hẳn lão mới về nhà, mượn bóng tối che bớt nỗi sượng sùng với người vợ già nua trong căn nhà cũng cũ kỹ như bà ấy. Lão lầm lũi bước, đầu cúi xuống sợ gặp người quen. Nhưng trong lòng lão lại quặn lên, sợ hãi những cái nhìn khinh bỉ, những thờ ơ lạnh nhạt, những hắt hủi phũ phàng... Lão rụt rè, kìm nén, đưa bàn tay run rẩy gõ cửa. Đèn trong nhà bật sáng. Lúc này lão mới nhận ra quê mình đã có điện sáng. Bốn năm qua, trong biến đổi lớn lao này, liệu con người có đổi thay! Không phải gõ lần thứ hai, cánh cửa đã mở rộng. Lão ngây người. Trước mặt lão là một bà già.
- Ông hỏi ai ạ!
- Tôi đây, bà Thắm ơi!
- Thế ra là ông đấy à. Tôi biết, rồi thế nào cũng có ngày ông lại về mà. Ông vào nhà đi. Để tôi đi lấy nước cho ông rửa ráy.
Bà đi ra giếng.
Lão bước vào nhà. Đưa mắt nhìn quanh. Mọi thứ vẫn nguyên như xưa, xếp đặt gọn gàng ngay ngắn. Dưới ánh sáng điện tất cả như mới ra, sạch bóng. Vẫn còn đó, hai tấm chân dung của lão và bà Thắm treo sát nhau trên tường. Nhưng những tấm bằng Huân chương của lão đã biến mất. Bất giác lão nhìn vào cái tủ ly kê giữa nhà kiêm bàn thờ, những tấm Huân chương trước kia ngạo nghễ thành hàng trong đó, nay cũng không còn nữa. Thế cũng phải, thân phận mình còn có ra gì ở cái nhà này. Trách ai? Bà ấy không xua đuổi mình là may rồi.
- Ông ra rửa ráy đi, nước nóng tôi pha sẵn trong chậu rồi đấy.
Lão lặng lẽ ra giếng.
Bà Thắm lặng lẽ đi vào buồng.
Lão ngồi xuống, dưới ánh sáng điện, trong chậu nước hiện lên một khuôn mặt nhăn nhúm. Lão giật mình. Ta đây ư? Sao mà thảm hại nhường này? Đôi mắt sâu hoắm đờ đẫn, hai phía đuôi mắt, những vết nhăn xòe ra như cái quạt giấy mở. Hai mép xệ xuống, những đường vòng cung ôm lấy cái miệng rộng, dưới cằm lởm chởm những sợi râu... Ôi cát bụi phong trần! Lão hoảng sợ, khỏa tay, cái mặt loằng ngoằng rồi tan biến. Lão ngồi thừ bên chậu nước đã lạnh ngắt.
Bà Thắm hì hụi lục lọi đống quần áo cũ trong hòm. Lâu ngày không dùng đến, xông lên mùi ẩm mốc, những manh áo trắng đã ngả màu vàng. Bà ngồi thừ ra trước đống quần áo cũ. Cuối cùng bà cũng chọn ra được một bộ tươm tất. Đó là bộ quân phục bạc mầu, xếp tận dưới đáy hòm.
- Ông mặc tạm. Đồ cũ của ông đấy mà. Đồ bẩn để đấy, mai tôi giặt.
Lão như bừng tỉnh, đón lấy bộ quần áo, lí nhí:
- Cảm ơn bà.
Nhìn bà Thắm ngồi ở mép giường, hai tay kẹp giữa hai đầu gối, gương mặt già nua khắc khổ, đôi mắt xa xăm hướng ra mảnh sân nhờ nhờ bóng tối của đêm hạ tuần, lão nuốt nước bọt, gắng gượng:
- Tôi có tội với bà và các con. Xin bà thể tất cho, để gia đình ta lại được sum họp.
Miệng nói, mắt đăm đăm nhìn vợ, như người cầm lửa châm vào ngòi pháo phấp phỏng chờ tiếng nổ.
Im lặng.
Lão nhẫn nhục:
- Bà tha thứ cho tôi chứ, bà Thắm?
Tiếng bà thảng thốt:
- Tôi biết là ông sẽ về mà.
Mê mải với quyền lực, tiền bạc, nhà lầu xe hơi, gái đẹp... làm sao lão biết được những điều bà biết về lão. Còn bà, bà biết hết. Bà đã gắn bó với lão hơn ba chục năm trời, con sống có, con chết có, đã từng ăn đói mặc rét, hà tiện xây dựng nên cơ ngơi này từ hai bàn tay trắng. Một thời lão là niềm tự hào của mẹ con bà. Từ một anh thượng úy chuyển ngành, làm trưởng phòng bảo vệ, tiến tới giám đốc một xí nghiệp kha khá của tỉnh, đâu có phải ai cũng làm được. Vậy mà lòng tham đã đẩy lão xuống vực thẳm tù đày. Cái người mang tên Hoành lúc nào cũng tâng bốc lão lên tận mây xanh. Từng bước một dắt lão vào cõi u mê. Mưu mô ở hắn. Bày binh bố trận là hắn. Mọi sổ sách, chứng từ kế toán hắn đều đưa cho lão ký hết. "Chữ ký của anh mới có sức thuyết phục". Lấy tiền công mua hẳn một căn nhà hai tầng xinh đẹp đầy đủ tiện nghi ở Hà Nội làm chỗ đi về với cô vợ bé, hắn bảo: "Phải đứng tên chị cho an toàn, vì chị có hộ khẩu Hà Nội". Lão chết là vì tham quá hóa ngu. án tại hồ sơ. Lão ra tòa rồi đi tù. Hoành vô can, nẫng luôn cả nhà, cả vợ lão. Còn ngôi nhà ở quê này, người ta cũng đã về xem xét. Không thấy dấu hiệu tham nhũng nên người ta không niêm phong.
Giọng bà trầm đục, nặng nề, nhưng rành rọt:
- Mảnh đất này là của ông bà để lại. Ngôi nhà này là công sức mồ hôi nước mắt của cả nhà, phần đóng góp của ông lớn nhất. Con người tôi, với ông, là đồ bỏ đi từ lâu rồi. Bây giờ tôi giao lại cho ông tất cả. Trong chuồng còn đôi lợn, chục mái gà, dưới ao đã thả cá. Tôi sẽ đi trông nom nhà cửa con cái cho thằng Toàn. Nó đã giục tôi nhiều lần rồi, tôi còn đợi ông nên chưa đi. Còn cái gói gì ông giấu tôi chôn ở gốc cây khế rồi, tôi không hề động đến. Nếu là của phi nghĩa thì đem trả lại Nhà nước cho thanh thản. Ông cũng không nên đi đâu nữa. Già rồi đừng nghĩ đến chuyện thù hằn. ở lại quê, xấu hổ lúc đầu thôi. Cười ba tháng chứ ai cười ba năm. Đừng để người ta cười thêm nữa. Mẹ con tôi phụ giúp ông cho được no đủ, sẽ trông nom ông khi trái nắng trở trời.
Bà đứng dậy, vào buồng ôm ra một gói lớn:
- Chăn màn đây, tôi vừa phơi lại tuần trước. Ông nghỉ đi kẻo mệt.
Bà vào buồng, tắt đèn.
Như cái máy, lão mắc màn, giở chăn gối, lên giường, tắt đèn.
Bóng đêm nặng nề trùm xuống. Trong buồng và ngoài nhà, hai thế giới, hai con người thao thức.
Ông ấy đã về. Sự quay về với bổn phận của kẻ lầm lạc được thức tỉnh? Sự cùng đường của kẻ phiêu bạt tìm nơi nương náu cho buổi xế chiều? Hay về tìm lại của cải để lại ra đi? Hay là... Dù sao thì ông ấy cũng đã về. Ta ra đi để giữ ông ấy lại. Bát nước nóng sẽ nguội dần. Tin rằng ông ấy sẽ ở lại.
Bà ấy vẫn thâm trầm nhẫn nhục như xưa. Bão tố không nổ ra, thế là mừng. Sự đam mê quyền lực, tiền bạc, khát khao hưởng lạc, những mưu toan đen tối, những thủ đoạn lọc lừa như một cơn xoáy lốc. Nỗi hốt hoảng khi đổ vỡ, sự căm giận thói lật lọng, nỗi nhục nhã khi đứng trước vành móng ngựa... hiện về vò xé tâm can lão. Những năm tháng ở tù đã dạy cho lão lẽ sống hợp đạo lý. Sống hợp đạo lý ư? Nó giản dị bình thường như triệu triệu con người vẫn đang sống. Đó là tôn trọng phép nước, kính người trên, trọng người dưới, thủy chung với vợ, hết lòng vì con, tận tâm với bạn. Đó là làm việc và hưởng thụ, hưởng thụ chính những thứ mình làm ra. Vắt óc ra, căng cơ bắp lên mà làm việc. Có thể chưa sung sướng nhưng thanh thản. Vậy mà ta... Đến nỗi bây giờ nằm trong nhà mình, cái tổ ấm bao nhiêu năm trời gắn bó tạo dựng mà lại như kẻ ăn nhờ ở đậu. Gần chục năm trời ta đã ruồng rẫy, bỏ rơi bà ấy, nay lại vác cái mặt nhem nhuốc, tấm thân nhàu nát về xin tha thứ. Lão rùng mình: Nếu như hồi ấy bà Thắm ký vào đơn ly dị, chứ không phải đơn đồng ý cho lão lấy vợ hai thì bây giờ sẽ ra sao. Lão trằn trọc, dằn vặt, xỉ vả sự ngu muội của mình. Nhớ đến cái gói lão giấu dưới gốc cây khế, bà ấy biết mà không thèm động đến, lão càng hổ thẹn. Đạo lý đó chứ phải đâu xa. Cái gói nhỏ ấy lão định để phòng thân, giờ đây là bằng chứng của tội lỗi, là nỗi nhục, là vật cản đường của lão... Tiếng bà Thắm văng vẳng: "Nếu là của phi nghĩa..." Bất giác lão nhớ lại hồi học lớp sáu, lão rủ thằng Tường còi vào chùa ăn trộm đồ lễ. Thằng Tường sợ. Lão bảo: "Tao cứ ăn xem Bụt có làm gì không". Chẳng biết Bụt làm hay ăn nhiều oản rồi uống nước lã mà về nhà lão đau bụng tưởng chết. Bố lão vụt cho một trận rồi làm lễ lên chùa tạ Bụt. Mẹ lão bảo: "Của Bụt lấy một đền mười, Bụt vẫn còn cười Bụt chửa nhận cho". Hay là có quả báo thật?
Lão lồm cồm ngồi dậy, sửa lại quần áo, lặng lẽ đến bàn thờ, châm nến, đốt hương, lầm rầm khấn vái. Lão tạ tội với ông bà cha mẹ, van xin bề trên giúp lão sáng lại tâm linh, chấp nhận cho lão được trở về cõi thiện.
Khói hương nghi ngút thơm ngát căn nhà. Lão chợp được mắt. Trong giấc ngủ nặng nề lão mơ thấy vợ chồng Toàn và các cháu về thăm lão. Cả nhà quây quần bên mâm cơm sum họp.
Hôm sau lão chuẩn bị từ chiều. Tính rằng dùng cuốc bổ thì gây tiếng động nên lão mài cái xẻng thật sắc như lão đã làm cách đây bốn năm. Lão bồn chồn chờ tối. Để giết thời gian, lão pha một ấm trà nhấp từng ngụm nhỏ. Lão thầm cảm ơn sự ra đi của bà Thắm. Bức tường ngăn phá đi rồi, nhưng còn phải có thời gian để san lấp, đầm nén, quét dọn cho phẳng phiu sạch sẽ. Lão phải cố sức làm cho nó mất dấu vết. Lão thở dài, dấu vết thì có thể xóa được, nhưng vết sẹo trong tâm khảm con người đâu phải dễ phai mờ!
Bóng đêm trùm xuống mảnh vườn tĩnh mịch. Lão ra sức đào bới dưới gốc khế già. Đất cứng, mặc dù đã sỏ chân vào chiếc dép cũ, lão vẫn thấy đau đớn. Mồ hôi vã ra, lão vẫn ấn xẻng, hất đất, sờ nắn từng cục ra, khoét sâu hơn mà vẫn không thấy. Thân thể rã rời, bàn chân đau buốt. Lão bất lực thở dài. Thôi để đêm mai.
Đã nhiều "để đến đêm mai" mà cái gói vẫn không thấy. Lão tự trách mình sao lại chôn ở gốc cây khế. Mùa khế chín, hàng xóm vẫn đến xin về nấu canh, trẻ con thì chấm muối ăn chơi, kể cả khi vắng chủ. Rồi bọn trẻ đào giun làm mồi câu cá, nuôi ngan, vẫn ra vào tự nhiên. Bà vốn là người xởi lởi mà. Hay là... Hy vọng tìm được cái gói nguội dần, nhưng không tắt hẳn. Đêm đêm lão vẫn đào bới, sờ nắn từng viên đất, cố vượt qua nỗi đau đớn thể xác, mong tìm thấy sự cứu rỗi cho linh hồn tội lỗi của lão.