Đang mải mê sẻ đôi thùng nước gạo bằng cái lon sữa bò đen xì, mẹ quay qua bảo: - Nhi, con dỡ hết quần áo trong tủ ra, xếp riêng quần áo của mẹ và con qua một bên, quần áo của bố và em con qua một bên. Từ mai mẹ con ta sẽ ở căn phòng bên kia.
Tôi "Vâng ạ" nhưng mở cửa tủ quần áo ra rồi cứ đứng đấy, một tay giữ cửa tủ, một tay buông thõng, buồn bã nhìn. Tôi không muốn tách những bộ quần áo treo, xếp xen vào nhau của gia đình bốn người chúng tôi. Gia đình mà mới hôm kia thôi, còn có đầy đủ bố, mẹ, tôi và em út Tít.
- Nhi, chóng lên, sao con đứng thần ra thế.
- Vâng ạ. Tôi muốn nói với mẹ rằng, đây có lẽ là lần cuối cùng con còn thấy bộ quần áo bảo hộ của bố nép vào chiếc áo màu mỡ gà của mẹ, chiếc áo học trò của con một bên ép vào áo mẹ, một bên ép vào bộ quần yếm của cu Tít, rồi đến bộ đồ "vía" của mẹ mới may hôm Tết, chụp trong tấm ảnh cả nhà đứng cười trên bãi biển. Nhưng tôi không nói thêm được gì ngoài hai tiếng "Vâng ạ" rồi lủi thủi tung hết quần áo ra giường bố (kể từ hôm nay), vừa chia ra làm hai vừa lén chùi nước mắt.
Căn phòng tập thể 16 m2 vốn đã quá nhỏ cho bốn người ở khiến cho hai chiếc xe đạp của bố và mẹ cứ tối đến là phải dòng dây "treo cổ" chúng lên xà nhà, giờ ngăn ra làm hai, mỗi bên chỉ còn như một chiếc hộp diêm bẹt lét. Mẹ và tôi chuyển đồ qua lại cứ sơ ý là va đầu vào tấm vách ngăn bằng gỗ ép vì quen với kiểu sải bước trước đây. Trước đây, ở giữa nhà là khoảng trống để dọn cơm ăn và lau cho mát nằm coi tivi mỗi tối chứ không phải là một bức vách ngăn sừng sững...
Tôi vừa đặt tay lên ghi-đông xe đạp, mẹ gọi giật giọng:
- Nhi, đi đâu đấy?
- Dạ, con đi đón em. Bốn rưỡi rồi- Đây là nhiệm vụ thường ngày của tôi.
- Từ nay con không phải đón nữa. Cu Tít con của bố mày rồi, ông ấy có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nó.
Tôi suýt buộc miệng "nhưng cu Tít vẫn là em con cơ mà", may mà tôi dừng lại kịp. Năm ấy tôi đã là học sinh lớp tám, đủ lớn khôn để hiểu được hoàn cảnh mới của gia đình mình. Tôi biết mẹ cứ cố cương lên như thế thôi, chứ thật sự trong lòng mẹ mọi điều không rành mạch "cơm nhà ai nấy ăn, nhà của ai nấy ở, việc của ai nấy biết" như lời mẹ nói với khuôn mặt dửng dưng.
Việc dọn nhà, bố không mó tay một chút gì. Bố ở cơ quan cả ngày, mặc cho mẹ chia chác xếp đặt ra sao mặc kệ. Tôi cố thu xếp "nhà bố" thật gọn, để những thuốc thang, dầu đèn ra khỏi tầm tay với của cu Tít. Không hiểu rồi đây bố tôi sẽ chăm sóc em cu Tít như thế nào, từ nhỏ tới giờ, tôi chưa từng thấy bố biết đi chợ, nấu cơm và hát ru em.
Lý ra tôi đã thuộc về bố, em Tít thuộc về mẹ như lời mẹ đề nghị vì em Tít còn nhỏ, cần bàn tay chăm sóc của mẹ, nhưng bố lại muốn tôi ở với mẹ vì bố sợ con gái ở với bố, bố không biết chỉ dạy lớn lên sẽ đoảng. Rốt cuộc là bố thắng. Không hiểu trong sâu xa có những lý do nghiêm trọng gì khiến bỗng chốc bố mẹ ký vào lá đơn xin ly hôn. Tôi chỉ biết, thỉnh thoảng mẹ có ghen bố. Mẹ tôi xinh xắn nhưng là gái quê, ăn chắc mặc bền, yêu chồng thương con. Bố tôi dân gốc ở thị xã này, cao ráo đẹp trai, nói chuyện hay đến "con kiến trong lỗ cũng phải bò ra nghe" như lời mẹ vẫn "kể xấu" bố với chúng tôi. Bố biết đàn, lại còn biết sáng tác bài hát cho nhà máy của bố mẹ nữa. Bố ở trong đội văn nghệ của nhà máy, năm nào cũng phải tập hát, tập nhảy cho các cô chú công nhân trong đội văn nghệ để các cô thi "Tiếng hát công nhân ngành cơ khí". Bố đã hết sức tránh không cho mẹ thấy cảnh bố quàng vai, nắm tay các cô công nhân trẻ trung, xinh xắn tập nhảy cho các cô ấy, nhưng mẹ cứ tìm cách thấy rồi về hờn lẩy, bóng gió với bố. Năm nào cũng xảy ra một đợt như thế nhưng qua "mùa văn nghệ" lại thôi. Chỉ có năm nay... Mẹ lớn tiếng bảo bố đã sinh lòng "mèo mỡ" với cô Kim Cương, cái cô lúc nào thấy bố cũng cười hí hí như ngựa. Lời qua tiếng lại một hồi, bố bực quá dang tay tát mẹ một cái. Mẹ đang ngồi vắt vẻo trên bàn làm việc, mất đà ngã chúi xuống. Nhưng bàn tay cơ khí của bố tát mẹ mạnh đến sái quai hàm, phải đưa đi bệnh viện cho người ta nắn lại. Suốt 16 năm chung sống, đó là lần đầu tiên bố đánh mẹ. Và từ viện về, mẹ viết đơn ly dị... Đó là sau này tôi được nghe các cô chú trong khu tập thể kể lại chứ lúc ấy không có mặt chị em chúng tôi.
Quá giờ đón em đã lâu vẫn không thấy bố đưa em về, tôi hết đi ra lại đi vào, cứ hỏi mẹ xem bố có nhớ là từ hôm nay bố phải đón em không. Mẹ gắt "Mặc xác bố con ông ấy". Nhưng cuối cùng, mẹ cũng dắt xe ra bảo tôi đạp lại trường mẫu giáo xem sao. Không có ai ở đấy cả. Có lẽ em Tít đã được các cô đưa về nhà các cô rồi.
Quá 9 giờ đêm bố mới về nhà, người nồng nặc mùi bia. Em Tít ngồi sau yên xe bố, ngủ gật ngẹo cả đầu, chảy cả nước miếng. Tôi vội vàng chạy lại bế em vào, mẹ gắt lên : Đem qua trả cho ông ấy ngay". Từ bên kia bố đáp lại: "Đem con tôi qua đây cho tôi ngay". Khổ thân cu Tít, không biết đã lăn lóc ở mấy quán bia rồi mới về đến đây. Nửa đêm thức giấc, nó mò mẫm sang nhà mẹ, vạch màn chui vào nằm giữa tôi với mẹ, mẹ sốc nó sang trả cho bố. Thế là từ đó cho tới sáng, nó nằm khóc i ỉ đòi sang ngủ với mẹ và chị Nhi cơ, làm cả nhà không ai ngủ được chút gì. Mãi đến sáng hôm sau, em lại lúc cúc đi mẫu giáo.
Tội nghiệp cu Tít. Tôi đã lớn hiểu bố mẹ đã ly dị nghĩa là thế nào. Còn nó, nói cách nào nó cũng không hiểu vì sao lại có nhà mẹ, nhà bố, lại chỉ được ở bên này, không được lánh qua bên ấy, rồi thì con bây giờ chỉ còn mình bố thôi trong khi mẹ và chị vẫn sờ sờ ra đấy, ngày ngày vẫn đi chung một cánh cửa, chỉ cách một bức tường dày bằng chục trang sách. từ ngày có nhà bố, nhà mẹ, hầu như ngày nào cu Tít cũng phải ăn đòn của bố, đến nỗi bây giờ chỉ cần bố trừng mắt là nó hiểu, nó không được làm việc ấy, việc kia. Tôi thương em chỉ biết khóc thầm, khoét một cái lỗ to trên bức vách để chị em nhìn thấy nhau.
Tôi không sao hiểu nổi một người phụ nữ hiền lành như mẹ lại có thể rắn lòng đến thế. Cả bố nữa, bố tự dưng hoá thành một bức tượng bằng bê tông biết cử động và quát tháo. Đã hơn nửa tháng nay rồi, bố mẹ vô lý đến mức tối đến hai chị em tôi gọi nhau nói chuyện với qua bức vách cũng bị cấm. Đến mức năm em Tít học lớp ba, cô giáo cho đề " Sau này lớn lên em thích làm nghề gì", nó lại viết là nó thích làm người lớn để không bị bố mẹ cấm tất cả mọi thứ. Đọc bài văn của em- tôi năm đó đã học lớp 11, tự hứa sau này lấy chồng, nếu có con rồi thì dù khổ mấy cũng cắn răng chịu đựng, không bao giờ ly dị.
Nửa tháng trời trôi qua trong không khí ngột ngạt đó khiến chị em tôi héo rũ như tàu lá hơ lửa. Cho đến khi cơn mưa đầu mùa hạ bất thần đổ ào ào xuống thị xã. Nhà mẹ dột rào rào do mấy miếng ngói chị em tôi làm bể từ dạo hay trốn bố mẹ lên đấy thở than trò chuyện. Đang nửa đêm, hai mẹ con căng áo mưa ra hì hục che hứng cả nửa tiếng đồng hồ, dột vẫn hoàn dột. Đành bó gối ngồi ngủ gật trên một góc giường. Bố ở bên kia kêu tôi qua ngủ với em nhưng mẹ không cho. Tối hôm sau lại mưa, mẹ chưa kịp mở miệng than thở thì... đã thấy nhà không dột nữa! Thì ra bố đã trốn nhà máy về giữa giờ dọi lại mái nhà "của mẹ", còn đổ một thùng than đầy vào chỗ chứa củi mà hôm qua mưa hắt đã ướt sạch. Thấy mẹ không nói gì, tôi mừng hết lớn. Rồi bữa bữa bố lại bưng bát qua xin canh, xin cá cho cu Tít. Mẹ không nói gì. Bố đẩy cu Tít qua ăn cơm luôn bên nhà mẹ. Còn một mình bố cũng ngày hai bữa lui hui thổi thổi nấu nấu. Chuyên trị nước mắn thắng mỡ và rau sống. Có lần tôi bắt gặp mẹ lén bỏ thịt qua nồi thịt mỡ của bố. Thấy tôi, mẹ có vẻ ngượng "Cho cu Tít ăn cơm". Còn cu Tít thì đêm ngủ với bố, đêm ngủ với mẹ. Tiện đâu ăn đấy. Đêm nào cu Tít ngủ với mẹ thì tôi lại xuống trải chiếu nằm ở sàn nhà vì cu Tít ngủ rất hỗn, luôn đạp cả vào mặt tôi. Một bữa bố lóng ngóng thế nào, làm đổ ào cả xoong canh nóng lên tay, ở bên kia bố xuýt xoa rên rẩm ầm ĩ, than thân trách phận vì mình ngu dốt, bị vợ bỏ nên mới ra nông nỗi.
Hôm sau, chạm mặt bố ở cửa, mẹ nói bâng quơ: "Sao không đem gạo qua con gái ông nó nấu cho mà ăn?".
Chưa bao giờ bố tôi chăm nhặt củi ở nhà máy về nhà đến thế. Trước kia việc ấy là của mẹ, hôm nào mẹ có "tổng động viên" lắm, bố mới chở về được một nắm như trò chơi trẻ con. Những hôm có tàu sắt kéo lên để gõ hà, sơn sửa, bố bỏ cả giấc ngủ trưa vác xà beng ra đấy cạy từng tảng hà lớn, chiều về hì hục đập chẻ từng con, lấy thịt nấu cháo ăn cả nhà. Ôi! Nồi cháo hà xào hành mỡ thơm nức của bố cạy về, nó mới ngon lành làm sao. Nhưng vẫn ăn chung mà ngủ riêng. Cứ ăn xong, ở lại bên nhà mẹ coi hết chương trình tivi với chúng tôi xong, bố lại cầm chiếc áo vắt trên thành ghế về "nhà bố" ngủ. Bố mẹ có vẻ ngượng ngùng, chẳng chuyện trò gì cả.
Cứ thế đến hơn một tháng. Tôi còn nhớ ngày thứ 67 kể từ ngày bố mẹ chia nhà, đang đêm cu Tít tự dưng hất chăn ngồi nhỏm dậy, nhìn lom lom vào mấy bàn chân thò ra ngoài chăn, hỏi giật giọng:
- Mẹ, chân ai đây?
Mẹ trả lời qua quít:
- Chân mẹ chứ chân ai.
Nó đếm đi đếm lại, nghi ngờ:
- Chân mẹ sao những bốn chân?
Rồi nó tốc chăn lên, reo: "A, bố! Thế mà mẹ cứ bảo là mẹ có bốn chân". Lúc ấy đang ngủ dưới sàn nhà, tôi nghe buồn cười quá nhưng già vờ ngủ say không biết gì.
Sáng hôm sau, cả bố mẹ đều xin nghỉ đột xuất ở nhà dỡ tấm vách ngăn. Tôi ôm đống quần áo cả nhà ra, treo vào cái tủ cũ. Đứng ngắm những bộ quần áo của bố, mẹ và của chị em tôi áp vào nhau, tôi lại muốn khóc.
Sau này, thỉnh thoảng bố tôi vẫn còn nửa thật nửa đùa: "May mà dạo ấy bố mẹ nghèo quá chẳng có tiền mua nhà ở riêng. Chứ không thì..."