1. Buổi tối, Lam ôm sách chào cả nhà đi học. Bà ngồi bên bậu cửa nhìn theo: "Tao thấy mày cứ suốt ngày cắp sách đi, chẳng hôm nào ở nhà lấy được một lúc!". Bố ngồi hút thuốc lào, trầm tư lên tiếng : " hay bà! Thì nó đi học chứ có đi chơi đâu!". Mẹ vừa ở dưới bếp lên, nhìn bố rồi nhìn Lam :"Bố cái Lam nói cũng phải, nhưng nó cứ đi suốt, biết đâu...". Bà nhổ bã trầu ra sân, cắt ngang lời mẹ : "Đằng rằng là nó đi học nhưng cũng phải có giờ giấc chứ! Thân con gái, nó cứ đi suốt người ta nói cho. Anh chị không về nhà mà xem, ở quê chúng nó chỉ đi học có một buổi còn lại là ra đồng. Mười sáu mười bảy tuổi đầu chứ không ít, sắp lấy chồng được rồi, học làm gì cao!". Lam lặng im mân mê tập sách trong tay, thấy nóng bừng hai má. Bố nhìn bà nhăn nhó :"Bà hay thật, ở thành phố chứ có phải ở quê đâu mà thôi học. ở nhà sau này không có công ăn việc làm, ai nuôi?" rồi quay sang Lam :"Cái Lam đi học thì cứ đi đi! Bà già rồi, lẩm cẩm nên nói như vậy. Đi thì đến nơi đến chốn, không bà với mẹ mày lại lo!" Bà húng hắng ho :"Thì ở thành phố mới càng phải lo, đám thanh niên bây giờ có đứa nào ngoan ngoãn như ngày trước?". Chúng nó bây giờ cứ gọi là...". Bố dắt xe ra ngõ giục Lam đi học không muộn. Mẹ tất tả chạy ra mang theo cái áo mưa dúi vào tay Lam :"Cầm lấy cất vào cặp ấy, thời tiết bây giờ thất thường lắm, biết đâu mà lường!" rồi lại tất tả chạy vào vì nồi cám đang sấp. Lam lên xe đạp đi học, thấy bà cứ khó chịu làm sao..
2. Thầy đến muộn mười lăm phút, lớp học thêm ồn ào như một cái chợ nhỏ, có khi hơn cả cái chợ nhỏ. Lam ngồi im một góc, nghĩ linh tinh. Nga bảo :"Mầy thấy thầy thế nào, Lam?. Còn tao bực không chịu nổi. Hôm nào thầy cũng đến muộn, hôm nào cũng xin lỗi các em với những lý do được gọi là chính đáng nhất. Cứ thế này tao bỏ quách ở đây đi xin học lớp khác còn hơn!". Lam im lặng nhìn lũ bạn đang đánh tá lả ở bàn trên, thỉnh thoảng lại cười ré lên ngặt nghẽo, quên không trả lời Nga, Nga giận dỗi vùng vằng bỏ đi, vừa đến cửa lớp thì đụng thầy bước vào. Lớp học dịu lại đôi chút. Suốt buổi thầy chỉ đọc cho chép, học trò cứ cắm cúi ghi. Lam buông bút, thấy đầu ong ong, tự dưng không muốn học. Thầy không để ý, kéo dài thêm thời gian mười lăm phút. Lớp học tan muộn.
Lúc về, Tuấn đợi Lam ở đầu nhà xe :"Lam mệt hả? Đi uống cà phê không?". Lam lặng im dắt xe ra đường, nhìn đồng hồ trên nóc nhà bưu điện một lát rồi lại nhìn Tuấn:"Lam thấy hơi khó chịu một chút thôi, nhưng không sao. Bây giờ Lam phải về nhà kẻo nhà trông, Tuấn đi một mình vậy. Để khi khác nhé!" rồi lên xe đạp đi. Tuấn đạp xe chầm chậm theo bên, lặng im không nói...
Về nhà, bố chờ sẵn ở cổng dắt xe vào cho Lam :"Con đi đâu đến giờ mới về? Mẹ mày với bà cứ cuống lên nãy giờ đấy!". Bố không nói gì thêm, mang xe xuống bếp. Lam chào bà, chào mẹ nem nép đi cất sách. Bà không nói gì, lụi cụi ra cài cửa rồi lên giường trùm chăn. Mẹ giục Lam đi ăn cơm, rồi cũng chỉ thở dài, lặng im không nói...
3. Gần thi hết học kỳ một, Lam lao đầu vào học, bận bịu nên quên và cũng một phần lơ đi sự khó chịu của bà. Bố bảo :"Bà già rồi, nói thì nói vậy chứ rất thương con. Ngày xưa bà cũng mắng cô mày còn hơn thế ấy chứ!". Lam lặng im, nghĩ về điều bố nói. Dù sao cũng chẳng còn được sự quý trọng bà như ngày còn bé, Lam thấy bà càng ngày càng khó tính hơn, càng ít thương mình hơn anh Vũ. Anh Vũ đi học đại học, thỉnh thoảng về nhà cũng đi suốt, có khi đêm không ngủ ở nhà bà có nói gì đâu. Vậy mà Lam... Mẹ bảo: "Người già ai chả thế!" rồi lại bận bụi với công việc. Có bao giờ mẹ dám cãi lời bà, bênh Lam như bố lấy một câu? Mẹ như vậy còn chưa làm cho bà hài lòng nữa là...
4. Sinh nhật lần thứ mười bảy, Lam không tổ chức nhưng lũ bạn cũng kéo đến chật nhà, chúc tụng, nói cười ầm ĩ. Gần chín giờ, lũ bạn kéo Lam đi chơi. Lam xin phép bố mẹ, bà cau mày tỏ vẻ không đồng ý. Còn chần chừ thì lũ bạn réo ầm lên ngoài ngõ, Lam nhìn bà rồi chạy vụt đi. Thấy áy náy trong lòng nhưng chỉ một thoáng thôi cũng bị cuộc vui lấn án hết...
Lúc về, bố, mẹ và bà đang to tiếng với nhau, Lam nem nép đi xuống bếp rửa mặt mũi chân tay, loáng thoáng nghe lời bà nói: "... Nó là con gái, lại lớn rồi, anh chị cứ chiều vậy nó hư đi, ở nhà, bằng tuổi nó có đứa nào như thế? Chúng nó học xong lại lao đầu vào làm tất cả mọi việc, tối đến không bước chân ra khỏi ngõ. Đằng này nó lại cứ đi suốt, khách khứa đến, có lúc nào thấy mặt mũi nó đâu!". Bố khó chịu nhìn bà nói to hơn:"Thì nó lớn rồi mới cần có bạn. Vả lại con để ra nó con biết, từ trước tới giờ nó có hư đâu! Bà cứ đem so sánh thành phố với nhà quê, ai coi được. Sống ở đâu phải theo ở đấy chứ!" rồi bỏ sang hàng xóm đánh cờ. Bà lặng lẽ lên giường nằm, không nói thêm câu nào nữa.
Hôm sau, đi học về không thấy bà, Lam hỏi, bố chỉ lặng im. Mẹ trầm ngâm:"Bà bảo sống ở đây không thích hợp, bà về rồi! Chắc bây giờ bà cũng đang ăn cơm với nhà chú Nghĩa! rồi đi sắp mâm bát. Suốt bữa ăn, bố không nói một câu cho đến khi đứng dậy. Mẹ nhìn bố rồi nhìn Lam, nói chuyện vẩn vơ...
5. Chuẩn bị thi toàn quốc, Lam bận túi bụi với bài vở, đi học suốt, có khi cũng chẳng về ăn cơm. Thỉnh thoảng mẹ nhắc tới việc đưa bà lên, bố gạt đi :"Để cho cái Lam thi xong đợt này rồi tính. Bà lên, bà khó tính, nói suốt như trước nó học làm sao?" Mẹ lặng im. Lam định nói cứ để bà lên nhưng không hiểu sao chẳng nói nổi đành im lặng. Lam bỏ lớp học thêm buổi tối, ở nhà ôn bài thấy vào hơn.
Trong cuộc họp mặt trước hôm thi, đài truyền hình về quay phim buổi nói chuyện và phát trên vô tuyến. Trong đó có cả Lam. Hôm sau , bà lên, xách theo mấy con gà bảo để Lam bồi dưỡng. Bà không nói nhiều, chỉ ôm Lam vào lòng rưng rưng nước mắt. Bố thở dài bỏ sang hàng xóm đánh cờ, mẹ xuống bếp trông cám lợn, cứ mặc hai bà cháu với nhau. Lam rúc đầu vào lòng bà tận hưởng mùi trầu cay cay, như hồi còn trẻ con:"Tối nay cháu ngủ với bà, bà nhé!".