"Đi đâu" - thằng Tăng hỏi, cộc lốc. Chả là chúng tôi đang cuối khóa học, sắp sửa đi thực tế, đứa nào thích đi vùng nào thì đăng ký, tự do. "Đâu cũng được. Nước non gì!" - tôi uể oải. Tăng vứt phẹt mảnh gương con lên gối tôi: "Soi đi. Mặt giống mớ giẻ rách. Đàn bà là thứ mẹ khỉ!" Tôi nhòm vào gương. Giống giẻ rách thật. Tôi đã nằm suốt mấy ngày nay, mặc mọi thứ, bài vở, luận văn, các em bé xinh xẻo và làm bộ mê nghệ thuật xưa nay tôi vẫn hay lấy làm trò giải trí... Như là một tất yếu, chẳng đáng nửa gờ ram ngạc nhiên. ừ thì mẹ khỉ, mà trong đời không từng khốn nạn vì một loại mẹ khỉ như thế thì có thành nổi thằng đàn ông không! "Hay tao ghi tên mày đi A Lưới luôn? Rừng rú một phen cho nó tròn cuộc đời..." - Tăng trở vào, lại hỏi. Trong mấy năm theo học đại học, tôi chỉ có nó là bạn. Nó là một thằng bông phèng và cùn, yêu như chuồn chuồn chớp nước, học dốt, được cái có tiền và rộng bụng. Nó học mỹ thuật không phải vì có tài hay mê, đơn giản là vì chẳng biết học gì hơn. Bố nó làm giám đốc văn hóa một tỉnh. "Nhiệm kỳ sau chắc cái phó chủ tịch văn xã" - nó tự tiên đoán rồi vỗ ngực: "Đương nhiên tớ là giám đốc nhà văn hóa, ít cũng trưởng phòng chuyên môn". Nghệ thuật, đấy là một thứ trang sức làm đẹp xã hội - nó lý luận thế. Nó làm luận văn tốt nghiệp về vấn đề: "Nghệ thuật tranh cổ động". "Cổ động thì nghệ thuật quái gì!" - bọn khoa tôi chửi nó. "Là nghệ thuật mềm dẻo" - nó đáp. Vậy mà nghe đâu nó sắp hoàn thành luận văn, đi thực tế về nữa là O.K.
"Chỉ trông gặp một nàng nào bén mắt, tí toáy vui chơi, rồi chuồn. Các em thành thị, quen lắm cũng chán bỏ mẹ" - nó tuyên bố. Đấy là mục đích của nó. Thế cũng được, có cái mà vui, mà thấy đời có nghĩa.
Tôi đi chẳng mục đích gì. Đời tôi, gần ba chục năm, chỉ thấy mỗi trò yêu đương là đáng giá nhất. Chẳng lý tưởng chẳng niềm tin. Đời là một cuộc càng chơi càng trắng tay. Mặc kệ, đỡ phiền. Không biết thế hệ tôi có thế cả không?
Miễn nghĩ? Đấy là phương châm.
Đấy, cũng là lý do để tôi có mặt ở nhà một người đàn ông tên là Đang, ở buôn A Choi, sâu trong rừng A Lưới, tây thành Huế.
Nhà ông Đang, người Cơ Tu gọi là Ma Đang, có cả thảy năm người: Mí Mùa là vợ, Kan Sao con gái lớn, Ku Lỏng thứ hai sau nữa là hai con bé tên Kan Mun và Kan Thương.
Tôi ở đến ngày thứ ba thì tạm gọi là quen được Mí Mùa. "Núi sau nhà là Núi Bông. Khe trước mặt là Khe Lu. Không có cọp beo, nhưng đừng đi xa, lạc đấy! Trưa bỏ gạo vào ống lam mà nấu..." - Mí Mùa dặn tôi trước khi đi nương. Tôi nhìn Mí, ngạc nhiên, thấy sao Mí nói tiếng Kinh sõi thế, hơn dân buôn rất nhiều. Nhưng Mí già, so với Ma Đang thì Mí già lắm lắm. Không biết Mí mấy chục mà lưng còng, vú chảy sệ thõng thẹo. Mặt thì nhăn hết chỗ nói. Ngày xưa bà tôi cũng già, nhưng không xấu và sợ bằng Mí Mùa.
Tôi quẩn quanh mấy ngày, hết ra suối lại lên nhà, buồn chân suỵt đuổi mấy con lợn con gà ăn quẩn dưới gầm nhà sàn, không dám đi xa. Thằng Tăng ở buôn bên kia. Nó chấm xí nhà ông chủ tịch, vì nhà ấy giàu, gần lối đi ra huyện, hơn nữa có cô con gái tương đối.
Bấy giờ là đầu tháng mười hai. Dưới Huế độ này đang mưa. Mưa Huế âm ỉ, triền miên cả tuần cả tháng không dứt. Ngồi trong cư xá, nhìn màn mưa giăng giăng mờ mờ, đêm vắng nghe nước giọt tí tách đều đặn từ mái hiên, chỉ muốn tự tử. Trên này lại mùa khô. Khô và lạnh, sáng mở mắt nhìn trời, thấy sương đùng đục từng tảng đùn ra từ những kẽ núi, trườn trắng nhỡn trong thung lũng, nhìn mãi dợn cả người. Tôi xách giá vác cọ ra bờ suối, chẳng vẽ được cái gì. Nước chảy óc óc. Buồn quá! Tôi bỏ phố để trốn chạy một nỗi buồn, đúng hơn là một kiểu buồn, đến đây lại gặp một kiểu buồn khác. Luận văn, tác phẩm tốt nghiệp... mơ hồ chờn vờn đâu đấy, không đủ để thành một ý nghĩ. Sao vậy?
Tôi nằm ngửa trên đá, nghe hơi đá thấm từ phía sau lưng, hơi sương từ phía trước ngực. Vây quanh tôi là núi, toàn núi, chìm chìm trong mây, thi thoảng mới nhô nhô ra một vài mỏm nhọn hoắt trông giống răng con sư tử. Tầm gần trưa nắng lên, sương tan, để lộ một khoảng trời xanh thẳm, hun hút, nhưng trên những đỉnh núi cao, mây trắng vẫn lởn vởn. Một ngày thế. Hai ngày thế... Những ông bà già người Cơ Tu đi qua không hỏi tôi. Họ biết ít tiếng Kinh, và đúng hơn là họ chẳng thấy có "nhu cầu" - từ dùng một cách văn minh - bắt chuyện với tôi: trẻ con đứng xa xa, thì thầm với nhau bằng tiếng dân tộc; các cô gái ra suối, vừa kịp thấy tôi ườn ườn vội kêu re ré, rồi chạy trốn vào sau những lùm cây. Tôi tự nghĩ: Hay tôi là ma, là quái vật?
Hôm lên đây đến giờ tôi chẳng soi gương, chẳng chải tóc. Mảnh gương con thằng Tăng bỏ túi. Không biết mặt tôi bây giờ giống cái gì.
"Buồn lắm à?" - Mí Mùa hỏi. Tôi dạ, bất chợt thấy lòng rưng rưng. Tôi không dám nhìn lâu mặt Mí, mặt Mí nhíu nhíu nếp nhăn, thê thảm. Mí là đàn bà Cơ Tu - đàn bà Cơ Tu chỉ biết lấy chồng, đẻ con, làm lụng, rồi chết mà không biết ước mơ gì. Tay Mí đơm cơm cho tôi kìa, bàn tay đen nhẻm, những ngón to và sần sùi, và cứ tõe ra. Như thể tất cả những khốn khổ của đời này đổ hết lên Mí, và Mí thì cứ thế, công nhiên hứng chịu, gánh cái khổ cặm cụi đi hết đời, chẳng buồn, chẳng đau. Mẹ tôi cũng thế. Mùa này quê tôi cũng lạnh. Không biết mẹ tôi có mặc áo rách như Mí Mùa? Không biết mẹ tôi có già như Mí Mùa? Hai năm nay, tôi vẽ tranh nhí nhắng, bán được tiền, rồi gặp Vân, đi cùng em trong cuộc yêu ham hố, tôi không về thăm mẹ nữa. Trong nỗi đau tôi, tôi cũng chỉ biết đau vì tình. Bây giờ nhìn Mí Mùa tôi mới thấy thứ tình của tôi vô nghĩa làm sao! Mẹ ơi! Tôi muốn khóc quá. Chờn vờn đâu đây là bóng mẹ tôi hớt hải ngơ ngác bên bến Chiềng sông La. Bến vắng, chiều hoang... Mẹ còn đợi sao mẹ? Xưa kia cha tôi cũng vì tình mà bỏ mẹ tôi đi, rồi chết mất xác trong Sài Gòn. Mẹ tôi lẳng lặng thờ cha, rồi từng đêm từng đêm lẳng lặng khóc, rồi từng chiều từng chiều ra bến sông ngồi đợi... Thì sông nước vẫn vậy! Cha tôi không về lâu rồi, tôi cũng bặt vô âm tín. Mà bất chợt bây giờ mới hiện lên mồn một hình hài mẹ tôi, nỗi niềm mẹ tôi... Mẹ ơi!
Đêm ấy tôi nằm mãi không ngủ được. Lạnh quá. Và cô đơn quá! Tôi đeo đẳng một ảo hình mà thậm chí không biết là ảo hình gì... Mà ở đâu ở đâu người có thể thấu hiểu tôi, có thể sẻ chia cùng tôi, có thể khóc có thể cười với tôi? Ai là kẻ trong đời sinh ra để chờ tôi để yêu tôi để vỗ về tôi những đêm lạnh thế này? Vân ơi bây giờ Vân vô nghĩa lý! Nhưng mất đi một thứ vô nghĩa như thế, thì tôi lấy gì để an ủi mình? Buồng trong Kan Sao thở đều đặn. Chắc Kan Sao ngủ say. Tôi ở nhà em một tuần rồi nhưng em cứ trốn tôi, em giấu gương mặt em sau mẹ, chẳng cười chẳng hỏi tôi. Mí Mùa cũng ngủ. Mí có nghĩ ngợi gì không hả Mí?
Tôi hé mặt khỏi tấm chăn đẫm mùi mồ hôi mấy mùa rồi không giặt. ánh lửa bên ngoài rọi vào le lói như ánh ma trơi. Dễ đã qua bên kia nửa đêm rồi mà Ma Đang vẫn chưa đi ngủ. Ma ngồi vần thuốc bên bếp, lặng yên, bóng chập chờn bên vách. Đêm sâu thẳm, tĩnh và chỉ một mầu đen kịt. Lâu lâu từ bên kia núi vẳng qua tiếng mang tác thảm thiết. Tôi nhớ chiều nay lần đầu tiên Ma Đang hỏi chuyện quê hương, tôi đáp lời nhát gừng, vì quê hương trong tôi gợi những điều buồn và có gì đâu mà kể, nhưng bỗng giật mình vì hình như Ma Đang giật mình, dù rất khẽ, rồi trong đôi mắt sâu tối lạnh lùng của ông có một chút gì đó lóe sáng. Sao vậy Ma Đang?
Con mang tác thảm quá. Mí Mùa bảo mang chỉ tác lúc nào mất bạn tình. Tiếng tác gấp gấp là tiếng mang đực, tiếng ngắt quãng và kéo dài về cuối là tiếng mang cái. Dễ chừng con mang tác đêm nay là mang cái! Ngoài rừng sương dày và lạnh, sao thấy lối mà tìm bạn hả mang? Mí Mùa kể rằng mấy năm nay người Kinh từ dưới Huế, ngoài thị trấn vào nhiều, rảo khắp rừng A Choi săn thú, mang mất bạn không đêm nào không tác không gào. Về trước rừng A Choi nhiều thú, đủ loài đủ giống, sống bình an cùng với con người, nhưng chiến tranh đã tiêu diệt gần hết chúng. Yên bom đạn được vài năm, bao nhiêu thú sót lại trong rừng liền bị con người dồn đuổi săn bắn, chạy nháo nhác mà không biết ngụ nơi đâu. Mí Mùa than thở với tôi thế. Tôi nghe, không biết chia sẻ cách nào với Mí, dù tôi ăn bả văn minh, nghĩ ngợi đau đớn cơ chừng bài bản hơn Mí. Làm sao được khi cả con người cũng thấp thỏm bất an, nỗi bất an mơ hồ vì muôn thứ lý do mà không phải lý do nào cũng có lý...
Ngoài bếp Ma Đang vẫn ngồi, như một pho tượng, khói thuốc mù khét phả vào không gian nồng nặc.
Tôi chuồi khỏi chăn, rón rén ra bếp, ngồi xuống. "Không ngủ được à?" - Ma Đang hỏi. Tiếng Ma nhỏ, gần như thì thầm. Tôi cố nhìn mặt ông. ánh lửa lem nhem chỉ hắt thêm bóng tối vào gương mặt ông. Đấy là một gương mặt của bóng tối: bóng tối của bờm tóc xơ cứng, của đôi mày rậm dài, của đám râu lâu ngày không cạo và nhất là đôi mắt - đôi mắt sâu lạnh và hoang hoải gai người.
"Tôi biết chú con ông Hiển" - bất ngờ Ma Đang nói. Tôi bàng hoàng. Hiển là tên cha tôi. Ông mất lâu rồi mà chẳng lẽ hình bóng ấy đam mê ấy còn in dấu nơi tôi? Và không lẽ trong bước lưu lạc vì tình ông đã qua chốn rừng thiêng này? "Sao Ma biết?" - Tôi hỏi. "Vì tôi người xóm Chiềng. Vợ tôi tên là Nghĩa..." - Ma Đang nuốt một lời gì tiếp. Tôi dường không tin ở tai mình nữa. Không lẽ đây là chú Đang, chồng trước của thím Nghĩa tôi? Nhưng sao chú lại có mặt ở đây? Hay như cha tôi người này cũng đi vì phù du nào đó, phù duy quyến rũ vô thường, dẫu đau thương cũng không cần ngoảnh mặt.
Bấy giờ là cuối năm 1967. Cuộc chiến tranh ở miền nam đang vào hồi ác liệt. Để giành lấy thắng lợi, miền bắc phải từng ngày từng giờ dốc sức người sức của chi viện cho chiến trường miền nam. Sinh ra vào thời giặc giã, làm trai dấn bước sa trường là tất yếu. Nhưng do tính chất công việc, anh thiếu úy Công an huyện Nguyễn Văn Đang nghĩ mình hẳn không có cơ hội để trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường. 25 tuổi, anh cưới vợ. Nhưng vừa cưới chừng hơn một tháng thì thình lình anh có lệnh vào nam gấp. Vội vã chia tay vợ, anh theo xe vào Quảng Bình, theo đường 15 lên tập kết ở ngã ba Dân Chủ rồi từ đó cứ men Trường Sơn mà vào thung lũng A Lưới.
Giáp Tết Mậu Thân, rừng A Lưới rộn rịp người qua lại, nào bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân công, nhân viên các binh trạm của khu, tỉnh... Những tuyến đường đầy bóng người. Những đêm rừng nằm trong một trạm giao liên, lòng nhớ về vợ trẻ và hưng phấn cùng cuộc chiến ngày mai. Ngỡ vào Nam là đánh giặc, nhưng anh sĩ quan trẻ chỉ nhận được lệnh nằm lại bản A Choi chờ nhiệm vụ. Càng cuối năm, rừng càng vắng dần, quân của khu, các cơ quan đoàn thể, chính quyền dời dần qua Nam Đông về sát Huế. Phong thanh về một trận quyết chiến để giải phóng. Rồi giao thừa năm đó súng nổ. Súng nổ mịt mùng dưới Huế. Quân giải phóng đánh chiếm Huế nhanh gọn, để sau một thời gian là một cuộc chạy dài, không phải chỉ chạy trở lại Nam Đông, A Lưới, mà bật ra khỏi cả Quảng Trị, Đông Hà, ra tít Hướng Hóa.
Đang hưởng một cái Tết buồn hiu hắt và bồn chồn như lửa đốt trong lòng. Anh cùng hai người nữa giữ một trạm trung chuyển vắng ngắt dưới chân núi Bông. ít ngày sau hai người kia chào Đang ra đi. Anh đành vào A Choi sống dựa dân bản, cũng gọi là để có hơi hướng con người cho đỡ cô đơn. Thỉnh thoảng ngóng tiếng súng từ xa tít mù, anh tự an ủi mình rồi đây sẽ có một nhiệm vụ quan trọng nào đó chờ anh. Nhưng không kịp, hoặc thực ra không có một nhiệm vụ nào cho anh hết, một phát súng để gọi là có bắn vào quân thù cũng không. Sau Tết Mậu Thân, cuộc rút khỏi thành phố trở nên đẫm máu. Bỏ lại đồng đội người thân, bỏ lại Huế bàng hoàng ngơ ngác, số người quá ít ỏi trở về rừng thì chỉ còn một nỗi bơ phờ đau đớn. Chiến tranh, sau nhiều năm, đến chừng đó mới bộc lộ toàn bộ rõ ràng bản chất phản trắc của nó. Cuộc trả thù tàn khốc diễn ra lập tức. Bom, pháo, napan và chất diệt cỏ được người Mỹ tưới không thương tiếc lên những cánh rừng miền tây thành Huế. Đường sá, kho tàng bị phá hủy. Rừng cháy, nhà cháy, nương gẫy bị thiêu trụi, cây cối rụng lá, chết đứng. Thậm chí thiên nhiên hung tợn cũng chưa bao giờ trừng phạt con người như thế. Dân Cơ Tu, Tà Ôi... ở A Choi nháo nhào. Họ chạy từ núi này qua suối khác, họ nhào vào các hang núi, hoảng loạn. Chỉ để đừng chết. Mà xác người vẫn rải dọc những lối rừng độc. Lúc ấy ở A Choi duy nhất có mình Đang là "bộ đội" - dân Cơ Tu quen gọi tất cả những người miền xuôi đi đánh Mỹ là "bộ đội". Không còn cách nào khác, Đang phải chung số phận với dân chúng A Choi. Anh nằm hang nhủi rừng, đi đào củ mài củ chuối, chia sẻ sống chết cùng mọi người. Anh là người của "cách mạng", chừng nào đồng bào còn tin ở anh tức là còn tin ở "cách mạng".
Sau đấy là nhiều tháng ròng đói khát. Người A Choi vào rừng hái nấm trên những cây chết do chất độc, xuống suối mò ốc, ăn rau dại, cả xác súc vật chết, ăn bất cứ cái gì bỏ được vào miệng. Bộ đội kéo qua cũng chung cơn đói vật vã. Đói và rét. Bao nhiêu đồ đạc tư trang, cái mất mát cái sẻ cho dân bản, Đang chỉ giữ lại thẻ quân nhân, cặp quân hàm và khẩu súng ngắn. Anh chờ một mùa, hai mùa, rồi một năm, hai năm... Không có ai đến tìm anh để giao nhiệm vụ. Thi thoảng gặp đôi bóng cán bộ đi qua A Choi, có hỏi cũng chỉ nhận được một cái lắc đầu. Bỏ đi, bộ đội hay dân công qua sẽ không có chỗ trú chân...
Đang đã ở A Choi bao nhiêu lâu, kỳ thực đến sau này anh mới tính được, còn hồi đó khi tờ lịch duy nhất trong cuốn sổ tay bị mất, anh vạch than lên vách lán tính ngày, rồi thì cũng không còn tính được nữa, ký ức chỉ là sự lưu lại của bao lần dời bản phát rẫy mới, bao lần trỉa hạt bắp mang nắm thóc về nhà. Từng ngày ở trong rừng, khác nhau chăng là sớm hay trưa, mưa hay nắng. Tóc anh đã dài và bù lên vì lâu ngày không cắt. Râu thòng ngang ngực và mỗi lần nhìn xuống mắt bỗng đau nhức vì đôi sợi bạc. Chừng đó đủ để người Cơ Tu quên anh là người Kinh. Và anh thì đã quen đóng khố để ngực trần như đàn ông Cơ Tu.
"Vậy đó! khi tôi không còn đủ kiên nhẫn để đợi nữa và đã gần như cảm thấy mình loạn trí, tôi cắt rừng về xuôi, mới hay vừa hết chiến tranh. Tôi đứng giữa phố Đông Hà mà rú lên, chú ạ! Rồi bất giác nhận ra người ta nhìn tôi ngơ ngác và lạ như nhìn một quái vật. Tôi nhìn tôi trong tấm kính trước một cửa hiệu mới dựng, thấy tôi đúng là quái vật thật. Nhưng tôi còn tin. Tôi đến một ủy ban, người ta bảo đấy là ủy ban, chứ thật lúc ấy tôi chẳng biết đấy là ủy ban gì nữa. Tôi chìa thẻ, chẳng ai tin. Chắc người ta tưởng tôi điên. Người ta thu luôn thẻ của tôi, vì nghi tôi được hay thóp ở đâu đấy. Tôi đòi lại, tôi năn nỉ, ứa nước mắt nài cũng không được. Tôi chìa tiếp khẩu súng thì trời ạ, nó chỉ là một cục sắt rỉ. Lúc đó tôi hận lắm, nhưng sau này ngẫm lại, thấy người ta có lý, vì cái mặt tôi lúc ấy làm sao giống mặt thằng thiếu úy Nguyễn Văn Đang trong tấm thẻ kia được. Thế là tôi trắng tay. Không một xu kẽm, nhưng tôi cũng lần hồi ra đến Đ... Giờ thì tôi thận trọng hơn. Tôi đến công an huyện, vờ lân la hỏi, mới biết đồng đội cũ chẳng còn ai, người vào nam hy sinh, người chuyển công tác, người về hưu... Hỏi thêm thì biết là tôi được báo tử từ năm bảy mươi. Thôi thì... Tôi về quê. Không còn gì tôi vẫn còn Nghĩa. Nhưng chú ạ, đến đầu làng đã nghe tin Nghĩa lấy chồng khác có con rồi, chồng Nghĩa lại là Tính, bạn tôi. Nước ấy tôi tuyệt vọng thực sự, chỉ muốn gào rách họng ra rồi chết quách. Nhưng ngẫm lại, thấy chả trách ai được. Chiến tranh nó có cái lý riêng của nó, chẳng thể khác... Tôi thấy tôi xuất hiện bây giờ cũng vô ích, lại thêm khổ cho Nghĩa, cho Tính. Thôi coi mình chết rồi vậy. Tôi quyết định đi, đâu cũng được. Biết đâu tôi còn cơ hội... Biết đâu đời tôi chưa thể hết... Nhưng rồi tôi vẫn không chống nổi cám dỗ được thấy Nghĩa lần cuối. Tôi đến nhà mình, không gặp Nghĩa, nhưng thấy ảnh mình đặt trên bàn thờ, nhang khói cẩn thận. Đúng là thằng tôi ngày xưa, trẻ trung và yêu đời bao nhiêu! Tức là Nghĩa còn thương nhớ tôi! Vậy tôi cũng mãn nguyện lắm rồi... Đêm ấy tôi nằm co ngoài gốc si đầu làng, dưới tầng mưa phùn não nuột, tầm gà gáy canh ba tôi lẳng lặng đi... Tôi về lại A Choi. ở đấy người ta cần tôi, ở đấy Kan Mùa đã đem lòng thương tôi...".
Im lặng. Ngoài kia con mang rừng vẫn tác, nhưng thưa và khẽ hơn. Không biết nó có tìm ra bạn tình không?
"Nhưng ngày đó bác có thể ra khỏi rừng sớm hơn?" - không cầm được, tôi buột miệng hỏi. "Có thể. Nhưng tôi là một người lính. Nhiệm vụ đầu tiên của người lính phải là chấp hành mệnh lệnh. Vả lại tôi không thể bỏ dân A Choi trong hoàn cảnh như thế..." - Ma Đang chậm rãi nói.
"Bây giờ bác có buồn không?" - Tôi lại hỏi, mà hình như không ý thức được mình hỏi gì. Ma Đang lặng lẽ cời than trong bếp, lúc sau mới nói: "Làm con người ai không có nỗi buồn. Tôi cũng thế thôi. Nhưng thú thật, cái bi kịch của tôi thấm tháp gì với hàng nhiều người khác. Với lại cái chính bây giờ người Cơ Tu gọi tôi là A Ma. Danh từ ấy chỉ dành gọi người được tin tưởng, kính trọng; cái chính là bây giờ tôi có các con tôi...
Các con tôi rồi sẽ đẹp, sẽ khỏe. Chỉ mong sao con gái lớn lên đừng sớm tàn tạ như Mí nó. Ngày xưa Mùa là một cô gái đẹp. Ngày xưa bắp chân Mùa tròn. Chân ấy đi rẫy thoăn thoắt. Ngày xưa mắt Mùa cũng giống mắt con Kan Sao bây giờ, sáng và trong như mắt nai rừng...".
Khi Ma Đang ngừng câu chuyện thì lửa trong bếp đã tàn. Đâu đó eo óc tiếng gà. Tôi nhìn ra ngoài trời, thấy ngoài đó đã bắt đầu một mầu hồng rạng. Tôi xuống thang. Sương vẫn dập dờn trong thung lũng, nhưng sớm nay sương nhẹ và đẹp như một tấm khăn mỏng choàng qua buôn bản. Tôi quỳ xuống, nghe hơi đất đai bốc lên nồng nàn và ngai ngái. Tôi chắp tay. Đấy là lần đầu tiên tôi biết chắp tay lạy tạ cuộc đời.