Ông tôi là một ông lão hiền lành nhỏ bé. Tính ông cẩn thận, sạch sẽ chu đáo như một phụ nữ. Có lẽ vì ông đã kiêm công việc của phụ nữ từ bao nhiêu năm nay.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông bà tôi đều là du kích. Chẳng nhớ hết những lời ông tôi kể, tôi chỉ tưởng tượng người đàn bà trong bức ảnh đặt trên bàn thờ nhà tôi ăn mặc theo lối nhà quê xưa, bụng chửa vượt mặt, tay mang súng lom khom lội dọc mương nước trong tiếng súng Pháp càn Tiên Lãng năm 1953. Rồi lại vẫn mương nước ấy, bà tôi quảy đôi thúng, một bên là cha tôi, một bên là đồ đạc, ì ọp lội trở lại. Khi ông tôi bị thương và về hẳn nhà thì bà tôi không còn nữa. Ông tôi chịu cảnh gà trống nuôi con từ ấy. Ngày ngày, ông đeo xà cột bên hông phía cánh tay cụt, đi khắp làng trên xóm dưới lo việc xã. Nhưng đi đến đâu thì đi, ngày hai bữa và tối đến ông đều có mặt ở nhà là vì còn cha tôi. Ông thương cha tôi, muốn bù đắp để cha tôi đỡ thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác. Cả ông tôi và cha đều rất ít lời nhưng rất hợp, rất hiểu, ăn ý nhau trong mọi công việc. Khi ông tôi đặt nồi cơm lên bếp và chìa tay ra thì cha tôi liền đưa ngay lửa, vung nồi hay đũa bếp. Còn khi cha tôi đến bên ông cọ chân vào nhau như bị kiến cắn thì ông tôi gật đầu. Thế là cha tôi được phép làm một điều gì đó: đi chơi, làm diều hay lấy một thứ gì đó mà ăn. Tối đến, cha tôi ôm cổ ông mà ngủ. Ông tôi chăm cha tôi từng ly từng tý. Tối đến, trước khi đi ngủ, ông kiểm tra chân tay màn mùng kỹ càng. Sáng dậy, trước khi đi học, ông xem lại từ cái cổ áo đến cái cúc tay đã cài hay chưa. Chỉ cần hôm nay mặt cha tôi đã mọc thêm mấy con rôm so với hôm trước ông cũng biết.
Dạo ấy, ông làm công tác thương binh xã hội ở xã, lo việc chính sách đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, cộng với công việc đồng áng cũng vất vả. Đã có nhiều người kể cả cụ ngoại tôi giục ông lấy vợ cho có người nội trợ bếp núc. Lại cũng đã có vài người đánh tiếng mối mai. Thậm chí có người còn chẳng đợi ai mai mối tự tìm đến với ông. ở nông thôn ai có chuyện gì, cả làng cả nước cùng biết. Người ta bảo cha tôi: "Dì mày đấy, chào dì đi". Cha tôi sầm mặt không nói. Điều ấy không qua được mắt ông tôi.
Thế là ông tôi lảng xa người đàn bà đó. Rốt cuộc, ông tôi chẳng lấy ai mà cũng chẳng phân bua thổ lộ với ai vì sao lại như vậy. Ông tôi thầm lặng nuôi cha tôi khôn lớn, ăn học đến nơi đến chốn.
Tính hiền lành, chu đáo cộng với sự thẳng thắn vô tư không vụ lợi trong công việc, ông được cả xã quý mến. Duy có một điều, ông nhất định không nhường ai ấy là tiêu chuẩn con em liệt sĩ của cha tôi. Vì ông bà tôi đều là du kích kháng chiến, bà tôi lại là liệt sĩ. Cả xã lúc đó có hai suất con em liệt sĩ được đi học ở Liên Xô, ông tôi nhất định giành một suất cho con mình. Điều ấy cũng hợp lý thôi. Nhưng với bản tính của ông trước đây, thái độ khăng khăng của ông bấy giờ không khỏi làm cho nhiều người ngạc nhiên.
Cha tôi học ngành nông nghiệp ở Liên Xô và về huyện nhà làm việc. Cha tôi lấy mẹ tôi là bạn cùng học ở nước ngoài với cha. Suốt những năm cha tôi xa nhà đi học, cả cha và ông tôi đều khổ sở vì nhau. Nếu không vì tương lai sự nghiệp của cha tôi thì cả hai khó mà vượt qua nổi. Nhưng rồi họ cũng quen đi. Đến khi cha tôi lấy vợ thì cha đã không còn thấy khổ vì xa ông tôi nữa. Cha mẹ tôi được phân nhà trên huyện và gia đình tôi ở luôn trên đó. Mấy lần cha tôi đón ông lên nhưng chỉ một thời gian ngắn ông lại trở về nhà. Khi tôi còn nhỏ, để tiện cho cha mẹ tôi rảnh rang phấn đấu, lại để ông khỏi buồn, cha mẹ gửi tôi về với ông. Mẹ tôi lo tôi không được săn sóc chu đáo, nhưng cha tôi gạt phắt. Cha rất tin ông tôi. Thế là tôi về ở với ông. Chính vì thế mà tôi biết ông đã nuôi cha tôi như thế nào. Tôi rất thích ở nhà ông. Ông chăm tôi chu đáo. Tôi chả phải làm gì, chả bị ai la mắng, lại tha hồ ăn ổi, ăn bòng. Đến tuổi đi học thì cha mẹ mang tôi đi vì sợ ở nhà, học trường làng cô giáo lên lớp quần còn xắn quá gối thì học hành gì. Tôi phải xa ông. Thỉnh thoảng, ông ra nhà tôi. ấy là khi cha mẹ tôi có vướng mắc gì trong sự nghiệp phấn đấu thì ông ra phố huyện để gặp "anh nọ anh kia", bạn chiến đấu cũ của ông để tháo gỡ hộ cha mẹ tôi. Được cái ông làm việc đó khá dễ dàng. Khi tôi đau ốm hoặc chủ nhật tôi cũng thỉnh thoảng gặp ông. Đến mùa hè là tôi về ở hẳn với ông mấy tháng.
Ông tôi đã thôi làm việc ở xã. Việc đồng áng ông cũng ít làm vì sức yếu lại chỉ có một tay. Suốt ngày ông quanh quẩn trong nhà ngoài vườn. Rỗi rãi lại đâm buồn. Ông muốn làm thêm việc gì thì cha tôi gạt phăng, rằng: "Thiếu thứ gì thầy cứ bảo con. Thầy làm thế để người ta nhổ vào mặt chúng con à? Hai vợ chồng cán bộ huyện, nhà cao cửa rộng, có mỗi bố già mà để đi mò cáy móc còng kiếm ăn...". Ông tôi lại nín lặng. Nhưng rồi cha con tôi ngày càng thưa về. Cha tôi càng làm to, càng khá giả thì càng lắm bạn bè, bố mẹ, anh em nuôi, kết nghĩa. Rồi thì ông bà ngoại chèo kéo đòi chủ nhật phải về bên ngoại. Buồn quá. Ông tôi nấu ấm nước chè xanh bán ở cửa cho những người đi làm đồng về. Ông sạch sẽ chu đáo, nước nấu lại ngon nên nhiều người uống. Rồi thì bà con có nải chuối, chục trứng không đi chợ được, nhờ ông bán. Thế là thành quán bán hàng. Ông phải giấu cha tôi. Ngày nào cha về thì quán ông đóng cửa. Tôi thì ông không giấu. Với lại tôi ở với ông hàng tháng, giấu tôi sao nổi.
Một thời gian, những nhà có giỗ chạp hoặc có việc đều ra quán ông mua rượu. Thế là ông bán rượu. Người mang rượu đến giao cho ông là cô Gái Đẹn. Cô còn trẻ, chỉ trạc tuổi mẹ tôi, ba mươi hay hơn một tí. Cô ta dáng nhanh nhẹn, mau mồm mau miệng lại rất tháo vát. Chỉ phải cái lưng cô có một cái bướu nhô ra sau còn ngực thì lại gồ ra trước. Có lẽ vì thế mà không ai lấy cô. Lúc đầu, khi cô Gái Đẹn mới đến, tôi tò mò nhìn cô và thấy khó coi. Sau rồi tôi quen. Mỗi lần cô đến, tiếng cô lao xao nghe giòn tan. Cô mở nút can rượu mùi thơm say của men tỏa khắp nhà. Cô rót đưa ông tôi một chén uống thử, miệng nói những lời rất nhã nhặn:
- Bác xem hộ em. Có gì thì cứ phê bình ý kiến giúp cho.
Ông tôi uống một hớp rồi gật gù chả có ý kiến gì vì ông không hay rượu. Chỉ đến tối, lúc cánh đàn ông trong xóm ra quán ông uống rượu và phán: chua hay nhạt thì hôm sau ông tôi mới "ý kiến phê bình". Khi ấy thì can rượu đã cạn nhẵn. Dần dà, tôi mến cô Gái Đẹn và quen với sự có mặt của cô. Cô qua lại tự nhiên như người nhà. Cô chưa bao giờ ra lệnh như mẹ tôi, cứ như cả đời cô chỉ có nghe lệnh người khác chứ chẳng ra lệnh cho ai. Muốn nhờ tôi lấy lá chuối khô làm nút chai, cô ngọt ngào:
- Cháu ơi, làm ơn làm phúc cho cô xin nắm lá chuối khô với nào.
Thế thì ai mà chả lấy cho cô cơ chứ.
Từ ngày có rượu của cô quán ông tôi nhộn hẳn lên. Các gã không có chỗ tán gẫu bây giờ ra đây tụ tập. Họ nói đùa nói tếu "vô tuyến truyền mồm" đủ loại tin tức, lắm khi cười đau bụng. Ông tôi thường chỉ tủm tỉm: "Anh có thực mục sở thị" hay lại "con quạ đẻ ra một rá trứng" hẳn thôi. Cô Gái Đẹn có khi ngồi lại nghe kỳ hết câu chuyện mới đi. Cô năng đến để giao rượu, để lấy can, để nghe chuyện, có khi chẳng để làm gì. Cô ghé lại ngồi xuống mé ghế thủ thỉ trò chuyện với ông cháu tôi. Có khi cô nấu hộ nồi cơm. Có khi qua chợ, còn mua hộ con cá hay sẵn rau vườn nhà cô hái mang lên cho. Đôi khi tôi bắt đầu ỷ lại vào cô, có khi là trông ngóng thực sự. ấy là những khi ông ngã bệnh hoặc vết thương tái phát, tôi luống cuống chẳng biết làm thế nào. Lúc ấy tôi không hề mong bố mẹ tôi về mà chỉ mong cô Gái Đẹn. Tôi ngóng nhìn con đường sang làng cô phía bên kia cánh đồng. Cô Gái Đẹn đang đến, tiếng cô đon đả từ ngoài:
- Bác hôm nay nghỉ hàng hay sao?
Tôi vội chạy ngay ra thông báo:
- Ông cháu ốm rồi.
Cô vứt vội cái làn trong có can rượu vào góc nhà. Cô chạy lại sờ lên trán ông như sờ một đứa trẻ. Cô lại ướm tay vào lòng bàn tay bàn chân ông, miệng xuýt xoa:
- ối chết chết, nóng như hòn than giời ạ.
Cô đi vào trong vườn hái lá, thoắt cái đã được nồi nước xông thơm hăng hắc mang lên. Cô đỡ ông dậy soạn sửa chỗ, bắt ông ngồi cạnh nồi lá rồi trùm lên ông và nồi lá một cái chăn, miệng dỗ dành:
- Thế nhá, thế... chịu khó một chốc là nhẹ ngay thôi mà.
Ông tôi làm theo như một đứa trẻ ngoan và bỗng rên lên một tiếng làm cho cô Gái Đẹn lại phải dỗ dành. Để ông ngồi xông, cô chụm bếp đặt lên một niêu con cháo. Lúc sau, cô ngồi bón cho ông từng thìa cháo hành thơm nức khiến tôi đứng ngoài phải nuốt nước bọt.
Cứ như thế, tôi đã quên hẳn cái bướu của cô chỉ còn nhớ dáng nhanh nhẹn, giọng nói giòn và ngọt của cô. Nhưng những khi cha mẹ tôi về, cô không ở lại chơi, chỉ giao rượu tính tiền, lấy can rồi về. Tôi thấy rõ cô và ông tôi đều mong gặp lại nhau. Cha tôi không đồng ý cho ông tôi bán hàng bảo là ông không biết giữ thể diện cho con cái. Nhưng cha tôi chẳng ở nhà mà giữ mãi được nên ông tôi nghỉ vài ngày rồi lại bán. Bỗng một hôm đang đêm cha tôi sồn sồn phóng xe từ huyện về một mình. Ông tôi đã đi ngủ, cha tôi lay ông dậy:
- Thầy, Thầy dậy con có câu chuyện đây.
Ông tôi trở mình ho húng hắng và dậy. Cha tôi châm đèn pha nước đặt lên bàn rồi mời ông ra uống nước. Cha tôi nói nghiêm trang:
- Thầy ạ. Con không hiểu thầy nghĩ thế nào. Bao nhiêu năm qua thầy ở vậy nuôi con khôn lớn. Con biết ơn thầy, con kính trọng thầy. Bây giờ con đã trưởng thành, không hơn người cũng chả kém ai, cũng làm ông nọ bà kia là lúc con giả nghĩa thầy. Đến lúc này là lúc thầy an nhàn sung sướng. Thế thì sao thầy còn nghĩ chuyện đèo bòng mà làm gì?
Ông tôi nín lặng. Cha tôi tiếp:
- Thầy nghĩ mà xem: Tuổi cao, tật bệnh như thầy, ai tử tế gì mà cáng? Chẳng qua là nó chỉ lợi dụng thầy, góp gạo thổi cơm chung một thời gian, đợi thầy chết là cửa nhà cơ nghiệp của thầy nó hưởng.
Ông tôi "hừ" lên một tiếng và quay mặt nhìn lên vách nơi hai cái bóng của hai cha con bị ngọn đèn ở giữa tách về hai phía. Cha tôi xẵng giọng nói tiếp:
- Thầy cũng phải nghĩ đến con: Tiền của đã vậy còn danh dự, sĩ diện nữa chứ. Quan trên ngó xuống, người ta trông vào. Mà... với ai chứ? Với cái con người chẳng ra người... Rác tai từ huyện mà về.
Ông tôi giận tím mặt, ho khù khụ lên, đứng dậy đi vào buồng. Cha tôi ngồi ngay cán tàn nhìn ông.
Đêm ấy, cha tôi ngồi hút thuốc cả đêm. Sáng ra, tóc cha bạc một vạt trắng. Còn ông tôi, sáng hôm sau không dậy. Tôi bưng bát cháo cho ông, ông không ăn. Cha tôi phóng xe về huyện và đến trưa thì bác sĩ giám đốc bệnh viện huyện có mặt ở nhà tôi xem bệnh cho ông. Nửa tháng sau, ông đã có thể ngồi dậy bán hàng. Lạ một cái suốt thời gian ông ốm, cô Gái Đẹn không thấy sang. Rồi khi ông ngồi dậy bán hàng cũng không thấy cô sang. Hàng của ông không có rượu nghe chừng nhạt nhẽo thế nào. Không còn những buổi chiều tối rôm rả của cánh đàn ông bợm rượu thi nói khoác ở đây. Ông ngồi bán hàng như câm như điếc. Ông luôn luôn ngóng ra xa con đường dẫn sang làng bên. Tôi cũng buồn lây. Có lúc tôi thấy cha tôi nói phải, lý luận của cha rất sắc bén. Có lúc tôi lại thấy thương ông, ngầm trách cha tôi không hiểu ông, không hiểu cô Gái Đẹn. Nghe tiếng ông thở dài, tôi oán cả cô Gái Đẹn sao lại bỏ ông cháu tôi không sang.
Ông tôi mở lại quán chưa được một tháng thì thôi không bán nữa. Ông vật vờ đi lại trong nhà trong vườn như kẻ tâm thần. Cha tôi lại đưa bác sĩ về nhưng bệnh ông không khỏi như lần trước. Rồi ông tôi mất. Hôm ông mất, đưa ông ra cánh đồng giáp làng cô Gái Đẹn, tôi để mắt nhìn về phía ấy nhưng không thấy bóng cô. Tôi thấy giận đến căm tức cô. Nhưng hôm sau ra thăm mộ ông từ đằng xa, tôi thấy cái bóng nhỏ như trẻ con của cô gục xuống bên mộ ông. Quên cả giận, tôi lao lại phía cô. Cô Gái Đẹn ôm lấy tôi khóc nức nở. Tôi hỏi cô vì sao không mang rượu cho ông tôi, cô lắc đầu:
- Cô không nấu rượu giao nữa cháu ạ.
Tôi hỏi vì sao, cô ngần ngừ một lát rồi kể lại. Thì ra cha tôi sau khi không thuyết phục được ông tôi ngồi tàn đêm nghĩ cách. Hôm sau cha tôi đã sang làng bên tìm gặp cô gái mắng mỏ nhiếc móc cô đủ điều. Rồi hôm sau, ủy ban xã gọi cô lên nhắc nhở, răn đe, cấm cô không được nấu rượu đem giao nữa. Cô Gái Đẹn phải hứa không nấu rượu, không giao rượu, không gặp ông tôi và cô đã làm đúng như vậy. Cô khóc rấm rứt mãi trong khi kể với tôi. Trông cô già đi hàng chục tuổi. Trời tối, tôi giục mấy lần cô mới chịu về.
Cha tôi làm ma cho ông rất to. Ai vào viếng ông cũng kể những đức tính tốt của ông và khen ông phúc đức có hậu cuối đời an nhàn sung sướng. Ai cũng chép miệng chỉ ước được như ông. Cha tôi khóc ông sưng cả hai mắt. Khi mọi người về hết, cha tôi ngồi lặng lẽ. Rồi cha kể cho tôi nghe về cuộc đời ông nội, tất nhiên là không có quãng từ khi có cô Gái Đẹn.
Cuối cùng cha tôi bảo:
- Người tốt như ông nhất định sẽ được lên thiên đàng.
Điều ấy thì tôi tin. Có điều không biết thiên đường nó thế nào chứ tôi rất hay mơ thấy ông tôi đang ở trong thiên đường của ông tôi. Ông đang ngồi bán quán, có những người khách uống rượu thơm nồng lại cả mùi lá hương nhu thơm hăng hắc, có tiếng cô Gái Đẹn giòn và ngọt còn tiếng ông tôi hiền lành "anh có thực mục sở thị hay lại con quạ đẻ một rá trứng hẳn thôi". Có khi tôi lại thấy ông đang nằm, cô Gái Đẹn đang chườm tay lên trán ông, lên lòng bàn tay, bàn chân ông và ông khẽ rên một tiếng nũng nịu. Phải, đó là ông đang ở thiên đường của ông. Chẳng biết cha tôi có nghĩ thế không?