Lên Kẻ Chợ! - Người ta vui vẻ gọi Nhung như thế làm cô càng thêm phấn chấn. Chẳng hiểu kẻ chợ là gì nhưng cứ thấy lòng tưng tửng như là đôi chân đang bước trên chín tầng mây. Ô-tô có điều hòa nhiệt độ chạy rõ êm. Sau hai giờ đồng hồ Nhung đã có mặt ở đầu cầu Chương Dương. Sau năm phút xe ôm Nhung đã có mặt ở nhà người cô phía gần chợ Mơ. Người cô ngạc nhiên nhìn cháu. Trước mặt bà đâu phải đứa bé quê mùa, quần đen cứng như mo, áo đầy những vết nhựa chuối và lông bù lẹt ổi. ừ, thì dăm năm đã trôi qua, thời gian đã làm cho cả đất nước và cây cối phổng phao nói gì tới con người. Nhưng thế này thì chính bà không thể nào nhận ra được. Cháu tôi đây ư! - Bà nhìn chằm chằm vào Nhung như muốn hỏi lại mình vậy. Trước mặt bà là một thiếu nữ trưởng thành, tóc đen nhánh, cắt tém phía sau ót, làn môi mềm phơn phớt một lượt phấn hồng nhẹ nhàng, khuôn mặt lanh lẹn, xinh tươi như vạt nắng xuân buổi sớm. Mà đến cổ tay cổ chân nó cũng cứ trắng ngần ngận thế kia thì con trai Hà Nội dứt khoát nhiều thằng chết mê chết mệt là cái chắc.
- Nhưng mà! - Người em họ xa của bố Nhung nói - Cô nhắn cháu lên không phải để lấy chồng. Phải kiếm cái gì vào miệng đã cháu ạ. Cái bụng có ấm mới tính chuyện chồng con được.
- Vâng! - Nhung nguýt một cái rõ dài làm nũng rồi sà vào lòng người cô - Cháu biết vậy chứ. Cháu lên để đi làm mà. Nhưng thời buổi này ra đường đâu phải cứ mặc quần áo xanh công nhân như ngày xưa nữa. Làm ra làm. Chơi ra chơi. Cô nhỉ.
Ngay chiều hôm ấy Nhung nhận việc. Chủ là người đàn bà ngoài bốn mươi tuổi, nhà riêng ở trung tâm thành phố nhưng quản lý một công ty gia đình phía Ngã Tư Sở. Nhung chỉ nghe nói vậy chứ nàng chưa một lần tới Ngã Tư Sở. Nhung phục vụ ngay tại nhà riêng của cô chủ ở gần hồ Hoàn Kiếm. Thế này thì còn gì bằng. Sống ngay bên hồ Hoàn Kiếm! Có mà đi dọn phân cũng cứ sướng. Huống chi lại chẳng phải làm việc ấy.
Cô chủ tên là Huệ, người mảnh mai, nhẹ nhõm và đặc biệt khuôn mặt khá phúc hậu. Nhung nghe cô căn dặn về công việc mà cứ mát lòng mát ruột:
- Cháu học hành thế nào? Bằng cấp ra sao? Có biết nói tiếng Anh, tiếng Trung hay sửa chữa máy móc gì không?
- Thưa cô, những thứ này cháu không biết. Cháu chỉ học hết lớp bảy. Chẳng biết thế nào, cháu đi học đầu óc chẳng chịu tiếp thu gì cả.
Cuộc đối thoại tìm hiểu cứ diễn ra như thế, thoải mái, thân tình. Giá Nhung có kỹ thuật, giá Nhung khá ngoại ngữ, thì với nhan sắc ấy nàng sẽ được giao làm lễ tân, trợ lý, hay việc gì đại loại như vậy. Nhưng khốn nỗi cô con gái đẹp nhất làng Thị, đẹp nhất vùng nam sông Thưa, lại chỉ biết mỗi một nghề là tô son vẽ phấn trang điểm thêm cái hào nhoáng bên ngoài của mình.
Nhung được giao chân nấu ăn cho những người trong gia đình và những người làm trong cửa hàng dưới tầng một. Việc này nàng thạo. Bắt nhập khá nhanh. Chẳng riêng gì cô Huệ mà mọi người khi ngồi vào bàn ăn đều khá hài lòng. Những ngày làm việc đầu tiên qua đi êm ái. Những ngày tiếp theo cô gái quê bắt đầu tò mò để ý đến gia đình này. Cô Huệ suốt ngày bận rộn với công việc. Chừng chín giờ cô xuống dưới công ty phía Ngã Tư Sở. Bảy giờ tối cô mới về và cả nhà cô, chồng cô, những người phục vụ cửa hàng quây quần ăn cơm tối. Có hôm ăn muộn hơn nếu công việc dở dang. Cô Huệ chỉ nghỉ một lúc, rồi lên phòng, ngồi vào bàn làm việc. Cô thường thức với sổ sách tới mười một giờ, có hôm tới mười hai giờ đêm, bên cạnh là bộ máy vi tính cùng với máy in lade. Cô sống giản dị, ăn uống cùng với mọi người. Chuẩn bị ra đường chỉ đứng trước gương vài phút cùng son phấn và lược chải đầu. Chồng cô là người đàn ông đứng tuổi và chẳng có gì đặc biệt, hơi lù đù là khác, đến giờ thì đi làm cơ quan, hết giờ về nhà rồi đi chơi, chẳng hỏi han gì tới nhà cửa và cũng chẳng hỏi han gì tới vợ. Dường như cô Huệ nhẫn nhục chịu đựng cũng đã quen nên mặc kệ cho cái sự ấy cứ việc diễn ra. Duy có người con trai của họ, nghe đâu chỉ có mỗi mình anh ta, thì chẳng hiểu sao Nhung chưa hề gặp mặt. Đôi lần Nhung có hỏi cánh làm công. Người bảo: Hắn đi học! Kẻ nói: Hắn đi chơi. Một anh quả quyết: Hắn nằm viện. Chắc chắn là nằm viện vì mỗi trưa, mỗi chiều, Nhung đều chuẩn bị suất ăn tử tế cho vào cặp lồng để một anh phóng honda đi ngay về phía Trương Định. Hình như đêm cũng có một người ngủ dưới đó. Một buổi sáng đúng lúc cô Huệ đứng trước gương chuẩn bị xuống công ty, đùng một cái, người con trai đó xuất hiện. Nhung ngơ ngác. Nhưng mọi người thản nhiên dường như sự này xảy ra là thường xuyên. Cô Huệ quay ngoắt lại:
- Ai cho con về?
Người con trai đứng bần thần:
- Con xin lỗi mẹ. Con nhớ!...
Cô Huệ gọi:
- Nhàn đâu?
Anh làm công tên là Nhàn chạy tới:
- Cô gọi cháu ạ!
Cô Huệ ra lệnh:
- Chỉ cho thằng Tân ở lại tới trưa. Ăn xong đưa xuống Trương Định ngay.
Nói xong cô quay thẳng ra xe đang đỗ ở ngoài cửa. Cửa xe mở. Trước khi cô bước vào Nhung kịp nhận ra cô lấy vội khăn mùi xoa lau rất nhanh lên mắt. Thì ra Tân nghiện hút. Người con trai độc nhất của gia đình giàu có đã nghiện hút. Cô Huệ đổ khá nhiều tiền của chữa chạy. Nào xin vào các trung tâm cai nghiện. Nào thầy nọ, thầy kia. Rồi cả những bệnh viện và mời riêng bác sĩ đi kèm. Nhưng cứ về nhà một thời gian, nhanh thì dăm bảy hôm, chậm thì vài bốn tuần, lại đâu vào đấy. Khi thì cạy tủ biến mất với tờ ngân phiếu. Khi thì bặt tăm cùng cái xe máy mới mua. Cực chẳng đã, cô Huệ bèn mua một căn nhà phía Trương Định, tường kiên cố, có công trình phụ khang trang, có máy điều hòa nhiệt độ, có ti vi, tủ lạnh. Căn phòng được chia làm hai. Phía trong liền với công trình phụ và tiện nghi tươm tất, phía ngoài để ti vi, điều hòa không khí... Hai phần ngăn cách nhau bởi hàng chấn song phi 14 ken dầy sơn mầu trắng rất nhã. Tân ở phía trong. Khóa chặt. Cần xem ti vi người ở ngoài sẽ mở. Cần giảm độ nóng hay tăng độ ấm người ở ngoài sẽ chỉnh máy điều hòa hai chiều. Nghĩa là anh chỉ việc ăn, ngủ, đi lại, trong cái phòng đầy tiện nghi riêng biệt của mình. ấy vậy, nhưng lần này, đâu có phải lần đầu anh ta bẻ được khóa.
Cô Huệ đi rồi Tân năn nỉ với Nhàn:
- Anh cho em ở nhà đến chiều.
Nhàn dứt khoát:
- Không!
Lại nằn nì:
- Nhưng mà... em chồn chân muốn dạo quanh bờ hồ một vòng.
Anh làm công khẳng định:
- Nếu thế thì đi ngay bây giờ. Anh sẽ đưa mày đi!
Mỗi lời nói của anh làm công như là mệnh lệnh. Sau này Nhung mới biết Tân sợ nhất Nhàn. Và chỉ sợ có Nhàn. Chẳng hiểu vì nguyên nhân gì. Có điều tất cả những lần bỏ trốn, ở trại cai nghiện hay ở bệnh viện, bất kỳ lần nào và bất kỳ từ đâu, đều chỉ một mình Nhàn là tóm được. Có lần cơn nghiện lên đang hung hăng Nhàn chỉ lừ mắt là Tân rũ người xuống và ngồi khóc. Nhưng Nhàn có trách nhiệm lớn đối với cửa hàng không thể lúc nào cũng mang cơm hay xuống ngủ ở Trương Định.
Nhung được làm việc ấy. Nàng vui lắm. Không hãnh diện sao được khi một cô gái quê, tít xóm thôn hẻo lánh ở vùng nam ông Thưa, ăn mặc trang nhã, mỹ miều như tiểu thư đài các cưỡi honda phóng vu vu trên đường Hà Nội. Xếp các cặp lồng thức ăn vào rổ xe ở phía trước, ngồi lên yên, nổ máy, nàng lấy gương trong túi ra soi lại mặt mình lần cuối cùng rồi vào số cho xe phóng đi. Lượn một vòng quanh bờ hồ thì đã sao nào? - Qua gương phản chiếu Nhung thấy rõ một chàng trai bám sau. Có việc gì mà anh ta cứ bám riết mình thế? - Nàng nghĩ - Tới ngã tư Bà Triệu - Tràng Thi, nhân đèn xanh vừa lóe, lợi dụng đông xe, nàng vút lên, bỏ mặc anh chàng lạc lõng mất hút. Chào nhé! - Nàng nghĩ- Nếu thích theo đuổi thì xin cứ việc. Nhung kiêu hãnh nghĩ vậy và phóng xe xuôi xuôi theo đường Bà Triệu.
Đường Trương Định thật rắc rối và lắm ngõ. Nhưng Nhung tìm ra ngay. Ngôi nhà cô Huệ chọn mua thật kín đáo và khá biệt lập. Chuyện chẳng có gì phải lo sợ nhưng chẳng nên để ai biết. Ngay Nhung, gần hai tháng giúp việc cô Huệ cũng chỉ hôm nay mới biết. Nhung mở cổng ngõ, phóng hẳn xe vào trong mảnh sân con. Mở cửa xếp ngoài. Nàng nhận ra đôi mắt người con trai cô chủ sững sờ. Em đẹp lắm phải không? - Nàng nghĩ vậy và quên bẵng tên anh bèn gọi:
- Anh gì ơi, ăn trưa!
Nhung vừa nói vừa xếp lại chiếc bình phong bằng vải hoa để lộ ra hàng chắn song ngăn cách. Cô kê sát cái bàn ăn hẹp vào hàng rào phi 14 ngăn cách, bày thức ăn ra, vừa làm vừa nói:
- Canh ngon lắm anh ạ, đang nóng, anh ăn đi!
Xong mọi việc nàng ngồi xuống ghế ở sát cửa, nghĩa là cách con trai cô chủ một quãng. Cũng chưa kịp để ý xem anh ta ăn như thế nào, nàng sung sướng bước quanh, chợt thấy cái điều khiển ti vi liền gọi:
- Anh gì ơi, anh xem ti vi không? Đang có bóng đá đó.
Cũng chẳng cần đợi trả lời, cô bật. Rồi lại gọi:
- Anh gì ơi, có nóng không? Em bật điều hòa nhé.
Và cô bật điều hòa. Rồi ung dung ngồi xuống ghế bên mép bàn ăn. Cảm giác mình là người tự do, lại là chủ nhân của con cô chủ đang ăn sau bức song thép kia làm Nhung thấy ngồ ngộ. Làm sao không kiêu hãnh được. Ngay cả anh chàng kia, con người lẽ ra hoàn toàn đầy đủ mãn nguyện, giá cứ nghiêm chỉnh theo nghiệp học hành thì muốn học Mỹ, học Anh, học úc, chỉ trừ có lên cung trăng, đều lập tức được chu cấp đến nơi đến chốn, đang mở to đôi mắt nhìn nàng như thèm muốn. Anh ta không hề xấu hổ vì đã từ lâu mất hết lòng tự trọng còn nói chi đến xấu hổ. Nhung xuất hiện làm anh giật mình. Vì lạ lùng chứ có gì phải lo lắng. Hôm trước có thấy Nhung trong cửa hàng nhà mình dưới tầng một, rồi có nghe nói mẹ mới mướn người lo cơm nước, thậm chí anh Nhàn còn rỉ rả vào tai làm cơm này do mỹ nhân nấu, nhưng hôm nay, nàng hiện diện trước mặt chỉ cho riêng mình, anh mới thấy là đẹp. Làn môi tươi kia cong lên... ái chà chà! Phải hôn vào đó mới được! Thì cô vẫn là người làm thuê, có gì mà cao giá.
- Này em! - Chàng gọi - Em không ăn với anh à?
- Em ăn rồi. Ăn ở nhà. Đây là phần của anh.
- Nhưng anh muốn chia cho em một nửa.
- Em chịu. Eo ơi!... Em no lắm.
- Bữa sau em mang cả phần của em tới đây cùng ăn được không? Chẳng lẽ một người ăn một người ngồi. Buồn chết!
Một cái liếc sắc như dao quét đánh loáng qua khuôn mặt trẻ trung của anh con trai cô chủ. Anh ta đẹp giai đấy chứ - Nhung nghĩ - Và chắc là nghiện cũng nhè nhẹ thôi, hay mới, nên phong độ vẫn chững chạc lắm. Nếu chỉ nhìn anh ta những lúc như thế này không ai bảo là nghiện. Có lẽ cô chủ khắt khe quá chăng? Anh ta ăn xong, Nhung đưa nước. Người con trai uống đánh ực một hơi rồi ngước nhìn nàng tiên chẳng hiểu trời phật hay người mẹ đảm đang đã mang tới đây cho mình. Nhưng Nhung đã đứng lên, nhí nhảnh nhìn lại lượt nữa khắp gian phòng. Nàng lại gọi:
- Anh gì ơi, anh có uống trà không để em đi mua?
Sáng kiến ấy không được đáp lại. Nhung cũng hoàn toàn không có ý đợi câu trả lời. Cô đang tận hưởng sự vui sướng chẳng cắt nghĩa nổi, chẳng rõ nó từ đâu tới, nên phát ra bất cứ ý nghĩ nào lóe hiện trong óc. Cô đang gõ gõ đầu ngón tay lên quả đấm cửa thì từ phía trong tiếng người con trai tỉnh táo:
- Em gì ơi, em tên thế nào nhỉ?
Trả lời là một câu hỏi:
- Vậy anh tên là gì?
- Chẳng lẽ em không biết tên anh?
- Biết! - Thực thì tới phút này Nhung mới nhớ ra nhưng nàng cứ làm bộ làm phách - Nhưng em muốn chính anh nói ra cái tên của anh với em trước đã. Anh nói rồi em mới gọi. Tên anh là gì?
Và:
- Em về nhá! - Nhung vừa xếp đồ dùng bữa ăn vào rổ xe vừa nói. Trước khi khóa cửa cô còn gọi với vào - Anh ơi, một mình thế có buồn không? - Sau một chuỗi cười rất giòn, nàng tiếp - Anh cứ nghĩ đến ai đó cho khỏi buồn anh nhé!
Từ bữa ấy Nhung làm nhiệm vụ đưa cơm cho con cô chủ. Ba tháng vụt trôi qua. Nhân ngày nghỉ lễ liền vào với chủ nhật những người làm thuê được phép về thăm gia đình. Nhung bỗng nhớ tới làng Thị. Tối thứ sáu cô Huệ đã gọi nàng tới và hỏi đường từ Hà Nội về vùng nam sông Thưa bao xa - Cháu đi ô tô chừng hai tiếng đồng hồ về Trạm Bóng hay Thọ Chương - Nhung trả lời - Đi bộ tiếp ít phút nữa thì về tới làng.
- Đường tốt chứ?
- Thưa cô, đường tốt ạ.
- Đây là tiền công đầy đủ ba tháng của cháu. Những bữa trước cô mới đưa tạm mỗi tháng hai trăm ngàn để cháu chi dùng mà thôi. Giờ cô trả thêm cho đủ. Thù lao của cháu mỗi tháng năm trăm ngàn. Cô cho cháu năm mươi ngàn chi vào tiền xe và nhờ cháu cầm năm mươi ngàn mua quà cho gia đình.
Nhung rơm rớm nước mắt. Nàng chưa thấy ở ai có những cử chỉ như thế với nàng bao giờ, ngay cả người cô em họ xa của bố. Nhưng chưa hết, cô Huệ nhân đức đưa ra ý kiến bất ngờ:
- Cô cho mượn Honđa. Cháu về làng bằng xe Honđa được chứ?
Cô gái vùng nam sông Thưa chỉ muốn quỳ xuống ôm lấy đôi chân cô chủ. Nhưng cô Huệ đã nói tiếp:
- Cháu biết đấy, những ai làm ở đây cô chỉ có yêu cầu rất cao là lao động nghiêm chỉnh và lòng dạ ngay thẳng. Cháu về ngay chiều thứ bảy. Chủ nhật ở nhà. Thứ hai ở nhà. Đúng tám giờ sáng thứ ba có mặt làm việc. Cháu lấy xe Dream II mà đi còn xe năm mươi để bọn con trai sử dụng vì bọn này hay quậy lắm.
Phải nói thật là Nhung đang vỗ cánh bay về làng. Từ đường Hai mươi nàng rẽ vào thôn Cao Duệ, mũ bảo hiểm buộc vào phía sau, mũ lưỡi trai đội hơi lệch, dừng lại một chút ở cầu đá ngoài soi gương rồi mới phóng tiếp trên đường Cầu Sung. Trời ơi con Nhung đã về! Làng nước ơi tới mà xem con bé Nhung nhà Tèo cóc cáy ngày nào đã về! Cả làng cứ xôn xao lên cái âm điệu như vậy. Nhưng tê mê làm cho đôi chân dù có đang dạo quanh xóm cùng chúng bạn cũng cứ như là đang lướt trên không trung. Những cô gái làng thì dứt khoát coi đây là tấm gương cho sự đổi đời. Riêng con gái nhà ông Giáo học trên tỉnh về thì dè dặt hơn. Cô đưa ra lời bình luận - Cơm Kẻ Chợ có khác! Không để ý đến thái độ có phần khích bác ấy. Nhung hỏi lại - Kẻ Chợ là gì hả chị? Người con gái này quay mặt đi và trả lời không biết.
Đắm mình trong vui say bao nhiêu, Nhung càng mau chóng nhớ Hà Nội bấy nhiêu. Chiều tối thứ hai nàng đã có mặt ở thủ đô, mang theo quà nhà quê lên cho cô Huệ, cho cô em gái xa của bố, cho anh em cùng làm. Ngay bữa tối hôm ấy nàng mang cơm cho Tân mặc cơn mưa đang kéo lên đầy trời. Mọi việc xong xuôi, bát đũa cùng đồ ăn thức đựng đã xếp cả vào rổ xe. Nhung cứ lần khân không muốn bước đi. Bỗng người con trai gọi:
- Này em!
Nhung chỉ mong có vậy. Nàng quay ngay lại.
- Em không về được đâu. Mưa đấy!
Trời đất cũng chiều lòng người, phù họa với câu nói ấy là chớp lóe sáng và tiếng sét dữ dội đánh bạt Nhung vào phía trong.
- Lại gần đây đi! Lại gần đây đi, anh bảo.
Người con gái làng Thị đứng im, nỗi niềm ngây ngất.
- ở góc kia kia, có cái đinh. Em thấy không, cái đinh.
Nhung nhìn theo và nhận ra vật ấy. Nhưng nàng vẫn chết lặng.
Tiếng người con trai giục:
- Cái đinh.
- Làm gì hả anh?
- Mở khóa. Em đưa đây cho anh. Anh mở được.
Đột nhiên người con gái trở nên quyết liệt, liều lĩnh, nàng nhặt cái đinh rồi cùng người con trai cạy khóa. Nhưng chỉ cạy được cái khóa cũ, còn cái khóa mới anh Nhàn lắp thêm vào sau bữa Tân trốn về ấy không sao khắc phục nổi. Điều hòa đang chạy. Mà mồ hôi cả hai vã ra. Người con trai luống cuống gọi và luồn tay qua song sắt quờ được đôi bàn tay người con gái. Cả hai đôi bàn tay ấy cùng run bắn lên, nắm chặt lấy nhau. Rồi hai đôi môi dính vào nhau giữa hai song cửa. Rồi hai thân hình áp tới cũng qua song cửa. Nước mắt đôi trẻ ràn rụa vì quá đỗi vui sướng. Sấm sét và mưa gió đối với họ chả còn nghĩa lý gì cả.
Người mẹ không chứng kiến giờ phút ấy nhưng bằng nhạy cảm của mình biết đôi trẻ đã yêu nhau. Loáng thoáng chị nghĩ - Giá con bé được học hành - Nhưng rồi chị lại nghĩ - Nếu nó học hành tài giỏi đâu đến tay thằng con nghiện ngập của mình. Nó đẹp như thế! Chị bằng lòng. Chị thầm mong đứa con gái làm công, đứa nàng dâu xinh đẹp, biết dùng nhan sắc kéo thằng con khỏi sự cám dỗ của nha phiến, để cùng tu chí làm ăn, cùng phấn đấu học hỏi, thì quả thật trời phật vẫn còn xót thương mà ban phúc cho mình.
Thời gian ủng hộ bọn trẻ. Không hiểu bằng cách nào đôi lứa đã tiến tới cạy được cả hai khóa. Từ bữa ấy Nhung vẫn mang cơm nhưng bao giờ cũng ở lại lâu hơn. Khi thì giờ nghỉ trưa em tới thăm bà cô. Khi thì tối nay tới nhà đứa bạn. Một trăm lần như thế không ai tin được. Nhưng ai cũng mặc. Chúng yêu nhau có khi lại hay. Một đứa bỗng dưng thành dân Kẻ Chợ, có gia tài, có nơi chốn. Một đứa chẳng những có vợ đẹp và cuồng si tới mức cai nghiện được thì phúc đức quá. Một lần anh Nhàn nghe Nhung giải thích lý do này nọ đã nửa đùa nửa thật nói ào đi - Thì mày cứ ngủ lại với nó cũng được!
Đến một ngày, chừng mười một giờ đêm thì phải, cô Huệ vẫn ngồi trước đống hóa đơn giấy tờ và máy vi tính, chồng cô đi làm đêm, Nhung rón rén và hồi hộp bước lên từng bậc cầu thang. Tới bậc cuối cùng nàng không bước tiếp được nữa, mà chùn chân lại, muốn khụyu chân xuống, nghẹn ngào:
- Cô ơi!
Cô Huệ chạy tới đỡ nàng. Nhìn dòng nước mắt, nhìn đôi môi run bắn lên, nhìn dáng điệu, chị hiểu ngay sự gì đã tới.
Dìu Nhung lại phía giường chị dịu dàng hỏi:
- Con có thai phải không?
Nhung rũ người vào lòng cô Huệ.
- Vâng.
Rồi nàng thêm:
- Với anh ấy.
Cô Huệ vuốt tóc người con gái làng Thị:
- Ta biết rồi. Ta hiểu rồi. Con ạ!
Rồi cô cũng khóc. Đau buồn mà khóc! Vui sướng mà khóc! Niềm vui tràn ngập từ nhà ra phố. Người mẹ chồng nén chịu đau đớn bấy lâu lúc này mặt mày rạng rỡ. Chị đã không giấu giếm mà nói với Nhung rằng hãy sinh cho mình đứa cháu khỏe mạnh, nếu là gái thì xinh đẹp như mẹ nó, nếu là trai thì bằng mọi giá không để theo vết chàm nhơ nhớp của bố nó. Đó là cả cuộc đời mẹ! - Chị ôm lấy vai Nhung - Con tưởng cứ có tiền là sung sướng sao? Con tưởng đời người chỉ biết đếm những đồng đô la là sướng hay sao? Thằng Tân đã hủy hoại cuộc đời mẹ. Con của nó ra đời mẹ phải bảo vệ bằng cả tính mạng mình. Bằng không mẹ chỉ còn biết nhắm mắt xuôi tay mà về cõi phật. Nói xong chị cười. Nụ cười nhòa nước mắt.
Nhưng một đêm khuya, người mẹ vội vàng đánh thức con dâu dậy, vẻ mặt xám đi như bóng đen thăm thẳm không cùng.
- Nguy rồi con ơi! Thằng Tân đã đi khám. Nó bị nhiễm...
Chị dừng sững lại, toàn thân run bần bật. Rồi lập cập không nói được ra lời. Rồi làn môi mềm mại ngày nào như bị đóng băng. Song cô con dâu lại tỉnh táo như không:
- Nhiễm Hát i vê hả mẹ? Con cũng đoán có thể là như vậy. Nhưng cái gì đến thì rồi cũng phải đến thôi mẹ ơi. Mười năm bệnh mới phát cơ mà!
Cô Huệ lạnh toát người:
- Thế còn đứa con? - Không phải chị nói nữa mà âm thanh rời rạc bắn ra từng tiếng như từ thăm thẳm trái tim đang chết ngạt - Con không sợ bị lây sao?
- Nó cũng không phải lo lắng gì. Lúc ấy chắc chắn người ta đã có cách!
- Cách gì con ơi! Người mẹ như hóa đá. Cái nhìn của chị nổ hoa cà hoa cải. Không gian quay cuồng. Chị thấy đôi chân lửng lơ, rồi toàn thân chới với, đổ xuống nền nhà.