Sau bữa cơm đầu năm với gia đình ông anh cả, tôi đưa vợ con đi thăm họ hàng. Anh em tôi nhẩn nha ôn lại những ngày thầy u tôi còn sống. Bao giờ vào sáng mồng hai Tết cũng mở tiệc khai bút. Khi làm lễ cúng gia tiên xong, thầy tôi thường sai các con rải chiếc chiếu cạp điều ra giữa nhà. Việc đầu tiên là ông so lại chiếc chiếu cho bằng bặn rồi đặt lên đó những tờ giấy hồng điều, giấy hoa tiên. Chiếc bút lông được đặt trên nghiên mực, tất cả đều không còn mới, nhưng được giữ gìn cẩn thận như một vật gia bảo. Đôi mắt thầy tôi thành kính một cách thiêng liêng trước khi hạ bút. Miệng người lẩm nhẩm đọc và tay nắn nót viết những chữ đại tự và một bài tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú đã nghiền ngẫm kỹ để khai xuân. Khi viết xong, người sai anh cả tôi treo lên đúng chỗ đã định rồi ngắm nghía một cách thích thú. Hai chữ "Mạnh xuân" bay bướm như còn múa lượn trước mắt tôi cho đến bây giờ. Tiếp đến bữa rượu, lúc này thì nét mặt thầy tôi không còn nghiêm trang như lúc cầm bút nữa. Nhìn con cháu ngồi chật ba mâm cơm, thầy tôi lấy làm hể hả. Người tự tay rót một chén rượu rồi đứng dậy đến trước mặt u tôi, đôi mắt rưng rưng xúc động, hai tay nâng chén rượu lên và nói: "Này bà nó ơi! Bà vất vả đầu hôm chí tối quanh năm rồi. Hôm nay mọi việc bà cứ để con cái nó giúp, bà uống với tôi chén rượu mừng tôi có bài thơ hay". U tôi ngượng ngập, cái e thẹn thời con gái khiến gương mặt bà hồng lên. Anh chị em chúng tôi vui vẻ hưởng ứng "Cạn chén đi u". Khi u tôi đón lấy chén rượu nhắm mắt nhắm mũi ngụm từng ngụm, thầy tôi mới về chỗ của mình. Ông phấn khởi ngâm nga "đầu Xuân khai bút, bút khai hoa..."
Ông còn định ngâm nữa thì u tôi đã nhắc khéo "ông say rồi đấy hử". Thầy tôi im lặng không dám ho he. Vốn là người rất mực nể trọng vợ con, ông thương người vợ suốt đời tận tụy vì chồng, vì con. Mỗi lần Tết đến, u tôi phải lo liệu mọi bề. Từ việc nuôi con lợn, trữ gạo nếp đến việc quét tước nhà cửa, trồng cây nêu, tước nắm lạt bó giò, gói bánh đều không qua tay bà. Ngoài việc đồng áng, u tôi bận bịu một cách vui vẻ cả tháng chạp. Tết ở quê tôi bắt đầu từ hăm ba tháng chạp khi tiễn ông táo chầu trời. Đến phiên chợ cuối cùng thì vui biết mấy. Hăm tám Tết, vào lúc thửng buổi, khi u tôi hạ cái thúng ở trên đầu xuống, dường như cả cái Tết hiện ra đầy đủ. Một nắm hương đen, một bánh hương vòng, một bó vàng hoa, một cuộn tranh gà, một dây pháo chuột, một bó lá dong với một nải chuối xanh và các loại quả bày đủ một mâm ngũ quả.
Thầy tôi rót một chén rượu nữa và nói với chúng tôi: "Bố đã say đâu, thế mà bu chúng mày bảo bố say thì bố say". Ông nói rồi nhẹ nhàng nhấp một ngụm rượu, gắp một miếng giò lụa để vào bát "Bố bảo nhé, cơm nước xong các con nhớ, đứa nào vào việc nấy, sau đó sẽ đi chơi, đi lễ, đánh tam cúc, chơi đu tùy ý nhưng để yên cho bố nghỉ. Hôm nay bố uống say một tý"...
Cơm nước vừa xong thì họ hàng nội ngoại đến chúc Tết. Tất cả chúng tôi từ lớn chí bé đều đứng dậy lễ phép chào hỏi một vẻ cung kính. Sau đó thế nào những cu cậu bé bỏng như tôi cũng được mừng tuổi. Những đồng cạch sáng loáng, những đồng giấy sột soạt nghe đến sướng tai.
Hú Khuê này.
- Dạ, bác gọi em.
Anh tôi vẫn quen gọi các em bằng cái giọng đàn anh như thế. Từ ngày thầy tôi mất, anh tôi thay mặt cha điều khiển mọi công việc trong nhà. Anh gọi và nhìn ra phía cửa. Vợ tôi vẫn lúi húi làm cơm với bà chị dâu ở dưới bếp.
- Chú xem chiều nay có thì giờ đến thăm cô Mận một chốc.
- Có chuyện gì thế bác ?
- Chú cứ đến khắc rõ.
Trong giọng nói của anh tôi có cái gì như ra lệnh, chắc phải có chuyện gì cần lắm đây. Tôi gật đầu.
- Vâng ạ.
Anh tôi không nói gì thêm. Từ đó cho đến lúc sang thăm Mận, lòng tôi nóng như lửa đốt. Đường sang nhà Mận phải qua cái gốc đa sần sùi, chỗ dựa lưng của cụ Lượng. Bà già ngày xưa vẫn ngồi dưới gốc đa bán hàng... Trước mặt bày hai cái mẹt đặt lên hai cái thúng, cái mẹt bên phải là bánh đa, bánh dày có khi còn có cả mấy củ sắn luộc. Bên những lọ kẹo bột, kẹo vừng. Mẹt bên trái bày đủ thứ, kim chỉ, thuốc lào, diêm, cặp tóc, thước kẻ, bút chì và những quyển vở học sinh. Ngày Tết còn có cả những bức tranh lợn, tranh gà, tranh bà Triệu cưỡi voi, Trần Quốc Toản phi ngựa và những bánh pháo tép vỏ ngoài nhuộm phẩm hồng. Tôi đứng tần ngần trước gốc cây đa và cái quán cụ Lượng. Cụ đi đâu mà cửa lại đóng im ỉm. Bà già ngày xưa thường cho đàn trẻ niềm vui đã đi vào cổ tích rồi sao?
Tôi xăm xăm bước về phía nhà Mận lòng đầy hồi hộp. Mận là một tiếng gọi đối với tôi. Tiếng gọi không phải của một người đàn bà mà của đất mẹ, của những lời ru...
Bất giác tôi nhớ đến những đêm trăng đã xa. Quê hương hiện lên rực rỡ một mầu vàng. Gió phe phẩy ve vuốt những ngọn tre. ánh trăng tràn trên sân, dát bạc trên cây lá. Chúng tôi, đám bạn bè cùng học một lớp, thường trải chiếu ra giữa sân nhà Mận, hôm thì một rổ khoai lang, buổi thì một rá ngô luộc. Chúng tôi tranh nhau gặm bắp và uống những bát nước vàng sánh như mật ong. Cu Tẹo ngân vang bài "Cây trúc xinh", cu Khải, cu Phượng song ca một bài. Hai giọng cãi nhau, một anh khàn khàn vịt đực, một anh cao vút sáo diều khiến cả bọn cười đến vỡ bụng. Hôm nào hứng lên, cu Tập, cu Tích còn khiêng cả hộp đàn bầu mới đóng đến. Cái cần cong vút, uốn lượn mềm mại dưới tay Tập, một điệu ru con trầm bổng đến nỗi chúng tôi đang ồn ào bỗng im bặt. Những âm thanh len vào ánh trăng, bay đi trong đêm tĩnh mịch nghe càng thánh thót du dương. Khi trăng lên cao, cây cau ở góc sân nhà Mận đã thu bóng lại, chúng tôi mới ra về. Con trai con gái xô nhau, cấu chí cười đùa rúc rích. Đứa nọ chế đứa kia và bắt đám con trai phải đưa con gái về tận nhà. Bao giờ tôi cũng nấn ná đi cuối cùng. Tôi thường rủ Mận theo con đường nhỏ xuống bờ sông. Nước sông lấp lánh như vảy một con rồng khổng lồ lượn trước mắt chúng tôi. Gió thổi từ mặt sông lên mát rượi. Chúng tôi rì rầm trò chuyện thâu đêm, nhưng bao giờ Mận cũng giục tôi đưa về. Đến đầu ngõ tôi cầm tay Mận rất lâu không muốn rời ra. Năm tháng qua, vẫn trăng đầy ngõ, gió đầy thềm mà người cũ đâu cả. Tập yên ấm gia đình, Khải, Tẹo hy sinh, Tích đau ốm, Phượng ở xa, Mận dang dở... Ba mươi năm trước, hai gia đình hứa hẹn sẽ vun đắp cho chúng tôi khi đến tuổi trưởng thành. Nhưng chiến tranh xảy ra, vừa lớn lên tôi đã vào bộ đội.
Lời hẹn ước của hai ông bố không thành. Dẫu thế chúng tôi vẫn có những kỷ niệm và càng xa cách càng thương nhau. Tên thực của Mận ngày bé là Măng, sau này khi khai sinh đi học mới gọi là Mận. Chả biết Mận có hay hơn Măng không nhưng mỗi lần muốn chọc tức Mận tôi lại gọi cái tên cúng cơm ấy lên. Có khi chỉ cần thế là cả buổi hai đứa không nói với nhau một lời. Bố Mận là con một gia đình nền nếp thi thư, đến đời ông đã là cái thời "ông nghè ông cống cũng nằm co".
Đậu cái bằng Xéc(1) rồi, ông trở về làng làm hương sư. Tiếp đến cái thời "mười người đi học, chín người thôi", ông bỏ cái nghề gõ đầu trẻ sang vít đầu người lớn. Ngày ngày ông xách chiếc hòm gỗ con có tay nắm bằng một mảnh da đen nhẫy mồ hôi, trong đựng đủ tông-đơ, dao kéo và một mảnh vải mầu cháo lòng lúc nào cũng bốc mùi mồ hôi. Tay kia là chiếc ghế xếp, mặt ghế đóng bằng mấy miếng da bò dày cộp chạy song song. Suốt ngày ông lang thang khắp làng trên xóm dưới với một tiếng rao cụt ngủn "Ai cắt tóc đê...". Cuộc đời ba đào của ông đã để dấu vết lên người con gái. Mận đẹp nhưng hơi buồn. Mỗi lần gặp tôi, cô có vui hơn, đôi mắt dài đen không sâu thẳm nữa mà sáng lên, cặp má ửng hồng tôn thêm vẻ đẹp thiếu nữ. Mẹ Mận bán hàng xén. Thỉnh thoảng cần giấy bút tôi lại ra nhờ Mận chọn cho những cái ưng ý nhất. Tôi dùng những chiếc bút chì mầu vẽ cho Mận những mẫu hoa để thêu lên gối. Chúng tôi nằm bò trên giường hý hoáy tô tô vẽ vẽ, hai mái đầu chụm vào nhau. Mẹ Mận nhìn hai đứa mỉm cười không nói gì. Vào vụ tháng năm, tháng mười, hai nhà vẫn đổi công cho nhau. Mận cấy gặt đều thạo. Tôi xén lượm, đóng gánh. Mận thường khen tôi là đóng bó đẹp lại không bị tụt dọc đường. Chiều về, đứa đập lúa, đứa rũ rơm. Mỗi khi quay néo đưa con rơm vào tay Mận tôi lại nhận được một nụ cười. Tất cả những cử chỉ đó không lọt khỏi mắt mọi người. Mẹ tôi khoe với hàng xóm: "Tôi sắp có nàng dâu giúp việc rơm thóc rồi".
Khốn khổ cho mẹ, chẳng bao giờ bà còn được thấy con cái trưởng thành. Chỉ ít ngày sau, bà đột ngột qua đời vào cuối mùa gặt. Anh em tôi mất mẹ khi còn thơ dại.
Cảnh nhà neo bấn, bố tôi gà trống nuôi con. Tết đến, ông ngồi lặng im nhấp từng chén rượu và chẳng bao giờ làm thơ, viết câu đối nữa. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên những lời lẽ trong lá thư của chị cả tôi khi chị lấy chồng xa.
"Tết này chưa chắc con đã về được. Con gửi lời thăm thầy và các em. Con biết u con mất, thầy lại già, các em còn nhỏ, con không về được là có lỗi. Tết đến không được thấy cha già, không được thấy quê hương con buồn biết bao nhiêu. Con nhớ mãi những ngày Tết u con còn sống. Viết những dòng này con không cầm được nước mắt thầy ơi...". Ngày đó tôi cứ trách chị. Sau này tôi mới hiểu được nỗi nhớ thương của người xa quê hương mình.
Trong dịp hành quân qua một thị trấn nhỏ, chúng tôi được phép nghỉ lại ăn cơm. Đêm đó trời rét dữ, chiếc ba-lô nặng ba mươi cân, lại bao gạo, súng đạn đè gập chúng tôi xuống. Mồ hôi tóa ra ở lưng ở ngực, nhưng chân tay vẫn rét run. Những mái tranh chen chúc nhau xếp hàng hai bên đường vẫn le lói ánh đèn. Tôi gõ cửa một căn nhà ở cuối phố. Mở cửa cho tôi là một phụ nữ, vừa nhìn thấy tôi cô bỗng run rẩy khiến ngọn đèn nhấp nháy chực tắt.
- Ôi ! Anh Khuê...
Cô gái kêu lên và giục tôi vào nhà.
Bấy giờ tôi mới biết, Mận đã lấy chồng. Chồng cô là giáo viên. Hai vợ chồng vừa dạy học vừa mở cửa hàng. Tối ấy, anh chồng đi cất hàng. Mận ru cho con ngủ rồi ngồi nói chuyện với tôi. Tôi xin phép đồng chí chỉ huy và được đi sau đơn vị ít phút. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy tôi ngồi yên nghe Mận kể về những chuyện của cô. Mận nói rất nhanh, chừng như cô sợ tôi bỏ đi mất và câu chuyện sẽ dở dang. Ngoài trời gió rít từng hồi, át cả tiếng thở than của người con gái. Chúng tôi ngậm ngùi uống chung ấm nước Mận vừa pha. Cô thèn thẹn khi nhắc lại chuyện ngày xưa. Những tình cảm mơ hồ bấy lâu bỗng bừng lên rồi vụt tắt.
Sau cái đêm ấy tôi đi miết mười năm. Khi trở về thì biết tin Mận đã chia tay với người chồng và ôm con về quê. Hai mẹ con dựng một căn nhà ở góc vườn dâu cũ.
Tôi chăm chú nhìn lên bức ảnh Mận và các bạn gái đang cùng các anh bộ đội vác những hòm đạn từ một chiếc xe xích chuyển vào trận địa pháo. Tôi quay lại, Mận giật mình như vừa bừng tỉnh, cô nở nụ cười gượng gạo chua xót.
Khoảnh khắc nhận ra những sợi tóc ánh sương, tim tôi se lại. Gió từ sông thổi vào mơn man trên mái tóc, râm ran trên da thịt những kỷ niệm. Chiều chiều trên con đò ngang, ngọn gió nào đã đón chúng tôi sang sông để một đời chiến trận, bước chân sải khắp miền quê với bao điều nhớ nhớ quên quên, vẫn không quên một dòng sông, quên những sắc mầu, hình ảnh của quê hương với thời trẻ trung ham vui bè bạn.
Bận bịu với việc chuẩn bị cơm khách, Mận để mặc tôi ngồi một mình nhấm nháp những kỷ niệm. Cô rải chiếu lên tấm phản rồi bưng ra một chiếc mâm đồng có chân. Loại mâm bây giờ ít thấy. Trên đó nào bánh chưng, bánh giò, dưa hành, giò nạc, giò thủ, chè kho... đủ cả.
- Anh ăn Tết với em, hôm nay mới mồng hai mà Tết đã bắt đầu tàn rồi.
- Tôi vừa ăn cơm trong anh Hai tôi rồi.
- Thì anh nếm với em miếng bánh, xem em gói có được không?
Nhìn tôi ăn uống nhỏ nhẻ, Mận bảo:
- Anh có vẻ đã quên hết hương vị Tết nhà quê rồi.
Tôi im lặng không cãi. Lát sau, Mận hỏi tôi:
- Anh tính em có nên đi theo các cháu ra nước ngoài không ?
- Hãy cân nhắc cho kỹ Mận ạ.
Tôi đáp và nhìn ra mảnh vườn trước nhà, nơi có chiếc hầm bí mật đã che giấu những người du kích. Lên năm tuổi, Mận đã biết mang cơm xuống hầm. Sinh thời, bố cô đã thờ trong nhà những bảy bát hương. Khi hỏi ra mới biết ông thờ bảy anh bộ đội đã được ông nuôi dưỡng trong lúc mặt trận bị vỡ. Rồi trên cái bãi sông ngoài kia đã diễn ra những cuộc chống càn, những trận đánh đắm tàu giặc và những chiếc cầu phao bắc ngang cho xe pháo ra trận. Mận định bỏ lại những buồn vui ấy để ra đi ư?
Cô vân vê trên tay lá thư của con gái: "Mẹ hãy đi với chúng con. Chúng con sẽ gửi tiền vé máy bay về. Mẹ đừng ngại. Sang đây hơi lạnh một chút nhưng chúng con đã có lò sưởi, mẹ sẽ thưởng thức những món ăn mà ở quê nhà chẳng bao giờ có. Mẹ hãy quên đi những bữa cơm quanh quẩn chỉ rau muống với cà...".
- Em sống cho con nhiều quá chăng? - Tôi hỏi.
Vẻ mặt Mận vẫn thản nhiên.
- Có bao giờ em hỏi: Tại sao con nó không sống cho em?
Mận thở dài nhè nhẹ. Cô đưa bàn tay kéo con mèo tam thể lại gần rồi vuốt nhẹ lên đầu lên mình con vật. Bàn tay cô dịu dàng trìu mến. Bên cạnh người đàn bà như thế này, người đàn ông nào chẳng thấy bình yên và được che chở. Vậy mà họ vẫn bỏ đi. Tôi thật khó hiểu. Trong đầu thoáng một ý nghĩ "cô ấy chưa già như cô ấy tưởng".
- Sao Mận không đi bước nữa ? - Tôi bật ra câu hỏi.
- Trẻ trung gì nữa anh. Ngày mới chia tay bố cháu, nhiều người tìm đến, nhưng em sợ. Em đã hai lần thất vọng.
Sao lại hai? Tôi không dám nói gì thêm, cảm thấy hình như mình cũng có lỗi trong chuyện này. Đàn ông thường vô tình. Vô tình gây nên tội. Tôi xí xóa:
"Thôi nhá, từ nay nếu có chuyện gì hãy báo cho mình biết. Mình sẽ về thăm bạn". Mận gật đầu cười. Nụ cười làm rạn những nếp nhăn nhỏ xíu đuôi khóe mắt.
Năm sau, tôi không về quê trong dịp Tết theo lệ thường vì bận đi công tác xa và ăn Tết ở một tỉnh cao nguyên. Tết Nguyên tiêu tôi mới về làng. Dưới ánh trăng nhạt nhòa như làn sương mỏng, tôi lững thững bước trên con đường lát gạch đã mòn vẹt hàng trăm tuổi. Không về nhà ngay, tôi đi quanh co một vòng. Tự nhiên tôi muốn rủ Mận cùng dạo quanh làng với tôi.
Ngõ cũ đây rồi. Tôi lại sắp được nắm bàn tay của Mận. Nghe tiếng động, người đàn bà từ trong nhà cầm đèn bước ra. Tôi hồi hộp run rẩy xen chút sợ hãi. Sự linh cảm mơ hồ như gặp người trong mộng. Toàn thân tôi bỗng dưng lạnh toát, chân tay lẩy bẩy. Trước mắt tôi, mái tóc Mận trắng toát như cước, dáng đi run rẩy.
Tôi không tin ở mắt mình. Mận! Tôi khẽ kêu lên. Một tiếng trầm đục đáp lại tôi.
- Bác hỏi ai?
Tôi thảng thốt ngẩng lên, dưới ánh đèn lung linh tôi nhận ra... người đàn bà mặt nhăn nheo, đôi mắt đục lờ nhìn tôi.
- Chào cụ, cháu... Tôi lắp bắp khi nhận ra bà già đó là cụ Lượng.
- Bác vào nhà đi.
- Cụ không nhận ra cháu ạ. Cháu là Khuê đây.
- Khuê đấy à? Sao bây giờ mới về. Mận nó cứ chờ mãi.
Câu nói của bà già làm tôi rụng rời, linh tính cho biết, Mận đi rồi. Cô ấy đã ly hương...
- Mận đi từ bao giờ hở cụ?
Bà cụ lắc đầu không nói, bà rút chiếc khăn vắt ở vai lên chấm mắt.
- Cô ấy mất rồi.
Tôi sợ mình nghe lầm.
Tôi ngồi chết lặng trên ghế nghe bà cụ kể lại những ngày cuối cùng của Mận.
Bà cụ đứng dậy mở chiếc hòm khóa chuông của Mận lôi ra một chiếc phong bì ngoại quốc.
- Đây là thư của con cô ấy vừa mới gửi về. Tội nghiệp, nó chưa biết cô ấy mất.
Tôi cầm trên tay lá thư. Những dòng chữ run rẩy gầy guộc như những dấu chấm than.
"Mẹ thân yêu của con!
Chắc mẹ mong thư con lắm, mẹ tha lỗi cho con, con vừa qua một trận ốm nặng. Có lẽ chỉ đến những ngày này con mới đủ sức cầm bút biên thư cho mẹ. Mẹ ơi ! Có lẽ chưa lúc nào con lại mong được ào đến gục đầu vào lòng mẹ để được khóc cho thỏa thích. Mẹ có biết không, hôm qua con đã phải đi mua mấy con ếch về để thả trong cái bể non bộ. Đêm đến con nhớ đến cả những tiếng kêu ồm ộp của những con ếch ao nhà. Sáng nay con định tìm mua cho được ba món đậu phụ, bún và mắm tôm, những thứ mà ngày xưa mẹ vẫn mua cho con ăn...".
Không thể đọc tiếp được nữa, tôi đặt lá thư xuống và ngẩng lên nhìn chăm chăm vào đôi mắt của Mận trong khung ảnh. Đôi mắt như đang nhìn tôi. Ngoài kia, mưa bụi rắc đầy ngõ. Cây mai trong vườn nhà Mận vẫn nở trắng. Xuân của đất trời lại đến rồi.