hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1412.htm

Trần Đức Tiến

Thanh thản

Lúc chúng tôi xúm vào lôi được anh Thầm ra thì cũng là lúc tôi chợt nhận thấy anh già sọm đi một cách thảm hại. Cơn giận làm gương mặt anh méo mó. Mấy sợi tóc lơ thơ bết xuống vầng trán rộng lấm tấm mồ hôi, hằn rõ lên từng vết da mồi. Cặp môi tím ngắt, vành môi dưới hơi bễ ra, run bần bật:

- Đồ... đồ... Đồ đểu! Quân sấp mặt!

Cách đấy vài bước, tay trưởng phòng hành chính trạc tuổi chúng tôi vênh mặt nhìn anh, lặng thinh, ra cái điều không thèm chấp bố già lẩm cẩm.

Chúng tôi chưa kịp biết anh Thầm có lẩm cẩm thật không. Chưa ai hiểu rõ đầu đuôi vụ xô xát vừa xảy ra giữa anh và tay trưởng phòng hành chính. Kéo được anh ra cái quán cà-phê quen thuộc ở ngoài cổng cơ quan, ép anh ngồi xuống ghế rồi mà người anh vẫn còn run. Chúng tôi kêu cà-phê, kêu nước ngọt, hỏi anh muốn uống gì, cố làm ra vẻ lăng xăng bình thường như mọi ngày, ra vẻ chẳng có gì xảy ra cả, và nếu có chuyện gì xảy ra đi nữa thì cũng chẳng đáng để cho ta phải khổ đau sầu não đến thế, cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao... Chúng tôi quay ra kháo nhau về cái quán bia ôm mới mở ở ngã ba đường Cũ. ở đấy vừa chiêu mộ một kíp "đào" mới toanh. Anh Thầm vẫn im lặng trong nụ cười ngơ ngác. Anh chăm chú, thong thả ngoáy cái thìa trong ly trà Líp-tông đã tan đường từ bao giờ.

Chúng tôi đành phải tự mình tìm hiểu nguyên nhân của vụ xô xát. Có gì đâu! Cách đây vừa đúng một tuần, anh Thầm nhận quyết định nghỉ hưu. Bàn giao công việc xong xuôi, anh về nhà nghỉ ít ngày, chờ cơ quan tổ chức bữa liên hoan đưa tiễn. Nói là nghỉ ở nhà, nhưng vài ngày anh Thầm lại đáo qua cơ quan một lần. Để đọc mấy tờ báo, tán gẫu dăm ba câu, hóng hớt, bình phẩm những tin tức, sự kiện vừa xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Cái nếp sinh hoạt công chức gần cả đời người đã là như vậy, dễ gì từ bỏ trong ngày một ngày hai?

Bình thường anh Thầm có một phòng làm việc riêng ở cơ quan. Có bàn có tủ, có điều hòa nhiệt độ, có chè thuốc tiếp khách, một mình một giang sơn ra khóa vào mở. Hôm ấy, quen như mọi lần, anh ghé cơ quan rồi đến thẳng phòng mình, rút chìa khóa tra vào ổ. Chìa khóa chưa kịp xoay nửa vòng thì cửa đã tự động mở bung. Anh Thầm há hốc miệng. Trước mặt anh là cái mặt kên kên với nụ cười nửa miệng của tay trưởng phòng hành chính. Anh Thầm đảo mắt nhìn ra phía sau y. Tất cả đồ đạc bên trong đã được kê dọn lại theo một kiểu khác. Cơn cớ ở đâu bỗng nổi lên mù mịt trong đầu anh Thầm. Giọng anh đột nhiên trở nên gay gắt. Anh vặn vẹo tay trưởng phòng hành chính rằng tại sao y lại dám tự tiện chuyển đến đây, tự tiện đảo lộn mọi thứ, trong lúc anh đi vắng? Thấy anh tỏ thái độ khó chịu như vậy, thằng kia lập tức phản ứng. Y nói rằng việc sắp xếp chỗ ngồi cho nhân viên trong cơ quan này là việc của y. Rằng lâu nay y đã phải nhường nhịn nhiều người. Rằng đã có quyết định về hưu, đã bàn giao công việc cho người khác như thế cũng có nghĩa là đã ra khỏi cơ quan, đi vĩnh viễn, chứ không phải là đi vắng!... Cuộc khẩu chiến nhanh chóng đến hồi quyết liệt. May mà chúng tôi có mặt kịp thời, trước khi anh Thầm lăn xả vào đối thủ.

Thoát ly gia đình từ năm mười sáu tuổi, đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, gần cuối đời anh Thầm mới quay về đây làm trợ lý giám đốc một cơ quan văn hóa. Con người đã từng ăn mòn bát mòn đũa thiên hạ ấy hẳn là người biết nhiều, quen rộng, càng biết càng quen thì càng ý thức được rất rõ về mình, về người. Bọn hậu sinh chúng tôi mỗi lần được hầu chuyện anh đều có cái rờn rợn thú vị của kẻ tham gia vào những trò mạo hiểm. Với người anh yêu (hầu hết là những người chúng tôi chưa có vinh hạnh được gặp mặt), anh kể về họ như kể những huyền thoại. Còn với kẻ anh ghét, mở miệng ra là anh gọi họ bằng "thằng", không loại trừ cả những người có ảnh hưởng trực tiếp đến "vận mệnh" của anh ở địa phương.

Năm ngoái, có vị chức sắc tỉnh nhà ra họp ngoài Hà Nội. Vị này thường khi chẳng mấy để ý đến anh Thầm, hay nói đúng hơn chẳng biết anh Thầm là anh nào. ấy vậy mà ở Hà Nội về, gặp anh Thầm tại một hội nghị, ông ta lại hớn hở rẽ đám đông đến bắt tay anh:

- Tớ vừa gặp cụ X. ở ngoài ấy. Nói chuyện với cụ, mới biết cụ quý cậu lắm. Cụ khen cậu hết lời...

Vị chức sắc nọ vừa nói vừa lắc lắc tay anh Thầm, nét mặt lộ rõ vẻ mừng rỡ, thán phục xen lẫn tí thóc mách. Trong khi ấy mặt anh Thầm vẫn lạnh tanh. Đợi cho vị nọ dứt cơn, anh mới thủng thẳng buông một câu khiến mọi người xúm quanh phải á khẩu:

- Thưa anh, anh X. hơn tôi bốn tuổi. Hồi còn làm chung cơ quan, ăn chung một mâm, ngủ chung một phòng, nhưng chưa khi nào anh ấy "cậu cậu tớ tớ" với tôi!

Câu chuyện trên là do anh Thầm kể lại cho bọn tôi nghe, chẳng hiểu thực hư đến mức nào. Nhưng còn chuyện sau đây thì chính mắt tôi chứng kiến, vì tôi ngồi ngay bên cạnh anh. Bữa đó cũng tại một cuộc hội nghị, nói chính xác là bữa liên hoan sau hội nghị. Đại biểu các ngành các giới trong tỉnh quây quần bên bàn tiệc khá đông. Mở đầu, một ông quan trọng nâng cao ly bia, lần lượt đến từng bàn. Ông này vẫn có thói quen như vậy. Giữa đám đông, nhiều khi chẳng biết ai vào với ai, ông vẫn tươi roi rói vác ly bia đi làm công tác quần chúng với không sót người nào. Bữa đó, khi ông ta vừa tới bàn chúng tôi, đột nhiên anh Thầm đứng phắt, ghé tai người ngồi cạnh, nhưng câu hỏi lại vang lên khá to:

- Toa-lét ở chỗ nào nhỉ?

Người ngồi cạnh chỉ tay về phía cuối gian phòng. Anh Thầm xô ghế, thản nhiên bước về phía đó. áng chừng ông nọ đã đi qua bàn mình, anh mới từ trong đó bước ra, vừa đi vừa chùi tay vào khăn mùi soa.

Anh Thầm thế đấy. Tự tin đến mức ngạo mạn, bất cần. Tuy nhiên, giống như mọi người, anh có những điểm yếu mà chỉ có lũ chúng tôi - đám trai trẻ đáng mặt con cháu anh, nhưng vẫn "anh anh, em em" với anh ngọt xớt, mới có thể biết được.

Lần ấy, sau một cuộc nhậu vui vẻ, hơi men bốc lên, mấy thằng tôi chợt nảy ra một ý định rõ là tệ hại: rủ anh Thầm đi bia ôm! Say rượu thì bày trò rồ dại thế thôi, chứ chả thằng nào tin anh nhận lời. Tôi được chúng nó phân công trực tiếp "phôn" về nhà anh. Nghe cái giọng nhừa nhựa của tôi ở đầu dây, anh Thầm quát:

- Chúng mày đang ở đâu thế?

- Nhà hàng Cá Mập, đường Thanh Xuân!

- Mẹ cha chúng mày! - Anh Thầm chửi phủ đầu, rồi hạ giọng - Đợi tao một tí...

Tôi nghe tiếng "cạch" của ống nghe đặt xuống bàn. Rồi trong máy có tiếng léo nhéo. Tiếng léo nhéo to dần, hóa ra là tiếng các nhân vật trong phim "Bao Công" đang chiếu trên ti-vi. Anh Thầm vừa bỏ máy để chạy ra tăng vô-lum cho cái ti-vi nhà mình. Tiếng Bao đại nhân sang sảng ra lệnh cẩu đầu trảm! Tôi rụt cổ, khoái trá phát hiện ra cái hành động cẩn trọng của anh Thầm. Bà vợ anh chắc đang quanh quẩn đâu đó, có lẽ đang dán mắt lên màn hình, chờ đợi pha xử trảm thật ngoạn mục. Tiếng anh Thầm lại thoảng đi trong máy: "Mười phút nữa tao có mặt"...

Chúng tôi bố trí ngồi bên anh một em trẻ đẹp chịu chơi. Bi kịch của anh Thầm chính là ở chỗ: ở tuổi anh, lần đầu tiên sa vào chốn hang ma động quỷ như thế này, tránh sao khỏi bỡ ngỡ, lúng túng; nhưng mặt khác, anh lại phải cố tỏ ra cho đàn em biết là mình cũng chưa đến nỗi nào! Anh làm bộ chẳng thèm đếm xỉa đến cô gái ngồi cạnh, rằng những cuộc chơi bời như thế này đối với anh chỉ là chuyện nhỏ. Vậy nhưng mỗi lần cô gái lấy khăn lau mặt cho anh, hoặc gắp miếng mồi bón cho anh, anh lại rúm người lại! Anh càng gượng gạo, căng cứng bao nhiêu, chúng tôi càng cố mềm mại, nhuần nhuyễn bấy nhiêu. Thằng mất dạy nào trong đám chúng tôi cũng ngấm ngầm ý đồ "biểu diễn" các ngón nghề của mình, cốt để thị phạm cho anh, giúp anh thoải mái hòa nhập vào không khí chung.

Sau khoảng chục lần cụng ly, chúng tôi giục anh Thầm đứng dậy. Anh ừ hữ, ngập ngừng để cô gái đẩy đi trước như người bị dẫn độ.

Anh Thầm ơi anh Thầm! Chúng tôi thật đáng chết, đáng chết! Chúng tôi là hạng người hư thân mất nết. Chúng tôi sớm sa đà, chìm đắm trong bể lạc thú dung tục, tầm thường. Chúng tôi tự hại đời chúng tôi rồi, như thế đã đành một nhẽ. Nhưng hà cớ gì chúng tôi lại bất lương, vô sỉ đến mức phải kéo thêm một người như anh vào vũng bùn nhơ nhớp đó? Một người tuổi tác, hiển đạt và trong sáng... Đêm ấy về nhà, tỉnh rượu, tôi còn tự dằn vặt mình đến mất ngủ. Tôi biết rằng nếu không phải là chúng tôi thì anh cũng chưa chắc thoát khỏi cái vòng tục lụy kia. Và suy cho cùng thì trường hợp của anh cũng chẳng có gì đáng gọi là ghê gớm. Nếu một người như anh vào quán bia ôm đã gọi là ghê gớm, thì khối ai kia không biết phải gọi thế nào cho phải. Nhưng tôi vẫn ân hận. Mấy ngày sau đến cơ quan, tôi cố tránh cái nhìn của anh. Tôi càng tránh anh càng xán đến. Anh vui vẻ, thì thào gợi lại câu chuyện tối hôm trước. Anh làm tôi ngượng đến ê cả mặt. Mãi sau tôi mới dám nói thật ra những ý nghĩ của mình, rằng tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày qua vì anh, tôi lo đến tái cả người lúc thấy anh quay lại ngồi với chúng tôi, đột nhiên anh rùng mình rồi rũ xuống...

Anh Thầm há hốc mồm, nhìn tôi như nhìn một con vật lạ:

-  hay... Tao tưởng một thằng như mày... Chả lẽ lúc bấy giờ mày không hiểu rằng, thể xác tao gục xuống đấy, nhưng tâm hồn tao đang phơi phới trên cõi tiên?

Lại nói về chuyện xô xát của anh Thầm hôm vừa rồi.

Sau lần đó, không thấy anh Thầm đến cơ quan nữa. Có lẽ anh không muốn nhìn mặt tay trưởng phòng hành chính một phần, nhưng phần khác, anh cũng đã nhận ra sự vô lý của chính mình. Rõ ràng trong cách xử sự của anh hôm ấy có điều gì đó không bình thường. Chính vì thế nên lúc ngồi ngoài quán cà-phê, anh mới bần thần đến tội nghiệp.

Nhưng tối nào anh cũng tìm đến tôi. Nhà anh cách nhà tôi chừng hai cây số. Anh không đi xe, mà thủng thẳng đi bộ. Gặp tôi ở cổng, anh nói ngay: "Đi bộ có lợi cho tuổi mình lắm". Rồi anh cười xòa, ra chiều cái lý do chủ yếu khiến anh đến gặp tôi mỗi tối chỉ là được đi bộ! Hai anh em ngồi uống với nhau chén trà, hút vài điếu thuốc. Trong lúc chuyện trò tào lao, tôi luôn cảm giác có cái tai thứ ba của anh Thầm  đang bí mật giương lên nghe ngóng. Cái tai ấy chỉ chăm chú những chuyện có liên quan đến cơ quan, và khi nó hoạt động thì nét mặt anh Thầm có những xao xuyến thật kín đáo.

Một hôm, bận công chuyện, hơn mười giờ đêm tôi mới về nhà. Vợ tôi bảo: anh Thầm đến tìm, ngồi đợi cả tiếng đồng hồ không được mới về. Sáng sớm hôm sau, trên đường đi làm, tôi vội ghé qua anh xem có chuyện gì. Anh pha cà-phê mời tôi, thản nhiên rút từ túi áo ngực ra chiếc chìa khóa:

- Cậu cầm giúp mình cái này đến giao cho thằng Túc.

Thằng Túc chính là thằng trưởng phòng hành chính. Còn chìa khóa là của phòng làm việc của anh ở cơ quan. Cầm chiếc chìa khóa mòn nhẵn nước mạ còn ấm hơi người, tôi biết là anh đã nghĩ lại. Nghĩ lại như thế là phải. Làm căng với nhau chuyện này, cái người đáng chê cười nhiều hơn chính là anh, chứ không phải thằng Túc. Nhưng anh Thầm có vẻ bồn chồn. Lát sau anh lựa lời thăm dò:

- Cậu có nghe các ông ở trên tỉnh nói gì về chuyện của mình không?

- Ôi dào, chuyện bằng cái móng tay. Sao anh nghĩ xa quá thế?

Anh Thầm nhăn mặt:

- Không phải cái chuyện vớ vẩn giữa tớ với thằng Túc! Tớ muốn hỏi chuyện nghỉ hưu của tớ cơ.

- Chuyện hưu của anh... có gì đâu?

Anh Thầm cười nhạt:

- Các cậu còn trẻ sướng thật. Cái gì cũng tặc lưỡi cho qua. Mình thì mình cho rằng các ông ở trên tỉnh  phải có một "động tác" thế nào  đấy coi được khi mình về. Chẳng gì thì mình cũng là...

"Anh có là ông giời thì cũng thế thôi! Quái lạ, bố già này lẩn thẩn  thật rồi. Bố còn mong người ta gắn huân chương cho bố trước khi về nữa chăng"? Trong bụng sôi lên cái ý nghĩ như vậy, nhưng tôi cũng chỉ dám nói ra miệng một cách ôn tồn:

- Cơ quan còn "nợ" anh một buổi liên hoan đưa tiễn. Có thể có chút quà kỷ niệm cho anh. Em nghĩ thế là đẹp.

Anh Thầm sa sầm mặt, lặng  yên.

Tôi nghĩ trước sau rồi anh Thầm cũng "tỉnh" ra và đồng ý với cách nghĩ của tôi. Chính vì thế, hôm cơ quan tổ chức buổi liên hoan đưa tiễn, thấy anh nhanh  nhẹn, vui vẻ hơn thường ngày, tôi không ngạc nhiên. Anh diện bộ đồ xịn, thắt cà vạt nghiêm chỉnh, râu ria cạo nhẵn, lăng xăng chỗ này chỗ nọ như người trẻ ra đến mười tuổi. Thằng Túc thớ lợ ôm lấy vai anh:

- Trông ông bác còn phong độ lắm. Về thì về, nhưng mỗi khi có dịp "lên tiên", đừng quên bọn này nhé.

Anh Thầm cũng nháy mắt, bỗ bã với nó:

- Chỉ sợ chúng mày quên ông thôi! Hà hà...

Bữa liên hoan được tổ chức trong một nhà hàng sang trọng. Loay hoay thế nào, lúc vào bàn, tôi lại  ngồi cạnh anh Thầm. Trong lúc vị sếp của cơ quan đứng lên tuyên bố lý do, anh Thầm   không thèm nghe mà lại ghé tai tôi thì thầm:

- Một lát nữa anh H. đến đấy. Anh ấy đã nhận lời mời của tớ...

Tôi ngẩn người. Anh H. chính là cái ông "quan trọng" có thói quen đi cụng ly với tất cả mọi người trong các bữa tiệc, đã bị anh Thầm đón tiếp bằng  cách đi vào toa-lét. Thảo nào, bộ điệu lăng xăng của anh hôm nay có cái gì đó hơi khác thường.   Mời được ông H. đến dự liên hoan chia tay với mình, đâu phải ai cũng làm được? "Quả" này anh Thầm tính cho cả cơ quan ngã bổ chửng ra đây! Thật chẳng ai ngờ anh đã âm thầm tự thu xếp cho mình một cái lễ chia tay oanh liệt đến thế.

Mọi người lần lượt đến cụng ly, chúc tụng anh. Không khí bữa tiệc sôi động dần lên. Anh Thầm tươi cười niềm nở với tất cả, nhưng thỉnh thoảng vẫn dáo dác đưa mắt ra phía cổng nhà hàng.

Mười lăm phút... Ba mươi phút trôi qua. Anh Thầm nhấp nha nhấp nhổm như ngồi trên ghế gãy chân. Tôi sốt ruột lây, quay sang hỏi: "Ông ấy hẹn mấy giờ"? Anh Thầm khuơ khuơ tay, đầu óc để đâu đâu, chẳng thèm để ý đến câu hỏi của tôi.

Một tiếng sau. Chiếc xe hơi sang trọng từ từ lăn bánh vào sân nhà hàng. Xe chưa kịp dừng, anh Thầm đã đứng bật dậy. Rồi như chợt ý thức được cái cử chỉ ấy của mình là hơi quá lộ liễu, anh thận trọng sửa lại cà vạt, thận trọng kéo ghế qua bên, nhưng hai chân vẫn đứng nguyên chỗ cũ.

Cửa xe mở. Từ bên trong, thò ra trước hai cái ống quần là thẳng nếp và đôi giày da bóng lộn.

Tôi không còn nhớ gì nữa. Chỉ thấy loáng thoáng những cái mặt người đỏ gay, nhễ nhại vì bia rượu, bỗng dưng đần cả ra trong vài giây. Quá bất ngờ, không khí trong nhà hàng như bị nén chặt lại, âm ỉ. Vị khách đặc biệt quan trọng nhanh nhẹn bước đến bên cạnh một người, ghé tai hỏi nhỏ câu gì đó. Ông này ú ớ chỉ tay về phía anh Thầm   đang bất động trong một nụ cười đông cứng. Vị khách bước đến, ân cần đặt tay lên vai anh. Cả gian phòng rộng lớn đột nhiên vỡ òa trong mọi sắc thái tình cảm: ngạc nhiên, thán phục, ganh tị, thèm muốn... Đúng vào lúc đó, tôi chợt thấy hai tròng mắt anh Thầm đảo trắng. Người anh mềm ra. Anh từ từ lả xuống ghế.

Giống hệt hôm nào ở trong quán bia ôm. Bây giờ thì tôi tin quả thật có cõi tiên cho anh Thầm.

Anh Thầm về hưu, đẹp đẽ, vẹn tròn mọi nhẽ.

ít lâu sau, cơ quan tôi sáp nhập với một cơ quan khác ở trong tỉnh. Nhiều người thừa ra, phải chuyển đi nơi khác. Thằng Túc xà xẻo kinh phí của cơ quan để xây nhà, bị tố giác, đuổi việc, chạy ra ngoài đánh thuê cho một công ty trách nhiệm hữu hạn. Tôi được cử đi học lớp vi tính căn bản văn phòng. Bạn cũ cùng cơ quan ít gặp lại nhau. Chả có dịp nào rủ anh Thầm đi  uống bia vui vẻ nữa. Rồi cứ thế quên anh dần. Chúng tôi còn trẻ. Chúng tôi còn nhiều mối quan tâm khác.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com