hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1411.htm

Phạm Đình Trọng

Ngõ nhỏ

Đã mấy năm nay, từ khi đứa con trai lớn của Bảng bước vào trung học, mỗi dịp tết nhất anh giao cho nó làm công việc dọn dẹp nhà cửa, quét vôi lại tường, tháo cửa lớn cửa nhỏ ra rửa. Còn anh thì đến dọn dẹp nhà cửa cho mẹ Ngoan.

Sáng ba mươi Tết năm nay, anh đến nhà mẹ Ngoan.

Mẹ Ngoan, một bà mẹ già ngoài tám mươi tuổi ngồi bán nước ở đầu ngõ nhìn thấy Bảng, nói:

- Em Ngoan vào nằm viện mấy hôm nay rồi anh ạ!

Bảng giật mình:

- Tết đến nơi rồi mà còn vào bệnh viện! Chắc khớp của Ngoan lại viêm nặng?

- Hai đầu gối của nó sưng lên và đau không đi lại được. Nếu không nằm viện thì nó cũng đi tàu rồi. Ngành đường sắt không nghỉ Tết nên có Tết nào nó ăn Tết ở nhà đâu anh!

- Để con vào quét dọn nhà cửa xem cần sắm thứ gì thì con sắm rồi chiều con vào bệnh viện đón Ngoan về. Năm nay Ngoan phải ở nhà ăn Tết với bà.

- Chìa khóa đây, anh vào nhà đi. Nhưng đừng có sắm sửa gì cho tốn tiền. Tôi có ở nhà khi nào đâu mà bày biện.

- Được rồi, bà cứ để con liệu.

Bảng dắt xe đi cái vào ngõ ngoằn ngoèo, sâu hút và vô cùng thân thuộc với anh từ thơ bé.

Ngày ấy, ở tận cùng con hẻm sâu hút này là một cái hồ rộng và là nơi đổ rác của cả xóm. Rồi trên bãi rác ấy mọc lên ba túp lều. Không biết túp lều nào có trước, túp lều nào có sau, chỉ biết rằng khi Bảng biết ghi nhớ sự việc chung quanh thì anh đã thấy có ba túp lều rồi. Cả ba cùng quây và che bằng những vật liệu như nhau. Những tấm tôn rỉ, những tấm các-tông bao bì, những miếng gỗ dán đủ cỡ... Cả ba cùng tềnh toàng, cũ kỹ như nhau, cùng lầm lụi, lam lũ như nhau.

Túp lều của bố mẹ và bốn anh em Bảng ở chính giữa. Bên phải, cách một rãnh thoát nước thải là túp lều của một gia đình, chồng đạp xích lô, vợ mua gom chai lọ và một lũ con nhỏ. Khi ông bố bị cảm chết đột ngột thì đứa con trai lớn mới mười bốn tuổi tên là Đáo lại thay bố ngồi lên yên xích lô, rong ruổi khắp Hà Nội. Bên trái nhà Bảng, cách một bờ dậu cúc tần là túp lều của bà mẹ bán hàng nước ở đầu ngõ và hai đứa con, chị là Ngoan, em trai là Hiền.

Trẻ con của ba túp lều ấy chỉ có anh em nhà Bảng và Hiền được cắp sách đến trường, còn tất cả phải lăn vào đời kiếm sống. Cuộc sống nghèo khó làm lũ trẻ cũng tất bật, lầm lụi, chẳng còn biết đến những trò chơi trẻ con nên chúng cũng ít có dịp gần gũi, chuyện trò với nhau, tưởng như giữa chúng chẳng có chuyện gì liên quan.

Nhưng không. Những đứa trẻ ấy đã lớn lên bên nhau, chúng đã hiểu nhau bằng năm tháng cuộc đời chúng và chúng cảm nhận về nhau bằng sự nhạy cảm của trái tim đang thức dậy. Và trái tim con gái bao giờ cũng thức dậy sớm hơn.

Năm ấy Bảng đang học năm cuối cùng của cấp ba và Ngoan vừa bước vào tuổi mười lăm. Hàng ngày Ngoan đạp xe đi lấy bánh, kẹo, chè, thuốc lá về cho mẹ ngồi bán. Còn Đáo đã đạp xích lô được dăm năm, nước da đã đen cháy, dáng người chắc nịch và bắp chân bắp tay nổi cuồn cuộn.

Chuẩn bị cho những kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, đêm nào Bảng cũng phải học đến khuya. Chỗ ngồi học của Bảng là cái hòm quần áo kê cạnh cửa sổ nhìn ra hàng cúc tần. Một đêm khuya, ngồi học mệt, Bảng phải ra cửa làm mấy động tác vận động rồi lại vào học tiếp thì anh thấy có chiếc bánh rán gói trong tờ giấy trắng, để trên quyển vở toán của anh. Cả nhà Bảng đã đi ngủ thì không thể là người trong nhà mang đến cho anh chiếc bánh rán này. Đang đói, đang thèm lại có cái ăn và cũng chỉ dám nghĩ đến một bắp ngô, một củ khoai lang luộc. Bây giờ lại có chiếc bánh rán vàng rộm, thơm phức thì còn gì bằng. Chẳng cần biết ở đâu ra, cứ chén đã!

Ăn xong thấy khỏe khoắn và minh mẫn ra, đọc lại bài toán đang bí, tự nhiên lại lóe ra cách giải. Có phải đấy là sức lực và trí tuệ của ông Bụt hiện lên giúp Bảng?

Hôm sau là mấy chiếc kẹo Hải Châu. Hôm sau nữa là chiếc bánh nướng. Đến lần này thì Bảng mới biết ông Bụt đó là ai.

Bên nhà Ngoan có tiếng lạch cạch của mẹ con Ngoan dọn hàng về thì Bảng cũng đứng lên kẹt cửa nhưng anh không bước ra ngoài mà đứng lại nhìn về chỗ cửa sổ ngồi học. Có tiếng loạt xoạt ở dậu cúc tần. Rồi một bàn tay con gái thò qua cửa sổ, đặt xuống quyển vở của Bảng chiếc bánh nướng. Bảng nhận ra cánh tay gầy guộc của Ngoan. Bấy giờ Bảng mới nhẹ nhàng bước ra cửa, đứng tần ngần nhìn ra lối ngõ tối thăm thẳm. Bảng chợt nhận ra ánh mắt của Ngoan những lần nhìn anh có tia long lanh thật lạ. Hình như chưa có cô gái nào nhìn anh bằng ánh mắt như thế. Tự nhiên Bảng cũng thấy rạo rực, ngẩn ngơ trong lòng.

Trở vào ngồi học, Bảng không thể nào kéo suy nghĩ trở về với bài học được nữa. Anh đành gấp sách vở lại, đi ngủ. Nhưng giấc ngủ cũng không đến. Bảng cứ nằm nghe những xáo động, bâng khuâng trong lòng.

Một buổi trưa đã ngả sang chiều, Bảng đi học về đang ăn cơm thì thấy Đáo cùng người bạn đi từ ngõ về. Cùng lúc ấy, Ngoan dắt xe đạp từ nhà đi ra. Vừa thấy Ngoan, người bạn của Đáo như bị hút hồn, cứ dán mắt theo Ngoan. Ngoan đi xa rồi, anh ta quay lại nói:

- Em này ở đâu mà ngon vậy mày?

- Hoa khôi bãi rác của tao đấy. Em của tao đấy, đừng có lộn xộn!

- Của mày mà sao nó thấy mày cũng như thấy người ngoài đường ấy?

- Em trông phổng phao thế nhưng mới có mười lăm tuổi. Đợi em lớn lên tí nữa tao sẽ đặt vấn đề.

- Em đẹp thế, lại con nhà nghèo, coi khéo bọn nhà giàu ném tiền ra rước mất đấy.

- Hoa giữa đầm lầy, ai ra đấy mà hái? Còn mình hái lúc nào chả được. Em đẹp là đẹp với mình thôi, là hoa khôi bãi rác thôi. Chứ em so với con gái ngoài phố thế nào được.

- Mày ngu bỏ mẹ! Bọn con gái ngoài phố chỉ được cái màu mè chứ làm sao đẹp bằng nó!

- Nhưng em không mê tiền, lại chỉ mê chữ thôi!

- Chữ nghĩa thì làm gì! Thầy giáo, bác sĩ còn nghèo hơn bọn mình. Một cuốc xích lô từ đây ra ga còn khá hơn tiền lương một ngày của ông bác sĩ. Vì thế bọn sẵn chữ chẳng đáng ngại. Chỉ ngại bọn sẵn tiền. Chúng muốn gì cũng được.

- Em lại đang mê một chú học trò nghèo mới khổ chứ.

- Thế là em còn viển vông. Rồi em sẽ tỉnh ra thôi! Mình phải làm cho em tỉnh ra chứ. Tao ở đây thì em xong với tao rồi!

Thì ra tình cảm của Ngoan dành cho Bảng, cả đến Đáo cũng đã biết! Thế mà Bảng vẫn làm như không biết gì. Bảng bỗng thấy Ngoan cao thượng quá, Ngoan đẹp và tốt quá! Nghe câu chuyện vừa rồi, Bảng thấy lo cho Ngoan. Lo cho Ngoan trước bọn con trai chơi bời ngoài phố. Lo cho Ngoan trước rắp tâm của anh chàng đạp xích lô từng trải cạnh nhà. Rồi Đáo sẽ "xong" với Ngoan như thế nào?

Không phải đợi lâu, chỉ mấy hôm sau là Bảng biết sự "xong" ấy.

Buổi chiều, Bảng đi lao động nhà trường vừa về đang chuẩn bị nấu bữa cơm tối thì Ngoan chạy ào vào hốt hoảng:

- Anh Bảng ơi, cứu em với!

Mặt Ngoan đang tái mét bỗng đỏ bừng lên. Ngoan đứng ngay trước mặt Bảng, ôm mặt khóc. Bảng lúng túng không biết nên làm như thế nào chỉ đứng ngẩn ra, hỏi:

- Có việc gì thế, Ngoan?

Ngoan nín bặt, cũng đột ngột như lúc khóc, nói nhanh:

- Anh sang nhà em bảo anh Đáo đi về nhà đi. Em không đồng ý cho anh ấy vào nhà em đâu.

Bảng giật mình. Đáo sang nhà Ngoan làm gì thế? Đã xảy ra chuyện gì chưa?

Bảng vội chạy sang nhà Ngoan. Đáo từ trong nhà Ngoan bước ra, trừng mắt nhìn Bảng rồi thong thả bước về nhà mình.

Bảng trở về nhà. Ngoan vẫn đứng giữa nhà nhìn anh như chờ đợi:

- Anh Bảng! Em sợ lắm!

Lúc ấy Bảng không hiểu cái nhìn ấy. Anh chỉ thấy lo lắng, hốt  hoảng, muốn biết điều gì đã xảy ra. Anh đến bên Ngoan, hỏi khẽ:

- Ngoan ơi, Ngoan có việc gì không?

Ngoan lại bật khóc tấm tức. Bảng càng lúng túng. Thôi chết, thế là "xong" rồi! Thôi, đừng nhắc đến nỗi đau này nữa. Anh nắm tay Ngoan kéo ra chiếc bàn khách, ấn Ngoan ngồi xuống ghế rồi nói lí nhí:

- Ngoan ơi, từ nay Ngoan đừng mang bánh sang cho tôi nữa nhé. Ngoan làm như thế còn gì là lãi.

Ngoan nhìn Bảng, nét mặt bỗng tươi lên:

- Anh Bảng có biết không? Anh Đáo sang nhà em ngồi cả buổi chiều. Em giục anh ấy về mãi, anh ấy mới đứng lên rồi bất thình lình ôm ghì lấy em. Em hoảng quá phải cắn vào tay anh ấy, em mới chạy sang được đấy.

Bảng thở phào nhẹ nhõm! Chưa có gì xảy ra cả! Ngoan chưa đến nỗi bị "xong" với Đáo. Bảng rót nước mời Ngoan uống rồi nhìn quanh xem có quà gì cho Ngoan. Chẳng có bánh kẹo, cũng chẳng có một quả cây gì. Bảng chợt nhớ đến tờ nội dung phim "Hạnh phúc khó khăn" mà chiều nay bọn anh đi qua rạp Tháng Tám đã xin được mỗi đứa một tờ. Anh cầm tờ quảng cáo phim đưa cho Ngoan xem và nói:

- Ngoan đã xem phim này chưa? Phim hay lắm! Hôm nay bắt đầu chiếu ở rạp Tháng Tám.

Ngoan nhìn qua tờ giấy rồi nói:

- Nhiều lúc em muốn đi xem phim quá mà chả biết đi với ai.

- Tối thứ bảy này tôi sẽ nghỉ học một tối đưa Ngoan đi xem phim.

Ngoan không nói gì. Như thế tức là Ngoan đã đồng ý. Ngoan về rồi, Bảng mới lo. Lấy tiền đâu mua hai vé hạng bét rạp Tháng Tám? Nhưng Ngoan đã lại sang, giúi vào tay Bảng một đồng và nói:

- Anh cầm lấy tiền mà đi mua vé phim.

Bảng chưa kịp phản ứng gì thì Ngoan đã tất tả đi ra.

Đến thứ bảy, sáu giờ rưỡi tối, Bảng đi bộ ra khỏi ngõ. Đến bức tường cao tối om của một tòa nhà lớn, cách ngõ nhà một đoạn, anh đứng lại đợi. Ngoan đi xe đạp đến, giao xe cho Bảng, rồi không động vào người Bảng, Ngoan ngồi lên sau xe.

Đấy là một tối giữa tháng hai, trời còn rét ngọt. Cả Bảng và Ngoan đều nghèo lắm. Mỗi người chỉ phong phanh một chiếc áo cánh trắng. Họ cũng không dám ngồi sát vào nhau để truyền hơi ấm cho nhau. Nhưng hình như chẳng ai cảm thấy lạnh. Cũng như lúc vào rạp, cả hai người cùng im lặng nhìn lên màn ảnh nhưng chẳng ai để ý theo dõi chuyện phim. Dường như cả hai bên cùng cố giữ một khoảng cách để tỏ ra tôn trọng nhau, giữ gìn cho nhau, không suồng sã quá, không đường đột quá! Nhưng rồi đến lúc, Bảng đã đặt lên bàn tay Ngoan. Và cả hai cứ để tay như thế suốt buổi xem phim.

Lúc trở về Bảng lại chở Ngoan đến trước ngôi nhà đồ sộ nhưng tối om. Anh đỗ xe lại, trả xe cho Ngoan. Đợi Ngoan lên xe đi trước, anh mới lững thững đi bộ về nhà.

Sau đấy Bảng lao vào học thi. Qua kỳ thi tốt nghiệp lại lao vào học thi đại học. Bảng không biết rằng, hồi ấy, ai được vào đại học, ai được đi nước ngoài đã được định đoạt từ trước kỳ thi rồi. Bố Bảng là con nhà địa chủ, dù đã bỏ cơ ngơi ở quê ra đi kiếm sống bằng hai bàn tay lao động của mình thì vẫn là dòng dõi địa chủ, dù Bảng có học giỏi, điểm cao đến đâu cũng không thể vào đại học được.

Bảng đang lo đi kiếm việc làm để giúp bố mẹ thì anh nhận được giấy gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Một tuần sau, anh nhận được giấy gọi nhập ngũ. Khi ấy đã là giáp Tết. Giấy gọi nhập ngũ hẹn mồng năm Tết lên đường.

Và cái Tết cuối cùng của đời học trò, cái Tết chuyển tiếp giữa quãng đời dân sự và quân sự, cái Tết giáp ranh giữa thời bình và thời chiến ấy anh đã dành trọn vẹn cho Ngoan.

Tối nào Bảng cũng đợi Ngoan trong khoảng tối trước ngôi nhà lớn cửa đóng im ỉm. Chiếc xe đạp cọc cạch của Ngoan mỗi tối lại đưa họ đến một góc Hà Nội. Có tối họ lên Quảng Bá, Nhật Tân. Có tối họ lên Bưởi, Nghĩa Đô. Có tối họ lên Cống Vị, Thủ Lệ. Có tối họ vào công viên Thống nhất... Buổi tối Hà Nội nơi nào cũng ngọt như mật, nơi nào cũng hoang sơ và thăm thẳm như động ngàn xưa. Trời rét căm căm. Họ chỉ có thêm một chiếc áo len ngắn tay đã rão mỏng mà không thấy rét. Khuya trở về, họ lại đứng lại trong bóng tối ngôi nhà lớn. Họ dựng xe bên tường, hôn nhau thật lâu.

Dạo ấy miền bắc chưa có tiếng súng nhưng khói lửa bom đạn đã trùm lên khắp miền nam. Dòng chảy của những đơn vị bộ đội miền bắc vào miền nam chiến đấu đã tăng lên mạnh mẽ. Buổi tối cuối cùng trước hôm lên đường, sau cái hôn dài để rồi chia tay, Bảng chợt hỏi:

- Nếu sau này anh không về thì sao?

- Thì em sẽ lấy một người mà em cũng yêu như em đã yêu anh. Nhưng sẽ không bao giờ em quên được anh.

Ôi, Ngoan của anh! Bảng lại ôm lấy Ngoan. Suy nghĩ ấy của Ngoan làm anh càng quý Ngoan, yêu Ngoan hơn. Nếu Ngoan nói rằng anh chết, Ngoan sẽ chẳng còn yêu ai nữa, chẳng lấy ai nữa thì đấy là câu nói giả dối và có lẽ cô gái nào cũng nói như thế. Nhưng Ngoan không nói như thế! Câu nói của Ngoan chân thực biết bao, đẹp đẽ biết bao! Câu nói ấy vừa khẳng định tình yêu bất biến của Ngoan, vừa đặt tình yêu ấy trong cái cuộc đời đầy biến động và tìm ra nguyên tắc bất biến cho cái biến ấy. Thôi, khuya quá rồi, về đi em! Bảng dắt xe xuống đường cho Ngoan. Ngoan lên xe về trước Bảng lại lững thững đi bộ về sau.

Bảng đã từ biệt cái ngõ nghèo chật chội, từ biệt mối tình đầu đẹp đẽ ra đi biền biệt cho đến khi Bảng được nghỉ phép trước khi lên dường vào nam chiến đấu.

Đợt Bảng về nghỉ phép thấy ngõ đã vợi hẳn người đi. Hiền, em Ngoan đã đi bộ đội. Đáo xích lô cũng đã nhập ngũ. Đáo nhập ngũ chưa được một tháng đã có thư về cho Ngoan. Đáo gửi về cho Ngoan cả bức ảnh cỡ chín, mười hai chụp Đáo mặc quân phục, sao trên mũ, quân hàm binh nhì trên ve áo, vẻ mặt nghiêm trang, ngay ngắn. Ngoan đưa thư của Đáo cho Bảng xem. Thư viết: "Ngoan ơi, anh đã là một người khác, một chiến sỹ được giáo dục đến nơi đến chốn, được rèn luyện từ cái ăn cái ở. Xin em hãy quên thằng Đáo xích lô đã có hành vi không phải với em, để em nghĩ về anh khác đi. Anh biết em đang dành tình cảm cho một người. Nhưng thế giới tình cảm của người ấy hoàn toàn khác với thế giới tình cảm của chúng ta. Họ thích những cái mà mình không hiểu. Còn mình lại thích những cái mà họ coi thường. Làm sao họ có thể hòa nhập được với em? Chỉ có chúng ta mới thực cần thiết cho nhau, gần gũi được với nhau...".

Bảng đọc đi đọc lại bức thư của Đáo và anh thấy những điều Đáo viết rất đáng suy nghĩ. Nhưng anh vẫn yêu Ngoan.

Đợt ấy hai người đã công khai tình yêu của họ với ngõ xóm. Ngoan càng chăm sóc anh, chiều chuộng anh như chiều chuộng một đứa trẻ thơ bé ngốc nghếch. Đợt ấy họ không đi xem phim, không đi vào những góc hoang sơ của Hà Nội mà họ đi thăm bạn bè, bạn của Bảng và bạn của Ngoan. Mỗi giai đoạn của tình yêu lại có một cách thể hiện khác nhau và cách nào cũng thật ngọt ngào, dễ chịu.

Rồi Bảng vào mặt trận. Đánh nhau một lèo lên đến tiểu đoàn trưởng thì Bảng bị một trái M79 rũ mảnh vào bụng.

Trong suốt thời gian nằm viện quân y mặt trận, Bảng đã được một nữ bác sĩ cùng quê Hà Nội chăm sóc. Suốt ba tháng trời ròng rã chị đã dắt anh vượt qua cái làn ranh mỏng manh giữa cái sống và cái chết. Anh tỉnh dậy lúc nào đều thấy một bóng áo trắng khi gần khi xa: Rồi một gương mặt dịu dàng có một nốt ruồi ở khóe miệng cúi xuống nhìn anh. Cái gương mặt phụ nữ dịu dàng với nốt ruồi nhỏ nơi khóe miệng luôn bên anh, trìu mến và nâng đỡ anh trong những cơn đau đã gây cho anh cảm giác như anh được nằm chữa bệnh ở nhà, có mẹ anh, có em gái anh chăm sóc và anh thấy thật yên tâm.

Khi lành vết thương trở về đơn vị thì anh đã có một tình yêu với cô bác sĩ dịu dàng tên là Thùy. Và anh đã mang tình yêu đó vào trận đánh cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền nam.

Anh có nghĩ đến Ngoan. Nhưng mười năm đã qua đi anh có nên đòi hỏi sự chờ đợi ở Ngoan nữa không? Còn Đáo nữa. Tình yêu của Đáo với Ngoan là một tình yêu chủ động và mạnh mẽ, hơn hẳn tình yêu anh có với Ngoan rất nhiều. Đến lúc ấy Bảng mới nhận ra những điều Đáo viết trong thư gửi Ngoan là có lý. Điều đó chứng tỏ Đáo hơn hẳn Bảng về sự từng trải.

Nhưng đến cuối năm 1975 Bảng trở về với cái ngõ bãi rác mới biết Đáo đã hy sinh ở Quảng Trị từ năm 1972. Và Hiền, em Ngoan cũng đã hy sinh ở Xuân Lộc tháng 4 năm 1975!

Cái chết của hai người đàn ông ấy như đều dồn trách nhiệm tình cảm với gia đình Ngoan lên vai Bảng. Nếu họ còn sống thì sự rút lui của Bảng đối với Ngoan sẽ bình thường, đơn giản biết bao. Nay họ đều đã hy sinh, Bảng là người may mắn sống sót, đúng ra, Bảng phải thay vị trí tình cảm của họ trong gia đình Ngoan, thì tình yêu của anh với Ngoan càng đẹp biết bao! Nhưng tình yêu Ngoan trao cho anh, anh đã không còn giữ được nữa rồi! Điều ấy đối với Ngoan lúc này thật tàn nhẫn, phũ phàng, nặng nề! Mà đấy lại là sự thật, không thể nào khác được!

Nếu khi anh trở về gặp Ngoan, nước da của anh vẫn là nước da sốt rét và cung cách của anh vẫn là cung cách của người lính ở rừng, chỉ như thế thôi, cũng làm cho Ngoan sung sướng nhận ra rằng anh vẫn là của Ngoan. Nhưng nửa năm sống ở Sài Gòn sau chiến tranh, Thùy đã chăm sóc làm cho nước da anh đỏ hồng lên, làm cho cách ăn mặc của anh cũng bảnh bao, trau chuốt ra. Và sự lúng túng của anh khi gặp Ngoan nữa! Trái tim đàn bà nhạy cảm của Ngoan đã nhận ra tất cả. Ngoan vui sướng gặp lại anh nhưng cũng lặng lẽ và dè dặt chờ nghe anh nói một lời thật nghiêm trọng.

Bảng đã nói về vết thương định mệnh, về người nữ bác sĩ đưa anh ra khỏi cái chết, về quan hệ hiện nay của anh với Thùy. Anh về phép chuyến này để nói với bố mẹ anh tổ chức đám cưới cho anh và Thùy. Anh sẽ xin chuyển công tác cho Thùy ra Hà Nội và anh sẽ đi học đại học.

Ngoan nghe anh nói một cách chăm chú nhưng vẻ mặt bình thản như nghe một câu chuyện tiểu thuyết, như nghe nói về một người nào xa lạ. Rồi Ngoan thốt kêu lên:

- Anh ơi, mười năm bặt tin anh, em đã tưởng anh không bao giờ trở về nhưng em luôn đinh ninh rằng em vẫn có anh. Bây giờ anh trở về thì em lại không có anh nữa. Thôi, số em khổ thì em đành chịu khổ! Anh đừng bận tâm về em. Mấy năm chiến tranh, xóm mình đã vãn đi nhiều người, anh đưa chị về đây ở cho vui xóm.

Vợ chồng Bảng về xóm bãi rác có ít ngày thì vợ anh được cơ quan chia nhà. Rồi bố anh làm thầu xây dựng cũng mua được nhà ngoài phố. Anh xa xóm bãi rác từ đấy. Nhưng Tết năm nào anh cũng về thăm mẹ Ngoan và Ngoan.

Trên bãi rác lấn ra hồ bây giờ không phải chỉ có ba căn nhà mà đã có cả một chòm xóm. Nhà gỗ. Nhà tre. Nhà lợp giấy dầu. Nhà ngói. Nhấp nhô, san sát. Ba căn nhà cất lên đầu tiên ở đây bây giờ đã tường xây, mái ngói. Nhưng chỉ có mẹ con Ngoan là còn ở lại đây cho đến hôm nay.

Bảng mở cửa vào nhà. Trong nhà đã có giường kiểu mới, có tủ đứng, tủ nằm, có máy thu hình đen trắng và có xe đạp Mi-pha. Nhưng mặt tủ, mặt bàn bụi bặm và không khí trong nhà lạnh lẽo, ẩm mốc như một căn nhà hoang. Đấy là không khí ở những căn nhà không có đàn ông. Phía trên bát hương thờ trên nóc tủ đứng là hai chiếc khung ảnh treo trên tường, ảnh bố Ngoan và ảnh em trai Ngoan. Chiếc ảnh Đáo không có khung, đặt dựa vào bát hương.

Bảng buộc chổi quét mạng nhện và bụi bặm, từ trên cao xuống. Anh lấy dẻ ướt lau tủ, lau bàn, lau cánh cửa. Anh kê lại chiếc bàn cho ngay ngắn, đóng lại chiếc đinh treo mắc áo sắp rơi ra. Sao chiếc đèn nê-ông mét hai lại không sáng được thế này? Bảng kiểm tra và phát hiện ra tắc te đèn bị già. Anh đứng ngắm nhìn gian nhà để xem cần trang trí thế nào. Cần có một lọ hoa với mươi bông lay-ơn, một tấm lịch treo tường. Cái tắc te mới cho đèn nê-ông nữa và cần mua chiếc khung ảnh nhỏ để ảnh Đáo vào.

Hơn mười hai giờ trưa Bảng mới về đến nhà mình. Con trai anh dọn dẹp nhà cửa vẫn chưa xong. Vợ anh vừa ở bệnh viện về. Bảng bảo vợ:

- Đêm qua em trực, chiều nay nghỉ hả?

- Em không phải đi làm nhưng phải đi chợ sắm Tết.

- Tối nay anh sẽ đưa em đi sắm, đi chơi chợ Tết luôn. Chiều nay em đi với anh.

- Có việc gì gấp thế, anh?

- Anh chở em đi mua mấy thứ mang đến nhà Ngoan rồi anh sẽ ở lại đấy dọn dẹp. Em lấy xe vào bệnh viện Đường sắt đón Ngoan về nhà ăn Tết với bà mẹ. Ngoan phải vào nằm bệnh viện đã tuần nay rồi.

- Rét thế này, khớp của chị Ngoan lại tái phát rồi! Đưa chị ấy về nhà, hàng ngày em đến điều trị cho, việc gì phải vào bệnh viện. Em đi đón chị Ngoan cũng được nhưng anh đi thì hay hơn.

Bảng mỉm cười quàng tay lên vai vợ kéo vào ngực mình, nói:

- Anh cũng thấy như thế. Nhưng em nói ra được điều đó, anh mới dám đi.

Thùy giẫy ra:

- Chỉ được cái khôn!

Bảng đến bệnh viện, nơi Ngoan điều trị thấy bệnh viện có cảnh tấp nập ngược với thường ngày, chỉ thấy người nhà đến đón người bệnh về chứ không thấy có ai nhập viện.

Anh bước vào sân bệnh viện và chú ý ngay đến một phụ nữ mặc quần áo người bệnh ngồi chơ vơ trên chiếc ghế đá, cạnh gốc cây ở cuối sân. Dáng người dong dỏng, mái tóc xõa xuống vai kia có phải là Ngoan? Bảng xăm xăm bước lại phía đó và anh thốt kêu lên:

- Ngoan!

Phải, người đàn bà ngồi lặng lẽ như một chiếc bóng trong buổi chiều heo hút cuối sân bệnh viện ấy chính là Ngoan! Nhận ra Bảng, gương mặt Ngoan rạng rỡ lên, chị cười thật tươi nhưng nước mắt lại trào ra:

- Ôi anh Bảng! Anh vào thăm em đúng lúc quá! Em đang buồn!

Bảng ngồi xuống ghế đá cạnh Ngoan. Hơi đá lạnh truyền sang người làm anh khẽ rùng mình. Anh hỏi:

- Khớp em đã đỡ đau chưa?

- Em nhúc nhắc đi lại được rồi.

- Sao em lại ngồi đây cho lạnh?

- Trong phòng em, mọi người đều có người nhà đến đón về ăn Tết. Ai cũng hỏi khi nào em về, em không biết trả lời ra sao nên ra đây để khỏi phải trả lời.

- Anh vào đón em về nhà ăn Tết, chứ ai lại ăn Tết ở đây.

- Với em làm gì có Tết, hả anh? Từ khi lớn lên, em chỉ có một cái Tết duy nhất, thực sự là Tết. Anh có biết đấy là Tết nào không?

- Có, anh biết. Đấy là cái Tết trước khi anh đi bộ đội.

- Anh bao giờ cũng thật hiểu em. Còn em lại chẳng hiểu gì về em cả. Em chẳng biết nên như thế nào. Em vừa muốn về nhà cho mẹ em vui, em lại vừa muốn đi trốn cái sự dập dìu náo nhiệt này. Em rất sợ cái cảnh cứ phải kéo nhau dòng dòng đi chúc tụng nhau.

Bảng nói như ra lệnh:

- Em nghe anh! Về nhà ăn Tết với mẹ! Thùy đang thay em dọn dẹp ở nhà đấy. Thùy bảo anh vào đây đón em về chị chữa khớp cho em.

- Thùy thật tuyệt! Chị quan tâm đến em nhiều quá! Tết này anh chị đến ăn Tết với em nhé!

- Chị Thùy đã có kế hoạch rồi. Trưa mồng một, cả nhà anh sẽ đến ăn cơm với em và mẹ.

- Thế thì em phải về chuẩn bị đón anh chị.

Ngoan trở về phòng tíu tít thu dọn đồ. Còn Bảng thì đi tìm bác sĩ trực để xin phép cho Ngoan về nhà.

Bảng đặt túi quần áo của Ngoan vào giỏ xe rồi đỡ Ngoan lên xe. Đường phố đầy ắp người nhưng Bảng vẫn cho xe chạy rất nhanh. Xe của họ chạy ngang qua Thủ Lệ, ngang qua công viên Thống nhất ngày xưa nay là công viên Lênin để trở về ngõ bãi rác quen thuộc. Thùy đang đợi họ ở đấy, một ngõ nhỏ, vô danh của phố phường; Vậy mà quá nửa đời người Bảng mới thấy tạm hiểu về nó.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com