hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1401.htm

Nguyễn Văn thông

Người cha

Hạt bồ đề tròn, nâu bóng, từ trong chuỗi hạt dài của cha tôi sổ ra, nảy lên, lăn từng bậc một, trên cầu thang bằng gỗ đàn, dài vô tận...

Từ lâu tôi đã phân biệt được đâu là tiếng mõ tụng kinh của cha, đâu là tiếng mõ tụng kinh của mẹ. Tiếng mõ của mẹ ngắn, day dứt. Có lúc bất ngờ dừng khá lâu. Đó là lúc mẹ ngưng tay, hít một hơi thật sâu, lâm râm khấn... Rồi thì hồi mõ lại bất thần xuất hiện, to hơn, dồn dập hơn.

Tiếng mõ của cha vẫn đều đều như thế, thảnh thơi như thế. Hạt bồ đề vẫn rơi như tự thuở nào và không biết đến bao giờ, trên những bậc thang của thời gian dài vô tận kia. Có lúc tôi tưởng như hồn cha theo tiếng mõ đi vào cõi mê... Hình như khi tụng kinh, cha chỉ nghĩ đến Phật, đến một cõi ta bà nào đó. Còn mẹ, mẹ nghĩ đến các con đang ở quanh bà. Bà cầu Phật, chỉ là để các con bà được sống yên vui, tai qua nạn khỏi.

Một lần cha kể cho tôi nghe câu chuyện về nhà sư Rau.

- Gọi vậy vì suốt đời Ngài chỉ ăn toàn rau... Khi biết mình sắp mất, Ngài vào trong một cái am nhỏ, đóng cửa am lại, ngồi gõ mõ tụng kinh. Đúng một trăm ngày tiếng mõ dứt. Các đệ tử mở am ra. Ngài đã tịch nhưng vẫn ngồi trong tư thế kiết già. Họ bả sơn ta lên di hài nhà sư.

Cha tôi nói như chính ông đã thấy thật. Nghiêm trang quá! Thành kính quá! Và tôi cũng phải tin theo...

Sau câu chuyện ấy, đêm nào cha tôi tụng kinh khuya, tôi cũng từ phòng ngủ bước ra xem chừng. Trong cách kể chuyện của ông tôi biết không những ông tin điều đó mà ông còn ước mơ điều đó. Thỉnh thoảng khi nói về cái chết ông rất bình thản. "Nếu ngày đó đến, cha cũng sẽ như vị sư kia". Ông không nói ra nhưng tôi đoán ông có ý nghĩ đó.

Một đêm tôi đang ngủ bỗng nghe tiếng mõ dứt đột ngột. Nhìn qua tấm bình phong tôi thấy ông vẫn đang ngồi, tay trái để trước ngực, tay phải cầm dùi. Nhưng tiếng mõ thì không còn nghe nữa. Giờ phút ấy đến rồi  chăng?

Tôi tung chăn chạy ra, định xô đến ôm lấy ông, nhưng tôi kịp dừng chân lại. Thật chú ý tôi mới thấy ông vẫn đang tụng kinh nho nhỏ, và bàn tay cầm dùi vẫn gõ nhẹ lên chiếc mõ trước mặt. Tiếng tụng kinh và tiếng mõ khẽ đến mức tưởng như không phát ra một âm thanh nào!

Phải đến mươi phút nữa mới xong thời kinh sáng. Tôi dựa xe đạp vào thân cây dừa lửa, rảo bước dọc bờ sông... Trên nguồn có lũ nhỏ. Gỗ mục trôi về. Một khúc cây lớn, quăn queo như con mãng xà đen, vượt lên các loại rác rếnh, lúc chìm, lúc nổi, trôi nhanh về phía cửa sông Hàn. Tôi nghĩ cuộc đời cha tôi như cây gỗ ấy. Đôi lúc nhìn lại đời mình nhiều phen vào sinh ra tử, tôi cứ tưởng đời tôi là gian truân lắm. Nhưng khi nhìn đời cha tôi, tôi mới hiểu. "Thế mới là đời", đời người ta khổ thì nhiều. Nhưng vượt được khổ, ngoi đầu lên, bứt vượt về phía trước, bị dìm xuống lại ngoi lên, vươn lên mãi thì thật không nhiều lắm. ấy vậy mà hình như cũng đến lúc cha cảm thấy mệt, thả đời mình theo những câu kinh.

Hồi ấy ở thành phố này có một con bò mộng, nghe nói chở từ bên Tây sang, to lớn không phải gấp đôi mà gấp ba một con bò thường, to hơn cả những con bò tót của các đấu trường Tây Ban Nha tôi thấy trên phim. Nhiều đêm khuya móng nó vẫn lộp cộp cõ, vang các khu phố. Nó đi lại vào bất cứ giờ nào, bất cứ nơi nào nó thích. Đường bệ, oai nghiêm, y như chủ nó là lão thiếu úy trưởng đồn lính khố xanh. "Bò ông Một đó" người ta gọi vậy. Nó chậm rãi bước, nghênh ngang giữa đường nhựa. Xe ô-tô phải dừng lại cho nó đi qua. Nó đi sát hè, người đi bộ phải nhường đường cho nó bước. "Bò ông Một đó". Nó như là thứ quyền uy. Đôi lần nó lang thang tận những vùng núi xa, tận ải Vân, Phước Tường. Thế là mấy bác lính khố xanh, hớt hơ hớt hải, chạy đôn chạy đáo tìm nó. Cha tôi một trai quê mười lăm tuổi lần đầu tiên ra thành phố kiếm sống, đã làm cái việc mà ít ai dám nhận là đi chăn con bò khổng lồ ấy.

Cha tôi ham đọc truyện Tàu nên khi đi chăn bò cha tôi thường cầm theo một quyển. Nom cha tôi đội nón mê, tay cắp sách, luôn bước sau "ông" nên cha có vẻ đi hầu hơn là đi chăn "ông" (Khi kể chuyện lúc đầu cha gọi là "Bò ông Một", về sau cha gọi là "ông Một", sau nữa cha gọi là "ông"). Tuyệt đối không được dùng roi để xua "ông". "Ông" đi đến đâu phải theo ông đến đấy. "Ông" đi, cha tôi đi. "Ông" dừng, cha tôi dừng.

"Ông" xuống sông tắm mát, cha tôi chờ. "Ông" lên đồi gặm cỏ, cha tôi lên theo. Phải theo "ông" như thế từ sáng sớm tinh mơ. Đến chiều tối, khi nào "ông" thích về thì "ông về". "Ông" tinh khôn lắm! "Ông" biết cha tôi phải hầu "ông" nên "ông" không thèm để ý. "Ông" cứ làm theo ý "ông" và xem như cha tôi không hề có trên đời này. Có hôm trời đã sập tối, cha tôi vẫn phải chờ ông gặm đám cỏ non ở chân cầu Thủy Tú, cách xa thành phố hàng chục cây số, trong lúc cha tôi bụng đói cồn cào.

Một chiều, dưới một gốc dương, cha tôi mải mê đọc Tam Quốc. Cha đắm mình trong chương Tam khí Chu Du mà quên mất "ông". Khi cha nhớ lại nhìn lên thì "ông" đã biến mất. Tên quan Một ra lệnh tống cha vào xà lim. Cha xin đi tìm. Nếu không tìm ra, xin về chịu tội. Ba ngày đêm liền, cha lang thang khắp vùng Hố Nai, Hố Chuối. Đây là nơi cọp thường qua lại, vồ người. Sang ngày thứ tư, cha chưa biết tính sao thì "ông Một" lừng lững từ trong rừng bước ra, vẫn dáng uy nghi đường bệ thường thấy. Cha vừa mừng vừa tức. Định quật "ông" vài roi, nhưng sợ "ông" tự ái, đành lững thững theo "ông".

Sau hôm đó cha tôi xin thôi việc.

Chục năm sau này, khi cha tôi đã giầu có lên, đang khai khẩn một đồn điền bắp ở Phú Túc, một huyện phía tây thành phố, cha tôi gặp lại "ông Một". Không phải "ông Một bò", mà gặp chính "ông Một đồn trưởng".

Nghe tin có đồn điền do người Việt Nam khai phá, "ông" lấy cớ đi săn, đến tận nơi thăm dò. "Ông" nói chuyện với cha tôi và ngạc nhiên vì cha tôi thạo săn bắn và còn thạo cả tiếng Pháp. "Ông" càng ngạc nhiên hơn khi biết cha tôi chính là thằng bé đã chăn bò cho "ông" năm xưa.

"Ông" nói: "Nếu tôi biết đó chính là anh thì tôi chẳng để anh đi chăn bò". Cha tôi đáp: "Nhưng nếu tôi không có dịp chăn con bò ấy...".

Ba ngày đêm đuổi theo con bò mộng ở Hố Chuối, cha tôi hiểu được nhiều điều.

Tôi không biết cha tôi đã trải qua bao nhiêu nghề. Vừa đi làm vừa tự học. Một cách học kỳ lạ. Học thuộc lòng cả từng trang từ điển Pháp - Việt. Tám năm kiên nhẫn, cần cù, nhiều lần bị dìm xuống tận đáy, lại ngoi lên như khúc gỗ quăn queo kia. Cha trở nên giàu có, lấy vợ sinh con... Nhưng rồi... Mở đồn điền, bị sốt rét ngã nước. Suýt chết. Thầu cầu cho giao thông công chính, bị thua lỗ. Thầu củi cho hỏa xa, bị quỵt nợ. Chỉ trong hai năm gia đình khánh kiệt. Cha phải bán ngôi nhà lớn xây giữa thành phố về lại căn nhà nhỏ này. Ngày trước cha mua căn nhà này vì đứng đây nhìn về Đông có thể thấy cửa sông Hàn, nhìn về Nam thấy rõ năm ngọn Ngũ Hành Sơn bồng bềnh trong sương như năm hòn đảo nhỏ.

Mẹ kể lần sinh anh Kim, mẹ chờ cha đi làm xa về đặt tên đứa con trai đầu lòng. Một tháng sau ông mới về đến nhà. Ông ra sân nhìn quanh và dừng mắt lại phía Non Nước, nói: "Non Nước có năm hòn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cứ thế mà đặt tên cho chúng nó. Hơi đâu mà chờ tôi về!".

Bây giờ, thất chí, cha hay đứng đây nhìn về Ngũ Hành Sơn im lặng.

Kháng chiến chống Pháp. Tôi và các em vào bộ đội. Gia đình tôi tản cư đến nhiều nơi. Mẹ thường xuyên đau ốm. Còn cha thì vẫn im lặng. Mà im lặng tức là cha đang toan tính điều gì nghiêm trọng...

Vào tháng 8 năm 1950, tôi được tin cha tôi chuẩn bị đưa mẹ tôi về Đà Nẵng chữa bệnh. Mẹ tôi bị bệnh phổi từ nhiều năm nay. Từ nơi đóng quân cách xa gần hai trăm cây số, tôi đi bộ ngày đêm về Tam Kỳ để kịp chia tay với gia đình. Đêm hôm ấy tôi ngủ với cha trên chiếc thuyền thuê để ngày mai xuôi về thành phố.

Cha thở dài:

- Cuộc đời thiệt vô nghĩa! Cha hùng hục suốt đời như một con trâu mà chẳng được gì!

Tôi nằm sát vào gần cha:

- Cha mẹ đã sinh ra các con, nuôi các con khôn lớn, cho ăn học đàng hoàng, rồi bây giờ cho các con vào bộ đội...

- Đó, cha còn chút an ủi đó! Các con lớn lên là gặp thời cơ giúp nước. Cha cũng mát mặt với bà con... Nhưng còn cha! Anh có khuyên cha điều gì không?

Sao lại "khuyên"? Tôi để ý từ ngày tôi vào bộ đội cha có cách đối xử với tôi hơi khác trước. Cha gọi tôi là "anh" mà ít gọi là "con" hay "mày" như ngày xưa. Lần này ông lại hỏi: "Anh có khuyên cha điều gì không?". Hình như cha cảm thấy trở về thành phố như thế này là không phải với cách mạng, mà tôi là người lính cách mạng. Và cha chờ đợi ở tôi một lời khuyên. Trong thâm tâm tôi có nghĩ đến điều này. Trước kia cha tôi là một nhân vật ít nhiều có uy tín trong thành phố. Cha trở về chắc bọn địch sẽ tìm cách mua chuộc, dọa dẫm, buộc cha ra làm việc. Mà như vậy thì...

Nghĩ vậy nhưng tôi không nói nên lời. Như hiểu được ý tôi, cha nói: "Anh yêu tâm, cha sẽ không làm điều gì để các con phiền lòng, để làng nước chê cười".

Và suốt đêm, cha quấn thuốc rê, hút hết điếu này đến điếu khác.

Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc và không nhận được tin tức gì của gia đình nữa. Không một lá thư. Không một mẩu tin. Quyển sách chúng tôi yêu quý nhất lúc bấy giờ là Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc. Mỗi lá thư là một tiếng kêu nhức nhối! Tôi cố gắng tìm bóng dáng cha mẹ tôi trong từng trang thư đó. Một hôm vào mùa Đông năm 60, một anh bạn Nam Bộ đến cho tôi một vé xem kịch: "Đề tài miền Nam đó. Đi coi đi!". Nể bạn tôi nhận vé nhưng vẫn nằm nhà đọc sách. Tuần trước tôi đã mất trọn đêm với một vở kịch loại này. Cũng cây dừa, cũng áo bà ba, cũng khăn rằn, mà sao nhiều đoạn tôi đã phải cúi đầu xuống không dám nhìn lên sân khấu. Đến gần giờ diễn, anh bạn tạt qua. Thấy tôi vẫn còn nằm đọc sách, anh la toáng:

- Trời ơi! Sao giờ này vẫn còn nằm đây? à, chắc mày tưởng miền nam dổm nên không đi hả? của Trần Lý viết và dàn dựng đó!

- Trần Lý nào?

- Thì chỉ có một chứ mấy Trần Lý !

- Anh ấy đang ở trong Nam kia mà!

- Ra đây rồi! Anh ta ra chữa bệnh, tranh thủ dựng vở kịch này cho Đoàn kịch Trung ương.

Tôi chưa được gặp Trần Lý nhưng có nghe tiếng anh. Anh là đạo diễn miền bắc đã xin vào chiến trường từ năm 1957. Sau đó năm nào anh cũng gửi ra một hai vở kịch ngắn. Những vở kịch thật xuất sắc! Và bây giờ chính anh lại ra đây tự dàn dựng vở của mình.

Tôi lao xe đạp như điên đến rạp Hồng Hà. Không hiểu sao chưa va phải ai! Tôi vào chỗ ngồi lúc tấm màn sa tanh đỏ vừa mở, kịp dọn mình cho đêm cầu nguyện. Vẫn là cây dừa cắt bằng gỗ dán đấy nhưng hôm nay tôi nghe như có tiếng gió lướt qua, lá cành xào xạc... Tôi sống trong một không gian khác, một thời gian khác. Ngay khi nhân vật đầu tiên xuất hiện nói tiếng đầu tiên, tôi mê đi, lạc vào một nẻo quê bên dòng sông xanh. Theo chân anh cán bộ trên sân khấu tôi bước đi, đi mãi...

Một nhà báo cách mạng vào thành phố, bất ngờ bị bọn mật vụ phát hiện, kịp trốn vào nhà dân. Trong nhà có nhà sư già đang tụng kinh. Nhanh chóng nhà sư mặc áo cà sa và cạo đầu trọc cho anh, đưa anh đến ngôi chùa ở phía Nam thành phố. ở đây anh biết được nhiều điều lạ... Các thầy chùa sản xuất hương, bánh khô, tương. Lúc đầu anh  tưởng đó chỉ là một nơi kinh doanh bình thường, lấy tiền để nuôi nhà chùa... Sau ảnh thấy chùa còn có một vườn thuốc Nam rộng và thấy có nhiều nhà sư hằng ngày đi hái thêm lá thuốc ở các vùng núi xa... Sau khi được nhà sư già tin cẩn, anh cõng một du kích bị thương nặng xuống một động đá sâu. Đây là nơi ẩn náu của cán bộ bị địch lùng bắt, là nơi chăm sóc các chiến sĩ du kích bị thương nặng, nơi nuôi giấu những người trốn lính. Bọn địch lùng tìm cái hang bí mật này. Có người lính nguỵ tuy biết cửa hang nhưng đã dẫn địch đi nơi khác. Nhà sư già bị địch bắt. Sau hai ngày đánh đập, tra tấn, chúng phải thả ông ra vì không có chứng cớ. Ông sư già đưa nhà báo ra khỏi chùa lên căn cứ...

Truyện kịch không có gì mới lạ. Lời kịch giản dị. Nhưng tôi đã bị thôi miên suốt hai tiếng đồng hồ. Nghĩ lại có lẽ ngay từ đầu tôi bị chinh phục bởi cái tên tác giả mà tôi mến trọng, vừa ở chiến trường ra. Sau đấy các nhân vật kịch lôi kéo tôi theo. Tôi không ngồi ở đây mà cùng đi với anh nhà báo khắp mọi nơi trên mảnh đất thân yêu ấy. Khi màn buông xuống, tôi thẫn thờ như từ một giấc mơ tỉnh lại, nuối tiếc băn khoăn. Và tôi có một cảm giác rất kỳ lạ là tôi đã đến nơi đây rồi, đã gặp những nhân vật này rồi, nhưng ở đâu thì tôi không rõ... Tôi đinh ninh rằng nhân vật nhà báo kia nhất định chính là tác giả vở kịch. Ông không sống như thế thì ông không thể viết như thế được và tôi chờ để được gặp ông...

Khán giả đã ra về. Người cuối cùng của dàn nhạc xách đàn đứng lên. Chỉ còn lại mình tôi giữa các hàng ghế. Tôi bước đến gần bục sân khấu nhìn lên. Một người đàn ông nhỏ bé, chân trái đi hơi khập khiễng, khoác áo măng-tô rộng quá khổ, đang dặn dò các diễn viên quanh ông điều gì đấy. Tôi đoán chính ông là tác giả và đạo diễn (Anh bạn tôi cho biết ông bị thương chân bên trái nên đi lại khó khăn).

"Ông ấy vừa từ chiến trường ra". Tôi nghĩ vậy. Và với tôi, chỉ chừng ấy thôi đã đủ để bảo đảm với lớp chúng tôi ông là một nghệ sĩ thực thụ.

Tôi lặng lẽ tựa người vào tiền đài chờ ông quay lại. Ông quay lại kia. Tôi bước hẳn lên sân khấu. Tôi phải gặp ông ngay. Sợ ông bận việc, đi mất. Ông bước một bước về phía tôi và bất ngờ dừng lại. Và, ông thốt lên một tiếng kêu, không rõ là tiếng gì, "Anh", hay "Ô" hay "A". Ông lao đến ôm chặt tôi: Người ông gầy, tôi không chuẩn bị để chờ một cái ôm mạnh như thế. Tôi đoán ông nhầm tôi với người nào khác. Nhưng tôi vẫn ôm lại ông thật chặt. Còn sung sướng nào hơn, vinh dự nào hơn? Dù ông có lầm tôi là ai đi nữa thì giờ đây tôi đã có ông, được ôm ông vào lòng. Làm sao không hạnh phúc khi được xem một vở kịch như thế. Còn món quà nào quý giá hơn: Những chi tiết kịch kia, những lời thoại kia không phải là đồ giả mà là cuộc sống thật. Tôi vừa được vào miền nam thật, được gặp những người thân của tôi thật, được nghe họ nói, cười, khóc thật!

Chẳng ai cho tôi quyền, nhưng tôi vẫn muốn thay mặt tất cả những người xem hôm nay mà cảm ơn ông. Tôi biết, rồi ông sẽ buông tôi ra mà nói: "Xin lỗi, tôi nhầm!". Dù có thế đi nữa thì tôi vẫn ôm ông và cảm ơn ông.

Tôi bỗng lơi tay nhìn vào mắt ông;. Có lẽ ông không nhầm. Ông cũng nhìn thẳng vào mắt tôi và... ông khóc.

Lặng đi một lát, ông hỏi:

- Anh là con thầy Huệ Sinh phải không?

Tôi bị choáng, khẽ gật đầu và chỉ biết đứng im mà nghe ông nói:

- Chính ông cụ đã cứu sống tôi... Tôi nghe ông cụ nói cụ có một con trai đang ở Hà Nội, không ngờ lại là anh. Anh giống ông cụ một cách lạ lùng. Từ xa tôi đã nhận ra anh và tôi biết là tôi  không lầm. Anh thích vở kịch này hả? Toàn là những sự thật về ông cụ cả đấy. Có điều tôi chỉ nói được một phần nhỏ thôi! Có một người cha như thế, thật...

Và ông lại ôm chặt tôi...

.... Tiếng mõ của cha vẫn đều đều như thế, thảnh thơi như thế. Hạt bồ đề vẫn rơi như rơi tự thủa nào và không biết đến bao giờ trên những bậc thang của thời gian dài vô tận...


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com