Năm tôi đến nhà, chị đã ngoài ba mươi, ấy là tôi đoán thế. Chị, đến anh nữa, mới đến Quy - nhà tôi bây giờ, năm ấy cô hăm sáu. Mắt sáng, sắc, khuôn mặt phảng phất buồn, phảng phất đa cảm. Rất ít khi tôi thấy chị ở nhà, nghe đâu chị thường sang nhà chị Thản, nằm thượt cả buổi. Chị ngại giặt quần áo, cô con gái út thường phải làm việc này, lâu lâu Quy lại ấm ức: "Nhà này chỉ có chị Lễ là con". Những lúc ấy mợ tôi chỉ lặng lẽ thở dài. ở tuổi cô sao hiểu được lòng người mẹ già, sống chết chả biết lúc nào mà cô con gái lớn tuổi lại cứ nằm thượt ra giường nhà người bạn gái có vẻ như đã sắm sửa để ở vậy suốt đời.
Tôi biết anh T trước khi nhìn thấy chị. T bằng tuổi tôi, nghĩa là hơn chị vài tuổi, bộ đội phục viên, làm cán bộ tổ chức ở cơ quan chị. Anh chững chạc, sáng sủa, phải cái mới học hết lớp 10; lại lần nào tới chơi cũng nhất định tặng chị hoa cả ôm to vật, thuần những bông thược dược nở tóe loe, hoa cũng hớn ha hớn hở, cũng thật thà y hệt người mua. Cả nhà nhìn anh rồi nhìn bó hoa mà thở dài.
Tôi chắc không thể buồn hơn mọi người, đành lặng lẽ áy náy. Thi thoảng lại bùi ngùi nghĩ đến những gì Quy kể về chị. Mười bốn tuổi, đi sơ tán, đã thồ được nửa số đồ đạc của cả nhà trên cái xe đạp cọc cạch vượt đò Khuyến Lương, cầu Long Biên phớt tất bom đạn lên tuốt trên Phổ Yên. ở nơi xa xôi ấy, chị mò cua tát cá, bắt chước dân địa phương hái lá sắn muối làm dưa cho ngót chục đứa cả em lẫn cháu có cái mà ăn. Rồi cơm nước, giặt giũ, vá may. Đứa nào hư, có đòn; đứa nào lười, chị bắt học bài đến bằng thuộc, làm kì xong việc chị đã sai. Con người tưởng rất quyết liệt đó, kỳ tình lại rất đa cảm; không mấy ngày không khóc số người chết bom, mà họ chỉ là các con số trên đài. Giờ đã ngoài bốn mươi, thích ngủ hơn nghe nhạc xem phim nhưng chị vẫn giàn giụa nước mắt trước các chương trình "Bầu ơi thương lấy bí cùng" của đài truyền hình Hà Nội. Những lần thế cái Li thường cười tinh quái: "Mẹ khóc làm gì, cứ cho quách họ một vài trăm". Hoặc làm bộ ngớ ngẩn: "Cái người cho những một trăm mà giấu tên này hẳn là mẹ".
Đáp lại sự tấn công tinh quái của Li, thường là sự im lặng sượng sùng, dù rằng với đứa con riêng của chồng chị thường rất lắm lời. Chị muốn nó nên người bằng học hành, bằng tề gia nội trợ. Còn nó cần ăn có ăn, cần mặc có mặc, cần rất nhiều những trăm nghìn ném vào các "cua" tiếng Anh không ngoài mục đích hợp pháp hóa việc đi chơi vẫn được đáp ứng đầy đủ thì cái sự là người, nên người cũng nhẹ nhõm hồn nhiên hệt gương mặt mà bố cùng mẹ cũ đã cho nó. Quy luật bù trừ hay phản ứng thế hệ đây, tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết, chị Lễ chu đáo quyết liệt trong bổn phận bao nhiêu thì Li uể oải hờ hững bấy nhiêu. Nó mê quán, mê karaokê, mê truyện cho thuê nhưng đặc biệt nhạy cảm và nồng nhiệt với bóng đá, với âm nhạc thứ thiệt. Một người chi chít bổn phận, thành người yêu rồi thành đàn bà mà hai tiếng "mặc kệ" vẫn nguyên là khái niệm. Hăm bốn giờ trong ngày, ngoài những giờ ngủ, còn lại chỉ những hùng hục làm tròn bổn phận với gia đình, chung thân bên một người như Li làm sao cho yên ổn được? Có hành động nào của Li lại không kích thích sự lắm lời ở chị tôi. Tội nghiệp, từ khát khao rèn cặp nó nên người, từ đống "tội lỗi" chất núi của nó và những bổn phận mệt đến kinh hồn của mình, sự lắm lời của chị tôi nhiều khi chĩa cả vào những Witney Houston, Michael Jackson trong lúc, nào có ai hay thời thanh xuân của chị ra sao ngoài hộp đĩa hát chị mang từ Nga về, cả dịu dàng khát khao lẫn đắm say cuồng nhiệt giờ đã là một phần trong cái gia tài nho nhỏ của tôi và Quy. Thương chị, tôi bàn: "Mua cho nó một căn hộ, trước sau gì chị cũng phải lo". Chị rưng rưng: "Thế chú tưởng tôi không muốn rảnh xác?" rồi im lặng. Rồi gượng lại lấy giọng đùa đùa: "Cứ sống với nó rồi tôi cũng phát điên. Nhưng chú bảo, chưa được bảy tuổi mẹ đã bỏ, anh thì đi lúc nó lên tám... Với lại, cứ nghĩ đến lúc nó mới về với mình, ngây ngây ngô ngô mà không đành lòng. Mấy chị em đang chơi ở cổng nhà ông ngoại, thấy đám cưới, nó cứ chạy theo rồi khi bị chen giạt ra, nó đứng thần người. Con Hương hỏi: "Người quen của em à?". Nó gật, rồi nói: "Cô dâu là em của mẹ cũ em đấy". Nhưng đó là chuyện về sau, giờ xin hãy quay lại thời chị tôi còn trẻ.
Tần tảo, quán xuyến ở nơi sơ tán, nhưng chị thi đại học vẫn đủ điểm đi nước ngoài. Tôi không biết đó là cơ may hay là mầm họa đời chị, nhưng với cậu mợ tôi, những thùng đồ từ Nga gửi về là một nguồn sống trong những năm Hà Nội ăn bo bo, hút thuốc quấn.
Năm tôi đến nhà, quần loe Sài Gòn đã kịp Hà Nội hóa, già ống đứng một tẹo, trùm nửa guốc mộc hay mui sục. Các bà các cô đã mặc áo len dệt mỏng, pha trộn các băng màu cùng gam. Chị đã mặc thế hôm cưới, dù mợ tôi vật nài phải mặc váy cô dâu không thì cũng áo dài. Anh tôi bảo kệ chị, anh tôi có tới năm năm làm phó tiến sĩ ở Hungari, chủ trương tôn trọng cá nhân. Không tôn trọng mà được, anh hơn chị cả chục tuổi, lại đã một lần đò đắm, mà chị xinh xắn thanh tân. Một lần, không rõ anh định tự do ngôn luận điều gì, chị lập tức nghiêm mặt, xuống giọng: "Im, anh im ngay!". Cả mấy anh chị em cùng lặng ngắt, chờ một trận đấu khẩu lôi đình, nhưng anh chỉ lắc đầu cười trừ.
ít lâu sau đám cưới, trong bữa cơm chiều chủ nhật theo thông lệ, cả nhà khen món cá diếc kho tộ. Thấy cái Li cứ ngồi gẩy cơm, hỏi, nó bảo cháu không biết ăn cá có xương. Mẹ Lễ gỡ xương cho con. Nhưng khổ, cá diếc mà gỡ hết xương, thì còn gì. Mọi người buộc phải nhìn thẳng vào sự thật: Tiền bán nửa căn hộ do tòa án chia cho anh Đản là số tài sản duy nhất anh còn lại từ mười mấy năm xây dựng cái tổ ấm đã tan. Mợ tôi phải nhon góp từ các tiểu gia đình, để chị Lễ cộng vào mua được cả căn hộ tít trên tầng 5 Khương Thượng.
Anh chị âm thầm chạy suất đi dạy học thuê ở Angierie. Mợ tôi đùa: "Con vứt được cho vợ chứ vợ vứt cho ai mà đi?" rồi cụ chép miệng: "Nhà cán bộ mà có đứa không biết ăn cá có xương đã lạ. Lạ hơn, nó lại là con cháu nhà mình".
Giờ thì tôi hiểu rằng anh Đản đã nghĩ kỹ trước khi lấy chị Lễ cho cuộc đời có số thiên di thủ mệnh của mình. Xinh xắn mà cương nghị, từng đi Tây nhưng vẫn sống giản dị, con dòng cháu giống xứ Nghệ trọng danh dự hơn tiền của. Và anh đã tính đúng: Hết hai năm về, anh có thêm con Châu hơn một tuổi, mũm mĩm kháu khỉnh, chị Lễ đẹp ra gấp bội và chị đã mua được lô đất vứt đấy, mà nếu bán đi, đã gấp đôi giá trị. Đó là chưa kể chị lại biết chọn hàng gửi đi, bảo ban để hàng gửi về được giá nhất. Phận dâu con chị làm đâu ra đấy. Anh Đản đông em, những lần đi Tây trước đều phải cúi cái mặt làm anh xuống mỗi khi dẫn mẹ con Li về quê. Giờ tới chị Lễ, anh gom tất những nợ nần của cả bổn phận làm người lẫn tình thương hóa chỉ và trả luôn một cục. Mỗi đứa em bất luận khó khăn hay dư dả, cứ ra Hà Nội gặp bà chị dâu mới mà nhận năm chỉ vàng. Có lần hai cô ra đúng dịp chị gom hàng gửi đi, vay quơ vay quáo được cho cô này hai chỉ, cô kia ba chỉ, cộng quà cáp tàu xe. Dân quê vốn dễ dãi, họ cho nợ, dăm bảy tháng sau lại quay ra để bà chị "thanh toán" nốt. Méo mặt nhưng vẫn phải tươi cười thảo lảo, vẫn phải là chị. Tội nghiệp, mười bốn tuổi đã phải đưa vai đỡ mẹ một phần gánh nặng, chưa được sinh con mà đã phải làm mẹ, giờ lại thêm lũ em của một ông chồng con trưởng. Đời người ngắn lắm, bổn phận và kiêu hãnh làm gì, chị ơi!
Anh Đản về. Lần đầu tiên tôi thấy một gia đình hạnh phúc không phải qua phim Liên Xô và được uống rượu Tây, không phải bằng tiểu thuyết Rơ-mác. Anh về hôm trước, hôm sau chúng tôi đến thăm. Anh ra mở cửa, chị vẫn uể oải nằm thêm trên cái nệm còn hằn vết anh nằm. Chị ngượng nghịu trong cái vẻ đàn bà trước mặt lũ em, nhưng rồi vẫn nằm như một sự... mặc kệ. Trong niềm vui có pha chút thương cảm, tôi đâu ngờ cái lần đầu tiên này rồi sẽ là duy nhất tôi được thấy chị là đàn bà.
Anh về, còn đem theo một thứ lạ hơn rượu Tây. Hoa hồng cát, anh gọi ra tên nó trong lúc tôi sững sờ ngắm cái dị thường của nó. Tôi nâng bông hồng mầu nâu thấp thoáng những chấm đỏ trên mỗi cánh hoa ram ráp lên. Nặng trĩu, sắt se, kỳ lạ. Có chút gì sờ sợ dấy lên trong tôi từ bông hồng quái đản, đẹp, lãng mạn nhưng nhọc nhằn quyết liệt quá. Thấy tôi ngây người, anh Đản khoái, anh nói đã nhặt nó từ vùng sa mạc Phi Châu. Còn bình luận: "Có lẽ cát đã được nung chảy từ mặt trời và sa mạc, trong cơn xoáy lốc, gặp lạnh đột ngột đã đông cứng để tạo ra những bông hồng này".
Về hết tháng, anh lại sắp soạn để ra đi. Các bạn của chị bảo: "Mày không sợ mất chồng à? Buôn có bạn, bán có phường, mày còn lạ gì đám con gái đi Tây? Chúng phải đổi công giặt quần lấy công đóng thùng". Trong nhà cũng phản đối kịch liệt. Nhưng chị Lễ cười lặng lẽ: "Ông ấy thích thì cứ để cho đi".
Anh đi chưa hết một năm, bằng hàng gửi đi gửi về, chị đã xây xong ngôi nhà hai tầng, bốn phòng với thiết bị vệ sinh của ý, Thái. Chị tất cả ngược xuôi mua mua bán bán rồi cắt đặt thợ thuyền rồi kích tấc kiểu dáng. Rõ ràng ở chị đang dấy lên một niềm phấn hứng dạt dào: ta biến công lao của chồng thành gia sản, nâng giá trị của nó - cố nhiên là cả giá trị của ta nữa, lên gấp hai ba lần. Chính niềm phấn hứng giúp chị tôi sức khỏe, sự bền bỉ để không những đóng xuất sắc các vai trò làm cán bộ nhà nước, làm dâu, làm em, làm chị (cả nội ngoại) làm mẹ mà còn là vai trò của người đàn ông trí lự - đây sẽ là cái bẫy bất ngờ nhất của đời chị, nhưng đó là chuyện về sau.
Anh về, nhưng sâm-panh không nổ váng nhà như lẽ ra phải thế. Tôi cũng không thấy vẻ trễ nải hay săm sắn đàn bà ở chị. Chuyện là công ty Sinh Sinh của Nhật, nơi anh tôi vẫn đặt mua xe máy bãi, đã tuyên bố phá sản. Và hai container đánh quả một lần để sống suốt đời thành bèo tấm ra sông.
Anh lặng lẽ, nhỏ nhoi đi lại giữa các căn phòng rộng rãi, trống tuềnh.
Nhưng đó chưa phải là tai họa lớn nhất. Cho đến hôm nhận ba xe máy (vì chật, anh gửi theo container của anh bạn đặt mua ở hãng khác), thì anh bắt đầu than phiền về ngôi nhà thiết kế theo lối Nga đã Việt hóa. Nó cục mịch, bất tiện và bất nhiều thứ... Chị tôi giận lắm, nhưng tính chị kín đáo hoặc là tự chị cũng cảm thấy anh có lý, chị đã đồng ý để anh sửa nhà. Các anh chị tôi đều lo ngại, nhưng không tường tận nền tài chính của chị Lễ, nên cũng không ai can. Tôi có hỏi một người bạn, mẹ cô ta cũng đi dạy ở Angierie, nên cảm thấy số tiền của chị Lễ đã cạn.
Tôi nói: Khoa của anh bây giờ lắp thuê T.V Sam Sung, kiếm bạc triệu mỗi tháng. Anh ở nhà dạy, rồi hoặc lắp ráp ti-vi hoặc đi làm giám đốc thuê ngoài giờ cho một công ty nước ngoài. Số vốn anh còn, vài năm nữa thêm vào, anh sửa một thể, có hơn không? Anh nhã nhặn giải thích: "Mình quen ở tiện nghi rồi. Vả lại, mục đích đời mình là phải có cái nhà cho ra cái nhà". Tôi biết mọi người chỉ coi tôi là em út, cả đời chỉ giỏi chịu khổ, biết cái gì mà bàn bạc. Mợ tôi mất đã lâu. Nếu cụ còn sống, hẳn cụ đã có thể ngăn cản. Mợ tôi nhân hậu, nhưng thông minh và đặc biệt quyền biến.
Chị Lễ lại lăn lộn chạy mua vật liệu và thiết bị nội thất. Mất hai tháng thì sửa xong nhà. Con ông anh đi ăn tân gia về bảo: "Nhà cô Lễ đẹp như khách sạn".
Chúng tôi nhờ anh mua hộ chiếc xe máy. Anh bảo rồi sẽ cho một cái độ ba, bốn tờ. Anh chị trên, cả nội ngoại đều đã có phần, người dăm bảy chỉ, gọi là lộc tây. Cả nhà gọi anh chị là Việt kiều yêu nước. Vợ tôi là em út, nên có quyền tin tưởng vào lời hứa. Thế rồi vụ kiện Sinh Sinh không thành, nó quá nhỏ bé trước lợi ích hai quốc gia. Bữa đi tân gia về, vợ tôi chợt bảo: "Phải mua ngay chiếc xe còn lại của anh Đản". Và chiều hôm sau chúng tôi đã lấy chiếc xe 81 đời đầu theo giá thị trường, nợ lại ba chỉ. Anh thầm thì với tôi: "May quá, tối nay anh phải trả nợ mười tờ mà chưa biết lần đâu ra. Chú mày khá". Tôi nói: anh quên rằng kinh tế ở ta bây giờ đã vượt qua giai đoạn kế hoạch ba để bung ra rồi à? Anh chẹp chẹp miệng: "Chết chết! Kế hoạch ba có nghĩa là sẻ của công vào túi tập thể còn bung ra thì còn đâu là kỷ cương". Tôi im lặng. Anh tôi là một nhà vật lý giỏi, nhưng chuyển động cong của cuộc sống thì anh lại không dự cảm được. Sau này, qua đoạn cong đang dần về thẳng, tôi đã đổi xe và mua thêm xe mới mà chị tôi vẫn đi chiếc Chali bãi, tôi càng thấy thương anh, thương suông vậy thôi, và ân hận hôm ấy thế là mình tát cạn bắt lấy. Khổ vậy, nước mắt chỉ có một chiều chảy xuôi.
Để trả nợ món nợ nghìn rưởi đô cho một anh bạn gửi tiền về nhà, anh đã mang mua xe và đã bị mất, anh bán nốt chiếc xe xịn nhất, định để đi. Sau đó là những ngày lặng lẽ. Rồi có vẻ như là đã cãi nhau về chuyện vì sửa nhà mà phải nợ nần. Tính anh tuy nhũn nhặn nhưng đường hoàng, mạch lạc, giờ thành chi hồ giả dã trong ngôi nhà đồ sộ của mình, thành chú khách trên đất lạ. Anh lại quen ăn vào lúc chín giờ sáng, ba giờ chiều và mười giờ đêm; thêm chứng nghiện đồ nguội, nên bao giờ anh cũng mặc cảm có lỗi làm phiền vợ con. Anh không phải người của gia đình, mặc dù những lần đi Tây của anh chỉ vì mục đích vun đắp cho gia đình khá giả, hạnh phúc. Chị Lễ vẫn cứng cỏi, kín đáo nhưng vẫn không giấu nổi nỗi niềm chua chát của một Việt kiều yêu nước chợt trở nên tay trắng. Sau này chị Cả bảo: "Tao đã bảo không để cho nó đi, lại chả nghe". Nhưng tôi hiểu anh Đản đi làm ăn ở Ba Lan, rồi mất hút bên ấy là một tất yếu, không thể khác được. Là dân ngoại thương, kiểu làm ăn đánh hàng vải sang Đông Âu sớm muộn cũng đến tai chị. Và với tính cách mạnh mẽ hình thành từ năm năm ở Nga, nơi một cái quần bò Thái đổi được cả cái tủ lạnh Saratop, thì nhất định chị sẽ lao vào và cuốn theo cả anh. Hàng gửi máy bay, mất vài giờ chọn lựa đóng tải hôm nay, tuần lễ sau đã có năm mươi đô tiền lãi nhận về, làm được bao nhiêu tải thì nhân lên với bằng ấy. Tôi mỗi buổi trưa đều tạt qua Hàng Gai nhặt áo Ki-mô-nô, làm khoảng hai giờ, chị giả cho năm đô, bằng nửa tháng lương ngày ấy. Nhưng chỉ được vài tháng thì chững lại. Tôi đi họp báo, cấp tốc chạy đến anh, nói về nghị định đánh thuế hàng phi mậu dịch. Hỡi ôi, đó là thông tin nguội. Anh chị biết cả rồi, đang buồn nẫu ruột. Các soái đã có tin này từ lâu. Linh cảm của anh chị về chuyến tiền chậm trả đã thành sự thực. Đầu Ba Lan quỵt tiền, họ biết rằng nếu bị đánh thuế, thì dân gom hàng sẽ không nước non gì nên thả nổi chữ tín, cho qua những kẻ họ không cần đến nữa. Anh chị tôi thích làm ăn lớn, luôn gộp cả lãi với gốc sau mỗi chuyến để đánh hàng chuyến sau. Giờ thì mất sạch, hệt như hai container xe bãi của anh, nợ một trăm triệu, quy thành năm mươi cây. Anh Đản thấp, trắng nên béo sớm, giờ gầy tọp, da nhăn sạm tuy vẫn phải duy trì nụ cười Việt kiều. Rồi sau đó anh Đản xin nghỉ không lương, nộp cho khoa bốn mươi đô mỗi tháng, đi sang Ba Lan đòi nợ theo con đường du lịch. Nợ không đòi được. Anh bạn vẫn nhận hàng gửi tiền với anh không còn ở Warszawa, viết lại cho anh mấy chữ "Công ty" phá sản do bị truy thu thuế; chớ kiện cáo nếu muốn làm ăn yên ổn ở xứ này. Anh buộc phải chọn điều kiện yên ổn. Một năm sau anh gửi về một trăm tờ, nhưng lại chỉ quy ra được hai mươi cây để giả nợ. Những năm ấy đến vàng cũng theo một quy luật riêng.
Chị giả xong nợ thì anh đã đi được 4 năm. Tôi nhắc chị bảo anh về, sang năm anh tuổi 53. Chị buông nhỏ một câu: "Kệ anh ấy" rồi im lặng. Không bao giờ chị để mọi người trong nhà có cơ hội bàn bạc, hoặc chia sẻ nỗi niềm. Tôi đoán ở cơ quan chị cũng thế. Để tránh sự ái ngại của anh chị em và bè bạn, chị Lễ luôn chứng tỏ rằng chị bận về việc học của hai đứa con đã mệt bở hơi tai. Sớm đưa con đến trường, trưa đón về cơ quan, ba giờ chiều đưa đi học đàn Organ, hết giờ làm việc đến đón chở đi học ngoại ngữ rồi về cơm nước. Bảy giờ rưỡi lại nổ máy ầm ầm đi đón con về ăn cơm. Sau đấy thì lau nhà, giặt giũ, quát cái Li tắt băng nhạc để học bài. Nó tắt thì chị mở, sa sả nói về việc con gái mà đuyểnh đoảng thì rồi lấy ai, nói cho đến lúc mệt phờ, rấn rấn nước mắt phải bỏ lên gác nằm. Tôi chưa thấy có ai lại yêu con một cách quyết liệt như thế, cứng rắn như thế. Vợ tôi bình luận: Có vẻ như chị Lễ quyết dạy con thành công dân quốc tế. Tôi thì nghĩ ngược lại. Tôi cho rằng việc anh trượt triền miên vào các cuộc làm ăn như kẻ đánh bạc gặp hồi khát nước lại được bắt đầu bởi sự yên tâm rằng lâu mấy thì vợ con cũng không hư hỏng. Sự phấp phỏng lo âu về đứa con gái có thể sa ngã, về người vợ có thể thành vợ người ta nếu là nỗi phấp phỏng thường trực, thì anh đã không yên tâm để biền biệt đến thế.
Và thế là anh không về để nghiệm thu công trình. Cháu Li đã vượt xong rào trường Đại học, xinh xắn, ngoan ngoãn. Nó ngoan đến độ chị đã bắt đầu sốt ruột con gái hai mươi tuổi mà không thấy có thằng nào. Cháu Châu thì cố nhiên cứ là nhất trường về mọi phương diện. Tôi nói cố nhiên vì dường như chị không nhận thấy cháu không hề hồn nhiên như lẽ ra phải thế. Cái Li bảo tôi: "Con Châu cho đến giờ vẫn không biết chúng cháu khác mẹ. Nó vẫn tưởng mẹ Thà của cháu cũng như là mẹ Thản của nó". Vâng, mợ tôi tiên cảm đúng, chị Thản không lấy chồng, nhận cái Châu làm con nuôi.
Cho đến gần tết năm nọ, chị Lễ bỗng phóng xe lên bảo chúng tôi: "Cô chú về ở trông nom các cháu hộ tôi. Tôi phải đi Ba Lan". Vợ tôi tính: "Như thế là anh chị sẽ ở luôn Ba Lan, mình sẽ bán nhà này, đưa tiền cho chị làm vốn". Rồi bàn với chị Lễ: "Chị sang, nếu dễ làm ăn, lôi nhà em sang với. Hắn ngờ nghệch, nhưng có khiếu nhìn người, vừa có thể bốc vác lại vừa có thể đánh nhau để đòi nợ. Thế gian bây giờ bên thì khô đạo, bên thì đổ vỡ niềm tin, anh ấy nhũn nhặn thật thà, không bị lừa mới là sự lạ". Tôi linh cảm qua vẻ mặt bất yên của chị những điều chẳng lành. Tôi đã nhiều lần lo lắng thế và mỗi lần không hiểu sao lại cứ nhớ đến tảng hoa hồng cát.
Rồi chờ mãi không thấy chị bảo lại. Nửa năm sau tôi chủ động hỏi, chị nói: "Mình có gia giáo, được mọi người kính trọng. Lại còn mồ mả, còn anh, còn em, lưu vong làm sao được? Mà đi vừa mất tiền vừa lo về mất chỗ làm, vắng mẹ lũ trẻ sẽ học hành ra sao?".
Vợ chồng tôi im lặng, biết sau những lời giải thích đó là những điều mình không thể tham dự.
Rồi Hà Nội giàu lên rất nhanh. Bà chủ bán đất cho chị Lễ ngày xưa, nay bán thêm mảnh nữa, rồi chủ cũ chủ mới cùng xây nhà ba bốn tầng cửa kính lăn sơn. Bãi rác bên kia ngõ nhà chị, giờ đã thành biệt thự xây kiểu Pháp đầu thế kỷ. Con ngõ ngập bùn trước kia, dân phố đã góp tiền đổ cát cao lên, đổ bê-tông phẳng lỳ. Nhà chị thành ra thấp hơn mặt đường, mỗi mùa mưa tầng một không ở được. Tường nhà chị bị nứt nẻ do bốn bên chèn lén. Gỗ ốp tường bong, nền đá hoa bong. Sau mỗi trận mưa lại phải tát nước ra đường, cả tháng sau không hết mùi nước cống.
Chị Lễ lại lao vào chiến dịch tôn nền nhà, be cống bằng xi-măng chống lụt. Sân đã hẹp, phải để sẵn hai đà gỗ từ đường xuống sân rồi từ sân lên nhà, làm chỗ dắt xe máy. Vì không quen, xe của tôi lại to, tôi bị mấy lần mắc cứng mà ngã. Tôi xót xa cho ngôi nhà mười năm trước còn được coi đẹp như khách sạn, nay lùn tịt xuống, mốc meo, phải bắc bậc mới lên được mặt đường mà trên đó, cạnh đó là những ngôi nhà hiện đại sáng trưng. Trong nhà, chị lại cứ lặng lẽ. Nhìn ngôi nhà với những cố gắng chắp vá, nhẫn nhịn chịu đựng và chị, tôi thấy cả hai giống nhau đến lạ lùng. Và bất giác, hình ảnh chị một sáng nào hạnh phúc trong vẻ uể oải, trong sự "mặc kệ" chùng duỗi trên giường lại hiện về xót xa.
Trong một lần sang sửa chắp vá, loay hoay thế nào đám thợ làm vỡ vò rượu cẩm chị ngâm đã bốn năm. Đám thợ uống chỗ còn lại, mà say cả tuần. Chị vội đặt làm cái sọt mây mỹ nghệ để đựng vò rượu rắn, cũng 15 lít, rồi mẹ con khiêng đặt lên phòng cái Li. Tôi nhìn vò rượu phủ bụi, nhìn vò rượu vỡ, làm như vô tình, nói: Năm nay anh năm mươi ba tuổi, chị phải viết thư bảo anh cẩn thận xe cộ, đề phòng bị lừa. Chị buột miệng: "Còn phải dặn gì nữa, bị lừa hết sạch cả rồi. Giờ không còn tiền thuê nhà riêng, phải dọn ở chung với một ông bạn".
Tôi kể lại cho vợ nghe, vợ tôi tái mặt: "Tại chị Lễ tất. Giá chị sang, có vợ có chồng, với đầu óc tỉnh táo của chị, hẳn tránh được họa". Tôi còn chưa hiểu gì, Quy đã khóc: "Chị ấy phải hiểu, nếu giao hai đứa cho mình, thì cô cũng tận tụy với các cháu ít ra là bằng chị ấy với con Li chứ, hư thế nào được?". Rồi cô im lặng, nước mắt chảy dài. Tôi hiểu những điều cô không nói tiếp. Nhà vợ tôi là thế, ít lời và kiêu hãnh dường như là một thứ của gia bảo.
Vợ tôi có lý. Một người đàn ông, mang danh đi Tây để làm giàu, bây giờ thành tay trắng thì thà sống lưu vong chứ sẽ nhất định không về ăn nhờ vợ. Mà biết bao giờ mới có tiền nữa đây?
Cháu Li ra trường, đi làm, chị làm mâm cơm mời vợ chồng tôi - lũ em duy nhất còn cần đến bà chị Việt kiều yêu nước. Chị lựa lời nói: Giờ chị đã xong phận sự với con Li, chị phải gọi điện thoại để bảo anh ấy về mà lo tiếp cho nó. Chị đáp: "Anh ấy cả đời ở nước ngoài, quen ai mà lo?". Đành rằng thế. Nhưng như cái việc xây nhà ngày xưa đấy. Nhỡ ý anh lại khác với điều mà chị cho là tốt nhất cho con Li? Nhất là chuyện chồng con của nó. Dẫu sao thì con Li cũng khác với con Châu. "Thôi được để tôi ấn số rồi hai người đàn ông nói với nhau".
- A lô, cho tôi gặp anh Đản.
- ...
- Nói với anh ấy tôi là Lễ.
- ...
- Sao? Warszawa bây giờ đang là ba giờ đêm, sao lại đi vắng được?
Rồi chợt chị dập mạnh máy. Tôi đã nhầm lẫn tai hại. Tôi muốn chị mình hạnh phúc nhưng lại không hiểu tâm lý con người có khi thường có khi biến, nên đã góp phần đẩy cho tình thế xấu hơn. Chị, con người chưa một lần chịu ứng xử không đàng hoàng, sao có thể chịu hạ mình để nói với tình địch rằng mình là em gái anh, rằng con Li bị tai nạn hay là sắp lấy chồng? Còn đang nghĩ vân vi tôi bỗng giật mình vì tiếng chuông khàn khàn réo. Đoán cú điện thoại này là của anh tôi vội vã chạy đến, nhưng chị đã nhanh tay hơn, vồ lấy ống nghe đập vào mép tủ, gẫy lìa.
Khốn khổ, chị bật khóc trước mặt tôi làm gì. Chị cứ cầm ống nghe, cứ nức nở nghẹn ngào vào đó mà không cần nói một câu nào với anh. Tôi rất muốn chạy ra bưu điện gọi cho anh, nói hết sự tình, rằng sự cứng cỏi không cần anh chỉ là cái vỏ của chị tôi; thậm chí tôi có thể bịa ra rằng, do giận anh, chị đã tống khứ cháu Li ra đường.
Nhưng tôi không có số điện thoại. Và cũng biết rằng không thể moi ở chị số điện thoại của anh.
Một năm qua chúng tôi không hề nói chuyện anh Đản nữa, thì thật bất ngờ, cái Li dẫn lên một thằng. Cao lớn, đẹp trai vẻ tây học một cách minh bạch. Lúc cháu cùng dì ríu rít đi chợ, tôi thuận miệng hỏi:
- Anh quê Nam Hà, làm tùy viên sứ quán bên Đông Âu, sao lại biết cái Li?
- Tình cờ thôi, chú ạ. Noen năm ngoái cháu về phép, mượn thằng bạn cái xe ra phố chơi. Đến ngã tư Kim Liên - Bách Khoa, giữa khi người xe đông nghịt mắc cứng lại, nghe một tiếng nói đùa: "Con trai đông thế này mà không đứa nào mua hoa tặng mình, có tức không chứ?". Nhìn lại, là Li nói với cô bạn ngồi sau, nhìn nữa thấy vẻ hồn nhiên ở người nói đã không còn hồn nhiên nữa, cháu liền đi theo làm quen.
Tôi nhịn tiếng thở dài, cười mà hỏi sang chuyện khác. Cháu tôi xinh thật, nhưng ngoài tài tử siêu sao điện ảnh và người hùng sân cỏ thế giới nó chẳng thiết biết một cái gì cho ra hồn. Nó bị gã trai cứng tuổi làm nghề này lừa, là điều dễ hiểu. Nhưng tôi đã nhầm. Hàn nói:
- Hôm nay chúng cháu nhờ chú viết thư cho bác Đản. Chúng cháu thì chịu rồi.
- Vậy ra Li đã nói hết với anh?
- Dạ, muốn lấy nhau thì phải nói hết với nhau chứ ạ?
- Anh lấy con Li, rồi cứ đi biền biệt, rồi lại biến nó thành như mẹ nó?
- Không chú ạ!
- Các cháu đã làm những gì mà bảo là chịu?
- Cháu đã gặp bác ấy.
Tôi nhíu mày. Ai chứ chị Lễ mà chịu hở địa chỉ anh Đản cho người khác, nhất lại một người như Hàn? Chừng hiểu cái nhíu mày lặng thinh này, Hàn nhanh nhảu:
- Không ai ở đâu, làm gì mà qua được mắt bọn cháu. Một trích ngang, một cái ảnh phô-tô làm nhiều bản nhờ bọn bạn ở đại sứ quán ta ở Ba Lan và các nước láng giềng. Bảy ngày sau cháu đã biết rõ nơi ở, lại có ảnh vừa chụp của bác ấy. ảnh đây, chú xem.
Anh Đản trong mũ lông và bành tô đen lấm tấm tuyết trắng, nên càng bé nhỏ lờ mờ. Cây bành tô đen điểm tuyết lại càng như bị ngập lút trong đống quần áo chất cao, hệt như ngôi nhà của anh chị giữa những nhà hàng xóm. Xa hơn là núi hàng hóa khác. Xa nữa là một góc Warszawa nhạt nhòa.
Hàn nói tiếp:
- Khi đưa thư Li cho bác Đản, cháu hơi bất ngờ. Thư không bóc xem ngay, bỏ hờ hững vào túi áo khoác rồi vừa bán hàng vừa nói chuyện với cháu - vẫn bị quên giữa đống hàng họ - về thời tiết. Cháu phải chủ động hẹn là tuần sau quay lại trước khi về nước. Và như là miễn cưỡng, bác ấy hẹn cháu ngày giờ gặp. Nhưng cháu đã không đến Kiốt..., mà xông thẳng đến căn hộ... họ thuê, cách Warszawa một trăm hai mươi cây số.
Tôi hỏi cắt ngang:
- Người đàn bà ấy hình dong thế nào?
- Các nét đều bình thường hơn bác Lễ, lại hơn những bốn, năm tuổi. Được cái trắng hơn và vẻ đàn bà rõ rệt. Chú cứ hình dung một quả nhót chín hết độ đã chùi sạch vẩy đến bóng mọng.
- Phải, phải rồi.
Chợt Hàn nói nhanh:
- Chú đừng cho rằng cháu dung tục ạ, cháu...
- Không, tôi thạo tiếng Việt, anh yên tâm. Chỉ tiếc rằng, đó là cái duy nhất mà chị tôi không có được. Nói cho đúng, chị đã cố tình vây bủa, làm khuất nó đi. Nhưng anh nói tiếp đi, rồi sao?
- Họ cũng chẳng sung sướng gì đâu. Hằng ngày phải thức dậy từ bốn giờ sáng, chất hàng lên xe, mất một tiếng rưỡi mới tới Warszawa và cũng phải bằng ấy thì giờ dọn hàng. Cháu đến lúc mười một giờ đêm, nhưng họ vẫn đang đếm tiền tính sổ. Thì ra cô con gái bà kia, cũng trạc tuổi Li, đã sang được hơn một năm rồi. Bác Đản bảo hai người ăn cơm trước, tiếp cháu ngoài phòng khách đóng kín cửa. Cháu tưởng sẽ có cuộc hội đàm quan trọng. Nào ngờ, đây là câu đầu tiên của bác Đản nói: "Đưa con Li sang đây bây giờ hết bao nhiêu tiền". Cháu nói số tiền đi bằng cách bố mời hoặc bằng cách đi du lịch. Nhưng nói thêm rằng Li rất khó sống bên này vì không học tiếng Pháp, tiếng Anh cũng rất khiêm tốn và rằng bố mẹ cháu đã già cần có người phụng dưỡng. Nói đến nơi mà bác Đản không hề để cho câu chuyện tiến theo hướng đó. Bác im lặng. Một lát sau thì nói câu thứ hai: "Mình vừa gửi tiền và thư cho mẹ con nó". Lát sau nữa, câu thứ ba: "Xin lỗi, mình phải ăn cơm đã. Mình bị dạ dày, cứ đói là đau".
Cái việc không tiện ngồi lâu với bạn con Li, sợ mếch lòng người đàn bà cùng sống, là đúng tính cách anh Đản. Tôi nói:
- Người như bác ấy, không dễ bị thuyết phục bằng thư. Chúng tôi đâu như gặp nhau mười lần trong đời, hầu hết lại đều tề tựu cả nhà, tôi có vai trò thứ yếu, rất thứ yếu. Tôi ngờ rằng chính bác ấy cũng không hiểu vợ. Mà quái quỷ gì lại có một thứ hạnh phúc vợ chồng mà để vun đắp cho nó, người ta lại cứ phải xa nhau biền biệt?
Biết là lỡ lời, tôi âm thầm nghĩ: Anh, chị đều xuất thân nghèo khổ, bằng ý chí đã kiếm được tiền của Tây, nhưng chưa đủ lịch lãm để khước từ những thói quen tập quán cao cấp của cái xứ sở đã tạo nên đồng tiền ấy. Đến chị Lễ, chị ở Nga có dăm năm rồi về đầm mình trong hoàn cảnh khốn khó mà tính nết tự tin, đường hoàng vốn có ở chị, đã được nhấn đậm đến thành đức tính chủ đạo, bất biến mất rồi. Tôi nói với Hàn rằng giờ chỉ còn trông chờ vào con Li, hoặc dăm năm nữa là con Châu, nếu chúng thấy thật cần thiết phải có bố, thì chúng sẽ tìm được cách đưa bố trở về.
- Liệu có được không chú?
- Khó đấy. Nhưng tôi tin tưởng chúng sẽ có cách. Nếu không, thì đứa con gái chị kia, đến một lúc nào đó, nó sẽ hót sạch tiền rồi lôi mẹ về với bố nó ở nhà. Nhưng đó sẽ là một tình huống năm ăn năm thua. Bác ấy là người tốt, rất tốt nhưng chưa đến độ dám chịu nhục mà vì vợ con, dù đôi khi điều sỉ nhục mang đến cho mình lại chính từ vợ con.
Một tuần sau chị Lễ gọi điện bảo chiều thứ bảy chúng tôi xuống dọn nhà giúp chị, để tiếp nhà trai dưới Nam Hà lên. Vợ tôi sốt sắng bảo tôi xin nghỉ cả ngày. Họ ở xa, mình phải giữ lại qua đêm mới phải. Mà họ ở qua đêm thì hỏng chuyện mất. Nhà mênh mông, các phòng bụi mốc. Mà anh phải lau chùi rồi rinh vò rượu rắn đặt dưới phòng khách. Vứt mẹ nó vò rượu cẩm vỡ ấy đi, bây giờ cái chứng tích chờ chồng có còn nghĩa lý gì. Phải làm sao cho người ta có ấn tượng rằng bố con Li vẫn "có mặt", vẫn là một ông chủ đi vắng mươi ngày thôi mới được. Ai chứ thằng Hàn nó đủ khôn ngoan để không nói hết với bố mẹ nó mà vẫn là nói thật.
Tôi đã làm theo đạo diễn của vợ. Anh Đản, sau một ngày quần quật của tôi và con Li, đã "có mặt" với các đôi dày dép dù mới tinh nhưng cũng đã được rắc bụi; vẫn lọ nước hoa đàn ông hãng Pháp còn một nửa, bảy năm qua mà không chịu vơi đi; cái bàn cạo râu cánh cụp cánh xòe đã lỗi mốt, đã hơi hoen nhưng lau kỹ thì như là mới dùng tuần trước.
Tôi lột hết ảnh Roberto Baggio và lũ người Hollywood quanh phòng con Li, thay vào đó ảnh lịch người mẫu thời trang áo dài tha thiết đứng ngô nghê bên bờ Hồ. Chồng báo Văn hóa thể thao và Tiền phong chủ nhật chất cao cùng đống đĩa CD để ngay cạnh đầu giường, tôi tống tất cả vào tủ, thay vào chỗ đó là vài tờ Phụ nữ, mấy cuốn sách dạy nấu ăn và Muốn làm vợ giỏi. Tôi bê vò rượu cẩm ra bãi rác, đạp cho nát vụn để chị tôi hết lối bê về. Mới hay: tảng hoa hồng cát còn nằm ở đáy vò rượu, là do đám thợ nề mấy năm trước đã làm rơi nên vỡ vò rồi nằm nguyên ở đó. Tôi lấy bàn chải xà phòng chà sạch, rồi đặt vào tủ kính phòng khách.
Chị Lễ về, nhìn bao quát, ứa nước mắt. Tôi để chiếc xe của mình ở lại, đi xe của nhà tôi cùng về. Nhưng vừa dắt xe định lên đường, cái đà trượt, tôi ngã. Tôi phẫn, quay vào lấy tảng hoa hồng, đập vỡ làm đôi. Vết vỡ ánh đỏ như máu. Tôi giấu chị Lễ, đưa cho cháu Li một nửa, dặn rằng, mai kia thằng Hàn sang Đông Âu, cháu hãy gửi đi cho bố.