hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1399.htm

Nguyễn Sinh

Hạt bụi

Câu chuyện dưới đây tôi nghe được trên chuyến tàu hỏa đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Nay xin chép lại để gửi tặng các bạn trẻ đang yêu.

- Tôi sẽ kể các ông nghe - Người bạn đường vui tính của tôi nói.

Ông ta rít hơi thuốc lá cuối cùng, phà khói qua cửa sổ, dụi tắt đầu mẩu vào cái gạt tàn, đứng dậy, với tay lên giường trên lấy chiếc cặp da rất sang trọng. Bằng những động tác gọn gàng, chính xác của một bác sĩ giải phẫu, ông ta mở cặp, lấy ra một tấm ảnh cỡ 9 x 12.

- ảnh đen trắng, in trên loại giấy chấm dày, sản phẩm "Quốc tế", hiệu ảnh lớn nhất, lâu đời nhất, và có tiếng nhất Hà Nội lúc bấy giờ. Những chi tiết này, thực ra về sau tôi mới biết, còn ngay lúc ấy, hai khuôn mặt trẻ trung trong ảnh đã lập tức thu hết sự chú ý của tôi.

Chàng trai, chính là ông ta mười lăm năm về trước. Với hai bầu má hãy còn đầy, trông cậu chàng chưa hoàn toàn ra khỏi cái lốt trẻ con, tuy cũng đã phát lộ khá đầy đủ vẻ đẹp khỏe khoắn của một gã đàn ông thật sự đàn ông. Còn cô gái, tôi không thể dùng bất cứ một từ ngữ nào khác để đánh giá nhan sắc cô ta ngoài cái từ đã quá quen thuộc xưa nay: Đẹp! Mọi chi tiết trên khuôn mặt cô ta đều vừa phải, đều thanh nhã, được đặt cạnh nhau một cách hết sức cân đối; hài hòa.

Có lẽ cũng không thể không dành chút ít lời khen cho người thợ ảnh vô danh. Chính ông ta, bằng kinh nghiệm, tay nghề, và có thể, bằng trực giác, đã chộp đúng khoảnh khắc xuất thần của hai người trẻ tuổi đang yêu. Chính nhờ thế, trên cả hai khuôn mặt đều rạng lên thứ ánh sáng kỳ lạ, chỉ những người đang yêu mới có.

Một cô gái trẻ măng, ngồi ở giường phía trước, từ nãy đến giờ vẫn mải mê đọc sách, chợt chồm tới, đỡ tấm ảnh trong tay tôi. "Cháu xem mâ... ấy", cô ta nói tiếng cuối cùng được kéo dài ra  với một chút nũng nịu trẻ thơ. Bỗng cô ta kêu lên: "Ôi, tuyệt vời!" và quay về phía ông bạn của chúng tôi! "Cô đấy hả chú?".

- ừ, cô đấy cháu ạ - ông ta mỉm cười, và hình như có một chút buồn nhuộm phớt trên đôi môi đang hé mở - Nhưng là cô ngày xưa, chứ không phải cô bây giờ.

- Tức là...?

- Tức là... chú đã để tuột mất.

- Ôi, thế thì tiếc quá. Sao lại thế hả chú?

- Thì chú đang sắp kể đây.

Người bạn đường im lặng, không hiểu đang mải kìm nén xúc động, hay cố nhớ lại các chi tiết tản mác trong ký ức. Chừng nửa phút sau, ông ta quay lại, bắt đầu kể.

- Tấm ảnh được chụp ngày 25 tháng bảy năm 1978 (ông ta lật lại, chìa cho chúng tôi xem các dòng chữ và chữ ký, chắc là của cô gái), nghĩa là trước khi tình yêu của chúng tôi tan vỡ có năm ngày. Tôi đưa các ông xem, coi như một minh họa, thay cho lời nói dài dòng về việc hai chúng tôi xứng đôi vừa lứa thế nào, yêu đương thắm thiết ra làm sao. Cũng qua đó, các ông biết rằng sụp đổ đường đột như vậy, quả là một tai họa ghê gớm đối với tôi.

Tối ba mươi, tôi và cô ta đi xem phim ở rạp Hòa Bình. Phim gì, tôi không nhớ. Hình như Hai người trên sân ga thì phải. Các ông còn lạ gì nữa, khi hai người trẻ tuổi đang yêu nhau, thì họ là tất cả. Đi xem, là đến một nơi thuận tiện để yêu hơn, để gần nhau, thêm một lần nắm tay nhau, nhìn nhau, hít thở cái hương vị nồng nàn, ngây ngất của nhau, thầm thì với nhau những lời âu yếm. Dù trên màn ảnh, có chiếu một bộ phim thuộc loại siêu đẳng, chiếm hàng tá giải Oscar đi nữa, thì với họ, cũng chẳng mấy ý nghĩa.

Sau này nhớ lại, tôi thấy hình như cũng có một vài dấu hiệu không bình thường xuất hiện ở cô ta. Chẳng hạn như lúc ra khỏi rạp, cô ta đi nhanh, chen vượt lên phía trước, không nép sát vào tôi, và không để tôi cầm tay như mọi hôm. Hoặc giả trên dọc đường về, cô ta ít nói, vẻ mặt đôi lúc tự nhiên thảng thốt, cả lúc chia tay cũng vậy, có cái gì hơi gượng. Nhưng lúc đó, đang mụ mị vì yêu, điều duy nhất tôi cảm nhận là trạng thái nhẹ lâng như đang bay bổng và trôi đi trong giấc mơ. Hai mươi ba tuổi, lần đầu yêu, lại yêu say đến thế, không phải bỗng chốc có thể tưởng tượng ra một cái gì khác.

Tháng tám. Các trường đều đã nghỉ hè. Riêng cánh Y5, Y6 chúng tôi vẫn miệt mài trong bệnh viện. Chúng tôi chỉ có thể đến với nhau trong các ngày nghỉ. Tuy vậy hôm đó, tự nhiên cảm thấy hết sức bồn chồn, tôi đành phải xin nghỉ buổi chiều để đến nhà cô ta.

Bà mẹ, một nghệ nhân làm hoa lụa nổi tiếng, vẫn vui vẻ lịch lãm như bất cứ lúc nào: "Em nó đi rồi cháu ạ", bà nói, giọng lảnh lót như chuông. Tôi cố kìm nén, song vẫn cảm thấy giọng mình hốt hoảng. "Dạ thưa bác... đi đâu ạ", tôi hỏi. "Đi vào nam, vào Sài Gòn ấy mà", vừa đưa hai bàn tay khéo léo nắm cánh hoa, bà vừa nói tiếp: "Em nó cũng chưa định đi, nhưng có ông cậu vừa trong ấy ra công tác, thế là nó đi luôn... Chắc cũng chỉ độ mươi hôm là ra".

Mươi hôm... Là bao nhiêu? Mươi? Mười hai hay mười lăm? Hay hơn nữa?  Rõ ràng rất khác thường. Hôm nọ chỉ về quê trên Phú Thọ có mỗi ba hôm mà cô ta đã báo trước với tôi hàng tuần lễ. Lại còn dỗ tôi: "Anh đừng buồn nhé, em chỉ đúng ba ngày thôi". Tôi có nghĩ ra hàng loạt giả thiết để tự mình nâng đỡ niềm hy vọng của mình. Có thể vì vội quá mà cô ta không kịp báo? Biết đâu vài hôm nữa, tôi chả nhận một bức thư hồng thơm phức từ trong ấy gửi ra? Cũng có thể là một trò đùa? Tuy đùa thế thì hại nhau quá.

Nửa tháng trôi qua... Rồi hai mươi ngày... Sắp tròn tháng. Vẫn không có thư. Hy vọng chưa hoàn toàn biến mất nhưng đã bị mài mòn đến độ mỏng dính, sắp trơ cả sự thật phũ phàng.

Cuối tháng tám, cô ta về đến Hà Nội. Tôi chờ một tín hiệu. Nhưng tuyệt nhiên không có. Sáng sớm ngày mồng bốn tháng chín, có người con trai đeo kính cận, đi xe máy, đèo cô ta vào tận cổng trường Đại học Sư phạm. Rồi đến trưa, lại vẫn người con trai ấy, đèo cô ta trở về nhà. Một người bạn thân của tôi, được tôi nhờ làm "trinh sát" đã tường trình đầy đủ như vậy.

Thế là hết! Tôi đã bị vứt như người ta vứt một chiếc áo rách hay một cái vỏ chuối. Thậm chí cái kết luận quá ư tàn nhẫn ấy vẫn chưa dứt nổi tôi khỏi chút ảo tưởng cuối cùng.

Đêm đó, tuy đã sang thu, nhưng trời đang ủ một cơn nóng oi bức, ngột ngạt vô cùng. Tôi cố tập trung tư tưởng để học bài. Nhưng rồi đến một lúc cảm thấy chữ nghĩa trên các trang giáo trình đều nổi loạn, còn đầu óc mình thì căng cứng lên như sắp nổ tung. Tôi đứng dậy mặc quần áo, dắt xe đạp ra đường, mặc dù lúc đó đã mười giờ đêm. Chỉ định lượn vài vòng quanh Bờ Hồ, song một lúc sau, chẳng hiểu sao, đã thấy mình đang đi trên phố Quang Trung, hướng về phía nhà cô ta. Đúng lúc đó, một chiếc xe máy từ phía Hồ Thuyền Quang vụt tới. Người, xe đi lại trên đường đã vãn. ánh điện về khuya rất sáng. Chỉ nhìn lướt qua tôi cũng biết người ngồi sau xe máy là ai.

Họ dừng lại bên gốc cây xà cừ cổ thụ, cách nhà cô ta khoảng trăm mét, nơi chúng tôi đã bao lần bịn rịn trước lúc chia tay. Phải mất khoảng mười phút hai người mới có thể rời nhau. Nhưng chỉ đi được nửa quãng đường đó, cô ta đã dừng lại, quay nhìn. Và trước khi đẩy cánh cổng, lại quay nhìn thêm lần nữa, đưa một bàn tay lên ngang mặt vẫy chào. Vẫn chưa hết. Anh chàng đứng yên cạnh chiếc xe đã tắt máy ngước nhìn lên. Đột nhiên, ánh đèn bật sáng trên căn buồng phía trước. Rồi cánh cửa hé mở, cô ta bước ra hành lang. Hai người vẫy nhau thêm một lần cuối.

Có một lúc tôi cảm thấy mình đã hóa đá. Tôi dắt xe đi thất thểu một quãng rồi đột nhiên nhảy lên yên, phóng bạt mạng như một kẻ liều lĩnh đi tìm cái chết. Về đến nhà, việc đầu tiên của tôi là vớ lấy chiếc hộp kính đặt trên kệ, quẳng mạnh qua cửa sổ. Trong hộp có chiếc bình sứ nhỏ, xinh, cắm mấy bông hồng bằng lụa, cô ta tự làm để tặng tôi trong dịp sinh nhật lần thứ hai mươi ba. Kính và sứ vỡ tan trên mặt đường nhựa, bật lên tiếng kêu chói gắt giữa đêm khuya vắng lặng...

Gần sáng, trời đổ mưa rào. Tôi choàng dậy, bước ra ban công. Nhìn những mảnh kính, mảnh sứ và các cánh hoa bị xe cộ vừa chạy qua xéo nát, tơi tả dưới trời mưa, tôi thấy buồn một cách lạ lùng. Tưởng như thân thể mình cũng đang bị dày xéo...

Người bạn đường vui tính của chúng tôi ngừng lại, đưa cặp mắt buồn rầu nhìn qua cửa sổ con tàu. Có lẽ ông ta đang thấy lại cảnh nát tan hôm đó. Một khoảng lặng kéo dài quá lâu đến nỗi cô gái trẻ phải lên tiếng:

- Rồi thế nào nữa hả chú?

Ông ta giật mình:

- Thế nào nữa hả... Đáng lẽ chú phải tự tử, hoặc phát điên. Nhưng cả hai việc đều đã không xảy ra. Vậy thì chú cũng lại như nhiều người khác. Nghĩa là cố mà quên, tiếp tục đi học, lấy cho được mảnh bằng bác sĩ và đi làm. Rồi lại yêu, và lấy vợ, làm chồng, làm cha...

- Còn cô ta? - Tôi hỏi.

- Thì cũng vậy thôi. Cuối năm đó, cô ta lấy chồng và theo chồng vào làm việc ở Sài Gòn. Bây giờ đã có hai con và rất giàu có.

- Vẫn anh chàng cận thị?

- Vẫn.

- Thế là lỗi tại ai?

- Trước kia tôi nghĩ rằng cô ta đã phản bội tôi. Nhưng cách đây nửa tháng, tình cờ gặp lại cô ta ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi mới vỡ lẽ rằng không ai có lỗi?

- Thì cũng phải có người đi bước trước chứ?

- Theo cô ta nghĩ thì tôi đi bước trước.

- Một cách tự bào chữa?

- Không, tôi tin là cô ta nói thật. Cô ta bảo rằng trong cái buổi tối đi xem phim ở rạp Hòa Bình, cô ta cảm thấy ở tôi có một cái gì "rất khác" và để làm sáng tỏ cái "rất khác" ấy, chiều hôm sau cô ta đến tìm tôi ở trường Y. Người ta bảo rằng tôi trực bên bệnh viện Bạch Mai. Cô ta lại đến đó, và ngồi chờ trong một quán nước bên kia đường. Thật không may là hôm đó tôi về muộn, mãi tới lúc trời đã xâm xẩm mới ra khỏi bệnh viện. Và theo đúng nguyên văn lời cô ta, tôi "cặp kè" với một cô gái "rất xinh", "vừa đi vừa trò chuyện hết sức vui vẻ". Cô ta lẳng lặng đạp xe theo một quãng, cho đến khi tôi và cô gái rẽ sang đường Đại Cồ Việt. Cô ta khóc suốt cả đêm hôm đó. Rồi hai hôm sau ông cậu đến. Và còn không may cho tôi hơn nữa: Trên chuyến xe đi vào nam, có cả anh chàng cận thị, một kỹ sư mới du học ở Đông Đức về.

- Như vậy là lỗi tại ông đấy chứ - Tôi hỏi.

- Làm gì có - ông ta phẩy tay - chỉ là chuyện hiểu lầm. Cô gái cùng đi với tôi học Y4, đang yêu một cậu bạn rất thân của tôi. Chúng tôi chỉ tình cờ gặp nhau, đi với nhau một quãng. Đến cổng sau của trường Đại học Bách khoa, bạn tôi đã đứng chờ ở đấy, tôi "giao lại" người yêu cho cậu ta và đi thẳng về nhà.

- Thế còn cái gì "rất khác" trong buổi tối xem phim ở rạp Hòa Bình?

- Cũng chẳng có gì sất. Từ hôm gặp lại cô ta đến giờ, tôi đã nghĩ đến nát óc mà chẳng thấy. Đang yêu "khủng khiếp" đến như vậy, ông bảo còn "khác" thế nào được.

Đến đây, một người bạn đường thứ tư, có lẽ là người lớn tuổi nhất trong đám chúng tôi, từ nãy đến giờ chỉ ngồi nghe, bỗng quay lại, hỏi một câu bằng thứ giọng rất trầm:

- Cứ nghĩ kỹ nữa đi ông ạ. Biết đâu hôm đó ông chả "ăn" một điểm xấu ở trường. Hoặc giả bị "bu" mắng oan. Thế rồi, ông đã mang theo vào rạp. Và những cái đó hiện cả ra trong nói, trong nhìn, trong cung cách bộc lộ tình yêu của ông.

Người bạn đường vui vẻ ngước nhìn, đặt một bàn tay lên trán như đang ra lệnh cho bộ não phải nghĩ, nhớ cật lực hơn nữa. Rồi ông ta nói, với vẻ ngập ngừng:

- Loại ấy hả... Thế thì có khi có đấy... chả là khi dắt xe ra sân để đi đến điểm hẹn, một hạt bụi đã rơi vào mắt tôi. Đáng lẽ phải quay lại, nhờ cô em gái lấy ra giùm thì..., vì sợ muộn, tôi chỉ rút khăn mùi xoa, đưa lên mắt dụi dụi vài cái, rồi chặc lưỡi và nhảy lên xe. Suốt buổi xem phim, hạt bụi khốn kiếp vẫn bám chặt bên trong mí mắt, gây cảm giác cồm cộm đến khó chịu...

- Thì đấy - Người bạn đường lớn tuổi nói, và cười to một cách sảng khoái.

- Nhưng chẳng lẽ cái đó...?

- Có thể lắm chứ ông.

- Vô lý...

- Vâng, thì vô lý... Nhưng trong tình yêu, cái vô lý và có lý đôi khi lại không giống ngoài đời... - Ông ta ngừng một lúc, có lẽ để chọn lời rồi nói tiếp. Ông chỉ mới thất bại có một lần thôi chứ gì. Còn tôi đây này, cái mông tôi đã dày cộm lên như da trâu, vì chịu quá nhiều cú đá của đàn bà (cô gái trẻ chợt cười nấc lên khi nghe câu nói quá ngộ). Năm lần tất cả - ông ta xòe bàn tay và giơ lên ngang mặt. Đến năm ba mươi sáu tuổi thì tôi đã mất hết lòng tin ở tình yêu, tôi quyết định không yêu đương gì nữa, chỉ tìm một cô kha khá để làm vợ thôi: Thế mà bây giờ, ngót năm mươi tuổi, tôi lại đang cảm thấy mình yêu, được yêu và đang có hạnh phúc đấy. Cái anh tình yêu ấy mà, không cân đo đong đếm bằng các tiêu chuẩn thông thường được đâu ông ạ. Chả thế mà nhà văn Nga vĩ đại Anton Sê Khốp đã phải thốt lên: "Tình yêu bí ẩn" không lường. Còn nhà thơ lớn của nước Đức Henrich Haine, người suốt đời là "con chim sơn ca của tình yêu", thì đã đưa ra một cái định nghĩa hết sức nghiêm chỉnh, nhưng cũng rất buồn cười: "Tình yêu là chứng đau răng trong trái tim"... Khi yêu người ta như lên thiên đường ấy ông ạ. Cho nên cũng chẳng có gì lạ nếu cái cảm giác cồm cộm không đáng kể trong mắt ông hôm đó, đã bị đôi mắt dị thường của tình yêu chộp được, phóng to lên gấp vạn lần, biến thành những dấu hiệu tai ương...

- Như thế thì theo ông, hạt bụi chính là thủ phạm? - Người vui tính hỏi.

- Đúng thế, nếu như ông không định giấu chúng tôi một điều gì nữa.

- Không... - Tôi toan cãi. Nhưng câu nói của tôi bỗng bị cắt ngang vì một tiếng còi tàu gắt gỏng báo vào ga.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com