hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1397.htm

Hoàng Phủ Ngọc Tường

Như con sông từ nguồn ra biển

I

Buổi chiều đến trạm sớm, tôi ra ngoài bờ sông A Mong, ngồi duỗi chân trên một tảng đá lớn dựa lưng vào một cành rì rì sum suê. Sau nhiều năm bặt tin đầy lo âu về Giao, thật tôi không ngờ được thấy lại hình ảnh của Giao, trong bộ ảnh về phong trào Huế bày trong phòng triển lãm của Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Khu.

Trong một tấm ảnh khá lớn, tôi nhìn rõ Giao đang hát trong một đêm văn nghệ "Hát cho đồng bào tôi nghe" của sinh viên Huế. Vòm miệng mở rộng vẽ thành những nét gân guốc trên mặt, hai bàn tay ngửa xòe ra phía trước, hình như Giao đang cố hát thật to và khỏe. Cái dáng đứng hát đó là một nét thể hiện mới ở Giao. Ngoài ra trông Giao chẳng thay đổi gì mấy. Vẫn mớ tóc dài, lười cắt cứ để mọc tự nhiên trên đầu như cỏ hoang, vẫn cặp kính trắng to choán gần hết nửa dưới của khuôn mặt xương, khắc khổ. Chiếc trán rộng và trầm lặng của Giao hói nhiều thêm, khiến Giao có vẻ già đi hơn là tôi tưởng. Có lẽ sau khi tôi đi rồi, Giao vẫn sống một mình ở cái thị trấn cao nguyên heo hút ấy một thời gian khá lâu, và tóc Giao đã rụng nhiều.

Những năm đó, Giao dạy học ở một ngôi trường ấp chiến lược nhỏ cách thị trấn Bảo chừng nửa giờ đi bộ, băng qua mấy ngọn đồi trồng chè. Nói là trường nhưng thực thì chỉ có hai lớp; học trò hầu hết là con lính và lũ trẻ người Thượng bị dồn vào khu tập trung, bẩn thỉu, ghẻ lác đầy mình. Phần nhiều đám trẻ con không có áo mưa, đi học gặp cơn giông, vào lớp quần áo bốc hơi nghi ngút làm cho phòng học đục lờ nhờ, hôi hám đến ngạt thở. Trường không có lao công coi giữ, khóa cửa lại hỏng, nên cứ chiều chủ nhật, bọn lính bảo an đóng gần đấy kéo vào lớp đánh bạc rồi ỉa tràn trên bàn ghế, có khi phóng bừa luôn cả hộc bàn thầy giáo.

Giao sống một nơi trong thị trấn nhỏ miền núi ấy, với cái ấn tượng nặng nề về cuộc sống mà trong thư gửi cho bạn bè, Giao vẫn thường gọi là "một cơn đau vùi". Thỉnh thoảng quá nản, Giao bỏ đi xa, gửi lớp lại nhờ ông giáo già dạy hộ. (Ông giáo này xa gia đình, mỗi ngày chỉ dạy một buổi; ở nhà không làm gì cũng buồn nên vui vẻ nhận coi lớp giúp Giao). Giao về Sài Gòn, ký giao kèo bán bài hát cho vài hãng đĩa, lấy tiền cùng với lũ bạn bè làm văn nghệ đàn đúm ở quán cà-phê La Pagốt trong vài tuần lễ. Những ngày sống ồn ào đó, hình như đã đem lại cho Giao một cảm giác quên lãng dễ chịu. Nhưng khi trở về căn phòng vắng lặng ở Bảo, nhớ lại khuôn mặt mình giữa cái đám đông cứ mỗi chiều lại ùn ùn xuất hiện trên vỉa hè Bôna, lui tới, phơi bày, chen chúc nhau trong một cuộc luân lưu vô nghĩa, Giao bỗng thấy một cái gì đó ập vào mặt mình như một cơn ớn lạnh, và Giao lại viết thư cho tôi: "Từ đám người đó trở về, tao càng thấy mình sa sút thêm lên".

Mùa hè, Giao về sống với gia đình ở Huế. Năm bảy đứa chúng tôi lại tụ tập nhau trong phòng vẽ của Thụy ở bờ sông Bến Ngự. Buổi tối, Giao thường ngồi với chiếc Tây-ban-cầm trong một góc mờ, ánh nến hắt lên đôi mắt kiếng của Giao, trông Giao như một người mù. Giao hát cho chúng tôi nghe những bài hát mới viết xong. Đó là những điệu "blu" thực buồn, chất đầy những ý nghĩa ảm đạm của Giao về quê hương và chiến tranh, tuổi trẻ và tình yêu, thường phảng phất hình ảnh của những đứa bạn trai của Giao đã chết, những người con gái còn lại một mình đã mất hết trí nhớ, đi lang thang trong cơn bão, gọi tên người yêu bằng hai tiếng "Việt Nam"... Một vài lần Ngô và tôi đã tranh luận với Giao về những bài hát phản chiến của Giao, và giữa chúng tôi đã xảy ra những cuộc cãi vã vô ích. Giao gọi chúng tôi là "những tên thô bạo" định đem những lời hò hét ầm ĩ của những cuộc biểu tình ở đường nhét vào trong bài hát. Tôi đành im lặng, nghĩ rằng chưa thể thuyết phục Giao cái gì trong lúc này. Bởi vì tôi hiểu rằng, sau những ngày sum họp ngắn ngủi này, Giao sẽ một mình quay về trong căn phòng trống trải mà lá khô đã bay vào đầy giường ngủ và chim sẻ làm tổ trong ngăn tủ sách khi Giao đi vắng, để rồi những buổi tối chập choạng đi ăn cơm quán về giữa thị trấn tràn ngập những bầy bò rung hạt chuông leng keng hòa lẫn với tiếng chuông nhà thờ chiêu hồn những người lính chết trận trở về mỗi ngày, và rồi Giao sẽ còn bám lấy cái chức vụ "trưởng giáo" ở ngôi trường ấp chiến lược khốn khổ nọ không biết đến bao lâu nữa để đổi lấy tấm giấy hoãn dịch cho từng khóa Thủ Đức. Nhưng tôi vẫn định bụng sẽ nói hết với Giao những điều tôi không đồng ý với Giao trong cách nhìn cuộc chiến tranh này, vào một lần nào đó thực cần thiết, dù có vì thế mà giữa chúng tôi xảy ra đổ vỡ gì đi nữa.

Trước ngày tôi quyết định thoát ly khỏi thành phố, vì có việc cần phải thu xếp ở Sài Gòn, tôi ngược lên Bảo tìm Giao. Bây giờ thì trong năm đứa chúng tôi đã thiếu mất một: Tuấn nhận được giấy gọi nhập ngũ, đã bỏ dạy ở trường Mỹ thuật vào sống cù bơ cù bất ở Sài Gòn để trốn lính và đã bị bắt.

Tôi đến nhà Giao lúc chập tối. Cửa chỉ khép hờ, căn phòng tối mờ, lặng lẽ. Thấy có dáng người trùm chăn nằm trên giường, tôi ngỡ là Giao bịnh, khẽ đến bên lật chăn ra tìm trán Giao. Dưới chiếc "ra" mỏng chỉ có cây đàn của Giao để lại, mặt gỗ lạnh ngắt. (Có lẽ vì ổ khóa bị hỏng nên Giao phải làm thế để đánh lừa kẻ lạ vào nhà). Tôi ra phố tìm Giao, và gặp Giao ở quán cà-phê nhỏ đầu phố. Quán vắng. Giao ngồi tựa vào tường, duỗi chân gác lên chiếc ghế trống phía trước, và hình như đang nói chuyện gẫu với người chủ quán. Người này là một lính Pháp cũ, bị cụt một tay, sau chiến tranh Đông Dương không hiểu sao không muốn về nước, lại ở Bảo mở một quán điểm tâm nhỏ nom cũng nghèo khổ như lão, với cái tên nghe buồn cười là quán "Le caporal" (người cai). Ngoài ông giáo già dạy cùng trường, lão chủ quán này là người bạn còn lại duy nhất của Giao ở thị trấn này.

Thấy tôi đến bất ngờ, Giao mừng cuống quýt, ôm lấy tôi:

- Mày lên, mày lên đấy à! Quý quá! Tao đang buồn đây!

- Tưởng có chi lạ. Mày thì có khi nào vui đâu!

Giao cười to, hồn nhiên như trẻ thơ. Chúng tôi ăn tối với nhau ở quán và về nhà. Chúng tôi ngồi hút thuốc với nhau trong căn phòng sáng đục ánh trăng của một đêm sương mù. Giao đánh đàn hát cho tôi nghe một bài hát chiến tranh vừa mới viết xong buổi chiều.

- Mày nghe thế nào?

- Buồn quá, mày ạ.

- Bài này tao viết cho thằng Tuấn. Mày nói đúng, buồn đến chảy nước mắt.

Giao ngừng một lát, rồi nói, giọng ngập ngừng:

- Nhiều khi tao đã cố viết cho vui lên một chút. Nhưng rồi bỏ, hát lên nghe nó vô duyên không chịu được. Thời đại này, tao chịu, không làm nổi một bài hát vui.

Đêm ở Bảo thực im lặng, cái im lặng rất thường càng làm cho không khí chiến tranh dễ nhận ra hơn. Trong thị trấn cao nguyên nằm rải rác theo quốc lộ số 20 này, từ sáu giờ chiều trở đi các loại xe đều ngừng chạy. Cổng hai đầu phố khóa chặt, và xe quân sự cũng không dám mò mẫm ra ngoài trên trục đường giao thông nguy hiểm này.

Mùi nhựa thông thơm nồng từ những cánh rừng chung quanh bay vào đầy phòng, và không khí lạnh dịu của ban đêm làm cho tôi thấy người tỉnh táo dễ chịu sau một chuyến đi dài bằng xe đò khá vất vả. Giao chợt vỗ nhẹ vào vai tôi:

- Mày im nghe. Nó đã đến đấy.

Tôi ngạc nhiên:

- Ai?

- Nó, oiseau de guerre (con chim chiến tranh). Đêm nào nó cũng đến vào giờ này, đậu trên cây thông trước cửa sổ kia, kêu một lát rồi bay mất. Nó là người bạn nhỏ duy nhất của tao ở đây.

Tôi lắng tai nghe. Từ bóng tối của rặng thông trước nhà, con chim nào đang hót. Tiếng chim rất trong và vang xa, cứ nhịp đều bảy tiếng; ba tiếng đầu rời rạc và những tiếng sau vội vã xích gần nhau như cố kết thúc cho kịp. Hơi kêu ngắn ngủi, làm cho tôi nghĩ đến một đứa bé đứng thổi còi trong sương, vui đùa một mình bằng một điệu còi đã thuộc. Tôi hỏi Giao:

- Tại sao cậu lại gọi tên con chim đó như thế?

- Dân Pháp gọi nó như vậy. Lão chủ quán "Le caporal" kể cho tao nghe chuyện con chim đó. Nó kêu khắp làng quê nước Pháp suốt thời chiến tranh. Dân miền "Noócmăngđi" quê lão nhại tiếng chim là "Père, mère, frères... tout est perdu" (cha, mẹ, anh em... tất cả đều chết).

Giao rít chiếc tẩu một hơi dài, nhả khói mù mịt trong ánh trăng mầu sữa lạnh chiếu qua ô cửa sổ, giọng nói nghe thực xa vắng:

- Có lẽ sau chiến tranh thế giới, loài chim đó đã bay sang Việt Nam.

Tôi thấy đã đến lúc có thể bắt đầu câu chuyện. Tôi nói với Giao về vụ máy bay Mỹ vừa ném bom vào một trường tiểu học ở ngoại ô Đà Nẵng giết chết hơn sáu chục em học trò nhỏ lẫn thầy và cô giáo, về tính chất phản chiến giả dối của phong trào tâm - ca đang thịnh hành và về vị trí chúng tôi phải lựa chọn trong cuộc chiến tranh này, cuộc chiến tranh mà từ lâu nay đôi mắt u buồn và mơ mộng của Giao chỉ nhìn thấy như một đống khói lửa hỗn loạn khủng khiếp và không có nghĩa lý.

- Lâu nay những người hòa bình vẫn có thói quen dùng mấy tiếng "chiến tranh Việt Nam", với những từ ngữ như là "phi nhân", "phi lý", "không có ranh giới", v.v. Làm như thể chiến tranh Việt Nam là một cái gì nhất thể, liền một khối. Đúng ra thì trên đất nước chúng ta đang diễn ra hai cuộc chiến tranh khác nhau: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của người Việt. Không có ranh giới, đó là nói về mặt kỹ thuật quân sự. Còn về mặt chính trị, lịch sử của nó, cũng như trong tâm hồn của người Việt chúng ta, cái ranh giới đó phân biệt rõ ràng lắm. Một bên là kẻ thù ngoại xâm, một bên là đất đai, cha ông, máu thịt của mình. Một cuộc chiến tranh chúng ta phải dập tắt; một cuộc chiến tranh khác chúng ta lại có nghĩa vụ phải tiến hành đến cùng. Vậy mà lâu nay, chúng ta đã chống chiến tranh theo cách vơ đũa cả nắm, như kiểu chúng ta đòi vứt bỏ một đôi giày vì nó bẩn thỉu, làm đau chân, cả chiếc bên phải lẫn chiếc bên trái. Và chúng ta hợm hĩnh gọi đó là một thái độ. Thực sự thì chúng ta chưa có thái độ gì hết, nếu tao không nói là một thái độ đồng lõa với giặc. Giao, mày nghĩ lại xem, chính mày đã lựa chọn được cái gì trong những bài hát phản chiến của mày?

Giao nói bằng giọng mệt mỏi trong hai bàn tay úp lên mặt:

- Lựa chọn... Tuần trước, tao đã phải đến tận cái nhà thờ ở đầu phố để hát Rêkiem (Rèquiem: Bài thánh ca hát vĩnh biệt người chết) cho thằng Hoan. Thằng Hoan, trời ơi, mày nhớ cái thằng hiền khô, tánh nết con gái nhà lành! Cùng học một khóa sư phạm Quy Nhơn với tao đó chớ? Tôi lớn lên bằng tuổi chiến tranh, chưa bao giờ biết mặt người yêu... Nó làm thơ như thế, và chết hai hôm sau ở Đắc Xút. Đúng là đời nó chưa kịp biết cầm bàn tay của một đứa con gái. Tháng trước về Sài Gòn, qua Định Quán, tao thấy xác của một cô du kích bị bọn hắn phơi nắng trên một tảng đá, hai tay buông thõng xuống mặt đường. Khi xe đi sát qua tảng đá, trời ơi, mày thử tưởng tượng nó kinh khủng đến chừng nào. Thấy rõ hai bàn tay trắng nuột nõn nà, làm tao nghĩ đến bàn tay của thằng Hoan...

- ...

- Mỗi ngày đi dạy, tao phải đi qua cái cồn mồ, hôm nào cũng thấy mọc thêm hai ba cái mộ mới. Quạ nhung nhúc, động tiếng người bay lên như mây đen. Đêm tiếng chuông nhà thờ làm tao mất ngủ. Lão chủ quán "Le caporal" bảo tao đếm cừu để gợi giấc ngủ. Tao nhắm mắt, tưởng tượng ra một đàn cừu và đếm. Nhưng chỉ một lát sau, đàn cừu lại biến thành những bầy quạ đen ngòm cả giấc ngủ của tao. Thế là tao phải dậy, khoác áo choàng đi ra phố lang thang đến sáng.

Giao nói trong một tiếng thở dài:

- Ngó đi ngó lại tao thấy chết chóc tràn ngập lên cả, làm tao mất phương hướng. Lựa chọn cái gì? Tao xin chịu.

Tôi đứng dậy, lắc mạnh vai Giao:

- Giao! Ai đẩy thằng Hoan đến chỗ chết? Ai, nếu không phải là bọn Mỹ? Còn cô du kích kia... Tao nghĩ là mày phải cất mũ chào cái chết ấy. ít ra, mày cũng phải thấy rằng cô gái đó đã hy sinh cho một cái gì đó có ý nghĩa chứ... Chính đó là cái mà những người sống phải tiếp tục... Mày còn sống, tao còn sống, những người Việt Nam khác còn sống.

Giao hé màn cửa sổ, nhìn ra ngoài. Phía bên kia vườn, một ô cửa sổ còn sáng ánh đèn, Giao đưa ngón tay lên miệng, khẽ suỵt:

- Mày nói nhỏ! Bên kia là nhà thằng an ninh quân đội đấy!

Giao nói tiếp, giọng trở nên cay đắng lạ thường.

- Còn mày, mày làm gì? Mày đi biểu tình năm này qua năm khác, người rạc đi như con mắm. Để được cái gì? Thằng Lâm em mày nhịn đói mất gần hai chục kilô, rốt cuộc cũng bị nó kéo cổ vô Thủ Đức. Thằng Tuấn trốn chui trốn nhủi như chuột trên mấy cái gác xép ở Bàn Cờ, rốt cuộc cũng bị đẩy đi làm lao công thu dọn chiến trường ngoài đường 9. Cả những thằng trước kia cùng đi biểu tình, tranh đấu với mày, rốt cuộc cũng chui vào nội các chiến tranh, rồi quay lại dọa tống cổ mày vào tù. Cái gì cũng có cái "rốt cuộc" như thế cả. Chỉ có chiến tranh là còn mãi. Ngọc à, tao hiểu mày là một kẻ có lòng, và vì thế trong đám bạn bè, tao vẫn nể mày hơn cả. Nhưng nói thực, tao rất ít tin ở hiệu quả những việc làm của mày.

- Đừng bi quan quá, bạn ơi! Chiến tranh còn kéo dài chính là bởi có những người như tao, như mày, chưa làm hết sức mình để đuổi bọn Mỹ ra khỏi nước. Tổ quốc sẽ định đoạt vận mệnh của chúng ta nhưng ngược lại, mỗi hành động có ích của chúng ta cũng góp phần định đoạt vận mệnh của Tổ quốc.

Tôi cầm lấy tay Giao, tha thiết:

- Giao, chúng mình đã làm gì cho đất nước? Buồn khóc hết cả tuổi trẻ này được sao?

Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy Giao đã dậy sớm, chăm chú ngắm một bức tranh treo trước bàn viết. Đó là một tấm sơn dầu của Thụy mới gửi cho Giao. Bức tranh vẽ một mặt biển nổi sóng dữ dội, trên đó, như mọc lên từ đáy biển, một bàn tay rất đẹp cầm một đóa hoa hồng đỏ thắm. Từ ngoài xa, một cánh hải âu đang trong tư thế vượt qua gió bão để bay đến chiếc hoa hồng.

Vẻ mỏi mệt đêm qua hình như đã biến mất trên mặt Giao sau một đêm ngủ ngon. Giao bảo tôi:

- Bức Nụ Hồng Đời này của thằng Thụy đạt chứ, mày?

- Mày cũng thích cái đó à?

- Dù sao... Như con chim kia, tao cũng cần phải tin một cái gì ở cuộc sống. Bộ mày cho rằng tao chỉ viết "Buồn ơi, chào mi!" thôi à?

Giao bỗng cười vang, giọng cười khỏe khoắn, hồn nhiên như trẻ thơ, mà thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp ở Giao, mỗi khi có một nguồn vui chợt đến.

Hai hôm sau, tôi trở về Huế. Lúc chia tay Giao, tôi nhắc lại một câu trong bài hát mới của Giao, và nói:

- Tao mừng thấy có hình ảnh mặt trời mọc trong bài hát của mày. Hãy gảy đàn lên thật khỏe, biến những bài hát của mày thành những bài ca chào đón mặt trời, và gửi tiếng hát của mày đến cho bạn bè trong những cuộc chiến đấu. Nhớ rằng rồi đây từ một nơi xa nào đó, tao vẫn chờ nghe tiếng hát của mày, Giao ạ.

Giao bối rối:

- Ngọc, mày định đi đâu?

- Tạm xa chúng mày ít lâu. Hết chiến tranh tao sẽ về.

Tôi chỉ kịp nhìn nụ cười thoáng nở và đôi mắt hoe đỏ trên mặt Giao, xiết chặt tay Giao thực nhanh rồi đi vội ra đường băng. Khi máy bay nghiêng cánh, nhìn xuống sân bay Liên Khàng, tôi thấy bóng Giao cùng với đồi núi nghiêng hẳn đi như thể Giao đang đi ngược lên một cái dốc. Tôi nghĩ thầm chính Giao đang đi trên triền dốc chênh vênh của tuổi trẻ của Giao. Chưa bao giờ như lúc ấy, tôi tha thiết ước mong Giao đừng ngã nửa chừng để vượt qua con dốc nguy hiểm.

Đó là hình ảnh cuối cùng của Giao tôi mang theo lúc rời thành phố Huế vài hôm sau đó. Đến nay, đã gần bốn năm.

II

Mùa nắng, những buổi chiều miền Tây bao giờ cũng có mầu xanh huyền ảo như mầu của những giấc mơ. Trước mắt tôi, trên những rặng núi xa, mầu lá cây già ban ngày đã biến đi, núi non trầm xuống trong mầu khói đá xanh thẳm. Chiều yên tĩnh không có tiếng máy bay. Những sườn núi ven sông A Mong chi chít những đám rẫy với nhiều mầu sắc; rẫy khô chưa đốt mầu vàng cháy, rẫy già vừa dọn xong mầu đất đỏ ửng, lúa ba trăng dậy thì lượn sóng xanh mơn mởn bên cạnh những rẫy ngô trổ cờ mầu lục tươi lấp loáng ánh nắng, gợi nhớ đồng bằng, và trên những tấm rẫy khác, lá sắn mì và sắn trắng in thành những đám xanh đậm nhạt chồng lên nhau, trông như những mái nhà rêu phong lỗ chỗ những vạt ngói mới.

Dưới chân những nương rẫy bạt ngàn đó, như những tấm thảm mầu vô tận trải thành những ô hình vuông, hình tam giác hoặc hình vòng cung trên mặt nghiêng của vách núi, sông A Mong như một dòng trường ca rầm rộ đổ về đồng bằng. Bờ sông chỗ tôi ngồi là một bãi đá liền rộng chạy dài hẳn đến hàng cây số. Nhưng lũ đã đục xói mặt đá thành những lớp sóng lô xô nối liền nhau đến mút tầm mắt, lưng sóng tròn nhẵn và đầu sóng nhọn vút đổ theo một chiều, giữ nguyên trên mặt đá hình ảnh hùng dũng của con sông A Mong đã tràn qua đó trong mùa thác lũ. Dọc theo bờ sông, loài cây rì rì mọc san sát, rậm rịt, cành và lá nhỏ nhắn như cây trúc đào, rễ tỏa ra ôm chặt những tảng đá vầng vững chãi, hình như còn toát ra sức chống chọi mãnh liệt của loài cây này để đứng vững trong những mùa nước dữ dội. Bây giờ đang là tháng tư, nước sông A Mong chảy hiền, và rặng rì rì lao xao gió nồm, lá cây lay động lấp lánh như ngàn triệu con mắt lá răm sáng trưng nắng hè, hoa rì rì năm cánh nở từng chùm đỏ ngun ngút như hoa phượng ở thành phố.

Trong chuyến công tác dài ngày vừa qua, con đường mòn Bắc Sơn đã đưa tôi đi sâu lên những đất đai ở biên giới phía Tây thành phố Huế, đến tận những đỉnh núi có hai nguồn nước khác nhau, nguồn phía Đông thì đổ dần về phá Tam Giang, nguồn phía Tây thì lại chảy vào sông Mê Kông; ở đó có những người chủ bản làng mà hồi trước, ngụy quyền thằng Diệm đã phong cho cái chức gọi là "chánh tổng ngọn nước Lào". Tôi gọi đó là chuyến hành hương của tôi về Đất Nguồn. Tôi đã gặp những con người đã nổi lên những ngọn lửa đầu tiên của cuộc chiến đấu trên đất này như A Vai, Kan Lịch... Tôi bắt gặp cả những chiếc nón bài thơ mảnh khảnh bọc ni-nông giữ gìn cẩn thận từ năm này qua năm khác, mà lâu lâu, người chủ của nó lại đem ra soi bên bếp lửa đánh vần từng chữ: "Đường về xứ Huế xinh xinh, sông Hương núi ngự cảm tình xiết bao...". Không phải chỉ có chừng ấy. ở một vài bản giáp giới vùng Hạ Lào tôi đã được  nghe những người già kể lại chuyện cha ông họ đi theo vua Hàm Nghi đánh Tây. Họ nói rằng đến nay, gia đình họ còn giữ tờ chiếu đánh Tây của Hàm Nghi và cả chiếc áo rồng năm móng mà nhà vua đã ban cho dân bản để đền ơn tiếp tế trâu heo cho nghĩa quân. Nhiều người khác, có lẽ là con cháu của nghĩa quân Hàm Nghi, đã kể cho tôi nghe những sự tích đã pha đầy mầu sắc thần thoại về gốc gác tổ tiên họ, với những tên đất xa thẳm trong trí nhớ của họ như An Cựu, Dương Xuân... mà bây giờ họ chỉ biết mang máng đâu ở "dưới cửa sông". Những người già kể rằng một lần đã lâu lắm, hồi đầu "phong trào", có cán bộ Cụ Hồ lên phát động vùng này. Dân bản không biết Cụ Hồ là ai. Người già hỏi: "Cụ Hồ có phải phe Hàm Nghi không?". Nghe cán bộ nói: "Cụ Hồ cũng đánh Tây như Hàm Nghi", thế là dân cả vùng nổi dậy theo Cụ Hồ đánh Tây, làm cách mạng và đánh Mỹ cho đến bây giờ. Có thể nào tưởng tượng nổi rằng trong một đêm, bên ánh lửa bập bùng của một bản làng heo hút như một chiếc tổ chim trên nóc nhà của Tổ quốc ấy. Giữa tiếng hát và điệu múa của những khúc "xoa-rơ" cổ truyền, tôi đã bắt gặp cái không khí sử thi hùng tráng của ngày "thất thủ kinh đô"? Miền Tây đã đem lại cho tôi những điều khám phá mới mẻ về thành phố của tôi. Tôi thấy Huế rộng lớn vô cùng không phải chỉ rộng lớn trong giới hạn về địa lý, mà chính trong những liên hệ lịch sử đã ràng buộc nó với Đất Nguồn, những mối liên hệ máu thịt tươi rói giống như những dây chằng buộc bào thai vào bụng mẹ và đã quyết định sự sống còn và lớn dậy của chính bản thân đứa bé.

Những năm dài đã trôi qua trong tuổi trẻ của chúng tôi trước khi tiếng súng giải phóng của dân tộc vang động vào thành phố để đánh thức chúng tôi trước cuộc chuyển mình của đất nước. Trong không khí yên ổn tạm bợ của những thành phố, bọn tôi đã là nạn nhân của một trạng thái tâm lý kỳ quặc mà sau này vượt qua, tôi đã gọi đó là một thứ "trò chơi thần kinh". Tôi cố thu nhỏ mình lại trong một cuộc sống khổ hạnh để cắm đầu trên những trang sách đầy nỗi lo âu về cái chết, mặc dù tôi vẫn sống yên ổn, cái chết chưa hề đe dọa gì đến tôi cả. Thụy thức từng đêm trước khung vải để tạo hình những mặt đất nứt nẻ của một thời hồng hoang nào đó, những mặt đất mà Thụy nói rằng "phải mưa đến hàng triệu năm mới đủ ướt". Ngô làm thơ về gỗ, đá, chim sẻ và những bầy ngựa hoang trong những giờ coi học sinh làm bài trong lớp, còn Giao thì cắm cúi viết những bài "thánh ca da vàng" cho một quê hương nào đó đã mất. Bọn tôi kiếm sống, làm việc và đàn đúm với nhau năm bảy đứa, rồi thỉnh thoảng ngó nhau buồn ngẩn ngơ, không hiểu tất cả những cái đó là để làm gì. Có đứa nào trong bọn tôi biết được rằng trên dãy núi xanh thẳm mà mình vẫn ngồi nhìn lặng lẽ những buổi chiều bão táp đã nổi, cách mạng đang gọi từng trái núi đứng dậy đi đánh giặc. Và Giao, gần hết cả tuổi trẻ mỏi mệt đuổi theo những tình yêu phù phiếm, có bao giờ Giao biết được rằng trên đỉnh núi đó có hai người yêu nhau đã rủ nhau đi phục kích sân bay A Lưới, bắn hạ một chiếc máy bay giặc để làm quà cưới nhau vào ngày mai?

Những ý nghĩ đó quay tít trong đầu tôi. Dòng sông A Mong vẫn ầm ã chảy. Tôi thấy tự giận cho sự tối tăm của mình hồi ấy đã kéo dài một cách quá lố trước những điều lớn lao đang diễn ra trên đất nước. Một câu hỏi chợt bật trong đầu tôi, nghiêm nghị như một lời quở mắng.

- Tại sao không nhìn thấy những điều đó sớm hơn?

Vâng, tôi tin rằng nếu chúng tôi biết được những điều đó sớm hơn thì sự lựa chọn của chúng tôi sẽ hết sức giản dị. Nhưng dù người ta không biết, hoặc đúng hơn, chưa biết đến, thì lịch sử cũng sẽ có những cánh tay vươn đến tận mỗi tâm hồn và, mở cửa. Miễn rằng người ta đừng nhắm mắt lại, và đừng để cho trái tim tắt hết lửa trước cuộc sống. Những cơn mưa trên nguồn, dù rất xa, sẽ quyết định phương hướng của dòng sông ở cửa biển, và đất bồi của nó sẽ làm nẩy sinh mùa màng của thảo mộc hai bên bờ. Tôi nghĩ như thế.

Một đêm mưa, bỗng nhiên Phương, một thằng bạn học cũ của tôi bặt tin đã lâu ngày, đã băng rừng vượt đồng về gõ cửa phòng đọc sách của tôi. Hai đứa nằm gác chân nhau tâm sự một đêm. Một đêm không ngủ, đã đổi khác cuộc đời tôi từ đó. Rồi lần lượt những bạn bè khác của tôi. Thụy đang hoạt động trong nhóm họa sĩ trẻ tiến bộ ở thành phố. Tôi nghe nói bức tranh "Rừng sáng" của Thụy đã bị bọn chúng tịch thu trong một cuộc triển lãm, vì trên đó Thụy vẽ một ngàn cây xanh mà những vệt nắng đã tạo thành hình ảnh một rừng chông đứng thẳng san sát, và bọn chúng đã thấy rõ điều đó. Ngô đã bỏ nghề làm thơ siêu thực, dẫn đám học trò của mình đi tìm đốt xe Mỹ và nhét đá vào đầy túi quần để ném trả vào mặt bọn cảnh sát dã chiến ở ngoài đường phố. Trong cuộc triển lãm vừa rồi ở đại hội Khu, nhìn hình ảnh nổi dậy của sinh viên Huế giữa những hình ảnh khác của nhân dân miền Tây xây dựng hậu cứ và của các đơn vị quân quân giải phóng trong chiến dịch đánh chiếm điểm cao 935, tôi chợt thấy thú vị khi nhớ lại những câu thơ rất mới của Ngô.

Còn Giao? Trong những năm qua, tôi không nhận được một tin tức nào về Giao. Có lẽ nào sự chuyển mình của bè bạn và cuộc sống sôi bỏng ở chính ngay thành phố đã không chữa khỏi "bệnh thần kinh" của Giao? Sự im lặng quá lâu của Giao đã làm cho tôi rất băn khoăn.

Mãi cho đến vừa rồi gặp lại Phương vừa công tác ở thành ra dự đại hội tôi mới được biết những điều mới về Giao.

Mấy hôm sau ngày thành phố nổi dậy trong mùa Xuân Mậu Thân, máy bay Mỹ ầm ầm kéo đến ném bom vùng Giao ở. Cả nhà Giao sợ quá, chui cả xuống gầm phản, ôm mền, gối, xa-lông chất bừa lên trên để chống bom. Giữa lúc đó, hai người lính giải phóng bỗng chạy vào nhà, cõng hai đứa em Giao chạy ra vườn, đẩy cả nhà xuống một chiếc công sự mà họ đã đào sẵn từ bao giờ ở mé vườn. Còn họ thì nép sau những gốc cây, vừa bắn chặn bọn địch ở phía bên kia sông, vừa đào hố ẩn nấp giữa những loạt bom khét lẹt của mấy chiếc phản lực. Sau trận đánh, một người bị thương nặng ở cánh tay. Người kia mang bông băng định băng bó vết thương, nhưng anh ta khoát tay, nói bằng giọng như ra lệnh:

- Đồng chí hãy đưa bác và các em ra ngay khỏi vùng này. Để tôi tự lo liệu lấy!

Đó là lần đầu tiên gia đình Giao được hiểu về những người bộ đội "Việt cộng".

Những ngày sau đó, bom đạn ác liệt khắp nơi, gia đình Giao phải sơ tán về vùng quê ở Phú Vang. Khi Giao trở lại thành phố thì Huế đã đổ nát. Người yêu Giao đã mất tích; có người nói cô bị bom Mỹ từ phía sau Phủ Cam bắn chết khi cùng một đám đông chạy qua cầu Bến Ngự, và chính mắt họ thấy xác cô trôi trên sông An Cựu. Còn nhiều bạn bè khác của Giao thì đã lên đường đi kháng chiến.

Phương kể chuyện Giao cho tôi nghe và nói:

- Hình như tất cả những gì xảy ra như thế đã thay đổi nếp suy nghĩ của Giao rất nhiều. Sau Tết Mậu Thân, cậu ta bỏ dạy ở Bảo, im lặng một thời gian khá lâu, không biết đi đâu. Cuối năm ấy, Giao trở lại trong phong trào sinh viên với những bài hát thật mới.

Phương hát cho tôi nghe một hành khúc của Giao viết về mùa Xuân Mậu Thân ở Huế. Từ rừng núi, từ đồng quê, người đã về đây. Đỏ rực mặt trời thành phố. Trăm con phố lao xao mừng, tiếng hát gióng cao như rừng. Ôi dòng cuồng lưu mở đời tự do, nhà tù hò reo. Hôm nay chúng ta theo người lên đường. Thoát yếu hèn dựng thân cao lớn. Đời sống vươn vai, tiếng thét căng môi...". Giao đã bị bắt trong một cuộc biểu tình đòi hòa bình của sinh viên vào đêm Nô-en.

Sau đây là mẩu đối thoại giữa Giao và tên cảnh sát trưởng:

Tên cảnh sát: Tại sao anh lại làm bài hát ca ngợi hòa bình trong lúc này?

Giao: ủa, thế chẳng lẽ ông lại bảo tôi ca ngợi chiến tranh à?

Tên cảnh sát: Nhưng anh có biết rằng lúc này, ai nói hòa bình là trung lập, trung lập là cộng sản không? Tôi nhắc lại cho anh rõ: sắc luật ngày 7-5-1965 của chính phủ đã đặt hòa bình ra ngoài vòng pháp luật.

Giao: Chính vì các ông đặt hòa bình ra ngoài pháp luật của các ông nên nó đã đi vào trong tiếng hát của bọn tôi.

Tên cảnh sát: (đập bàn) Tôi không có thì giờ để nghe anh lý sự. Tôi cho phép anh chọn một trong hai điều này: hoặc chấm dứt ngay việc làm những bài hát xách động của các anh, hoặc vô tù. Hãy trả lời, ngay bây giờ!

Giao: (chậm rãi) Tôi vẫn cứ sáng tác.

Thời gian tôi vắng tin Giao, là những ngày Giao đang nằm ở lao Thừa Phủ.

III

Bê từ phía trạm đi lại, thong thả, men theo bãi cát dài ven sông. áo cụt mầu xanh da trời may rộng, quần xắn gọn lên nửa đầu gối, một tay đặt hờ lên khẩu A.K nằm ngang trên vai, tay kia đong đưa một chùm hoa rì rì đỏ, Bê vừa đi vừa nhìn gì phía bên kia sông. Mặt trời lặn đỏ rực ở phía sau, bóng Bê đổ dài lêu nghêu trên mặt cát, trông Bê khỏe khoắn, thoải mái như một o du kích nhỏ đi tuần tra trên một vùng làng biển yên tĩnh. Được nhận một khẩu A.K xếp mới toanh ở đại hội, cô bé hí hửng ra mặt, đi đâu cũng mang theo mình, lên dốc mệt không kịp thở vẫn nhất định không chịu để cho tôi mang hộ. Tôi gọi Bê:

- Bé ba xàm! Đi mô mà vác súng, dẫn cán bộ về vùng sâu đó hả?

Bê ngẩng lên, cười ríu rít, chạy lúp xúp về phía tôi. Tôi kéo tay Bê lên tảng đá đến ngồi cạnh tôi. Bê mở chiếc cặp tóc, hai tay bung mở tóc ngắn cho gió lộng vào, vừa nói:

- Tưởng anh đi mô, té ra ngồi một mình ở đây. Nhớ chị mô trong Thành Nội đó à?

- Nhớ ai mà nhớ. Anh đang nghĩ đến mấy thằng bạn của anh.

Bê liến thoắng:

- à, chắc nhớ anh Giao. Chà hồi trước hai người như hình với bóng. Anh đi rồi, coi bộ anh Giao như cua gãy càng. à, mà anh Ngọc ơi! Coi ảnh triển lãm thấy anh Giao đi biểu tình với đồng bào trong Huế, em phấn khởi chi lạ!

Bê là chiến sĩ thi đua của ngành đường dây huyện Hương Thủy. Gặp Bê lên báo cáo trong đại hội, thấy dáng dấp cô bé quen quá chừng, nhưng tôi nhớ mãi không ra. Hỏi chuyện Bê, tôi sửng sốt nhận ra cô bé giao liên này chính là con "Bê dại" bưng hàng ở quán cà-phê Thành Nội năm xưa.

Cha Bê là du kích, hy sinh hồi kháng chiến trước. Mẹ Bê làm nghề sáo ở cửa Thuận, bị địch bắt bớ đánh đập mãi, mới gửi Bê lên học nghề ở quán cà-phê của một người dì họ ở Huế, lúc Bê mới mười tuổi. Giữa năm 1968, làng ngoại Bê ở Phú Vang bị địch cày thành vùng trắng, mạ và chị Hiền của Bê bị lùa vô ấp tập trung. Cuối năm đó, chị Hiền  tìm về làng liên lạc với cán bộ, bị bọn kỵ binh bắn chết giữa trảng cát. Nghe tin chị Hiền chết, Bê khóc sưng vù cả hai mắt, bỏ ăn bỏ uống ba ngày liền. Sau đó, Bê bỏ quán cà-phê về làng nội ở xã Mỹ, năn nỉ mấy chú xin làm giao liên hợp pháp. Đi rừng đi chổi, có nhiều lần Bê bị bọn Mỹ bắt lên xe M.113, lên trực thăng chở về Tam Tòa, nhưng thấy Bê còn con nít, gọi Bê là "Bé ba xàm" và thả về. Có lần ngồi dưới cơ sở, Bê nghe bọn địch "Năm tư" ném lựu đạn ầm ầm và xăm xỉa suốt buổi sáng trên miệng hầm. Lỗ thông hơi bị vỡ lớn như miệng bát, con chó bẹc-giê thò mõm xuống khịt-khịt. Bê nhét hạt ném vào lỗ thông hơi đuổi chó đi. Nhưng rồi bàn chân thằng Mỹ to như chân voi đã dẫm lên, mấp mé ở miệng lỗ. Bê xé hết tài liệu lên đạn khẩu các-bin ra ngồi sẵn dưới miệng hầm, sẵn sàng nhảy lên chiến đấu. Nhưng bọn địch lại bỏ đi nơi khác. Ngồi chờ lâu, Bê lấy một điếu ru-by của chú cán bộ  để trong hầm ra hút cho đỡ buồn ngủ. Không ngờ mới vài hơi. Bê bị chóng mặt, say đừ. Đến khi bà mẹ ra giở nắp hầm gọi Bê lên thì thấy cô bé đang ngồi ôm khẩu súng ngủ ngon lành... Tôi nhớ lại hình ảnh con "Bê dại" tóc bom-bê, đeo kiềng bạc vẫn đội tay lên đầu, mở mắt thao láo đứng nghe khách hàng nói chuyện trong quán cà-phê Thành Nội những năm xưa... Bây giờ trước mắt tôi, Bê đã trở thành một cô gái rắn rỏi, vững vàng với khẩu súng trong tay, dù người không cao lớn thêm mấy và cái miệng cười khỏe khoắn để hở chiếc lợi đỏ giữa hai cái má phính trẻ con thì không có gì thay đổi.

Bê ngẫm nghĩ điều gì, tủm tỉm cười một mình

- Cười chi vậy Bê?

- Em cười... ờ ờ... Con người hiền, đuổi ruồi không bay như anh Giao mà cũng đi biểu tình, tranh đấu, nghĩ cũng lạ.

- Lạ sao bằng con "Bê dại" ngày trước, bây giờ thành ra o giao liên chiến sĩ thi đua?

Bê "xì", đấm nhẹ vào lưng tôi.

- Em khác, anh Giao khác, chớ bộ...

Tôi hỏi:

- Bê còn nhớ anh Giao à?

- Nhớ chớ! Em chưa thấy ai tử tế như anh Giao. Bê kể:

- Mấy năm anh đi rồi, anh Giao hay tới quán một mình, lúc chín, mười giờ. Anh kêu cà-phê phin, hút "bát-tô" điếu ni nối qua điếu khác, cắm cúi đọc quyển sách chi cầm nơi tay rồi đi. Có lần quán vắng, anh tập cho em hát. Bài "Ông tiên vui", anh nói anh làm để dạy cho học trò của anh ở trên Đà Lạt. Mấy bà chị con bà dì em khi mô thấy anh vô quán là bấm nhau cười, kêu anh là "Ông tiên buồn"...

Bê im lặng đi trong một chốc, rồi nói tiếp:

- Em nhớ năm tể năm tê... Lần đó em bưng cà-phê cho anh Giao, lỡ vướng bàn rớt cái choảng, đổ bể tan tành, cà-phê đổ lên cả áo của anh. Dì em trên nhà chạy xuống, hầm hầm giơ tay định tát em. Anh Giao choàng tay che cho em và nói: "Tôi làm bể đó, không phải con Bê mô". Tội nghiệp bữa đó anh Giao cũng hết tiền, chỉ còn 25 đồng đền cho dì em. Còn một đồng bạc lẻ, anh biểu em bán cho anh một hộp diêm, ngồi hút thuốc một chặp rồi về... Gần Tết năm tê, anh đi mô biệt luôn, không thấy tới quán nữa.

- Hồi đó, anh Giao đang ở tù, Bê à.

Tôi kể chuyện Giao bị bắt cho Bê nghe. Bê chép miệng:

- Tội nghiệp. ốm yếu như anh Giao, bị hắn đánh đập chịu răng nổi. Hèn chi... Sau kỳ khởi nghĩa Mậu Thân, nhiều anh quen tự nhiên không thấy tới quán nữa. Anh Nguyện nì, anh Ngô nì, anh Thiết, anh Xuân... lên đây em mới biết các anh rủ nhau đi cách mạng hết. Còn anh Giao, ai ngờ lại vô ngồi tù. A, mà anh Ngọc nè...

- Chi, Bê?

- Anh viết thơ cho anh Giao đi, em chuyển cho. Em bảo đảm thơ tới tận tay anh Giao. Anh ấy tốt vậy, mình phải tranh thủ giúp đỡ, kẻo lỡ ra... Em nghe nói những người như anh Giao, thằng địch hay tìm cách mua chuộc...

Tôi hiểu Bê lo lắng cho Giao như lo sợ cho một người thân. Tôi siết chặt tay Bê:

- Anh tin là Giao sẽ không đến nỗi nào. Nhưng để rồi anh sẽ viết thư thăm anh ấy. Bọn anh xa nhau cũng đã khá lâu...

Trời chiều hẳn, không còn nắng. Cơn giông nào ở xa làm nước sông A Mong đục nhờ và dâng to rất nhanh, khỏa mất dải cát dưới chỗ chúng tôi ngồi, khiến tôi có cảm giác là lạ tưởng mình đang đứng ở một cửa biển, buổi chiều nước triều lên. ánh sáng dịu hẳn xuống, và mầu sắc bãi đá ửng lên một cách kỳ lạ. Những phiến đá nhìn trầm trầm giống nhau lúc nãy, bây giờ phân biệt nhau rất rõ, thành những mầu trắng, hồng nhạt, xanh, mầu rêu già và mầu nâu xẫm... khiến bãi sông trong chốc lát bỗng dậy lên những mầu sắc tươi vui. Dòng sông bắt đầu chảy mạnh và cả cái thung lũng hẹp chạy dài giữa hai triền núi cao bỗng rung lên như một chiếc trống, chuyền đi những tiếng rùng rùng liên hồi.

Bê yên lặng nhìn dòng sông. Trong đôi mắt trong sáng và linh động của cô bé, tôi chợt bắt gặp một thoáng mơ màng xa xa, như vẫn thường thấy trong mắt những cô gái thành phố. Bê lẩm bẩm nói một mình:

- Ai ngờ... Giữa "năm non ti tè" ni lại có một con sông đẹp không khác chi sông dưới quê mình.

Bê chợt quay lại đột ngột hỏi tôi:

- Sông ni chảy về mô, anh Ngọc hè?

- Chảy về cửa Thuận. Sông A Mong là nguồn sông Hương đó Bê.

Đôi mắt Bê mở tròn xoe như mắt búp bê:

- Hứ... Xa thế ni mà sông cũng chảy về tới dưới biển được, hả anh?

Tôi bật cười trước câu hỏi ngây thơ của cô bé:

- Xa mấy thì xa, trăm sông rồi cũng về biển, Bê ạ.

Như khám phá ra điều gì, mặt Bê hớn hở hẳn lên:

- Anh Ngọc ơi!

- Ơi!

- Rứa là sông A Mong cũng chảy qua làng ngoại em. Mạ em làm sao dưới nớ... Mà có chắc đúng như rứa không anh?

- Đúng.

- Vậy là khe suối mô trên ni cũng chảy về biển dưới mình hết, anh hè!

Tôi gật đầu. Bê cau mày, có vẻ ngẫm nghĩ:

- Anh Ngọc ơi!

- Ơi hoài!

- Khe Trà đó răng? Khe Trà chảy vô trong một cái nà mây, thành một bãi lầy rồi biến mô mất, có về biển được mô anh?

- ờ... Đó là những dòng nước rủi ro.

Tôi bỏ lửng câu nói. Hình ảnh cái Khe Trà trong câu nói hồn nhiên của Bê bỗng khiến tôi nhớ đến Giao trong đêm hai đứa tâm sự ở Bảo. Có biết bao nhiêu người đã không vượt qua nổi "cửa ải" đó của tuổi trẻ, sống vật vờ rồi biến đi mất tích như một vật bị gió cuốn trong cơn bão? Tôi mở ví lấy tấm ảnh, nhìn Giao đi trong "Ngày tuổi trẻ quật khởi" của Huế. Giao cầm đàn đi giữa những bạn bè phẫn nộ, giữa những bà mẹ nghèo le te áo cụt chân đất, những chị tiểu thương tay đánh đằng xa hăm hở bước chân, những bác xích-lô đội nón rách giơ cao nắm tay... Người và biểu ngữ kéo thành một dòng dài như vô tận dọc theo sông Hương.

Niềm xúc động chợt dâng lên trong tôi, rưng rưng. Tôi nghe văng vẳng trong đầu tiếng hát của Giao. "Núi rừng vươn tay nắm lấy vừng đông. Núi rừng giang tay nối liền biển xanh. Ta đi, ta đi, vòng tay lớn mãi. Ta đi, ta đi, đừng mong ai, đừng nghi ngại. Vì đời ta hôm nay đã thắm máu người"...

Tôi nói thầm với Giao: Đúng thế, Giao ơi! Hai mươi lăm năm, ta đã lấy máu hồng che kín non sông. Máu đã tưới thắm đất đai yêu quý. Nên trên mặt đất nứt nẻ từ hàng triệu năm của Thụy, cây đã mọc xanh dựng thành rừng chông. Nên trên nền đất khổ hạnh của tâm hồn Giao, hoa hồng đã mọc... Tôi sung sướng thấy Giao đã tìm thấy lại niềm tin giữa nhân dân, và chính tôi cũng tìm thấy niềm tin ở bạn bè.

Bê vẫn ngồi im lặng, có lẽ chờ đợi câu trả lời bỏ dở nửa chừng của tôi về chuyện cái Khe Trà nào đó. Có lẽ cô bé vẫn còn băn khoăn, lo nỗi dòng sông A Mong yêu mến này của cô có chắc sẽ chảy đến nơi đến chốn về đến biển quê ngoại của cô.

Tôi nói với Bê, trong một ý nghĩ xúc động về Giao:

- Cũng có những dòng nước rủi ro, bị lạc đường... Nhưng khi những dòng nước đã nhập lại thành sông, thì nhất định nó sẽ ra đến biển, Bê ạ.

Thấy tôi trăn trở mãi tấm ảnh Giao trong tay, và cô nghe giọng nói của tôi hơi khác đi, hình như Bê hiểu. Cô bé cùng vui theo tôi, khoác khẩu A.K lên vai, cặp môi đỏ chót nhoẻn cười thật tươi giữa hai má phính tròn như còn phảng phất mùi kẹo:

- Chừ thì chắc anh Giao hết buồn rồi, anh Ngọc hỉ?

Tôi dắt tay Bê, hai anh em tôi vừa đi vừa nhảy trên những lượn sóng đá.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com