hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1393.htm

Đoàn Ngọc Hà

Những phút giữa giờ

Thầy Phức ra phố huyện. Vẫn chiếc xe đạp tàng, thầy nghiêng chiếc mũ lá ngó vào những cửa hàng. Thầy ạ, thầy ạ! Chỗ nào cũng nghe ran lên tiếng "Thầy ạ". Những đứa bán hàng không biết có phải là học trò của mình không mà cứ toét miệng ra cười chào thế kia? Thầy thấy vui vui và cũng buồn cười. Chẳng ai làm được cái việc "xã hội hóa giáo dục" bằng thầy! Thì ông cả bà lớn, thằng cha đồ tể, con mụ bán rau, đứa non nỏn một con ngồi bán hàng... Cứ hễ gặp thầy là gọi, chào thân mật lắm. Thâm niên của thầy đến 32 năm.

Bỗng một cái xe máy "pục pục" ngay chỗ thầy đứng. Trong hộp kính mầu của cái mũ xe, thầy Phức thấy một khuôn mặt tròn. Cái cười toẹt ra hàng răng trắng nhờ. Lạ! lại một thằng trò ở xứ nào mới về?

- Anh Phức, quên em rồi sao?

- à mày, Địch! Mới ở đâu hiện ra mà oách thế? - Thầy Phức nắm cổ tay nẫn bóng như con cá chuối của thằng cha dạy toán với mình từ 20 năm về trước.

- Về nhà em luôn!

- Nói lạ, mày làm gì có nhà?

- Ngay phố này. Em cũng đang cần anh.

Giật cái xe cà tàng ném vào một cửa hàng, Địch mời thầy Phức lên xe. Vù một cái, trước mặt thầy Phức là một tòa nhà ba tầng. Cô vợ Địch, chắc là vậy, đeo váy nâu hoe hỏe ra cười chào thầy. Lại vẫn cười chào thầy. Quái, mình đi đâu cũng có người cười chào thầy. Con bé này "xi nê" lắm, trẻ măng, chắc không phải trò. Lại thấy một thằng nhóc lăn ra như một cái vồ. Thằng Địch này, lấy vợ, làm nhà, có con rồi.

Khỏi phải nói rằng, hôm ấy Địch tiếp ông anh nối khố thịnh soạn như thế nào. Lúc thầy duỗi chân ra thấy xác Haliđa rổn rang lên cả một đống. Hà, đời hay thật. Địch kém thầy Phức 5 tuổi, dạy cùng khoa lại có cái vẻ lãng mạn, bất cần đời, ngang dở giống nhau, hai thầy khó hòa nhập với cánh  đồng nghiệp đã đành, lại còn khó lấy vợ nữa. Khi xa nhau rồi, thầy Phức vẫn được tin Địch lang bang dạy ở nơi này nơi nọ. Đến ba mươi có lẻ vẫn chẳng vợ con gì. Thế mà bây giờ...

- Bác ở đây với em vài ngày. Nói thật, em cứu bác!

- Tao không bỏ trường một giờ! Còn mày bảo cứu tao thì tao vẫn như lực sĩ thế này, sao phải cứu? - Thầy Phức xắn cổ tay mập mạp.

- Khổ quá! - Địch nhăn mặt, vỗ vào vai thầy Phức - Cứu là cứu cái lão đồ nghèo này này.

- Giỏi nhỉ? - Thầy Phức cười. - Cứu cái khỉ gió!

Địch bảo:

- Bác bỏ cái lốt của bác đi. Xưa nay, ta "yêu người yêu nghề" chán ra  rồi. Bây giờ biết bao thằng tỉnh ngộ. Em không tỉnh thì làm gì có thế này? Bác nghe em. Năng lực dạy toán của bác đắt giá đấy. Bác "xuống mã" vào lò dạy của em, tháng chỉ vàng, em giả bác. Được chưa? Đừng lăn tăn. Chỗ em với bác.

Từ trên lớp xuống, thầy Phức đã thấy đám đồng nghiệp đang chuyện trò như pháo ran. Lữ, ông đồ địa vắt vẻo điếu thuốc. Thằng lão tướng dạy hóa đang bét miệng ra cười. Cô Phương dạy tiếng Anh vàng cứ rổn rang từ tay đến ngực, thì bảo: "Đàn ông lắm chuyện. Đàn ông trí thức càng hư!". Ông Phức tức con mẹ, bảo:

- Chính cô hư!

- Sao ợ?

- Cô bắt học trò lao động trồng đỗ tương. Đã giầu còn bóc lột. Từ rày, tôi cấm chỉ đứa nào lội qua vườn cải của tôi để tưới rau cho cô giáo của nó!

"Xùy" một cái, cô Phương bảo:

- Ông hâm! Tháng triệu bạc dạy ngoài mà còn đi trồng "thâm canh" rau cải, còn bắt bẻ cả đàn bà!

Lừng lững, thầy Phức đến cuối văn phòng ném đít xuống, ngửa ngực ra, cố nén cái tức tối đang cuộn lên. Thật khó chịu! ở cái trường này đa phần là những anh châm chọc, xỏ nõ. Ngồi đâu, họ cũng thở lên những đô-la, những mốt, những kiểu dáng "uyn", "dim", "enrô"... Ngồi đâu, họ cũng tìm ra một câu để xỏ ông thầy mà họ coi là hâm dở nhất trần đời. Phương cưỡi "Đời mới" đi lại như con thoi, tung bụi sân trường. ẻ ương với anh chồng kỹ sư cầu đường. Giò nạc nó gọi là cục đất. Chim rán, nó bảo ăn như ăn rác, chán oẹ ra. Trứng vịt lộn, nó xơi ba bốn quả một lúc. Đàn bà uống bia như điên. Ăn giở món dê chấm tương. Chưa thấy bụng đâu nhưng đã kêu chửa... Chẳng bao giờ nom đến sách vở. Giáo án như dẻ rách. Chửi học trò như vãi mạ. Từ mấy năm nay, khi các thầy ra mặt đường chen chúc với thiên hạ thì khu tập thể trường trung học Hòa Lạc vắng hoe. Mấy chục phòng bỏ không. Cô Phương và thầy Phức  ở hai đầu chót để cách nhau thật xa. ấy vậy, thỉnh thoảng họ vẫn đụng độ.

Năm mươi hai tuổi, thầy Phức vẫn sống độc thân. Thuở tráng niên, thầy có yêu nhưng tính thầy dứt khoát như toán học. Yêu thì như đường tròn đụng nhau, đừng như đường parabôn uốn éo. Thầy rất ghét tán tụng. Nghe đâu, ngày ấy thầy sắp cưới một cô ngân hàng. Một hôm đi ăn phở, cô ngân hàng gảy gót rồi bỏ lại cả bát. Thầy bảo: "Cô này lãng phí. Để tôi xơi cả. Trừ được bữa tối". Cô ngân hàng thấy sự hâm dở ấy thì cắt phăng. Thầy ăn uống cũng rất lạ. Ngày nấu một lần, ăn không thành bữa, đói lúc nào ăn lúc ấy. Thầy luộm thuộm và ở bẩn. Cổ áo ít khi sạch. Bỏ áo trong quần thì thầy thắt xanh tuya gần đến ngực. Người thầy to mà xơ-vin thì xấu không nhìn được. Ai cũng cười. Lên lớp, thầy không theo một phương pháp sư phạm nào cả. "Các con nhìn lên đây. Hôm nay, thầy dạy cho chúng mày bài... Chú ý vào, không học thì về gắp cứt. Không hiểu à, thầy giảng lại, vẫn chưa hiểu à, thầy giảng lại... Lại vẫn chưa hiểu? Trời đất, cha mẹ chúng mày ăn ốc vặn, trong ốc vặn lắm rãi rớt, đẻ ra chúng mày, dốt phải! Làm khổ thân thầy quá. Thôi được, tao giảng lại!".

Vậy mà học sinh rất thích được học thầy. Đứa dốt đến đâu cũng theo được. Oái oăm thay! Một ông thầy thiếu hẳn khoa sư phạm, thiếu hẳn "mô phạm" mà lại dạy giỏi, dạy rất giỏi. Bụng thầy có hàng nghìn bài toán. Thầy giở ra vanh vách. Thầy nói như thánh nói. Các thầy  dạy kỳ cựu nhất vẫn phải đến hỏi toán thầy. Hình như dựa vào những khiếm khuyết của thầy, người ta cứ tô mãi lên về những chuyện quanh thầy. Cái tiếng "thầy Phức hâm" lan đi. ở đâu cũng biết. Dân thường cũng biết. Phụ huynh biết cả. Họ luôn cười đến đứt ruột về ông thầy. Nhưng họ quý, phục. Bởi vậy thầy ra đường thiên hạ rất thích được chào. Cô giáo dạy tiếng Anh ấy, sẵn cái kỳ thị dân tộc, cái gì cũng chê "an-nam-mít", lại thêm tính vắt vẻo, thù thầy Phức nên cứ đơm đặt thêm ra. Mới đây, cô ấy lại tố lộ thêm một chuyện mật. Người tin, người không tin. Thầy Phức "thâm canh" rau cải bằng cách: mỗi sáng dậy sớm, bí mật đào đất bón cho một cây cải rồi lấp đất lại. Vườn cải của thầy tốt um lên. Cây cải của thầy là cây cải trạng Quỳnh dâng chúa.

Lại những phút giữa giờ.

- Hoan hô thầy Phức!

Ai nấy đứng lên vỗ tay. Mang một cái bao tải to, thầy Phức đặt xuống bàn, rỡ ra đến vài chục lon bia, bánh hộp:

- Mời các bạn đồng nghiệp.

Ai nấy triển khai đội hình. Tiếng bia mở, tiếng cười. Râm ran. Thầy Phức đi chạm li khắp lượt. Thầy chiêu đãi do việc làm ăn lên. Cô Phương không uống, không chạm li với thầy. Cô làm thinh, để mắt vào cuốn từ điển Anh - Việt. Ghé sang một giáo viên nữ, cô bảo: "Tôi biết, tiền lão chật một tủ. ấy vậy mà mỗi bữa lão chỉ cắt có một tàu rau cải - thâm - canh xào mỡ. Tởm!".

Ông Thàng đã say. Ngửa cổ, ông vít đầu thầy Phức xuống, ghé vào tai:

- Thú thực, tôi là người vẫn hay trêu cợt anh nhất nhưng bây giờ tôi phải nghiêm túc nói với anh rằng anh phải có gia đình, có nhà, có vợ con!

ý kiến ấy không ngờ được lan ra. Ai cũng bảo sang xuân là đi phù rể cho bác Phức. Thầy Phức run run. Lần duy nhất người ta thấy thầy Phức xúc động:

- Đời tôi chỉ có một việc: dạy toán!

- Hỏi thật. - Thầy Lục hiệu trưởng nhà trường. - Anh Phức ơi! Anh có thống kê được  số học sinh đã thành đạt mà anh dạy?

- 5.102, từ kỹ sư trở lên!

- Năm nay, anh càng có nhiều học sinh học toán?

- Cố nhiên! 52 lớp 12 cộng 123 học sinh ôn luyện vào đại học.

- Cộng nữa chứ?

- Nữa! - Thầy Phức thản nhiên. - Tôi dạy tư cho các em lớp 10!

- Con số?

- 47!

Ai cũng thấy gai gai trong người. Ông hiệu trưởng có thừa khôn khéo. Ông Phức lại thừa sự lãng mạn. Ai ngờ thầy Phức đứng lên và nổ ra như một thùng thuốc súng:

- Phức này dạy toán 30 năm có lẻ. Chết cũng được rồi. Chìm nổi lắm rồi. Đừng ai dọa Phức. Để Phức yên thân dạy toán. Thầy giáo lớp 12 đây. Dạy uy tín xứ Bắc đây. Mấy lò ôn thi đại học mời. Hiện nay tôi đang đậu ở lò Địch. Không phải vì tiền mà vì cái này - thầy Phức đấm vào ngực như muốn gào lên - cái gan huyết ở đây! Phức này sẽ nói điều chẳng ai dám nói. Tiểu học, trung học cơ sở hiện tại là những "cấp - học - trăm - phần - trăm". Lên lớp một trăm phần trăm. Phổ cập một trăm phần trăm. Tốt nghiệp cũng rứa! Nguy hại nhất là phổ cập. Do phổ cập, lứa tuổi nào thì ở lớp ấy, không có đúp! Vô lý, chao ôi là vô lý! Thượng đế không dở hơi tí nào khi ông ấy nặn ra các bộ óc khác nhau. Thượng đế là toàn năng và đa dạng. Các anh cười à? Các anh có thấy rằng học trò trung học  phổ thông kém đến mức nào? Xong lớp 12, họ phải làm cuộc khứ hồi kiến thức. Chạy tế lên để vào đại học... than ôi! Hổng nhiều quá. Họ học như cắn vào ghế, cắn vào sách. Làm đời một người dạy toán, tôi say đến mức nào khi người dạy, người học cùng ý chí! Sao cấm dạy thêm? Sao không nói rõ là cấm những đứa dạy bố láo?...

Ông Lục đã kịp chuyển tấm thân lùn dí về phòng mình. Tiêu cực! Tiêu cực! Ông phải tránh những luận điệu tiêu cực như ngày xưa người ta tránh hủi.

Lại những phút giữa giờ.

Sân đời nhà giáo là những phút giữa giờ. ở đấy, người ta lau tay phấn để đi vào đời thực. Cô Phương vắt chân lên nhau nhịp  cho một bài hát Tây. Cô đã phải lên áo thụng mầu huyết dụ để che bụng. Cô phàn nàn rằng lâu lắm chưa được ăn món ếch hầm hạt sen cách thủy. Cô Lan Anh dạy sử thì bảo đã chán lắm món bầu dục nấu cháo mà sáng nào anh hàng thịt cũng mang đến. Thầy Có dạy kỹ thuật cứ suýt soa mãi vì sáng nay con chó Tây sôi bụng. Ông Tờ thiết bị vi tính ngậm ngùi ra vào cứ hỏi rằng: cái còi xe của ông thỉnh thoảng lại kêu như hen phế quản là sao? Đôi người ngả đầu duỗi chân trên ghế hút thuốc. Họ thông tin cho nhau về lò Địch bị đổ. Địch đang lên như diều. Nắm trong tay toàn thợ dạy tai tiếng. Ngày ba ca, mỗi ca bốn lớp. Tiền thu không đếm kịp. Uy tín của ông Phức mở mặt cho Địch. Ông Phức chỉ được đồng công quá rẻ. Mấy lò kia cạnh tranh đến mua ông Phức. Điên tiết, Địch cho học trò tiến công gây án mạng. Công an đến, Tỉnh cấm dạy tư. Sở thẳng tay trừng trị giáo viên vi phạm. "Bà phó" về các trường. Bà này thép lắm. Cố dập. Ăn thua gì. Chẳng bao giờ người ta thấy đói kiến thức như bây giờ. Đủ hình thức học.

Gia sư. Bán công, bán trú. Dạy thêm trong giờ. Dạy thêm ngoài giờ. Lò luyện mọc như nấm... Giả nhiều hơn thật. Cấm giả. Còn dạy như xối huyết thì sao lại cấm?

Tiếng còi toe toe xới bụi sân trường. Ông Lục hớt hải chạy vào. "Bà phó". Chết cha! Ai nấy tìm chỗ ngồi. Còn ba cái cúc chưa cài, bụng ông Lục cứ thòi lòi tròn ủng sau lần vải lót. Mồ hôi trán của ông dính bết mấy lọn tóc. Ông rất hay chảy mồ hôi trán.

- Chào chị!

- Chào chị!

Lướt tấm váy mầu máu đỉa, bà phó giám đốc sở Kiều Thị My Đoan, nghiêng cái mặt quyền quý bước vào. Ai nấy đứng lên khúm núm chào.

- Anh Lục này! Tôi vừa đếm được cả thảy 9 cái bàn bi-a mà tư nhân che đậy ngoài kia?

- Dạ thưa chị! - Ông Lục lau trán.

- Hằng ngày có bao nhiêu học trò bỏ giờ ra đánh bi-a ngoài ấy?

Chia lửa cho ông Lục, anh thư ký hội đồng nhanh nhảu:

- Thưa chị, trường em đã có kỷ luật sắt với hai cánh cổng sắt!

Bà phó mím môi. Ai nấy rộ lên cười nịnh. Nghe tiếng oanh vàng, của bà sang lắm. Ai nấy khoanh tay thủ túc. Sợ, mà cũng sợ thật. Đàn bà có mấy cái bằng đỏ. Hàm học vị: phó giáo sư. Hàm quyền vị: phó sở. Hàm đời: đàn bà có sắc. Thời sinh viên đã đi thi toán quốc tế. Đẹp thông tuệ.

Cửa mở.

"Bà phó" vụt đứng dậy, xoay người ra ngoài:

- Chào thầy!

Bước vào, thầy Phức lặng thinh, chăm chú nhìn người đàn bà có cái mặt thật ngoạn mục. Cặp môi như một vệt máu. Tấm áo mỡ gà. Cái váy lất phất bay rạt. Sửng sốt, thầy kêu lên:

- Mày đấy à? Đoan!

- Vâng, thưa thầy.

- Vừa về, hở mày?

- Vâng! - Thoắt một cái khuôn mặt bà phó sở vừa còn tươi rói đã nghiêm lại.

- Mấy con, mày? Học trò của thầy còn trẻ quá. Lẽ ra mày phải vào chỗ thầy chơi mới phải! - Không nói gì, bà phó sở gọi hiệu trưởng Lục đi làm việc. Cử chỉ ấy, khiến ai nấy quay đi dở cười, dở mếu. Thầy Có khom người ghé vào tai thầy Phức:

- Cụ ơi cụ! Cụ làm "bà phó" mất lòng rồi đấy!

- Cái gì! - Thầy Phức toát lên, nó "phó" với các cậu còn với tớ nó là một học trò.

- Đã đành. - Mấy người túm lại răn rúm mặt mũi. - Cụ làm thế bỉ mặt người ta quá. Đường đường là một phó sở mà bị gọi bằng mày thì ai chịu được?

- Gọi bằng bà à? Trời ơi, nó mà hư tao còn nọc cổ nó ra tao đánh cho mà xem.

- Hẳn bà phó sở nghe tiếng nói ấy. - Đừng có oai hách với thằng thầy của mày, nghe chửa. Ba năm nó học cấp 3 tao đều dạy. Nó là sinh viên rồi tao vẫn dạy.

Trước khi nó đi thi toán quốc tế, tao còn bị Bộ triệu đi huấn luyện. Mất hai tháng nằm muỗi đốt ở Hà Nội!

Thầy  Thàng vừa ở lớp xuống. Thầy đến chỗ thầy Có đang cắt dán chữ. Hai thầy vân vê đám giấy chữ:

- Cái tên nên dành riêng ra một dòng tô đậm. - Thầy Thành góp ý. Mà phải. Thầy Có hì hụi cắt dán lại.

Các thầy đã về văn phòng. Ai nấy rửa tay, ném cặp. Họ uể oải, ngáp. Đến vài tuần nay, những phút giữa giờ nặng trĩu xuống, im ắng. Hình như người ta không nỡ bàn đến vàng chỉ, cây que, cúp kíp nữa. Xưa, ngày bao cấp, lúc xuống lớp, người ta chia nhau nắm ngô, khổ mà thương nhau. Đến khi khá lên thì bỗng nhìn nhau như nhìn đồ vật. Hồn vía dành cho nhau ở đâu hết. Nghĩ đến một người đồng nghiệp vừa ra đi, ai nấy ân hận. Thầy Lục bảo cô văn phòng đi sắm hương hoa. ý thầy Lục bảo văn phòng dành riêng ra một chỗ thờ người bạn xấu số. Băng chữ treo lên. Hoa tươi. Hương đốt... ảnh. Thầy Lục tập hợp trên ba mươi thầy cô xếp hàng. Thầy hô nghiêm. Tiếng hô như nấc, ai nấy rơm rớm nước mắt. Trên kia thầy Phức vẫn tãi rộng miệng ra cười. Cái cười quảng đại, vô tâm cho đến chết...

Cô Phương sinh con. Hiện tại cô vẫn ở khu tập thể. Mọi vật dụng trong phòng thầy Phức vẫn giữ y nguyên. Cái giường cũ. Thùng đựng gạo. Xoong cơm nhỏ đã lên meo. Mũ lá rộng vành. Hộp "vi xo" đựng mỡ còn đầy. Ngoài kia, vườn cải của thầy Phức, cây đùn lên như những cái nơm. Cô Phương bảo cô cũng sẽ thờ thầy Phức. Cô khóc. Đồng nghiệp là gì. Cô không hiểu một người thầy.

Người ta bảo cô đẻ con so, bồi bổ quá nên khó đẻ. Đêm ấy một giờ cô trở dạ. Khu tập thể vắng tanh. Thầy Phức chạy sang, vẫn cởi trần, quần đùi. Cô Phương mắt đã dại đi. Không chần chừ, thầy Phức giật chiếc áo mưa mặc vào rồi bảo cô Phương đu vào cổ mình. Bế cô Phương trên tay, thầy Phức thúc đôi chân xuống đất. Tầm hai giờ viện mổ. Cứu được con nhưng người mẹ ra nhiều huyết. Chậm một giây không cứu được. Cần máu tươi. Thầy Phức trương cả tấm thân trần trụi to tát ra: "Lấy máu tôi!". Đêm ấy thầy bị ngất.

Thầy đi mà chưa mãn nguyện. Dòng huyết của thầy đọng lại từ  hôm gặp cô học trò. Người ta "trục" thầy ra khỏi ngành với lý do ngọt ngào: cho thầy nghỉ chế độ để bảo đảm sức khỏe. Thầy buồn, những đêm dài không ngủ. Cũng may, đêm ấy tiếng cô Phương kêu đau xối lại. Trong cái chết của thầy có cả nỗi đau trần thế. Thầy bảo đem toàn bộ số tiền thầy dạy được cho trò nghèo. Hỡi ơi, thầy Phức!...

Câu chuyện cuối cùng người ta kể về thầy Phức: Khi mang cô Phương  đến viện, thầy đã kiệt sức nhưng vẫn phân bua với các bác sĩ. "Tôi là đàn ông, cởi trần. Sợ động đến da thịt đàn bà, tôi mặc áo mưa cho an toàn. Ai nấy mỉm cười. Họ biết tính cách thầy Phức rồi.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com