Gọi là Xóm Cò cho vui chứ thực ra chỉ có mỗi một nhà. Những gia đình khác lùi về phía sau xa xa và còn cách con đường lát gạch. Thứ gạch chỉ ken nghiêng bắt mạch xi-măng khiến sau mỗi trận mưa lại đỏ bóng lên lân vân như là vệt cầu vồng trên nền trời. Một con đường nhỏ dẫn thẳng ra khuôn viên Xóm Cò, chung quanh là hệ thống ao liên hoàn rất sâu, rất rộng. Lũy tre oai hùng rủ bóng bên bờ ao là vương quốc huy hoàng của cò. Có chín loại cò: Cò trắng. Cò lửa. Cò bợ. Cò ruồi. Cò đen. Cò hương. Cò nghênh. Cò ngang. Cò diệc.
Chủ nhân Xóm Cò là người đàn ông đứng tuổi, bạn chí thân với tôi những năm chống Mỹ. Mỗi sáng ông bước ra khỏi nhà, đứng trân trân trên sân, nhìn hàng ngàn con cò tung cánh lượn vòng trước khi đi xa và hàng trăm con vạc sà xuống, nghiêng nghiêng dáo dác gọi bầy trước khi đáp vào bãi đỗ. Phút vui ấy làm lòng ông mê say. Còn chấp chới lượn quanh cao dần như muốn chúc đàn vạc ngủ ngon trước khi biến thành những chấm nhỏ li ti lạn xạn mất hút phía chân trời. Những chú vạc đẫm sương đêm, diều no căng, chìm vào những cành tre phía dưới, bắt đầu cuộc ngủ ngày kéo dài tới tận chiều tối. Có ba loại vạc: Vạc xanh. Vạc xám. Vạc đen. Nghe các cụ kể thuở hồng hoang xa xưa cò và vạc hay cùng đi kiếm mồi. Nhưng rồi tranh nhau. Vạc cậy mình to xác nhưng lại ít dẻo dai, ít khôn ngoan, ít lực lưỡng nên bị thua. Vạc đành bán cả trời đất cho cò. Thành thử cò ung dung kiếm ăn mọi nẻo gần xa còn vạc cứ phải chờ đến tối mới dám lẻn tới những vùng nhiều tôm cá, để sáng ra vội vã trở về, sà xuống phần dưới của cây, kể cả phía gốc, lẩn vào với cành lá mà ngủ. ấy vậy nhưng ở xóm này cò và vạc ở chung. Cò nhiều nên người ta mượn nó đặt tên cho xóm. Mỗi buổi cò vạc giao ca, dù sớm hay chiều, cứ làm lòng người xao xác không bao giờ chán.
Tuy vậy ông La - chủ nhân Xóm Cò - có nỗi buồn đau đáu là đứa con gái vừa trưởng thành bỏ đi mất tăm. Nó xinh đẹp. Điều đó cả làng này đều biết. Nhưng nó biến đi đâu? Lúc đầu ông La bảo nó học may trên tỉnh. Nhưng mấy đứa bạn xóm ngoài lên tỉnh tìm nó không thấy trở về hỏi thì ông im lặng. Mãi rồi ông bảo con gái ông vào Sài Gòn làm công nhân cho một xí nghiệp dệt xuất khẩu. Nhưng một anh lái xe của làng, cũng là chủ xe, chuyên chở khách đường dài, chuyến này vào trong đó bảo ông đi sẽ không lấy tiền, hoặc có gửi gì cho em Thắm thì xin cầm giúp, ông lại lờ đi, và từ đó không hề nói con mình đang ở đâu nữa.
Là người bạn không cùng làng, nhưng cùng đơn vị ngày xưa, lại cùng vùng ven sông Luộc, tôi hiểu bố con ông La. Những ngày đánh nhau quyết liệt ông vẫn là người điềm tĩnh. Đầu năm 1967 ấy, tôi với ông đều là lính trơn cùng đơn vị rút từ Gio An ra tới điểm cao 29 Trung Sơn, cách sông Bến Hải về phía nam có chừng hai cây số theo đường chim bay, thì 16 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đổ ra bờ nam khu phi quân sự tạm thời. Cả trung đội lọt trong vòng bao quanh của giặc. Những bộ phận pháo cối 120 mi-li-mét đã được tháo rời và chôn cất. Tất cả cầm súng bộ binh. Chiến sĩ La lẳng lặng dẫn đầu một mũi tiến quân... Chúng tôi còn gắn bó với nhau mãi tới những ngày ở biên giới Tây Nam, ở chiến trường nước bạn, tới những ngày cùng về với đủ các thứ giấy chứng nhận thành tích, khen thưởng và sổ hưu trí trong tay. Xe ô-tô đơn vị đưa tiễn về nhà ông trước. Cô con gái tên là Thắm lên bảy lên tám gì đó lon ton chạy ra. Mẹ nó, đứng chờ ở góc sân, cười đấy, mà thân thể bồi hồi, bủn rủn như chẳng còn nhận biết gì nữa, chỉ có nước mắt là đang dào dạt chảy dài hai bên gò má. Vì chính ông La cũng khóc. Thoạt đầu tôi chỉ thấy ông bế bổng đứa con gái lên. Rồi dụi mắt vào vai áo nó. Khi vai áo nó ướt đẫm thì ông mặc kệ những biểu lộ tình yêu thương gia đình đang trào dâng. Đứa con gái nhận biết ra điều ấy vừa lấy bàn tay nhỏ tí xíu lau mắt cho bố vừa hỏi rõ to:
- Bố ơi! Sao bố khóc!
Ông không nói gì, thả con xuống, dắt nó và mời tôi cùng bước vào nhà.
Ngày ấy khổ quá! Buộc cùng với ba lô trở về của chúng tôi có mấy đôi lốp xe đạp, mấy con búp bê xinh xinh, mấy cân đường kính trắng, mấy gói mì chính và một ít bánh kẹo. Tôi về, lao vào xây dựng lại mảnh đời đã xế chiều đứng bóng. Sân sướng. Nhà cửa. Ruộng vườn. Tôi cứ làm quần quật để bù đắp lại những ngày mình đi xa. Thảng cũng có lần gặp ông La ở phiên chợ Bùi, chợ Trạm, hoặc cùng rủ nhau sang Thái Bình xem cách thức mấy người bạn làm ăn ra sao. Nghĩa là chúng tôi loay hoay. Cái sự giàu nghèo khốn khó dường như trời đã định sẵn, nhưng con người ta khi đầu còn sục sôi suy nghĩ, cơ bắp còn hoạt động được, cớ sao có thể ngồi im nhìn sự thế xoay vần. Một bữa ông La tìm đến tôi, rất sớm, có nghĩa ông phải đi từ gà gáy. Tôi ngạc nhiên nhìn bộ quần áo ướt bùn của ông vì đêm qua mưa lớn.
- Xe đạp đâu mà hớt hải thế này?
Ông La vừa thả ống quần xuống vừa nói:
- Hỏng lốp. Khỉ thế. Vừa sáng ra chẳng có ma nào vá. ấy đi chân mà lại khỏe!
- Nhưng mà có việc gì?
Ông bạn tôi thì thầm:
- Chúng nó đấu thầu ao ông ạ. Chủ tịch xã bảo tớ thế. Nó còn gà cho mình biết ba ngàn mét vuông ao ấy ít nhất phải mười lăm triệu. Đặt thêm càng tốt. Có vậy mới chắc ăn. Nếu không sẽ rơi vào tay nhà khác - Ông La trong cơn say - Nhất định mình phải ngoạm lấy khu vực ao viền quanh khuôn viên Xóm Cò. Dân chúng gọi nhà mình là thế ông ạ. Vui không cơ chứ!
Rồi ông khẳng định:
- ấy vậy cho nên tớ phải sang đây. Tối nay chúng nó tổ chức đấu thầu ở sân đình. Mình phải thắng! Thời hạn sử dụng năm mươi năm. Nghĩa là lúc ấy mình chết rồi và con gái mình cũng già rồi. Hãy cứ biết năm mươi năm trở lại đây đã. Tóm lại là tớ muốn vay ông mười triệu.
Tôi nghĩ một thoáng:
- Được! Nhưng không thể lấy ngay bây giờ mà trước chiều tối hôm nay sẽ mang sang - Trong đầu tôi chợt nẩy ra ý nghĩ đùa vui diễu cợt - Ngày xưa gia đình ông thành phần gì nhỉ? Coi chừng cái máu địa chủ phát sinh đấy nhớ.
Chiều hôm ấy tôi mang tiền sang. Ông La thắng cuộc. Ông mừng lắm. Ông khoe rằng khu vực hồ mấy ngàn mét vuông này xa xưa là khuôn viên đình làng. Làng nhỏ nhưng đình lớn. Thần hoàng linh thiêng nhất vùng. Hồ được thả cá. Cò về. Cò về ngày càng nhiều. Vạc cũng về theo. Và cả những loài chim khác, đôi khi chỉ ngang qua, dường như để dạo chơi chứ không ở lại.
Nhưng mà niềm vui của ông La bị ngay đứa con gái mới lớn của ông phản bác lại. Lúc này Thắm đã là một thanh nữ. Nàng ngồi im ở góc giường, bên cạnh mẹ, lơ đãng nghe ông bố trịnh trọng và đầy vui sướng:
- Thế là ước nguyện của bố đã đạt được. Ngay cả những ngày chiến đấu ở vùng Tông Lê Sáp bên Cam-pu-chia bố đã mơ ước tới khu hồ thả cá này.
- Nhưng bố ơi, thế những người thành phố có đất đâu mà họ giàu xù xụ thế hả bố?
Ông La cười:
- Con ơi, họ khác, nhà ta khác.
Thắm ngúng nguẩy:
- Chẳng khác gì cả. Họ là người. Ta cũng là người. Bố đi chiến đấu bao nhiêu năm, gần hết cả cuộc đời, đã mang được cái gì về cho gia đình hả bố. Chẳng lẽ bố vẫn chưa tỉnh mà cứ còn quá say sưa hay sao? Bố của mấy đứa bạn con, bố biết rồi đó, trốn nghĩa vụ quân sự hồi chiến tranh, khi đánh nhau thì lui về phía sau, ấy là con nghe nói vậy chứ hồi ấy con đã được sinh ra đâu mà biết, nhưng bây giờ họ chẳng những chỉ giàu mà còn oai hơn bố nhiều. Họ làm những chức vụ gì gì đó trên tỉnh.
Lời nói đó khoan buốt vào tim can ông La và tôi. Tôi thấy ông ngồi thừ ra, không mắng con mà chẳng nói năng gì nữa. Tôi như tượng đã đành. Còn ông ngồi trân trân chỉ có hai mắt đỏ lên như là ứa máu. Nhẽ thường mấy phút đã trôi qua. Người mẹ mắng con gái nói không biết giữ mồm giữ miệng. Được đà, Thắm tiếp tục:
- Bố đừng giận. Con không dám trách bố nhưng con thương bố. Con cũng xin nói thật là không ở lại làng được. Cò vạc cứ việc về đây hội tụ còn con ra đi. Bố đã hy sinh cả cuộc đời giờ đây khát khao gắn bó với vùng đất thơm của mình. Còn con chả thấy đất thơm gì cả bố ạ!
Ông La chết lặng. Đêm ấy tôi thấy ông khuyên giải con gái hết lời nhưng hôm sau nó vẫn ra đi. Mặc cho vợ khóc lóc ông cứ đứng lặng trên sân mà nhìn những con vạc bay về và những con cò bay đi. Khuôn viên hơn năm trăm mét vuông của ông được xây dựng, trồng tỉa khá ngăn nắp. Phải nói là trời đã phú cho ông La mảnh đất này. Nó nằm ở phía đông của làng. Bởi thế cho nên ông là người đầu tiên trong thôn được đón nắng mặt trời. Khi vừng đông vừa rạng, rồi cái khối cầu lửa rực rỡ trôi ngược lên từ dưới thẳm chân trời, là ông đã có mặt trên sân, cùng với cò, vạc, chim muông, cây cối. Làn sương đêm run rẩy tan nhanh trên những ngọn tre và vài ba cành vối. Vạc ướt đẫm cánh sà xuống. Cò khoan khoái sau giấc ngủ đêm đẫy đà tung mình lên. Chúng tạo thành những chấm vàng, chấm bạc xao xác trước nắng mặt trời. Chúng giao ca! Bỗng âm thanh kỳ lạ từ xa vọng lại. U u. ào ào. ẩn hiện. Rồi vùng trời trên đầu nhấp nháy sáng. Rồi vàng rực huy hoàng. Rồi hai cây khế, hai cây vối, và những cây bưởi rung rinh bởi đàn chim vàng anh có tới ngàn con sà xuống đậu. Chúng chuyền cành, nhảy nhót, gọi nhau, rồi xúm xít vào hai cây khế ngọt. Đôi mắt ông La phát sáng. Trước đây tôi chỉ thấy đôi mắt ấy phát sáng có một lần. ấy là khi tổ trinh sát pháo binh chúng tôi lọt sâu vào phía nam đường chín, mất lối về, treo mõm nửa tháng trời và sống với những bông hoa chuối rừng và lá rau môn thục thì phát hiện ra bộ phận tiếp tế tìm kiếm do đơn vị phái tới. Giờ đây là lần thứ hai. Mặt ông rạng rỡ. Hai cánh mũi rãn nở. Con người điềm đạm ấy líu tíu:
- Mẹ nó đâu rồi! Mẹ nó đâu rồi!
Từ trong nhà có tiếng bà vợ ngạc nhiên và ú ớ nói vọng ra. Ông hối thúc:
- Mau lên! Mau lên! Mình vàng. Mỏ đỏ. Chân đen. Đời người một lần được thấy đã là diễm phúc.
Đàn chim ríu rít với những quả khế ngọt vàng trắng. Không được! - Ông La ngăn lại khi vợ vừa bước tới - Đừng làm kinh động đàn chim đang say ngự thiện. Tôi đang nhìn chim như thôi miên cũng sững người chẳng hiểu sao vị cựu chiến binh quen trận mạc này lại nói được câu văn hoa như vậy. Nhẽ thường đến nửa tiếng đồng hồ. Đàn chim vàng anh no nê, ríu rít cám ơn gia chủ, rồi tung mình, kết thành đàn, lượn một vòng như rắc vàng rắc bạc trên bầu trời rồi mới bay về phương nam để lại vùng ảo ảnh huy hoàng không bao giờ tàn phai trong trí nhớ.
Ông La, vợ ông La và tôi tần ngần lưu luyến mãi trên sân. Đoạn ông đưa cho tôi cái nón bắt đội lên đầu. Ông một cái. Phía trên nón cứt cò bám trắng phau như là quét vôi. Thấy tôi ngạc nhiên ông giải thích muốn ra bờ tre phải đội nón vì vạc cùng với cò chưa đi hết đều có thể tung chất thải ra rất tự nhiên. Ông nói cho tôi biết hồ nào thả cá thịt, hồ nào thả cá bố mẹ, chỗ nào ông sẽ đặt chòi thủy tạ cùng với lưới vó vào những ngày sắp tới. Chúng tôi ngồi trên hai cái ghế đối diện nhau qua chiếc bàn con đặt dưới chân tre. Lơ lửng không trung phía trên bàn là cái mái mỏng mảnh. Bà La - gọi thế cho phải phép chứ thực ra chị còn rất trẻ mang ra đĩa lạc luộc, đĩa khoai luộc và ấm tích đầy nước nụ vối mới pha. Chúng tôi vẫn đội nón trên đầu và nhâm nhi thưởng ngoạn. Thỉnh thoảng lại pẹt. Một vệt trắng từ trên cây do cò hay vạc đánh rơi quẹt lên phía trên của nón.
- Hãy giúp tớ! - Ông La nghiêm giọng - Tớ đi một mình thì cô đơn quá. Phải tìm bằng được con bé về ông ạ. Tất nhiên không phải ngay bây giờ mà vài hôm nữa. Chúng mình sẽ lên Hải Dương, ra Đồ Sơn hay Bãi Cháy. Nghe nói những người vượt biên đều xuất phát từ Đồ Sơn hay Bãi Cháy. Con bé đi tìm chân trời. Nhưng còn ở đâu thấy chân trời đẹp hơn đứng ngay trên sân nhà mình thì nó lại chẳng buồn để ý tới.
Đặt những nhân lạc mọng căng vào miệng, ông điềm tĩnh triết lý:
- Tớ biết mong manh nơi nó sẽ đến. Ta sẽ tìm ra và khuyên giải con bé. Thế hệ chúng khác ta quá. Cứ muốn bay xa mà chẳng hiểu rằng nơi sẽ đến là như thế nào. Cứ nghe nói những thiên đường mà choáng ngợp...
Một tuần sau chúng tôi có mặt ở Đồ Sơn và tìm tới Bãi Nghiêng - nơi nghe nói các đoàn tàu vượt biên xuất phát. Tàu đã nhổ neo trước đó dăm phút. Từ trong bờ vẫn nhìn thấy sóng nước tung bọt trắng xóa phía đuôi lái. Con tàu xa dần, mất hút, chẳng hiểu có phải nó trốn sang Hồng Công hay không. Nhưng trên đường về, qua thị xã Hải Dương, qua vùng nam sông Thưa tới bờ bắc sông Luộc, gần như bạn tôi không nói một lời nào. Chúng tôi chia tay nhau một dạo khá lâu, nhẽ thường có đến ngót một năm. Một hôm con tôi từ Hà Nội về, nói rằng, bố nên tiến hành một chuyến đi xa, để biết đó biết đây, để mở mày mở mặt, và muốn bạn chí cốt của tôi cùng đi. Nó đài thọ hết! Bố con chúng tôi sang thăm ông La. Dường như vợ chồng ông già đi vì vắng đứa con. Họ sống lặng lẽ. Chim chóc vẫn nhiều, đời sống khá lên, nhưng mà để cho ai tiếp nhận khi tuổi ta ngày càng như mặt trời chiều xuống. Ông La không đi cho dù con tôi mời mọc ân cần. Lúc chia tay ông thì thào bên tai tôi như để những âm thanh ấy tí tách rót đều vào trong trí nhớ:
- Nếu có đến Hồng Công gắng tìm đứa con cho mình.
ấy là vào giữa thập kỷ chín mươi. Hồng Công chưa trở về với Trung Quốc. Vào đó khó lắm chứ chưa nói đến các trại tị nạn. Tôi thăm Hàng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh, rồi về Quảng Châu và tới Ma Cao. Được biết Ma Cao nổi tiếng về sòng bạc nên tôi dứt khoát phải tìm đến bằng được nếu không coi như là chưa có mặt ở Ma Cao. Nào là Casino Hotel Century, nào là King's Palace Casino, nhưng đêm hôm ấy tôi lững thững vào Casino Lisboa cho khiêm nhường hơn. Người ta chơi hết đêm thật. Đã sang giờ của ngày mới mà xem ra không khí đang chớm độ bùng say. Tầng một chật những bàn chơi. Tầng hai rất đông. Các tầng trên người thưa dần nhưng sang trọng dần hơn lên. Đến tầng thứ bảy thì hành lang can tay vịn vàng rực. Trước cửa ra vào hàng chữ vàng lấp lánh Baccarat vip room. Sự chói lọi của nó làm tôi nhận ra ngay không phải chỗ cho mình bước tới. Quay xuống tầng một, tôi đi xen kẽ giữa những dãy bàn chơi chật người, rồi vòng ra rẻo hành lang uốn cong. Bỗng kìa!... Từ một bờ tường trước ô cửa sổ lớn, chừng một chục em gái son phấn, ăn mặc hớ hênh khêu gợi đứng đó nhìn quanh. Và kia nữa!... Kia nữa!... Các em đưa mắt chào khách. Tôi không dám nhìn họ. Bỗng như luồng ánh sáng mát dịu bay đến, một bông hoa, một cánh bướm, nhẹ nhàng đậu vào bên tôi. Một câu tiếng Anh như hơi thở yếu ớt, hồi hộp, may sao tôi cũng lõm bõm nghe được.
- Ngài thấy em có thích không? Ngài vui lòng đi với em chứ ạ?
Tôi bước lệch người và hững hờ hỏi nhỏ:
- Đi đâu?
Lập tức cánh tay tôi mát lạnh vì một cánh tay khác khoác vào. Tôi dừng bước. Quay nhìn. Chợt mắt tôi muốn lồi ra bởi không còn tin ở thị giác mình nữa.
- Thắm!
Cô bé rũ đầu vào vai tôi:
- Chú ơi!
Chúng tôi lên tầng mười sáu nhưng không làm như những người khách khác bước vào đây. Thắm khóc sướt mướt. Còn tôi mãi không hết bàng hoàng. Tuy vậy tôi vẫn nói cho Thắm nghe về bố mẹ cháu, về Xóm Cò, đặc biệt về cái buổi sáng lộng lẫy ánh mặt trời có đàn chim vàng anh bay về. Về Việt Nam, tới bên bờ sông Luộc, tôi thăm ông La. Nhưng tôi không dám nói gì ngoài việc kể đôi điều về chuyến đi. Ông La chăm chú nghe để rồi thỉnh thoảng lại tặc lưỡi. Dường như ông đành chắp tay chờ số phận. Bà vợ thì than vãn thở vắn thở dài. Xem ra bà đã già đi nhiều. Một buổi khác tôi lại tới thăm ông, để nói chuyện về Thắm ở Ma Cao nhưng rồi vẫn không dám nói. Mấy năm trôi qua khuôn viên nhà ông La đổi khác khá nhiều. Cò, vạc đông hơn. Cây cối đông vui sầm uất hơn. Ông La còn nuôi thêm chim gáy. Vui lắm! - Ông khoe - nó mà gáy thì đến phỗng cũng tưởng mình đang trên cõi tiên chứ đừng nói tới người.
- Đó đó, ông nghe thấy chưa, cúc cù cu... cu! - Gáy gọi đó! Nó biết gáy gọi, gáy gù, gáy gù chẩy, gáy mơ, gáy tít, gáy dồn, gáy bổ, gáy líu, gáy rong sào. Ông cứ ở lại đây chơi. Chỉ một ngày ông sẽ biết thế nào là tài nghệ của con chim vàng chim bạc này.
Suốt buổi chiều chúng tôi chỉ quẩn quanh với chuyện chim muông. Gần tối, khi tôi chuẩn bị về, ông La mệt mỏi than vãn:
- Nhưng để làm gì khi tôi và nhà tôi nằm xuống. Như mặt trời lặn, mà không có rạng đông vào sáng hôm sau, thì thử hỏi ai có cần gì tới những buổi chiều lộng lẫy đỏ au nữa. Nhà tôi đang định bỏ đi, tìm con ấy mà, nếu không tìm được thì sẽ vào ngôi chùa nào đó hầu hạ cửa Phật. Bà ấy nghĩ đến tôi nên ở lại. Mà tôi thì đang chợt thấy những thứ gì mình hiện có trong tay đây là để làm gì?
Tôi mấp máy đôi môi, muốn bật ra câu chuyện trên tầng mười sáu Casino Lisboa. Nhưng im. Bạn tôi chết mất! Ông không thể chịu đựng nổi sự thực như thế. Ông vẫn cho rằng con gái ông sẽ ở một trại tị nạn nào đó, rồi sẽ được một nước thứ ba đón nhận hoặc được máy bay Liên hợp quốc dong dải trở về. Sở dĩ bà vợ chưa bỏ nhà ra đi, sở dĩ ông còn phần nào hăng hái cũng là manh nha hy vọng. Tôi nấn ná tới tận lúc trời tối vẫn chẳng nói ra nổi ý mình. Một bóng đen rình rập ngoài ngõ. Ông La trợn mắt quát nhẹ: Ai đó! Bà vợ tinh hơn. Bằng mọi giác quan và cảm nhận của người mẹ, bà kêu như tiếng kêu của con người vừa từ âm phủ vọt về:
- Trời ơi! Con tôi!
Rồi bà quỳ xuống trước cô con gái đâu còn phơi phới như ngày nào, đôi môi cứ run lên bần bật. Thắm cũng quỳ xuống trước mặt mẹ và khóc như mưa như gió. Chỉ hai chúng tôi là đứng, ngây độn ra trước mảnh sân con trắng những phân cò. Dường như chỉ một giây thôi bậc cha mẹ đã phỏng đoán được cảnh ngộ con gái. Họ dắt díu nhau vào trong nhà. Rồi bà mẹ ra vườn lấy lá bưởi, lá hương nhu, lá tre, và những thứ lá gì nữa tôi chẳng biết đun nước tắm cho cô con gái. Thắm chào tôi và đưa mắt làm hiệu. Tôi hiểu. Tôi im lặng. Đã qua phút giây hồi hộp đến nao lòng cô gắng gượng nói:
- Bố mẹ tha thứ. Con mang tiền về nhưng bị móc hết. Suốt mấy ngày lận đận trình báo công an nhưng xem ra chẳng ăn thua gì. ở đó người ta bận nhiều việc quá. ở Móng Cái ấy mà!
Cô cười. Cái cười rất gượng gạo và chua chát. Chắc vợ chồng La chẳng tin những lời nói kia nhưng niềm vui gặp gỡ làm họ dễ dàng tạm xếp lại mọi sự.
Cô con gái thêm:
- Con không viết thư vì cứ đợi ngày về. Giờ thì con chẳng đi đâu nữa. Con ở lại Xóm Cò! Chả đâu bằng Xóm Cò của bố!
Rồi cô thu mình lại bên bà mẹ đang xót xa như để giấu đi cái thật những ngày qua ở mình. Chỉ tôi hiểu! Nhưng tôi ngậm tăm. Để niềm vui vo tròn trong khuôn viên của gia đình bạn. Đàn cò đang ngủ đêm, chẳng hiểu có linh cảm được nỗi niềm gia chủ hay không, tự nhiên cao hứng gọi nhau ầm lên xao xác mãi trong không trung.