Vài năm, tôi mới lại có một lần lên núi Bà Đen. Vài năm mới có một lần lên thăm bạn tôi, người bạn đã vĩnh viễn nằm lại với núi. Mười năm trước, leo núi với tôi chỉ là chuyện dạo chơi, còn bây giờ mỗi bước như bị trì néo, nặng nề. Cách đây ít năm, người ta đã đưa bạn tôi xuống núi, đặt nằm ở nghĩa trang liệt sĩ. Tôi không cần phải leo núi nữa, nhưng có một cái gì đó cứ thôi thúc tôi, kéo tôi theo dòng người nườm nượp lên núi trong những ngày đầu năm mới. ở đây xôn xao kỷ niệm. ở đây một thời chiến tranh. Đạn. Bom. Đói. Khát. Và ở đấy cũng chan chứa tình người. Tôi thèm đạp bàn chân lên đá để cảm nhận lại lúc đã từng đạp lên đá làm điểm tựa khi xiết cò, nhả đạn về trước, nơi thấp thoáng bóng kẻ thù. Tôi thèm được chui vào những hốc đá, những cái hang để cảm nhận lại vòng tay ấm áp của bạn bè giữa giá lạnh của núi. Rồi tôi thèm cả cái vị lạt thếch của giọt sương đêm nhưng lại làm dịu cơn khát của một ngày chịu đựng. Núi bây giờ khác trước nhiều rồi. Cây rừng đã bị chặt hết. Thay vào đó là chuối. Chuối trồng từ chân núi đến đỉnh núi. Chỉ còn ít cây sung, cây sộp, những cây dẫu có đốn hạ cũng chẳng dùng vào việc gì.
Tôi dừng chân ngồi xuống nghỉ trên một phiến đá phẳng phiu. Rất nhiều người cũng đã ngồi nghỉ ở đó. Có một quầy giải khát nhỏ với ít chai nước ngọt. Một dãy thúng, một dãy những tấm mủ trải ra, trên đó bày những thứ mà năm nào cũng thấy: ít gói thuốc nam, những thứ rễ cây gọi là thuốc, ít vòng hạt... Tôi chẳng để ý làm gì. Nhưng có một cái khác làm tôi phải để tâm tới. Trên một phiến đá khá phẳng phiu khác, có một người đàn ông, dáng khá bệ vệ ngồi trên một chiếc ghế tre. Trước mắt ông là một cái lồng lớn, trong đó nhốt lúc nhúc một bầy chim nhạn. Những con chim be bé, xinh xinh, rất nhiều người đang bu quanh ông ta.
- Bác hai, bác hai, bán cho tôi một cặp.
- Chú hai, nhiêu một cặp?
- Bốn ngàn.
- Trời đất, bốn ngàn?...
- Cậu này hay chưa? Cậu mua chim phóng sinh mà còn mặc cả sao?
- Đâu có, con đâu có mặc cả. Nhưng chú hai à, sao chú hai không bán năm ngàn một cặp cho dễ. Bốn nhàn, chú bắt người ta kiếm tiền lẻ, khó thấy mồ.
- Thôi nghen, tôi không ngồi đây mà nghe chú dỡn đâu nghen. Chú có mua thì mua, không mua thì thôi, đừng phá tôi nghe chưa.
- Mua, con mua mà chú. Cho con một cặp. Chim ơi chim, tao thả mày ra nghen. Tao chẳng có cầu nguyện gì đâu, vì như thế này tao thấy cũng quá đủ rồi. Ta mua chúng mày chỉ mất có bốn ngàn đồng thôi. Bốn ngàn mà mua được tự do cho mày, rẻ quá phải không?
Hành động kỳ lạ của cậu thanh niên gợi trí tò mò của tôi. Tôi bước lại phía người bán chim. Chiếc nón rộng vành che mất nửa khuôn mặt ông ta.
- Chim phóng sinh đây. Bốn ngàn, có bốn ngàn một cặp, mua đi, mua đi.
- Cho tôi một cặp.
- Trời đất... có phải... có phải...
- Quang, Quang phải không? Hả?
- Tôi, đúng tôi nè. Khanh, Bẩy Khanh phải không? Ngồi, ngồi xuống đây. Trời đất ơi, mấy năm rồi nhỉ...
- Năm năm, phải rồi năm năm. Mà sao hôm nay ông lại...
- Sao lại ngồi đây bán chim phóng sinh phải không? Chuyện dài lắm kể một lúc đâu có hết. Ông có rảnh không...
- Ngày xuân chơi núi, có gì mà không rảnh, vả lại gặp ông, lẽ nào lại bỏ một cuộc hàn huyên, phải không? Này...
- Thôi mà, lát nữa, lát nữa, khi tôi bán xong lũ chim này rồi ta sẽ làm một chầu, lúc đó, tôi sẽ kể hết cho ông nghe, vậy nghe...
Anh lại tíu tít bán mua. Tôi không còn muốn leo lên núi nữa. Bởi công việc với bạn đã xong ở dưới nghĩa trang liệt sĩ, có lên trên kia cũng chỉ là gợi kỷ niệm thôi. Ngồi đây, lát nữa với Quang, sẽ có những chuyện kỷ niệm. Bởi anh, tôi và người bạn dưới nghĩa trang là một tổ chốt ngày xưa trên núi này, nhưng lạ thật, vì sao hôm nay anh lại ngồi đây bán chim phóng sinh chớ? Cách đây năm năm, tôi cũng đã gặp anh trong một chuyến lên núi. Anh không tìm bạn như tôi, mà cùng với một người đàn bà khá xinh đẹp lên viếng Chùa Bà cầu lộc và cầu con. Anh đã đưa tôi về nhà. Một ngôi nhà khá rộng rãi ở ngay thị xã Tây Ninh.
- Diệp ơi. Em lo cho anh Khanh nghe. Nói ảnh ra vườn sau ngồi nghỉ cho thoáng.
- Dạ. Anh Khanh, mời anh ra ngoài này. Anh coi, anh Quang ảnh mê cái vườn này lắm đó. Cây thiên tuế này anh ấy mua ở Sài Gòn về. Mấy cây cau này ảnh tìm mua ở dưới miền Tây...
- Chà, tuyệt thật. Ngay giữa thị xã mà có được khuôn viên này thì tuyệt thật. tôi mơ cũng không được đó nghe, cô Diệp.
- Thì đó. Khi ảnh khánh thành cái vườn này, người ta biếu đủ cả. Người thì cây mai, người thì cây sứ Thái... Họ mang đến họ trồng. Tụi em khỏi lo... Anh có nghe thấy gì không, anh Khanh?
- Thấy gì?
- Tiếng chim hót. Anh qua đây, em chỉ cho coi. Một cặp họa mi nè. Loại chiến đó anh. Nó hót tuyệt lắm. Chủ nhật nào ảnh cũng đi đá. Đá chim ấy mà. Thắng có khi đến cả triệu, cũng có khi thua. Nói nhỏ với anh, thua nhưng có khi nào ảnh phải chung đâu. Lính chung hết. Thì anh biết, cán bộ như ảnh thiếu gì người nhờ. Chung độ cho ảnh giống như trả ơn ấy mà. ảnh chơi chim kén lắm. Con gì cũng một cặp hết. Khướu một cặp. Chích chòe lửa một cặp. Chích chòe bông một cặp... Chúng nó kén ăn lắm anh ơi. Sâu, cào cào, bột trứng gà, đậu xanh... tháng cả trăm ngàn tiền cho tụi nó đó... Đâu có phải mua, người ta biếu ảnh. Đến đâu, ảnh nói ảnh thích cái gì thì hôm sau thế nào cũng có người đem đến. Vậy đó.
- Trời đất ơi, bà xã nói xấu tôi cái gì đó. Cứ như hốt được của thiên hạ hay sao. Đừng tin cổ, Khanh ơi.
- Làm sao không tin. Vợ nói về chồng mà. Ông chia cho tôi ít lộc coi.
- Ông dở thấy mẹ. Hết chiến tranh rồi thì chuyển ngành. Bám mãi quân đội làm gì. Ông thấy tôi ngon không. Chuyển ngành, lương trung úy, hồi đó lớn lắm rồi đó. Cách mạng xã hội chủ nghĩa đang cần cốt cán mà. Lên mấy hồi. Từ trưởng phòng lên giám đốc mấy hồi. Mà lại là giám đốc công ty xuất nhập khẩu. Thời buổi này xuất cũng có ăn mà nhập cũng có ăn...
- Anh Quang, anh nói gì kỳ vậy, không sợ anh Khanh hiểu lầm sao?
- Bà xã nhắc nhở đó. Không sao, anh với anh Khanh có gì phải giấu. Nằm hầm nằm hang với nhau chán ra rồi, hiểu nhau quá có gì mà phải giấu... Còn anh, sao rồi, anh Khanh?
- Thì vẫn vậy. Chỉ huy một trung đoàn. Luyện tập, nội vụ, nghiêm, nghỉ, quay trái, quay phải... thời bình, nhàn hơn, nhưng trật tự hơn...
- Vậy mà anh vẫn theo được. Phục anh. Nói thực nghe, tôi không thể chịu nổi. Anh coi cái con bồ câu Nhật kia. Uỡn ngực, nghểnh mỏ, oai không? Nhưng nó vẫn cứ là con chim, được nhốt trong cái lồng đẹp. Anh coi con họa mi đó. Hót hay phải biết, chiến đấu dũng cảm phải biết, và tôi mua cái lồng cho nó mắc gấp ba lần con chim đó. Nhưng cái lồng đẹp cũng chỉ có giá trị nhốt con chim thôi...
- Quang, cậu nói vậy không sợ tôi tự ái sao?
- Trời đất, tự ái. Sự thực là thế mà. Tôi có trong tay một đội quân rất mạnh, có thể đi Đông, đi Tây, có đứa nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió. Ban đầu, tôi cũng ngán lắm, nhưng từ ngày chơi chim, tôi mới hiểu rằng con người ta cũng như con chim vậy. Cũng cần phải ăn ngon, có bộ cánh đẹp. Tôi lo cho họ đủ: lương cho cao, thưởng cho dữ, lo nhà cửa cho họ, có nghĩa là thỏa mãn nhu cầu. Nhưng đừng qua mặt tôi. Có bay, có nhảy, có ca hát, thì cũng chỉ được ở trong cái lồng thôi... Trong cái lồng thôi...
- Cậu đối xử với tất cả mọi người đều như vậy sao? Và họ không nhận ra điều đó?
- Nhận ra thì sao chớ? Quậy hả? Thì nghỉ việc, thì chuyển đi nơi khác. Ai lại muốn bỏ cái chuyện làm ăn béo bở này chớ? Anh tính có phải không?...
- Có thể. Có thể. Mà thôi, đừng nói chuyện ấy nữa. Nè, mình thấy cậu có cô vợ khá đấy chớ. Cổ hợp với cậu hả...
- Tất nhiên. Cô ấy không chỉ là vợ, mà còn là một người nội trợ tuyệt vời. Bàn tay cô ấy như tay tiên vậy. Ông coi, từ mấy cây kiểng, đến bầy chim. Một tay cô ấy chăm sóc. Tất cả đều cho tôi. Ông ở đây, sáng mai dậy ông sẽ có được cảm giác lên tiên. Ly cà-phê chính hiệu, hương cỏ cây ngọt dịu và chim hót vang lừng... Này nói nhỏ với ông. Vợ tôi là một con chim hay tuyệt vời đó nghe. Chỉ có cái lâu lâu hót sảng: Anh ơi bách hóa hôm nay có loại vải đẹp lắm, em muốn... Hoặc: Em muốn đi nhà may... Hoặc: bộ ximen của chị này, chị kia đẹp quá, em muốn... Em muốn, em muốn... Tất nhiên là phải chiều. Thì cũng giống như con chim thi thoảng cần một bữa trứng kiến bồi dưỡng ấy mà...
Hôm ấy tôi đã phải giấu một cái lắc đầu ngán ngẩm, và cũng từ chối không ở lại với Quang qua đêm. Không phải tôi sợ anh cũng coi tôi như một thứ chim trong lồng, mà bởi thấy anh khác quá. Nó khác với đời sống lính tráng của tôi. Cảm nhận cuộc sống của chúng tôi đơn giản hơn nhiều, chỉ có đồng đội và nhiệm vụ. Đồng đội thì thân thiết như anh em trong nhà. Còn nhiệm vụ thì bao giờ cũng đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết. Cá nhân chỉ là một chút nhỏ nhoi. Gặp anh hôm nay quả thực là bất ngờ. Anh chỉ còn một chút vẻ bề ngoài bệ vệ như lần trước tôi gặp. Còn nhìn bàn tay nhận từng đồng bạc lẻ nhét vào một cái túi vải cáu bẩn, sau đó thò bàn tay thô bạo vào cái lồng chim, bắt, chộp, ngấu nghiến bất cứ con nào, mặc nó la choe chóe mà đưa cho người mua, thì trong tôi có một cảm giác nhói đau đến lạ. Dường như thấy tôi phải chờ lâu, Quang lấy một tấm vải lớn chùm lên cái lồng chim và bảo tôi:
- Thôi, hôm nay chịu thua lỗ một bữa đi. Tôi với anh xuống núi kiếm cái gì lai rai chút. Mai bán, lũ chim này chưa chết đâu mà sợ. Anh còn nhậu được chớ.
- Không, bỏ lâu rồi. Huyết áp độ rầy không tốt lắm. Nhưng không sao, làm tý chút được...
Anh kéo tôi vào một cái quán nhỏ, dưới một gốc cây sung lớn gần chân núi. Nhớ lần trước, anh và tôi ngồi ở bàn, còn cô vợ thì chạy lăng xăng. Chốc lát có gà, có cá, có tôm và cả một thùng bia trên bàn. Còn hôm nay, anh gọi một xị đế, một miếng khô cá đường và tự tay xé cá thành từng miếng nhỏ.
- Nào, uống đi anh Khanh...
- Khoan, trước khi uống cho mình hỏi...
- Vì sao ra nông nỗi này phải không? Có sao đâu anh Khanh. Đời có vay có trả mà.
- Nhưng vì sao mới được chớ?
- Thì tại tôi ngu, tôi chủ quan. Hồi đó anh nhớ không, tôi từng nói với anh rằng: tất cả những người dưới quyền tôi giống như bầy chim kiểng vậy. Lồng cho đẹp, thức ăn cho ngon là đủ. Ai dè đâu. Tụi nó qua mặt tôi hết. Một cú nợ ngoài Thanh Hóa, thêm một cú bị lừa ở thành phố Hồ Chí Minh, một cú buôn lậu hàng qua biên giới... Cú nào tôi cũng có phần trong đó. Tại tôi dốt, tôi không học cách quản lý thực thụ đàn em qua mặt, hậu quả mình lãnh đủ. Không đi tù còn là may. Khai trừ đảng, cách chức, buộc thôi việc... công lao cả đời bỗng chốc đi tong.
- Thì cũng còn cái nhà mà ở chớ?
- Làm gì còn. Bán đi trả nợ còn không đủ. Nhà nước thu hồi, thì mình phải trả chứ sao. Cũng may còn giữ được miếng đất ở ngoại ô. Hơn trăm mét vuông, đủ cất cái nhà tạm...
- Còn bà xã, bà ấy bây giờ làm gì?
- Bà xã... bà xã... bay luôn rồi.
- Cái gì?
- Thì bay rồi. ờ mà quên, lần gặp trước tôi chưa kể về bả cho anh nghe hả. Tôi quen bả hồi còn đi học chung ở Trảng Bàng. Tôi đi kháng chiến, bặt tin cổ luôn. Giải phóng được ít năm, bỗng một hôm tôi nhận được cú điện thoại.
Quang kể, giọng đắm chìm trong kỷ niệm:
- Tôi không ngờ, đến giờ phút đó cô ấy còn độc thân. Và cũng không ngờ cô ấy lại lưu lạc đến như vậy. Bỏ xứ, cô ấy về thành phố, đi Đồng Nai, sang Sông Bé. Để tìm cái gì cho chính cô ấy. Cho đến hôm gặp tôi. Cô ấy mừng ra mặt khi biết tôi cũng đang còn độc thân. Một buổi chiều, cô ấy đưa tôi đi gần như khắp thành phố Biên Hòa. Gặp hết người quen này đến người quen khác. Tôi như bị buộc vào cái thế, sắp làm chú rể. Ngay cả buổi tối, tôi còn phải chịu trận bởi một tiệc mừng do bạn cô tổ chức. Mệt nhoài vì bia, vì rượu. Mệt nhoài vì những lời tán tỉnh, lời chọc ghẹo thô lỗ. Thậm chí tôi còn hoảng lên khi người ta đòi xếp giường cho tôi ngủ chung với cổ nữa. Rồi chúng tôi cũng có những phút riêng tư với nhau. Cổ hỏi tôi:
- Anh thấy sao, anh Quang?
- Không ngờ, thật không ngờ.
- Không ngờ cái gì?
- Em sống buông thả quá...
- Buông thả - Cô ta cười phá lên - Thế nào là buông thả. Buông thả mà em thế này ư. Em nghĩ em còn quá khắt khe ấy chứ. Có lẽ vì thế mà giờ này em vẫn chưa lấy chồng. Không phải là không có người yêu em. Có đó. Người thứ nhất yêu em như điên. Nhưng hắn hám tiền. Hắn lao vào những cuộc làm ăn ngay từ khi còn trẻ. Gặp nhau, sau cái hôn là nói đến chuyện kiếm tiền. Đàn bà lúc trẻ đâu cần cái đó. Em bỏ. Khi đó hắn mới thấy tiếc, hắn lăn về là lúc em đã có người thứ hai. Một anh chàng thư sinh tặng cho em hàng xấp thơ. Trang nào cũng ướp nước hoa thơm ngậy. Thơ thì nhiều, mà túi thì rỗng. Em cũng chào thua. Rồi thì em cũng kiếm được người ưng ý, nhưng lại nhỏ tuổi hơn em. Hắn tôn thờ em. Vì cái gì hả? Thì anh thấy đó, em đâu có đến nỗi nào. Khi hắn đòi làm đám cưới thì em hoảng. Em giống được làm mẹ của hắn vậy, cưới sao được. Em trốn xuống dưới thành phố, rồi sang Đồng Nai. Rồi em chợt nhớ đến anh.
- Này anh hỏi, em sống như vậy để được cái gì?
- Được như thế này này.
- Thế này là thế nào, anh không hiểu.
- Anh đừng giả đò, anh phải hiểu. Em chỉ gọi là anh đến. Tức là em còn mạnh.
- Trời đất. Lâu lắm rồi chúng mình mới gặp nhau, em nói gì mà nghe thấy sợ.
- Sợ. Anh sợ thực sao? Vậy thì anh khuyên em đi. Em đang chờ một lời khuyên đây. Sau giải phóng em như người mất phương hướng. Em học không tồi, nhưng học rồi để làm gì với đồng đất nhà quê Trảng Bàng, nên em bỏ. Em xin đi làm, thì người ta lại đòi bằng cấp. Ba má biểu em ở nhà lo việc nhà. Em không muốn làm kẻ ăn bám. Em đi. Các cụ dạy: Trời sinh voi, sinh cỏ, ngẫm đúng thực. Em rời quê đi với vài món đồ nữ trang, vậy mà em vẫn sống đến bây giờ, không chết, không giàu, chỉ đủ nuôi thân...
Nhưng mà em hoang mang quá. Nên khi bỗng gặp tên anh trên tờ báo, thấy người ta khen anh là một người biết làm ăn. Em mới điện thoại cho anh, may ra anh cho em một lời khuyên... Dẫu sao, thì chúng mình cũng có một thời học chung, chỉ sau trước có một lớp...
- Vậy em nghe anh khuyên nghe.
- Dạ.
- Về với anh đi. Về với anh, làm con chim bé nhỏ của anh, anh sẽ không để em vất vả, anh sẽ lo cho em tất cả. Đồng ý không?
Kể đến đây. Quang bỗng im lặng. Anh xoay xoay cái ly rượu, ly rượu chưa uống giọt nào. Lát sau mới tiếp:
- Tôi giống như cái cọng rơm giữa dòng nước để cho cô ta bấu víu khi đang trôi. Cô ấy đồng ý. Sau đám cưới, tôi mua đất cất nhà và làm đúng như tôi đã hứa. Cổ không phải làm bất cứ việc gì ngoài lo việc nhà. Cây kiểng, bầy chim, cổ chăm sóc đến khéo. Chỉ có điều, không mấy khi cổ được ra khỏi nhà. Hồi gặp lại anh đó, anh Khanh, cổ đã bắt đầu khang khác rồi đó, nhưng chưa quyết liệt. Tính cách của cổ như tôi kể ở trên anh biết rồi. Cho đến lúc cơ quan tôi bị thanh tra.
Tôi tạm bị đình chỉ công tác. Trước đây tôi đi tối ngày. Nay hằng ngày tôi ngồi nhà. Đúng là con người ta hàng ngày cứ phải nhìn cái mặt nhau, mà chuyện đã hết thì nó khó chịu thực. Rồi bão cũng nổi lên. Một hôm cổ biểu tôi:
- Anh làm cái gì đi chớ?
- Làm cái gì bây giờ?
- Làm cái gì cũng được, miễn đừng tối ngày cứ để em phải nhìn cái mặt khó đăm đăm của anh. Em hết chịu nổi rồi!
- Thì em lo công việc của em đi. Tưới cây, tỉa cây. Cho chim ăn. Em làm đi để đừng nhìn thấy mặt anh...
- Không. Em không làm những việc ấy nữa. Nhàm chán lắm rồi!
- Nhàm chán? Em nói cái gì vậy. Chẳng phải từ khi về sống với anh, em vẫn làm những việc đó một cách thích thú đó sao?
- Đầy đủ, chớ không thích thú. Anh hiểu không. Em không ngờ điều anh nói là thực. Em sẽ làm con chim bé nhỏ của anh. Ôi con chim bé nhỏ, nó cũng giống như tất cả những con chim bé nhỏ mà anh nhốt trong lồng kia. Có ăn, có uống, được hót, được nhảy, nhưng không sao thoát ra được cái lồng xinh xinh của anh. Không, chúng nó chịu, chớ em, em không chịu nổi...
- Không chịu nổi, vậy chớ em định sao?
- Em sẽ phá tung cái lồng đó đi, và em sẽ biến mất...
Giọng Quang buồn trĩu:
- Cô ấy biến mất thực. Giá như cổ biến sớm hơn thì tốt biết mấy. Đằng này cổ lại biến đúng lúc tôi đang hoạn nạn. Tôi trở thành kẻ cô đơn. Một buổi sáng kia, sau khi thức dậy, ngồi bên ly cà-phê tôi tự pha. Nó đắng, đắng kinh người. Tôi nhổ toẹt ra đất. Những tiếng chim hót làm chói tai tôi. Tôi tức giận đứng dậy và xé toang từng chiếc lồng, từng chiếc, từng chiếc một. Bầy chim bấy lâu tôi nuôi, hoảng hốt vọt bay ra. Nhưng vì đã quen cái vườn của tôi, nên chúng còn lảng vảng trong vườn cho đến tận chiều tối mới bay đi hết. Anh Khanh, nếu là anh, anh có thể còn sống được trong căn nhà đó không? Trước đây mỗi sớm mai có lý cà-phê, có tiếng chim hót bây giờ không còn gì, không còn gì cả...
Quang gằn mạnh cái ly uống rượu. Cái ly vỡ tan.
- Có bao nhiêu nghề, sao cậu không chọn, mà lại chọn cái nghề bán chim này?
- Tôi căm ghét chúng. Vì chúng mà tôi đã tạo ra cách sống trước đây. Những con chim trong lồng. Những con chim no đủ. Tôi có lỗi gì khi bỏ công, bỏ sức ra tâng chiều chuộng nó để rồi kẻ thì phản tôi, kẻ thì bỏ tôi. Chết nỗi, tôi lẫn lộn giữa chim và người rồi... Nhưng anh thử nói đi, tôi bán chim để người ta thả phóng sinh kia mà...
- Nhưng tại sao lại phải làm như vậy. Bầy chim nó đang sống tự do. Vì sao phải bắt chúng nhốt lại, rồi lại thả nó ra.
- Kẻ bắt chúng có lỗi, chớ tôi có lỗi gì đâu.
- Anh không có lỗi?
- Không, tôi chẳng có lỗi gì hết. Lỗi là ở những người bắt chúng, anh hiểu không?
- Anh đứng dậy, đứng dậy đi với tôi.
- Đi đâu?
- Gần đây, gần đây thôi.
- Là đâu mới được chớ?
- Nghĩa trang liệt sĩ.
- Trời đất, anh biểu tôi đi nghĩa trang liệt sĩ là sao?
- Tôi biểu anh đứng dậy, rõ chưa?
Tôi kéo Quang đi, không chờ anh nói thêm câu gì, cũng chẳng cần biết anh trả tiền xị rượu, miếng cá cho bà chủ quán hay chưa. Nhưng anh vẫn còn nhớ xách theo cái lồng chim nhạn. Một quãng đường dài, chúng tôi đi như chạy. Cuối cùng, tôi đẩy anh về phía một ngôi mộ. Anh ngồi xuống:
- Trần... Thế... Hải... Hải! Hải nào, có phải Hải?...
- Hải cùng tổ chốt với chúng ta ngày xưa ở trên núi Bà Đen này đó. Cậu có nhớ không?
- Hải... Hải... tôi nhớ rồi, tôi nhớ rồi anh Khanh.
- Cậu nhớ, nhưng cậu có nhớ Hải đã hy sinh như thế nào không.
- Tôi nhớ, tôi nhớ mà. Anh ấy đã bị trúng đạn khi đang leo trên vách đá.
- Không, không đúng. Cậu không biết gì hết. Lúc đó cậu nằm ở đâu? Trong hốc và bịt hai lỗ tai lại. Người lính đôi khi cũng có thể như vậy. Những điều như vậy lại xảy ra đúng hôm Hải hy sinh. Cậu còn nhớ hồi đó không? Núi Bà Đen này suốt cả cuộc chiến tranh chẳng lúc nào được yên. Bom đạn nổ ngày đêm. Đến cả tượng Phật trên Chùa Bà cũng bị bom đạn làm cho trầy xước. Vậy mà hồi đó, trước cái hang mà tổ chúng mình chốt lại có lúc sáng ra là có tiếng chim hót. Một con chim đã trú ngụ ở đó. Mặt trời chưa mọc, nó đã thức dậy và cất tiếng hót véo von. Trong chiến tranh, giữa tầm bom đạn mà còn được nghe tiếng chim hót, đời còn đẹp biết mấy. Hôm đó nó cũng thức dậy và hót. Nhưng tiếng hót của nó bị cắt ngang chừng vì trận đánh hôm đó diễn ra sớm quá. Ngay từ những loạt đạn đầu tiên những viên đạn của kẻ thù đã làm tắt tiếng chim. Mình và Hải xách súng ra khỏi hang. Còn cậu, lúng túng nằm lại. Bọn địch bị đẩy lùi. Hải chợt thấy con chim đã bị trúng đạn. Hai cánh nó đập chới với ngay trước cửa hang. Tiếng kêu của nó bị khản đi. Hải đưa khẩu súng cho mình. Và trườn ra. Khi bàn tay cậu ta vừa chạm tới con chim, thì đồng thời một loạt đạn nổ vang. Hải khựng lại, nhưng vẫn ráng nắm lấy con chim và ôm nó vào ngực. Mình cũng trườn ra lôi được Hải vào hang. Trên mình Hải đã dính mấy viên đạn. Cậu ấy chìa tay về phía mình. Trong tay Hải con chim đã nhuộm đỏ máu. Không biết vì máu của nó, hay là máu của Hải nữa... Thế đấy. Lính chúng mình nhiều khi hy sinh về những cái rất giản đơn. Nhưng những cái giản đơn đó lại có ý nghĩa rất nhiều đối với đời sống của chúng ta. Hải hy sinh như vậy đó...
Nắng chiều đã nhạt dần. Quang ngồi lặng nghe tôi nói. Anh không hề có phản ứng gì. Chỉ có cặp mắt là buồn rười rượi. Trong khóe mắt hình như đã phủ một mầu sương lờ mờ, ươn ướt. Bàn tay vô định của anh lần xuống cái chốt cửa lồng chim. Tôi bỗng nhớ đến lúc anh kể, anh đã từng nắm lấy những lồng chim, xé toạc ra, làm cho lũ chim hoảng hốt bay vội đi. Bây giờ thì khác. Bàn tay anh đang lần xuống, lần xuống và khẽ khàng kéo cái chốt cửa lên. Cánh cửa lồng chim mở ra. Cả bầy chim nhạn túa ra. Chúng lao vọt lên bầu trời, nhao lên, nhao xuống, lượn qua, lượn lại. Góc trời nghĩa trang liệt sĩ bỗng sinh động hẳn lên. Nắng vàng nhạt. Bầu trời xanh, bồng bềnh vài lọn mây trắng và những con chim nhạn bay lượn dập dờn.
Tôi nắm lấy bàn tay Quang, xiết chặt, xiết chặt.