Hỏi thật nhé, trên đời liệu có chuyện gì đủ khiến ta vừa vui mừng lại vừa ngao ngán hay không. Xin thưa đó chính là việc phải đi dự những đám cưới. Nó là chuyện nể quá, đi thì khổ mà ngồi ở nhà cũng không ổn. Cho nên ngày trước ông Lỗ Tấn mới nổi cáu nói toạc móng heo ra, hôn nhân bất quá cũng chỉ là sự cổ động cho tình dục chứ chả lạ lùng gì. Dẫu sao thì cái hiểm họa đó cũng không mấy anh đã tránh nổi, do thế buổi trưa ấy vợ chồng tôi vẫn cứ khăn áo chỉnh tề, rồi hăng hái ngồi xe ôm tìm tới một cái khách sạn có cái tên là gì đó trên phố Tràng Tiền.
Một ngôi nhà mang dáng dấp nửa hiệu buôn nửa nhà trọ, được làm từ thời Tây thuộc địa, đã có lúc biến thành chỗ bán bánh bao và phở mậu dịch, nay được tân trang khá cầu kỳ, chả còn tìm thấy dấu vết nào của sự lam lũ một thời. Tôi đứng giữa đám đông đi lại, bóng người bóng gương nhoáng nhoàng, chột dạ vì chưa bao giờ dám nghĩ những chốn như thế này làm ra là để dành cho mình lui tới. Tôi chỉ là một con người bình thường đang sống giữa một biển người bình thường, mà đã vậy thì tất nhiên gần với những gì xuềnh xoàng thường nhật và dễ dị ứng với mọi sự hào nhoáng.
May mắn làm sao, đúng lúc ấy tôi nghe thấy một tiếng gọi đầy oai vệ:
- Bằng, lại đây, lại đây!
Vợ chồng tôi mừng ríu cả chân, vội vàng len tới chiếc bàn đặt ở cuối phòng.
- Ông bà ngồi xuống đi. Này ông Linh, thằng này là đàn em, kém tuổi bọn ta, nó là thân, còn chúng ta là mùi, nhỉ.
- Đúng thế, anh là lớp trưởng, là bí thư chi đoàn ngày đó cơ mà.
- Đến khổ, dạo đó bọn tớ xúm vào muốn kết nạp cho cậu mà chịu, cậu lười bỏ mẹ, lại lơ nga lơ ngơ, toán dốt đã đành, đến thi văn cũng lại hỏng nốt, chả còn ra làm sao. Cũng lạ, vậy mà giờ lại đi viết văn, những anh học không hay càng không biết sau rốt đều tìm đến cái nghề viết, văn chương nhì nhằng, báo chí nhì nhằng.
- Có nhẽ vậy, đến bây giờ tôi vẫn cứ cảm thấy ngơ ngác làm sao ấy.
- Thế đấy, có lẽ còn ăn nhau ở cái số chứ như cậu lẽ ra phải chết đói mới đúng. Cậu biết thằng này giờ nó làm gì không?
- ồ, là anh Linh, phó tiến sĩ ở Bộ Công nghệ môi trường chứ ai.
- Linh nó mới được đề bạt Cục trưởng, hôm nọ vừa lên tivi đấy, có biết không?
- Tôi có lỗi là ít xem tivi, mà trên tivi thì tưởng lúc nào chả có người không nói chuyện này thì nói chuyện khác.
- Nói thế mà cũng nói, đúng là vẫn chứng nào tật ấy. ở đây tớ muốn đưa ra một thông tin để chúng ta vui mừng là trong bạn bè cùng lớp giờ đã có thằng leo lên một cái ghế có trọng trách, có cương vị ở đời, nó là như vậy. Tớ vừa nhận được tin thằng Kiểu giờ cũng đã là Giám đốc Sở Địa chính của tỉnh rồi, đại hội vừa qua nó trúng phiếu cao lắm, rất nhiều triển vọng. Chuyện hàn huyên tạm dừng vì cùng phải đứng dậy nâng cốc chúc mừng mẹ con chị Hồng. Chị Hồng dắt cô con gái của mình tới bàn chúng tôi, chỉ cười vui mà chẳng biết nói gì. Ngày xưa chị cũng vẫn vậy, rất ít lời, gặp ai cũng chỉ biết cười, bạn bè trong lớp đều quý mến, gọi đùa là cô Hồng ngâm nặng. Con bé cái Hằng nhà chị hôm nay đã đi lấy chồng, nhanh quá. Nó mới lộng lẫy làm sao, mái tóc cài bông hoa trắng, áo quần trắng, găng tay trắng, hài trắng. Nom nó mà nhớ chị Hồng thuở nào. Chỉ có một điểm khác mẹ là nó ăn nói mau mắn hơn, tự tin hơn, đáo để hơn. Chúng tôi chả ai bảo ai, lần lượt đặt vào tay nó những chiếc phong bì nho nhỏ, gọi là quà mừng cho ngày vui của hai cháu. Hai mẹ con đã qua bàn bên cạnh cảm ơn khách mà ở đây chúng tôi vẫn ngồi yên nhìn nhau. Trong một lúc tôi chợt bắt gặp ở anh lớp trưởng ngày nào một thoáng buồn phảng phất. Rồi anh hít vào một hơi như để lấy lại phong độ của một nhà quản lý, và anh cầm cốc đứng dậy như sắp đọc một bài diễn văn vậy. "Ta chạm cốc, các ông".
Bàn tiệc đóng bảy người. Ngồi bên phải tôi là nhà tôi. Bên trái là một ông già trạc ngoài sáu chục tuổi, nét mặt điềm đạm, rất khó đoán nghề nghiệp, chỉ có cảm giác là người dễ gần, một kiểu người dễ làm ta thấy tin cậy, như thể đã từng gặp nhau ở đâu đó một lần rồi. Mà sức vóc của ông xem chừng còn cường tráng, tôi đoán chắc ông còn đang khỏe mạnh hơn hết thảy mấy thằng chúng tôi ngồi đây. Cạnh ông là Tùy, bạn học, bạn chiến đấu của tôi, chúng tôi ngồi chung một bàn suốt sáu năm, rồi sau đó lại ngồi chung với nhau trên một mâm pháo. Sau chiến tranh anh chuyển ngành, làm nhân viên bảo vệ một cơ quan lớn, hay gọi tuột ra là người gác cổng, nay Tùy đã nghỉ hưu về sống ở quê. Có một người hoàn toàn lạ, đang ngồi giữa anh Linh cục trưởng và anh lớp trưởng, phía bên kia bàn. Bên cổ của anh lộ ra một vết sẹo dài, chạy ngoằn ngoèo vào tận sau gáy. Anh vẫn chưa nói gì, chỉ uống. Rõ ra là một con sâu rượu. Anh có mặt ở đây trong tư cách nào, chẳng ai tiện hỏi, chắc là cũng như ông già đang ngồi bên trái tôi, chắc là chỗ thân thuộc của gia đình chị Hồng. Anh Linh vốn là người khiêm nhường, kín đáo, tửu lượng kém, anh nói ít, uống ít, nhưng rất chịu khó rót cho hai người bên cạnh mình. Lớp trưởng của chúng tôi càng uống càng sảng khoái, thêm nữa lại gặp được bạn rượu, rượu làm cho con người từ xa lạ hóa thành thân quen. Anh vỗ vai anh chàng sẹo cổ, giọng ngà ngà, "Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu". Hai người chạm cốc liên miên. Họ uống và đăm chiêu nghĩ tới những điều xa xăm. Có nghĩa họ đều là những tay có hạng, uống rất tài. Thấy mấy chúng tôi chỉ ngồi nhấp qua loa, lớp trưởng chỉ vào từng mặt mỗi thằng. Anh nói, ít có dịp gặp lại nhau, hôm nay uống tới số đi. Ai khiến chúng mày tỉnh, đời là cái cóc khô. Uống rồi tớ sẽ còn dắt các cậu đi một chỗ khác, hay lắm, chúng ta vừa karaôkê vừa uống tiếp. Không khéo rồi các cậu cũng phí một đời vì xem chừng vẫn ngu ngơ lắm. Cục trưởng hả, giám đốc hả, để làm gì nhỉ, trên đầu chúng mày tóc còn xanh hay đã trắng, chẳng đứa nào tự thấy mình đâu. Tóc tao nom thế này nhưng là tóc giả đấy, tóc thật cất ở nhà kia, phong sương mất rồi. Vậy mà vẫn chẳng ra cái thằng con mẹ gì, ham muốn nhiều, dự định nhiều, lắm cao vọng, rút cục cuộc đời vẫn chỉ thấy mình hôm qua là một thằng kỹ sư quèn, hôm nay là một thằng nhà báo hạng bét, lận đận lần mò chuyển về một tờ báo ngành, gọi là tờ tin nội bộ nghe chừng đúng hơn, đầu tiên chúng nó xếp cho cái chân trưởng phòng trị sự, tức là đi phân phối báo, cặm cụi mãi chúng nó mới nhả cho cái chân phó tổng biên tập, tưởng oai lắm, cũng là ngang vụ phó cơ đấy, nhưng sự thật là sao, là dở ông dở thằng, là ngán tận cổ. Họ xếp một thằng ranh con là Tổng biên tập, tuổi trẻ năng động mà.
Ô hay, tôi đâm hoảng tự hỏi, có phải ngồi trước tôi là anh lớp trưởng ngày xưa không nhỉ. Ngày xưa, cái ngày xưa ấy, anh chững chạc là thế, nói năng đi đứng lúc nào cũng cứ như một ông cán bộ tỉnh, mà cán bộ tỉnh cũng chả chắc đã bằng, cứ thở ra là đã thấy bàn tới lẽ sống của con người mới. Rất nhiều lúc anh đã làm tôi hoang mang tự hỏi, vậy chứ vừa mới nứt mắt ra, còn đang trẻ con một lũ thì mình cũ ở chỗ nào, biết cách nào để mà đổi theo kịp đây. Theo thế nào được, anh là con trai một ông Trưởng ty, một người có máu mặt ở tỉnh, là có mang sẵn trong máu cái khả năng dẫn dắt, anh là con nhà nòi, trong anh ông trời đã có gửi sẵn một thứ "gien" di truyền, nó là một sự bí hiểm lắm, những người khác có ước cũng chả được.
Đến năm lớp mười, lúc sắp sửa bước vào thi tốt nghiệp phổ thông cũng là lúc mỗi học sinh đều phải nộp đơn xin thi vào đại học. Nhiều anh trong đó có tôi chỉ nghĩ rất đơn giản ai muốn thi vào đâu thì thi rồi ra mỗi người cũng phải có một nghề, con phượng thì múa con nghê thì chầu. Nhưng đâu có đơn giản thế, phải có định hướng, phải có chỉ đạo. Ban giám hiệu nhà trường không tiện nói, đây là việc của mấy ông lãnh đạo lớp. Cũng phải, nếu không vậy thì xô nhau thi cả vào y vào dược, tạm được thì cũng vào bách khoa, ai vào sư phạm đây, ai vào địa chất đây. Chính nhu cầu của xã hội đòi hỏi phải có sự cân đối hợp lý trong sự sắp xếp lực lượng trí thức cho mai sau. Thế là có người phải làm gương, phải đi đầu trong việc này. Anh lớp trưởng ghi luôn nguyện vọng của mình muốn chọn nghề lâm nghiệp. Lâm nghiệp là rất vất vả, ai cũng biết. Lúc ra ngoài lớp tôi thấy cảm phục quá, mới bảo, anh chọn cái nghề ấy tuy có gian nan nhưng lại được bay nhảy khắp các phương trời. Từ nhỏ tôi chỉ thèm có mỗi một chuyện là được đi đây đi đó. Anh cười nhìn tôi một cách thương hại, như thể tôi đúng là một thằng trẻ con ngờ nghệch. Thằng trẻ con thì có lúc làm người ta bực bội nhưng vẫn là dễ yêu. Ai ghé vào tai tôi để bảo cho mà biết, nhà trường đang còn làm một danh sách đặc biệt nữa, trong danh sách đặc biệt ấy tất nhiên là phải có anh, không thể trệu được. Danh sách gì mà ghê gớm vậy. Tôi hỏi nhưng anh chỉ gật gù lấp lửng, cứ biết là sẽ đi xa, rất xa, có khi suốt năm mười năm không về thăm nhà, đến thư từ cho nhau cũng hiếm lúc ấy phải hiểu cho nhau. Thôi đúng rồi, anh sẽ được gửi ra nước ngoài, có khi anh sẽ đi nghiên cứu về tàu ngầm nguyên tử chứ chẳng chơi. Những ngành ấy là phải biết giữ bí mật và rất chi là được tin cậy. Tuếch toác như mình thì ba bảy hai mốt ngày có được chọn vào rồi cũng phải bước sớm.
Có điều đáng kể ra đây là dịp đó có một người nữa cũng đã lẳng lặng theo bước chân anh tình nguyện nộp đơn xin thi vào trường lâm nghiệp. Người đó là Hồng ngâm nặng ngậm. Người ta hoan hô chị, riêng tôi thì thấy cứ băn khoăn. Một hôm trên đường về nhà tôi khuyên chị phải xem lại, xin chuyển vẫn còn kịp, thân gái dặm trường, vào những ngành trèo non lội suối sợ không hợp, tốt nhất là nên vào sư phạm, ra trường về quê mà dạy học, chớ có động cỡn đua đòi. Nghe tôi nói xong chị không cười, cũng không yên lặng mà chỉ òa lên nức nở khóc. Chị đem tôi ra báo cáo với lớp trưởng, rồi lớp trưởng mang tôi ra kiểm điểm phê phán, tôi hóa ra thành một phần tử tiêu cực. Thôi chết rồi. Cái bệnh na mô hớt nhiều khi đã làm tôi khốn khổ, đang yên lành chuốc vạ vào thân, lại được một phen sợ hãi, hay mình là một anh có vấn đề tư tưởng thật chứ chẳng phải chuyện bỡn. Kết cục là rất dễ hiểu, tôi thi trượt tốt nghiệp, chịu khó học lại một năm nữa. Bạn bè hớn hở đi thi đại học, ai vào trường ấy, hầu như đỗ cả. Lớp trưởng và chị Hồng cùng đi thi và cũng đỗ tuốt. Lúc có giấy gọi tựu trường chị Hồng mau mắn đến gặp anh thì anh bảo chị cứ lên trước, ngày một ngày hai anh sẽ lên sau, vẫn kịp chán. Hình như anh đang ngóng đợi một điều gì, mà chị không được biết. Chuyện này phải là chuyện riêng, chứ chuyện của tập thể là không phải. Một khi lớp đã tan tác mỗi người một ngả rồi thì cái cương vị lớp trưởng tất nhiên chỉ còn là một số ảo một kỷ niệm. Chỉ riêng tôi biết anh đang đợi gì, nhưng tôi e ngại chị lại òa lên khóc một lần nữa nên tôi học cách giữ mồm giữ miệng.
Chả hiểu vì sao mà sau cùng cả trường năm ấy chỉ có mỗi một người được chọn đi học ở nước ngoài thôi. Đó là Linh. Bình thường quá, bình thường như tất cả mọi người, nhũn nhặn và lớ ngớ như tất cả chúng tôi, nhưng anh lại là người may mắn nhất. Mọi người không giấu được sự ngạc nhiên, lớp trưởng của chúng tôi hậm hực ra mặt, gặp tôi anh nói một cách cay đắng như đang phải nuốt một cái mật lợn, "Thằng ấy là cái thá gì mà được lựa chọn nhỉ, đúng là chả còn trời đất nào nữa".
Tôi không thấy thế, tôi cho là vẫn đang có trời đất, Linh được lựa chọn là rất đúng. Trước hết Linh là một học trò cũng siêng năng và giỏi giang như rất nhiều người siêng năng và giỏi giang trong lớp, thứ hai anh là người không biết lo toan quá nhiều cho mình, anh không có sự khôn ngoan sớm như ai. ấy, ở đời cái người không biết tạo dựng cho mình, thì chính đời sẽ tạo dựng cho họ, không biết đến tương lai thì rồi tương lai sẽ tự tìm đến họ, mà đó là một tương lai tốt đẹp, nhiều may mắn. Mưu sự lắm làm gì, hãy cứ sống cho hồn nhiên có hay hơn không, cái nhà anh Linh, từ thuở lọt lòng đã ốm quặt quẹo, cứ nom anh gầy gò thế đủ biết người ấy tuổi thơ đã phải trải qua nhiều đận thập tử nhất sinh. Anh mồ côi cha từ sớm, bà mẹ mới ngoài hai mươi đã sa vào góa bụa. Cha anh là du kích xã, bọn Tây trên đồn kéo xuống vây làng, du kích dàn quân chống cự, ông ôm khẩu súng trường cà tèng cùng anh em nhấp nhô bò nấp sau con đê, sau một cái cống sông vớ vẩn ở đầu đường. Cũng chả bắn súng bao giờ, chả hiểu chiến thuật chiến lược ra làm sao, nhưng trong ông có một trái tim giàu tình làng nghĩa nước, và ông đã dám nổ súng vào quân thù. Ông hy sinh ngay từ trận đầu tiên và ông là một liệt sĩ đầu tiên của cái vùng quê nghèo đói nhưng không chịu hèn kém. Đấy là tất cả những gì tôi biết về Linh, một anh hàng nom quê kệch, hay mặc áo nâu, chân dầm đất đến trường. Trong những năm chiến tranh tôi có dịp gặp lại anh một lần giữa Hà Nội, đấy là mùa hạ 1968, sau tết Mậu Thân tôi vừa ở chiến trường ra còn anh thì từ nước ngoài trở về.
Anh đèo tôi qua các phố bằng một chiếc xe đạp mới toanh, lúc đó cái xe đạp ấy là quý lắm. Anh vừa tốt nghiệp đại học và vài tháng tới sẽ lại chào mẹ lên đường tiếp tục học thêm. Bà mẹ ràn rụa nước mắt vì quá sung sướng, bà kêu lên thật vô lý, học gì mà học lắm thế, thiên hạ sao mà lắm chữ nghĩa, bố mày, ngày xưa một chữ bẻ đôi chả có vậy mà làng xóm vẫn cứ còn nhớ thương mãi mãi. Mà mày học gì thì học nhưng cứ nhớ là phải biết thêm cái cày cái cuốc, lo gặp buổi tao loạn, không kiếm nổi cái cho vào miệng thì dù có nhiều chữ cũng chẳng làm no nổi cái bụng. Ngẫm ra thấy bà nói phải quá. Có học đông học tây gì thì cũng chỉ nhằm no cái bụng mình, bụng mọi người xung quanh mình chứ đâu có phải nhằm để leo lên ghế ông lớn bà bé. Sang trọng cái nỗi gì nếu ta quên khấy mất cái chân lý giản dị kia.
Với chị Hồng suốt những năm qua tôi cũng chỉ gặp lại có một lần. Đấy là cuối 1975, tôi từ Sài Gòn ra. Tôi phải lặn lội lên tận huyện Thông Nông Cao, Bằng tìm chị. ở trong kia tôi biết chị đang làm một kỹ sư lâm nghiệp ở một vùng núi có cái tên địa phương gọi là Táp Ná. Táp Ná có nghĩa là một cái cung. Vùng núi ấy quả nhiên đứng nhìn lâu thì cũng thấy có hiện ra hình một cái cung đang giương lên. Đoàn khảo sát ngày đó đóng trên vùng ấy. Anh Đài chồng chị cũng từ vùng ấy mà được gọi vào bộ đội. Những năm cuối cuộc chiến, tình hình chung ai cũng biết rất là gay go, dù làm việc gì và đang ở đâu những người hậu phương cũng đều hướng cả ra mặt trận, đêm đêm đều thức nghĩ tới mặt trận. Đã có một đứa con gái đầu lòng, đã có một mái nhà lợp cỏ, một cái bếp dầu và mấy cái bát cái đĩa đủ để cái gia đình nho nhỏ xum họp thành một tổ ấm. Những người chồng một đêm đã tung chăn vùng dậy bảo vợ: "Không sống thế này mãi được, anh sẽ tình nguyện đi nam, sớm mai anh sẽ báo cáo với Đảng ủy việc này".
Chị khẽ khàng như chị vốn vẫn là một người khẽ hàng: "Thì anh đi, chính em cũng còn muốn đi nữa là". Anh kỹ sư điều tra rừng nhiệt đới đi bộ ba tháng dọc Trường Sơn, đánh dăm trận ở Ban Mê Thuột, ở Công Tum, đến Bình Long thì ngã xuống trong một cuộc xung phong giải phóng thị xã. Tôi tình cờ mà gặp Đài dịp đó, tình cờ trong lúc tán gẫu mà nhận ra anh đúng là chồng của chị Hồng. Thế là thành thân nhau. Tôi kịp đến thăm anh lần cuối ở một bệnh viện dã chiến, anh nằm dưới một mái tăng lỗ chỗ vết đạn, qua những lỗ thủng đó có thể nhìn thấy một bầu trời cao và xanh lơ. Chỉ nhớ chỗ ấy ruồi nhiều ơi là nhiều, chúng bay đập liên tục vào mắt mũi chúng tôi. Anh Đài nắm chặt tay, chỉ nhìn nhau mà chẳng nói gì. Như thế là đã nói tất cả những điều cần nói, là đã nói rất nhiều. Tôi hiểu là anh đã dặn dò một mai nếu còn trở về thì nhớ phải tìm lên cái thung lũng Táp Na kia để xem vợ con anh sống ra sao, liệu có giúp được gì thì giúp.
Tôi may mắn là một người còn có ngày về, và tôi đã tìm lên ngay nơi đó cũng chỉ là để gặp lại nhau, xem mẹ con chị sống ra sao chứ còn biết nói gì, lại càng chẳng giúp được gì cho chị và cháu.
Tuyệt nhiên tôi không có dịp gặp lại lớp trưởng của tôi lần nào, thế mới lạ. Tôi có hỏi thăm một vài người bạn cũ, thì biết anh sau đó cũng không vào lâm nghiệp, anh đành bỏ phí một năm ở nhà ôn tập, năm sau thi vào một trường khác mà anh thấy thích hơn. Cũng chẳng hỏi thêm cho rõ anh đã vào trường nào, nay đã thành kỹ sư ngành gì. Làm sao phải hỏi kỹ thế, người như anh ở chỗ nào mà chả sống được, hoàn cảnh nào mà chả biết tìm ra một giải pháp có lợi nhất cho mình. Tôi hoàn toàn tin vào sự khôn ngoan của anh. Cái chuyện hôm nay anh tự cho mình là lận đận, chỉ là một thằng thất thểu chẳng nên cơm cháo gì, chẳng là cái thá gì, rồi anh cứ buồn bực chán nản, điều đó khiến tôi e ngại cho anh. Đấy là anh nghĩ thế, tự mắng mình thế, chứ tôi thấy đâu có đến nỗi nào, anh đâu phải là người vất vả nhất ở đời. Anh còn sướng hơn chán vạn người khác. Có điều, nếu được phép khuyên thì tôi sẽ nói, anh và tôi, chúng ta đều chỉ là những người bình thường, mà là những người bình thường mới hay, không gì vui bằng được làm một người như vậy giữa muôn triệu người như vậy. Còn gì bằng được sống một ngày bình thường như tất cả mọi người đang sống. Nghĩ được như thế thì anh sẽ vui, sẽ yêu mình lắm, yêu cuộc đời lắm. Khi ấy anh sẽ bớt đi sự tị hiềm ganh ghét với xung quanh và có thêm rất nhiều bạn bè, luôn luôn biết mừng vui cho bạn bè ăn gia làm nên. Con phượng thì múa con nghê thì chầu, gầm trời này mỗi người đang có một việc, một chỗ đứng và ai nấy hãy cứ ung dung mà sống.
Nhưng chuyện ấy với anh còn phải chờ đợi, anh sẽ tới chỗ đó, hiện thời thì chưa thể. Anh đang ngồi cùng chúng tôi trong ngày vui của cháu Hằng, và anh sắp say mất rồi. Đột nhiên anh đặt chén rượu xuống nhìn gằm vào mặt người khách lạ nãy giờ vẫn ngồi uống với anh, hất hàm hỏi.
- Vậy mày là ai?
- Thế mày là ai mới được chứ? Tao là người hằng ngày vẫn gặp mày ở ngoài đường, được chưa.
Tôi đang lo không khéo tan mất bữa tiệc thì chị Hồng từ đâu hiện ra, sự có mặt của chị làm cho không khí dịu hẳn. Chị ghé vào tai ông già nói một điều gì đó. Ông già gật gật đầu mỉm cười, rồi xin phép đứng lên. Hóa ra họ rủ nhau cùng đến chụp ảnh chung với mấy người bạn đằng kia. Tôi để ý thấy mọi người đứng ken vào nhau, làm thành một vòng cung, cái Hằng được xếp ở giữa, một bên nó là chị Hồng và một bên là ông già nọ. Tất cả đều cười, có người còn cố nghển cho cao thêm. Anh phó nháy luôn mồm kêu "bấm này, bấm này" và đèn chớp liên tục.
Vậy là tôi đã có thể lờ mờ phỏng đoán ra ông già ngồi bên tôi nãy giờ là ai. Chờ cho ông trở lại, tôi lựa lời chuyện trò. Trước tiên tôi thấy cần phải đổi cách xưng hô, tôi thấy mình không được phép ngẩn ngơ quá.
- Anh biết mẹ con cháu Hằng đã lâu chưa ạ?
- Năm có xung đột biên giới, tôi được lãnh đạo Tổng cục cử lên đón anh chị em trên đoàn về dưới xuôi, chuyến đầu tiên tôi đã chở mẹ con cô Hồng về, dọc đường thành quen. Chả tôi vốn là một lái xe mà. Trước chiến dịch Điện Biên tôi đã cùng anh em sang Bằng Tường nhận xe, nhận pháo, sau đó lại vượt qua Tuần Giáo vào Tây Bắc. Nói thực với anh dạo đó tay lái còn non lắm, cũng là vừa học cả thôi. Tôi được nghỉ hưu đã dăm năm nay rồi.
- Không khéo những khẩu pháo sau này bọn tôi hô nhau lôi ra lau chùi có khẩu anh đã kéo ngày đó.
- Hiểu như thế cũng được, nhưng thật chính xác thì chưa phải. Khẩu pháo tôi kéo về ngày đó chính là khẩu pháo Tô Vĩnh Diện, nó đã được cất vào Bảo tàng Quân đội từ lâu rồi. Một lần tôi đến đó, nhòm ngó lúc lâu thì nhận ra, còn nguyên mã số dưới gầm bệ và khóa nòng mà.
- Gia đình anh giờ đang sống ở đâu ạ?
- Chả giấu gì anh, chỗ anh em tôi cũng nói thật, tôi đang sắp lập gia đình, và nhất định chúng tôi sẽ mời các anh tới dự lễ cưới, một ngày không xa.
Mắt anh cười lấp lánh. Chị Hồng lại đến bên bàn chúng tôi. Lần này thì chỉ cần vỗ nhẹ vào vai anh là anh đã đứng dậy ngay. Chị kéo anh tới chỗ người có cái sẹo chạy ngoằn ngoèo nơi cổ qua gáy, nãy giờ vẫn ngồi rất trì bên cạnh lớp trưởng của chúng tôi. Lại định chụp ảnh với nhau chăng. Không, chỉ là để giới thiệu làm quen với nhau mà thôi.
- Thưa anh, em muốn được nói, đây là chú Mẫn mà em đã nhiều lần kể, chú ấy là người đã cõng anh Đài nhà em về trạm phẫu thuật tiền phương và cũng là người đưa mẹ con em vào nhận mộ anh hồi năm ngoái đấy ạ.
Tôi thấy người mà chị Hồng gọi tên là chú Mẫn từ tốn đặt chén rượu đang uống dở xuống bàn rồi đứng hẳn dậy như một người lính vẫn đang còn trong quân ngũ, hai người đàn ông bắt tay nhau rất lâu, rất nghiêm trọng.
Rồi khi tất cả đã yên vị, ai về chỗ nấy, chúng tôi tiếp tục vào tiệc. Lớp trưởng của chúng tôi, ông Phó tổng biên tập một tờ báo ngành, chừng đã tới độ quá tải, ngồi lặng thinh buông đũa buông chén. Chỉ còn có mỗi một người vẫn đang uống, đó là Mẫn.