hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1357.htm

Trịnh Đình Khôi

Lụy hoa

Trên cành mai đang run rẩy trong mưa bụi đã lác đác mấy bông hàm tiếu. Mùa xuân chấp chới trên hoa, trên lá đưa tiễn mùa đông và những bông cúc muộn ra đi. Văn ngồi một mình với những bông hoa, quen rồi mà đôi lúc vẫn phải thốt lên: "Sao rụng nhanh thế!".

Dân bản này, không ai biết nhiều về Văn nhưng rất yêu quý người đàn ông chăm chỉ trồng hoa và dạy thêm cái chữ cho con em không có điều kiện đến trường. Anh trồng hoa để ngắm để cho, không bán bao giờ. Những đứa trẻ hàng xóm thường đến xin hoa tặng cô giáo, tặng bạn bè. Mỗi cô gái, chàng trai khi lấy vợ lấy chồng đều được Văn tặng một bó hoa. Mọi người nhìn anh vừa lạ vừa tò mò. Gương mặt người đàn ông như được tạc bằng buồn vui khi hoa nở, hoa tàn. Vài ba năm, thời gian ấy đối với một đời người là ngắn nhưng với đời sống ở một vùng heo hút vắng vẻ này là dài. Dài như tiếng suối chảy, tiếng mưa rừng. Văn rời thành phố lên đây. Nói cho đúng, lòng tự trọng buộc anh phải ra đi, bỏ lại bao công việc dở dang. Sau lần ấy, Văn thấy sợ con người, thích sống với thiên nhiên.

Bao đêm thức trắng, ngước mắt nhìn trăng ngàn gió núi, cúi xuống thấy cây thấy hoa, những kỷ niệm chưa nhòa. Lần thứ hai trong đời, mẹ khóc sưng cả mắt. Bà nội thương thằng cháu đích tôn, ngoài ba mươi tuổi vẫn mải mê công việc không chịu lo toan chuyện vợ con nhưng giọng bà cứng cỏi: "Cháu cứ đi đi. Làm trai năm liệu bảy lo mới hào".

Văn vốn người thành thị, bố là thầy thuốc, mẹ là cô giáo tiểu học, bà nội có cửa hàng tơ lụa. Cái thời giao thông còn khó khăn bà đã bay ra bay vào Hà Nội - Sài Gòn như cơm bữa. Bố Văn đủ bằng cấp để làm ông thông, ông phán nhưng bà nội bảo phải đi học trường Y. Nhà có anh con trai lớn đi học trường Tây, tham gia hội kín hội hở đã đủ làm bà mệt rồi. Nhà chức trách bắt bà về phủ, lên tòa hạch tội: "Sao bà không dạy con để nó phá hoại an ninh quốc gia". Bà nhìn thẳng vào mặt người đang tra hỏi mình: "Con tôi từ nhỏ học chữ nho ở nhà, nó hiền lành như cục đất. Từ ngày học trường bảo hộ nó mới biết Ba-lê công xã, phá ngục Bát ti, rồi cách mạng cách miếc gì chứ cái mụ nhà quê này chỉ quen có vua có quan cả ngàn năm rồi. Tất cả đều do các ông đầu têu ra cả". Quan Tây quan ta trợn mắt nhìn người đàn bà An-nam, đành phải thả bà về.

Văn được cắp sách đến trường từ bé. Bạn bè anh đều là con em cán bộ mới về tiếp quản thành phố. Có điều gia đình họ ở trong khu tập thể, còn nhà Văn lại ở ngay phố chính có hàng rào, có tường hoa. Trong khi thiên hạ coi hoa là thứ xa xỉ thì trên bàn thờ, trong phòng khách, bàn làm việc của bố mẹ, bàn học của Văn bao giờ cũng có hoa. Vài ba bông có khi chỉ một bông. Dẫu rằng, luật lề này càng về sau càng bị vi phạm. Mỗi lần vắng hoa, cả nhà như thấy thiếu thiếu một thứ gì.

Sân thượng căn nhà ba tầng chỉ để dùng vào hai việc, trồng hoa và tiếp khách quý khi trăng lên hoa quỳnh nở. Những thú vui sang trọng mà chẳng tốn kém gì. Hoa giả dù đẹp mấy, gia đình này cũng không mua.

Vào bộ đội, thành thói quen khi hành quân dã ngoại hay ở nơi đóng quân, đến đâu Văn cũng chú ý đến hoa. Một bông hoa dại cài lên mũ hoặc tặng o giao liên. Một bó hoa rừng vào quân y viện chia cho thương binh và mấy cô y tá. Sau chiến thắng khoác ba-lô về, ốm o gầy yếu vì thương tật sốt rét chẳng còn tí dấu vết gì của chàng trai mười bảy, đẹp trai học giỏi. Vậy mà vừa chào cha mẹ hoan hỉ với anh chị em xong đã vội trèo ngay lên sân thượng xem những chậu hoa có còn nguyên vẹn hay không. Nghe tin máy bay đánh vào thành phố, lo cho mọi người trong gia đình, lo cả cho những chậu hoa.

Mai táng đồng đội đã hy sinh vẫn không quên trồng một cụm hoa lên mộ. Nhiều năm sau này trong ngôi nhà cũ kỹ của bố mẹ, Văn còn giữ được nề nếp trồng hoa, cắm hoa. Tết đến, ngoài việc bày biện độc bình hương án, lư hương đỉnh nến bao giờ cũng có bát thủy tiên. Chính tay anh cắt gọt theo cách của mẹ. Văn thường nghĩ con người ta thời nào cũng phải tính đến đời sống no ấm nhưng cũng không quên phần vô hình, cái tầng trên để sống. Xã hội phải có cái đích để mọi người vươn tới. Bên cạnh sự tiện lợi, phải có cái đẹp làm chuẩn. Hoa là chuẩn của cái đẹp sau người đàn bà mà thượng đế ban cho loài người. Anh kiên trì với sở nguyện của mình, chính cái đó đã tạo nên sự khác người, sự mới mẻ khiến những người thân phải phấp phỏng lo âu, tin mà vẫn thấy chông chênh.

Cái đêm trước khi ra đi, đợi mẹ ngủ say, Văn gọi cô em gái út lên sân thượng xem hoa quỳnh nở. Sương xuống ướt đẫm vai, cô bé rét run nghe lời anh dặn. Em ở nhà trông nom mẹ giúp anh. Anh phải xa nhà lần nữa. Cố học cho giỏi, và đừng quên chăm sóc những cây hoa. Khi nào nhớ anh, em lại lên với hoa anh trồng. Văn nắm chặt tay cô em gái. Sáng hôm sau, cô bé trở dậy anh đã đi rồi. Tài sản mang theo chẳng có gì ngoài một chiếc ba-lô, mấy bộ quần áo, dăm bẩy cuốn sách và những bông hoa ép khô. Ba năm không về thành phố. Văn bị thương trong một lần chạm trán với bọn phỉ. Cha con ông già người Thái đã cứu anh. Hai nhà ở cạnh con suối nước trong vắt, Văn thường ra đó câu cá và ngắm những cánh hoa trôi từ trên nguồn xuống.

Vết thương của Văn liền miệng rất nhanh nhờ những nắm lá của ông già. Mỗi lần mở mắt ra, Văn đều thấy cô hàng xóm ngồi bên cạnh bếp lửa hồng hì hụi đun nấu. Mùi thuốc sắc và thức ăn nấu chín bay khắp nhà. Cô bé đã nhiều lần sang xin hoa, cô thường ngắm nghía những cuốn sách trên giá mà không dám lục. Một lần Văn hỏi cô: Em tên gì ? Em là Hoa, cô bé trả lời. "Cũng là hoa" Văn khẽ thở dài. "Có chuyện gì thế anh?" Cô bé ngạc nhiên nhìn Văn. "Không có chuyện gì, tốt thôi!" Định mệnh, Văn không dám nghĩ nữa. Cô bé Hoa khoe ngày nào cô cũng cắm hoa bên cửa sổ căn phòng kể từ ngày mẹ mất: "Tên em do mẹ đặt. Mẹ là người miền xuôi lên Tây Bắc dạy học rồi lấy bố. Từ ngày mẹ mất bố uống rượu nhiều, cả ngày không nói một câu...".

Hoa giở cuốn an-bum dày cộp của mẹ cho Văn xem, ngoài những bức ảnh đã ố vàng còn có cả mấy bông hoa ép khô, mầu tím mầu vàng sang trọng còn nguyên. Câu chuyện của Hoa làm Văn xúc động. Anh cố hình dung ra người đàn bà thành phố trong cô gái đang ngồi trước mặt, người đàn bà yêu hoa. Cũng như mẹ anh, những người đàn bà một thời, từ cách đi đứng nói năng đều khuôn phép nền nếp. Nét văn hóa của những gia đình truyền thống. Không chỉ chú ý đến cái ăn cái mặc  mà cả đường nét ở, sự yêu sự ghét. Và tất cả dường như đều yêu cái đẹp, cái thiện.

Hết hạn đi xa, Văn sẽ trở về thành phố. Anh sẽ sống ra sao? Cũng chẳng cần biết nữa. Anh đang ở bên cô gái, kết tinh của hai dòng đời.

Cô gái khốn khổ vì những vui buồn của anh. "Chuyện nhỏ em ạ, ở đời còn nhiều cái đáng quan tâm hơn". Văn an ủi. Họ theo nhau lên nương, vào rừng và vui vẻ hết cỡ trong những phiên chợ vùng cao. Chợ họp ngay chân núi. Các cô gái Thái gái Tày mặc đồ mới thêu. Tất cả đều tươi rói như hoa đào hoa mận. Chiều xuống, sương núi buông như màn giăng họ mới dắt ngựa thồ hàng về bản. Con trai con gái miền núi yêu nhau đằm thắm mà ghen tuông cũng dữ dằn. Trong chén rượu có ánh mắt thiếu nữ, trong lời hát có đáy lòng cô gái, quanh họ là núi xanh mây biếc. ánh trăng đêm lọc qua sương mù, trong hơi lửa, trong men rượu, Văn mơ màng như được gặp các trích tiên. Anh chếnh choáng đón những chén rượu do chính tay Hoa rót. Cô xé thịt gắp thức ăn vào bát cho anh. Họ nhấm nháp từng chút một rồi lại nhìn nhau. ánh mắt tình tứ mê hoặc. Cuộc sống gió trăng phiêu đãng như hoa giữa rừng khiến Văn chạnh nhớ đến thời thơ bé bên mẹ cha phong gấm rủ, là lúc nào cũng có hoa, yêu hoa, cứ như số kiếp đã định. Đôi khi Văn quên mất sự hiện hữu của mình, của người con gái đang ngồi bên. Rượu và Hoa nhập nhòa trong anh. "Cô bé ơi! Xa hay gần có gì đáng sợ đâu". Nàng quay lại nhìn Văn: "Thế cái gì là đáng sợ?". "Khi người ta không còn trong nhau nữa". Hoa cúi xuống, một giọt nước mắt chảy dài trên má. Em khóc à? Vâng! Em sợ lắm, cái ngày anh bỏ đây đi biết làm thế nào. Không khéo rồi anh sẽ làm khổ em thôi. Quên anh đi, chỉ để mình anh nhớ là đủ rồi. Một người đàn bà như mẹ em, một người con gái như em và cả ông già khốn khổ, anh quên sao được. Ông sẽ thế nào nếu không có em, ai nỡ giằng từ tay ông cái lý do để sống. Hoa đăm đăm nhìn Văn, người đàn ông hơn cô mười lăm tuổi. Cô yêu sự hiểu biết từng trải nhưng dịu dàng chu đáo, những điều mà người con trai khác không có. Họ nhạt nhẽo vô vị hoặc ồn ào, khoe mẽ. Hoa đam mê anh theo văn hóa của mẹ, cô nghiện ngập anh theo nếp sống của cha. Đám bạn bè hỏi Hoa. Mày yêu ông ấy? ừ, tao yêu, yêu lắm. Ông ấy quê ở đâu? Xa lắm, chim bay mỏi cánh. Chắc nhà ông ấy giàu. Nghèo lắm. Mày dại. ừ dại. Dại khôn ở đời biết thế nào mà tính, duyên số đấy.

Trời lạnh tê tê, đôi trai gái ngồi bên bếp lửa lập lòe. Đêm sâu dần, mưa không ngớt. Hoa ngồi sát vào Văn, gương mặt anh hồng hào trẻ trung sau những chén rượu. Nhìn cái áo sờn vai. Hoa nghĩ, hay mình vá lại cho anh. Không kịp. Cô gái lí nhí!. "Mai anh đã đi rồi" Văn không nói, anh cầm tay Hoa đưa lên mặt hà hít. Hoa quàng tay qua vai anh ôm xiết. Văn gỡ cô ra. Cái hôn dừng lại nửa chừng. Lần thứ hai trong đời cái hôn dừng lại nửa chừng. Hóa ra sự dịu dàng thùy mị trong cái đẹp hoang dã còn chứa ẩn cả những khát khao cháy bỏng và sự say đắm nồng nhiệt. Nó là muối mặn, là chất men say của con người. Tình yêu là chi vậy, có phải là hoa của đời mà trời đất ban cho con người. Hoa, như con mồi đã trúng thương bởi đôi mắt như ánh đèn của người thợ săn. Văn đâu có định săn cô như những chàng trai bản. Anh vô tình nhưng sâu sắc đằm thắm khiến cô bị thu hút. Hoa đinh ninh anh là của cô. Không ngần ngại khi nói với người cha rằng, cô với anh là duyên trời xe. Hai người như hẹn nhau từ kiếp trước. Không lấy được anh cô sẽ nhai một nắm lá ngón cho quên hết. Ông bố ngạc nhiên vì những câu nói của con gái mình. Ai dạy nó. Ngày xưa mẹ nó có thế không. Có, ông nhớ mang máng. Ông bà già dưới xuôi ngăn cản, bắt cô ấy về nhưng rồi cô ấy lại trốn nhà theo ông. Ông lớn tuổi hơn, lại không có chữ, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc đời thổ mộc. Vậy mà người đàn bà ấy đã sống với ông trọn đời. Tình yêu hay ma quỷ cám dỗ. Lời răn dạy khuyên nhủ đối với tình yêu như nước đổ lá khoai. Hoa bíu chặt lấy vai Văn, cái cằm thon thon chịn lên má anh. Gió lạnh ùa vào căn nhà, tiếng mưa lúc thưa lúc mau. Tiếng khóc của Hoa vướng vào tóc, lơ lửng trên đầu, thấm vào tim vào óc người đàn ông. Anh ơi! Sao em khổ thế, suốt đời thui thủi mồ côi. ở lại với em đi. Em sẽ hái măng hái nấm nuôi anh. Văn không thể im lặng được nữa. Đôi mắt nóng bừng rồi trĩu nặng. Anh nhìn kỹ vào gương mặt phờ phạc của cô. Những ngón tay mềm ấm vuốt nhẹ lên mái tóc cứng quèo và vầng trán đã hằn nhiều nếp nhăn. "Anh ôm em đi". Cô bé nhỏ thó trong vòng tay Văn. Đôi trai gái lăn lộn trên tấm nệm vải thô bọc cỏ. Văn mê man khi đôi mắt chạm vào thân thể trắng ngần như pho tượng với hai chấm son đỏ au. Đôi mắt Hoa đờ dại trước mái tóc bồng bềnh, gương mặt hoang dã của anh. Lần đầu tiên trong đời, Văn nhìn thấy người con gái khỏa thân. "Anh là chồng em đi. Em sẽ sinh cho anh một đứa con". Con ư? Anh lắc đầu đẩy nhẹ. Hai bàn tay cô gái bíu chặt. Văn gỡ tay, nâng cô dậy. Anh run rẩy đặt bàn tay lên bờ vai đang rung lên. Anh đi nhé! Văn bước như chạy, bóng anh lẫn vào mưa bụi chập chờn. Anh... Anh ơi!... Hoa kêu lên tuyệt vọng. Văn đi xa rồi còn nghe tiếng gọi của Hoa.

Ông già đau xót nhìn con héo úa. Cô gái khóc như chưa bao giờ được khóc. Nghe cha khuyên nhủ, Hoa muốn kêu lên. Cha ơi! Chuyện yêu thương khó quên khó dứt lắm. "Đàn bà con gái say đắm quá sẽ lụy vì tình, rồi suốt đời chẳng được nhàn tâm con ạ. Ông nói lời cuối cùng trước khi ngồi lặng im như gốc lim già.

Khoảnh vườn trước nhà hoa rụng tơi tả, ngỡ như sau một đêm đã rụng hết. Hoa mân mê chiếc phong bì dày cộp trong tay. Lá thư lại quá mỏng, vỏn vẹn nửa trang giấy. Thêm một bông hoa ép khô thứ hoa cô thích. Hoa đặt bông hoa trước khung kính có ảnh của Văn. Cô thiêng liêng thành kính đợi chờ và lao vào công việc để nguôi quên...

Những tia nắng buổi chiều chiếu vào căn phòng ở chái nhà của người con gái và cả vào những quầng bụi sau chiếc xe của người ra đi. Văn ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng đất mà anh đã sống. Im lặng ngắm nhìn cánh đồng hoa muôn sắc. Đó là niềm giao cảm sâu xa xúc động đầu tiên của người đi xa trở về. Văn vừa xuống xe, mấy cô gái gánh hoa đi chợ đã đon đả chào. Anh gật đầu chào lại rồi chầm chậm vòng qua những luống hoa rực sắc. Sự ưu đãi của thiên nhiên đối với con người có công khác hẳn con người. Hoa đến kỳ hàm tiếu, đến kỳ nở rộ.

Anh chủ vườn vẻ mặt thông minh, da ngăm đen tóc húi cua, thấy ông khách lạ cứ ngắm nghía vườn hoa của mình vội mời vào. Anh ta khoe với Văn. "Chú ơi! Mấy vườn hoa này chỉ một chuyến xe chở ra thành phố trong ngày lễ ngày hội là hết veo. Chúng cháu đang có dự án xây nhà lạnh để bảo quản hoa. Chưa bao giờ người ta lại cần nhiều hoa như bây giờ. Cánh thanh niên từ ngoài kéo vào, họ ăn nói ào ào có vẻ vừa nâng cốc ở đâu về. Họ bàn tán chuyện làm ăn rồi quay sang tiếp chuyện Văn, mặc dù chẳng biết anh từ đâu đến. Chao ôi! Đất quý hơn vàng, hoa quả như kéo từ đất lên, mỗi ngày một khác. "Ai chủ trương khôi phục cái nghề trồng hoa ở đây? Có một người đấy, nghe đâu anh ta là một cựu binh, một kỹ sư nông nghiệp mới ra trường. Khi dân thi nhau trồng hoa thì anh bị điều lên mạn ngược. Trên bảo trồng lúa thì anh lại xui dân trồng hoa. Người ta chỉ nhìn được cái bụng thì anh lại nhìn lên cả cái đầu. Chủ vườn thao thao bất tuyệt. "Giá hoa so với thóc thế nào". Ôi! Tính làm sao được, có khi giá một bông hoa một cân thóc, vài cân thóc không hạn nào. Có nhìn xa thấy rộng thì dân mới sướng, nước mới giàu. Chỉ nhìn vào cái bụng thì cũng chỉ được no cái bụng là cùng. Văn chào đám thanh niên rồi đi theo chủ vườn lòng đầy xốn xang. Góc vườn các cô gái đang bó hoa thành từng bó. Chủ vườn vẫn chưa ra khỏi câu chuyện, anh chép miệng. Ôi chao bất công! Nhân dân thì khá giả lên còn anh ta không biết lưu lạc phương nào, liệu sống hay đã chết.

Văn đứng chôn chân ở góc vườn rồi lại ngồi bệt xuống đất. Chú nhà báo ơi! Chủ vườn gọi Văn. Tôi không phải nhà báo!

Thế à. Tưởng chú là nhà báo nên muốn nhờ chú viết hộ một bài để tìm cái anh hai thời bị thương mất tăm mất dạng ấy. Cha này lắm chuyện hay lắm. Chuyện hắn với một người đàn bà. Đời phải thế chứ. Liệu hắn có thích thế không? Không thích cũng phải làm. Lẽ phải và sự công bằng ai chả cần. Chủ vườn lý sự.

Vâng, tôi sẽ giúp. Cảm ơn chú nhé. Chú cứ ngồi chơi, cháu xin phép ra đón khách. Hôm nay còn có khách ngoại quốc đến tham quan. Chủ vườn đi rồi Văn ngồi thừ ra. Trong đầu anh có tiếng gào lên: "Hai lần bị thương nhưng hắn chưa chết đâu, hắn vẫn sống đây". Sao ba năm qua mình không quay về, không ngoái lại, cứ một mình lặng lẽ với nỗi niềm riêng tư, với sự gánh chịu rồi bắt cả những người thân cùng gánh chịu. Em ơi! Anh thật có lỗi với em. Văn nghĩ đến người xưa. Liệu cô ấy có suy sụp, có già đi không. Chồng con sao rồi. Văn ân hận thật lòng, thương xót thật lòng. Những ngày sắp đi, Văn không cười cũng không dám nhìn thẳng vào đôi mắt của người ấy. Anh hay thở dài mỗi khi không nói hết được những điều còn giữ kín trong lòng. Em ơi! em là người con gái đáng yêu nhất trong đời mà tôi đã gặp. Sống với em chắc tôi sẽ vô cùng hạnh phúc. Nhưng tôi phải ra đi. Vậy tôi muốn gì, chức tước tiền bạc ư? Không. Ngàn lần không...

Văn rút khăn mùi xoa. Đôi mắt anh cồm cộm, sống mũi cay xè. Cũng mừng là anh đã đi ngay nếu không sẽ không bao giờ anh có thể xa em được. Đừng trách anh, đừng giận anh em nhé. Anh yếu đuối, làm sao có thể nghe mãi tiếng khóc của em. Rồi anh sẽ nhắm mắt buông xuôi. Đời anh đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của những người đàn bà. Văn nghĩ đến mẹ. Mẹ ơi! Con sẽ có lỗi với mẹ nếu con cứ nhợt nhạt như những bông hoa giả. Ngày con ra trận mẹ bảo: Con cứ đi đi, hãy sống như một người con trai thời loạn đừng bám vào sự hy sinh của người khác. Ngày con sống sót trở về, mẹ khuyên: Con may mắn hơn bạn bè nhưng hãy sống xứng đáng với họ. Tết đến nhà nghèo nhưng mẹ không cắm hoa giấy hoa nhựa. Mẹ bảo, làm sao chịu nổi cành đào cành mai suốt mùa xuân không nở nổi một bông, không tỏa được một chút hương, rồi hết tháng hết năm không chịu tàn chịu rụng. Cái giả được bày bán khắp nơi, người ta quen dần với nó. Thật đáng sợ. Con phải trả giá cho cái thật cái đẹp nhưng con vui, vui lắm mẹ ơi!

Chủ vườn vẫn chưa về, một mình Văn thỏa thuê nhìn ngắm những bông hoa, thả hồn trong những hồi tưởng. Ngày ấy đã xảy ra cái gì. Những gương mặt căng thẳng và tiếng nói liên thanh, những cánh tay giơ cao, rụt rè. Một cánh tay duy nhất không giơ lại là cánh tay của một người con gái. Cô nhìn Văn chia sẻ rồi nghiêm khắc quay sang đám đông. Người con gái ấy như một nét hư ảo còn lại trong anh. Cánh tay mềm yếu của cô không lại được với những cánh tay run rẩy khi cầm súng, cầm bút nhưng lại quyết liệt khi giành quyền lực.

Chịu khổ chứ không chịu nhục. Văn sẽ không còn là anh nữa nếu anh ở lại. Người con gái gần như đổ về phía anh, những giọt nước mắt dành cho cuộc chia tay. Số phận không ưu ái Văn những người đàn bà biết chờ đợi. Cần một khoảng không gian xa cách, một khoảng thời gian tĩnh lặng để nhận ra nhau ư?

Ngôi nhà ở góc rừng, bên con suối trước mặt một vườn hoa nho nhỏ, nơi đó những phương tiện hiện đại chưa thò tay đến. Văn thành một kẻ vô cảm, một người là lạ khó hiểu. ít lâu sau anh mới biết mình cô đơn, và lúc nào cũng nhớ đến da diết một cái gì đó. Ký ức chồi lên nụ hôn nửa chừng. Cô gái mười tám hồi đó bỗng thành người đàn bà quyết liệt. Cô che chở an ủi Văn, cho anh chút ấm áp. Văn cảm thấy vui nếu được nghe lại tiếng thét của cô. Hai người đã không thỏa thuận được. Cô nài nỉ Văn ở lại nhưng anh không chịu. Cô vùng chạy ra ngoài trời đang mưa, Văn ào ra, họ giằng co nhau và to tiếng. Văn quay vào nằm vật ra giường mắt chong chong cho đến hết đêm. Tình yêu không dung nạp sự yên ấm.

Chủ vườn quay lại, anh mời Văn vào nhà. Đó là một gian nhà nhỏ ở giữa vườn, xung quanh ghép gỗ, có cửa sổ nhìn ra hai bên. Chủ vườn, một anh lính độc thân. Đám người làm thuê đã về gần hết. Hai người ngụm từng ngụm chè Thái thơm chát. Văn hỏi chủ vườn chuyện làm ăn sinh sống. Có tiền nhưng không vui, chủ vườn than vãn. Anh mời khách ngủ lại. Văn buồn bã lắc đầu. Ngoài trời mưa bụi lất phất. Câu chuyện vòng vo dẫn dắt Văn nhắc đến tên người con gái. Như gãi vào chỗ ngứa, chủ vườn bật dậy "Chú biết chị ấy à". Tôi nghe người ta kể. Họ kể thế nào, làm sao bằng bọn này. ở đây hễ có dịp ôn lại chuyện cũ người ta thường nhắc đến đôi trai gái ấy. Chú biết không, cái anh thương binh kỹ sư ấy hớp hồn chị ta. Anh ta đi rồi chị ấy cứ lang thang trên đồng hoa. Giá mà anh ta chịu nghe chị ấy chắc không đến nỗi. Đàn ông mà, tự do hai chữ ấy đắt giá lắm. Bỏ lửng câu nói, chủ vườn nhìn xa xôi.

Văn không muốn hỏi thêm. Anh muốn giữ lại hình ảnh cô gái lang thang trong trái tim mình nhưng chủ vườn cứ như không thể dừng lại được, mấy khi gặp tri kỷ.

Cạn chén trà chủ vườn tiếp tục: Sau khi chàng kỹ sư lên rừng, chị xin ra khỏi cơ quan, ba tháng sau chị lấy chồng. Anh chồng lái tàu biển rất giàu nhưng đám cưới không to. Sau mỗi chuyến đi dài ngày anh chồng đem về cho vợ một tập tiền với ít đồ Secondhand. Họ có căn nhà liền mặt phố, hai tầng, tầng trên để ở, tầng dưới cho thuê làm văn phòng. Người vợ ở nhà ôm đứa con mới sinh chờ chồng về. Mỗi lần có hàng hoa đi qua chị lại mua một bó cúc trắng đem nhanh lên phòng. Cắm hoa xong mới dám ngồi ngắm kỹ rồi cúi đầu thở dài lặng lẽ. Khi anh chồng có nhà chẳng bao giờ chị dám mua hoa, cắm hoa... Chủ vườn dừng lại, anh đứng dậy lôi từ trong tủ ly ra chai rượu tây còn nguyên. Chắc chỉ khách quý mới được mời. Chạm ly xong, Văn khẽ nhấp môi rồi lặng ngắm chủ vườn tợp từng tợp ngon lành.

Nhưng sự đời không yên ổn dù người đàn bà nào cũng muốn yên ổn. Anh chồng ít về hơn trước, mỗi lần về rượu chè tối ngày. Chị quyết định mua thêm mảnh đất trồng hoa, không biết hoa của chị chăm bón thế nào mà đẹp nổi tiếng cả vùng. Người cũng như hoa, chị đẹp ra trông thấy, nét đẹp của người đàn bà một con. Người chồng trở về, anh vừa ngạc nhiên vừa nghi ngờ. Sao chị lại trồng hoa, lại đẹp ra, có mối liên hệ nào với người đàn ông trước kia chăng. Tai vạ đến, sau bữa nhậu với thằng đàn em hết bay chai rượu ngoại bốn mươi lăm độ giá tiền triệu, hai người đàn ông đã phá tanh bành cả vườn hoa. Lá hoa tơi tả dưới lưỡi dao. Người đàn bà chỉ biết khóc lóc van nài nhưng vô ích. Gương mặt tái xanh, mái tóc sổ tung, chị giơ hai tay lao đi trong chiều giông gió, trước khi mặt trời như mầu máu, chìm nghỉm dưới mây đen.

Người đàn bà không nói gì thêm, lẳng lặng thu dọn mảnh vườn. Những bông hoa, nụ hoa được dồn lại thành một mộ huyệt. Trong ngôi nhà của chị, diễn ra một sự xáo trộn âm thầm. Chị thành người câm lặng trước anh chồng. Nhiều đêm không ngủ, chị bỏ nhà đi lang thang. Dốc vào miệng cả một vốc thuốc mà cứ vật vã không yên. Chưa bao giờ quá khứ lại kéo về đầy đặn đến thế. Cái cảm giác nhớ nhung bỗng chốc ào về trong sâu thẳm, chị ân hận sao ngày ấy không bỏ lại tất cả để theo anh...

Người chồng vẫn tiếp tục những chuyến đi dài ngày trên biển, mỗi lần quay về anh chỉ thấy buồn thêm. Những tập tiền vẫn nguyên trong góc tủ, đồ đạc anh sắm vẫn phủ bụi để đấy. Bước vào căn nhà mình anh thấy lạnh lẽo đến kinh người. Người vợ ngồi quay mặt ra phía cửa sổ hướng tây đầy mây trắng, mái tóc chải qua loa, nước da không son phấn trắng xanh. Cái cổ cao và đôi vai nhỏ ngày càng nhô lên. Chị ngoái lại nhìn chồng khẽ nhếch môi, đôi mắt không ra buồn, không ra vui. Anh chồng trước còn kinh ngạc, sau thì hoảng sợ. Người vợ của anh thành kẻ vô cảm vô hồn. Đến nông nỗi này ư? Tất cả những gì anh ta gây ra đã trở lại tàn phá cái gia đình nhỏ bé của anh. Bao nhiêu tự hào của người chồng đã mang lại cho vợ con một đời sống no đủ đàng hoàng, dần dần tiêu tán. Người vợ xinh đẹp đang ngồi kia, tưởng như chỉ cần với tay một chút là có thể ghì xiết ôm ấp được. Vậy mà chị lại quá xa cách.

Chủ vườn ngừng lại dụi mẩu thuốc vào gạt tàn, liếc sang ông khách vẫn cúi đầu. Chú có còn muốn nghe nữa không, vẫn chuyện liên quan đến ba cái chuyện hoa này mà. Văn nói trong hơi thở nặng nhọc: "Kể tiếp đi, tôi đang nghe đây". Một tợp, cạn ly rượu, chủ vườn đốt điếu thuốc khác rồi lại tiếp tục, giọng đều đều. Anh chồng mời bác sĩ riêng chăm sóc cho chị. Ông bác sĩ bắt mạch, đo huyết áp rồi kết luận chị không có bệnh gì cả ngoài chứng trầm cảm. Người chồng thức khuya, uống rượu và hút thuốc nhiều hơn. Anh bỏ tiền thuê người trồng lại hoa, khôi phục mảnh vườn đẹp hơn trước rồi khăn gói xuống tàu. Anh là một tay lái cừ khôi, khó có người thay được anh trong những chuyến viễn du.

Trước khi đi, anh đưa vợ ra thăm vườn. Mắt người vợ bừng lên rồi lại cụp xuống. Anh chồng ôm vợ khóc. Chuyến tàu trở về nhanh hơn và mang theo đầy hoa. Những loài hoa quý từ các châu lục xa xôi, tận Trung Mỹ, Bắc Âu đều có mặt ở vườn của chị. Niềm vui gượng gạo qua mau. Chị không thể nào trở lại bình thường được. Sức khỏe ngày càng kiệt quệ. Anh chồng quyết đưa chị vào bệnh viện. Người ta xếp chị vào khoa tâm thần. ở lẫn với người bệnh tình trạng càng tồi tệ hơn. Thỉnh thoảng chị lại trốn viện về ngồi bên mộ hoa. Trong một chuyến đi dài ngày vì tàu bị bão tuyết, người chồng trở về thì chị đã không còn. Bà giúp việc tìm thấy chị nằm gục bên mộ hoa. Anh chồng đau đớn nhưng còn biết làm sao. Anh đã cố gắng hết sức mình. Đêm đêm ôm đứa con ngồi nhìn ảnh vợ, lặng lẽ đốt thuốc. Hoa nở sáng rực vườn của chị anh cũng không hay. Qua trăm ngày vợ, anh thuê người chăm vườn, gửi con về bên ngoại tiếp tục những chuyến đi xa. Chuyện buồn quá phải không chú?

Văn vẫn không ngẩng lên, anh chỉ khẽ gật đầu. Tợp một tợp rượu rít một hơi thuốc, chủ vườn mới đi vào khúc vĩ thanh. Dân ở đây gọi chị là bà chúa hoa và lập cho chị một cái am nhỏ. Có lẽ nhờ chị khôn thiêng phù hộ mà hoa vùng này tươi tốt hơn nơi khác. Chú ở lại đây chơi, ngày mai cháu đưa chú đi viếng mộ bà chúa hoa. Văn run rẩy lắc đầu. Anh không dám mở miệng vì đôi mắt ậng những nước, chủ vườn đã ngà ngà say nên không nhận ra. Dốc ngược chai rượu rót tràn hai cái ly, tay run run nâng lên, chủ vườn nói: Ta chạm ly cuối cùng nào. Chú vẫn nhớ việc cháu nhờ ban chiều đấy chứ. Đăng báo tìm giúp cháu người đàn ông của chị. Liệu anh ta đã lấy vợ chưa, chắc chẳng ai sống mãi với quá khứ.

Đầu óc Văn như muốn vỡ tung. Anh từ biệt chủ vườn lặng lẽ bước trên cánh đồng. Mây chiều bàng bạc gió lạnh lả lướt trên những ngọn hoa khiến lòng buồn se sắt. Văn kinh ngạc như thấy trước mặt mình đang có một bóng người dẫn dắt anh. Khuôn mặt người con gái không ủ rũ mà thơ thới, đôi môi hé mở như muốn nói điều gì. Văn muốn vươn đôi cánh tay vuốt ve bộ mặt sáng đẹp kiêu kỳ ấy nhưng đó chỉ là ảo ảnh. Thì ra nỗi buồn của mình chẳng thấm vào đâu so với nỗi buồn của những người đàn bà. Anh chợt nhớ đến HOA. Không thể làm khổ những người đàn bà. Một giọt nước mắt lăn xuống gò má Văn nóng hổi.

- Chú làm sao thế, chú ơi!

Văn ngẩng lên, mọi người đã đi hết chỉ còn một cô bé. Cô đang che gió cho những chậu hồng bạch bằng tấm cót đan. Thấy Văn im lặng không nói gì cô bé ngạc nhiên hỏi lại:

- Chú ơi! Đang tiết thanh minh chắc chú đi tảo mộ phải không?

- ừ, cháu gái thông minh lắm.

Cô bé hỏi luôn miệng nhưng Văn như không nghe thấy gì hết.

- Chú ơi! Cháu hái cho chú một bó cúc trắng nhé. Cúc đại đóa đẹp lắm, tươi lâu cắm trên mộ sẽ mọc cây ra hoa.

- Cảm ơn cháu, cho chú gửi tiền.

- Cháu không lấy tiền của chú đâu. Bó hoa đáng gì.

Văn ngắm nhìn những bông cúc, cánh hoa như múa lượn, một cách sáng tạo cầu kỳ, sự cầu kỳ của tự nhiên thật dễ ưa. Nét vẽ của tạo hóa, những họa tiết tuyệt vời. Đất trăn trở, cây từng đêm từng đêm thao thức sinh nở. Cái đẹp nào mà chẳng có giá.

Văn ôm khư khư bó hoa trên ngực. Anh cảm nhận rõ nỗi đau đớn, sự mất mát, thân thể như nhão ra, bốn bề trống trơ: Người con gái như một hư ảnh nhòe mờ. Văn lặng lẽ cắm hoa trước nấm mồ rồi lầm lũi bước đi như một cái bóng. Anh thầm thì: Ngày đó em bảo: "Hoa là thứ hiền lành nhất, mỗi lần gần hoa ta thấy dễ chịu. Hoa đẹp thơm và tinh khiết nhất. Em lãng mạn và mơ mộng quá".

Khi cô bé kể chuyện người đàn ông khóc bên mộ bà chúa hoa, chủ vườn vò đầu bứt tóc thầm nguyền rủa mình có mắt như mù. Rồi lại đổ tại con ma men làm mờ mắt.

Văn đã lên xe về núi. Ngồi trên xe rời khỏi vùng hoa, anh hình dung lúc này mọi người đang nháo nhác đi tìm mình. Trời vẫn mưa lây phây như rắc bụi, dai dẳng nhẹ nhàng như nỗi buồn của con người. Chợt tiếng gà rừng gáy làm Văn giật mình. Anh thục tay vào túi áo, những ngón tay từ từ như giữ chặt lấy bông hoa vừa hái ở mộ bà chúa hoa về làm giống. Không lâu đâu, loài hoa này sẽ nở trắng nơi mình đến. Văn lại phiêu diêu trong những ám ảnh về Hoa...


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com