Việc Hà được chọn đóng vai nữ chính trong bộ phim sắp quay của đạo diễn Lê Văn, đối với cô là một hạnh phúc quá bất ngờ. Từ ngày tốt nghiệp khoa diễn viên trường điện ảnh tới nay đã ngót năm năm, cô chỉ được vài lần lướt qua trước ống kính trong các vai phụ với những câu thoại vô nghĩa, hoặc có khi chỉ im lặng như một cái bóng. Có người dè dặt cho rằng, cô đã chọn nhầm khi quyết định dấn thân vào cái nghề khó khăn nhưng đầy quyến rũ này. Quả thật Hà có một ngoại hình đẹp nhưng không lấy gì làm đặc sắc cho lắm. Khi thi vào trường điện ảnh, cái làm cho các vị trong ban giám khảo chú ý tới cô có lẽ là sự nhạy cảm. Trong tiểu phẩm thi với tình huống giả định: một cô gái được tin anh trai mình hy sinh ở ngoài mặt trận, Hà đã khóc òa lên, khóc nức nở, làm tất cả những người có mặt phải nghẹn ngào. Sau đó trong giờ giải lao một vị giám khảo đứng tuổi đến gần cô hỏi nhỏ: có phải trong gia đình cô có anh trai hy sinh thật không và biết chắc chắn rằng tiểu phẩm kia chỉ là sản phẩm của hư cấu thì toàn thể ban giám khảo nhất trí cho cô mười điểm về môn diễn xuất. Hà đã trúng tuyển. Trong những năm học ở trường, Hà được mệnh danh là "Hà mau nước mắt". Tiểu phẩm nào cần đến những cảnh trào nước mắt là ắt phải có mặt cô. Tuy vậy khả năng nhạy bén ấy cô chưa được lần nào ứng dụng trước ống kính. Bởi vậy khi cầm đến kịch bản của bộ phim sắp làm, cô hiểu rằng đây là thời cơ có một không hai để bộc lộ hết khả năng tiềm ẩn của mình. Ôi những giọt nước mắt được quay cận cảnh trước ống kính, được phóng đại lên màn ảnh có sức gợi cảm biết bao! Cứ nghĩ đến những tình huống trong phim là nước mắt cô cứ chực trào ra. Lần thứ nhất cô sẽ khóc khi tiễn người yêu ra trận. Lần thứ hai cô sẽ khóc khi bất ngờ gặp anh trong cùng một đơn vị chiến đấu, và lần thứ ba cô sẽ khóc vì sung sướng khi cả hai cùng được giao nhiệm vụ đi sâu vào lòng địch để thực hiện một phương án tác chiến cực kỳ táo bạo. Những ngày chiến đấu trong nội thành, những phút chờ đợi lập chiến công, rồi cả hai cùng hoàn thành nhiệm vụ trở về căn cứ an toàn... và cuối cùng là những giọt nước mắt hân hoan trong ngày lễ mừng công. Một bộ phim mà theo như đạo diễn Lê Văn tuyên bố sẽ mang tính sử thi anh hùng ca nhưng lại chứa đầy mầu sắc trữ tình lãng mạn. Hà chờ đợi từng phút từng giây ngày bấm máy. Đến gần ngày quay cô lại biết được một tin vui: bạn diễn của cô sẽ là nghệ sĩ Ưu tú Trần Thái. Được đóng đôi với một diễn viên tầm cỡ như vậy là một may mắn cho những ai mới bước vào nghề như cô. Xin nói đôi chút về người nghệ sĩ này. Anh cao một mét bảy mươi, vóc người cân đối, sống mũi cao (hơi quá cao), mồm rộng với hàng râu quai nón lún phún xanh. Có điều gương mặt ấy trắng quá nên trong chỗ bạn bè thân mật người ta thường gọi anh bằng cái tên "Thái Tây lai". Thái đóng nhiều phim, không kể hết... Anh mê điện ảnh lừ ngày còn ngồi trên ghế trường phổ thông. Những ngày ấy anh thích la cà vào các rạp chiếu bóng, thu thập ảnh các tài tử xi- nê hơn là công việc đèn sách. Niềm say mê đó anh đã phải trả bằng một cái giá khá đắt. Hai năm liền anh thi trượt đại học và đến lúc không còn lý do gì để trốn nghĩa vụ quân sự được nữa thì vận may ập đến. Trong một quán cà-phê nọ khi Thái vừa trả tiền xong bước ra cửa thì một người đàn ông đeo kính râm to bản đến vỗ nhẹ vào vai anh hỏi địa chỉ nhà riêng. Hai hôm sau Thái được mời lên Xưởng phim chụp ảnh, quay thử và lập tức được chấm vào vai một thanh niên du đãng trong bộ phim Tình cuối của đạo diễn Lê Văn. Vào thời điểm ngay sau ngày giải phóng miền nam, việc đi lại giữa hai miền còn khó khăn, không phải ai cũng được nhìn tận mắt những phố phường xa lạ, những khung cảnh ăn chơi của một thời đã qua. Bộ phim Tình cuối đã đánh trúng cái tâm lý đó của đông đảo khán giả. Báo chí ca ngợi tính tố cáo kịp thời chế độ thực dân kiểu mới, còn khán giả thì đổ xô đi xem để thỏa chí tò mò. Sau phim đó đạo diễn Lê Văn được liệt vào hàng đạo diễn có hạng và diễn viên Trần Thái được nổi danh bởi những màn phóng Honda bắn súng lục rất ngoạn mục. Cuộc đời anh từ đấy sang trang.
Không ai nhớ hết những vai anh đã đóng, lúc thì kỹ sư trẻ có nhiều sáng kiến, lúc là tiểu đội trưởng trinh sát, rồi công an hình sự, thuyền trưởng tàu viễn dương... lại có khi anh là ca sĩ, phó tiến sĩ du học nước ngoài về... Nếu phải đóng những vai phản diện thì cấp bậc của anh bao giờ cũng từ sĩ quan trở lên. Trong những bộ quân phục sĩ quan địch, trông anh lại càng hào hoa. Thì ra niềm đam mê từ thuở nhỏ đã không phụ anh và ân nhân của đời anh là đạo diễn Lê Văn.
Mọi việc chuẩn bị cho ngày xuất quân của đoàn làm phim đã được hoàn tất. Cấp trên đã duyệt cho đoàn một kinh phí khá đặc biệt xuất phát từ ý nghĩa chính trị của bộ phim tương lai. Nó lớn gấp năm lần kinh phí trung bình cho các phim khác. Dĩ nhiên sẽ là bất công nếu không kể tới công lao chạy chọt cửa trước cửa sau của chủ nhiệm phim cùng những hứa hẹn cam kết với những người có thẩm quyền về các khoản chia chác sẽ được hợp pháp hóa trong quá trình chi tiêu của đoàn làm phim sau này. Đến phút chót trước ngày đoàn lên đường bỗng xảy ra một chuyện trục trặc. Đạo diễn Lê Văn sực nhớ trong phim có nhiều cảnh quay nguy hiểm cần phải có người đóng thay cho diễn viên chính. Trong bảng chức danh nghề nghiệp quy định cho một đoàn làm phim không có chức danh này. Tổng dự toán của phim cũng không dự trù cho cái khoản chi đột xuất này. Chủ nhiệm tranh luận với đạo diễn, đạo diễn cãi lại với chủ nhiệm nhưng rồi cuối cùng mọi việc đều được thu xếp ổn thỏa. Đoàn làm phim vẫn lên đường đúng ngày đã ấn định, riêng phó đạo diễn sẽ đi sau cùng. Anh được giao ở lại cầm giấy giới thiệu của Xưởng phim đến Bộ tư lệnh đặc công. Đó là sáng kiến của chủ nhiệm Nhàn, một người cực kỳ tháo vát và biết tìm ra lối thoát trong mọi tình huống.
Khi người chiến sĩ đặc công có tên là Hiếu đến đoàn làm phim thì mọi người đều phải công nhận rằng từ vóc dáng cho đến cả gương mặt anh rất giống với diễn viên Trần Thái, chỉ khác có nước da. Da anh đen hơn và đôi lông mày rậm hơn. Đã 35 tuổi mà anh vẫn chưa vợ. Đi chiến đấu suốt bảy năm ở chiến trường miền nam, rồi được điều ra bắc làm huấn luyện. Đơn vị đóng quân ở một vùng núi non xa cách dân cư nên anh chẳng có điều kiện được gặp ai ngoài đồng đội và những lính mới nhập ngũ. Mỗi năm vài ngày nghỉ phép vội vã về nhà anh cũng chẳng kịp để ý đến cô gái nào mặc cho sự nôn nóng của bà mẹ già và các bà chị đã con đàn con lũ. Được đơn vị giao nhiệm vụ, anh hăm hở lên đường, nhớ lời thủ trưởng căn dặn trước khi đi: Phải coi đây cũng là một nhiệm vụ chiến đấu.
Đoàn làm phim đang quay tại một khu rừng cách thị xã Biên Hòa không xa. Khung cảnh giống hệt như Trường Sơn những năm đánh Mỹ. Chưa có những pha nguy hiểm nên chưa ai cần đến Hiếu. Cũng chẳng ai cho anh biết nội dung phim. Hằng ngày anh có mặt tại đoàn như một khách tham quan. Hôm đầu tiên đến hiện trường để lại cho Hiếu một ấn tượng thật lạ lùng. Anh thấy người ta đốt lên một làn khói trắng nhẹ như sương lan khắp khu rừng làm những lia nắng xuyên qua kẽ lá bỗng hiện lên rõ mồn một. Hiếu bàng hoàng nhận ra giữa những tia nắng đó có một người từ xa đi lại. Một cô gái đầu đội mũ tai bèo, áo bà ba ôm sát thân hình thon thả. Gió khẽ lay động trong vòm lá, gió lay động chiếc khăn rằn vắt trên vai cô gái. Từ phía khác có một chiến sĩ đeo súng ngắn ngang hông chạy lại. Họ gặp nhau dưới gốc cây... Bỗng có tiếng quát thật to làm Hiếu giật mình: STOP! Đạo diễn Lê Văn đến bên hai diễn viên giảng giải:
- Hai người yêu nhau, xa cách lâu ngày, gặp lại nhau. Tình cảm phải như thế nào chứ- Rồi ông đạo diễn thét lên:- Phải ôm lấy nhau, phải vồ lấy nhau... sát vào nhau hơn nữa... cứ coi như xung quanh không có ai, chỉ có hai người. Làm lại!- Rồi ông quay nhìn chung quanh ra lệnh:- Khói trắng đâu? Đốt thêm lên. Tản đều ra như một lớp sương mỏng thôi.
Khói trắng bắt đầu dâng lên... Cô gái lại xuất hiện giữa những tia nắng... Gió khẽ lay động trong vòm lá... Chiếc khăn rằn đung đưa theo nhịp bước... Người chiến sĩ chạy tới... Họ ôm nhau... STOP! Có tiếng đạo diễn hô: Chuẩn bị quay lần ba!
Và khói lại dâng lên... và cô gái lại xuất hiện giữa những tia nắng... Bỗng STOP! Mọi người ngừng lại ngạc nhiên nhìn về phía đạo diễn đang giải thích cho quay phim:
- Không có gió, mất đi chất thơ, cậu hiểu không?
Chừng 15 phút sau khu rừng xào xạc gió, nhưng một đám mây che lấp mặt trời làm mất đi những tia nắng xuyên qua kẽ lá. Tất cả lại kiên nhẫn chờ đợi. Hai diễn viên chính ngồi nghỉ dưới gốc cây. Người diễn viên nam nói gì đó làm cô gái bật cười. Tiếng cười vang lên trong khu rừng làm Hiếu chợt bồi hồi xao xuyến. Anh nhìn thấy đôi vai và mái tóc dày rung lên sau mỗi nhịp cười. Bất giác cô gái quay lại nhìn về phía anh. Trong ánh sáng của khu rừng khuôn mặt cô trở nên xanh xao... Hiếu sững sờ nhìn cô hồi lâu. Cô gái dường như cũng nhận ra điều đó. Bỗng có tiếng ai đó hô to: Có nắng rồi ! Tất cả trở về vị trí. Bối cảnh Trường Sơn người ta phải quay một tuần liền mới xong. Ngày nào Hiếu cũng có mặt với đoàn từ sáng cho tới khi tắt nắng, và ngày nào cũng vậy, anh ngẩn ngơ ngắm nhìn Hà mỗi khi cô vừa hóa trang xong, khoác lên mình bộ bà ba đen. Trần Thái vốn dày dạn trong lĩnh vực này nên nhận ra ngay hiện tượng bất thường ấy. Một lần sau khi quay xong, lên xe trở về khách sạn, Thái nói khẽ vào vai Hà: - Cô bỏ bom anh chàng bộ đội rồi. Trông có vẻ si tình lắm.
Hai người được một trận cười ngặt nghẽo. Nhưng từ đó Hà bắt đầu để ý đến anh chàng bộ đội có mặt trong đoàn như một cái bóng. Cứ mỗi lần cô mặc trang phục, hóa trang xong là anh lại đến gần, không nói năng gì, cũng không gợi chuyện làm quen. Những lúc ấy Hà vờ như không hay biết thản nhiên đọc kịch bản để ôn lời thoại coi như không có sự hiện diện của anh.
Những cảnh nhỏ của trường đoạn rừng đã được quay xong. Còn lại là những đại cảnh. Hôm ấy cả đoàn đến địa điểm quay rất sớm. Chủ nhiệm phim thương lượng với địa phương xin đốt một vạt rừng. Người ta bôi cơ-rếp tẩm xăng vào các thân cây rồi cùng một lúc nổi lửa hệt như sau một trận bom na-pan. Hiếu phải băng mình qua biển lửa đó. Bom nổ tung trời (dĩ nhiên đó là những quả bộc phá bằng tro trộn với mùn cưa). Nhưng lửa thì đích thực là lửa. Máy quay đặt thật xa để thâu trọn khu rừng và cũng là để khỏi lộ mặt Hiếu. Hiếu di chuyển thoăn thoắt giữa biển lửa đó. Anh cũng không biết đến bao giờ thì ngừng vì không nghe được tiếng hô của đạo diễn. Trong lúc đó người ta đã chuyển sang quay những cận cảnh diễn viên Trần Thái với gương mặt đen xạm khói, quần, áo tả tơi. Đạo diễn đích thân cầm ca nước vẩy vào mặt anh để tạo những giọt mồ hôi. Tiếp đến là cảnh Hiếu băng qua thác lũ. Anh chỉ còn là một chấm đen vật lộn trong xoáy nước ngầu bọt trắng xóa. Khi Hiếu lên được tới bờ thì đạo diễn hô tắt máy. Diễn viên Trần Thái đứng vào vị trí của anh, lê từng bước nặng nhọc đi về phía ống kính, để lại sau lưng con suối đang gầm thét. Hiếu làm việc tận tình đến nỗi đạo diễn Lê Văn không thể đòi hỏi gì hơn ở anh. Còn Trần Thái thì mừng thầm sau chuyến này chắc chắn anh lại gặt hái một thành công mới nữa. Dần dà anh cảm thấy như Hiếu chính là mình vậy. Những cảnh hành quân leo núi, không có gì nguy hiểm Thái cũng đề nghị Hiếu đeo ba-lô đi thay anh. Đạo diễn chỉ cần bổ sung vài cận mặt Thái còng lưng dưới chiếc ba-lô nặng trĩu trên vai, thế là xong. Đoàn làm phim di chuyển địa điểm về một thành phố lớn, nơi sẽ diễn ra những cảnh tượng còn ngoạn mục hơn với những trận đột kích táo bạo vào sào huyệt địch, những pha đuổi bắt làm đứng tim người xem. Chủ nhiệm Nhàn liên hệ với tổng kho Long Bình mượn được đầy đủ trang phục vũ khí cho một tiểu đoàn địch. Hàng tấn thuốc nổ, khói đen, khói mầu, ét-xăng, cờ-rếp được di chuyển đến các địa điểm đã được quy định. Một phương án tác chiến đã được sắp đặt chu đáo dưới quyền chỉ huy tối cao của người tổng tư lệnh là đạo diễn Lê Văn. Những ngày ấy ông cầm loa pin đi giữa hiện trường hệt như một vị thủ trưởng sắp xung trận. Lại những cảnh khói lửa ngút trời. Trần Thái, trong vai người chiến sĩ cùng đồng đội xông thẳng vào sào huyệt địch. Những cận cảnh được quay từ nhiều góc độ: Trần Thái bóp cò, nghiến răng, nòng súng bốc lửa... những xác địch nằm ngổn ngang và bao giờ cũng vậy, những cảnh nguy hiểm người ta dồn lại để quay sau cùng.
Hiếu lại có dịp được làm việc. Theo yêu cầu của đạo diễn, lần này anh phải nhảy qua những hàng rào kẽm gai dựng đứng như một bức thành, rồi leo theo ống máng nước lên nóc tòa nhà cao 9 tầng, từ đó nhảy sang nóc tòa lầu khác... ống kính khi hất ngược lên, khi chúc xuống, thu trọn cái bóng nhỏ nhoi của anh thoắt ẩn thoắt hiện giữa đô thành rực lửa. Hà không được chứng kiến những cảnh quay đó. Những ngày ấy cô được nghỉ, nhưng không lúc nào được ngồi yên . Luôn có người mời cô đi đây đi đó để tiếp xúc với giới hâm mộ điện ảnh. Chưa bao giờ cô cảm thấy hạnh phúc như vậy. Lao động của một đoàn làm phim là một loại lao động đặc biệt - không hẳn lao động trí óc mà cũng không hẳn lao động chân tay. Người thì tất bật khuân vác những vật nặng như đường ray, cần trục. Người lại tỷ mẩn ngồi tết những sợi lông mi... Người suốt ngày ghi ghi chép chép, lại có người chỉ ngồi không bóp trán suy tư. Mỗi người một phần việc, ít ai can thiệp hoặc làm thay cho ai . Đôi khi họ tranh cãi nhau như mổ bò, nhưng rồi lại dàn hòa ngay sau đó. Tối đến hoặc những ngày mưa gió đố ai nhìn thấy mặt họ. Mỗi người có một thú vui riêng, có khi họ đi thâu đêm suốt sáng nhưng đúng lúc cần làm việc lại có mặt đông đủ. Những lúc rỗi rãi Hiếu chẳng biết đi đâu ngoài ra vào nơi nhà trọ hết đọc sách lại ngủ... mà có ngủ được đâu. Nếp sinh hoạt của người lính bị đảo lộn, sự nhàn rỗi làm anh thấy khó chịu. Một đêm không ngủ được Hiếu quyết định xuống đường thì gặp Hà từ buồng của Trần Thái bước ra. Cô ngượng ngập nhìn anh định chào nhưng Hiếu đã đi khuất xuống cầu thang. Sau một vài lần chạm trán như vậy, Hiếu bèn xin chủ nhiệm chuyển sang ở tầng khác. Việc đó làm Hà áy náy vô cùng. Cô định bụng sẽ gặp thẳng anh để nói chuyện nhưng Hiếu cố tình lảng tránh. Một buổi chiều Hà quyết định gõ cửa phòng anh.
- Anh Hiếu. Tôi muốn làm việc với anh.
Hà nói vẻ nghiêm nghị.
- Việc gì vậy?- Hiếu ngạc nhiên.
- Việc đóng phim- Hà đáp- Mai anh sẽ diễn cùng tôi.
Hiếu trở nên lúng túng hỏi lại:
- Sao tôi không thấy ông đạo diễn bảo gì cả?
- Ngày mai ông ấy mới nói cụ thể. Đây là trường đoạn duy nhất trong phim tôi diễn cùng anh.
Hiếu mời Hà ngồi, hỏi tiếp:
- Vậy tôi phải làm gì bây giờ?
Hà ngồi xuống ghế ôn tồn giải thích:
- Mỗi khi sắp diễn một đoạn nào thì tối hôm trước các diễn viên phải tập với nhau. Tôi vẫn làm như vậy với anh Thái, mặc dầu anh ấy là một diễn viên giàu kinh nghiệm.
Hiếu bắt đầu hiểu những gì Hà muốn nói trong cuộc viếng thăm đường đột này. Anh nhìn Hà khẽ cười rồi nói :
- Cô Hà ạ... Đây là lần đầu tiên tôi làm việc cùng các nghệ sĩ. Có điều gì không biết cô chỉ bảo cho.
Hà đặt lên bàn cuốn kịch bản, lật tìm trang cần đọc, nói:
- Đoạn này tuy không có thoại nhưng lúc diễn vẫn phải lột tả cho được tâm trạng bên trong của nhân vật. Anh cứ đọc đi đã.
Theo yêu cầu của kịch bản, Hiếu bị quân cảnh địch săn đuổi. Anh phải chạy qua một chiếc cầu để đến chỗ hẹn. Nhưng muốn nhanh chóng thoát khỏi vòng vây, anh đã nhảy từ trên cao xuống mặt đường. Vừa lúc đó chiếc ô-tô của giao liên nội thành lao tới đón anh phóng ra ngoại ô. Trường đoạn này đạo diễn muốn thu trọn trong một cú máy để tăng tính chân thật. Trước lúc quay, Hà nhận thấy người bạn diễn của mình bồn chồn đứng ngồi không yên. Cô muốn động viên anh nhưng lại thôi. Anh chỉ là cái bóng trên màn ảnh. Hà có mặt ở điểm quy định khi những cảnh săn đuổi trên cầu đã quay xong. Cô ngồi lên chiếc xe con nổ máy sẵn chờ hiệu lệnh. Có tiếng hô quen thuộc của đạo diễn: Tất cả chuẩn bị? Máy! Bắt đầu. Lá cờ đỏ trong tay người trợ lý đạo diễn bỗng vẫy mạnh. Xe ô-tô lao tới. Bỗng có tiếng kêu thất thanh của ai đó. Chiếc xe phanh két đột ngột. Hà nhìn thấy Hiếu nằm sóng soài trên mặt đường ngay trước mũi xe. Cô lao ra ngoài chạy đến nâng anh dậy nhưng toàn thân anh mềm nhũn, bất động. Một dòng máu đỏ chầm chậm chảy ra từ khóe môi. Những người trong đoàn phim ùn đến, bế xốc anh lên ô-tô. Chiếc xe lao đi. Tất cả đoàn phim bàng hoàng, không ai thiết làm gì nữa. Lát sau chủ nhiệm phim phóng xe trở lại trấn an mọi người:
- Chỉ bị thương nhẹ thôi. Anh chị em cứ tiếp tục làm việc.
Rồi gọi đạo diễn ra một góc riêng, ông trao đổi nhỏ:
- Cảnh vừa rồi quay được chưa?
Đạo diễn gật đầu.
- Vậy tiếp theo anh định xử lý thế nào?
Đạo diễn Lê Văn suy nghĩ giây lát rồi trả lời:
- Được. Tôi đã có cách.
Quay ra phía đoàn làm phim, ông dõng dạc lên tiếng:
- Tất cả về vị trí. Tiếp tục quay. Trần Thái đâu?
- Cậu nằm vào đúng chỗ kia- Đạo diễn chỉ về phía có vết máu trên mặt đường nhựa- Coi như cậu vừa nhảy xuống, bị thương, nhưng khi cô gái biệt động thành, người yêu của mình từ trên xe lao tới, thì vùng dậy. Cô gái dìu cậu lên xe, xe phóng đi. Rõ chưa?
- Rõ.
- Hóa trang đâu?- Đạo diễn ra lệnh tiếp. Cho ít máu lên mặt diễn viên.
Cô hóa trang vội vã xách túi đồ nghề chạy đến. Những vệt máu đỏ tươi được thận trọng điểm lên mặt người diễn viên đang nằm ngửa trên mặt đường.
- Tất cả chuẩn bị - Tiếng đạo diễn hô- Máy! Bắt đầu!
Một giây im lặng... rồi hai giây... năm giây trôi qua... Có tiếng quát của đạo diễn.
- Hà đâu? Vào hình đi !
Nhưng không thấy Hà đâu cả. Tất cả đoàn làm phim nhớn nhác nhìn quanh tìm. Hà không có thật. Nhanh trí đạo diễn lập tức ra lệnh:
- Cô hóa trang đâu? Mặc trang phục của nhân vật vào nhanh lên. Đóng thay cô Hà.
Máy bắt từ sau lưng. Người xem lúc này chỉ chú ý đến nhân vật nam. Không ai nhận ra được sự khác biệt.
Trong lúc đó tại bệnh viện, các bác sĩ đang ra sức cứu chữa cho Hiếu. Anh bị chấn thương sọ não. Người ta nghi rằng có thể anh bị xuất huyết ở bên trong nên nạn nhân hôn mê. Khi Hà đến nơi thì Hiếu đã được đưa vào phòng mổ. Cô cảm thấy mình có lỗi với anh, với những tình cảm âm thầm của anh trong những ngày qua. Cô đinh ninh rằng tất cả chỉ vì cô mà anh đã hồi hộp, mất bình tĩnh khi lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất anh được đóng cùng với cô. Đến chiều tối thì Hiếu dần dần tỉnh lại. Khi mở mắt ra, trong làn khói mỏng như sương, anh nhìn thấy gương mặt một người con gái. Hiếu mấp máy môi như muốn gọi nhưng một vật gì đó đè nặng lên ngực làm anh không cất tiếng được. Hà khẽ lay anh gọi:
- Anh Hiếu... Em đây mà... Em là Hà đây mà... Anh có nhận ra em không?
Nhưng anh không nhận ra. Anh lại chìm thiếp đi vào cơn mê.
Tối hôm đó rất khuya Hà mới trở về khách sạn. Cô lấy chìa khóa sang buồng anh thu dọn đồ đạc để sáng mai trả lại căn buồng cho nhà trọ. Chẳng có gì nhiều ngoài chiếc túi xách với vài bộ quần áo lính, vài cuốn truyện anh mới mua có lẽ chưa kịp đọc. Hà nhìn thấy trên mặt bàn một bức thư đang viết dở. Cô hồi hộp nghĩ rằng có lẽ là bức thư anh viết cho cô. Nhưng không phải. Bức thư viết cho một người bạn nào đó. Thư viết như sau: "Định vào tới nơi sẽ viết thư ngay cho cậu. Nhưng công việc chưa xong nên chưa thực hiện được lời hứa. Chuyện đóng phim thì không có gì đáng kể. Chỉ biết đây là một bộ phim về chiến tranh, mà chiến tranh thì bọn mình không lạ gì. Riêng có một chuyện tình cờ mình muốn kể cho cậu. Ngay hôm đầu tiên đến chỗ đoàn quay phim mình nhìn thấy một cô gái tên là Hà. Cứ mỗi lần cô mặc bộ đồ bà ba đen vào người trông giống hệt cô giao liên ngày nào chúng mình cùng yêu. Giống đến mức mình phải sững sờ. Chẳng lẽ cô ấy còn sống? Nhưng không phải. Cô ta là một diễn viên và chỉ giống lúc đóng phim thôi. Xong việc, đoàn phim hứa sẽ bồi dưỡng cho ít tiền, mình sẽ lên Tây Ninh tìm thăm mộ cô ấy...".
Đọc tới đây Hà cảm thấy hụt hẫng như người đang rơi từ trên cao xuống. Cô không khóc được, chỉ cảm thấy trong miệng mặn đắng, vị mặn đắng của những giọt nước mắt khô.
Ba tháng sau bộ phim hoàn thành. Những khung cảnh chiến trường ngoạn mục trên phim làm nhiều người trầm trồ tán thưởng. Những buổi chiếu ra mắt, những cuộc chiêu đãi, gặp gỡ tiếp xúc với khán giả làm Hà bận bịu không lúc nào ngơi. Đôi lúc cô muốn gặp lại Hiếu, nghe nói anh đã ra viện, nhưng biết anh ở đâu mà tìm, ngay cả địa chỉ của anh Hà cũng không kịp hỏi. Một lần gặp đạo diễn Lê Văn, Hà thổ lộ nỗi băn khoăn của mình. Ông đạo diễn sau một giây im lặng, nói với cô như sau: Trong cuộc đời muốn làm được một cái gì đó để mọi người tán thưởng, cần phải có những người hình nhân thế mạng. Họ có rất nhiều. Đấy là chuyện thường tình.
Nhìn đôi mắt lạnh lùng của đạo diễn Lê Văn, Hà thấy nổi gai khắp mình. Dường như đoán được những tình cảm xáo trộn trong cô, người đạo diễn giảng giải tiếp:
- Chuyện không may này xảy ra không phải lỗi tại chúng ta. Chỉ vì anh ấy quá tin vào những việc mình làm. Giá anh ấy hiểu được rằng đây chỉ là một trò giả.
- Một trò giả?- Hà ngạc nhiên hỏi lại.
Đạo diễn mỉm cười gật đầu:
- Chiến tranh đâu có như trong phim của chúng ta.
Sau phim đó người ta không thấy tên diễn viên Thúy Hà xuất hiện trên bất cứ bộ phim nào nữa. Thực ra cũng có đôi lần cô được mời quay thử trong một vài vai, nhưng khả năng nhạy cảm không còn như xưa, nghĩa là những lúc đạo diễn cần cô khóc thì mắt cô lại cứ ráo hoảnh. Nhiều người tỏ ý tiếc cho một tài năng mới nhú đã chóng tàn. Cô đã giã từ màn ảnh, lấy chồng, có con, có một sạp hàng nho nhỏ trong chợ. Một hôm có một người khách dừng lại trước sạp của cô chọn mua một chiếc túi xách. Hà mừng rỡ nhận ra người bộ đội đóng phim năm nào. Anh cho biết anh đã được đơn vị cho xuất ngũ về quê với giấy chứng nhận thương binh loại hai. Khi Hà nhắc lại chuyện cũ, người thương binh chỉ cười rồi nói:
- Có gì đâu... nhiều bạn bè tôi đi chiến đấu còn bị thương nặng hơn tôi nhiều. Có người còn không trở về... Tôi cũng như họ, chỉ là người chấp hành nhiệm vụ của trên giao.
Rồi anh vui vẻ kể cho Hà nghe có lần ở bãi chiếu bóng làng anh chiếu bộ phim của đạo diễn Lê Văn. Anh rủ bà con trong xóm đi xem nhưng không ai nhìn thấy bóng dáng của anh đâu cả. Không ai biết rằng đã có lần anh đóng phim. Hà cố giữ anh lại, mời về nhà ăn cơm, nhưng anh từ chối vì phải đáp tàu lên biên giới hẹn sẽ ghé lại khi trở về. Anh hỏi Hà giá cả của một số mặt hàng lặt vặt rồi vội vã chia tay. Nhìn cái dáng cao gầy của anh đi khuất về phía ga nhập vào đoàn người đi buôn lên biên giới, nước mắt Hà lại chực trào ra, nhưng cô không khóc được nữa, cô không còn là "Hà mau nước mắt" như xưa nữa rồi.