Bọn họ ba người, một làm tham tá công nhật tại tòa sứ, một dạy tư, và một học năm cuối cùng ban trung học. Cả ba suýt soát tuổi hai mươi hai, hai mươi ba; anh tham và anh giáo ra trường mới một năm, cũng còn trẻ.
Họ ở chung một gian nhà vừa mới thuê lại của một gia đình người bắc và đang ăn cơm quán. Có lẽ bắt đầu từ ngày mai họ sẽ sắp xếp lại việc ăn ở cho có nề nếp hơn, chứ hai hôm nay mới dọn đến ở, mọi việc còn lôi thôi lắm, chưa thể tính toán được gì.
Từ đầu năm học đến nay, ăn ở là việc phiền phức nhất đối với họ - hay họ cho là thế! Nơi này rộng rãi, yên tĩnh, thì không điện nước. Chỗ khác điện nước hẳn hoi, lại chật chội, ồn ào. Còn tìm thuê phố riêng ở với nhau thì chẳng nên nghĩ đến trong lúc khan hiếm nhà này.
ăn ở lôi thôi, nên đời họ cũng lằng nhằng theo. Đã mấy lần anh học trò định áp dụng thời khóa biểu hàng ngày của anh, mà chưa làm được. Mà nào có khó gì, chỉ là: bỏ thì giờ đi vu vơ ngoài đường sau buổi học chiều, để ở nhà đọc sách. Buổi tối ngồi yên học từ 7 giờ đến 10 giờ rưỡi: sáng dậy tập thể dục từ 4 giờ rưỡi đến 5 giờ. Học bài từ 5 giờ đến 6 giờ, trước khi đến trường. Còn những chi tiết khác nữa, nhưng theo được những điều đã quy định trên thì những chi tiết sẽ thực hiện theo.
Mấy lần dọc đường, hay nửa đêm sực tỉnh, anh quả quyết là về đến nhà, hay sáng hôm sau dậy, anh phải "bắt đầu làm". Nhưng về đến nhà, hay sáng hôm sau dậy, thấy chỗ ăn ở anh lại phát ngán, nên hẹn lại một vài ngày sau. Cứ vậy ngày tháng trôi qua, anh chỉ học hành qua loa, vừa đủ xong bài vở nhà trường, rồi ra dạo chơi vu vơ ngoài đường, hay về vui đùa trước cổng, trong sân. Mà cuối năm anh phải thi rồi. Chương trình "tú tài" toán học lơ là đừng hòng thi đỗ. Hôm nay đã hết năm tây, ngày 31 tháng 12, 31 tháng 12. Tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12, đã ba tháng rưỡi! Mai đầu năm tây, một tháng nữa là đầu năm ta! Gần nửa năm học qua, làm sao cho kịp? Anh cuống cuồng lên - và đã nhiều lần cuống cuồng như vậy!
Hai anh kia không thi cử gì, không thấy cái cần kíp thúc giục như anh này, nhưng cũng có mỗi người một chương trình chờ thực hiện. Chương trình của hai anh có chỗ giống nhau, chẳng hạn như về tài chính.
Hai anh mới ra đi làm, anh tham trước anh giáo hai tháng. Anh tham đỗ tham tá tháng 3 tây, đi làm tháng 7. Anh giáo bắt đầu đi dạy từ tháng 9. Chưa đi làm hai anh tính cuộc đời tài chính của mình sẽ thong dong lắm. Cả hai đều chưa vợ, lại chẳng phải gánh vác các chuyện gia đình khác, lương tháng cũng khá, hai người dồn lại gần bốn trăm. So với hồi còn đi học là "triệu phú", mà chi tiêu thì có gì khác, vẫn tiếp tục đời sống học sinh, ăn ở trọ, chưa mua sắm gì thêm, tiêu xài chẳng hoang phí. Vậy nhưng lạ thật, tiền rơi đi đâu mà tháng nào họ cũng thiếu hụt. Anh tham mượn của anh giáo, anh giáo vay lương trước nhà trường - có lẽ tại nhà cửa, ăn uống lôi thôi, các anh chưa tính toán gì được!
Đó là về tài chính. Còn công việc? Ngoài việc làm ở sở, dạy ở trường, hai anh có dự định gì? Anh tham quyết học chữ Hán. Anh muốn nghiên cứu văn học, mà văn học ta bao gồm cả một phần văn học bằng chữ Hán. Ngoài ra, chữ Hán giúp tiếp xúc với nền văn minh của một nước lớn phương Đông gần gũi ta - văn minh Trung Quốc. Anh quyết sẽ học cho thông thạo chữ Hán, dẫu phải năm năm, mười năm!
Anh kia lười hơn. Nói lười cũng không đúng. Công việc anh hướng về phía khác. Anh không phải là nhà nghiên cứu, tìm tòi. Anh muốn làm người sáng tác, tìm tòi ngay trong lòng mình, trong đời sống chung quanh, để viết. Anh cũng tiếc là từ ngày nhỏ đã bỏ phí những giờ học chữ Hán, nhưng nay bắt đầu học lại thì thấy mênh mông quá! Anh tạm bằng lòng với cái vốn chữ Pháp của mình đã học được, và định bắt tay ngay vào quyển tiểu thuyết "Tuổi 20" của anh. Quyển tiểu thuyết sẽ bộc bạch với mọi người những vui buồn, sướng khổ của những người cùng tuổi như anh, từ 18 đến 25 trong cái "tuổi 20". Cái tuổi băn khoăn, nhớ tiếc thời 16 đã qua, và bỡ ngỡ, ngập ngừng trước bóng dáng sắp đến của người ba chục. "Tuổi 20", chuyện anh đã mang trong lòng lâu lắm rồi, hồi còn đi học, hẹn lúc ra trường. Nay ra trường, ngay hôm đầu anh đã đóng một quyển vở khổ lớn, dày bốn trăm trang (chuyện dài lắm, cả một cái tuổi trải qua ngày tháng). Giấy viết đều đã sẵn, nhưng đến nay trên trang đầu quyển vở mới có hai chữ kẻ đậm nét, một chữ thường và hai con số: "Tuổi 20".
Cũng như anh kia, nghiên mực đã sắm đủ, và nào là "Sách dạy chữ Hán", "Mẹo chữ Hán", nào "Hán văn độc bản", "Nam Hoa tự điển", "Hán Việt tự điển"... mà quyển vở giấy bản đóng xong, giấy trắng vẫn trắng nguyên. Các anh sợ làm tổn thương sự trinh bạch của giấy trắng hay sao?
Còn đây nữa là chuyện tình cảm.
Anh tham không có một tình yêu nào nhất định. Anh yêu vu vơ, tùy buổi chiều vàng hay xám, buổi mai tươi hay sẫm, một cặp mắt, một sống mũi, hay một mái tóc tình cờ thấy dọc đường. Đôi lần anh theo đuổi người ta một đỗi, rồi vì một cớ gì, hoặc họ không ngó lại, hoặc lòng anh bỗng nhiên chán nản, hay thấy đường đi lui lại quá xa, anh lủi thủi trở về, kể lại với hai bạn để nhớ tiếc vơ vẩn một vài ngày đầu. Tình yêu của anh rải rác dọc đường, nhớ tiếc đành gửi cho chiếu chăn, cho lòng bạn, hay bóng chim ngang trời. Tình cảm vu vơ, càng khiến cuộc sống thêm tạm bợ, chờ một ngày gửi gắm nơi ai cho nhất định một người...
Anh giáo thì có hẳn một người, thuộc mặt mày, biết rõ tên tuổi, nhưng tình còn mập mờ, chưa hiểu đen trắng thế nào? Gặp nhau một chiều năm kia, bắt đầu "kết bạn" vì nhút nhát, và cũng vì nhút nhát, nên dần dần hết "bạn bè" lại đến "anh em". "Anh em" từ lúc nào mà ác vậy? Có lẽ từ buổi anh thôi xưng tên mình và thôi gọi người bằng tên, để thế vào bằng những tiếng "anh, em" cho thân mật. Không ngờ người chụp lấy dịp đó mà tự xưng là "em gái" và gọi anh là "anh lớn". "Em gái của anh, anh lớn của em!". Người con gái nào lại không có những cái khôn vặt đó, nhưng con đường trở nên bế tắc đối với anh. Còn là "bạn bè" thì còn mong có lúc đủ can đảm dắt nhau rẽ qua con đường khác, chứ đã là "anh em" thì mở miệng nói những tiếng yêu đương thấy thật là ngượng ngùng! Anh tự dằn vặt, khổ sở, không biết tình thật ra sao, đã rất nhiều lần định hỏi lại nhưng cứ do dự hoài - là vì cuộc đời đang tạm bợ, ăn ở lôi thôi! Anh chờ phải quyết liệt một lần, cho đời anh được sắp xếp lại, "làm lại"...
"Làm lại cuộc đời", đó là mấy tiếng thường lởn vởn trong trí ba anh. Đời lỏng lẻo quá, cần "làm lại" cho chặt chẽ, ngăn nắp. Học siêng năng, giờ làm bài ra giờ làm bài, giờ đọc sách đúng là giờ đọc sách. Công việc ở sở trọn vẹn, về nhà mỗi ngày học được bao nhiêu chữ Hán, tập viết được mấy trang giấy bản? Dạy học, soạn bài chu đáo, tối về nhà ngồi lại bàn viết được mấy trang tiểu thuyết (vì cảm hứng cũng đến với thói quen), và đọc sách vào những lúc nào? Tiền bạc tiêu dùng, dành dụm mỗi ngày bao nhiêu? Yêu thương người nào cho rõ rệt, tình nào cho phân minh... "Làm lại cuộc đời", phải làm lại, cần lắm. Lỏng lẻo mãi thì chết già mà chẳng làm được việc gì, cuộc đời trôi xuôi theo ngày tháng...
Vì vậy mà đêm nay, trong lúc các anh vơ vẩn nhìn lên trần nhà, có anh sực nhớ mai là đầu năm tây, vụt reo lên:
- Bắt đầu mai tao làm lại cuộc đời!
Cả hai anh kia cùng đồng thanh hưởng ứng:
- ừ, ta cũng làm lại cuộc đời!
Và các anh bàn tính. Phải, dịp này tốt nhất. Đầu năm mà làm lại cuộc đời thì có lúc nào hơn. Lại vừa có chỗ ở mới, cuộc đời sẵn đà thay đổi theo.
Bắt đầu từ mai:
- Từ mai, tao sẽ làm ngày một bài tập toán, đọc mỗi ngày một chương sách tham khảo về triết, học kỹ những bài sử, địa, vạn vật... về sau chỉ cần ôn qua, dành thì giờ cho toán, lý, hóa...
- Từ mai, tao sẽ học mỗi ngày năm chữ Hán, chỉ cần năm chữ mỗi ngày mà nhớ mặt kỹ, hiểu nghĩa chắc. Tao sẽ thôi yêu vơ vẩn, không đi qua hàng cô 38, không vào uống bia quán "cô mắt nhung"...
Từ mai tao sẽ đọc mỗi tuần một quyển sách của Gide, Mauriac, Dostoiewsky... sẽ dành ít nhất mỗi tối ba giờ để sống lại và viết tiểu thuyết "Tuổi 20", sáng hôm sau dậy chữa trong một giờ. Tao sẽ đến gặp "người" để hỏi cái câu định đoạt dứt khoát tình của chúng tao!
- Ngày mai!
Mỗi anh có những dự định riêng của mình, dứt khoát, sôi nổi. Cuối cùng, trước khi đi ngủ, xúm nhau lại dọn dẹp trong gian nhà, trên bàn làm việc chung, lên dây cót đồng hồ reo để báo thức đúng 12 giờ khuya. Một anh ra quán gần đó mua hai chai bia lớn, ít bánh kẹo, một thẻ hương, định làm lễ giao thừa cái tết tây này cho long trọng.
Rồi họ rủ nhau đi ngủ, tuy mới có 10 giờ. Nguyện ngủ một giấc ngon lành, để 12 giờ dậy tỉnh táo mà làm lại cuộc đời. Nhưng rồi họ vẫn nói chuyện vu vơ, mãi đến lúc nghe đồng hồ nhà bên cạnh đổ 11 giờ, một anh nhắc:
- Phải im mà ngủ chứ. Ngủ để mai dậy làm lại cuộc đời!
Cả ba mới chịu nằm yên - có lẽ để thao thức!
Riêng anh giáo không ngủ được. Anh nằm nghĩ ngợi lan man, không chỉ việc "làm lại cuộc đời", mà cả những chuyện đâu đâu - cũng lan man như mấy đêm trước!
Đồng hồ nhà bên cạnh đánh nửa tiếng: 11 giờ rưỡi, anh muốn hỏi hai bạn đã ngủ chưa, nhưng lại thôi, sợ phá giấc ngủ của bạn. Hình như họ vừa mới thiếp đi. Anh nhắm mắt, cũng muốn ngủ một lúc, nhưng vẫn không ngủ được. Anh lại thao thức. Những đêm trước đều vậy. ít khi anh ngủ trước 12 giờ.
Anh thao thức... thao thức... tâm trí mờ dần, bỗng giật mình nghe đồng hồ trên đầu reo. Anh đưa tay nhấn nút chuông xuống. Tiếng reo lanh lảnh bặt đi trong thinh không yên lặng, anh loáng thoáng nhớ mình cần phải dậy làm gì đây?... à, "làm lại cuộc đời!...".
Anh ngồi phắt dậy, bật đèn, lay hai bạn:
- Dậy, dậy, 12 giờ rồi!
Và anh tươi tỉnh quên hẳn nỗi mệt nhọc, đờ đẫn trong người vì phải thức giấc trong lúc thiu thiu. Anh vui vẻ, lay hai bạn:
- Dậy đi, giao thừa, năm mới!
Hai bạn ú ớ, quay qua hướng khác. Anh lay mạnh hơn:
- Dậy, dậy đi! Năm mới, mùng Một!
Một bạn hất tay anh, quạu quọ:
- Phá mày, để tao ngủ!
Anh kia nhăn nhó:
- Tao lạy mày, tao vừa chợp mắt!
Anh không tha, tha sao được, phải dậy.
- Dậy mà!
Anh lắc rất mạnh, kéo tung chăn, giật gối. Hai người mở mắt ra, nhìn anh hỏi:
- Dậy làm chi mà mi làm ầm vậy?
Anh hăm hở trả lời:
- Bay quên rồi sao? Làm lại cuộc đời! Mùng Một, năm mới!...
Anh mỉm cười hết sức âu yếm như bà mẹ bên nôi con yêu vừa thức giấc, nhìn vào mắt hai bạn, chờ bạn tỉnh táo ngồi dậy. Hai bạn nhìn vẩn vơ trên trần nhà. Anh chờ, lòng tràn đầy hy vọng. Bỗng anh tham kéo chăn đắp mặt nói:
- Thôi để đầu năm ta. Ai lại theo năm tây lở dở thế này?
Anh kia cũng kéo chăn trùm đầu, nói theo:
- ừ, phải đó, đầu năm ta phải hơn. Không đầy một tháng nữa, có là bao!
Anh giáo chưng hửng. Anh tức lắm, giận lắm. Yếu đuối, hèn mạt quá! Anh không thèm nói nữa. Thây kệ chúng. Chúng không làm, anh vẫn làm. Anh làm lại cuộc đời của riêng anh, cần gì ai?
Anh vùng vằng bước xuống, lại bàn học bật đèn lên, ra trước sân rửa mặt, trở vào lại bên bàn lấy hộp quẹt đốt hương cắm trước mặt. Xong, anh ngồi ngay ngắn trên ghế, lật quyển vở giấy trắng ra, rút bút máy mở nắp, đặt trên trang giấy dưới hai chữ "Tuổi 20", bóc cây kẹo vừa nhai vừa nhìn khói hương lên...
Khói hương lởn vởn trong ánh đèn và lẩn vào bóng tối trên cao, còn phảng phất lại một mùi thơm nhàn nhạt. Anh ngồi như thế, im lặng, mắt nhìn khói hương, mồm nhai kẹo, thỉnh thoảng đưa tay lấy một chiếc khác, bóc giấy, cho vào mồm mà không nghĩ đến. Anh nhìn mà cũng không để ý đến những đốm lửa cứ hạ thấp dần xuống trên thân mấy cây hương, không tăm tiếng. Anh cũng không một cử động nào rõ rệt, im lìm như trong trí anh lúc ấy!
Mãi về sau, tàn hương gập xuống rơi lả tả trên mặt bàn, anh mới như sực tỉnh. Anh nhìn lại gói kẹo và kiểm điểm ý nghĩ của mình. Kẹo anh đã nhai tám chiếc, ý nghĩ không có gì cả. Anh ngồi từ nãy giờ óc trống không.
Anh chợt nhớ lại công việc của mình lúc bấy giờ và tự mỉa mai:
- Mình bắt đầu cuộc đời mới bằng cái không chi, lở dở...
ý nghĩ ấy mỉa mai vì anh tự nhắc lại những phút trống không rất nhiều trong quãng đời mà anh cho là lở dở, cần phải bỏ đi để đêm nay làm lại. Anh bắt đầu cuộc đời mới bằng đặc điểm của quãng đời cũ, thật mỉa mai! Hay là vẫn vậy, vẫn như cũ, không thay đổi gì, không có gì làm lại?
ý nghĩ làm anh xốn xang. Nếu cả đời mà phải sống mãi những ngày tháng lỏng lẻo, vô vị như đã qua, thì không thể được? Đời người không phải là cái có thể kéo dài ra bao nhiêu cũng được. Ngày tháng không thể bỏ mất như những đồng xu. Không, một ngày sống lơi lơi là mất đi một ngày để sống. Mà mình sống được bao nhiêu tháng ngày? Năm nay 23 tuổi, rồi 30, 40, rồi già, rồi chết. Già, chết, mà những năm đã sống trống không, nhạt nhẽo. Già, chết, với cái ân hận không cùng là mình, chẳng làm được gì, mình đã bỏ lỡ đời mình, không kéo lại được! Thật xốn xang! Không, phải tự dựng mình dậy, sống cho chặt chẽ, ngày nào đầy đủ ngày ấy, ngày nào có ý nghĩa của ngày ấy. Phải luôn luôn tự nhắc nhủ: "Đó, một ngày nữa sắp qua, đừng để ân hận vì nó!".
Viết câu ấy bằng chữ to trên tường, trên mặt bàn, mỗi buổi mai dậy, mỗi buổi tối ngủ, đọc câu ấy trăm lần, nghìn lần...
Anh nghe rõ ràng từng giây, từng phút đang đi qua như sỏi, đất lở từng viên, từng mảng, trống to dần cái vực thẳm dưới chân anh. Lạnh lắm! Phải dựng mình dậy, làm lại cuộc đời. Nhưng sao lở dở thế này? Tại hai thằng bạn kia. Nếu chúng cũng ngồi dậy với mình, để cùng hăng hái với nhau. Chúng vẫn ngủ, giấc ngủ mê muội, đần độn. Chúng làm hỏng công việc của mình, lở dở đời mình, ngay trong lúc đầu muốn làm lại - Anh đâm ra oán hai bạn, gán cho hai bạn tất cả sự thất bại của lần làm lại này. Anh ngồi cau có, bực bội...
Một lát sau, lòng dịu lại, anh thấy mình bất công. Tại mình đấy chứ! Các lần trước có hai bạn đâu, mà công việc làm lại của mình cũng chẳng thành. Bao lần rồi mình quyết làm lại cuộc đời, sắp đặt kế hoạch, chương trình, mà vẫn chưa bao giờ làm được. Thứ Ba hẹn đến thứ Sáu, để có một buổi nghỉ chiều thứ Năm làm cái mốc. Thứ Sáu để lại thứ Hai cho trọn tuần. Thứ Hai chờ đầu tháng. Đầu tháng hoãn lại đầu năm... như hai bạn kia, đầu năm tây khất lại đầu năm ta...
Lần nào cũng ngày đầu, tháng chẵn, nhưng bao giờ cũng như bao giờ, vẫn hẹn lại một ngày sau, tháng sau, cho qua ngày tháng lẻ. Qua ngày tháng lẻ, cũng như tiêu cho hết tiền lẻ, tiền với ngày tháng bao giờ lại không lẻ được, vì vậy tiền tiêu hết mà chẳng thấy để dành, ngày tháng qua mà cuộc đời chưa bao giờ làm lại.
Như vậy, lỗi tại ai? Tại mình. Tại sự không kiên quyết, thiếu dũng cảm của mình. Đừng tưởng mình thức dậy được lúc 12 giờ khuya, rửa mặt cho tươi tỉnh, ngồi ngay ngắn bên bàn, đã là quyết định, là chắc chắn rồi. Không, đó chỉ mới là cái bề ngoài để đánh lừa mình. Quyết định là cái gì bên trong, lòng mình, trí mình, cả con người mình. Nhưng hình như tất cả cái đó ươn hèn, yếu ớt, không đứng dậy nổi!
Tại mình, đừng đổ lỗi cho ai. Cũng đừng đổ tại "ăn ở lôi thôi" mà đời mình lỏng lẻo. Mình sống lỏng lẻo thì lầu son, chả phụng, vẫn thấy ăn ở lôi thôi... Tại mình lười, thả lỏng ngày tháng trôi xuôi. Mình hèn, không dựng mình dậy được giữa dòng đời. Đừng đổ lỗi cho ai. Tự mình phải sống siêng năng, chặt chẽ, giờ nào việc ấy, sống cho ngăn nắp, trật tự...
Nhưng...
Đang hăng hái, sôi nổi trong lòng, bỗng anh dừng lại, ngồi thừ. "Sống cho ngăn nắp, trật tự... là thế nào?". Phải chăng đến giờ ăn thì ngồi lại ăn, giờ ngủ nằm xuống ngủ, giờ tập luyện thân thể múa tay giơ chân, giờ dạy học hò hét, giờ chơi vui đùa... cả việc viết văn, đọc sách cũng vậy. Như vậy là sống chặt chẽ, đầy đủ sao?
Anh không tin. Không tin làm đúng vậy, đời anh sẽ hết lỏng lẻo. Anh không muốn sự chặt chẽ, tuần tự của một cái máy, đầu cái máy đó là con người, là cái máy sống, không trơ trơ như gỗ sắt. Không, cuộc đời có cái gì cao rộng, một ý nghĩa mà anh chưa biết đến, nên mới cố buộc mình một cách vô ích vào những khuôn khổ, những chuẩn mực hình thức, không trói buộc được mình, chỉ làm mình thêm ngột ngạt!...
Anh đâm ra bối rối, sợ đời, sợ mình. Cực nhọc quá, mà nào có đến đâu? Ngủ như bạn vậy mà hay. Ngày mai hai bạn thức dậy, mình chẳng có gì hơn, lại mất ngủ, mệt mỏi cả hồn lẫn xác.
Anh chán nản, tắt đèn, trở lại ván để ngủ. Anh nằm sải dài xuống, thả rơi đầu trên gối, lòng buồn rười rượi. Bỗng nghe một tấm chăn ấm đắp ngang qua người mình, và một giọng nho nhỏ, rất an ủi, thì thầm bên tai:
- Tuổi chúng mình nó vậy, mày ạ!