Cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ thành phố đã gây được sự chú ý của dân sành điệu. Tôi đi theo một lão họa sĩ đến xem triển lãm.
Gần 100 bức tranh, hầu hết là của các tác giả mới vào nghề. Lão họa sĩ của tôi có vẻ thích thú và đầy hứng khởi. Ông xem tỉ mỉ từng bức tranh một.
Có một bức tranh ở cuối phòng hút chặt lấy tôi. Tôi mải mê xem, lúc quay lại thấy lão họa sĩ đang đứng ngẩn ra nhìn. Mắt không rời bức tranh, mặt đỏ bừng, ông thở phì phì, nói: "Tay này sẽ làm thầy ta đây".
Bức tranh vẽ một cây bàng cổ thụ. Dáng cây vững chãi, u sần. Lá bàng rực lên như lửa. Có một cụ già tóc bạc phơ đang ngước nhìn theo một chiếc lá bay. Qua gương mặt nhìn nghiêng của cụ, vẫn thấp thoáng nhìn thấy một nét cười mơ hồ, tuyệt đẹp. Xa xa là một ngôi chùa cổ. Xa hơn nữa là núi non xanh biếc trùng điệp sau những làn mây trắng nhẹ. Tất cả bức tranh được phủ lên một lớp sương mỏng. Tuy vậy bức tranh vẫn hừng lên một sự ấm áp bởi chiếc lá rơi chất chứa một ngọn lửa. Có hai câu thơ viết theo lối chữ thảo bằng nét mực Tàu mảnh như sợi tơ:
Chớp mắt ngàn thu quạnh
Về đâu chiếc lá bay.
Tôi đã tìm đến người họa sĩ trẻ, anh tên là Huy. Trái với sự tưởng tượng, tôi đang chờ đợi được dẫn đến một phòng vẽ bề bộn tranh, thuốc màu và các phác thảo. Huy sống trong một căn phòng nhỏ, ngăn nắp với những giá sách đồ sộ cao quá đầu người. Anh cười, như đoán được sự ngạc nhiên của tôi:
- Nghề của tôi là kiến trúc sư mà.
- Nhưng anh đang bước vào một địa hạt mới, đầy triển vọng...
- Cho đến bây giờ, có thể coi đó là bức tranh duy nhất của tôi. Tôi chưa hề có ý định vẽ bức thứ hai. Bức tranh kia, tôi ấp ủ nhiều năm nay. Tháng trước tôi đến phòng vẽ người bạn, ở lỳ trong đó một tuần liền, rồi mang về bức vẽ mà anh thấy đó.
- Có vẻ anh đang sắp kể cho tôi nghe một câu chuyện lý thú?
- ồ... nếu anh thích nghe...
Huy trầm ngâm đốt một điếu thuốc. Anh bắt đầu:
- Đó là những ngày cuối tháng Chạp, năm 1979, tôi đang học năm cuối bậc trung học. Tôi bị tai nạn, tưởng phải móc hai con mắt ra, phải vào thành phố nhập viện.
Suốt ngày quờ quạng quanh chiếc giường bệnh, trong căn phòng nồng nặc mùi thuốc, nhiều lúc tôi muốn giật phăng cái dải băng bịt kín mắt. Tối mò mò... Đã hơn tám ngày rồi.
Gần cả tuần, mỗi chiều tôi đều nhờ chị hộ lý dẫn ra ngồi trên chiếc ghế đá ở góc vườn hoa. Bác sĩ Thúy nói với tôi: "Bữa đầu đi qua, chị cứ tưởng đó là khúc củi mục".
Hôm nay, mới ngủ trưa dậy một lát mà tôi đã thấp thỏm hỏi giờ. Bác sĩ Thúy đang khám bệnh ở giường bên bật cười khúc khích:
- Huy có hẹn với ai ngoài vườn hoa hở?
- Em có người bạn mới.
- A, cậu này đào hoa thật. Đã thế chị sẽ để cho một tháng sau mới tháo băng ra...
Tôi giãy nảy:
- Thôi bác sĩ ơi. Em có hẹn thật, nhưng là với một ông cụ mới hơn bát tuần thôi.
- Ông cụ nào vậy?
- Em mới quen mấy bữa nay. Chiều tối, ông cũng thường ra vườn hoa ngồi chơi cho đến khuya.
Tôi nôn nóng muốn gặp lại ông cụ để nói với ông rằng tôi đang sống theo lời cụ dạy, rằng tôi đã phát hiện ra những thú vị mới trong cuộc sống.
Tối hôm trước, tôi buột miệng than phiền với ông cụ về sự tù túng đang vây hãm mình. Lúc nào cũng chỉ một màn đêm dày đặc bao quanh. Ông cụ nói:
- Có lúc nào cháu nghĩ rằng nhiều bí ẩn của cuộc sống sẽ hiện ra rõ ràng nếu mình nhắm mắt lại. Biết đâu sau này cháu sẽ xem những ngày ở đây là một cơ hội may mắn.
- Ông ơi, cháu không muốn đùa lúc này.
- Thế mà ông lại đang rất nghiêm chỉnh đấy. Nhiều tinh hoa của cuộc đời phải nhắm mắt lại mới nhìn thấy đó cháu ạ. Cháu thử bắt đầu bằng cách lắng tai nghe những người xung quanh mình. Nghe tiếng họ nói cười, nghe tiếng những bước chân đi của họ, nghĩ về những vui buồn trong cuộc sống của họ... Ông tin cháu sẽ phát hiện ra nhiều điều mới lạ. Không chỉ phát hiện, người ta có thể trở nên bao dung, kiên nhẫn và sáng suốt hơn. Lúc đó, những ràng buộc của tấm băng bịt mắt sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Tôi trở về phòng, ngẫm nghĩ mãi về những điều mà người bạn già vừa nói. Càng nghĩ tôi có cảm giác lời ông cụ càng đúng. Biết bao nhiêu điều mà con mắt bất lực. Nhìn về quá khứ, nhìn tới tương lai...
Suốt ngày hôm sau tôi hào hứng thực hành điều ông cụ nói. Tôi thấy thời gian trôi qua thật nhẹ nhõm, cuộc sống đáng sống hơn, thấy được sự liên hệ thân thiết với những người chung quanh.
Tôi bắt đầu hình dung về ông cụ. Một ông già hơi cao, tóc bạc trắng, dài đến tai. Đó là một nhà hiền triết có gương mặt nhân hậu, đôi mắt sáng như những vì sao... Tôi muốn được kể tất cả những điều mình "chiêm nghiệm" được cho ông cụ nghe.
Sau này tôi mới biết rằng trên thực tế và trong tưởng tượng của tôi về ông cụ có một khác biệt lớn và nghiệt ngã. Nhưng đó là chuyện về sau.
Ông cụ hỏi tôi:
- Học tú tài xong, cháu sẽ thi vào trường nào?
Tôi hào hứng nói:
- Cháu tính thi vào trường đại học kiến trúc. Các bạn cháu bảo các kiến trúc sư là những kẻ lãng mạn nhất trong những người thực tế và là những người thực tế nhất trong những kẻ lãng mạn.
- Đó là ý bạn bè. Còn ý cháu?
Tôi khẽ thở dài:
- Trước mắt thoát khỏi mấy giờ lịch sử, địa lý... vĩnh biệt mấy cái môn chán ngấy đó.
Ông cụ bật cười:
- Thế mà ông vẫn nghĩ các cuốn sách lịch sử sẽ là những cuốn sách gối đầu giường cho các nhà kiến trúc đấy.
- Ông ơi, thời nay các nhà bách khoa với đầu óc thông kim bác cổ chỉ còn trong các giai thoại thôi. Khoa học đòi hỏi mỗi người chuyên sâu vào một lĩnh vực.
- Cứ cho là cháu nói đúng. Vào thế hệ cháu, Nha Trang sẽ xây dựng những khu du lịch ven bờ biển, dọc theo bờ sông Cái. Nhưng trước khi xây dựng những khu nhà ven sông, cháu phải hiểu về dòng sông trước đã. Ông hỏi, cháu biết gì về dòng sông nào.
Tôi lúng túng. Từ nhỏ, tôi đã lớn lên bên sông. Tôi yêu con sông quê mình, những ngày dong trâu qua sông, ngồi chơi bên bờ cát trắng. Con sông trong xanh, mát rượi, những bè gỗ, bè lồ ô từ thượng nguồn lững lờ trôi về phía biển. Mùa lụt, con sông gầm gừ, hung hãn. Nhưng những con sông thì ở đâu mà chẳng thế. Có khác là cuối sông, nơi dòng sông đổ ra biển là một thành phố, là tháp Pônaga cổ kính. Từ làng tôi nhìn thấy ngọn tháp nhô lên sau rừng dừa, nhỏ như một búp măng đỏ au trong nắng sớm...
- Nhà kiến trúc phải tìm thấy những nét riêng biệt độc đáo của dòng sông Cái. Không thể bê mấy dãy nhà cao tầng của thiên hạ về dựng bên sông được.
Ông cụ im lặng. Một lát sau, ông nói nhỏ, không hiểu ông đang nói cho tôi nghe hay là một lời độc thoại:
- Đã có biết bao sự đổi thay dọc hai bên bờ sông. Có một thời náo nhiệt thịnh vượng của dân Chiêm Thành, khi tháp cổ được xây dựng. Rồi chiến tranh, hoang phế. Chỉ có bạt ngàn lau lách trắng xóa bên sông. Một trăm năm trước, Nha Trang chỉ là một làng chài nhỏ với những túp lều tranh ven cửa sông. Rồi sông trở thành đường giao thông chính cho thủ phủ Diên Khánh. Rồi quân Tây Sơn đến, lập Thủy xưởng rèn vũ khí. Rồi chiến tranh, bom đạn... Bây giờ hòa bình về, sắp tới sẽ là khách sạn, nhà cao tầng mọc lên hai bên bờ sông. Thiên hạ sẽ đổ về, con cháu sẽ lớn lên. Ai sẽ kể cho họ nghe về lịch sử một dòng sông.
Ông cụ nắm lấy tay tôi:
- Lịch sử con sông, lịch sử của miền đất phải được sống lại trong các công trình kiến trúc mà các cháu sắp xây dựng. Đừng để cho những khối bê tông đè nát tất cả.
Một tối đang ngồi chơi, tôi đột ngột hỏi:
- Có phải chúng ta đang ngồi dưới gốc cây xà cừ không ông?
- Không phải đâu cháu. Đó là một cây bàng. Đang mùa lá bàng rụng. Cháu có nghe tiếng lá đổ không?
Tôi không trả lời. Ông cụ hỏi:
- Này, cháu thử nói xem, lá bàng mùa này mầu gì nào?
- Cháu nghĩ là... - Tôi ấp úng, chợt im bặt.
- Nghĩ là câu trả lời quá dễ phải không? Thoạt đầu, lá ngả sang mầu vàng nhạt. Mầu vàng đậm dần rồi chuyển sang mầu đỏ tía. Sắc tươi tắn, rực rỡ. Những ngày cuối năm này, trời đổi gió, sắc lá sẫm dần. Mỗi chiếc lá như được đúc ra từ một thứ đồng quý vừa trong lò nung ra. Càng gần ngày Tết, lá bàng rụng càng nhiều, đổ rào rào như mưa. Trong đêm ba mươi, cây trút bỏ hết bộ cánh sặc sỡ của mình. Sáng mồng một Tết, đứng dưới cây nhìn lên, thấy chi chít trên cành là những mầm biếc nhú ra, mềm và non tơ như những con mắt xanh lấp ló...
Tôi khẽ thở dài.
- Cháu nghe chán lắm sao?
- ồ không... ngược lại, cháu rất thích. ở sân trường cháu có ba cây bàng cổ thụ. Thầy hiệu trưởng nói cây bàng được trồng lên từ thời Pháp thuộc. Vậy mà sao hàng ngày cháu đi qua, vô tình...
Hai ông cháu im lặng. Trên đầu chúng tôi, những tán bàng rậm rạp, lao xao. Tôi rụt rè hỏi:
- Ông đang nghĩ gì vậy?
- à... ông đang nhớ về một thời tuổi trẻ, cũng như cháu bây giờ, nhiều ước vọng, lắm mộng mơ. Thoắt đó đã 60 năm. Người xưa bảo cuộc đời như bóng câu qua cửa thật chẳng sai tý nào.
- Ông có buồn không?
- Sao lại buồn? Tuổi già cũng như chiếc lá bàng rực rỡ trên cành cây kia. Một lúc nào đó, khi lá rụng xuống, mùa Xuân sẽ đến.
Một thoáng im lặng. Đâu đó vẳng lại tiếng chim kêu. Tiếng chim chiều lẻ loi, trong ngần. Tôi nghe tiếng ông khẽ ngâm một câu thơ. Giọng ngâm trầm, ấm:
Chim chiều kêu trước dậu,
Gối sách nhìn hư không
Phơi phới làn mây trắng
Bay qua ngọn ráng hồng.
Tôi muốn nài nỉ ông ngâm thật nhiều cho nghe. Nhưng tự nhiên, tôi có cảm giác ông đang chìm trong một giấc mộng kỳ lạ. Giấc mộng về những khu rừng cổ tích, về những đền đài xưa cũ, về những ngôi chùa u tịch... Bất giác trong tôi trào lên cảm xúc kỳ diệu. Dường như từ ông cụ có một vầng sáng dịu nhẹ đang lan tỏa. Vầng sáng của trí tuệ, của lòng nhân ái, sự thanh thản dưới trời sao khuya. Ông cụ gần gũi và cao cả biết bao.
Tối hôm đó, tôi hồ hởi báo tin cho ông cụ:
- Sáng nay bác sĩ vừa báo tin ngày mai mắt con được tháo băng.
Ông cụ vui vẻ vỗ lên vai tôi:
- Ông rất mừng. Đôi mắt cháu được giải phóng sớm hơn dự định một tuần phải không?
- Dạ... Sáng mắt rồi nhưng cháu sẽ nhớ mãi bài học nhắm mắt lại để nhìn của ông.
- ồ, không phải của ông đâu. Hai ngàn rưỡi năm trước, Đức Phật đã dạy như thế.
Chiều hôm sau, tôi hồi hộp đi ra vườn hoa sớm hơn thường lệ. Mắt đã sáng trưng, tôi háo hức nhìn lên chút nắng còn sót lại trên tầng cao của tán bàng. Quanh tôi, lá bàng đỏ rực rụng tơi tả. Một người bảo vệ của bệnh viện đi lại chỗ tôi:
- Có phải cậu đang chờ ông già mù?
- Mù nào? - Tôi lạnh toát người, ú ớ hỏi lại.
- Ông cụ vẫn hằng ngày ngồi đây nói chuyện với cậu đó thôi. Ông cụ nhờ tôi gởi cậu cuốn sách này.
Đó là cuốn "Xứ trầm hương" với lời đề: "Tặng Hoàng Huy, người bạn nhỏ - Quách Tấn". Mãi đến lúc đó tôi mới biết tên người bạn dị thường của mình.