Chị bán thuốc lá hỏi tôi:
- Chắc cậu cũng là họa sĩ như ông Hải, chủ nhà này?
- Không. Nhưng nghề ổng với nghề tôi có bà con gần với nhau. Tôi viết tuồng, đem một kịch bản lên sân khấu đòi hỏi sự góp sức của nhiều người trong đó có ông họa sĩ.
- Hèn chi!
- Hèn chi là sao?
- Mới quen nhau mấy bữa đã hỏi tùm lum đủ thứ chuyện mà toàn là chuyện bá láp. Thành ra tôi cũng phải đáp lại bằng những chuyện... tầm ruồng để phá huề... Nhưng có cái này hơi khó hiểu là cách lắng nghe của cậu: chăm chỉ không ra chăm chỉ mà lơ đãng cũng không ra lơ đãng, rồi có lúc lại nhìn tôi chăm bẵm coi kỳ cục lắm.
Tôi cười gượng, hơi mắc cỡ:
- Xin lỗi chị nếu như...
- Cậu đừng ngại, tôi thiệt tình lắm. Đàn ông nào lẳng lơ sàm sỡ với tôi, tôi "trị" liền trước mặt và tại chỗ chớ không để bụng rồi chê bai, cười nhạo sau lưng người ta đâu... Tôi nói "kỳ cục" tại vì tôi không hiểu nên không biết nói thế nào cho đúng. Bây giờ thì tôi biết rồi...
- Biết cái gì?
- Lúc lơ đãng chắc cậu nhớ đến một người nào đó có giọng nói giống tôi...
- Giỏi! Phải nói là cực kỳ giỏi. Được một người như chị đi guốc trong bụng là một hân hạnh lớn.
Chị bán thuốc lá mỉm cười thân ái, môi dưới hơi trề ra theo kiểu cách của một phụ nữ đứng tuổi biết rõ nhan sắc đang suy tàn của mình vẫn còn sức quyến rũ, muốn chê bai một câu nịnh đầm rẻ tiền mà không nỡ nói ra lời vì thương người đối thoại. Chị nói tiếp:
- Lúc chăm chỉ lắng nghe chắc cậu nghiệm để đánh giá coi giọng nói của tôi có "ăn micro" hay không, nhứt là còn ma lực câu thính giả nữa hay không... Còn chăm bẵm nhìn tôi là để cân nhắc coi có nên mượn ánh đèn sân khấu dụ dỗ bà già trầu chưa hết duyên này bỏ nghề bán thuốc lá để học làm đào già chuyên đóng vai mụ hay không.
Tôi lắc đầu:
- Tôi không yêu nghề đến mức như chị tưởng đâu. Lúc ngồi nói chuyện với chị, cái nghề bạc bẽo của tôi nó bỏ rơi tôi để "đi chỗ khác chơi" và đi rất xa... Thực ra, tôi hỏi chị những gì tôi quên hết rồi, còn những lời chị nói, tôi có nghe đâu mà nhớ hay không nhớ. Tôi gợi chị chỉ cốt để nghe giọng nói của chị thôi. Giọng của chị lạ lắm. Ngồi bên cạnh chị, nghe chị nói, có lúc nhìn thẳng vào mắt chị nữa, mà lại giống như ngồi một mình sau giấc ngủ, hồi tưởng lại giọng nói mơ hồ của một người nào đó rất thân nhưng không nhớ là ai, nghe được trong một giấc chiêm bao buồn...
Chị bán thuốc lá quay mặt nhìn thẳng vào mắt tôi, đưa một ngón tay trỏ lên, đe:
- Tán hả? Mới được khen đứng đắn đó đã "được mợi" trổ mòi dê rồi! Mấy tuổi? Ba mươi tám à. Vậy là phải biết phận làm em. Nè, nói trước cho mà liệu, lỡ đã khai nghề nghiệp rồi thì đừng có "dê" tôi nghe chưa. Tôi bể mấy ông văn nghệ sĩ lắm. Hồi trước đã bể rồi, bây giờ tưởng đỡ hơn, té ra càng bể thêm.
- Bể vì vụ gì?
- Lúc còn nghèo khổ, hễ mở miệng ra là bênh vực người nghèo khổ, tới khi ngồi nhà hàng, uống rượu Tây, đi xe hơi, nghĩa là khi đã chen lấn, bươu quào thoát ra khỏi cái kiếp nghèo rồi thì những người nghèo không còn có mặt trong cuộc đời này nữa. Hóa ra cái khối người nghèo khổ trước kia đâu lưng lại làm diễn đàn để họ đứng lên đó mà kêu ca rên xiết cho cái thân phận riêng của chính họ mà thôi.
- Chị có chừa chỗ cho một ngoại lệ nào không?
- Rất tiếc là ngoại lệ hơi ít, nhưng cũng có. Như ông họa sĩ Hải, bạn của cậu, nhờ cậu giữ nhà giùm đây nè. Hồi mới quen, tôi rất ngán ổng. Một con người ít nói dễ sợ! "Chọc lét ổng hồi đầu hôm, ổng đợi tới khuya ổng mới cười". Một chị bán đậu hủ non, ngày nào cũng ghé xin nước rửa chén, ghẹo ổng như vậy rồi lặp đi lặp lại hoài, ổng làm thinh. Một bữa nọ ổng quật lại. "Cũng còn tùy thuộc là chọc trúng nhằm chỗ nào... Chị tưởng chị ăn nói với đàn ông như vậy là có duyên lắm hả?". Chị bán đậu hủ hoảng hồn luôn. Tôi hỏi sao ổng ghét phụ nữ quá vậy, ổng bảo tôi đừng có gieo tiếng dữ, ổng sợ phụ nữ chứ đâu dám ghét. Cho đến lúc cưới vợ, gần bốn mươi tuổi, ổng chỉ có thiện cảm với một người phụ nữ duy nhất mà thôi. Đó là mẹ ổng. ổng nói ổng mang ơn bà xã đã chữa lành dùm ổng một chứng bịnh tưởng đâu nan y: bịnh sợ phụ nữ. Bây giờ thêm được một cô thầy thuốc nhỏ nữa là đứa con gái mười một tuổi.
- Phải đếm thêm chị nữa chớ.
- Cũng có thể. ổng có vẽ tặng cho tôi một tấm hình. ổng nói chân dung nghệ thuật vượt thời gian, không phải hình truyền thần kiểu hình thờ. Do ổng cao hứng chớ tôi đâu dám đèo bòng. Lúc cầm tấm hình, tôi ngạc nhiên đến sững sờ rồi sau đó là buồn. Gương mặt của một bà già nào chớ không phải gương mặt của tôi mà tôi nhìn mỗi ngày trong gương soi. ổng nói: "Nếu chị không chết sớm, năm năm nữa chị sẽ giống tấm hình này - chị nhớ kỹ lời tôi nói nhé - chị sẽ biến dạng để giống tấm hình, còn tấm hình là vật vô tri, nó cứ y nguyên như vầy hoài". Tôi đem về nhà, lộng kiếng, treo một chỗ rất khuất trong buồng ngủ không dám cho ai thấy vì tự ái. Tôi không nhìn nó thường rồi tôi quên nó đi. Cách đây vài tuần, tôi lau bụi phủ mờ mặt kiếng, nhìn kỹ và cảm động đến ứa nước mắt. ổng nói năm năm, mới có một năm mà tôi đã thấy tôi bắt đầu giống tấm hình rồi. Và chắc chắn bốn năm nữa, gương mặt tôi sẽ giống y như vậy. Không biết ổng dòm kỹ tôi hồi nào, nhìn lén tôi cũng chưa hề bắt gặp. Vậy mà lúc vẽ tôi, ổng vẽ thuộc lòng. Điều làm tôi cảm động là ổng vừa vẽ vừa phải áng chừng coi trong năm năm, dung nhan vốn không mấy gì xinh đẹp lắm của tôi sẽ tàn tạ, héo úa đi cỡ nào. Trong cuộc sống bấp bênh nầy, nó làm cho người nghèo già đi rất nhanh... Sao? Có nghe tôi nói không hay là nghe ai nói trong chiêm bao?
- Nghe chớ. Nghe rất kỹ.
Tôi đáp cầm chừng rồi lặng im. Đột nhiên tôi chạnh lòng thương người họa sĩ nghèo, một nghệ sĩ đàn anh, bạn thân của tôi chứ không phải của anh tôi nhưng rất thương tôi. Giờ này, vợ anh và đứa con gái nghỉ hè đang ở nhà bà nội tại quê anh. Còn anh thì chắc đang gầy một đống un lớn, lửa ít khói nhiều để đuổi muỗi tại một cụm rừng dưới đước ở mũi Cà Mau. Hôm mượn tôi đến ở giữ nhà giùm trong một tháng, anh khoe mới nhận được đơn đặt hàng của một Việt kiều. Ông nầy, gốc người Cà Mau muốn đem về Pháp một bộ bình phong sơn mài vẽ cảnh rừng đước. Ngoài chức năng trang trí, nó sẽ giúp ông trống chỏi với nỗi buồn xa xứ.
Hộ của anh Hải gồm một cái nhà để xe hơi, bây giờ là xưởng vẽ và một căn phòng nhỏ vốn là chỗ ở của bồi bếp. Trước kia cái cơ ngơi nhỏ nầy là bộ phận của một biệt thự lớn mà người chủ bây giờ là một viên chức nhà nước cấp cao đã về hưu. Ngôi biệt thự và hộ của anh Hải được ngăn tách biệt ra bằng một dãy tường cao mới xây từ khi ngôi biệt thự được tân trang thành khách sạn mini.
Mới có hơn tám giờ tối, con đường đã im vắng như phố nhỏ tỉnh lẻ mặc dù cách đây chỉ 300 mét, nó giao tiếp với một con đường lớn giờ nầy xe cộ còn nườm nượp, ồn ào. Mưa lất phất từ chặp tối, bây giờ con mòi muốn nặng hột.
- Ướt, ướt! Nhắc xít cái ghế đẩu vô - Chị bán thuốc lá vừa ra lịnh vừa chỉnh lại tấm bạt làm mái che chiếc xe đẩy của chị... - Mắc cỡ hả? Tôi ăn nói dữ dằn vậy chớ hiền khô hà. Cậu em dám làm hỗn, dê bà chị, bà chị chỉ vả miệng thôi chớ không có ăn tươi nuốt sống đâu mà sợ.
Xéo xéo bên kia đường, dọc theo dãy tường cao của một cụm biệt thự, dưới tàng một cây bã đậu mà gai nhọn đã bị gọt bỏ để nó không đâm vào lưng người đứng dựa, một cặp thanh niên đang mua bán ái tình theo vị thế người bán đứng mà người mua cũng đứng. Chị bán thuốc lá nói, giọng buồn gần như khóc:
- Đừng dòm! Người ta mắc cỡ tội nghiệp. Chẳng qua cũng chỉ vì nghèo. Lột bỏ hết các thứ tiện nghi sang trọng, phơi trần ra, thì các cuộc mua bán thịt người tại những khách sạn nhiều ngôi sao cũng tục tĩu dơ hầy như vậy mà thôi... Tôi nói nghèo đây là nói về phía người bán, phía người mua đôi khi có những kẻ không nghèo nhưng cao lương mĩ vị mãi sanh nhàm, muốn ăn thử cá hủng hỉnh kho khô quẹt coi nó ngon ra làm sao. Nhắc xít cái ghế vô, tôi nói tiếp về ông họa sĩ Hải cho nghe. Hồi tôi thương lượng gởi chiếc xe đẩy nầy, ổng bảo tôi coi góc sân nào vừa ý, cứ việc đẩy vô đó, đừng nói chuyện tiền bạc gì hết. Ba tháng sau tôi mới mở miệng: "Anh Hải à, tôi nghèo thật, nhưng anh cũng không khá gì hơn tôi đâu...". Ông nạt tôi liền: "Chị còn nói chuyện tiền bạc nữa, tôi nghỉ chơi với chị luôn. Chị không tin ở tấm lòng của một người cùng giai cấp với chị sao... Xin lỗi chị, tôi quen miệng... Phải nói là cùng thân phận dễ nghe hơn, mình đang sống trong một xã hội không có giai cấp mà nói giai cấp nghe "quê" quá!...". Người như vậy khi thoát khỏi kiếp nghèo sẽ không bao giờ quên người nghèo... Nói cho đỡ buồn thôi, ổng đầu thai biết mấy kiếp nữa mới hết nghèo... Biểu đừng có ngó qua bển, à mà quên nữa, nghề của cậu đòi hỏi cậu phải nghe nhìn không bỏ sót một thứ gì... Muốn nhìn ở tầm gần không? Bữa nào tôi giới thiệu cho một con nhỏ câm?
- Câm à?
- Câm bẩm sinh, nhưng không điếc. Mụ bà thương bù lại cho nó một gương mặt và một vóc mình coi được lắm. Mỗi tối, một thằng ma cô chở nó đến bằng xe đạp, cỡ mười một giờ đến rước nó về. Đêm nào không kiếm được khách, thằng ma cô đánh nó, nó khóc. Tiếng khóc của đứa con gái câm bị đánh khó ai nhại giống lắm, nó thảm thiết quá chừng, nghe hoài hằng đêm, vậy mà hễ nghe là ruột gan mình quặn thắt. Đêm nào kiếm được khá tiền, thằng ma cô khen nó giỏi, ôm hun nó, nó cũng la ớ ớ gần như nó khóc, nhưng người nào nghe quen như tôi và ông Hải thì biết là nó hát chớ không phải khóc. Ông Hải còn phân biệt được là nó thuộc tới ba bài hát nữa kia. Đưa cái này lên sân khấu chắc là hơi khó, nhưng đó là nghề của cậu, lo gì... Thôi mình vô, mưa lớn quá rồi.
Chị bán thuốc lá đưa cho tôi một điếu thuốc thơm không đầu lọc. Chị biết thói quen của tôi chỉ hút một điếu thuốc thơm lúc sáng sớm với tách cà-phê rồi suốt ngày hút toàn thuốc đen loại nặng. Chị hỏi:
- Sao? Phân biệt được chưa? Hơn nửa tháng rồi. Nghe nhiều rồi.
Tôi lắc đầu:
- Xin chịu thua. Khóc la ớ ớ mà hát cũng la ớ ớ làm sao phân biệt nổi.
- May mắn cho những người nghèo khổ vì cậu chỉ là một người viết tuồng. Không phân biệt được tiếng khóc với tiếng hát, chỉ báo hại cho cái phận bất tài của mình thôi, không báo hại ai. Nếu rủi ro cậu được giao cho một chức tước gì đó có dính dấp tới số phận của những người nghèo khổ...
Bị xúc phạm hơi đột ngột, tôi nổi nóng và u mê, nói bậy:
- Số đông người nghèo khổ biết nói nhiều hơn câm.
Chị bán thuốc lá nhìn tôi, mỉm cười độ lượng:
- Nhưng họ không nói. Tiếng la ớ ớ của một cô gái điếm câm dẫu sao cũng là những âm thanh để cậu nghe mà phân biệt cô khóc hay cô hát. Một người nghèo khổ biết nói mà là thinh không nói đưa cho cậu mảnh giấy ghi câu đố: "Đố ông thầy tuồng biết trong bụng tôi đang khóc hay đang hát?". Đó mới là chuyện hiểm hóc... Cậu em à, hôm nọ, em nói rằng nghề viết tuồng của em là một nghề bạc bẽo. Chị biết em không nói thật lòng đâu mà em nói lẫy. Bây giờ chị nói thật lòng với em đây: nếu như em thực sự yêu nghề... thì em phải lắng nghe cho được ngôn ngữ lặng thầm của những người đau khổ biết nói mà làm thinh không nói.
Khi bắt đầu xưng chị, gọi tôi bằng em, giọng nói của chị bán thuốc lá ngọt ngào hơn, gây xao xuyến mạnh hơn vào bẩm sinh nhạy cảm của tôi. Nhưng lạ thay, cái thói mơ mộng vặt thường ngày của tôi lại bay bổng đi đâu mất. Tôi không nghe lời nói của chị vang vọng mơ hồ từ một giấc chiêm bao buồn. Tôi nghe đó là lời răn dạy rất nghiêm có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau khổ nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng.