hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1330.htm

Anh Đức

Tiếng dội từ rừng đước

Vào một buổi sáng cuối năm khi bên ngoài trời vẫn còn chưa rạng và tôi vẫn còn nằm trên giường lơ mơ chưa thật tỉnh giấc thì bỗng nghe chuông điện thoại reo. ở vào cữ đó, tiếng chuông điện thoại thường gây cho tôi nỗi bất an, bởi vì nếu là chuyện bình thường thì người gọi cũng phải đợi trời sáng hẳn. Tôi bật dậy chộp lấy ống nghe. Từ phía bên kia, giọng nói quen thuộc của Tấn, một người bạn văn gốc ở Cà Mau cất lên:

- Tôi biết chắc là ông chưa dậy, nhưng tôi phải gọi cho ông sớm vì sáng nay tôi có cuộc họp. Trước khi đi họp tôi sẽ đến giao cho ông một thằng, mà đối với thằng này thì ông phải đón tiếp nó, dù bữa nay hoặc ngày mai ông có kẹt chuyện gì thì ông cũng đều phải gác lại để đón tiếp nó...

Nghe thế tôi lấy làm lạ, không tài nào đoán ra "cái thằng" mà người bạn văn kia nói là ai, hơn nữa anh ta còn nói úp úp mở mở, chớ không nói toạc ra. Tuy nhiên, tôi cảm thấy yên tâm vì không có chuyện bất thường, bất trắc. Nhưng vốn tính không chịu được sự lơ lửng nửa vời, tôi hỏi:

- Nhưng mà thằng đó là thằng nào, tại sao ông không nói rõ ra mà cứ giấu tôi?

Một tràng cười đầy vẻ đắc ý bật lên trong máy, rồi im lặng, rồi tiếng thằng bạn văn của tôi dõng dạc cất.

- Thằng đó là thằng Chiến... Sao, nhớ ra chưa, thằng Chiến ở Xẻo Đước Cà Mau, cái thằng đã từng đi bảo vệ cho ông hồi ông từ Cà Mau đi R đó. Nó mới ở dưới lên đây hồi hôm...

Tôi mừng rỡ la lên:

- Trời đất, vậy hả, nó đang ở nhà ông hả? Vậy ông làm ơn đưa nó lại nhà tôi liền đi?

Nói xong tôi buông máy. Vậy là thằng Chiến. Tưởng ai té ra là thằng Chiến. Cách đây đúng ba mươi tư năm, tôi chia tay nó ở một bìa rừng thuộc căn cứ chiến khu Đông Nam Bộ, và bữa nay tôi sẽ gặp lại nó. Bữa nay tôi chưa thể hình dung nó ra sao. Nhưng cách đây hơn ba mươi năm về trước nó mới có mười chín, kém hơn chẵn mười tuổi. Hồi đó tôi đi thâm nhập thực tế ở Miền Tây Nam Bộ, sau hai năm viết được một số bút ký và truyện ngắn, thu thập được nhiều tư liệu tôi chuẩn bị lên đường trở về R. Anh út Trần là phó ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ, một người công tác chính trị nhưng rất có máu mê văn chương, rất có ý thức và quý trọng người viết, nói với tôi:

- Để ông đi về R một mình cùng với bản thảo, tư liệu mà ông tích góp được, tôi thật sự không yên tâm. Tình hình đường dây về R gần đây khá căng, qua sông qua lộ thường bị giặc phục kích, đó là chưa tính tới chuyện trực thăng đổ chụp trên đồng, nhất là Đồng Chó Ngáp - mà Đồng Chó Ngáp thì nhứt định ông phải đi ngang rồi .

Tôi cười nói với anh út:

- Ăn thua gì anh, tôi từ R xuống đây được thì từ đây tôi cũng về R được. Anh em mình đi lên xuống nườm nượp ấy mà, có sao đâu, mà dẫu có sao thì bất quá mình cũng chịu trận như anh em thôi.

Anh út Trần nhìn tôi, lắc đầu:

- Nhưng binh chủng văn chương của mấy ông ít người lắm... Thôi được, cứ để tụi tôi tính!

Vài hôm sau, anh út Trần đâm mũi thuyền vào bến kinh Ông Đơn chỗ tôi ở. Chèo thuyền cho anh là một cậu giao liên của Ban, và anh út giới thiệu với tôi:

- Đây là thằng Chiến. Các đồng chí ở Ban đã bàn, nhứt trí cử nó đi làm bảo vệ cho ông về R. Lên tới R, nếu nó thuận ở trên đó thì cho nó ở trên đó luôn để bổ sung người, tính vô chỉ tiêu R xin dưới này.

Trước quyết định của Ban và anh út Trần, tôi không cãi nữa. Bởi dù sao có được Chiến cùng đi cũng hay. Với lại, ngay từ giây phút đầu tiên tôi thấy nó được lắm. Đó là một thanh niên vừa qua tuổi thiếu niên, bộ dạng tướng tá rõ ràng là một đứa gốc gác miệt ruộng. Còn khoảng một tuần trước khi lên đường, Chiến đến ở với tôi. Ngoài ba lô, nó mang một khẩu súng trường Nga CKC, một giàn câu và một giàn lưới bén. Tôi hỏi nó đem theo giàn câu, lưới làm chi thì nó cười khì nói rằng để cải thiện dọc đường đi. Tôi bảo mình đi theo đường dây giao liên, tới đâu mua ăn tới đó hoặc dựa vào nhà dân, chớ còn hơi sức đâu mà giăng câu đặt lưới. Chiến không nói gì. Nhưng ngay trong những ngày còn lại bên bờ kinh Ông Đơn, chiều nào nó cũng ra tay, để rồi sáng sớm đi thăm câu thăm lưới đem về rất nhiều cá lóc, cá rô mề bự khiến tôi và nó lớp nấu canh chua lớp nướng ăn không hết còn dư ra nên lúc nào cũng có cá ruộng nhảy rành rạch trong khạp. Vào mùa nắng ráo năm đó, tôi và Chiến theo đường giao liên qua sông Bảy Tháp, sông Ông Đốc tới xã Khánh Bình Tây. Từ đấy chúng tôi băng qua một cánh rừng Chàm thuộc U Minh Hạ dài mười bốn cây số để tới một trạm bên bờ sông Cái Tàu. Trong khi đi qua rừng, gặp những cái vũng giữa mùa nắng nước rút khô cá bị kẹt cạn, thằng Chiến dừng lại bắt, lấy dây rừng xỏ xâu. Khi về đến trạm nó đã có một xâu cá lóc trên tay. Nó giao xâu cá đó cho mấy đứa con gái ở trạm, biểu để chiều làm thức ăn, khiến mấy đứa đó có cảm tình với nó ra mặt, nhưng nó tỉnh queo, lấy võng của tôi kiếm chỗ để mắc, rồi nói "- Anh Bảy nằm nghỉ, lội rừng bữa nay chắc anh Bảy mệt!" . Tôi đồ chừng hẳn là anh út Trần đã căn dặn, giao phó trách nhiệm của nó đối với tôi rất kỹ, nên nhất nhất việc gì, nó cũng đều lo cho tôi trước rồi mới lo cho nó sau. Trong khi ngược lại, lúc nào tôi cũng quan tâm đến nó vì dù gì nó cũng còn nhỏ quá. Một chiều, lúc trời chạng vạng tối, khi giao liên sắp đưa chúng tôi xuống ghe để đi Cù Lao Dung thì thằng Chiến bảo tôi:

- Anh Bảy đưa cái gói giấy tờ tài liệu của anh Bảy cho em giữ.

- Không, anh giữ được mà, nó ở trong ba-lô anh mang sau lưng, có sao đâu!

- Anh Bảy cứ để em mang, cho nhẹ bớt. Sau cùng tôi phải mở ba-lô giao cái gói tài liệu và bản thảo bọc ni-lông cho thằng Chiến. Tôi nghĩ bụng nó nói mang cho tôi nhẹ bớt là chỉ lại có lý một phần, chớ lý do chính chắc vì anh út Trần lưu ý nó rằng cái bọc giấy kia của tôi rất là quan trọng. Sự thiệt thì nó chẳng phải là tài liệu bí mật gì cả. Trong cái bọc ni-lông kia gồm sổ tay ghi chép của tôi và những bản thảo truyện ngắn, bút ký chưa in mà anh út Trần có đọc qua và tôi còn nhớ sau giây phút trầm tư, im lặng, anh thốt: "Những tình tiết chi tiết mà ông viết ra trong chuyện thì tụi tôi đều biết hết và còn biết hơn ông nhiều, bởi vì kể từ ngày các ông lên tàu tập kết ra Bắc, tụi tôi sống qua những năm tháng đen tối cho tới ngày đồng khởi thì phải nói là khắp thân mình mẩy tụi tôi đều thẫm đẫm mọi thứ, muỗi mòng cùng với bùn đất, hầm bí mật cùng những mũi chía thù xôm xuống, nước mắt và máu, nhưng tụi tôi không viết ra được, hoặc đem viết ra lại không được như ông". Đó là lời anh út Trần. Tôi nghĩ anh hơi quá khen, song cái chính là anh quý trọng trang viết, từ đó quý trọng người viết, đến nỗi cây súng ngắn hiệu "Brô-ninh" của tôi cũng còn khá mà anh chê dở, rồi nói sao đó với đồng chí Phó bí thư Khu ủy, để trước khi về R, tôi được đồng chí Phó bí thư đổi cho một khẩu "P.38" mới tinh của chính đồng chí ấy. Vì vậy, việc thằng Chiến lo lắng bảo vệ cho tôi trên đường đi chắc chắn là do anh út Trần căn dặn. Và trên mỗi chặng đường, mỗi một ngày qua, Chiến càng làm tôi thêm yêu quý nó, bởi sự mẫn cán tận tụy của nó đối với tôi đã đành, mà còn bởi hành động của Chiến trước một tình huống mà từ đó đã đưa cuộc đời nó rẽ sang một hướng khác. Sau khi ngồi trên ghe máy của giao liên, vượt qua sông Hậu trong đêm, chúng tôi nghỉ lại nhà dân nơi một cái ấp nhỏ gọi là ấp So Đũa để chuẩn bị đêm hôm sau vượt qua lộ 4, ở khúc giữa Vĩnh Long và Cần Thơ. Đây là khúc lộ nguy hiểm, thường xuyên bị địch phục kích. Chúng tôi tới ấp vào quá nửa đêm. Tôi và Chiến được bố trí ở nhà má Sáu. Vì đêm vẫn còn dài, nên má bảo chúng tôi lên bộ ván ngựa giữa nhà mà ngủ. Má nói chúng tôi cứ yên tâm, tuy đây là vùng "căn cứ lõm" nhưng rất an toàn. Do đi đường mệt, lại được nằm trên bộ ván gõ mát lưng nên vừa ngả mình là tôi ngủ ngay. Lúc tôi chợt thức giấc, đêm vẫn còn, nhưng nhìn sang bên cạnh không thấy Chiến đâu. Bỗng nhác thấy có ánh lửa chập chờn ở phía sau bếp. Tôi nhỏm dậy rón rén bước tới nhìn . Thì thấy thằng Chiến đương ngồi bên bếp, cây CKC dựng kế bên và cạnh đó có một con nhỏ đương mở vung nồi ra nghiêng ngó coi. Nhờ ánh lửa soi rọi, tôi nhận ra mặt một đứa con gái trạc độ mười bảy, coi khá xinh xẻo, tóc kẹp đuôi gà. Nó vừa trông coi cái nồi, vừa trò chuyện nho nhỏ với thằng Chiến. Sự việc này hơi bất ngờ, nhưng tôi đoán chừng chắc con nhỏ đó là con hay cháu gì của má Sáu. Rồi tôi trở ra để ngủ tiếp, nhưng không ngủ được. Tới gần mờ sáng thì thằng Chiến vào đánh thức tôi dậy. Nó cho tôi biết đứa con gái ấy là con gái út của má Sáu và cô ta cũng chính là giao liên sẽ dắt chúng tôi qua lộ đêm nay. Hồi đêm hôm qua, cô ta vừa đi tổ chức móc nối một điểm qua lộ khác, để dự phòng. Trong ngày hôm đó, từ sáng cho tới tối, thằng Chiến rất có vẻ quyến luyến má Sáu cùng cô con gái. Nó bảo tôi rằng ở Xẻo Đước nó cũng có má và một đứa em gái như vậy. Thấy củi trong bếp còn ít thì thằng Chiến đi chẻ thêm, thấy mấy cây cọc giàn bầu hơi xiêu nó liền cặm lại cho vững. Tôi cũng không rõ nó làm công tác dân vận tài tình thế nào mà ngoài hai bữa cơm ngon lành thì ban trưa chúng tôi còn được ăn bánh ướt ngọt rưới nước cốt dừa. Rồi con nhỏ kia còn vá dùm cho thằng Chiến cái áo bị rách vai nữa, bởi vì thằng Chiến đem khoe và kêu tôi: "- Anh Bảy có đồ rách đưa em biểu con Hương vá cho?" Nó nói với tôi một cách ngon lành, tựa hồ như nó với con nhỏ quen biết nhau từ lâu rồi vậy. Trời ơi, tôi làm nghề viết văn tới khi ấy tính đã ngót nửa đời, nhưng chưa có khi nào ngó thấy tận mắt tình yêu trai gái bén lửa mau lẹ như thế. Mà nào có lâu la gì, chỉ có một ngày nghỉ lại nơi xóm nhỏ. Thôi rồi, con Hương, chính là con Hương đã cầm buộc đời thằng Chiến. Nhưng sự cầm buộc này không phải chỉ là do những gì diễn ra trong ngày hôm đó, mà là do một sự cố xảy ra trong đêm qua lộ. Hương và một cô giao liên nữa dẫn đoàn khách, trong đó có chúng tôi từ trong xóm cặp theo mé một con kinh đi ra lộ. Lúc gần tới mặt lộ, đoàn khách chúng tôi dừng lại ngồi chờ cách đó chừng một trăm mét, đợi Hương lên lộ trước, nếu êm thì sẽ làm ám hiệu cho chúng tôi vượt qua. Nào ngờ Hương vừa mới lên thì một loạt súng nổ vang. Tôi nhác thấy bóng Hương ngã vật xuống, rồi Hương nhổm dậy chạy ngược lại, lăn vội xuống kinh. Theo lệnh cô giao liên ở phía sau, tất cả chúng tôi đều tụt xuống kinh. Do đó những loạt đạn tiếp theo của giặc đều đi trớt lớt trên đầu chúng tôi, vì mặt lộ ở vào vị thế cao hơn. Chuyến qua lộ đêm đó thế là thất bại. Cô giao liên kêu chúng tôi cứ ở dưới kinh mà long trở lại xóm. Khi đã long đi được một quãng an toàn rồi, cô bảo chúng tôi lên bờ đi trở về xóm, còn cô trở lại chỗ Hương bị bắn ban nãy. Ngay giữa lúc ấy, Chiến cởi ba-lô trao cho tôi:

- Anh Bảy về trước đi, em cũng trở lại coi sao.

Thế là Chiến cùng cô giao liên quay lại. Tôi về đến nhà chưa kịp thay quần áo ướt thì Chiến về tới. Nó cõng Hương trên lưng. Điều lạ lùng là con Hương không chết mà ngoẻo đầu trên vai Chiến, cô chỉ hơi mím chặt môi lại mà còn hơi mỉm cười nữa. Nhưng tôi thấy cánh tay trái cô ta xuội lơ, ướt đẫm máu. Thì ra cô bị một viên đạn bắn trúng tay và đã kịp tự ngã người xuống. Chỉ không rõ viên đạn trúng vô phần mềm hay trúng vô xương. Sau khi băng bó, tôi đề nghị đưa ngay Hương đến trạm quân y hoặc cứu thương nào ở gần đây. Nhưng khổ nỗi không có một trạm nào ở gần đây cả trừ phi đưa cô qua lộ tới vùng giải phóng thuộc địa phận Vĩnh Long. Đội giao liên quyết định đưa cô tới một trạm quân y ở Vĩnh Long bằng một con đường khác.

Đêm hôm sau, tôi và Chiến lại theo giao liên qua lộ, cũng là con lộ đó nhưng ở một điểm khác, điểm dự phòng mà Hương đã đi tổ chức, móc nối. Đêm hôm ấy, chúng tôi qua lộ an toàn. Nhưng cũng bắt đầu từ đêm hôm ấy, Chiến trở nên im lặng hơn. Nét ưu tư chớm hiện nơi khuôn mặt chất phác trẻ trung của nó. Tôi biết điều đó. Trên suốt chặng đường còn lại dẫn về R, Chiến vẫn hết sức lo lắng, chăm sóc giúp đỡ tôi, nhưng nó vẫn không giấu nổi âu lo cho Hương. Chiến nói: "Không biết cái tay của Hương có sao không, em lo cho nó quá". Thật sự tôi cũng lo, và hơn cả nỗi lo là hình ảnh cô gái mười bảy tuổi một mình đi trước lên mặt lộ rồi ngã vật xuống sau loạt đạn, khiến cho tâm can tôi rung động. Tôi tự hỏi không biết từ trước tới nay đã có bao nhiêu cô gái giao liên ngã xuống như thế. Từ đất Vĩnh Long về tới R, chúng tôi còn trải qua bao chặng cam go khác như lúc qua sông Tiền, qua cánh đồng Chó Ngáp, nhưng rồi cũng về được tới nơi. Có điều là lên ở tại cơ quan tôi là Hội Văn Nghệ Giải Phóng được chừng hơn một tháng thì Chiến đòi về không chịu ở lại. Do điều kiện anh út Trần đặt ra không ràng buộc mà chủ yếu là từ nguyện vọng của Chiến, nên tôi và cơ quan không cản trở. Chiến tâm sự với tôi rằng ở lại rừng nó không sợ cực, sợ sốt rét hay bất cứ chuyện gì khác, ngặt nỗi nó nhớ Cà Mau, nhớ nhà quá. Ôm lấy tôi, nó nói: "Anh Bảy đừng buồn em nghen!". Tôi nói không có gì, và căn dặn nó đi đường thận trọng, khi nào về đến Ban Tuyên huấn Miền Tây thì nói với anh út Trần điện báo ngay lên cho tôi biết. Một sáng nọ, tôi tiễn Chiến tại một bìa trảng, đứng đợi tới khi nó băng qua hết trảng cỏ. Cái hình ảnh sau cùng còn đọng lại trong trí nhớ tôi là khi tới mé rừng ở bên kia trảng, Chiến đứng lại giơ tay đứng vẫy chào tôi.

Chỉ độ hơn một tiếng sau cú điện thoại của người bạn văn, tôi đã gặp Chiến. Anh bạn chở nó tới nhà tôi bằng Honđa, giao nó cho tôi rồi vọt đi ngay. Đúng là thằng Chiến rồi, thằng Chiến ba mươi tư năm trước. Nhưng nó già đi nhiều. Nó đã năm mươi ba   tuổi, lẽ dĩ nhiên là nó không thể còn trẻ như thuở mười chín. Nhưng cái già của nó ngoài tuổi tác còn nhuốm mầu tân khổ, lao lực. Đứng trước mặt tôi là một nông dân chánh cống, với nước da đen sạm, mốc cời, với bộ đồ cũng luốc cuốc và đôi dép nhựa mầu nâu sẫm gần giống với mầu da của nó. Điều làm cho tôi bứt rứt xốn xang là nó có vẻ rụt rè, cóm róm, nhất là khi nó  khom lưng tính tụt dép vì e ngại làm bẩn gạch nơi phòng khách. Tôi nắm tay Chiến kéo vào:

- Chú cứ đi đại dép vô đi!

Ngồi trò chuyện hỏi han một lát, Chiến mới lần lần dạn dĩ tự nhiên hơn, bởi nó thấy thái độ cử chỉ của tôi đối với nó vẫn y như ngày nào tôi cùng nó đi trên đường giao liên. Rồi khi vợ tôi chuẩn bị đi chợ, tôi nói "- Có chú Chiến ở Cà Mau lên chơi, em kiếm cái chi ngon ngon nghe?". Xây qua Chiến, tôi nhắc lại chuyện đi đường hồi xưa, chuyện con Hương bị thương trên mặt lộ được nó cõng về, v.v và v.v... Đột nhiên thằng Chiến cười, cái cười rất lạ, hồ như còn giấu điều chi bí ẩn. Lát sau nó chụp lấy hai cườm tay tôi, nói như kêu lên:

- Anh Bảy, con Hương nó là vợ em lâu rồi, lâu lắm rồi. Anh Bảy tha tội cho em đã không báo cho anh Bảy biết. Thiệt ra em có viết thư gởi lên R, nhưng khi đó nghe đâu anh Bảy đã đi trở ra Bắc để trị bịnh. Còn từ sau giải phóng, đời em và vợ con em khổ cực lắm anh Bảy ơi, bây giờ thì đỡ hơn nhiều rồi, đỡ hơn mới dám lên thành phố hỏi thăm kiếm anh Bảy, với lại để cho biết, chớ từ lúc cha sanh mẹ đẻ tới giờ em có biết Sài Gòn ra làm sao đâu. Cũng là nhờ anh Ba Tấn...

Vậy rồi kế đó, Chiến lại kể hết mọi sự. Nó nói là lúc rời khỏi R, thiệt tình nó có phần nhớ nhà, nhớ Cà Mau, nhưng cái chính là nó lo lắng cho con Hương, không biết cánh tay bị thương của con Hương ra sao. Trên đường từ R về, nó ghé lại ấp So Đũa bên lộ Vĩnh Long thì xóm vừa bị bom giặc phá nát, bà má của Hương bị bom chết, còn Hương chỉ còn lại một cánh tay phải. Ngày ấy cánh tay trái của Hương phải cưa cụt vì đưa đến trạm quân y thì đã trễ. Không thể bỏ Hương lại trong tình cảnh ấy, Chiến đã xin với xã và đội giao liên đưa Hương về Cà Mau. Về dưới, hai đứa tiếp tục công tác ở Ban Tuyên huấn Miền, rồi xây dựng với nhau. Cho tới ngày giải phóng, hai vợ chồng về sống ở Xẻo Đước, làm ruộng, giăng câu đặt trúm, sanh con và nuôi con. Chiến nói:

- Anh Bảy nghĩ coi, lẽ nào em có thể bỏ Hương lại, đi tuốt về Cà Mau? Nếu Hương còn lành lặn, em sẽ về dưới rồi tính sau, đằng này nó vừa mất mẹ lại mất tay. Nói ngay ra thì trong đêm qua lộ đó nếu Hương không lên trước thì có thể em hoặc anh sẽ chết, vì em với anh Bảy đi đầu trong đoàn khách mà...

Tôi gật đầu. Điều này quá rõ. Trong chiến tranh hễ qua sông qua lộ hay qua bất cứ một nơi nguy hiểm nào thì thương vong bao giờ cũng tới trước với người giao liên. Tôi cảm thấy buồn bã day dứt vì Chiến còn cảm thấu điều đó hơn tôi. Tất nhiên trước đó Chiến đã đem lòng thương yêu Hương. Và đến lúc Hương mất mẹ, cụt tay, Chiến liền gánh lấy.

- Ban đầu, khi em và Hương về tới dưới, mấy anh mấy chú ở Ban rầy em là tại sao không ở lại R với anh Bảy mà còn dám tự động dắt về một đứa con gái. Nhưng lần lần mấy anh mấy chú hiểu ra, càng thêm thương em và Hương. Riêng anh út Trần thì vỗ vai em bảo: "Được lắm, mày làm vậy là được lắm đó Chiến!. Sau đó chính anh út Trần lo tổ chức lễ thành hôn, làm chủ hôn cho em và Hương.

Nói tới đó, Chiến dừng lại rơm rớm nước mắt:

- Anh út chết rồi, anh Bảy... Chết cách đây hai năm tại Tân Hưng Tây quê ảnh. Vợ chồng em có tới lạy trước hương hồn ảnh. Phải nói là hồi còn sống ảnh giúp tụi em rất nhiều, nhứt là lúc mới về Xẻo Đước tụi em nghèo quá. Bà già em mất đi để lại cho em cái nhà nhỏ, mấy công ruộng. Em với Hương làm lụng cật lực, lớp làm ruộng, lớp nuôi cá, giăng câu đặt trúm mới nuôi nổi ba đứa nhỏ. Tuy chỉ còn một tay, chớ Hương giỏi lắm, siêng lắm. Bơi xuồng, chèo xuồng được hết. Nó gá cái khuỷu tay cụt lên kềm giữ cán dầm rồi dùng tay phải để bơi hoặc chèo. Buổi đầu lấy em nó rất lo sợ, mấy lần hỏi: "Lấy em, anh Chiến có ân hận gì không?". Những lần như vậy em đều mắng át đi: "Nói tầm bậy tầm bạ hoài!" . Từ đó về sau nó không hỏi nữa. Năm nay Hương cũng đã trên năm mươi: Tụi em tới hồi già rồi mới bớt cực, nhưng vẫn phải làm ruộng, nuôi cá... Nói bớt cực là nhờ sắp nhỏ lớn lên mạnh khỏe, cáng đáng công chuyện thì vợ chồng em cũng có được buổi trưa nghỉ ngơi, lúc thức dậy pha bình trà ngồi uống, ăn kẹo đậu phộng và nói chuyện tào lao, ngó con nước lớn ròng lên xuống trên trang rễ đước... Vợ chồng em cũng có biết, có đọc những câu chuyện của anh Bảy viết ra. Sắp nhỏ đều có học mấy cái truyện đó. Em bảo với tụi nó: "- Tưởng ai chớ ông nhà văn này hồi năm tao được phân công đi bảo vệ ổng về trên R, má tụi bây cũng biết ổng". Vợ em cười. Nó cứ nhắc em đi tầm kiếm anh, rủ anh về Xẻo Đước chơi. Bữa nào rảnh về dưới em chơi nghe anh Bảy... ở đó thì anh Bảy biết rồi, nó là một xẻo biển nghèo, mấy năm nay gặp nạn phá rừng chặt rừng thành ra tôm cá lươn rùa vơi đi nhiều, nhưng vẫn còn dư sức tiếp đón anh Bảy. Vợ chồng em sẽ um lươn rau ngổ nước cốt dừa cho anh em mình nhậu...

- Bộ chú nhậu có hạng lắm hả Chiến, thuộc diện "Trăm phần trăm" hả?

- Dạ, đâu có... em chỉ lai rai chút đỉnh.

Chiến cười đáp, vẫn là cái cười chất phác như ngày nào.

Trưa hôm ấy, Chiến ăn cơm ở nhà tôi. Khi tôi khui bia rót vô ly Chiến thì Chiến cười ngượng nghịu bảo rằng nó chưa từng uống bia, bởi mấy chục năm nay rất ít khi Chiến rời Xẻo Đước, chỉ có vài lần ra chợ Cà Mau, còn có mua sắm gì thì ra chợ Vàm Đầm ở gần đó. Tôi giữ Chiến ở lại chơi hai ngày, đưa Chiến đi coi dinh Thống Nhất, ghé viếng nhà lưu niệm Bác Hồ ở Bến Nhà Rồng, đi chợ Bến Thành, ghé khu Dân Sinh. ở khu Dân Sinh, tôi để ý thấy Chiến đứng tần ngần ngắm nghía mãi trước gian bán máy động cơ. Tôi nghĩ Chiến muốn có một cái máy nổ để gắn ghe xuồng, nên tôi nói:

- ở dưới rất cần thứ này, vậy để anh mua tặng cho chú một cái. Anh nghe nói máy hiệu "Yamaha" tốt, chú lựa một cái đi!

Chiến bật ngật nhìn tôi. Chắc nó nghĩ cái máy hơi nặng tiền. Tôi liền xua tay, bảo Chiến cứ việc chọn. Sau cùng chúng tôi mua một cái, kêu nhà chủ thử. Tiếng máy nổ nghe ròn đều, rõ là thứ tốt.

... Hôm tiễn Chiến về Cà Mau, tôi nói với Chiến rằng thế nào tôi cũng xuống Xẻo Đước. Phải, nhứt định tôi phải xuống đó, nơi tôi đã từng sống, từng ngồi viết trong túp nhà sàn lát bằng những cây đước lột vỏ, cất trên những trang rễ đước ở giữa cánh rừng đước bất tận ngút ngàn, nơi đêm đêm vọng về tiếng sóng biển miền cuối đất và giờ đây còn dội tới giữa tâm can tôi nhịp vỗ đập của lương tri.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com