hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1326.htm

Nguyễn Phan Hách

Người hát ca trù

Ông Phán Ngữ mở cửa sổ. Gió bấc đầu mùa mới về thổi vi vút trên các ngọn dạ hương cổ thụ dọc đường phố. Tỉnh lỵ xao xác buồn. Những dãy nhà hai tầng mái ngói nhọn lô xô run rẩy.

Người bõ già bưng lên ly cà-phê bốc khói. Gọi già do quen mồm, chứ bõ còn đủ sức kéo xe tay đưa ông phán trẻ đi làm hàng ngày. Ông bõ từ quê lên, hầu hạ. Hai thầy trò thuê ngôi nhà cuối phố có vườn cây để ở.

- Hôm nay có lẽ nghỉ việc, không đến Tòa Sứ. Tôi muốn đi chơi bõ à -  Cậu Phán bảo.

Sao lại "có lẽ" - Ông bõ cười thầm.

Làm việc quan mà "có lẽ" thế thì chết. Thật chưa ai ngông nghênh dại dột vậy. Chức "phán đầu tòa" giúp việc quan Công Sứ, quyền nghiêng trời lệch đất trong tỉnh. Các quan tri phủ và cả tuần phủ nữa muốn bẩm báo với quan Công Sứ người Pháp đều nhất nhất phải qua ông Phán đầu tòa. Vậy mà cậu chểnh mảng chức việc.

Nhưng ai mà bảo được cậu. Đến ngay quan tri phủ Lương Tài - anh ruột cậu, nuôi cậu từ nhỏ, cho đi học, gây dựng nên người, cậu cũng còn chả nghe nữa là.

Chiếc xe tay "bọ ngựa" bánh cao-su, gọng đồng bóng loáng chạy bon bon dọc phố. Tỉnh nhỏ, một cuốc xe đã qua hết từ nhà Dây thép, nhà Thương, sở Đạc điền, tiệm Cao lâu, đến dinh Tuần Phủ, trường Cao đẳng tiểu học... Đường rải đá răm dẫn ra cổng ô. Bắt đầu đường lát gạch Bát Tràng giữa hai hàng tre um tùm bên bờ ao bèo ong trong vắt.

Xe dừng lại trước chiếc cổng gạch mái cong có con chó đá đứng chầu. Ông bõ rung chuông. Một chị Hai vấn khăn nhung lệch, tai đeo khuyên bạc chạy ra.

- Xin rước ông vào ạ.

Ngôi nhà lớn mái rêu cổ kính với hoa viên bát ngát hiện ra trước mặt. Đi qua một chiếc sân gạch rộng, Ngữ dừng bước trước thềm tam cấp lát đá.

Cửa bức bàn mở rộng, bên trong hoành phi câu đối vàng chóe. Mùi trầm trong đỉnh đồng thoảng bay. Phán Ngữ ngồi xuống bộ sa lông đen rức trạm nổi nho sóc, cởi áo khoác và phu la đưa cho chi Hai.

- Tôi đã cho người nhắn hẹn với cô đào Nhan...

- Dạ vâng... Ông chờ cho một lát.

Cậu Phán quay ra bảo ông bõ:

- Chiều tối đến đón tôi về...

Tiễn ông bõ, chị Hai đóng cổng gài chặt then. Khu nhà kín cổng cao tường tách biệt hẳn với bên ngoài, gợi một cảm giác ấm cúng. Mùi hoa hoàng lan rớt cuối thu còn thoang thoảng đâu đây. Mấy chậu cúc trên thềm đá cũng là cúc rớt thu, hoa đã héo quắt, cánh vàng đã thành cánh nâu mà vẫn không rụng. Giống cúc lạ thế. Cánh đào, cánh hồng chưa héo đã rời đài hoa rơi lả tả. Chỉ có cúc níu lại bóng dáng mùa thu trên cuộng.

Phán Ngữ đứng chờ bồn chồn. Từ nhà dưới, khuất sau khuôn viên, một người con gái thanh mảnh, cổ cao, mặt trái xoan trắng xanh, áo tứ thân hoa hiên thắt vạt bước ra. Cậu Phán vội chạy lại đỡ tay dắt lên thềm:

- Chào ông...

- Chào em...

Cô gái ngước cặp mắt phượng mày ngài nhìn trộm cậu Phán một cái, rồi e lệ cúi xuống. Đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau.

- Tôi nghe tên cô từ lâu. Hôm nay mới có dịp gặp... Người ta bảo cô có giọng hát "đổ quán xiêu đình"...

- Ông quá khen.

Hai người cùng cười, cố làm bộ tự nhiên.

- Hôm nay gió đầu mùa ông nhỉ. Không hiểu sao cứ gió đầu mùa là em thấy buồn buồn.

- Tôi cũng thế. Chúng mình giống nhau. Thôi thì hãy đem tiếng hát mà sưởi ấm cho nhau.

- Chỉ sợ không ấm được mà thôi.

Cô đào có miệng cười rất xinh, nhưng nụ cười rưng rưng hơi buồn, giống như đóa hoa đẫm lệ sương.

Ông Phán trẻ hào hoa phong nhã đặt bàn tay trắng xanh thanh tao của mình lên bàn tay thanh tú giá lạnh của cô gái.

- Sao tay em...

- Em cũng không hiểu. Tay em bao giờ cũng thế. Bàn tay như nói lên số phận.

- Anh sẽ sưởi ấm được. Anh thương đôi bàn tay lạnh quá. Chốc nữa làm sao gõ "phách" được.

Ông nhạc công già áo the khăn xếp khép nép bước vào, tay ôm chiếc đàn đáy cần cao vút. Buổi hát bắt đầu. Ba người ngồi trên sập gụ trải đệm.

Tiếng gõ phách giòn tan nổi lên. Đôi bàn tay giá lạnh của Nhan uốn lượn như múa trên cỗ phách bằng gỗ trắc đen bóng. Không ngờ tiếng gỗ lại âm vang đến thế được.

Tếnh... tếnh... tếnh... tang... tang... tang... Tiếng đàn dây tơ bắt đầu cái giai điệu ma lực quyến rũ của câu hát ca trù. Bắt đầu giây phút nghiêm trang, say đắm. Bắt đầu cuộc chơi giai nhân tài tử.

... Giai nhân nan tái đắc. (Người đẹp khó gặp lại được.)

Trót yêu hoa nên dan díu với tình.

Mái tây hiên nguyệt dãi chênh chênh.

Rầu rĩ mấy xuân về oanh nhớ.

Phong lưu công tử đa xuân tứ.

Trường đoạn Tiêu nương nhất chỉ thư (Chàng trai trẻ phong lưu nhiều tình xuân. Tiêu nương dứt ruột vì một bức thư.)

Nước sông Tương một dải nông sờ

Cho kẻ đấy người đây mong mỏi...

Tom tom, chát, tom... Phán Ngữ nghiêng đầu thả tiếng trống như những viên sỏi rơi trên mặt hồ man mác.

Tiếng hát đào Nhan trong vắt như tiếng suối nguồn, nghe hay đến thắt lòng.

Đôi môi của Nhan khi mở như hai cánh hoa hồng, khi ngậm mím, để tiếng hát ư ư ngân trong cổ họng. Tiếng hát chờn vờn hư hư thực thực, thấp thoáng ẩn hiện.

Tiếng đàn dây tơ căng trên mặt gỗ ngô đồng Chiêm thành âm âm đục đục luyến láy trầm bổng dìu dặt. Tiếng đàn và tiếng hát hòa quyện như một đôi chim dìu nhau bay giữa trời xa lắc. Cánh chim nọ đỡ cánh chim kia chới với mất hút tít xa rồi lại hiện về quấn quít. Có lúc tưởng như cánh chim không đọ nổi cái mênh mông của bầu trời, rơi lả xuống, nhưng rồi tiếng trống tom tom bất thần cất lên như đánh thức, làm chúng bừng tỉnh, gạt mây, rẽ gió, lấy đà vút lên.

Tiếng trống chát tom của Ngữ như chủ như khách lúc nhập vào, lúc tách ra, lúc là tiết tấu của lời hát, lúc là nhịp vỗ tay hưởng ứng.

Ông Phán trẻ hào hoa và cô kỹ nữ nhan sắc đã nhập đồng. Mê đi,  ngây đi, không còn biết gì nữa. Chỉ còn tiếng hát dắt dẫn họ trên con đường mù sương xa tít. Bóng họ lúc ẩn lúc hiện như tiếng hát chập chờn hư thực của họ. Họ như là đôi chim nhạn, họ chính là đôi chim nhạn đang bay chơi vơi. Họ ẩn vào mây, rồi lại hiện ra, chập chờn, hư ảo, mà có thật.

Phán Ngữ đắm chìm vào trong câu hát của các bậc tiền nhân tài hoa lừng lẫy và đầy tâm sự người quân tử:

Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc.

Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười.

Cái công danh là cái lạ đời.

Đường thản lý, cát nhân chi đã vội. (Đường đi bằng phẳng người giỏi không việc gì mà vội)

Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi.

Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu...

Câu hát của ai đấy nhỉ? à, Nguyễn Công Trứ, Ngữ chợt nhớ.

Và đây nữa, bài này của ai:

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy.

Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.

Thôi công đâu chuốc lấy sự đời.

Tiêu khiển một vài chung lếu láo.

Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu.

Trầm tư bách kế bất như nhàn. (Dứt hẳn với đời duy chỉ rượu. Nghĩ cho sâu thì trăm kế chẳng gì bằng chữ nhàn).

Hình như khẩu khí  Cao Bá Quát. Phải chính là của cụ Quát.

Ngữ thấy như trước mắt mình hiện ra bóng hình hai nhà nho tài tử. Một ông Trứ ngông nghênh lúc là Cụ Thượng đại thần, lúc bị giáng làm chú lính, lúc mơ thành "cây thông đứng giữa trời mà reo", nhưng lúc nào cũng "đề huề lưng túi gió trăng" cùng mấy bóng "thuyền quyên ứ hự" ngâm nga hát xướng. Một ông Quát chứa trong bụng cả một bồ chữ mà chả được làm quan, đi lang thang nô nghịch đặt lời cho mấy cô kỹ nữ hát. Những câu hát chẳng vơi được nỗi sầu, cuối cùng phát khùng nổi loạn và bị chém đầu.

Còn ai nữa...

Bùi Viên ngô cựu trạch.

Tứ thập niên kim nhật phú qui lai.

Tùng tùng cúc cúc mai mai.

Phiêu nhiên hữu khâu hác lâm tuyền chi dật thú. (Vườn Bùi nhà ta cũ. Sau bốn mươi năm nay mới trở về. Thông, cúc, mai bên nhau. Thanh thản thật, cái thú núi khe rừng suối).

Nguyễn Khuyến. Lại một ông đỗ đến đình nguyên mà chả biết cách làm quan, và cũng đếch thích làm, trở về ao thu ngồi câu cá.

Phán Ngữ lẩm nhẩm hát theo lời hát của các bậc tiền nhân.

Hát theo cả các câu "Thổng" lục bát của Chúa Trịnh Sâm làm để hát mở đầu trong các bài Thanh bình điệu của Thánh Thi Lý Bạch.

Bài hát nọ tiếp bài hát kia triền miên không dứt. Ngoài trời nắng đông loe một vùng run rẩy ngoài hiên. Tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống như đan dệt một tấm lưới, cùng run rẩy vây giăng...

Ông Cử Kim Cổ lận đận trên đường khoa hoạn. Ngoài 40 tuổi mới đỗ Cử nhân. Lĩnh chức Giáo thụ ngồi dạy học ở huyện Siêu Loại. Người vợ tao khang của ông cũng suốt một đời vất vả, váy thâm buộc lạt đi cấy, nuôi chồng ăn học, bây giờ mới được mở mày mở mặt. Dù sao thì chồng cũng đã làm quan Huấn đạo...

Từ năm 16 tuổi, cái Gái nết na đã về làm dâu nhà bà Đồ "nâng khăn sửa túi" cho cậu Khóa nhãi ranh. Bạn bè chế: "Ai ơi chớ lấy học trò. Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm. Ngày ngày cắp sách đi rong. Tối về lại thắp đèn chong tốn dầu". Cái Gái chỉ đỏ mặt. Rồi cũng chính bạn bè lại hát: "Chẳng tham ruộng cả ao liền. Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ". Cái Gái cũng chỉ cười. 16 tuổi, ngày ngày nó thắt lưng con cón theo bà Đồ đi cấy, tối về nằm rạt vào góc giường, nửa đêm thức vẫn thấy ánh đèn dầu lạc trên bàn học của chồng sáng lòi lọi. Đến một năm sau, đôi vợ chồng trẻ ranh ấy mới dám nói với nhau, và thằng con đầu khôi ngô ra đời.

Mấy năm một lần, chồng lại lều chõng đi thi. Lần nào nó cũng phải vét đến quan tiền cuối cùng đưa cho chồng. Tiền bán lợn, bán gà, bán buồng chuối, mớ rau, con cua con tép... cất kỹ trong cạp váy lâu ngày đến mốc xanh ra.

Đêm nào nó cũng mơ cảnh "Kiệu anh đi trước võng nàng theo sau". Có lúc tưởng y thật, nó lúng túng không biết vén váy trèo lên võng đào như thế nào. Và nằm trên võng, nó sợ hãi nhìn đôi gót chân nẻ toác từng miếng, trong đầy bùn đất, phải lấy que ngoáy ra.

Mơ hão mơ huyền. Bao nhiêu lần rồi bao nhiêu lần, bao nhiêu khoa thi kết thúc, nó chỉ thấy bóng chồng lù lù về ngoài ngõ, mặt mũi buồn xo thẹn thùng vì trượt vỏ chuối.

Người ta đồn: chồng nó học dốt lắm. Nhưng dốt mặc dốt, càng trượt càng quyết chí. Suốt ngày đêm mê mẩn chữ nghĩa. Học như cuốc kêu. Chỉ vài mẩu khoai củ sắn, lửng dạ, là đủ sức học từ sớm mai đến tối mịt.

Cuối cùng giời cũng không phụ công cái Gái. Khi chồng tóc điểm bạc, cũng lấy được "cái Cử nhân". Từ nay cái Gái được gọi là Bà quan Huấn. Có điều bà Huấn vẫn phải hàng xay hàng xáo tay năm tay mười đủ cho "nhà quan" chi tiêu.

Thằng con trai thông minh theo bố đi học ở nơi quan Huấn nhiệm sở, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ. Ngỡ tưởng từ nay đời cái Gái chỉ toàn sướng vui. Nào ngờ, có tin về làng: Quan Huấn đạo Siêu Loại tưởng người  "chân chỉ hột bột" thế mà lại dan díu với một kỹ nữ ca trù, dứt chẳng ra cho.

Cái Gái âm thầm khóc mấy đêm liền. Sáng ra phải chùi nước mắt cho sạch, gượng cười để giữ "thể diện" cho chồng...

Ông Cử Kim Cổ ngồi dạy học ở cái hạt có làng quê của cụ Cao Bá Quát. Đời sau, hậu sinh chả có ai hay chữ nữa, vậy nên ông Cử Kim Cổ đủ chữ để chấp cả một vùng. "Quỳnh Hương thư thất" của ông luôn thấp thoáng bóng dáng văn nhân đề huề lưng túi gió trăng qua lại. Rượu cúc nhấp môi, trăng thanh buông mành, tiếng hát đào nương thánh thót, các văn nhân thả sức phóng bút đề thơ. Cái thú chơi của ông Cử như vậy kể ra cũng là tao nhã lắm. Cái ông khoa bảng thứ hạng vừa thấp vừa muộn mằn này, ai ngờ có dịp là ăn chơi hào hoa ghê gớm. Y như để trả thù cho cả quãng đời cù mẳn cù mằn, nuốt khoai nuốt sắn, nuốt chữ thánh hiền, lèn như nhồi ngỗng. Còn cô đào Quỳnh của ông thì đúng như là bông quỳnh chợt nở đêm trăng. Vừa mới ngày nào còn là con bé lọ lem ho hen xách phách đàn theo mẹ đi hát lang thang trong các nhà thầy Lý, thầy Chánh. Vậy mà đến kỳ trăng tròn, tươi sáng rờ rỡ như thể hoa quỳnh. Ông Cử Kim Cổ đặt tên cho thư thất của mình là Quỳnh Hương chính là lấy từ tên cô.

Với tài thơ phú đã được rèn rũa qua bốn lần thì hỏng. Ông Cử Kim Cổ ngày đêm vắt óc sáng tác những bài Hát nói Ca trù cho cô đào Quỳnh hát. Thanh thì chẳng đổ quán xiêu đình, sắc thì cũng chẳng chim sa cá lặn, nhưng sự non tơ trong trẻo lại có sức hấp dẫn lạ lùng của nó. Tiếng hát dù còn vụng dại, ngây thơ, mộc mạc nhưng lại làm lòng già ngây ngất.

Dăm tháng một lần, ông Cử Kim Cổ tổ chức một buổi hát. Bài hát nói của các văn nhân sáng tác có nhiều chữ nho rắc rối, nhưng cô đào Quỳnh thông minh hát trôi chảy, ngậm vần nhả chữ đâu ra đấy. Các ông vuốt râu, nhấp rượu nhấp trà gật gù thưởng thức những câu thơ của mình được ngân vọng long lanh qua giọng người kỹ nữ trẻ.

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn

Yên ba thâm xứ hữu ngư châu.(Cuộc thế thăng trầm thôi chớ hỏi. Thuyền câu khói sóng dập dềnh trôi)

Vắt tay nằm  nghĩ chuyện đâu đâu.

Đem mộng sự đọ với chân thân thời cũng hệt.

Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian Chi minh nguyệt.(Chỉ có gió mát trên sông, trăng trong đầu núi)

Kho trời chung mà vô tận của mình riêng

Tiếng trống tom chát tan vào ánh trăng. Và đôi khi trong cuộc hát, giữa nửa đêm, một bông hoa quỳnh chợt nở, làm các ông hào hứng thi nhau ứng tác xướng họa.

Cô đào Quỳnh như một bông hoa tươi non giữa vòng vây của các bậc túc nho đạo mạo bụng đầy chữ nghĩa thánh hiền...

Rồi cho đến một ngày cô đào Quỳnh cổ kiêu ba ngấn, người lả lướt như cây liễu, về ở hẳn trong nhà ông Cử Kim Cổ. Từ đấy những buổi hát tụ tập tao nhân mặc khách, ông Cử không cho cô ra hát nữa, mà mướn kỹ nữ từ nơi xa đến. Ông để dành cô. Và cô chỉ được hát cho ông nghe. Một mình ông nghe, không có người thứ hai. Cô hát trong một buổi đầu thu, hàng liễu trước thềm run rẩy, nắng vàng rưng rưng, và ông Cử cúi mặt chau mày tựa cửa đứng nghe. Cô hát trong một buổi chậu lan ngoài vườn chợt nở "Không cốc ưu lan, Thanh hư phiêu hương" bóng lan khi mờ khi tỏ, hương lan khi thoảng khi nồng. Cô hát trong một đêm thanh vắng, gió bấc thổi rạt ngọn nến, vừa đưa ngón tay gầy lên cài cúc chiếc áo mềm, vừa gõ nhịp phách. Cô hát trong một buổi nắng tháng ba, dàn nhót đỏ chói sau vườn, hoa loa kèn nở rộ, và nắng mới như lặn vào da thịt thiếu nữ. Cô hát trong một buổi chim én chợt về như phong thư báo tin xuân, những chiếc hoa đào cựa quậy và tiếng chim oanh sau nhà điểm xuyết chen vào.

Chín tháng sau cô đào Quỳnh sinh cho ông Cử một cậu ấm khôi ngô, giống mẹ như đúc, đặt tên là thằng Ngữ.

Trong những buổi đầu thu, hay gió bấc đầu mùa, chim én bay về, nắng mới tháng ba, cô vẫn vừa vạch vú cho con bú vừa hát cho chồng nghe. Giọng giờ trầm hơn, đượm hơn, có nhựa quyện, có mật rót làm ông Cử cứ ngây ngất quên cả tháng năm, thời cuộc. Những bài hát nói ông làm riêng cho cô hát chép đã đầy cuốn sổ giấy Hoa tiên. Rồi cho đến một ngày kia, ông ôm ngực ho sù sụ tròng mắt bạc mầu, một ngụm huyết đỏ tươi rớt xuống tập bài hát nói đóng triện "Quỳnh hương thư thất". Ông mất đi giữa lúc cô đào Quỳnh còn đang độ tuổi xuân và thằng bé Ngữ mới bắt đầu biết đánh vần Tam tự kinh. Cô đào Quỳnh thắt khăn tang, mặc áo xổ gấu thờ chồng, chờ cho cỏ trên mộ chồng xanh, nàng xin phép vong linh ông, xách đàn xách phách ra đi đến "bến Tầm Dương" hay ngõ "Tịch Dương" nào của kiếp bướm vàng kỹ nữ. Thằng bé Ngữ được trả về cho bà Cả ở quê.

Ngôi "Quỳnh hương thư thất" gió mưa xô xập, những giò lan chậu quỳnh héo úa. Bên ngõ liễu trong nắng vàng hoe, không còn bóng những văn nhân lưng túi gió trăng, ngựa hồng lững thững, tiểu đồng theo sau, mà chỉ còn bóng dáng những con bò vào vườn hoang gặm cỏ.

Bà Cử Kim Cổ - người vợ tao khang cũng quy tiên theo chồng chỉ sau đấy mấy năm. Dưới suối vàng, hai ông bà bây giờ được bên nhau trọn vẹn, thủy chung như nhất.

Trước khi mất bà nhìn cậu bé Ngữ - đứa con riêng của chồng, ứa nước mắt không nói được gì. Đoạn gọi người con trưởng ruột thịt của bà lại mà dặn rằng nhớ phải tránh xa, đừng tơ vương vào những người cầm ca kỹ nữ.

Gia tài nhà ông Huấn đạo phong hoa tuyết nguyệt suốt đời mê mẩn hát xướng có được là bao. Cảnh nghèo túng xồng xộc liền chân. May thay người con trưởng đã kịp "đại đăng khoa", được bổ chức tri phủ Lương Tài. Thấy cậu em cùng bố khác mẹ thông minh dĩnh ngộ bèn nuôi cho ăn học với điều kiện: phải từ bỏ người mẹ đẻ kỹ nữ của mình. Quên hẳn. Không bao giờ được nhắc đến. Sau này lớn lên, cũng không được nhận. Người thiếp ấy đã làm vẩn đục nếp nhà gia giáo nho phong.

Cậu bé Ngữ khóc òa. Một bên là mẹ. Nhưng mẹ đã xách đàn đi đến phương trời xa lắc nào. Nhận mẹ, để đời phải mò cua bắt ốc, lang thang như cỏ dại. Một bên là nếp nhà "gia giáo" của người huynh trưởng. Theo huynh trưởng sẽ được học hành, sống trong yên ấm. Chọn đằng nào? Chỉ một, không thể có cả hai. Cậu bé Ngữ còn biết làm gì nữa trong cuộc chọn lựa khắc nghiệt này.

Đêm đêm trong giấc mơ, tiếng hát mơ hồ của mẹ vọng về khía đứt từng khúc ruột cậu. Nước mắt rơi đầm đìa ướt gối. Sáng ngày ra, phải chùi mắt thật sạch khoanh tay đứng trước huynh trưởng nghe những lời giáo huấn. Cậu khẳng định chỉ có một mẹ, đó là mẹ Cả và cậu hứa sẽ không phụ lòng huynh trưởng...

Người huynh trưởng thức thời xếp Tứ thư Ngũ kinh vào trong chiếc bồ sơn then treo cao góc nhà, và gửi cậu vào trường Tây học chữ Phờ răng xe. Tính toán của ông tri phủ Lương Tài không nhầm. Chính nhờ cái chữ Phờ răng xe ấy mà sau này em ông đã được làm phán đầu tòa trong dinh Công sứ. Nhưng cái ông nhầm là, ngay sau kỳ tập sự vừa xong, được bổ chính ngạch, cậu em Ngữ đã băng đi tìm mẹ đẻ. Cậu ơn ông cho ăn học bao nhiêu thì lại hờn ông bắt cậu phải từ bỏ mẹ bấy nhiêu. ánh mắt cậu nhìn ông sao mà khó tả, chan chứa hàm ơn mà cũng mờ đục hận thù. Mẹ đẻ cậu, người kỹ nữ phiêu dạt hết bến Tầm Dương đến phố Tịch Dương của phương trời nào, không ai biết nữa. Lần tìm mãi, đến được thì chỉ còn "Sè sè nấm đất bên đường. Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh". Trở về tìm lại nền cũ ngõ xưa đầy bóng chiều hôm với hồn thu thảo của Quỳnh hương thư thất, cậu đứng nghẹn ngào. May sao còn một gốc liễu. Cậu quyết định bốc mộ mẹ về đấy an táng. Cậu còn muốn đem hài cốt của cha về bên gốc liễu. Người anh cự tuyệt. Hai anh em cãi nhau quyết liệt. Cậu khóc rưng rức về sự hỗn hào, vô ơn bạc nghĩa của mình với anh. Nhưng biết làm sao được...

Bóng hoàng hôn lảng vảng như cánh bướm tím ập vào cửa sổ. Chiếc đèn phẫn giữa nhà tỏa quầng sáng đục. Một bếp than hoa đặt góc phòng tỏa hơi ấm dễ chịu.

Hai người ngồi sát nhau, tựa lưng trên tràng kỷ. ánh đèn soi rõ chiếc cổ trắng nõn nà của Nhan, hơi thở nàng thơm thơm.

Ngữ cầm bàn tay người kỹ nữ đặt lên môi mình. Hơi thở anh làm ấm mềm bàn tay giá lạnh bẩm sinh.

Nhan khẽ dụi đầu vào ngực Ngữ như con chim bé bỏng. Bàn tay anh lần mở hàng cúc bấm đợ nhẹ vào đôi vú đẹp.

- Chúng mình cùng hát se sẽ nhé - Ngữ bảo.

Không đàn, không phách, không trống, chỉ có tiếng hát mộc thầm thì. Nhan mỉm cười. Không ngờ người khách tình lại có giọng hát hay đến thế. Buồn buồn nao nao. Nàng hát theo và ngực nàng phập phồng lên xuống theo nhịp hát, độ phập phồng  mơn man lúc nhẹn lúc mạnh chạm vào bàn tay Ngữ.

- Anh có yêu em không - Nàng hỏi.

- Có.

- Yêu em hay yêu tiếng hát của em.

- Yêu cả hai.

- Thật chứ.

- Thật. Em có muốn về ở với anh không. Anh sẽ mua cho em một mảnh vườn nhỏ ngoại ô, dựng ngôi nhà hai tầng, xây hàng rào bao quanh vây kín tiếng hát ở trong, để nó là của riêng anh.

- Em muốn. Nhưng lời khách tình có giống như gió bay lên trời không?.

- Và lòng kỹ nữ có chập chờn như bướm vờn hoa?

- Anh là ai?

- Anh là con một người kỹ nữ tài hoa yểu mệnh. Thế còn em, em là ai?

- Em là ai ư? Cha em bảo tổ tiên em là ca nữ họ Trương, người đẹp hát hay đến nỗi chúa Trịnh Cương lấy làm vợ, và sau này được phong "quốc mẫu". Chính Trương quốc mẫu đã bảo Trịnh Cương xóa bỏ lệ không cho con nhà ca nữ được đi thi...

- Hóa ra em là con vua cháu chúa ư, có thật không...

- Mấy trăm năm rồi, nào ai biết được thực hư.

- Chẳng lẽ cha em lại bịa ra thế. Thực đấy. Em bây giờ cũng là "Trương Quốc mẫu" của lòng anh...

Cô đào Nhan gài lại khuy áo đến trước gương soi. Bất giác cô cũng không hiểu mình là ai nữa...


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com