Một buổi sáng, trời Hải Phòng dăng đầy mưa bụi. Có một chàng thanh niên gầy gò mặc bộ Âu phục xuềnh xoàng mầu cánh gián, tay cắp chiếc cặp da cũ trông như một người chào hàng, bước lên toa hạng ba chuyến xe lửa Hải Phòng - Hà Nội. Chàng trai gương mặt hiền lành, chọn chỗ ngồi trên chiếc ghế băng sát bên cửa sổ. Vừa ngồi xuống, anh mở cặp lấy ra thếp giấy chi chít những dòng mực tím, chữ viết đều và hơi ngả. Rồi, chẳng để ý gì đến các hành khách với lủng củng những thúng mủng quang gánh bu gà..., anh cúi đầu chăm chú đọc. Đôi lúc rút chiếc bút máy Pao-lô cài trên mép túi áo vét, vặn thân bút lòi ra ngòi thủy tinh, gạch xóa hoặc thêm vài chữ vào trang giấy.
Tàu dừng lại ít phút ở ga xép Cẩm Giàng. Anh thanh niên mải mê đọc, không hề biết một người vừa từ sân ga Cẩm Giàng bước lên, lặng lẽ đến ngồi ngay cạnh và tò mò đưa mắt đọc những dòng chữ mực tím của mình. Người mới lên tàu hơn anh chàng khoảng dăm tuổi, mặt gầy xanh tái, đôi mắt to và sâu ánh lên vẻ thông minh trên gương mặt trầm tĩnh nhiều nét suy tư; người dáng vẻ ốm yếu vì chốc chốc lại xoa ngực ho khan. Tiết trời đầu xuân chẳng lạnh lắm, nhưng ông ta vẫn xù xù chiếc khăn len cũ quàng kín cổ. Thấy chàng thanh niên đọc xong, mở cặp định cất tập giấy, người đàn ông vội nói, giọng nhỏ và thanh:
- Xin lỗi anh vì tính tò mò. Tôi muốn anh cho xem nhờ mấy truyện ngắn này, được không?
Chàng thanh niên tỏ vẻ hơi ngỡ ngàng nhưng cũng đưa ngay. ánh mắt anh nhìn không chớp với vẻ đầy ngưỡng mộ khi người không quen biết ngồi cạnh tự giới thiệu:
- Tôi là Thạch Lam.
Nhà văn nghiêng xấp giấy sát cửa sổ, chậm rãi đọc chăm chú. Đôi lúc khẽ gật gù, đôi lúc mắt sáng lên như có ánh cười ... Trả lại xấp bản thảo, nhà văn Thạch Lam nói:
- Đọc mấy truyện, tôi rất thích Ngày gặp gỡ. Cái tiếng gọi đò của người Minh hương "tồ... ui" này là một chi tiết đắt giá, nó làm dậy lên sinh khí của truyện.
Nhà văn lại ho khan, rồi vừa xoa ngực vừa nói:
- Cốt truyện hay, câu văn hay chưa làm cho truyện hay, mà tâm hồn người viết rung động mới làm cho truyện hay, mới làm rung cảm người đọc, tác phẩm mới có sức sống lâu bền... Tôi muốn phiền anh cho mượn đọc tất cả những truyện anh đã viết.
Chàng thanh niên rụt rè:
- Tôi mới làm được ít bài thơ, viết vài truyện đăng báo, còn non nớt vụng về nhiều.
Nhà văn ghi vài dòng vào mảnh giấy nhỏ địa chỉ tòa soạn báo Ngày nay nơi làm việc và địa chỉ nhà riêng ở ven Hồ Tây, đưa cho người mới quen. Chỉ vài hôm sau, anh thanh niên đã đưa tất cả truyện ngắn của mình đến nhà Thạch Lam. Đấy là ngôi nhà mái lợp gianh tường vách gỗ, từ trên đê Yên Phụ xuống một đoạn dốc ngắn. Qua cổng, là khóm tre rợp bóng lá xanh và cây liễu rủ lòa xòa xuống mặt nước ven hồ kề sân nhà. Cuộc gặp thân mật làm anh thanh niên mới viết văn, làm thơ có dịp biết được bao điều cần biết, những bài học vỡ lòng sâu sắc về nghệ thuật viết.
Mùa xuân năm sau kể từ lần gặp bất ngờ trên chuyến xe lửa Hải Phòng - Hà Nội ấy, một tập truyện ngắn mới in của Nhà xuất bản á Châu có mặt trong quầy kính các cửa hàng sách Hà Nội. Tập truyện mang một nhan đề gợi cảm: Chân trời cũ, tác giả chưa có tên tuổi gì và lạ lẫm với đông đảo độc giả: Hồ Dzếnh. Bài in chữ ngả ở trang đầu tập truyện do nhà văn Thạch Lam viết khẳng định: "Tác giả là một tài năng mới của văn giới nước ta". Lời tựa Thạch Lam đã có sức mạnh đẩy Chân trời cũ tới tay đông đảo người yêu văn chương. Ngay tức khắc Chân trời cũ được nồng nhiệt đón đọc, và nhiều thiên truyện trong tập ấy có nhiều mảng đọng lại bền lâu trong lòng người.
... Nhiều lần kể lại chuyện này với những bạn trẻ vào nghề viết sau mình, nhà văn Hồ Dzếnh nói:
- Đối với mình, vào ngày đầu năm 1941 ấy, bất ngờ được gặp Thạch Lam là một ngày hạnh phúc, vì những trang viết đầu đời của mình đã có số phận may mắn lọt vào mắt xanh Thạch Lam.