hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1314.htm

Nguyễn Kim Châu

Lặng lẽ đồng bằng

Mọi người về hết, chỉ mình tôi ở lại trên nền đất còn nham nhở bụi than và những mẩu gỗ cháy thừa, nơi mới hôm qua còn là cái lều chăn vịt của chú tôi. Tất cả đều cháy rụi còn chú thì chẳng biết sống chết lẽ nào. Đối với tôi, cú sốc này quá nặng. Tôi muốn về, nhưng, rất mơ hồ, chợt nghĩ rằng mình sẽ bị lạc đường. Mỗi khi ra đồng lớn, tôi quen lấy cái lều chăn vịt của chú tôi làm mốc định hướng. Cánh đồng mùa nước nổi mênh mông như biển, nửa đêm đi dăng câu, cứ chong mắt nhìn ngọn đèn dầu le lói trong lều là biết mình đi đúng đường. Giờ, mất điểm làm mốc, tôi đi loanh quanh mãi trên những bờ ranh đầy cỏ, thấy mình lọt thỏm, nhỏ nhoi giữa cánh đồng khô hạn bạt ngàn gốc rạ xám ngoét sau mùa gặt. Tôi cất tiếng gọi chú trong lúc sục tìm từng lùm cây, bụi cỏ nhưng cánh đồng rộng lớn mà tôi thì chỉ có một mình. Vào lúc chiều tối, buồn bã và tuyệt vọng, tôi trở lại chỗ cái lều ngồi ủ rũ trong ánh hoàng hôn đỏ úa, lặng lẽ nhìn những mảnh kim loại xám đen còn lại của chiếc đàn ghi-ta phím lõm. Chúng gợi nhắc cái thứ âm thanh não nuột, u hoài mà tôi từng nghe suốt một quãng đời thơ ấu. Bất giác, tôi thấy mình đang khóc, tiếng khóc không thoát ra được, cứ đội vào trong ngực, tức uất, nặng nề...

Hai ngày trước, chú còn ngồi uống trà với cha tôi lúc sáng sớm. Tôi nhớ như in cái cách chú ngồi xổm kiểu nước lụt trên cái ghế đẩu khập khiễng, mặt lạnh tanh, vô hồn, chẳng nói chẳng rằng, cứ lặng lẽ vấn thuốc hút. Chú hút liên tục, điếu này chưa hết, tay đã vấn điếu khác, những điếu thuốc giồng to bằng ngón tay cái cứ nối nhau cháy đỏ, tỏa ra không gian thứ khói đặc sệt, khen khét, nồng nồng, ai không quen chỉ ngửi cũng đủ ho sặc sụa. Tính cha tôi cũng vậy, lầm lỳ, ít nói. Hai anh em uống trà sớm như hai người khách lạ ngồi cùng bàn. Uống trà là thú vui duy nhất của cha tôi. Ba giờ sáng, gà mới gáy rộ, ông đã thức dậy, lò mò thắp lại ngọn đèn dầu trên bàn thờ mẹ tôi rồi đi ra sau bếp nhóm lửa. Cái bếp tách biệt hẳn với gian nhà trên, trống toang hoác là nơi đặt hai cái lò bằng đất sét, một chiếc bàn nhỏ và mấy cái ghế chân cẳng xiêu vẹo. Những đêm mất ngủ, chú tôi bơi xuồng vào, thản nhiên nhóm bếp, lấy trà để sẵn trong hộp cho vào ấm rồi pha nước ngồi uống một mình, chờ cha tôi thức dậy. Hai người vốn dễ tính, thứ trà nào uống cũng được miễn sao nước có mầu và chút mùi thơm. Lần nào đi chợ huyện, tôi cũng cố tìm mua một ít trà ngon  nhưng chẳng thấy hai ông già khen chê gì cả cùng lắm chỉ gật gù hay ngước lên trời khà một tiếng thật dài. Có đêm, tôi cũng thức sớm ra vui chuyện. Tôi pha cho mình một ly cà-phê, nhẩn nha uống, thấy say say lạ bởi cái mùi khói thuốc nồng gắt của chú. Lần nào tham gia vào hội uống trà chỉ có hai người ấy, tôi cũng bị chú hỏi đúng một câu không trả lời được: "Chừng nào cưới vợ, mày". Tôi cười: "Lương giáo quèn ba cọc ba đồng, tiền đâu mà cưới, hở chú". Cha tôi nghiêm mặt: "Cưới vợ là việc lớn. Đừng nói chơi". Tôi lặng thinh, chợt nhớ rằng đấy là chuyện day dứt của cha tôi.

Mà không buồn sao được. Tôi sinh trưởng ở làng, lớn lên, ra thành phố ít năm ăn học rồi cũng trở về làng, làm nghề gõ đầu trẻ, buổi sáng quần áo tinh tươm, buổi chiều lại trở về làm anh nông dân chân lấm tay bùn. Cuộc sống chẳng khác mấy so với 30 năm về trước, ngày tôi mới chào đời. Cha tôi vẫn vậy, ngày ngày phơi lưng dưới nắng gió ngoài đồng, mồ hôi trộn vào đất, làm khô cháy đen đủi, bàn tay thô ráp, chai sần, móng chân thối vàng bệch vì phèn nặng. Đất nhà tôi ít, đến mùa lúa, phơi khô, rê sạch xong phần đóng lúa thuế, phần công cấy công cày, phần giống má, phân bón, thuốc trừ sâu... số còn lại, chỉ xâm xấp đáy bồ, chẳng mấy chốc mà đứt bữa. Cha tôi phải đi làm đất mướn. Đất đồng chỗ gồ chỗ trũng, nơi cao nghệu, nước không tới được, nơi ẩm úng, nước ngập đầu lúa, chết cả, chỉ còn lại cỏ. Người ta mướn cha tôi mỗi công một giạ lúa để san đất từ chỗ cao xuống chỗ thấp cho đến khi mặt ruộng bằng phẳng, chủ đất vừa ý mới được mang lúa về. Cái nghề bạc bẽo, đất san phẳng như tấm ván ngựa, chủ vẫn cứ chê là chưa được. Nhiều lúc nổi nóng, cha tôi quăng cuốc bỏ về, mấy hôm sau, tiếc công, tiếc của, lại trở ra, hì hục đào xới, có khi phải làm suốt đêm. Lớn một chút, chị Nhân tập cầm liềm cắt lúa, rồi vào hội cắt thuê, công cắt mỗi ngày cũng chỉ hơn nửa giạ. Số tiền ấy là dành cho tôi ăn học. Tôi đi học xa, mỗi tháng ra bưu điện nhận tiền gửi, biết đấy là sự hóa thân của mồ hôi, nước mắt, của những đêm cha tôi mất ngủ, oằn lưng dưới ánh trăng non cuốc đất, của những ngày chị tôi còng người ê ẩm ngoài đồng, lưỡi liềm bén ngọt cắt vào bàn tay tê dại máu chảy ròng ròng mà chẳng còn biết đau. Mấy lần, tôi bỏ về nhà, định nghỉ học. Cha tôi thở dài chỉ tay lên tấm ảnh mẹ trên bàn thờ, buồn bã nói: "Má mày còn sống, chắc buồn lắm!". Hôm sau, tôi lại khăn gói ra đi. Lần nào đi, chị Nhân cũng giúi cho ít tiền lẻ để đi đò và uống nước. Tôi qua sông, ngoái nhìn lại, thấy dòng sông trắng lóa, mênh mang, nếp nhà cũ nghèo khó khuất tối trong hàng bần mọc chi chít ven bờ. Vậy rồi, cũng tốt nghiệp, cũng bằng cấp hẳn hoi nhưng chẳng tìm được chỗ nào thích hợp, lại về quê dạy học. Đời thầy giáo nghèo làng quê, vui ít buồn nhiều cứ vậy trôi đi. Chị tôi nói: "Làm lúa không lời, chỉ lợi cho bọn đầu cơ phân bón, thuốc trừ sâu, bọn nhiều máy cày máy xới. Thôi thì bán hết đất, lấy tiền ra chợ mua bán". Cha tôi lắc đầu: "Đất của bà ngoại mày, không thể bán!". Một bữa, giữa trưa đứng bóng, chị Nhân bỏ buổi làm cỏ mướn, tìm cha tôi trong cái lều chăn vịt của chú Đảm, nói tỉnh khô: "Ba à, con tính đi thành phố". Cha tôi cau mặt: "Chốn lạ nước lạ cái, đến đó mà làm gì. Tao không cho đi". Chị Nhân cũng không cãi, lặng thinh bỏ về nhà. Tưởng là vui chuyện, hóa ra, chị trốn nhà đi thật. Chiều về, cha tôi đứng lặng ở cửa buồng chị, nhìn chiếc chiếu rách tã được cuốn lại cẩn thận trên cái giường hẹp. Trên vách chỉ còn lại vài cái áo đi làm đồng, mầu đen bị phai  đi, trắng nhờ nhờ thứ mồ hôi mặn chát trộn trong phèn. Đêm đó, cha tôi không ngủ được. Chú tôi bơi xuồng vào lúc nửa khuya. Hai anh em ngồi lầm lỳ trong cái bếp ám khói, uống hết bình trà này đến bình trà khác. Bất nhẫn, tôi đi ra, cố tìm cách an ủi: "Thôi thì chị Nhân lớn rồi, ba có lo cũng vô ích. Đi năm ba bữa, chắc cũng trở về. Con ở thành phố mấy năm, con biết. Thời này, tú tài, cử nhân còn thất nghiệp, ra đầu đường vá xe đạp, huống gì chị con". Tôi đoán sai. Một tuần, một tháng rồi hai tháng qua đi. Niềm hy vọng nhỏ nhoi của cha con tôi tắt ngấm trong cái cảnh lạnh lẽo, vắng lặng của căn nhà giờ chỉ còn lại hai người. Cha tôi ngày một lầm lỳ, cô độc, thích uống rượu khan một mình. Có đêm say rượu, đang ngủ như chết, ông chợt ngồi dậy, chờn vờn ra mở cửa, thảng thốt nói: "Nhân về hả con. Ba có chừa mày tô cơm nguội". Tôi đi ra, kéo ông vào mùng rồi thắp nhang trên bàn thờ mẹ, tàn nhang không rơi xuống mà uốn cong lại. Có con bướm rất to đậu trên tấm ảnh ố vàng của mẹ tôi, đôi cánh chấp chới trong làn khói hư ảo khiến tôi chợt rùng mình, tay chân lạnh ngắt.

Chị Nhân đi ba năm, làng đổi khác bằng mười năm. Nhà nước trải một con đường đất đỏ liên huyện băng qua làng, xe du lịch có thể chạy được. Điện kéo về. Cái chợ nhỏ chỉ họp lúc sáng sớm, xưa lèo tèo vài lều quán chỏng chơ, giờ sung túc, ồn ào bởi những ngôi nhà khang trang, kiểu vẽ hiện đại, những quán cà phê video đèn mờ xập xình tiếng nhạc, những quán nhậu rượu đế, bia hơi, nghe đâu còn có cả bia ôm. Bọn thanh niên tối tối kéo nhau ra chợ rúc vào các quán đèn mờ, nửa đêm về ngang nhà tôi còn bàn tán lao xao về sự thoải mái của phim sex, sự sôi động của Rock, Rap, Lambađa. Đám học trò cấp một của tôi hăng hái chơi trò đánh kiếm, bắn súng hệt các phim bạo lực của Hồng Công coi cóp được trong vô số những buổi trốn học. Mấy cô gái nhà quê tập tễnh mặc quần jean, áo thun bó sát người, phấn son lòe loẹt công nhiên đàn đúm với bọn thanh niên ngoài đình những đêm có gánh cải lương về diễn, thời nay không sợ chửa hoang, bị làng cạo đầu bôi vôi như xưa. Mấy tay giàu xổi bắt đầu sắm Dream, xây nhà, kiểu vẽ ngô nghê, nửa Tây, nửa Tàu, có người lấy gạch men chuyên lót phòng vệ sinh mang ra gắn mặt tiền trông rất ngộ. Một gã nghèo khổ, chẳng biết nghĩ sao bán hết đất ruộng để mua chiếc Dream tem lửa hẳn hoi về nhét vào cái nhà lá chật cứng trống trước hở sau, chật vật lắm mới kiếm đủ số tiền đổ nửa lít xăng chạy lông nhông trên con đường đất đỏ. Người làng lác mắt, khen: "Thằng này chịu chơi!".

Lần nọ, một đám chịu gả không cho tôi, nói thuần những chuyện tình nghĩa làng xóm, nghe mát cả ruột. Cha tôi mừng lắm nhưng vẫn cẩn thận đi kín đáo thăm dò. Hóa ra, cô đó lai lịch mù mờ, quan hệ lăng nhăng nghe đâu đã một lần trốn ra tỉnh phá thai. Cha tôi buồn, lại mất ngủ, lại ra lều của chú uống rượu. Ngoài lều chú tôi, cái gì cũng thiếu, chỉ rượu lúc nào cũng sẵn.

Từ đó, cha tôi không nhắc đến chuyện vợ con của tôi nữa. Gánh nặng mặc cảm nghèo khó và tâm trạng của một người cha không hoàn thành trách nhiệm khiến lưng cha tôi còng hẳn xuống, đôi mắt tối thẳm còn gương mặt thì lơ láo buồn. Chìm đắm trong một miền cô đơn sâu kín và lặng lẽ, ông từ chối mọi lời an ủi bằng cách trốn ra ngoài ruộng, cặm cụi làm suốt ngày, không còn việc thì nằm dưới gốc cây trâm bầu, nón lá che mặt chẳng biết ngủ hay thức.

Cuối cùng rồi chị Nhân cũng gửi thư về. Lá thư đầu tiên sau ba năm không tin tức chỉ vỏn vẹn vài hàng nguệch ngoạc nói rằng chị sẽ gửi tiền về cho tôi cất nhà cưới vợ, và rằng, trước mắt, gửi về năm triệu để xoay xở. Cha tôi nghe đọc, không buồn, cũng chẳng vui, chỉ hỏi: "Trong thư có nói nó ở đâu không?". Tôi đọc kỹ lại, thấy dưới hàng tái bút có cái tin chị tôi đã lấy chồng, một gã ngoại quốc có cái tên dài ngoẵng, chỉ đọc được chữ Michael ở phía đầu. Nghe đến đó, cha tôi giật phắt bức thư, xé nát. Chú tôi nhìn trừng trừng những mảnh giấy vụn rồi lặng lẽ bỏ về, mấy ngày liền không thấy vào. Đâm lạ, tôi bơi xuồng ra thăm chú, ở xa đã nghe tiếng đàn buồn bã và nặng nhọc. Khúc Dạ cổ hoài lang chiều đó thấm đẫm nỗi u buồn u khuất của cánh đồng trống mông quạnh, của tiếng ếch nhái ễnh ương trên dòng kênh ngầu đục, của buổi hoàng hôn ảm đạm xám ngoét một mầu mây đục trên bầu trời sắp có giông bão.

Thấy tôi, chú nghẹn giọng, bật khóc như một đứa trẻ. Lại sắp lên cơn điên rồi. Tôi giật chai rượu rồi đè chú xuống cái chõng tre, bắt ngủ. Chú nằm yên nhưng miệng vẫn cứ ú ớ, lảm nhảm một câu chuyện gì đó, không đầu không đuôi. Tôi tò mò lắng nghe, cố chắp vá những mảnh vụn lộn xộn trong lời nói người say thành câu chuyện buồn thảm về một người đàn bà mà tôi chưa hề biết mặt và cũng chưa nghe những người thân nhắc đến bao giờ. Tôi về hỏi cha tôi. Ông chết đờ người một lúc rồi gật đầu. Hóa ra, ngày trước chú tôi cũng từng ra thành phố, quanh quẩn mấy năm rồi trở về mang theo một người đàn bà bụng chửa vượt ngực. Chú kể thiệt với cha tôi, cô ấy là gái cave, bắt nhân tình với một thằng Mỹ. Nó về nước bỏ lại cái bầu vô thừa nhận. Chú tôi nổi máu anh hùng, nhận làm vợ rồi đem về làng, tá túc chờ sinh nở. Sợ làng dị nghị, cha tôi cất cho chú thím cái lều ngoài đồng. Đứa bé sinh ra, mắt xanh, tóc vàng hoe, xoăn tít, da trắng nhờn nhờn, chỉ có cái mũi tẹt là giống dân da vàng châu á. Thím xấu hổ còn chú tôi thì đau đớn. Hai người chăn vịt ngoài đồng hễ gặp ai là lấy nón lá che mặt. Tôi lại hỏi: "Vậy thằng nhỏ đâu rồi?". Cha tôi lắc đầu: "Chết rồi! Đêm đó, thím mày bơi xuồng vào, vừa đập cửa vừa khóc. Tao chạy ra ngoài lều, thấy nó chết thật, đám lông vàng hoe trên cánh tay dựng đứng, con mắt mở trừng trừng, trán nóng như lửa mà hơi thở thì đã bặt. Chôn thằng nhỏ xong, thím mày trốn ra ngoài đồng, uống hết gói thuốc chuột mà chết".

Mất mấy ngày, chú mới hoàn hồn trở lại, vừa tỉnh táo một chút đã vội đi tìm tôi, hỏi: "Nó nói gởi tiền về, có không?". Tôi cười: "Có, chẵn năm triệu. Con lãnh tiền mà run như trúng độc đắc". Chú gật gù: "Thôi, vậy cũng mừng, ráng lo cất nhà, cưới vợ rồi kiếm đứa cháu cho ba mày yên lòng". Tôi lắc đầu: "Chú khuyên ba con giùm, ổng nhất quyết không chịu cất, cho là nhục nhã lắm". Chú chẳng nói gì, hình như đã nghĩ sang chuyện khác. Đồng tiền mang về vậy là vẫn nằm yên trong tủ cho đến khi nhị Nhân đột ngột trở về. Chiếc xe du lịch bóng loáng chở chị phải chạy thật chậm trên con đường đất đỏ vì lũ trẻ bâu quanh như một đàn ruồi. Người lớn không quá lộ liễu nhưng cũng đứng lấp ló ở cổng, xuýt xoa, chỉ trỏ, háo hức. Tôi cũng đứng chờ ở cửa, buồn vui lẫn lộn, nửa mừng chị về, nửa xa lạ, ngờ vực khi nhìn chị bước xuống xe, kiêu hãnh và đài các trong chiếc áo dài tím than có đính kim tuyến. Đúng là chị thật. Chị đi xăm xăm vào cửa, vừa khóc, vừa rút nhang thắp trên bàn thờ mẹ tôi rồi đi ra sau bếp. Bàng quan trước tất cả nhưng xao động do chiếc xe du lịch lộng lẫy gây ra trong lần đầu tiên xuất hiện ở cái làng quê hẻo lánh và nghèo khó này, cha tôi cứ ngồi yên trong bếp, nhìn chị Nhân bằng con mặt lạnh lẽo: "Nhân về hả con?". Chị lại khóc, rồi chị nói huyên thuyên chuyện làm ăn, chuyện tiền bạc, chuyện thành phố... Cha tôi nghe nhiều hơn hỏi, cứ chốc chốc lại gật đầu, lơ đễnh. Chú tôi lặng thinh mà cười, cái cười khó hiểu đến lạ rồi cứ từng chặp hắt nước trà trong chiếc cốc còn đầy ra ngoài sân. Chị cũng chẳng ở lâu, nói bận nhiều việc, khi ra về còn dặn tôi cẩn thận việc gọi thợ cất lại nhà và đưa cho một số tiền lớn. Xe nổ máy, bụi đỏ mù mịt. Cha tôi lạc giọng hỏi khi thấy tôi trở vào bếp: "Nó đi rồi à?". Tôi gật đầu. Chú Đảm bật thốt một câu ngô nghê: "Đám me Mỹ ngày trước ra đường cứ phải giấu mặt cúi đầu, giờ, thời đổi khác nhanh quá!". Tôi không quan tâm lắm đến điều chú nói, đầu óc đang loanh quanh nghĩ chuyện cái nhà tương lai sẽ to và đẹp như thế nào.

Mấy đám từ chối gả con ngày trước giờ rề rà sang giả lả nhưng cha tôi trốn biệt. Chỉ còn lại mình tôi, vừa đốc công, vừa mua vật liệu, kiêm luôn thủ quỹ.

Hai ngày trước khi cái lều bị cháy, chú cũng ngồi ở đó, trên cái ghế đẩu cạnh bếp lò, mặt lom lom nhìn cánh thợ đang xây sắp xong  mặt tường đầu tiên của căn nhà mới. Giữa buổi sáng, cái làng nhỏ lại rộn lên bởi sự xuất hiện của chiếc xe du lịch lộng lẫy. Chị Nhân về, mang theo gã Tây Michael, chồng chị. Gã bước xuống xe trước. Bọn trẻ con bâu quanh gã thành một vòng tròn, trố mắt nhìn hình vóc cao lớn dị thường và khuôn mặt trắng nhợt, loắt choắt của gã. Tôi nhìn đám lông vàng hoe trên cánh tay gã, chợt thoáng rùng mình nhớ đến thằng bé lai đã chết mấy chục năm trước. Gã cười thân thiện với mọi người. Chị Nhân cũng cười tít mắt, vừa dẫn gã vào nhà vừa xổ ra một thứ ngôn ngữ cần phải có sự yểm trợ của bàn tay trong khi gã luôn miệng: "Well... well". Chị Nhân nói: "Michael muốn về thăm ba, sẵn dịp tìm hiểu văn hóa làng quê". Tôi cười: "Có văn hóa gì đâu! Hay tối dẫn anh ta ra chợ hát karaoke cho đỡ buồn!". Ngoảnh lại thấy chú Đảm đã đi đâu mất.

Xế chiều, chị Nhân bảo tôi: "Em chở chị với Michael ra thăm chú!". Tôi cười: "Tây cũng lội ruộng được à?". Chị Nhân khoác tay: Kệ! Nó khoái đồng quê. Mai mốt lại về nước rồi". Tôi nhìn chị ngỡ ngàng. Chị biết mình lỡ lời, cúi đầu xuống, con mắt đỏ hoe: "Giấu em làm gì! Nó bao chị trong mấy tháng ở Việt Nam. Nó cần đàn bà, mình cần tiền, vậy thôi. Phần chị kể bỏ đi, nhưng phải cố lo cho em cái nhà để cưới vợ".

Tôi bơi xuồng đưa chị Nhân và Michael ra cái lều chăn vịt. Chú không có ở đó. Tôi nói: "Chị vào lều ngồi cho mát, em đi kiếm chú". Tôi đi thơ thẩn trên cánh đồng trống, vừa đi vừa gọi nhưng chẳng thấy lời đáp. Mãi sau mới thấy chú che cái nón lá rách lên mặt mà ngủ dưới bụi tre. Chú thức dậy, miễn cưỡng theo tôi về. Tôi mở cánh cửa khép hờ rồi chết đứng ở đó nhìn cảnh tượng chị Nhân và gã Tây, mình trần như nhộng, đang làm cái việc không nên làm giữa ban ngày.

Tôi bàng hoàng khi thấy chú tôi lồng lên trong một cơn động kinh khủng khiếp mà tôi chưa bao giờ được biết: "Đi đi! Đi đi! Tao nguyền rủa chúng mày! Tao nguyền rủa chúng mày". Chú hét to lắm, lạc cả giọng. Rồi chú chạy, chú lồng lên như một con trâu dữ bị đâm họng, kịp vùng thoát dây trói mà càn lướt trên những vũng bùn nhầy nhụa, những lớp đất cày khô cứng như đá... rồi vấp phải bờ rãnh, ngã nhào... rồi quằn quại bò dậy... rồi lại chạy, vừa chạy vừa hét... tiếng hét có thể xé rách cái không gian đặc sệt lại bởi sự yên lặng đáng sợ của cánh đồng sâu hun hút trong một buổi hoàng hôn ảm đạm và u trầm...

Chị Nhân tức tốc về thành phố và ngay đêm đó, cái lều bị đốt cháy mà không ai hay biết. Khi cha con tôi ra đến nơi, đống tro than đã bắt đầu nguội lạnh, mặt đất nham nhở những mảnh vụn, cỏ chung quanh cháy sém, héo úa một mầu chết chóc. Cha tôi suy sụp thực sự. Ông ngồi bệt xuống đất, hai tay ôm lấy đầu, chìm đắm trong một cơn mê muội vì đau đớn và tuyệt vọng.

Chỉ ít ngày sau cái đêm căn lều bị cháy, một cơn lốc xoáy đột ngột kéo đến cuốn phăng mấy chục nóc nhà trong xã. Mưa rất to, ròng rã hai ngày đêm. Mặt đất ướt sũng còn bầu trời thì vần vũ những đám mây đen hình thù kỳ dị có lúc tưởng gần sát những ngọn dừa quặt quại nghiêng ngả vì gió thốc. Cả một vùng làng mạc bỗng chốc biến thành thế giới thuở hồng hoang, trống vắng, ẩm ướt và hoang tàn. Trận bão khủng khiếp nhất trong vòng năm mươi năm qua chắc chắn sẽ trở thành một sự kiện đáng ghi nhớ rất lâu trong ký ức của những người dân lầm lũi, nghèo khó đồng bằng. Quen mất mát và chịu đựng, họ lặng lẽ dựng lại mái nhà, lặng lẽ buồn thương cho những người mất tích hay đã chết, lặng lẽ chắt góp những gì còn lại đổi lấy giống má chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Và ngoài kia, dòng sông đục ngầu phù sa vẫn lặng lẽ trôi hệt như nó chưa từng dậy sóng trong những ngày chớp bể mưa nguồn.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com