Buổi chiều mùa hè vàng rực trên những ngọn cây, góc phố. Gió Lào phả lên từng làn hơi nóng ngột thở cuộn trong bụi đỏ, cát trắng, trong những tờ giấy thiếc bọc kẹo, giấy lộn và lá khô. Đường phố vắng ngắt.
Từ ngã tư đi xuống bến cảng, cách một quãng lại gặp một hàng rào chắn. Sau hàng rào chắn là hố bom. Con đường ở đây bị rạn nứt thành từng thớ dài giống như một cây gỗ phơi nắng. Từ những lỗ nẻ đó phả lên một mùi nhựa hắc ín trộn với mùi đá nóng hầm hập. Bên hè phố, vôi vữa ngổn ngang. Những bức tường từ trên gác bốn đổ xuống, hất tung theo cả những tấm cánh cửa nát vụn.
Nếu như ở trên ngã tư, còn lác đác có một vài chiếc xe ba gác đợi khách, còn có những người chủ nhà trở về mở cửa vội vã lấy vài đồ dùng rồi đi, thì xuống gần bến phà, đường phố hầu như vắng ngắt. Những ngọn phi lao bị lửa đốt, đỏ sậm, trông giống như những ngọn mác nhọn hoắt mới nung trong lò ra còn bốc hơi nóng.
Một thiếu nữ thấp bé, đội chiếc mũ cứng bộ đội, đi đôi dép cao-su "Bình Trị Thiên", quẩy một cái rương, một cái chăn đi từ phía trên ngã tư về. Bụi đường bám đỏ trên hai bàn chân, trên gấu quần, và cả trên cái đuôi tóc đang nhảy nhót sau lưng cô. Mồ hôi đẫm sau lưng, chiếc áo mầu xanh lá cây bây giờ cũng đã biến ra mầu nâu.
Khuôn mặt đỏ gay, mấy sợi tóc quyện với mồ hôi dính trên gò má làm đôi mắt lá răm của cô sắc long lanh.
Thành phố Vinh mà như thế này ư? Cô con gái tự hỏi vậy. Cô nhìn lên những cột điện. Cái loa phóng thanh bỗng ục ục reo lên mấy tiếng rồi một giọng nói nửa Trung nửa Bắc cất lên ồ ồ: "Đây là tiếng nói Nghệ An...". Mới ngày nào đó, dưới những cái loa như thế, vào mỗi buổi chiều, cô còn đứng với các bạn trò chuyện. Vào chừng này, thành phố Vinh sáng rực. Người đi lại nhộn nhịp. Hồi đó cô còn ở đội làm đường. Con đường sắt bắt đầu đặt đến ga Vinh. Cô là một trong những người đặt quãng đường ray cuối cùng này. Cô con gái đó tên là Tiên.
Hôm qua, Tiên còn ở trên hạt 8, làm chị nuôi ở một đội cầu đường. Bây giờ cô cầm quyết định của Ty về phà Bến Thủy, thay nhân viên bán vé. Cô thấy rõ ràng mình đang đi vào cuộc chiến đấu. Nhìn những hố bom, những căn nhà đổ hai bên đường, cô tự hỏi: "Cuộc thử thách rồi sẽ ra sao?"
ở hạt 8, chưa lần nào máy bay ném bom. Trước kia, Tiên chỉ làm việc vá ổ gà, xúc đất, xe đá. Thế rồi trên chuyển cô sang làm chị nuôi. Đơn vị có phong trào tình nguyện đi những nơi khó khăn nhất. Nhiều người xung phong và Tiên được chọn. Tiên đã tự nguyện đi đến đây.
Vậy mà tại sao bây giờ trên quãng đường bom đạn này, Tiên lại thấy tim mình đập dồn dập. Cô tự bảo: Bình tĩnh chứ. Có bao nhiêu người vẫn đi qua đây thôi. Có lúc cô nghĩ: Nếu bây giờ máy bay đến ném bom thì mình làm thế nào. Cô nhìn quanh. Có những dãy hầm hai bên đường đó. Nhưng có ai sẽ nấp ở đây? ở đây, bây giờ chỉ có một mình cô.
Cô nhớ đến các bạn ở công trường, bây giờ chắc đã đến giờ ăn cơm rồi, chắc chúng nó đang ngồi rửa bát bên bờ suối và nhắc đến Tiên. Đứa nào cũng ao ước được về Vinh. Chúng nó đều biết rằng ở đây nhiều bom đạn. Nhưng không đứa nào sợ. Có lẽ chúng nó cũng nghĩ như Tiên: người ta sống được thì mình sống được. Nhưng ở trong một tập thể, người ta dễ vui vẻ, quên rằng có lúc mình sẽ phải chiến đấu đơn độc. Chính cái lúc một mình đó là lúc cần đến tinh thần dũng cảm. Mà cuộc chiến đấu không phải bao giờ cũng ồn ào cả đâu. Ví dụ như giờ chẳng hạn, đi quãng đường này, nếu có một trận bom. Tiên bắt đầu cảm thấy cuộc chiến đấu này hoàn toàn không giống như mình tưởng tượng. Đúng là nó sẽ gian khổ và ác liệt. Có thể ngày mai, có thể ngày kia, hoặc có thể ngay chiều hôm nay, cô sẽ được thử thách. Lần đầu tiên, cô ngửi thấy cái mùi vị vừa khét, vừa nóng của một trận địa: mùi khói đạn, mùi lá cây bị cháy, mùi nhựa đường. Cô đã nhìn thấy thành phố chiến đấu thật chứ không phải trong tưởng tượng. ở đây cái gì cũng khác, không giống như ngày xưa. Những căn nhà, dầu không bị bom đạn nữa cũng lạnh lùng hơn. Ngọn núi Quyết đó hôm nào nhỏ làm vậy, mà sao hôm nay bỗng cao sừng sững lên, hình như nó cũng đang suy nghĩ.
Cuộc chiến đấu đã đổi khác hoàn toàn bộ mặt của thành phố, cũng đổi khác hoàn toàn ý nghĩ của những con người trong thành phố. Nhìn những tấm biển quảng cáo cắt tóc, thợ may bên hè, người ta bỗng nghĩ đến những người thợ bây giờ còn mang súng ở trên công sự. Nhìn những lều bán nước vỉa hè, người ta nghĩ đến những bà mẹ đang gánh nước lên trận địa, trên ngọn núi cao kia...
Tuy đã ở Vinh, nhưng chưa bao giờ Tiên xuống đến bến cảng. Cô muốn hỏi đường lại sợ người ta giữ bí mật. Đôi chân đã mỏi nhừ, khúc tre dùng làm đòn quẩy hành lý đè nặng trên vai, cái hòm gỗ và cái chăn đập lắc la, lắc lư. Cô dừng lại bên một hè phố.
Bây giờ mặt trời đã tắt hẳn. Chỉ còn những ráng hồng đỏ rực phía chân trời. Một người đội mũ cát két, mặc quần áo mầu xanh công nhân đã bạc, đi từ phía ngã tư tới, trông thấy cô, hỏi trước:
- Về đâu mà mang vác lắm thế?
Tiên thở phào như cất được gánh nặng:
- Cháu về phà Bến Thủy, mà chưa biết đi lối nào bác ạ.
Bác công nhân nhìn cô từ đầu đến chân, đoán xem người con gái này ở đâu, làm gì, rồi cười nheo đôi mắt:
- Cô cứ đi theo tôi, bao giờ chân bước ngập xuống nước ấy là đến Bến Thủy.
Bác cúi xuống nhấc quẩy hành lý lên:
- Để tôi mang giúp. Cô về đâu mà mang vác lắm thế?
- Cháu về công tác ở bến phà.
- Bến phà à? Làm gì?
- Bán vé.
Bác công nhân bỗng phá lên cười:
- à, thế ra ông Ty trưởng cho chúng tôi cô thanh niên này đây? Cô ở đâu về?
- ở hạt 8.
- Trên ấy đã trông thấy máy bay phản lực chưa?
- Trông thấy nhiều rồi nhưng nó chưa bắn phá công trường lần nào cả!
- ở đây khó khăn đó cô ạ. Cô có phải dân quân không?
- Phải.
- Biết bắn súng chứ?
- Biết.
Bác công nhân đi trước, bước rất dài, bác đi thong thả mà Tiên chạy theo khá mệt. Thỉnh thoảng bác quay lại nhìn Tiên.
Bỗng bác lại hỏi:
- Cô đã bán vé phà bao giờ chưa?
- Thì cháu đã bảo cháu ở hạt 8, ở đó làm gì có bán vé phà.
- à... à, khó khăn đó! - Bác công nhân lại lẩm bẩm nói. Tiên thấy hơi tự ái. Có lẽ bác thấy mình là con gái chăng? Mà bác công nhân này làm gì?
- Cô có sợ máy bay không?
- Không sợ.
Tiên nói liều thế. Thật ra cô chưa được thử thách bao giờ. Nhưng mà phải tỏ ra cứng rắn.
Đèn điện thành phố bật sáng. Bác công nhân giục:
- Đi nhanh lên, phà sắp chạy rồi đấy.
Từ khi có bác công nhân đi một bên, tự nhiên Tiên quên hết những hố bom, những vết đạn hai bên đường, cô thấy vững dạ hơn.
Bác công nhân già đó tên là Mùi. Bác Mùi chính là người phụ trách bến phà mà Tiên sắp đến.
Người bán vé phà cũ giao lại tất cả sổ sách cho Tiên. Đêm đầu tiên, anh bày cho Tiên nhận dạng và giá cước từng loại xe. Xe "Giải phóng" bốn đồng hai, xe "Mô nô" hai đồng tám, xe "BK" năm đồng, xe "Com măng ca" một đồng rưỡi. Mỗi chiếc xe qua, phải vào sổ, bán vé. Rồi giải quyết các giấy tờ hỏa tốc, sơ tán xe khi có báo động. Công việc anh ta là huýt còi, la hét, giữ xe này lại, cho xe kia đi, sáng nào trở về cổ anh ta cũng khản đặc.
Anh ta vứt cuốn sổ và tập vé lên bàn cho Tiên.
- Cô làm tính thạo chứ?
- Em làm được.
- Cô cộng hộ tôi sổ thu và lưu lượng xe đêm qua. Và anh lăn ra ngủ.
Thế là công tác của cô bán vé phà bắt đầu.
Bác Mùi, hai mắt đỏ ngầu vì những đêm mất ngủ, đến bên cô gái ngáp dài.
- Cô Tiên ạ, ở bến phà phải cương quyết, mấy ông lái xe dễ bắt nạt đàn bà lắm đấy. Cô hiểu công việc của người bán vé rồi chứ?
- Hiểu rồi.
- Được, phải nhớ cần nhất là súng đạn, và gạo, bây giờ thì xe nào cũng hỏa tốc. Chà, mấy ông lái xe láu tôm láu cá lắm, nào là xe đi Cồn Cỏ, nào là xe đi công tác xa, nào là hàng quân sự tối khẩn. Thôi thì ông nào cũng đủ lý do. Phải nắm vững nguyên tắc mà làm.
Tiên mở sổ ngồi tính, xong cô lại cắn bút yên lặng. Hình thù những chiếc ô tô lần lượt đi qua trong đầu cô: xe "Mô nô", xe "Giải phóng", xe "BK". Rồi những anh lái xe đầu đội cát két, bê bết dầu mỡ đứng đằng sau "barie" cãi nhau với người bán vé. Từng tập giấy hỏa tốc được chìa ra, xếp đống trên bàn vé. Cô biết bác Mùi vẫn còn ngại ngần khi giao công việc này cho cô, một cô gái vẫn còn quá non trẻ. Nhưng mà hình như bác còn ngại một điều nữa. Liệu cô có thể chịu nổi sự thử thách trên bến phà này? Điều đó thì cô tin mình vượt qua được. Nhiều đêm, cô từng mơ tưởng những trận đánh, bom đạn mờ mịt, và cô chạy đến bên những anh bộ đội, trong một trận địa pháo, vác đạn, băng bó thương binh. Có lẽ cũng một phần muốn chứng minh cái tinh thần dũng cảm đó, và vốn tự tin ở mình, cô nhất định xin phép phục vụ ở bến phà này.
- Cô nghĩ gì mà thần ra thế, việc tính toán khó lắm à?
Bác Mùi hỏi rồi cúi xuống bên cuốn sổ. Việc cộng sổ có gì là khổ. Tiên nghĩ vậy, nhưng rồi cô lại nói khác:
- Không, cháu chỉ lo nhận dạng các loại xe.
- Rồi khắc quen, cháu bây giờ làm việc sướng hơn bác ngày xưa nhiều, cháu có văn hóa. Còn bác ngày xưa ấy à, đi liên lạc cho bộ đội, không biết một chữ cắn đôi, thế mà công văn giấy tờ đâu cũng vào đấy, không bao giờ thất lạc.
Câu chuyện của bác công nhân làm Tiên thích thú:
- Bác làm sao mà đưa được?
Bác công nhân im lặng một chốc, chừng để mơn trớn với cái quá khứ xa xưa của mình, xong cười khà khà:
- Có gì, cốt tinh thần cháu ạ, bác buộc mỗi loại công văn vào một bó, bó thì thắt một nút, bó thì thắt hai nút. Đấy giai cấp mình là thế, không khó khăn nào không vượt qua. Tinh thần, cốt tinh thần... Bác gõ gõ ngón tay trên trán.
Sau khi nói câu đó, bác nhìn Tiên một cách hiền lành như bảo: Bây giờ thì bác tin cháu.
- Này bác, lần đầu tiên đi chiến đấu bác có sợ không?
- Hình như bác cũng quên cả cái cảm giác đầu tiên đó rồi. Bác nhớ mang máng rằng cũng có một lần nào đó, tim bác đập dồn dập thì phải, nhưng có lẽ bác không sợ.
- Sợ à? Sao lại sợ? Khi nào sợ thì phải tự đấu tranh. Cốt cái này, tinh thần...
Bác lại gõ ngón tay vào trán.
Bữa cơm ở bến phà cũng vội vã. Hầu như không bao giờ đủ người. Chị cấp dưỡng phải chia từng suất một, chốc người này về rồi lại người khác về. Gió Lào ngột ngạt. Cát bụi thành phố bay lên cả trên bàn ăn, ghế ngồi. Từ ngày có cuộc chiến tranh chống phá hoại, bao giờ cũng thế từ lúc làm việc, ăn cơm, nằm nghỉ, mỗi người công nhân đều mang sẵn bên người những thứ cần thiết: sổ sách, giấy tờ, súng đạn. Từ một cuộc sống thoải mái, chăn bò cắt cỏ trên đồi, vui thì hát, dạo chơi ven núi và tắm mát bên suối, Tiên bỗng thấy ngỡ ngàng, chật hẹp. ở đây, cái gì cũng chưa quen đối với cô. Bưng bát cơm, cô nhớ đến chúng bạn. Giá bây giờ có một vài người bạn cũ ở đây thì có lẽ cô vui vẻ hơn. Mình có thể bàn bạc với nhau mà làm việc, những người quen nhau rồi dễ thông cảm với nhau hơn. ở đây mọi người vẫn giữ ý với cô. Vì họ vẫn chưa hiểu cái cô bé này tính nết thế nào. Chỉ có bác Mùi là cởi mở. Nhưng bác Mùi thì chẳng mấy lúc rảnh tay... Đêm hôm nay là đêm đầu tiên bán vé phà đây, nỗi lo lắng làm cô ăn không ngon nữa... Cô bảo đến Vinh thì sẽ viết thư cho các bạn, thế mà cô vẫn chưa viết.
- ăn mau rồi mà ra bến, cô Tiên. Ra thì nhớ mang sổ sách và máy điện thoại nhá!
Anh công nhân bán vé phà cũ nói, rồi khoác súng ra đi.
Từ trên những ngọn núi hai bên sông, tiếng kẻng báo động nổi lên dồn dập. Lúc này, nhà ăn đã vắng người. Làm gì bây giờ? Đi ư? Tiên còn lưỡng lự thì đã nghe tiếng máy bay gầm rít, rồi không hiểu súng ta hay súng địch, cô chỉ thấy nền đất dưới chân cô rung lên. Những tấm phên cũng rung lên, giật giật.
- Bom!
Chị cấp dưỡng kêu lên ở phía sau nhà. Tiên quay lại nhìn hai bên, chẳng còn thấy ai. Tự nhiên cô nghĩ: nếu nó bỏ trúng cái nhà này, nếu nó bắn vào cái nơi này... Thế là như một cái máy, cô cầm cả bát đũa chạy nấp vào sau tủ đựng thức ăn. Hai quả bom lại nổ ran đâu đó. Không, ở đây không được, cô nhớ ra cái hầm sau nhà. Cô chui vào hầm, hai ngón tay bít vào lỗ tai.
Mãi một lúc sau cô mới hay mình còn cầm cả đôi đũa mà chạy. Cô quay ra, đỏ mặt. Bác Mùi đã đứng trước cửa hầm lúc nào, bác vừa bưng bát và vừa nhìn trời. Bác quay lại. Tiên ngượng ngùng phủi đất trên đầu gối.
- Chết, thế này thì làm ăn thế nào được. Sợ à?
- Vâng, thưa bác, vì cháu không thấy ai.
Bác công nhân chừng bực mình lắm nhưng vẫn cố nói cho dịu dàng:
- Cô muốn tránh máy bay thì trước tiên phải xem nó đi hướng nào, nó bắn phía nào, như thế mình mới biết đường mà tránh chứ. Mà này, đêm ngoài bến phà không trốn như thế được đâu. Báo động là cô phải đứng lại chỉ dẫn cho xe sơ tán, phải giữ trật tự trên bến phà...
Bác nhìn đôi đũa trong tay Tiên lấm đất, bỗng phì cười, cái cười không giận dữ nhưng hơi ngao ngán.
Bây giờ thì Tiên đã thấy rõ mười mươi sự non kém của mình. Chết thật, sao mình lại thế. Tiên đã tự bảo với mình là phải tỏ ra cứng rắn. Thế là bắt đầu từ đây người ta sẽ không tín nhiệm Tiên nữa rồi. Đúng, tín nhiệm làm sao được. Tiên bỗng thấy bực bội. ờ giá mà các bạn gái bên hạt 8 ở đây thì Tiên có thể nói một cách cởi mở - Tao sợ quá. Nhưng rồi sau đó có thể không sợ nữa.
Tiên nhìn bác Mùi. Bác vẫn vừa ăn vừa nhìn trời:
- Thôi, tối nay cháu hãy nghỉ, chưa quen thì chưa bán vé được.
Câu chuyện đó đã qua đi nhiều ngày rồi. Mọi người trên bến phà đều đã quên rồi, vì có bao nhiêu người mới đến lần đầu đều như thế. Họ xem đó là chuyện thường, còn Tiên thì Tiên vẫn nhớ mãi. Tiên khổ vì nó, day dứt vì nó. Mỗi lần nhớ đến câu chuyện đó, Tiên lại nhìn xung quanh, ngượng ngùng. Nhưng nào có ai để ý đến. Họ còn lo trăm thứ việc, anh lái ca nô thì còn lo chữa máy ca nô cho tốt, chị cấp dưỡng còn lo che kín chỗ nấu ăn để nấu xôi ban đêm cho anh em, các thủy thủ thì lo đi tát nước ngụy trang và giấu phà, ai rỗi hơi mà nghĩ đến chuyện cũ của Tiên. Họ chỉ biết là Tiên bây giờ đã bán được vé phà. Và cứ tối đến bác Mùi không cần phải dặn thêm gì. Tiên đội mũ, mang sổ sách và máy điện thoại ra bến.
Dần dần, Tiên thấy ra điều này: họ không sợ vì họ lo lắng công việc. Công hơi đâu mà sợ, nếu chỉ ngồi sợ thì còn làm được gì nữa. Bác Mùi nói thế. Thật là đúng. Bây giờ thì Tiên cũng bận rộn trăm thứ!
Cứ mỗi đêm ra bến, Tiên cũng chạy, cũng kêu, cũng nói, cũng chặn xe này, cho xe khác vượt, rồi cũng giảng giải nguyên tắc cho các anh lái xe từ đầu hôm đến tận sáng. Chỉ vào lúc sau bốn giờ, xe đã đưa đi giấu, Tiên mới bắt đầu thảnh thơi và suy nghĩ về công việc một đêm của mình. Bây giờ Tiên cũng mang một khẩu súng bên người. Khi báo động, Tiên cũng chạy ra vị trí chiến đấu. Cô là dân quân. Nếu ở bến phà cô huýt còi, ra hiệu cho xe lùi lại, sơ tán hành khách. Địch thả pháo sáng xa, cô mở sổ để tính. Nhiều người khách qua phà ngắm nhìn cô. Có những nhà báo ngoại quốc dừng lại trên bến hỏi chuyện cô. Cô con gái nhỏ bé ấy tự nhiên thành một nhân vật mà mọi người chú ý. Nếu như xưa, có một anh lái xe vô kỷ luật nào đó, cho xe lách lên rồi bị người bán vé giữ lại, ra lệnh lùi xuống, thì họ xem đó là chuyện thường. Nhưng bây giờ cô làm như thế, những người lái xe và khách bộ hành bỗng tò mò đứng lại, ngạc nhiên một cách thích thú.
Tiên ngồi nhớ lại những điều đó có đôi chút tự ái, pha lẫn tự hào. Cô nghĩ: thì ra họ vẫn cho phụ nữ mình là kém. Họ khen mình vì mình là phụ nữ. Nghĩ vậy cô cố gắng làm ra cứng rắn, cố gắng trong giọng nói, trong tiếng còi, trong cái khoát tay.
"ở bến phà này, các đồng chí phải theo mệnh lệnh của tôi". Cô thường nói với các đồng chí lái xe như thế.
Như thường lệ, sáng nay, khi trên bến xe đã qua hết, các đồng chí công nhân đưa phà đi giấu:
- Con Tiên, mày có về không hay là ngồi đó hử?
- Tôi chưa về đâu, các anh về trước, tôi chờ một chốc xem lỡ có xe thì báo cho họ quay lại.
Đêm nào cũng thế, chờ đến khi phương đông ửng hồng, mặt nước sông Lam đỏ ráng, cô mới xuống bến đò sang sông. Những buổi sáng như thế, cô ngồi tựa lưng vào cột nhà bán vé nhìn thành phố. Bóng đêm tan dần, những mái nhà, những góc phố nhô lên từ trong bóng tối, sừng sững. Những ngọn đèn nhạt dần ánh sáng, rồi cuối cùng trắng bệch ra như những ngọn nến.
ở thành phố Vinh, về mùa gió Lào, chỉ có một nơi, và nơi đó chỉ có một lúc dịu mát. ấy là cảng Bến Thủy vào những buổi sáng như thế này. Gió sông Lam lồng lộng. Mát rượi. Lúc đó, ngồi trên bến sông, ta có thể quên cả một mùa nóng ngột ngạt gió bụi đi qua. Tầu phà đã về bến, xe đã đi hết. Những ngọn núi bên hai bờ sông từ trong bóng tối đổi dần sang mầu tím sẫm, uy nghiêm. Lúc đó, Tiên nhớ đến các bạn gái của mình.
Nhiều đêm, cô ước gặp một người làng, một người bạn cũ trên bến phà này. Nhưng rồi ý nghĩ đó quên đi trong những công việc bận rộn. Chỉ những buổi sáng khi soi bóng mình xuống dòng nước sông Lam, cô tự hỏi: Ô hay, con Tiên đấy ư? Bóng người con gái trước mặt cô cười, đôi mắt lá răm long lanh, làn mi cong như nét chì kẻ. Cái bóng đó đội mũ, khoác súng, lủng lẳng đuôi tóc như hỏi Tiên: Mày đấy ư? Cô mới lại nhớ đến quê hương, nhớ đến bạn bè mình.
Có tiếng động cơ phía xa. Hai vệt ánh sáng đã vàng ệch của một chiếc xe hơi. Rồi hai chiếc, rồi ba chiếc. Tại sao đoàn xe đến giờ này còn xuống phà. ánh sáng đã gần soi rõ nét những khung cửa sổ trên các nhà gác phía xa. Tiên khoác súng đứng lên, bước ra đường, hạ "barie" xuống. Cô huýt một tiếng còi dài. Chiếc xe đầu tiên hãm phanh, dừng lại. Những lá ngụy trang trên xe đều đỏ bụi. Người lái xe bước xuống, mặt sạm đi sau một đêm thức trắng.
- Các anh cho xe lùi về, giấu đi, bây giờ đã gần năm giờ, phà nghỉ rồi.
Nhưng người lái xe vẫn đứng đó, im lặng, tiếp đến là xe thứ hai, thứ ba rồi thứ tư. Đoàn xe sau kéo theo những khẩu pháo. Một cán bộ trẻ bước xuống, mặt đỏ hồng:
- Ai là người phụ trách ở đây?
- Không còn ai, bây giờ chỉ có tôi.
Anh cán bộ cười:
- Tôi là ai chứ?
- Người bán vé.
- Cô có gọi được phà không? Chúng tôi có lệnh cấp tốc phải sang bên ấy chiến đấu. Ngay sáng hôm nay.
Đã là công tác quân sự thì không kể ngày đêm. Tiên nghĩ thế và không bàn cãi nữa. Nhưng làm sao mà lấy phà? Đáng lẽ thì cô đã không ở đây nữa rồi. Và như thế thì tất nhiên anh cán bộ phải chèo thuyền sang sông mà gọi. Cô nhìn đoàn xe, hơi ái ngại. Những bốn chiếc qua, sáng mất. ở bến phà này, sáng lên là coi chừng.
- Sao? Cô có gọi được phà không?
Cô không trả lời, quay lại đánh một hồi kẻng. Mặt sông vẫn im lặng. Cô đánh hồi kẻng thứ hai, vẫn thế. Cô chạy xuống bến, khum hai bàn tay lại trước miệng:
- Bác Mùi ơi... ơ ơi... cho phà sang... ang. Có xe hỏa tốc...
Gió sông Lam đánh tan tiếng gọi của cô.
Anh cán bộ sốt ruột không rời cô một bước
Tiếng gọi một lần... gọi hai lần... Rồi gọi ba lần...
Dòng sông vẫn im lặng. Chuông nhà thờ thong thả đánh một hồi dài. Những mái nhà, góc phố bây giờ đã ngả sang mầu trắng và mầu đỏ sậm.
Cô quay lại, giọng khàn đặc:
- Bây giờ em phải sang sông.
- Cô sang có lâu không?
- Một chốc.
Cô nói thế nhưng rất lo. Cô chưa bao giờ chèo đò một mình giữa dòng sông cả, sóng to như con sông này. Hồi ở nhà, cô chỉ chống thuyền thúng đi trong lạch, đi trên hồ. Nhưng sáng nay, niềm vui muốn được hoàn thành nhiệm vụ thúc giục cô. Cô phải đi. Phải đưa những khẩu pháo này sang sông. Cô nhìn những pháo thủ. Họ cũng cần theo cô. Cô muốn nhờ một anh bộ đội chèo giúp, nhưng lại không dám.
Anh cán bộ đi theo cô xuống bến.
- Anh lên đi - Cô bảo thế, vừa xắn quần vừa lội xuống lấy thuyền. Cô không muốn anh cán bộ biết mình chèo vụng.
Nhưng anh cán bộ vẫn đứng đó:
- Cô cho tôi sang với được không?
- Em sẽ gọi phà sang cho các anh, anh không cần đi - Cô kéo thuyền ngược lên phía trên thật xa, như thế, con thuyền có trôi nữa cũng sẽ vào đúng bến.
Nhưng rồi anh cán bộ cùng nhảy xuống thuyền, anh cũng cầm lấy bơi chèo, và người anh chao đi. Bơi chèo đập trên mặt sông nhịp nhàng, lướt sóng tanh tách, rạch thành từng làn nước dài sau đuôi thuyền.
- Anh cũng biết chèo ư?
- Giỏi hơn cô.
Tiên đỏ mặt.
Sóng sông Lam bây giờ đã gợn lên những vẩy đỏ lăn tăn. Đôi bờ thênh thênh. Hai bóng người nổi trên mặt nước nhấp nhô. Họ nhìn về phía bờ, lại nhìn về phía đông. Vừng hồng mỗi lúc một lan ra. Những ngôi sao bạc trắng rồi mất dần sau những góc phố.
- Cô ở đây lâu chưa?
- Mười ngày.
- Bán vé phà ở đây chắc mệt lắm?
- Chẳng mệt bằng các anh.
Họ không biết nói gì thêm nữa. Chưa bao giờ Tiên lại thấy mình vui như sáng nay. Lòng cô cũng trong suốt và mát rượi như dòng sông kia. Cô nhớ đến những người nữ dân quân chèo thuyền chở đạn sang cho một trận địa, nhớ đến bà mẹ Suốt người ta thường kể. Anh bộ đội nhìn Tiên. Gió sông Lam đánh những sợi tóc bay lất phất trước trán cô con gái. Rồi anh bỗng nghĩ: Sao ở bến này, vào lúc này, lại chỉ còn một mình cô con gái ấy chèo thuyền?
Chuyến phà cuối cùng chở pháo ra giữa sông thì trời đã sáng rõ. Anh cán bộ đứng bên Tiên, cảm ơn sự tận tình của cô. Còn cô thì bảo đó là nhiệm vụ của mình. Cô muốn hỏi anh về đâu mà đi vội thế, nhưng lại nghĩ hỏi như thế là lộ bí mật, tất nhiên anh sẽ không nói.
- Anh có trở về đây nữa không?
- Chừng vài tháng nữa. Cô tên là gì nhỉ?
- Tiên.
- Được, khi nào sắp về tôi sẽ đánh điện báo tin cho cô, hoặc gửi thư cho cô Tiên phà Bến Thủy - Anh ta cười, hai hàm răng đều và trắng nõn.
Bỗng từ phía đầu mũi phà một thủy thủ kêu lên:
- Báo động đấy - Anh ta đã trông thấy người đánh kẻng trên núi. Lát sau tiếng kẻng dồn dập. Tất cả mọi người trên phà nhìn trời. Tiên cởi súng trên vai. Đã bao nhiêu lần những người trên phà này đã từng qua sông như thế, từng nghe tiếng báo động như thế, nhưng chưa lần nào họ không hồi hộp. Chỉ khi khói lửa dựng lên hai bên bờ sông, họ lao vào cuộc chiến đấu, lúc đó tim họ mới đập lại bình thường.
Hai vệt khói trắng kéo dài phía xa. Đạn cao xạ nổ tan thành những cụm mây. Máy bay không quay lại. Anh cán bộ hỏi Tiên:
- Cô có sợ không?
- Hôm đầu có sợ, bây giờ thì quen rồi. Các anh đi như thế gặp máy bay thì sao?
- Gặp thì đánh chứ. Chúng tôi đã đánh nhau dọc đường nhiều lần.
Họ muốn nói chuyện với nhau nhưng chỉ nói được vài câu lại hết. Tiếng kẻng báo hiệu phà cập bến. Ca nô tắt máy. Xe lên.
Mặt trời như một hòn lửa nhô lên trên cửa sông. Một ngày nóng bỏng, một ngày gió Lào lại bắt đầu. Từ dạo bước vào cuộc chiến đấu này, cái thành phố vốn dĩ nóng bỏng, cát bụi như một công trường mới dựng lên đó lại càng nóng bỏng thêm. Toàn thể là một trận địa. Những cột đèn, những ống khói ở đây đều như bốc hơi nóng. Người thành phố Vinh vốn lầm lì, cộc lốc. Nắng lửa của những ngày chiến đấu càng làm cho khuôn mặt họ đanh ra, sạm lại.
Những người lính chiến đấu trên xe pháo hôm nay qua thành phố Vinh cũng thế. Họ ngồi trên xe im lặng. Nắng đã bắt đầu rọi lên những cành lá ngụy trang. Khẩu pháo lắc lư. Xe nổ máy.
- Các anh đi cẩn thận đó. Máy bay còn hoạt động xa.
Anh cán bộ cười:
- Cám ơn cô. Chúng tôi sẽ nhớ mãi bến phà này đó.
- Nhớ cô bán vé phà đó.
Mấy chiến sĩ nói theo.
Tiên đã nhớ số xe. Lần đầu tiên cô khoát tay chào một đoàn xe đi. Bụi bốc mù sau nòng pháo. Không biết tại sao cô tin rằng thế nào rồi đoàn xe đó cũng sẽ trở về. Hôm nay cô vui. Cô đã gọi phà cho một đoàn xe hỏa tốc sang sông. Cô cảm thấy như đây mới thật là lần đầu tiên mình làm một việc có ý nghĩa trên bến phà này.
Tiếng kẻng báo động lại vang lên. Từ trên những ngọn đồi hai bên bờ sông, những chớp vàng lóe rực. Chúng nó đánh thành phố. Không phải. Hay là chúng nó đánh đoàn xe. Những chiếc máy bay, đầu nhọn hoắt như một con thoi kéo dài những vệt chỉ trắng trên bầu trời. Nó không xuống. Nó vẫn lượn. Súng ta lại ngừng bắn. Đã mấy hôm nay, nó vẫn chỉ bay thế rồi thình lình nhào xuống trút một loạt bom xong là đi, có khi xuống bến phà, có khi vào nhà máy dầu, có khi ở khu ga. Người thành phố Vinh quen lắm rồi. Tiên cũng quen lắm rồi. Hôm nay cô lên đạn ngồi bên công sự. Bác Mùi vẫn nheo nheo mắt nhìn trời:
- Không biết xe các anh ấy bây giờ đến đâu?
- Sợ các anh ấy đi dọc đường không biết báo động. Tiên cũng lo lắng bảo thế! Cô nhớ đến anh cán bộ. Anh ấy bảo gặp nhau giữa đường cũng đánh.
Tiếng bom nổ ở phía xa. Rồi tiếng súng. Có lẽ xe các anh chưa vào đến đó. Thành phố Vinh vẫn như bếp lửa nóng. Những ngọn núi bị bom ném nham nhở, bốc từng lớp đá lên, đỏ rực, bóng những anh bộ đội phòng không vẫn đứng đó, sắt lại như một thỏi thép. Mặt trời lên cao dựng lên những cột mây, tỏa ra. Gió Lào từ bên kia dãy Trường Sơn thổi về, hừng hực trên mặt nước sông Lam. Đất cũng giống như muốn bốc hơi nóng. ống khói nhà máy điện bên bờ sông đen thui thui, chọc thẳng lên trời, im lặng. Tất cả ở đây luôn luôn chờ đợi một trận chiến đấu. Con đường cũng im lặng. Im lặng và bốc hơi nóng.
Chúng vẫn chưa dám đánh thành phố Vinh. Tiếng bom mỗi lúc mỗi gần. Sau đó thưa dần, tiếng súng thưa dần. Báo yên.
Cái loa mắc ở đầu cột điện lại ục ục mấy tiếng ọ lên rồi rè rè: "A lô, a lô, đồng bào chú ý nghe thông báo tin tức... Vừa rồi có nhiều tốp máy bay bay quanh thành phố, nó trinh sát và đánh lạc hướng mình. Có thể sáng hoặc chiều nay nó sẽ đánh khu cảng".
Loa không thông báo về đoàn xe. Nhưng anh em bến phà thì lại lo cho đoàn xe. Tiên nhảy lên công sự. Bác Mùi nhìn cô xởi lởi:
- Hôm nay thì quen rồi chứ?
- Thưa bác, quen rồi ạ.
- Anh bộ đội lúc sáng là người làng à?
- Vâng, người làng ạ - Tiên nói dối thế.
- Trách gì mà cô tích cực!
Chưa bữa cơm nào Tiên ăn ngon như trưa hôm ấy.
Từ hôm đó trở đi, chẳng tối nào Tiên vắng mặt trên bến phà. Cô vẫn huýt còi. Vẫn chặn "barie", vẫn bán vé. Cô luôn luôn để ý những chiếc xe ra. Nhưng vẫn chưa thấy có chiếc xe biển đỏ chở pháo hôm nọ. Bây giờ thì cô làm việc rất thạo. Để ghi số lượng xe qua lại, cô chỉ cần bỏ một hòn sỏi vào túi phải hoặc túi trái. Những đêm địch ném pháo sáng, cô giở sổ để ghi nhanh những chuyến xe sang. Cô đã thuộc lòng các loại xe. Chỉ cần liếc qua là cô đã biết. Đây là xe "Giải phóng": bốn đồng hai tiền cước. Đây là xe "Mô nô": hai đồng tám tiền cước. Đây là xe "BK": năm đồng.
Và cứ sau mỗi đêm như thế, bốn giờ sáng, phà đưa đi giấu rồi, cô vẫn ngồi lại trên bến xem có việc gì cần làm nữa không. Sáng rõ, một mình cô chèo thuyền trở về. Những sáng chèo thuyền trên sông như thế, cô lại nhớ anh bộ đội. Cô lại nhớ đoàn xe. Bây giờ thì cô chèo thuyền rất giỏi rồi. Các anh bộ đội trên trận địa khi sang sông ban ngày vẫn thường nhờ cô chèo. Không bao giờ cô từ chối.
Vào những ngày cuối hè đó, mặt nước sông Lam cũng muốn sủi bọt. Buổi chiều, nước đôi bờ đóng váng. Liên tiếp gần một tuần rồi, chúng nó đánh núi Quyết, đánh bến phà, đánh nhà ga và đánh cả vào những vùng dân cư trong các khu phố! Những ngày ấy Tiên luôn chèo đò sang sông. Bây giờ công việc đó đối với Tiên đã quen quá rồi.
Bạn đọc thân mến, đó là mở đầu câu chuyện của một cô bán vé phà. Câu chuyện đó cũng giống như buổi sáng trên bờ sông Lam này. Cô con gái đó bước vào đời, y như ánh bình minh rực rỡ kia, y như chân trời kia, khi bóng tối mờ dần, khi ánh sáng lan dần trên những mái nhà, góc phố, khắc rõ đường nét những ngọn núi, những cành cây.