hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1306.htm

Nguyễn Kiên

Vực thẳm

Người tôi gặp đầu tiên trong chuyến về thăm làng sau ngày hòa bình lập lại là Hức. Tôi chào gã nhưng gã chẳng hé răng, chỉ giương đôi mắt trắng dã lên nhìn tôi, vẻ hung dữ. Mẹ tôi bảo: "Chấp nó làm gì, nó điên đấy!".

Những cơn điên của Hức thật đáng sợ. Gã đi dọc làng, chân tay múa may, nói lảm nhảm không ngớt. Thỉnh thoảng gã lại gào lên. Gã đập nát tất cả những gì gã nhặt được trên đường. Vô phúc đứa trẻ nào chạy theo, trêu chọc gã, gã tóm được là bị ăn đòn ngay. Có lần, gặp một cô hàng thuốc lào, gã tụt ngay quần ra, đứng chạng háng ở giữa đường và cứ thế cười lên sằng sặc... Sau khi đã kiệt sức, gã đi lại lừ đừ, thất thểu về cái quán hoang ở đầu xóm, nằm gục xuống, ngủ như chết. Cho đến khi cơn đói đốt cháy bụng gã lên, gã mới tỉnh dậy. Gã dụi mặt, nhìn gian quán trống trơn một lượt rồi lùi lũi ra đi. Gã lên phố huyện, vào hàng cơm, ngồi riêng một bàn, đàng hoàng và cứ giương đôi mắt trắng dã lên nhìn những người chạy bàn. Người ta phải cho gã ăn. Xong, gã đi phất phơ quanh phố. Có lần, ở bến ô-tô, gã gặp một ông hàng bánh dày gánh hai hòm kính để phơi ra những chồng bánh trắng muốt. Gã thèm quá, liền tới gần người đi xe rơm cho công trường đê đang ngồi nghỉ bên lề đường và nói với ông cụ già nhất:

- Ông cho cháu xin vài trăm, cháu mua bánh về ông cháu ta cùng ăn cho vui nào!

Gã làm hai miếng, hết gọn đôi bánh. Và gã lại chìa tay ra, nhăn nhó cười:

- Chỗ ông cháu ta, đàn ông đàn ang với nhau, chẳng nhẽ ông để cháu đi xin bọn đàn bà, xấu hổ bỏ mẹ!

Nói tóm lại, khi nổi cơn điên gã như một tên say máu và khi cần kiếm ăn gã lại có đủ mánh khóe của một tên lưu manh thạo đời. Tuy vậy, cũng có những lúc gã tỉnh táo và tỏ ra biết điều. Những lúc đó gặp ai trên đường gã cũng nép sát vào tường, chào hỏi cẩn thận rồi cúi gầm mặt xuống, nhìn né đi chỗ khác. Gã biết điểm mặt từng người trong làng xem có thể đến nhà ai, xin được cái gì.

Nhà tôi thuộc số gia đình gã thường hay lui tới xin xỏ nhất, vì mẹ tôi vẫn thường giúp gã, đã hàng chục năm nay.

Gã vốn con nhà nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đến ở với ông xã Thịnh là bác ruột. Ông xã Thịnh giàu có nhưng cả hai vợ chồng đều keo kiệt, thấy nuôi gã chẳng béo bở gì nên càng về sau đối với gã càng tồi tệ. Lúc nhỏ, chưa biết gì, gã đành cam chịu, bị chửi mắng nhiều quá thì trốn vào một xó, nằm khóc, thế thôi. Lớn lên, gã lì ra, gã cãi lại và khi đã trưởng thành, gã phản kháng ra mặt, gã bỏ nhà ra đi. Gã lên phố huyện đẩy xe bò thuê hoặc làm các việc linh tinh khác. Cũng có khi ông xã Thịnh cần người làm đi gọi gã về, cũng có khi vì đói bụng gã tự bò về, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi đâu lại hoàn đấy. Gã như con ngựa bất kham và cứ hư hỏng dần. Về làng, gã để cái đầu bù xù, tóc mai dài  và nhọn hoắt, áo bao giờ cũng phanh cúc ngực. hễ chó nhà ai xồ ra cắn là gã nhặt gạch ném văng mạnh vào sân nhà người ta và trợn mắt lên quát:

- ồ, ồ... mẹc-xà-lù, cu-sông!

Gã đọc tiếng tây cứ thoắng đi. Ai diễu cợt hoặc tỏ ra nghi ngờ là gã sinh sự rồi nhổ toẹt và nói:

- Suốt đời chỉ ru rú ở nhà rúc váy vợ, biết cái đếch gì!

Nhưng gã năng lên phố huyện còn vì một duyên cớ khác nữa.

Tôi có người chị họ tên là Nuột. Nuột sợ làm ruộng nên đem mẹ già lên phố huyện, đi bán quà bánh ở bến ô-tô. Nhờ gánh hàng, không phải dầm mưa, dãi nắng, Nuột phổng phao hẳn lên, hai cánh tay để trần cứ trắng ngồn ngộn. Chiều đến, Hức thường diện bộ cánh thật bảnh, chải đầu bằng nước lã rồi lượn qua, lượn lại trước hàng Nuột. Gã mua đĩa lạc luộc hoặc dăm cái kẹo bột ngồi ăn và liếc mắt cười tình với chị. Ban đầu, chị nguýt gã và chỉ muốn xua đuổi gã đi. Nhưng càng thế gã càng ngồi dai, đôi mắt gã càng sáng long lanh, nhấm nhảy đủ các trò. Nuột không sao cưỡng lại được, chốc chốc lại phải ngước nhìn gã một cái thật nhanh, hai má đỏ ửng. Tuy vậy Nuột thừa biết Hức xác như ve, lại lông bông nên chỉ đối đãi với gã vừa đủ mức giữ gã làm khách hàng. Mấy bác ét ô-tô, phu kéo xe nhà, anh nhỏ ở hiệu thuốc bắc... chiều chiều cũng thường ra đây ve vãn Nuột. Nuột chẳng màng ai. Lúc nào chị cũng mơ tưởng đến cảnh sống của anh chủ hàng cơm ở trước bến ô-tô: Chồng đứng chặt thịt chó côm cốp, vợ ngồi canh nồi nước xáo, cả hai cứ béo mẫm ra...

Một hôm, trời trở lạnh, thấy Nuột chít cái khăn vuông bạc phếch, ngồi co ro, Hức liền tán:

- Tớ có cái khăn vuông len đẹp lắm, hôm nào tớ đưa cho đằng ấy chít, chít cái khăn kia phí hoài cả đời người đi!

Nuột bĩu môi:

- Tôi thì thèm vào của nhà anh!

- à hà, thèm và... ào... à?

Hức cười ngật ngưỡng rồi bỏ đi. Hôm sau, gặp phiên chợ, bến ô-tô chật ních người. Hức trông thấy một bà lái buôn béo ị, đang chen vào chỗ lấy vé xe, mồ hôi ướt đẫm tấm lưng to bè, chiếc khăn vuông len kẻ ô vuông tụt xuống, vướng hờ ở trên vai. Hức xoáy luôn chiếc khăn vuông len nọ...

Từ đấy, Hức sinh ra trộm cắp. Gã bị đội xếp bắt giải về làng, giao trả ông xã Thịnh.  Và cũng từ đấy ông xã Thịnh có cớ để trút tất cả mọi tội vạ lên đầu gã. Ông ta xỉ vả gã thậm tệ, làm như từ xưa tới nay vợ chồng ông vẫn đối xử với gã tốt nhất trần đời và tống gã xuống ở xó nhà ngang, cạnh chuồng trâu. Gã chẳng nói năng gì hết, nhưng thỉnh thoảng lại cuỗm của nhà ông ta một mẻ các đồ dùng đáng tiền và chuồn đi. Dần dần, gã quấy nhiễu đến những nhà khác, những nhà thường tỏ ra đồng tình với ông xã Thịnh, miệt thị gã, ruồng rẫy gã.

Riêng đối với gia đình tôi, gã vẫn rất tử tế. Mẹ tôi vốn sẵn lòng thương người nên thường tỏ ra ái ngại cho cái tình cảnh khốn khổ của gã và lựa lời khuyên bảo gã điều này, điều khác. Vả lại gã còn muốn nhờ mẹ tôi làm mối cho đám chị Nuột tôi. Bấy giờ, thấy mẹ tôi nhận lời giúp gã tôi cứ ngấm ngầm cáu mẹ tôi, tội gì mà lại chuốc vạ vào mình, gã chẳng tốt đẹp gì mà chị Nuột tôi cũng vậy...

ấy thế mà, thật không ngờ, về sau chính tôi lại là người vun vén cho họ.

Cuộc kháng chiến nổ ra được hơn một năm thì địch tràn đến chiếm đóng phố huyện, chỉ còn cách làng tôi tám cây số. Mẹ chị Nuột tôi đã chết, chị trở về làng và đến ở nhờ nhà tôi. Ông xã Thịnh, cũng như nhiều gia đình giàu có khác trong làng đã tản cư đi xa, chỉ còn mình Hức ở lại trông nom nhà cửa và, theo lời ông ta nói, thay mặt gia đình ông đóng góp vào công việc hàng xã. Bấy giờ, phong trào làng tôi đang lên cao. Người ta bận rộn túi bụi suốt ngày về việc chặt tre rào làng, đào giao thông hào, đắp ụ, đục tường nhà mở lối đi bí mật... Đêm đến lại tập mã tấu ở sân đình cho tới khuya và ngủ tập trung đầy cả dãy tảo mạc. Ngoài những việc ấy ra, hầu như tất cả mọi việc khác đều bị ngừng trệ. Thằng Tây đã đóng ở phố huyện rồi, chỉ nay mai là nó sẽ tiến đến đây, nếu mình không giết nó thì nó sẽ giết mình. Hoàn cảnh ấy đã tạo nên một tâm trạng chung hết sức căng thẳng đồng thời cũng tạo nên nhu cầu phải hành động thực mạnh mẽ, giản dị và rõ ràng.

Các cô gái làng, bạn bè cũ của chị Nuột tôi đã lôi cuốn chị vào phong trào. Thỉnh thoảng chị lại mở cái hòm gỗ đỏ cũ kỹ của chị ra, giở cho tôi xem những bộ quần áo đẹp nhất của chị, chiếc khăn vuông len kẻ ô vuông và các thứ vặt vãnh khác toàn là của giai cho và chị thở dài, vẻ nhớ tiếc điều gì không bao giờ còn trở lại nữa. Nhưng rồi chị vẫn tặc lưỡi, nói với tôi:

- Thôi, chú cầm lấy mấy nghìn bạc này đi mà đong thóc xay cho anh em du kích ăn.

Một đêm, vào khoảng khuya, tôi đi ra vườn, thình lình bắt gặp Hức đang trèo tường vào nhà tôi. Tôi im lặng. Gã lén đến đến nếp nhà ngang, nơi chị Nuột tôi ở, cào tay vào cánh liếp, chốc chốc lại khẽ gọi, nghe rền rĩ và tha thiết. Nhưng chẳng ăn thua gì, gã bực bội nhổ toẹt rồi quay ra. Tôi gọi giật gã lại:

- Anh Hức!

Hức giật mình, đứng sững, lúng túng nhìn tôi và cười ngượng nghịu. Lúc ấy trông gã hiền lành và dễ thương quá.

Tôi bảo gã, đùa hơn là thật:

- Anh cứ vào du kích đi rồi tôi nói giúp cho!

ít hôm sau, gã xin vào du kích thật. Tôi đâm hoảng nhưng cũng đành phải nhận gã vào trung đội của tôi. Gã làm chúng tôi thật vất vả. Gã chẳng biết tí gì về quân sự nhưng lại hay lên mặt dạy khôn anh em. Nói gã, gã phát khùng, gây sự với người ta hoặc buông bịch ra đấy. Nhưng anh em cũng dễ tha thứ vì gã có cái hăng hái riêng của gã. Đầu tiên, gã thịt luôn con chó mực to tướng của nhà ông xã Thịnh cho trung đội chén một bữa no say. Trong làng, còn bao nhiêu chó vô chủ gã đều lần lượt cho ăn bả, lăn quay ra chết sạch. Bả chó gã làm thật tuyệt nhưng anh em tránh không nhắc đến việc này sợ chạm đến những chuyện xấu xa của gã. Gã lôi ở trong nhà ông xã Thịnh ra tất cả bộ đồ phòng cướp như dáo mác, đinh ba, dao quắm đem cho trung đội hết. Tôi đề nghị xã đội biểu dương gã. Gã lại càng vênh váo với anh em, nhưng cũng chẳng sao vì cái chính là gã đã tỏ ra có ý thức và có trách nhiệm trong công tác. Cứ sau mỗi phiên gác đêm gã lại báo cáo tỉ mỉ với chúng tôi đêm đó có tiếng moóc-chiê địch câu về làng nào, có ánh lửa cháy ở vùng nào. Những điều gã phỏng đoán đều đúng hoặc chỉ xê dịch chút ít.

Tôi bắt đầu nói hay cho gã trước mặt chị Nuột tôi. Ban đầu, Nuột nguýt tôi:

- Đang đánh nhau đì đùng khắp nơi, chú toàn nói chuyện tầm phơ!

Sau, Nuột chỉ im lặng. Tôi biết ý, liền bảo Hức:

- Đêm nay anh em chúng tôi đi họp vắng cả, ở nhà chỉ có mẹ tôi với chị Nuột tôi, anh cứ đến mà nói chuyện.

Địch đã mở một chiến dịch càn quét mới. Máy bay của chúng liên tiếp đến khủng bố các làng kháng chiến trong vùng. Giữa tiếng bom nổ rền, trong bầu không khí khét lẹt mùi lá gồi cháy, bên cạnh những thây người bị xé ra từng mảnh, thịt bay cả lên ngọn cây, cả Hức và chị Nuột đều nhìn thấy rõ cái chết hiện ra lừng lững ngay trước mặt và để chống lại sự đe dọa khủng khiếp đó họ đã xích lại gần nhau. Vào những đêm yên tĩnh, lại không đến phiên gác, hai người thường rủ nhau ra ngồi trò chuyện ở những nơi vắng vẻ.

Gã nắm chặt lấy tay Nuột, nhìn Nuột đắm đuối, còn Nuột thì cúi đầu xuống, đôi mắt lim dim, miệng mỉm cười. Một lần gặp nhau không kìm hãm được mình nữa, Hức ôm choàng lấy Nuột, áp chặt chị vào gốc sung bên bờ ao nhưng chị vội vàng đẩy Hức ra, chạy thẳng một mạch về nhà. Nhưng vài hôm sau, trong buổi tập đào hố chông, Hức khẽ chít vào cánh tay Nuột một cái, nháy mắt ra hiệu, Nuột lại lẳng lặng trốn các bạn bè ra chỗ hẹn với Hức.

Bấy giờ, trong số người hăng hái hoạt động có thím hai Đắm. Chồng thím là thợ mộc, quanh năm xách tràng đục đi ăn cơm thiên hạ. Thím đã có hai mặt con nhưng vẫn chê chồng. Đã thế chồng thím lại bị mắc nghẽn tận bên phủ Thường từ mấy tháng nay, giờ gẫn chưa thấy tăm hơi gì. Vốn người khỏe mạnh lại đa tình nên thím chẳng thể nào chịu mãi cái cảnh nằm suông. Thời gian rào làng, thấy Hức cứ lách vào giữa bụi tre, chọn những cây to mà chặt rồi lôi ra phăng phăng, vác gọn ba, bốn cây một chuyến, thím hai Đắm đâm ra mê gã. Thím đi tìm mua kỳ được thứ thuốc lào ngon nhất rồi rình những lúc vắng vẻ, thím sán lại gần Hức, dúi vào tay gã. Gã nghĩ bụng: "Của giời cho, tội gì chẳng nhận!". Nhưng gã chỉ bông lơn với thím cho vui chuyện thôi.

Một đêm, Hức đi đặt lờ về, ngang qua nhà thím hai Đắm, thấy trong bếp có ánh lửa, lại nghe tiếng người gọi tên mình khe khẽ, gã liền rẽ vào. Thím hai Đắm thì thào với gã:

- Mới mua được phong thuốc lào Vĩnh Bảo ngon lắm. Hút thử mà xem.

Cái thứ thuốc lào quái quỷ này ngon thật. Nó sắc nước, nặng mà lại êm. Hức đang lạnh, rít một hơi dài, thấy người choáng váng rồi ngã quay lơ. Lúc sau, tỉnh lại gã thấy mình nằm gối đầu lên đùi thím hai Đắm. Cái bếp lửa nấu cám lợn đã tắt ngấm từ bao giờ, chỉ còn ngọn đèn vặn nhỏ như hạt đỗ, xanh lè, để sát vách. Thím hai Đắm ngồi cúi gập mình xuống, phả cả hơi thở nóng hổi vào mặt Hức, khẽ nói bằng một giọng run run:

- Hết say rồi à?

- Hết rồi.

- Hết rồi thì đi ngủ nhá?

- Không...

- Không thì bú tí vậy nhá?

Nói rồi thím hai Đắm vạch ngay yếm ra. Trong bóng tối mờ mờ, Hức trông thấy bầu vú trắng, to tròn và hơi chảy xệ xuống của thím hai Đắm và bàn tay thím nâng bầu vú ấy lên, vẻ chờ đợi. Hức thấy lòng mình nóng cháy lên, cổ họng se lại, khắp người buồn buồn như có kiến bò. Gã định chộp lấy bầu vú nhưng liền ngay lúc ấy gã kìm mình lại rồi đột ngột, gã vùng đứng dậy, hất mạnh tay thím hai Đắm ra. Gã cắm đầu đi một mạch về nhà, vừa đi vừa nhổ toèn toẹt, ngực áo phanh ra, mặc cho gió lạnh ùa vào.

Sau đêm ấy hai người không bao giờ giáp mặt nhau. Hức chẳng lấy thế làm tiếc rẻ. Gã còn đang say đắm Nuột. Từ nhỏ, gã vẫn thèm khát hơi ấm của gia đình, của những người thân và bây giờ chính Nuột đã mang lại cho gã.

ở đội du kích, Nuột sống xa cách hẳn việc chợ búa với đủ các thói bon chen, mưu lợi. Nuột cũng ra đồng làm với chị em. Chị làm không đến nỗi kém, nhưng chân tay chị trắng quá, bạn bè cứ xúm vào trêu ghẹo và dọa chị nếu có đi gác đêm phải cẩn thận không có Tây nó bắn chết toi. Chị vừa ngượng vừa sợ. Chị cố làm cho chân tay mình chóng bắt nắng. Chị lại giống như các cô gái khác trong làng.

Giấc mơ về anh chủ hàng cơm không còn ám ảnh chị nữa, những lời tán tỉnh của mấy gã đàn ông trăng hoa ngoài bến ô-tô cũng không còn làm xiêu lòng chị nữa và chị đã yêu Hức với tất cả những gì tốt đẹp của một cô gái làng nghèo khổ, côi cút, còn sót lại và đang sống dậy trong lòng chị.

Đợt càn quét của địch vẫn kéo dài. Chúng tiến đến làng La, chỉ còn cách làng tôi một cánh đồng và đóng quân lại ở đình. Chúng tôi cần cấp tốc tổ chức điều tra tình hình địch để định kế hoạch tác chiến. Hức khăng khăng một mực đòi đi. Gã đi vào khoảng gần nửa đêm, đến tờ mờ sáng thì về, bùn lấm suốt từ đầu trở xuống. Về tình hình địch canh phòng, quân số và vũ khí gã nắm không được rõ ràng cho lắm nhưng để bù vào đó gã mang về một bọc bánh mì và vô số thịt hộp. Thì ra, lọt qua trạm gác gã đã mò vào tận bếp của địch, lục lọi hồi lâu rồi mới chịu ra. Gã giảng giải huyên thuyên cho chúng tôi nghe về các thứ thịt hộp.

- Còn đây là xi đánh giầy - gã vứt ra mấy thỏi gì đó mầu nâu nâu và nói, vẻ thành thạo - mẹ kiếp, xi đánh giầy mà cũng bọc giấy bóng với giấy bạc.

Đồng chí cán bộ huyện đội có mặt ở đó nhìn gã, tủm tỉm cười rồi nhặt lấy, bóc ra ăn ngon lành. Gã nhăn mặt chê bẩn. Đồng chí ấy bảo đó là xúc-cù-là. Chúng tôi cũng ăn. Rồi cuối cùng gã cũng ăn nốt. Nhưng gã vẫn khăng khăng cãi rằng trên đời chẳng có thứ gì gọi là xúc-cù-là.

Sau chuyện này tôi theo đồng chí cán bộ về huyện rồi đi công tác thoát ly. Trong những năm dài sống xa quê hương tôi thường hay nghĩ đến Hức. Gã chưa phải là một đội viên du kích tốt nhưng ít ra thì gã cũng đã tránh xa được cái vực thẳm tội lỗi mà trước gã vẫn lảng vảng ở trên bờ. Nhưng, ngày nay, tôi trở về làng gặp lại gã thì gã đã rơi xuống đáy vực từ bao giờ...

Mẹ tôi bảo:

- Thằng Hức nó biết anh về rồi đấy. Nó là thằng dại, mình là người khôn, nó đã hỏi mình, mình cũng nên giả nhời nó, kẻo nó tội nghiệp!

Một buổi sáng, đi qua cửa quán, tôi thấy gã đang ngồi co ro sưởi nắng, hai bàn tay đen đủi vuốt ve một cách trìu mến con mèo cái già không biết của nhà ai nằm ở dưới chân, tôi liền rẽ vào. Tôi hỏi gã:

- Anh có nhận ra tôi không?

Gã không trả lời, chỉ ngẩng lên nhìn bằng đôi mắt tinh khôn và nở nụ cười gượng gạo nhưng ngay thật. Tôi đem cho gã một bó rơm khô để rải ổ. Gã cảm ơn tôi và nói:

- Tôi phơi thêm một nắng cho thật nỏ đã rồi mới rải.

Tôi cùng gã rũ rơm ra góc sân. Con mèo cái già ngồi thu hình dưới nắng, ngay phía trước, đôi mắt lim dim, thỉnh thoảng lại khẽ kêu "gừ... gừ". Gã thường sẻ phần ăn gã xin được cho con mèo và con mèo trở nên thân thiết đối với gã. Nhìn con mèo, tôi nghĩ đến cảnh cô độc của gã, bỗng thấy ái ngại. Xã Thịnh, trong thời gian địch chiếm đã ra làm lý trưởng tề và bây giờ hắn ta cùng các con giai đã đi Nam cả, chỉ còn bà vợ và đứa con gái nhỏ ở lại. Bà này đã từ gã, chỉ thỉnh thoảng nhắc đến gã bằng vài câu thương hờ. Tôi hỏi thử:

- Sao anh không về ở nhà xã Thịnh có phải hơn không?

Gã chẳng nói sao, chỉ nhổ toẹt một cái, mặt sa sầm.

Tôi nói:

- Đời người ta thay đổi kể cũng nhanh. Hồi tôi đi anh vẫn còn trẻ măng. Tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một cái đêm anh trèo tường vào vườn nhà tôi...

Nghe nhắc đến chuyện trèo tường gã quay lại nhìn tôi một thoáng rồi vội quay đi, vẻ giận dữ. Một cơn gió nổi, ném một chiếc lá vàng xuống trước mặt chúng tôi. Con mèo liền chồm tới, vờn chiếc lá đang xoay tròn. Cùng lúc ấy, đột nhiên Hức ném cái gậy gẩy rơm về phía con mèo và hét lên:

- Mẹ cha mày!

Tôi vội nhặt lấy cái gậy. Gã liền sấn tới, định giằng lại. Mặt gã đỏ bừng, đôi mắt sáng lên vẻ man rợ, trán nhíu lại và một bên mép cứ giật lên.

Tôi đinh ninh chẳng còn dịp nào để trò chuyện với gã nữa, không ngờ sau đó chính gã lại tìm đến tôi. Một đêm trời lạnh, cả nhà tôi ngồi quây quần quanh bếp lửa rang ngô ăn. Chợt tôi trông thấy gã đứng mé ngoài cửa bếp tự lúc nào và đang nhìn vào, vẻ mặt hiền lành, đôi mắt chăm chú đầy vẻ thèm khát.

Tôi liền chạy ra, kéo gã vào trong bếp. Gã ngoan ngoãn nghe tôi nhưng nhất định không chịu ngồi chung với chúng tôi, chỉ chìa tay nhận vốc ngô rồi ngồi lùi lại phía sau. Ăn xong, gã nằm quay lơ ra ngủ, đầu vùi trong đống rạ. Khi cả nhà tôi đã lên nhà trên, tôi khẽ lay gã dậy, bảo gã về kẻo khuya.

Gã ngần ngừ một lúc rồi nói:

- Anh cho tôi ở đây có được không? ở đây có lửa ấm...

Rồi gã cứ ngồi nhìn trân trân vào đống than hồng trong bếp. Lát sau, gã khẽ nói:

- Hôm nọ tôi chửi anh thế, anh có giận tôi không?

- Chẳng việc gì mà giận.

Gã cúi mặt, tỏ ra ân hận. Tôi liền gợi:

- Anh có nhớ ở cái nền bếp này trước nó thế nào không?

- Có cái nhà ngang ba gian.

- ừ, cái nhà ngang chị Nuột tôi vẫn ở đấy.

Gã im lặng.

- Anh có biết chị Nuột tôi bây giờ ở đâu không?

Gã thở dài đánh thượt một cái và lắc đầu:

- Không.

- Anh không nói dối tôi được đâu. Anh hãy kể cho tôi nghe tại sao anh và chị Nuột tôi...

Đột nhiên gã đứng phắt dậy, chửi một câu gọn lỏn: "Con mẹ nó!", rồi không hiểu ngẫm nghĩ thế nào gã lại ngồi xuống và gã bắt đầu kể cho tôi nghe những điều gã còn nhớ được...

Chuyện gã kể không đáng tin cậy một chút nào nhưng dù sao nó cũng rất có ích cho việc tìm hiểu một con người phức tạp như gã. Tôi sẽ nói rõ điều này ở đoạn sau. Bây giờ, trước hết tôi hãy kể lại câu chuyện thực về gã mà bà con trong làng đã cho tôi biết.

Sau khi tôi đi được ít lâu, làng tôi bị địch chiếm. Đội du kích bị thiệt hại nặng, tan rã ra từng mảng, những phần tử trung kiên phải rút vào bí mật, còn thì mạnh ai nấy chạy. Hức theo một số người trốn sang bên kia sông Đáy. Hơn nửa năm sau, nghe nói làng đã lập tề, gã trở về. Gã không còn được gặp Nuột. Nuột chạy lên phố huyện. Nuột gặp một chị bạn buôn cũ, nay mở cửa hàng giải khát và ở nhờ nhà chị ta. Cửa hàng mới mở nhưng lính ngụy kéo đến suốt ngày nên lời lãi cũng khá. Nghĩ phận mình thân cô thế cô, đã mấy lần Nuột định trở về làng, dựa dẫm vào bà con. Nhưng cái không khí buôn bán ồn ào, những món lời, những lời tán tỉnh giăng hoa của khách hàng trong lúc say sưa... cứ giữ Nuột lại. Chân tay Nuột lại dần dần trắng trẻo ra. Chị bạn Nuột có đứa em trai tên là Bạo, đi lính bảo hoàng, đóng ở bốt La thường vẫn về chơi và làm thân với Nuột. Bạo đẹp giai, ăn nói có duyên, lại có tiền. Chị em Bạo giúp Nuột xin môn bài, cho vay vốn và Nuột cũng đã trở thành cô bán hàng giải khát có một gánh hàng nho nhỏ, hai cái bàn và bốn chiếc ghế dài kê ngay dưới gốc bàng, xế cửa hàng của chị Bạo. Cuộc sống cũ đã trở lại và những mộng ước cũ cũng đã trở lại với Nuột. Chị vấn tóc trần, mặc áo phin nõn nhuộm gụ, hai bên xẻ tà để hé ra mẩu áo lót trắng bong. Tai chị lủng lẳng đôi khuyên vàng của Bạo cho. Chị đã quên Hức...

Một hôm Hức vào hàng Nuột. Hai người cùng đứng sững nhìn nhau và cùng im lặng. Hức lấy một chai bia, tự mở nút, ngửa cổ tu ực một hơi hết sạch. Gã chờ xem Nuột có nói gì không. Nhưng Nuột chẳng nói gì. Gã giận quá, đặt phịch cái vỏ chai xuống quầy hàng, chìa mấy tờ giấy bạc ra trước mặt Nuột, nói rít qua kẽ răng:

- Tiền!

Nuột tái mặt đi, bàn tay nắm chặt mép quầy hàng cứ run lên làm cho thìa, cốc chạm vào nhau kêu lách cách và chị lắc đầu, khẽ nói, nghe không ra hơi nữa:

- Không!

Hức giận điên người. Một bọn lính đã kéo đến hàng Nuột. Chúng có súng, lại đông... Hức đành lủi thủi về làng.

Ban đầu Hức nghĩ: "Chậc, báu gì cái quân tham vàng bỏ ngãi ấy. Hừ, kệ mẹ nó, nó muốn đi theo thằng nào thì đi!". Nhưng Hức càng muốn quên đi bao nhiêu thì hình ảnh Nuột càng hiện ra rõ ràng bấy nhiêu trong trí nhớ của gã. Gã vừa yêu, vừa căm giận Nuột. Rồi gã đâm ra căm giận tất cả bọn đàn bà. Giả thử bây giờ có một người nào đó như thím Đắm chẳng hạn đến với gã, gã chẳng ngần ngại gì mà không dằn ngửa thị ra cho thỏa cơn thèm khát rồi gã sẽ bóp cổ cho thị chết thè lưỡi ra. Nhưng gã chờ đợi chỉ uổng công. Một số anh em du kích hoạt động bí mật vẫn gần gũi Hức. Nhưng Hức tỏ ra hờ hững. Gã muốn phải làm loạn phố huyện lên và gã biết những người du kích chẳng thể nào chiều ý gã. Vào du kích, gã sẽ phải làm những việc khác...

Thế là Hức biến khỏi làng. Gã xin vào lính. Gã không vào lính bảo hoàng mà vào lính pa-ra-suýt (Lính nhảy dù) đóng tại một bốt lớn trên đê sông Đáy. Gã định bụng chỉ đi lính khi nào trả thù xong tên Bạo thì thôi. Ngày phiên chế đến đơn vị, đội Hiền, cấp trên chỉ huy trực tiếp của Hức hỏi Hức:

- Sao chú mày lại xin đăng lính?

- Giận đời thì đăng!

Đội Hiền phá lên cười, vẻ thích thú.

Sau khi biết chuyện của Hức, đội Hiền cho gã một con dao găm và khích gã:

- Con dao này mà đâm trúng ngực thế nào cũng lọt tới tim. Chúc cho chú mày được toại nguyện.

Những phiên chợ La người ta thường thấy Hức mặc bộ quần áo loang lổ, đội mũ lá vả, vai đeo súng, diện giầy đinh cùng với mấy tên lính pa-ra-suýt đầu trâu mặt ngựa khác đi nghênh ngang. Hức uống rượu say túy lúy. Gã uống rượu để giải sầu và để nung nấu thêm mối thù trong dạ. Một phiên chợ, Hức trông thấy Bạo cùng lũ bạn của nó ngồi trong hàng thịt chó. Hức liền lừ lừ đi tới, rút dao găm ra và nói, giọng rít qua kẽ răng:

- Bạo! Sao mày dám cướp vợ tao?

Hức giơ dao lên. Nhưng chính trong khoảng khắc quyết định đó Hức bỗng thấy lạnh buốt ở sau lưng, bao nhiêu ý nghĩ táo tợn thoắt tan biến, gã đâm ra run tay, đường dao hạ xuống đến nửa chừng thì hơi chệch đi và cắm phập xuống mặt bàn. Bạo tái mặt, rồi trấn tĩnh được ngay, hắn liền chồm tới cướp lấy con dao. Hai người giằng co nhau cho đến khi nghe tiếng lưỡi dao gẫy đánh khấc, cái sức mạnh hung bạo trong người Hức vừa dịu xuống lại trỗi dậy. Hức với ngay cái vỏ chai rượu để trên bàn đập mạnh vào mặt Bạo. Bạo thét lên một tiếng ngắn, ngã sấp mặt xuống bàn và trong giây phút đó Hức thấy có một cái gì đỏ lòe hiện ra...

Bọn lính pa-ra-suýt vốn là đàn anh trong tất cả các loại lính ngụy nên Hức chỉ bị phạt giam ba hôm cho có chuyện.

Hết hạn giam, vừa về tới đơn vị, đội Hiền đã vỗ vai gã, nhếch mép cười và nói:

- Anh buồn cho chú mày quá, chú mày làm uổng cả công rèn dao của anh!

Hức nhìn đội Hiền, vẻ buồn rầu, không nói gì cả.

- Chú mày sợ à!

Hức cúi mặt xuống. Lát sau gã bỗng ngẩng phắt đầu lên, dằn giọng nói:

- Không, tôi không sợ! Rồi tôi sẽ giết chết thằng Bạo cho anh xem!

Chắc chắn là lúc này gặp Bạo, Hức chẳng ngần ngại gì mà không đâm chết nó.

Nhưng Bạo biết mình kém vế đã xin đổi về làm lính hầu cho tên quận trưởng, không bao giờ ló mặt ra khỏi phố huyện. Mối thù chưa trả được và những lời kích động của đội Hiền làm cho lòng gã luôn luôn nhức nhối không yên. Tay gã đã vấy máu Bạo. Máu ai cũng chỉ đỏ đến thế mà thôi. Dù có dúng cả cánh tay vào máu đi nữa gã cũng chẳng còn ghê sợ. Tuy vậy, sau mỗi trận càn, càng bắn giết, đốt phá bao nhiêu gã lại càng thấy mỏi mệt, rời rã bấy nhiêu. Một nỗi buồn nặng nề, vô duyên cớ, cứ dâng lên tràn ngập trong lòng gã. Gã nghĩ vẩn vơ. Gã nhớ tới Nuột, nhớ cả thím hai Đắm. Nhưng cả hai người ấy đều đã tuột khỏi tay gã. Gã tự giận mình trước đây sao ngờ nghệch quá. Gã đâm ra thèm khát, không sao kìm hãm lại được. Và gã đi tìm đàn bà...

Ngày lại ngày cứ thế trôi qua và gã đã trở thành một người khác hẳn.

Mùa thu năm 1953, địch mở trận càn quét lớn vào khu du kích vùng quê tôi. Hầu như tất cả các đơn vị Âu Phi và ngụy binh đóng trên phòng tuyến đê Đáy đều bị huy động vào cuộc càn quét này. Chúng dàn quân, giăng kín bốn mặt, cùng tiến sâu vào khu du kích, nhằm cất vó cán bộ ta ở làng Chanh. Chiều hôm thứ ba của cuộc càn quét, đơn vị Hức dừng lại ở một làng chỉ còn cách làng Chanh một cánh đồng. Sự chống cự quyết liệt của du kích và cảnh hoang vắng của cả cái vùng rộng lớn này khiến cho Hức mệt mỏi rã rời. Gã muốn bắn giết, đốt phá, hãm hiếp cho chân tay đỡ buồn bực và lòng khỏi thấp thỏm lo âu. Các đơn vị đã chuẩn bị xong chỗ đóng quân, Hức lánh mặt đồng đội, một mình đi tha thẩn về phía cuối làng, nơi đó những đơn vị tới sau đang dồn ứ cả lại. Gã đi tới gần một cái cổng xóm đổ, thình lình gặp Bạo từ trong ngõ đi ra. Gã đứng sững ngay lại. Gã nhìn thấy một vết sẹo dài, bóng loáng trên trán Bạo, ăn lằn xuống tận lông mày. Đúng là vết sẹo do Hức đập chai rượu vào mặt Bạo. Trong chốc lát, Hức cảm thấy sung sướng, hả hê nhưng liền sau đó cơn giận cũ lại bốc lên mạnh mẽ hơn.

Bạo lúng túng đánh tiếng trước:

- Chào anh!

Hức không trả lời, chỉ nhìn trân trân vào mặt Bạo. Gã nghĩ: "Phúc cho mày nếu gặp tao giữa lúc tiến quân thì tao đã cho mày một phát vào giữa sọ rồi!".

- Giờ tôi không làm lính hầu ở bốt quận nữa. Tôi đi tìm anh đã hàng tháng nay...

- Mày tìm tao? Mày tìm tao để làm gì?

Hức nói qua hai hàm răng nghiến lại và gã tiến lên sát mặt Bạo, Bạo thoáng vẻ bối rối nhưng hắn trấn tĩnh lại được ngay, hắn nuốt nước bọt và nói một cách khó khăn:

- Nuột bị người ta cướp mất rồi... Ông một Cát-xi ở quận cướp mất Nuột rồi!

- Cát-xi à? Cát-xi nào? - Hức nói chậm rãi, rồi đột nhiên gã túm lấy ngực áo Bạo và to giọng lên:

- Sao mày không giữ được vợ mày? Sao mày không giết ông lớn nhà mày đi?

- Khốn khổ thân tôi. Anh xem, tôi chỉ là một thằng lính hầu...

- Mày là thằng hèn!

Hức xô Bạo ngã dúi vào thành cổng. Bạo vẫn không chống đỡ gì. Với một chủ định sắp sẵn từ trước, Bạo liền dùng một cái giọng hết sức buồn rầu kể lại tỉ mỉ cho Hức nghe ông một Cát-xi đã cướp Nuột đi và giày vò Nuột như thế nào.

Hức giận điên lên, ngắt lời Bạo:

- Ông một nhà mày hiện có ở đây không?

Bạo gật đầu.

- Mày chỉ cho tao, tao sẽ giết nó.

- Một mình anh không làm gì nổi đâu.

- Tao sẽ giết nó rồi sẽ giết mày luôn.

Bạo biết rằng bây giờ là lúc có thể nói ra những mưu toan của mình với Hức và hắn tin Hức sẽ không phản lại. Hắn nắm chặt lấy tay Hức, giọng cầu khẩn:

- Anh Hức ơi, sao anh lại định giết cả tôi? Trước đây tôi là kẻ thù của anh nhưng bây giờ tôi có còn như trước nữa đâu. Ruột gan tôi đang rối như tơ vò. Tôi xin anh, anh hãy quên những chuyện cũ đi, anh giúp tôi giết chết thằng Cát-xi cho hả giận này...

Hức nhếch mép cười chua chát:

- Mày không làm mủi lòng được tao đâu!

- Tôi đâu dám nghĩ như vậy.

- Thế thì mày dám nghĩ tới cái gì? Mày đừng có lải nhải. Mày có mưu chước gì thì cứ nói thẳng ra đi!

Hôm sau, trận càn lại tiếp diễn. Đến quá trưa, các đơn vị thuộc ba mũi tiến công - mũi thứ ba đã bị bộ đội địa phương bẻ gãy - đã trông thấy nhau trên cánh đồng làng Chanh. Với quân số đông như kiến vỡ tổ, chúng giăng thành hàng ngang, tên nọ cách tên kia chỉ một cánh tay, tràn qua những ruộng cỏ lạc rậm như rừng và thu nhỏ dần vòng vây lại. Cũng như thế tất cả các sĩ quan, viên quan một Cát-xi đi phía sau đơn vị của mình, đốc thúc quân lính tiến lên bằng mũi súng và những tiếng quát tháo. Đơn vị của Hức cũng đi gần đó. Khi gần tiến sát đến lũy tre làng, Bạo bỗng nổ một phát súng vào bụi rậm và kêu lên:

- Việt Minh!

Thế là các đơn vị quanh đó nháo cả lên. Hức nổ súng thét: "A-la-xô!" rồi bò tạt ngang, thúc vào đít đơn vị của Cát-xi. Giống như một phản ứng dây chuyền, nhiều tiếng hô và tiếng súng nổ vang lên theo. Giữa không khí hỗn quân hỗn quan ấy, Hức nhanh nhẹn giơ súng lên, nhắm vào đầu Cát-xi đang cúi lom khom sau một bờ ao và bóp cò. Bộ tóc mầu vàng hoe rất đẹp của Cát-xi đột nhiên nẩy bật lên, bay tung lên, rồi rơi xuống, nằm bất động bên bờ cỏ. Hức chớp mắt, thong thả chùi bàn tay nhơm nhớp mồ hôi vào ống quần. Nhưng gã chưa kịp mỉm cười thì một viên đạn đã bay vèo qua đầu gã, tiếp theo là tiếng kêu của một tên lính nào đó:

- Thằng kia làm phản. Bắt lấy nó!

Không kịp suy nghĩ gì, Hức nhảy vọt ngay về phía trước, tụt xuống lòng một con mương, cứ thế chạy. Đạn đuổi theo gã, kêu chiu chiu ở trên đầu. Rồi đột nhiên có một vật gì nặng nề đổ xuống lòng mương, ngay sau lưng gã làm nước bắn tóe lên. Hức quay lại nhận ra Bạo. Bạo đã chết. Hức lại cắm đầu chạy. Khi đã sắp lọt được vào lũy tre làng Chanh gã bỗng thấy đau nhói ở bắp chân và gã bị ngã chúi sấp ngay xuống. Gã thoáng nghĩ: "Mẹ kiếp, thế là hết!".

Nhưng Hức không chết, gã chỉ bị què. Gã bị giải ngay về ban tham mưu binh đoàn. ở đấy có nhà giam và phòng tra tấn. Mặc dầu trong người Hức không có truyền đơn hoặc một tang vật gì khả nghi, gã vẫn bị buộc tội mưu phản để chạy theo Việt Minh. Gã sợ quá. Gã cố chối quanh. Chẳng ai tin gã. Gã phải chịu một hình phạt khủng khiếp: bọn phòng nhì cắm ngập đinh ghim vào mười đầu ngón tay gã, mỗi đầu đinh ghim cắm một cái lông tơ gà rồi chúng quạt phe phẩy. Mười đầu ghim khẽ động đậy, ngoáy vào xương thịt gã làm cho gã đau buốt lên đến tận đỉnh đầu. Gã ngất đi, rồi gã khẽ kêu lên:

- Tôi xin nói... tha cho tôi...

Sau khi tỉnh lại, gã với lấy cốc nước lạnh buốt, uống hết sạch và bắt đầu kể lại đầu đuôi câu chuyện một cách ngay thật. Phòng nhì tư giấy về bốt của gã, yêu cầu xác minh những gì gã đã khai. Viên chỉ huy bốt chẳng dại gì vì một tên lính quèn người bản xứ mà lại đi chuốc vạ vào thân nên chỉ trả lời bằng những nhận xét chung chung rằng quả là gã có những chuyện rắc rối về tình duyên ,v.v. còn chuyện vì sao gã bắn Cát-xi và bỏ chạy thì đó là việc của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền điều tra và kết luận.

Tòa án binh chưa thể kết án Hức. Bọn chúng cũng chẳng cần tiến hành điều tra thêm làm gì cho mệt xác thế là Hức cứ nằm bẹp mãi trong nhà giam. Những vết đạn bắn, kim đâm và đòn tra sưng tấy cả lên, rỉ mủ ra, thành dòi thành bọ ra... làm tình làm tội gã. Gã ốm liệt. Giữa những cơn đau đớn quằn quại, gã bỗng nghĩ: "ừ, sao mình lại không chạy ra hàng Việt - Minh nhỉ?" Trước đây mình đã vào du kích, đã đi tập mã tấu, đi rào làng... Bọn họ buộc tội mình như vậy khéo mà thực cũng nên!". ý nghĩ ấy làm gã bàng hoàng. Gã choàng dậy. Gã gào lên. Gã muốn phá phách, tung hê tất cả lên. Nhưng trong phòng giam trống trơn. Gã chạy cuồng trong phòng giam, đạp cửa, đập đầu   vào tường, nghiến răng lại mà bẻ những chấn song sắt và nhổ phì phì mỗi khi thấy bóng người đi qua. Gã đã phát điên...

Cái đêm ngồi ở bếp nhà tôi. Hức kể lại cho tôi nghe những điều rời rạc có liên quan đến Nuột và gã nguyền rủa Nuột bằng đủ các lời độc địa. Suốt cuộc đời bi thảm và tội lỗi dài dằng dặc của gã chỉ có một thời gian ngắn ngủi là trong sáng và tươi đẹp, ấy là thời gian gã sống gắn bó với anh em chúng tôi trong đội du kích. Có lẽ mối tình vừa ngọt ngào, vừa chua chát đối với Nuột thường gợi cho gã nhớ lại cái kỷ niệm xa xôi và không bao giờ còn trở lại ấy nên gã căm ghét Nuột đến thế. Gã không nhìn thấy phần trách nhiệm nặng nề gã phải chịu sau khi gã tự ý rời bỏ chúng tôi, bước sang phía bên kia, bước đi ấy của gã là mò mẫm nhưng lại là quyết định... Trong đầu gã có một khoảng trống rỗng to lớn quá, đã từ lâu chỉ có bóng tối tràn ngập chứ không được ánh sáng rọi vào...

Tôi bảo mẹ tôi:

- Thằng Hức thế là hỏng rồi!

Mẹ tôi, với tấm lòng nhân hậu mà cả làng đều biết tiếng, nói với tôi:

- Thì thế... Nhưng nó là người làng, đánh kẻ chạy đi ai nỡ đánh kẻ chạy lại...

Mẹ tôi bàn với một số bà con trong làng sửa sang lại gian quán, rải lại ổ, lấy bao tải rách đụp lại làm chăn cho gã. Tôi cũng nghe lời mẹ tôi, cho gã cái áo trấn thủ đã sờn rách tất cả các ô quả  trám của tôi.

Những ngày mưa rét bắt đầu kéo đến. Hức nằm cuộn tròn trong ổ, ngủ li bì. Con mèo cái già thỉnh thoảng lại đến với gã. Gã ôm chặt nó vào ngực, mặc cho nó kêu gừ gừ, thỉnh thoảng lại ve vẩy khe khẽ cái đuôi như muốn cù vào cổ, vào nách gã...

Bỗng một đêm kia, con mèo đến kỳ động đực. Nó đi quanh trên nóc quán, gào lên từng thôi dài những tiếng "meeo... meeo..." kéo dài, cuồng si, rạo rực. Tiếng mèo gào đực, khác nào tiếng gọi vừa xa lạ vừa thân thiết của một cuộc đời bình thường thức tỉnh Hức nhưng đồng thời nó cũng giống như một sợi dây thừng mầu xám trói chặt lấy gã, dìm gã xuống đáy một cái vực thẳm tối om và giá buốt. Từ đáy vực, gã ngẩng đầu lên, nhìn thấy một ngọn lửa cháy bập bùng tỏa hơi ấm ra chung quanh...

Gã vùng dậy, gã ném con mèo, làm xô từng mảng ngói lớn. Nhưng chỉ được một lúc sau, lại thấy tiếng con mèo gào đực không biết từ phía nào vẳng tới nghe rền rĩ trong làn gió bấc thổi ù ù. Gã giựt đứt các phên cửa và ôm cái ổ rơm quẳng cả ra sân rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa này không giống như ngọn lửa gã vừa trông thấy trong tưởng tượng. Gã sợ, gã cắm đầu chạy ra khỏi làng và đi lang thang trên con đường hàng tổng, chính con đường đã dẫn gã về làng trước ngày hòa bình lập lại ít lâu...

Bấy giờ trời đã sáng. Mặt trời hiện lên sau màn sương mù phía bên kia cánh đồng. Một toán đàn bà đi chợ huyện nhô ra ở một chỗ ngoặt. Đột nhiên Hức từ sau khúc bờ cao nhảy bổ lên đường, thét to một tiếng nghe man rợ. Gã đứng nhìn các bà bỏ chạy, cười sằng sặc và lục tung quang gánh của họ lên. Gã không biết rằng một toán đàn ông từ phía sau chạy tới đã vây chặt lấy gã. Một bàn tay to lớn gân guốc túm chặt lấy ngực áo gã, lắc mạnh và đẩy gã ra xa.

Gã khuỵu xuống rồi không hiểu sao gã khỏe hẳn lên, gã ôm đầu chạy một mạch về làng, nằm gục xuống trước cửa quán trống trơn.

Mẹ tôi đứng nhìn gã một lúc, quăng cho gã mấy cái bao tải rách cuối cùng của nhà tôi rồi ra về và nói với tôi:

- Tội ai nấy chịu, biết làm thế nào!

Cái sự thực ấy càng tàn nhẫn bao nhiêu lại càng đơn giản bấy nhiêu...


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com