hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1298.htm

Chu Văn Mười

Quá khứ đón đợi

Tôi không được biết mặt bố, và cho đến bây giờ, thú thực cũng không còn hình dung thật rõ gương mặt mẹ. Trước nay tôi chẳng bao giờ nghĩ đem chuyện mình ra kể, bởi nó động đến vong linh những người ruột thịt, những người vô cùng yêu thương mà hóa ra là đày đọa tôi, độc ác với tôi. Cho đến gần đây, nhân chuyến đi công tác miền ngược, một sự tình cờ làm tôi choáng váng, và mọi chuyện tưởng như đã lịm chết từ một đêm đông buốt giá bốn mươi năm về trước bỗng lại ào ạt thức dậy như bởi có sự sắp đặt nhiệm mầu của số phận...

Ông bà nội tôi sinh hạ được bốn người, chỉ có bố tôi là trai, lại là trai út. Ba bác gái tôi đều lấy chồng quanh xóm, chăm bẵm cậu em chả kém gì các quý tử con nhà giàu trong làng. Tuy được chiều chuộng vậy, nhưng nghe kể lại, bố tôi rất mực ngoan ngoãn, lại sáng dạ. Vào thời ấy ở một thôn làng hẻo lánh chốn đầu sông bãi sú, con trai một tá điền như bố tôi mà có mảnh bằng sơ học yếu lược đã là sáng giá lắm. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, bố tôi vừa tròn hai mươi tuổi. Có chút văn hóa lại đức hạnh thế, ông được chính quyền mới giao cho bao nhiêu là công tác, và chính từ trong những ngày nô nức ấy đã diễn ra mối tình tuyệt đẹp giữa anh giáo trẻ với cô thôn nữ nết na trong lớp học bình dân ban tối.

Sau này tôi hiểu, đám cưới của bố mẹ tôi là đám cưới "chạy". Không phải chạy tang, không phải vì có chuyện "tạm ứng" này nọ mà là chạy Tây. Bấy giờ quân Pháp đã trở lại Hải Phòng, lập đồn Núi Đèo chỉ cách làng tôi ngót mười cây số. Bố tôi được bố trí thoát ly, ra vùng tự do. Bẩy ngày sau cuộc hôn lễ đúng theo nghi thức đời sống mới, ông nội tôi sắp mâm cỗ cúng gia tiên, tiễn người con trai độc nhất lên đường.

- Uống đi một chén- ông tôi tự tay rót rượu, giục bố tôi. Trai thời loạn, anh cứ vững tâm mà đi lo tròn phận sự, đừng có vương vấn gì chuyện nhà.

Trong khi bố tôi chật vật với chén rượu đầu tiên trong đời thì bà tôi với mẹ tôi chỉ yên lặng, không can dự vào câu chuyện đại sự của đàn ông.

Vài năm sau, bà tôi sinh chứng nhức xương, rên rỉ suốt đêm, uống thuốc ông Khách ngoài chợ mãi cũng chẳng đỡ.

- Để tôi kiếm cho bà ít thuốc rừng. Năm xưa đi bè, tôi có quen một ông lang trong ấy, có tiếng về tài trị bệnh này - Ông nói rồi ông đi, không có bàn. Chừng mươi ngày sau ông mệt nhọc trở về, không có thuốc.

- Mất rồi, mất cả rồi!

Giọng ông như mê sảng rồi ông đổ ốm một trận tưởng không qua khỏi. Từ ấy ông cáo bệnh, năm thì mười họa mới chịu có mặt ở những đám giỗ chạp, cưới xin. Mồng một, ngày rằm bà nội tôi vẫn có cơi trầu, nải chuối thắp hương, lầm rầm cầu khấn tổ tiên phù hộ độ trì cho bố tôi được mạnh chân khỏe tay, cho tôi hay ăn chóng lớn, còn ông thì chỉ ngồi lặng nhìn làn khói lởn vởn lặn dần vào thinh không.

Những năm ấy mẹ tôi gánh vác việc nhà đúng như một lực điền. Một mình mẹ tôi với con bò cái già nua mà mãi giờ tôi vẫn nhớ như in cặp mắt lúc nào cũng như sầu não của nó, quanh năm đánh vật với ngót mẫu ruộng đồng bãi. Thường chập tối băm rau nấu cám đến tận khuya rồi mới khẽ khàng đến bên giường bà nội:

- Cún đâu, mẹ thương nào! - Và tôi được ẵm xuống căn buồng dưới nhà ngang, nơi quanh năm có tiếng dế ri ri ai oán cất lên từ dưới chân những phiến liếp mục. Ôi, căn buồng nhỏ bé và ẩm mốc là tất cả thế giới hạnh phúc riêng tư của mẹ tôi? Bởi vì mẹ tôi mồ côi từ tấm bé, hết ẵm cháu, nhặt phân cho chị này lại chuyển đến chăn trâu, cắt cỏ cho anh khác, đã bao giờ đích thực có một gia đình đâu? Có chồng để chờ đợi, có con để âu yếm, lại có cha mẹ già để phụng dưỡng, thế là mãn nguyện rồi, mẹ chẳng còn dám cầu mong gì hơn. Cho đến một trưa tháng năm, năm tôi vừa bẩy tuổi bà tôi hấp hổi từ chợ chạy về.

- Ông ơi, hòa bình rồi, giải phóng rồi!

Lúc ấy ông tôi đang chăm chú vót nan đan rổ còn tôi thì quanh quẩn với những búi phoi tre trắng muốt rải khắp nền nhà.

- Bà nghe ở đâu? - Ông tôi ngừng tay, con dao ật ra khỏi chiếc nan vót dở.

- Thì người ta đang kháo ầm cả chợ. Mấy thằng Bảo chính đoàn nghe thấy cứ gằm mặt đi, chẳng có dám hé răng.

Nói rồi bà cười, ôm chầm lấy lôi, dúi vào tay tôi cặp giày giò.

- Con ơi! Thế là bố con mày sắp biết mặt nhau rồi! Mau chạy ra đồng gọi mẹ về đây bà bảo.

Lúc ấy ông tôi mới buông dao đứng dậy, vừa lắc đầu vừa lẩy bẩy bước đến ngồi bên bàn:

- Thôi, bà đừng bảo thằng bé phải đi đâu nữa, cứ để mẹ nó biết muộn giờ nào đỡ khổ giờ ấy. Bố nó mất rồi, từ lúc nó mới lên hai tuổi kia!

Bà tôi "hời" lên một tiếng thảm thiết, ngã sụp xuống nền nhà. Hóa ra năm xưa vào rừng, chưa kịp tìm đến chỗ lấy thuốc cho bà thì ông gặp được người quen mật báo là bố tôi bị trúng bom trên đường đi dự lớp huấn luyện, đã vĩnh viễn ở lại với núi rừng Việt Bắc. Ông nhận tang từ ấy mà đến tận bây giờ, đúng vào ngày quê tôi giải phóng, ông mới chịu phát tang?

Một chiều dắt bò về, tôi thấy bác Tự với ông tôi đang ngồi trước chiếc bàn quen thuộc. Chiếc bàn chân tiện mà từ khi tôi biết lúc nào cũng thấy ngự trên mặt đủ ba thứ: bộ khay chén, chiếc giành tích và chiếc điếu bát quai đồng. Bác Tự là chồng bà cô thứ hai của tôi. Cô bác có tới bốn chị con gái, sống hòa thuận có tiếng. Và hình như trong ba người con rể, ông bà tôi quý bác Tự hơn cả. Nghe nói ngày trước nhà bác nghèo lắm, chết đói gần hết, chỉ còn lại mình bác với bà mẹ nay đã già hơn cả bà nội tôi. Nhà chỉ có vài mảnh ruộng, bác giao cho cô tôi cày cấy, còn bác thì theo người làng lên rừng xuống biển, làm đủ mọi việc. Chân sào có. Thợ mỏ đá có. Phu khuân vác có. Phu lò có. Nghĩa là, cứ việc nào mà bác thích lại kiếm được nhiều tiền là bác cân tuốt. Người bác cao lớn, tay dài như tay vượn, da đen nhánh. Tính bác phóng khoáng, hay cười nói, đi xa về gần không lần nào không có quà biếu ông bà tôi. Từ dạo giải phóng, bác ở nhà, chiều chiều xách chiếc loa tôn sơn đỏ leo tít lên ngọn cây me cao ngất, "A lô... A lô" vang cả xóm. Lúc là bản thông báo của ủy ban, lúc là lời hướng dẫn trồng khoai lang ụ, lúc cao hứng bác còn hát cò lả, trống quân. Ai cũng khen bác tích cực công tác xã hội. Bởi vậy, gần đây bác được bầu làm trưởng xóm.

Vừa thoáng thấy tôi ngoài khung cửa, bác đã gọi lớn :

- Thằng Hà vào đây bác bảo!

Và từ xa, bác vươn tay chìa quả ổi trâu to tướng:

- Bác thưởng này. Nhớ học giỏi, chăn bò cho khéo, thi đua với các bạn nhá.

Tôi ấp úng chưa biết nói gì thì như thể từ đâu hiện ra cùng một lúc hai chú bộ đội, quân phục mới tinh. Bởi nhà chỉ có hai chiếc ghế, ông và bác đã ngồi, nên hai chú phải ngồi sang tấm phản khuất bên cửa ra vào. Hai chú cùng đứng dậy, cùng cười rất tươi và cùng nắm vai tôi kéo lại. Cử chỉ âu yếm ấy khiến tôi bủn rủn cả người và không hiểu sao, bỗng nấc lên cái tiếng chưa từng một lần bật ra: "Bố!". Tiếng nấc quá khẽ, chắc không ai nghe thấy được chỉ có tôi với nỗi tủi thân tê dại giữa hai người đàn ông xa lạ.

Từ hôm ấy tối nào nhà tôi cũng vui như hội. Bác Tự kiếm ở đâu được hai chiếc đèn bão, treo hai bên cửa, ánh sáng tràn ra tận chiếc giếng cuối sân. Rồi bác bảo chị phụ trách gọi thiếu niên trong xóm đến để hai chú bộ đội dạy hát, dạy múa tới khuya. Hết đồng ca "Qua miền Tây Bắc", "Giải phóng Điện Biên", lại nhảy sạp, múa "Hái chè bắt bướm". Tôi chưa đến tuổi nhập cuộc nhưng tôi hạnh phúc hơn tất cả vì sau buổi hát múa, tôi lại được ngủ giữa hai chú bộ đội của mình. Tôi không biết công việc của các chú chỉ thấy mỗi sáng ăn cơm xong là các chú đi. Chiều các chú về. Về đến nhà là bắt tay ngay vào việc. Chú quét sân, gánh nước, chú tưới rau, chẻ củi... ông bà tôi cản thế nào cũng không được, chỉ còn biết tấm tắc với hàng xóm :

- Bộ đội Cụ Hồ giỏi thật, việc gì cũng biết, cũng chăm.

Nhờ sự có mặt của hai chú bộ đội cùng những buổi tối văn nghệ mà không khí tang tóc trong gia đình tôi vợi đi ông bà tôi khỏe hẳn còn mẹ tôi thì vẫn quần quật làm lụng suốt ngày nhưng không còn vẻ sầu não như những tháng đầu mới nghe tin dữ. Quãng mươi ngày, một chú quay về đơn vị và ngày hôm sau một chiếc cam- nhông to tướng xuất hiện ở đầu làng. Bây giờ tôi mới biết hai chú ở nhà mình là bộ đội tiếp phẩm. Các chú có nhiệm vụ tìm mua lợn trong vùng để cung cấp cho đơn vị đóng mãi tận bên Quảng Yên.

Từ đó cứ vài tháng hai chú lại về ở nhà tôi một lần, thời gian lưu lại cũng quãng như thế và công việc vẫn hệt như thế. Tất nhiên là tôi kính phục cả hai, ngưỡng mộ cả hai nhưng không hiểu sao tôi luôn bắt gặp mình nhớ nhiều đến chú Sồi. Rõ ràng so với chú Thanh, chú Sồi chẳng có gì nổi trội. Chú thấp đậm, da đen, chậm chạp mà lại rất ít nói. Chú Thanh thì dong dỏng thư sinh, da trắng mịn, khóe miệng lúc nào cũng tươi rói.

Trong các buổi tập văn nghệ ở sân nhà tôi, chủ yếu là do chú Thanh hướng dẫn. Chú múa khéo, giọng hát cũng rất hay. Khi nhảy múa đã mệt, các anh các chị lớn tuổi lại nèo:

- Anh Thanh dạy chúng em hát quan họ đi!

Thế là chú Thanh ngồi xuống bậc thềm, mọi người quây chung quanh và bỗng như tràn ngợp một trung du mênh mang xanh rờn khi tiếng hát cất lên:

- "Trèo lên đỉnh núi Thiên Thai, này Thiên Thai... Thấy đôi con chim loan phượng, chường là anh chường ơi mà này em thấy thấy rộn ràng..."

Giọng chú du dương và óng mượt đến nỗi mấy chị lớn tuổi cứ vòi chú phải dạy, phải hát mãi.

Trong khi đó, bên chiếc đèn chai trong nhà, chú Sồi cặm cụi giúp ông tôi việc đan lát. Thời ấy ở nông thôn, bao nhiêu vật dụng phải làm ra từ tre chứ đâu đã có đồ nhựa như bây giờ. Từ khi xa việc đồng áng, thú vui của ông tôi, cũng là một phần thu nhập của gia đình, là làm hàng nan. Ông tôi khéo tay lại kỹ tính nên thứ nào ông làm ra cũng vừa lòng khách, bà tôi chả mấy khi phải đem ra chợ. Vậy mà ông vẫn phải phục tài chú Sồi.

Đẵn cây tre từ ngoài bờ vào, để nằm dài giữa sân, chú ngắm nghía, lật qua lật lại rồi góp ý với ông tôi nên chẻ theo chiều nào thì lợi nhất, dôi được nan lại tránh được đầu mặt. Rồi đoạn nào dùng đan rổ sảo, đoạn nào nên dùng đan giần, đan sàng. Điều gì chú góp ông tôi cũng ưng. Và thật kỳ lạ, một bàn tay chú bị thương chỉ còn ba ngón, vậy mà chú pha nan, chú chuốt nan chẳng có lẹm chiếc nào, cứ đều tăm tắp!

Vào những buổi tối êm đềm như thế bác Tự cũng thường lui tới. Bác không tham gia vào việc đan lát, chỉ hỏi ông tôi những việc về thời vụ, giống má với chuyện đào mương, đắp đường- Toàn những chuyện liên quan đến đời sống của làng xóm. Thỉnh thoảng bác có dừng xem lũ trẻ hát múa một lát, chêm vào ba câu nói vui rồi lại tất bật lao đi. Và bao giờ cũng vậy, trước khi khuất hẳn vào rặng tre tối om ngoài đầu ngõ, bác cũng ngoái lại chào mẹ tôi bằng một giọng quan tâm đặc biệt:

- Mợ Yên làm, anh về nhá!

Mãi sau này, khi trưởng thành tôi mới hiểu hết ý tứ ẩn náu trong một lời chào ngắn ngủi như vậy. Bởi lúc ấy, lúc trong nhà, ngoài sân diễn ra những sinh hoạt tập thể vui vẻ thì tít đầu sân, bên bờ chiếc giếng rêu phong, mẹ tôi vẫn lủi thủi một mình với những công việc nhà nông bất tận.

Một chiều không nhớ chú Thanh mắc việc gì, chú Sồi rủ tôi ra tắm ngoài mương. Cọ lưng cho tôi xong, bỗng chú hỏi:

- Thằng Hà có muốn làm bộ đội như các chú không vớ?

Bị bất ngờ, tôi ấp úng:

- Cháu... cháu... nhưng hễ lớn là cháu cũng đi bộ đội.

Chẳng cần phải đợi đến lúc lớn đâu vớ! Ngày mai khắc cháu là bộ đội.

Giọng chú lạ tai nhưng chắc như đinh đóng cột, còn tôi, một thằng học trò lớp vỡ lòng thì chẳng mảy may dám tin có chuyện thần kỳ như vậy. Cơm xong, chú rút một đoạn tre đẹp nhất từ trong gầm giường, đôi mắt cười cười nhìn ông tôi:

- Bố cho con xin...

Không chờ chú nói hết câu, ông tôi gật tức thì:

- Chú cần làm gì, cứ lấy, tre nhà mình đầy bờ, thiếu gì.

Thế là tối ấy, trong khi ngoài sân vẫn hào hứng các tiết mục văn nghệ do chú Thanh đầu trò thì trong nhà, chú Sồi đem đoạn tre ra đánh đầu mặt, chẻ thành những sợi nan nhỏ, dài thượt. Tôi không đủ kiên nhẫn thức xem tài nghệ chuốt những chiếc nan lạ mắt của chú Sồi bởi giấc ngủ đã đến, kéo tôi bồng bềnh theo giọng hát của chú Thanh về những miền thần tiên, xa lắc: "Inh lả ơi, xoong noọng ời, khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời, mùa xuân tới ngàn hoa hé cười...". Trong giấc ngủ tôi mơ màng như có lúc bàn tay ai rờ quanh mái tóc tôi, ông tôi khẽ nâng đầu tôi. Trưa hôm sau, vừa đi học về đến đầu sân. Ông tôi đã từ trong nhà gióng ra:

- Thằng Hà nhanh vào đây ông bảo!

Tôi băng vào đến cửa, ông liền giơ ra một chiếc mũ nan mới toanh, có vải bọc lại có cả lưới nghiêm chỉnh.

- Mày đội thử xem nào. Chà chú Sồi mới khéo chứ, vừa như in. Cả nhà nhìn thằng bé này đúng là một chú bộ đội tí hon nhá ? - Và, ông bật lên chuỗi cười sảng khoái khiến mọi người, cả bà tôi, mẹ tôi lẫn chú Thanh, chú Sồi cũng cười theo. Chao ôi, đã bao lâu rồi những người thân trong gia đình tôi mới có dịp hòa đồng tiếng cười, vui đến thế? Chẳng thể ngờ, chỉ vài ngày sau, tôi không bao giờ còn được gặp chú Sồi nữa. Chở lợn về đơn vị, quay lại nhà tôi lần ấy chỉ có chú Thanh. Chú chìa ra phong thư, thưa với ông bà tôi:

- Đồng chí Sồi được cấp trên cho phục viên, lẽ ra đồng chí ấy sang chia tay với gia đình nhưng lại có điện mẹ ốm nặng nên phải về ngay. Đồng chí ấy có gửi con mang bức thư. Ông tôi ngồi yên lặng, bà tôi chơm chớp mắt còn mẹ tôi đang ngồi băm rau lợn ngoài hiên cũng ngừng tay. Tôi đứng tựa vào lòng chú Thanh, bất giác nhìn lên chiếc mũ nan treo trên cột nhà, buồn quá lá thư ấy ông tôi nhờ chú Thanh đọc, trong đó chú Sồi kể đến cả gia cảnh lẫn quê quán của mình. Lúc bấy giờ tôi mới biết chú Sồi là người Tày, ở tít gần biên giới.

Mẹ thằng Hà cất bức thư này cho thày, rồi viết ngay cho chú ấy hỏi thăm bà mẹ ốm đau thế nào - Ông tôi tin cẩn giao nhiệm vụ cho mẹ tôi và chẳng biết bà có kịp một lần làm theo lời ông không, bởi chẳng bao lâu sau đó, tai họa đã dồn dập giáng xuống đầu bà.

Cho đến bây giờ, khi tóc đã pha sương mỗi lần nghĩ về chuyện cũ tôi lại chỉ càng thêm tê tái. Mười tám tuổi lấy chồng, mười tám tuổi xa chồng, để rồi ở góa luôn ở tuổi mười tám - Trên đời này mấy ai khổ như mẹ tôi? Vậy mà mẹ vẫn chẳng yên thân để nuôi con, đau đớn hơn nữa, lại mất luôn cả con.

Bắt đầu từ một buổi chiều vắng, tôi chợt thức giữa câu chuyện người lớn.

- Con thấy mợ Yên nhà mình dạo này khang khác.

- Mẹ mày bảo khác là khác thế nào? Suốt ngày đầu tắt mặt tối, bảo đừng có tham mà nó cứ... - Con không nói chuyện làm ăn, con nói là con nói. Nghĩ thương cái thằng Hà mới tí tuổi mà mợ ấy thì hơ hớ ra thế.

- Thì lúc vắng vẻ tao vẫn bảo xem có ai người ta thương đến thì tính mà đi bước nữa, chứ mới hăm mấy tuổi đầu, ở vậy khổ lắm. Nhưng mẹ nó cứ khóc, bảo hay là thày u ghét nó, muốn đuổi nó đi.

- Thì cũng cứ gay dỗi thế, chứ con thì thấy đúng là có sự chẳng lành rồi. Này, con bảo...

Tim đập rộn, tôi tỉnh ngủ hẳn, hé mắt dõi ra cửa: Cô hai tôi, vợ bác Tự, ghé sát miệng vào tai bà.

- Lại đến nông nỗi thế rồi cơ như?- Bà khẽ than lên một tiếng khiến tôi lạnh cả người.

Tôi vùng dậy, phóng một mạch ra đồng, chỗ mẹ tôi cùng với con bò già đang đánh vật với những sá cày vặn rạ. Tám tuổi đầu, chưa biết chuyện gì nhưng cảm giác xấu hổ cứ làm tôi tối tăm mặt mũi.

- Mẹ? - Tôi hét to khiến mẹ giật mình, ghìm vội con bò, lội lên bờ.

- Việc gì thế con?

Ôi, giá giọng mẹ tôi đừng dịu dàng đến thế và giá bàn tay héo ướt của mẹ đừng có vội chạm vào vai tôi!

Tôi tu tu đứng khóc ngay giữa đồng, mẹ hỏi thế nào cũng không nói, dỗ thế nào cũng không được, để cuối cùng mẹ bỏ dở buổi cày, ôm lấy tôi- hai mẹ con cùng ngồi khóc bên bờ ruộng.

Chuyện "khôn ba năm dại một giờ" của mẹ tôi chẳng mấy chốc cả xóm làng đều biết. Và cũng giống như các vụ chửa hoang khác, câu hỏi cuối cùng vẫn là: vậy thì với ai? Với thằng nào nhỉ?

- Thì còn ai vào đây nữa. Quân với dân như cá với nước mà - Người ta châm chọc.

- Nhưng một ao mà lại hai cá, con cá nào mới được chứ - Người ta truy kiếm. Ông bà tôi đau đớn quá, chẳng thiết hỏi, nhưng các cô tôi, nhất là cô hai, vợ bác Tự thì cứ lồng lộn như thể bị người ta bôi gio trát trấu vào mặt, quyết phải tìm ra thủ phạm. Và sau khi đã làm đủ phép loại trừ một kết luận được đưa ra với những bằng chứng chắc nịch: đi tát nước đêm cũng đi với nhau, buổi tối giã gạo cũng giã với nhau, rồi lại mua chuộc, sắm dép, đan mũ cho thằng bé nữa chứ. Thế là đã rõ: Chú Sồi - Chú Sồi ngấm ngầm mà đấm chết voi, mà xấu xa đến như vậy? Như vậy rồi bỏ chạy, chuồn hút tận rừng xanh núi đỏ!

Những ngày ấy mẹ tôi chỉ biết âm thầm khóc nhưng dường như nước mắt của bà, vẻ mặt rầu rĩ của bà lại chỉ càng khiến người ta khinh bỉ.

- Tôi đã nói bao nhiêu lần với chị rồi con tôi chẳng may thiệt phận, chị không chịu được thì cứ nói với tôi một câu, chúng tôi chẳng giữ chân mà lại còn vun vào cho. Bây giờ như thế này, thật ô uế cho gia đình chúng tôi quá...

- U ơi, con lạy thày u, thày u thương con đừng đuổi con. Thân con bây giờ còn biết cậy nhờ ai? Con trót dại một lần, thày u không thương con thì con cắn lưỡi con chết.

Đang ngồi lầm lũi vót nan, nghe những lời van xin vậy ông tôi nổi khùng, chém bập con dao xuống nền nhà.

- Thôi! Mẹ con bà hành hạ nó làm gì? Nó đẻ ra thì nuôi, thằng nào vác mặt về đây nhận con thì ông chém!

Vậy mà khốn nạn thay, đứa trẻ mà mẹ tôi nuốt nước mắt sinh ra lại chính là con bác Tự, người duy nhất hỏi han đến mẹ trong những tối mẹ như thể bị bỏ quên bên bờ giếng. Bác không có con trai, mà thằng bé lại quá yếu nên bác không cầm lòng được, phải lộ diện. Vậy là hết? Vậy là sự loạn luân đã đánh đổ ông tôi, con người gan góc và lễ giáo nức tiếng một vùng.

"Quân chó má!"- ông rít lên những tiếng rợn người rồi ngã vật xuống giường không nói thêm một lời nào nữa. Nhưng em tôi là đứa dường như sinh ra chỉ để gieo tai họa, xong việc là nó đi . Một tháng sau em tôi qua đời và cho đến giờ cũng chẳng biết mẹ tôi vùi giấu nó ở đâu. Bởi ngay đêm đó, đêm cuối năm mưa phùn gió bấc, mẹ cũng mất hút khỏi làng.

Bây giờ xin trở lại với chuyến đi miền ngược gần đây của tôi. Đó là chuyến đi giao lưu văn hóa giữa một tỉnh miền biển với một tỉnh miền núi, miền cao nguyên đá như người ta vẫn gọi.

Trong buổi biểu diễn văn nghệ đúng như mục đích đã đặt ra, hai bên giới thiệu những "đặc sản" của mình. Men rượu ngô và vị măng chát vùng cao làm cho tiếng khèn, tiếng đàn tính cùng những câu hò biển, những làn điệu dân ca của nhiều dân tộc cứ quấn quít lấy nhau cho tới tận khuya.

Rồi một lúc, giữa nghiêng ngả cuộc vui, tôi chợt nhận thấy cô gái người Tày là Kim Ngọc đang ngồi chếch phía bên kia bàn như đã gặp ở đâu. Cô không đẹp lộng lẫy nhưng cô cứ làm tôi phải bối rối mỗi khi cô đảo mắt về phía tôi. Chao, đôi mắt như có ma lực, đôi mắt thức trong tôi một cái gì đó thật là hệ trọng mà tôi không sao cắt nghĩa được. Chỉ đến khi cô hát, cô không hát bài dân tộc mà lại hát hẳn một bài theo làn điệu hát đúm quê tôi. Thốt nhiên tôi gai cả người, tim đau nhói và cánh cửa bí mật đã bật tung sau những lời hát mộc mạc đồng bãi: Chính là mẹ tôi kia, mẹ mất hút dưới miền biển từ ấy để rồi đêm nay bỗng hồi sinh, chồi lên giữa cao nguyên đá với tuổi thanh xuân, với bộ y phục dân tộc, mẹ đang nhớ về một thời đau khổ, một miền đau khổ.

Ngay đêm ấy, bất chấp cơn say, tôi theo Ngọc về nhà. Trên bàn thờ, bên cạnh bức ảnh chú Sồi mặc quân phục đội mũ nan là ảnh mẹ tôi đội khăn mỏ quạ đang đăm đắm nhìn tôi.

- Bố mất cách đây mười năm, mẹ thì mới mất ba năm. Chuyện của bố mẹ dài lắm, em nghe bao nhiêu lần, lần nào cũng khóc. Khi mẹ chẳng còn chỗ nào bấu víu nữa, mẹ lao lên rừng kiếm bố theo địa chỉ ghi trong lá thư ngày bố chia tay...

Và Ngọc lục trong ngăn tủ, đưa tôi xem bức thư - Bức thư mà bốn mươi năm về trước khi tin cẩn cho con dâu giữ gìn, ông nội tôi đâu có ngờ Người đã trao lá bùa hộ mệnh cho mẹ   tôi để tôi lại có em Kim Ngọc xinh đẹp  giữa vùng cao nguyên đá chốn biên cương hôm nay.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com