hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1292.htm

Phan Đình Minh

Ra phố

Phong trào ra phố làm ăn, lan đến căn nhà lụp xụp của Phúc. Mấy thằng đồng hao tán ra tán vào, bọn chúng còn cao hứng: "Cứ đi làm, nếu không đem được tiền về thì cũng khôn người ra, biết đây biết đó, đi rồi mới có chuyện để sau kể với... con". Nghe cũng có lý, hay thử một lần xem sao.

Phúc quyết chí đi lần này phần còn vì có thằng Dũng, thằng Tho đi cùng. Thằng Dũng nói có ông Khoát là cậu họ xa làm cửa sắt rất cần công nhân, Phúc khéo tay, có bệnh nó sẽ xin ông Khoát cho làm việc nhẹ, kỹ thuật, cơm ba bữa lương tháng ba trăm. ừ ba trăm là hơn tạ thóc, cũng to chuyện đấy chứ. Có nhà có cửa việc "nghe" thấy tận tai, thôi cũng tin tưởng. Anh xúc nửa bồ thóc mang bán, cắn răng sắm thêm bộ quần áo mới, để đi làm. Người thành phố người ta trọng hình thức lắm, ban đầu đừng để người ta khinh, nghĩ vậy anh đành... liều, mà cũng để lấy tiền đi đường.

Gần trưa mới xuống xe bến cuối. Ba anh chàng nhà quê hăm hở hàng tiếng đồng hồ đi bộ, vừa đi vừa gặm bánh mì, cả bọn bàn nhau tránh bữa cơm, ăn uống phiền hà mà mình cũng phải giữ kẽ đừng để người ta đánh giá. Ngược lên ngược xuống đến mấy lần cái phố ông Khoát ở mà vẫn chưa tìm được nhà, vì thằng Dũng cớn chẳng nhớ số, số 8, 28 hay 108 gì đó đại khái là có con 8 ở đuôi. Khi cả ba cái bóng tròn vo dưới ông mặt trời cả lũ mới đích thị trước nhà ông Khoát. Ôi thôi cửa đóng then cài, cái khóa to bự gỉ hoen, gia chủ đi vắng có khi cả tháng rồi. Hỏi bà hàng nước bên cạnh thì được biết ông Khoát vào nam chăm thằng con quý tử ở trại cai nghiện Thủ Đức, đang ốm nặng có cơ không qua khỏi, cái nhà xưởng ông giao cho cô con gái khóa cửa trông nom. Cô con gái bỏ chồng buôn bán ở Lạng Sơn, năm thì mười họa mới vãng qua.

- Giờ tính sao hả Dũng?

- Thì ba tháng trước, về Giới Biến ăn giỗ, cậu ấy nói cần người, hàng đang chạy, tôi cũng chỉ biết vậy.

- Thế là mày hại tao rồi.

Phúc rên lên, mất toi nửa bồ thóc. Thằng Tiến, cái Chứng lại đói thêm gần tháng. Ba thằng nhếch nhác, tìm gốc cây mát ngồi bệt xuống để dằn cơn... ngán ngẩm. Mãi xế chiều mới có chuyến xe về chợ Ròn. Thằng Dũng ngồi im thin thít, xem chừng biết lỗi, lúc nãy nó đã phải bỏ hơn nghìn mua ba cái bánh mì, ba điếu thuốc Thăng Long cho ba đứa, thế mà thằng Tho vẫn gầm ghè, cứ như muốn ăn tươi nuốt sống ông bạn thợ cày của mình.

Xịch... cả bọn giật mình.

- Tôi cần anh.

Ba khuôn mặt đần ra, sáu con mắt ngơ ngác, chẳng đứa nào tin vào tai mình nữa... Người đàn bà trạc bốn mươi, căng mọng, đi chiếc xe Dream mới cứng đứng sựng ngay trước mặt. Ba thằng ngơ ngác.

- Việc nhẹ nhàng, nhưng phải là tháo vát, có lẽ ngồi chơi xơi nước mất mươi hôm, yên tâm đi tiền công tính gộp luôn, chẳng cần phải lăn tăn.

Thấy ba người mặt vẫn thộn ra. Chị ta bực mình xẵng giọng với Phúc:

- Tôi nói cậu có bằng lòng không hả?

- Chị này rõ buồn cười, ai đi làm thuê mà chị mướn!

Phúc đang buồn như trấu cắn, bực mình cáu kỉnh.

Đến lượt người phụ nữ ngẩn tò te, mặt đang phừng phừng khí thế, như kẻ cả bỗng dưng sựng lại, thộn ra.

- Xin lỗi, gớm... tưởng đi làm. Mà sao cậu cáu với tôi. Ra cổng gặp gái, toàn lũ dở hơi.

- Chị kia, chị bảo ai dở hơi đấy, chị đừng tưởng giầu có mà khinh người như mẻ nhớ.

Chị phụ nữ tức điên, nguẩy một cái, ngồi lên xe, "đề" xẹt xẹt...

- Khoan đã bà chị.

Thằng Dũng túm cái yên làm chiếc xe chồm lên rồi khựng lại.

- Bà chị bớt giận, ông anh tôi đang bực mình, thế chị cần làm gì, tôi hay thằng Tho đây xử lý.

- Không tôi cần cậu kia cơ, việc nhẹ nhàng, tháng năm trăm, cơm nuôi. Nếu đồng ý theo địa chỉ ở "các" này.

Đưa tấm thẻ cứng nhỏ cho Dũng cớn, chị phụ nữ phóng xe đi thẳng. Chị ta "uy tín" mỗi mình anh chàng cỏ lửa.

Ba thằng chụm đầu bàn bạc, tháng những năm trăm, lại việc nhẹ nhàng, thật là nằm mơ, cứ thử xem sao. Thằng Dũng, thằng Tho khích lệ!

- Vớ bẫm rồi, thôi cố gắng, kiếm được đừng quên hai thằng em bé, ông anh nói với bà ngực bự nhận thêm bọn tôi, cứ điện hay nhắn về tôi với thằng Tho sẽ lên ngay.

Nói rồi chúng ra xe về quê cho kịp. Tần ngần một lúc Phúc đánh liều lên chiếc xích lô, bấm bụng mất tám nghìn để ông lão đạp xích lô đưa đến cái nơi ghi trên tấm "các". Hình ảnh nửa bồ thóc vợi đi ở nhà cứ ám ảnh anh suốt dọc đường.

Ngôi nhà bốn tầng, có đường ngách phải đi vào khoảng sân đằng sau, trước nhà là cái sân rộng chừng hai chục mét vuông, sát mé tường bên trái là cái hồ cá nhỏ, giữa có hòn non bộ. Cả khoảng sân trước che rợp bởi một cây vối già, thân to hơn cái cột nhà. Không hiểu sao ở đây lại có cây vối già này, thứ cây mà chỉ làng quê mới có, chắc chắn nó có trước khi xây cái nhà này. Bên ngoài là hàng rào song sắt, nhọn hoắt cong, chĩa ra ngoài, ốp tôn lá. Chiếc cổng nặng trịch kín bưng. Khoét một lỗ tròn to bằng cái bát, chắc để luồn tay qua khóa cửa, cái cổng đóng lại thì coi như một trăm phần trăm nội bất xuất ngoại bất nhập.

Phúc đến nơi thì chủ nhân ngôi nhà cũng đang định đi đâu. Nhìn thấy Phúc, chị ta nở nụ cười độ lượng:

- Chịu rồi à, cậu ở nhà chờ tôi, cấm không được cho người lạ vào... Này, ông già, bao nhiêu?

- Thưa cô tám nghìn?

- Chị để tôi trả, nói xong Phúc toan giở tung bọc quần áo; có mấy chục nghìn anh cất kỹ chẳng biết nó ở chỗ nào.

- Khỏi, năm nghìn thôi, ăn dày thế bố già. Chị Gió (tên người phụ nữ) mỉm cười gật đầu với Phúc, khóa cổng rồi luồn tay vào vứt chùm chìa khóa có đến hai mươi cái nghe đến xoảng trước mặt làm anh giật cả mình.

Cái chị này đến buồn cười, sao lại bỏ mình ở đây, mà chị ta giao cả chìa khóa cho nữa. Thật lạ lùng, người thành phố cẩn thận lắm cơ mà.

Ôm bọc quần áo Phúc rón rén vào nhà, phòng khách mát lạnh do chạy điều hòa nhiệt độ, nền nhà lát gạch men mầu da đá, loại gạch đắt tiền, ánh lên như có nước. Phúc ngồi xuống một trong bốn chiếc ghế gụ khảm trai, đường bệ kê chính giữa, chùm đèn gồm mấy chục chiếc bóng quả nhót treo giữa trần hắt ánh sáng đo đỏ làm thứ gì trong phòng cũng như mới. Giữa nhà chằng ngang chiếc cầu nối dài năm sáu mét, cắm từ ổ điện bên hông tường đến góc tủ con, ở đó tua tủa phích dàn tăng âm, chiếc vô tuyến Sony 26 inch, cả cái ổn áp Lioa to, vật chủ nhân của nó ý chỉ sử dụng mấy cái tiện nghi này. Nhìn kỹ Phúc bật cười, cái ổn áp phích điện cắm ngược cắm xuôi cuối cùng chỉ phục vụ có... mình nó, vì mấy thứ đồ dùng... dùng thẳng vào điện lưới, nhìn dây dợ lòng thòng đoán ngay nhà đã lâu thiếu bóng đàn ông.

Cứ ngồi vậy Phúc như kẻ đi lạc, chuyện thật mà như không.

Rình - ai đá mạnh vào cánh cổng, Phúc đang thả hồn bỗng giật mình.

- Lão Hạc ơi, mở cổng!

Anh vội vàng hý hoáy tra mấy cái chìa vào ổ khóa to đùng mà mãi không đúng cái nào.

- Sao lâu thế, cái chìa mười một khứa đó.

Thì ra, để nhớ, chị Gió khứa vào từng cái đánh dấu.

Khi đã yên vị trong nhà, Phúc chòng chọc nhìn người đàn bà rồi rành rọt:

- Trước tiên tôi nói với chị tên tôi là Phúc, không phải Lão Hạc. Bây giờ chị cho tôi biết phận sự phải làm gì để đáng năm trăm nghìn tiền công chị trả, với lại tôi cũng nói trước, tôi chỉ làm bốn tháng, ở nhà tôi có vợ và hai đứa con, thằng Tiền, cái Chứng. Tôi không làm được việc nặng, bởi mắc bệnh động kinh. Mất lòng trước còn hơn được lòng sau, nếu chị thuận thì tôi ở lại không có để tôi về cho kịp chuyến xe.

Chị Gió im lặng ngắm nhìn người đàn ông trước mặt diễn thuyết hết câu, bất giác chị mỉm cười, thật không sai với những gì chị nghĩ, mà sao anh chàng này lại mắc chứng động kinh, chắc cậu ta nói để dọa mình đây.

- Công việc cũng chẳng có gì, sắp tới tôi mở đại lý trung chuyển các mặt hàng từ nam ra bát xê cho con buôn đi Trung Quốc. Tôi muốn có người đàn ông trong nhà, điềm đạm, giúp tôi việc bán buôn, những gì nặng nhọc đã có cửu vạn, cậu không phải tính, cứ ở đây, phòng kia (chị Gió giơ tay chỉ căn phòng nhỏ khoảng mười mét vuông rìa phòng ăn, kề khu bếp) tôi ở tầng hai, cậu cố gắng giúp, sau tôi chả phụ. Trông mặt đoán cậu là người tử tế, không việc gì phải e dè, chắc cậu ngoài ba mươi, tôi bốn mươi, tôi coi như em đừng ngại.

Thế là mấy ngày liền, Phúc cứ lẵng nhẵng ngồi sau xe của chị Gió, chị đưa Phúc đi giới thiệu với bạn hàng, chủ xe cho biết mặt. Lúc đầu Phúc ậm ừ qua chuyện nhưng sau thấy tầm quan trọng việc bán buôn, nên anh mua một cuốn vở học sinh ghi ghi chép chép, từ tên người, đến số xe từng tuyến. Anh cũng chẳng biết đích xác rồi đây chị Gió buôn bán thứ gì. Mấy bác tài thấy chị Gió đèo cậu em tre trẻ thì trêu đùa gọi là bồ nhí rồi cười hô hố làm cho Phúc tức điên cả tiết.

Mấy hôm hàng chưa tới, Phúc chỉ biết nằm dài còn chị Gió thì đi từ sáng, tối sẫm mới về. Trưa, chiều cứ đúng bữa có một anh thanh niên trông thật bảnh, tóc xịt gôm, móng tay để dài, đi giày Mô ca đến bấm chuông đưa vào một hộp, có đủ cả canh, thức ăn mặn, hoa quả tráng miệng hẳn hoi, sau anh mới biết đấy là cơm hộp, chị Gió đặt trước để họ đem đến nhà cho Phúc.

Rồi một hôm đang ngủ ngon giấc, chị Gió đập cửa thình thình.

- Dậy đi Lão Hạc!

Hai chiếc ô-tô tải lớn, thùng chở đầy xoài sắp chín, đóng sọt tử tế, cửu vạn đến gần mười người. Chị Gió mồm nói xoe xóe, tay chân liên hồi, Phúc đứng ghi mẫu mã, tính tiền. Xoài xếp chật cả cái sân đằng trước, xếp cả lên hè, có đến mấy trăm sọt, thật lớn tiền.

- Bác về nói với ông Đồng, chuyến đầu tiên như thế này mã coi như được, nhưng đóng hơi đầy, đừng tham quá, làm với Gió này đừng sợ chắc lép, chuyến sau mỗi xe giảm đi mươi sọt cho đảm bảo. Tiền uống nước của các bác đây.

- Dạ... chị hai, cảm ơn!

Uống nước gì mà đưa những mấy trăm nghìn - Phúc nghĩ.

Hai chiếc xe rồ máy, chạy ra đường lớn.

- Cậu vào nghỉ tý đi, cứ khóa cổng vào ba tiếng nữa bọn Lạng Sơn xuống nhập hàng, chắc nó về gần tới Bắc Giang, đổ hàng xong chúng sẽ đến ta.

Đúng ba tiếng đồng hồ sau, lại hai chiếc xe giống y hệt những chiếc đổ hàng, bốc mấy trăm sọt xoài lên, mọi thứ gọn ghẽ thì vừa năm giờ sáng. Chị Gió phóng xe máy đi nhận tiền, gần bẩy giờ mới về, đến nhà chị đổ một túi du lịch tiền ra giữa nền rồi hò Phúc đếm. Từ bé đến giờ Phúc mới được đếm tiền mỏi rã cả tay.

Xong đâu đấy, chị Gió, vơ tất cả đút vào trong tủ, mặt lạnh tanh chị buông câu: ba triệu. Phúc giật mình, anh hiểu mấy trăm sọt xoài chị Gió sang tay, lãi tròn ba triệu.

Cứ vậy mỗi tuần hai ba đêm Phúc thức trắng, ngày anh chẳng biết đi đâu, anh như bị nhốt, như con chim trong lồng, chỉ bận rộn về đêm. Những hôm rảnh rỗi, anh buồn ra cái sân nhìn qua lỗ cổng ngó ra đường, anh nhớ cái Chứng, thằng Tiền đến thắt thẻo ruột gan. Để có năm trăm nghìn, một tháng thật chẳng dễ chút nào. Một hôm thấy Phúc buồn thơ thẩn chị Gió tắt ti-vi xách chai rượu tây ra hè rót hai chén mời Phúc uống, anh đâu có uống được rượu, mà uống rượu vào cái bệnh động kinh của anh biết liền, nể tình anh cũng chạm cốc, rồi đặt xuống. Chị Gió làm một tợp hết luôn ly to bằng quả trứng gà, thứ rượu vàng sậm như mật ong, nhấp một tý là cháy cổ.

- Tôi hỏi khí không phải, sao chị lại ở một mình, mà cái nhà này to thế, chả lẽ chị chẳng có họ hàng thân thích với ai cả sao?

Chị Gió làm tiếp một ngụm nửa ly, mắt chị trâng trâng nhìn vào khoảng tối, nơi cái bóng đen sịt của cây vối già trùm xuống.

- Đời... mệt mỏi lắm Phúc ơi... Giọng người đàn bà nghe da diết như từ nơi xa thẳm vọng về...

Quy Nhơn là quê ông Hùng. Cái thành phố nắng gió và thơ mộng, nơi ông Hùng chia tay người vợ trẻ và cậu con trai ba tuổi để tập kết ra bắc vào cái năm khủng bố khốc liệt, đầy chết chóc của Ngô Đình Diệm, ngày đoàn tụ gia đình ông những tưởng chỉ một vài năm nhưng chiến tranh ác liệt cứ kéo nó dài ra mãi. Ông không còn trong quân ngũ, trên chuyển sang bên cầu đường, sau được đi học Liên Xô mấy năm. Cái việc đi học cấp trên cũng quyết định đột xuất khi ông đang ở nơi thực địa. Về nước ông làm việc tại cơ quan bộ, cũng giống một vài người tập kết, ông đã không vượt được cảnh sống cô đơn. Ông dan díu, phải lòng cô gái lâm trường mía đường sau lần thực địa cải tạo con đường số một trước lúc đi học nước ngoài vài ngày. Lụa biết ông đã có gia đình, cảnh con gái lỡ thì, cô chỉ cần một đứa con, với ai đó mà cô đem lòng cảm mến, chỉ cần cảm mến thôi cũng đủ. Cô sẽ tự lo cuộc sống của cô, của con cô. Cái thời bấy giờ nặng nề về chuyện ấy, thế mà ước mơ làm mẹ cháy bỏng giúp Lụa vượt qua mọi thứ, cô coi thường được cả giọng nói rờn rợn của ông Sần phó giám đốc, người mà hàng ngày, cứ nhìn thấy là cô như thừa thãi tay chân, hễ nghe ông cất tiếng quát tháo ai là Lụa nổi hết cả da gà. Rồi mất thưởng cuối năm, Lụa mặc nhiên trở thành lao động kém, bị điều từ nông trường bộ về Cứn Bỉ cách gần ba mươi cây số, nơi nông trường mở mang trồng thêm mía, cái nơi thiếu thốn vất vả đủ đường. Thế là cái đêm mưa gió ầm ào đó, cái đêm chỉ có trời và đất. Anh công nhân cầu đường bị sốt rét phải nằm lại lán nông trường. Ranh giới mọi điều bị xóa nhòa khi mọi thứ cứ muốn nổ tung, trỗi dậy, vươn lên... xảy ra. Rồi những tháng ngày ê chề khi có mang cái Gió, chị sinh nó ra mà trong giấy khai sinh chỉ có tên không họ, chị cương quyết giấu không nói ai là bố nó, chị sợ ảnh hưởng đến ông Hùng. Ông Hùng ở nước ngoài trở về, lên thăm lại nông trường mía đường xưa. Thật sững sờ, mình đã có đứa con ba tuổi, đứa con gái giống hệt ông như đúc. Chẳng biết lý do sao mẹ nó đặt tên là Gió, hỏi, ông mới biết, chị Lụa muốn con gái của mình sau được đi đây đi đó chứ không như mẹ nó suốt đời chôn chân ở cái nơi những đèo cùng dốc. Là gió để nó được tự do, nó dễ dàng tìm... bố nó. Cứ bí mật mỗi tháng một lần ông lặn lội lên thăm người vợ hờ và đứa con ngoài giá thú. Vài năm sau khi cái Gió vừa bảy tuổi thì mẹ nó qua đời vì mắc một chứng bệnh lúc bấy giờ không ai đoán được, chị cứ gầy rộc, da xanh tái, thỉnh thoảng ngất xỉu. Ông Hùng lên nông trường nhận liều chị là em họ, ông đưa cả hai mẹ con về Hà Nội chữa bệnh. Bốn tháng sau, mặc dù ông Hùng cố công, đủ cách nhưng chị Lụa vẫn không qua khỏi. Cái Gió ở hẳn với ông Hùng và rồi nó cũng biết ông Hùng là bố. Ông Hùng cậy cục thế nào lấy lại được giấy khai sinh cho cái Gió, có điều bây giờ tên của nó có họ Cao của ông Hùng đi kèm. Mọi người trong cơ quan ông lúc đầu ai cũng ngờ ngợ vì thấy ông chăm sóc Lụa chu đáo, cái Gió sao mà giống ông đến thế. Rồi mẹ đứa bé mất đi, đứa bé ở với ông. Phần vì ông Hùng là trưởng phòng, một phần thấy ông tội tội, cơm niêu nước lọ, ai cũng thương tình không nỡ bới chuyện riêng tư để mà làm gì. Dần dần cơ quan cũng quen và đương nhiên coi cái Gió là con chính thức của ông Hùng.

Giải phóng miền nam ông là một trong những người đầu tiên ở bắc về thăm lại quê nhà. Bà Ngà vợ ông giờ đã là nhà buôn lớn, còn thằng Sinh thật đau lòng đang nằm trong trại cải huấn vì là trung úy ngụy quân. Cũng may nó là trung úy bác sĩ ở quân y viện.

Bà Ngà khóc ròng mấy ngày khi nghe ông Hùng kể rõ sự tình những năm tháng xa nhà. Bà đau khổ, không phải vì sự hiện hữu của cái Gió, hay bây giờ hình trung vô cớ bà lại phải lo lắng cho đứa con riêng của chồng mà bà ngậm ngùi thương cho số phận mình suốt những năm son trẻ. Bà hận, trong khi bà thủ tiết chờ chồng, cố nuôi thằng Sinh ăn học, thì ở ngoài kia, ông Hùng sung sướng hạnh phúc với người đàn bà khác. Bà đâu biết những điều trắc trở trớ trêu đến với ông những tháng ngày dài dằng dặc.

Trở ra Hà Nội, ông Hùng nặng trịch ưu tư, việc có cái Gió, đưa cái Gió vào nam bà Ngà dứt khoát không đồng ý, bà tuyên bố chỉ thực sự thanh thản, thằng Sinh chỉ thực sự coi ông là cha khi ông ra đi thế nào thì trở về như thế.

Cơ quan ngạc nhiên không thấy ông Hùng đề xuất chuyển vào nam công tác. Ông Hùng buồn và gầy rộc đi, ông như kẻ giữa ngã ba đường, thuận tình với bà Ngà thì ông phải bỏ cái Gió khi nó đang bắt đầu là sinh viên năm thứ nhất trường thương nghiệp, một mình. Ông không thể làm được việc đó, với người đã khuất ông biết ông vẫn nặng tình... ông không thể để nó bơ vơ một mình, đành rằng ở trong kia ông vẫn có thể chu tất và lo toan mọi điều cho nó, kể cả sau này nó tốt nghiệp ra trường.

Thời gian cứ ỳ ạch trôi đi, ông Hùng như người bị ép giữa hai bức tường, rồi vài năm, cái Gió ra trường, nó lấy chồng ngay. Ông Hùng kín đáo nhượng lại căn hộ tập thể ba sáu mét vuông khép kín. Ra vùng ngoại ô mua căn nhà cấp bốn có hai trăm mét vuông đất, ông muốn để cho cái Gió một chút tài sản.

Từ lâu Gió hiểu mọi điều uẩn khúc của cha, nó chỉ biết chăm sóc cha nó chu đáo chứ chẳng thể làm gì. Những gì sai lầm do người lớn gây ra, người lớn phải gánh chịu đã quá đủ rồi. Nó lường đến việc phải ở lại ngoài bắc một mình, giờ khi đã có chồng, nó muốn ông Hùng được thanh thản không ân hận với bà Ngà và thằng anh cùng cha của nó. Một hôm nó trịnh trọng, ngậm ngùi nói với ông Hùng:

- Con biết ba khổ tâm nhiều, thôi giờ con đã lớn, đã có chồng. Ba nên về Quy Nhơn với má Cả con, và anh con nữa. Họ cần được bù đắp những gì mất mát... thỉnh thoảng vợ chồng con sẽ vào thăm ba.

Nói xong cái Gió khóc tức tưởi, nó khóc vì thương mái đầu bạc nhanh của ba nó và thương cho số phận của mẹ nó nơi chín suối. Thế là vào một ngày mùa đông giá rét, vợ chồng cái Gió tiễn ông Hùng ra ga, chia tay người cha già tội nghiệp trở lại quê nhà nơi hơn hai mươi năm trước ông ra đi tập kết.

Gió thật may, mảnh đất có căn nhà cấp bốn vợ chồng chị đang ở bỗng nhiên Nhà nước mở đường sắt cắt mặt. Chị bàn với chồng bán năm chục mét vuông, xây lên cái nhà bốn tầng này, có sân trước, sân sau. Còn thừa tiền thuê ki ốt bán buôn hàng vải trong chợ Đồng Xuân. Gió nghỉ việc cơ quan không hề đòi hỏi một tý "chế độ" nào. Vợ chồng chị Gió vẽ ra thôi thì đủ thứ viễn cảnh và say giấc mộng làm giầu từ đấy, nghiệt một nỗi cưới nhau đã lâu mà sao chị chẳng sinh nở gì cả, cũng không biết tại chồng hay tại chị, chữa mãi cũng chẳng được.

Rồi trời xui đất khiến thế nào, chị Gió khuyên chồng bỏ cái chức nhân viên mà chị gọi là "quèn" tại cửa hàng bách hóa, chạy một suất đi lao động ở Đức. Cuộc sống những tưởng mọi điều cứ xởi lởi, bình yên nhưng hơn một năm sau tai họa cháy chợ Đồng Xuân rồi tin đức ông chồng phụ bạc cưới cô vợ nước ngoài không về làm chị Gió suy sụp cả tháng trời ốm không dậy được. Nhưng chị vẫn phải gượng đứng lên. Chị lao vào buôn bán làm ăn để khuây khỏa, để quên đi mọi chuyện, chị làm gì cũng được, buôn gì cũng trúng, buôn chơi cũng trúng. Kiếm ra tiền ào ào và chẳng biết để làm gì.

Thì ra những người tưởng sướng như ông Khoát cậu thằng Dũng cớn, hay chị Gió đây lại không hề sung sướng tý nào... Xưa Phúc nghĩ, cứ hết đói nghèo, có tiền là khắc sướng, nhưng hóa ra không phải. - Sao chị không tìm lấy một người?

- Người tử tế hiền lành thì đần quá, người khôn ngoan thì tráo trở, tôi đã mệt lắm nghĩ đến... đàn ông, Lão Hạc à. Tôi trải qua một vài lần... từ khi chồng phụ bạc, nhưng thật là khó, mặc dù có lúc tôi cố, tôi cố mềm đi... nhưng mọi điều đều vô nghĩa, trống rỗng. Tôi không thể "cùng" được với những con mèo con, giỏi "nội trợ", tài xuýt xoa và biết mỗi chuyện... lên giường. Những người đáng mặt thì họ chỉ hứa hươu, hứa vượn. Khi bắt đầu đến với mình, họ nghĩ làm sao cho hồi kết thúc thật êm, vô hại... thậm chí có kẻ đểu giả còn tính sao có lợi.

Thoắt rùng mình, Phúc thấy người khô rang, chống chếnh như đang đứng dưới bóng đèn cao áp sáng lòa... nóng hầm hập.

- Thôi vào nhà đi chị.

Trời tang tảng sáng, ngoài đường từng tốp vài ba chiếc xe thồ, chở những sọt rau quả lặc lè vào thành phố, mấy tấm lưng gồng lên theo nhịp, xích xe ai đó khô dầu rên lên sành sạch. Lác đác vài ba cột đèn không còn ánh điện.

Phúc ân cần cầm cánh tay người đàn bà, dìu chị đứng dậy, anh thấy gần gũi và thông cảm.

Một đêm thức trắng. ở quê, ở cái làng Liên Trúc chắc không ai hiểu được mặt trái của cuộc sống phố phường. Bỗng chốc anh thấy cái làng nhỏ nghèo đói, có con đê cao bao bọc, chẳng mấy nhà xây, nhà ngói của anh sao nó bình yên đến thế.

Nhãng đi được hơn hai tháng, Phúc quen mặt bạn hàng, nhiều hôm anh tự mình xuất nhập không chị Gió bên cạnh. Độ này cứ theo cữ hàng đến, Phúc tỉnh giấc ngay, không để chị Gió phải giục như lúc ban đầu. Chị Gió giờ đâm lười ỷ lại. Có hôm chị chỉ đứng ngó qua lan can, nhìn xuống khoảng sân, có bóng cây vối già, nhìn Phúc thay mình điều hành công việc. Hàng nhập hàng xuất, cửu vạn chủ xe, mọi việc Phúc giải quyết đâu vào đấy. Chị bỗng tủm tỉm cười, cười cái dáng ông chủ lòng khòng của Phúc. Cậu ta thực thà, chân thật, chỉ vì mưu sinh, mà phải từ bỏ quê nhà, nơi mọi điều đều đơn sơ hồn hậu. Độ này nhiều mặt hàng quay trở lại. Nhận từ Trung Quốc về, vải vóc, táo, lê... có khi cả quần áo may sẵn, thôi thì thượng vàng hạ cám nếu chủ hàng ở hai đầu yêu cầu, chị bất biết, chỉ sang tay, miễn là có lãi. Không có Phúc chắc không kham nổi. Mà tại sao gầy như que sậy, anh dai sức thế, chỉ riêng phải thức gần như trắng đêm mỗi tuần ba lầ, người khác chắc đã quỵ rồi anh vẫn bình thường. Độ này anh còn lên cân nữa, chả là ăn uống đầy đủ và cái chính là... có tiền, chắc chắn năm nay nhà anh sẽ không còn thiếu ăn hai tháng, có khi còn sắm được cái giường, cái tủ là đằng khác.

Một hôm khi đang cân đếm, tính tiền... Phúc thấy trời đất tối sầm, thôi chết rồi... mấy tháng nay giờ nó lại lên. Phúc ngồi thụp xuống, nằm vật ra, chân tay co rúm lại, mắt trừng trừng. Mấy cậu khuân hàng kêu lên hoảng hốt, chị hô hoán mấy người xốc anh vào giường rồi kêu xe đưa anh đi bệnh viện. Thì ra Phúc nói không sai, anh đúng bị động kinh. Thật tội nghiệp. Bỗng chốc chị thấy người đàn ông bệnh hoạn mê man bất tỉnh đang gối đầu trên đùi chị trên chiếc xe cấp cứu gần gũi bao nhiêu, lòng chị buồn se lại. Chị hoảng sợ khi nghĩ anh không qua khỏi, bất giác chị ôm chặt mái đầu, ấp vào ngực mình rồi nức nở... chị cũng chẳng biết làm sao chị khóc, đã lâu, chị không còn khóc được nữa.

Phúc đã nằm viện một tuần, hôm tỉnh lại anh định về nhà nhưng chị Gió không đồng ý. Trước ở làng như thế là thường, hết cơn co giật sắp trâu lại đi cày, quan trọng gì đâu. Những ngày ở viện anh thấy thật là ái ngại. Chị Gió chăm như người thân, đồ ăn thức uống, rồi thuốc men. Mọi người cùng buồng phát ghen, có người tưởng anh với chị Gió là vợ chồng còn nói "bác có bà vợ chiều, lo chu đáo, sướng một đời", làm anh phát ngượng, thanh minh cũng chẳng để làm gì. Phúc thấy lạ có lúc chị nhìn mình khang khác, gọi tên anh chị không kêu "cậu" như trước nữa. Anh mờ mờ hiểu ra một điều gì đó!

Hôm đón Phúc ở viện về nhà, chị dọn dẹp nhà cửa thật khang trang, trong bình có cả hoa tươi cắm, anh về nhà như một ông chủ chứ không phải... kẻ đi làm công. Phúc cũng chẳng hiểu ra làm sao chỉ thấy ngài ngại, bần thần. Mấy ngày đi vắng, việc bán buôn chị Gió gác cả lại. Hỏi, chị chỉ cười rồi ẫm ờ: "Tiền quý thật nhưng đâu phải là tất cả".

Rồi cũng một đêm cái đêm trăng sáng vằng vặc như đêm nào Phúc cùng chị Gió ngồi ngoài thềm đến sáng. Chị Gió thổn thức, ngắt quãng nói với người đàn ông kém mình sáu tuổi:

- Chẳng có lẽ mình không hiểu hay cố tình lờ đi những gì tôi dành cho, nếu mình bằng lòng, mọi thứ là của mình, thằng Tiền, cái Chứng sẽ là con của tôi. Mình đối xử tốt với chị Hạt tôi cũng bằng lòng. Tôi cần mình, tôi biết người mà tôi cần tìm bấy lâu nay là mình.

Phúc nghe rành rọt, anh cũng chẳng ngỡ ngàng. Không nói câu gì, anh nhắm mắt, cảm giác quay cuồng mỗi lần động kinh lại đến, có điều giờ anh thấy nhiều hơn... rõ hơn là mùi da thịt, cái mát mẻ trơn tuột của bộ quần áo ngủ người đàn bà đang mặc, khuôn ngực như bình nguyên phập phồng  làm anh ngợp thở... mê đi. Người đàn bà giờ đây với anh đây thương mến. Tim anh đập thình thịch... cái rung động thường tình trong người đàn ông quá tuổi ba mươi, nếm trải mọi lẽ đắng cay ở đời mà chưa một lần sung sướng.

Họ như ngợp đi. Phúc chợt thấy mình như đang ở cuộc đời khác... Thật hạnh phúc mà sao hạnh phúc lại mỏng manh quá chừng?

Một ngày khi chị Gió đang háo hức đi siêu thị sắm cho anh mấy bộ quần áo, mua mấy thứ quà định gửi về cho thằng Tiền, cái Chứng. ở nhà Phúc khóa cổng, thả chùm chìa khóa qua cái lỗ, anh tong tả ra xe về chợ Ròn. Chuyện về cha Gió, mẹ Gió, bà Ngà, đứa anh khác mẹ bỗng hiện về rõ mồn một... Phúc thoắt rùng mình...

"... Khi Gió nhận được lá thư này thì tôi đã ở quê và ngày một ngày hai tôi sẽ không còn ở lại cái làng Liên Trúc nữa... Thứ lỗi cho tôi... tôi không thể... Chẳng biết những ngày sống ở đây có đem lại điều gì cho Gió...".

Bên ngoài cây vối già vẫn đứng im lìm phủ bóng xuống khoảng sân hẹp. Hòn non bộ nơi hồ cá, sao chơ vơ đến thế. Chị chưa thấy nó cô đơn như thế bao giờ.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com