Thương mến tặng hương hồn các liệt sĩ.
Hai tay nâng má vợ. Thanh ngắm kỹ khuôn mặt trái xoan rồi nói với giọng xót xa:
- Em! Dạo này em xanh quá! Chẳng lẽ... chẳng lẽ... em lại nghén ư?
- Hơn bốn mươi tuổi rồi mà còn nghén nữa có mà... hơn "tù chung thân" Hương mỉm cười nhìn chồng âu yếm.
- Thế thì sao? Hay em bị bệnh gì?
- Không. Em chẳng bị bệnh gì đâu.
- Em giấu anh. Đừng bao giờ giấu anh em nhé! - Nói rồi anh nhìn vào đôi mắt đen mở to của Hương. Đôi mắt long lanh đầy ắp nước.
- Em nói đi. Em có điều gì phiền muộn? Anh sẽ giúp được em, để em vơi đi nỗi buồn.
Hương cắn chặt môi, gục đầu vào vai chồng giụi nước mắt. Lấy lại bình tĩnh, Hương nói:
- Đến giờ đi làm rồi. Em sẽ nói với anh sau.
- Có thế chứ! Em lúc nào cũng là "cô bé ngoan" của anh kia mà.
Hương đến thư viện, nơi cô làm việc.
Cháu Loan, cùng làm với cô, đang ngồi cạnh chàng sinh viên với một đống báo chí và họa báo. Tuy chúng lật lật trang báo mà mắt thì đang nhìn nhau say đắm.
Hương nhẹ nhàng lùi vào phòng mình để chúng nó được tự nhiên.
Trời bỗng đổ ập một cơn mưa rào. Mặt đất nổi lên những bong bóng nước.
Nhìn những giọt nước mưa xối xả, nhìn những bong bóng nước nổi lên, nhìn những dòng chảy ào ào ngoài đường, dưới rãnh... Hương thấy thấp thoáng anh thiếu úy xa xưa chạy giạt vào hành lang phòng cô năm nào tránh mưa...
... Anh rút khăn tay lau mặt rồi giơ từng chân hứng những giọt nước mưa chảy mạnh để rửa chân. Anh đi đôi dép lốp quai rút... Hương nhớ như in.
Thấy có người ẩn mưa trước hiên nhà. Hương ngó nhìn ra. Anh lính lúng túng, nói nhỏ:
- Chị cho tôi đứng nhờ một lát... Mưa to quá, cơn mưa bất chợt... nên...
- Nên anh không mang áo mưa chứ gì? Không phải riêng anh, mà các bạn em hôm nay đi lao động sẽ bị ướt hết. Không ai có thể ngờ rằng, trời đang đẹp thế này mà lại có cơn mưa dữ dội như vậy? - Im lặng một lát, Hương sẽ sàng:
- Em mời anh vào phòng, uống nước cho ấm.
- Cảm ơn chị! Tôi được đứng đây là quá may mắn rồi.
- Chắc anh là người Hà Nội chính gốc?
- Sao chị biết?
- Bởi anh khách sáo quá mà!
- ôi! Thế thì tôi xin vào để khỏi là... Thế còn chị. Chắc chị cũng là người Hà Nội?
- Anh nhầm rồi. Nếu là người Hà Nội thì hôm nay em không mời anh vào nhà đâu.
- Thế thì sao? Chị làm tôi khó hiểu quá.
- Em mới về Hà Nội học hai năm. Em cảm thấy các cô gái Hà Nội kiêu sa. Nhưng sau đã hiểu rồi thì họ lại là những người chân tình, cởi mở, tế nhị.
- Chị có một nhận xét hay đấy! Mà chị học gì nhỉ? Đây là cơ quan nào, trường nào?
- Anh không biết thật à? Cũng có thể, bởi trường của em ở một xó xỉnh ngoại thành mà.
- Không phải thế đâu, mà tại tôi vùi đầu vào học và đá bóng. Tôi ít đi chơi, chỉ hay đọc sách, báo thôi. Tôi thấy chị nhiều báo văn nghệ quá. Có lẽ hôm nào... khi chị tin tôi, tôi sẽ mượn về đọc. Thời gian gần đây tôi bận quá.
- Chiến tranh liên miên mà.
Hương nói rất khẽ, thế mà anh thiếu úy trẻ nghe thấy. Anh mỉm cười để lộ chiếc răng nanh rất duyên nhìn Hương đằm thắm.
Thế là từ hôm có cơn mưa bất chợt ấy, hai người gặp nhau. Họ yêu nhau say đắm, tưởng như không có ai có thể tách ra được. Hai người làm thơ, viết những đoạn văn ngắn tặng nhau. Anh thiếu úy gọi Hương là "nhà thơ" còn Hương gọi anh là "nhà văn".
Mới đầu chỉ gọi nhau cho vui. Nhưng sau, Hùng ước ao thực sự, anh mơ ước sau này anh sẽ trở thành nhà văn. Bởi anh được đọc khá nhiều truyện ngắn, bút ký, truyện dài của một số nhà văn Xô viết, mà trước đó họ là những chàng thiếu úy, trung úy, những người lính cầm súng xông ra trận. Hùng chăm chú viết nhật ký và chịu khó ghi chép hằng ngày.
Bạn bè Hương thường khen ra mặt rằng Hương yêu được anh lính trẻ, đẹp trai lại có học. Anh lính vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa và mặc ngay áo lính.
Còn Hùng, bạn bè bảo anh là "gặp may", yêu được một cô gái ở trường múa Trung ương, nhỏ nhắn, xinh đẹp giàu có về tâm hồn, khác nào vớ được nàng tiên.
Thời gian này họ đến với nhau nhiều hơn. Nhưng lại nói với nhau ít hơn. Họ lặng lẽ đi bên nhau, thỉnh thoảng họ dừng lại nhìn nhau đắm đuối.
Một buổi tối đẹp trời, họ đi vào chùa Láng dạo chơi. Họ lặng lẽ đi bên nhau như ngày nào, nhưng lần này Hương thấy trong mắt anh một nỗi buồn. Hình như anh cố ghìm tiếng thở dài. Hương linh cảm nhận thấy điều ấy:
- Anh có điều gì buồn thế?
- Anh biết nói với em thế nào đây?
- Anh nói đi... Hương giục.
- Mà thôi...
- Anh đừng giấu em .
- Em còn ít tuổi quá. Mà chiến tranh thì rất khốc liệt.
- Em không đến nỗi ngu ngơ đâu.
- Anh sợ. Anh sợ em không chịu đựng được.
- Anh đừng lo.
- Anh rất tiếc là chúng mình đang sống trong thời chiến. Em biết đấy, Hà Nội đã hạ nhiều máy bay Mỹ.
- Thế thì sao?
- Anh phải đi xa. Ngày hẹn về, thật khó em ạ!
- Anh cứ đi. Có phải trên đời này chỉ có riêng chúng mình chờ đợi đâu? Ngay ở miền nam, các chị vẫn chờ đợi chồng, người yêu ra bắc tập kết từ năm 1954...
- Anh biết. Nhưng khổ nỗi, bố mẹ anh không cho anh chờ đợi.
- Bố mẹ anh... bắt anh... lấy vợ ư?
- Em mới 22 tuổi. Anh biết nội quy khắt khe của trường em, con gái 25 tuổi mới được phép kết hôn.
- Anh không thể nói rõ với bố mẹ anh sao?
- Bố mẹ anh rất khó tính, khó thuyết phục. Trong khi đó...
- Em biết rồi. Chắc bố mẹ anh đã chọn cho anh một cô gái người Hà Nội, chứ không phải là một cô gái Nùng ở tận núi rừng Việt Bắc heo hút, lại học cái nghề "múa may quay cuồng". Mà em biết, các bậc cha mẹ ở thành phố là chúa ghét bọn con gái như em . Nhưng với người Nùng chúng em, lời ca, tiếng hát, điệu múa như đã thấm vào máu thịt của từng người, từ lâu đời rồi anh ạ. Em không thể chọn nghề khác được nữa đâu.
- Không, anh không khuyên em điều đó, nghề múa có phải ai cũng học được đâu, phải có năng khiếu, có tâm hồn, có thân hình đẹp... mới trở thành diễn viên múa được.
- Sao anh không nói gì về cô gái mà bố mẹ anh chọn cho anh?
- Bố mẹ anh không chọn, mà cả anh cũng không chọn .
- Em không tin.
- Trong cuộc đời có nhiều điều không tin, nhưng nó lại là sự thật. Em biết không, có một cô bạn học của anh. Cô ta mạnh dạn đến gõ cửa nhà anh. Cô hiểu được nỗi khát khao của bố mẹ anh là đang ao ước một nàng dâu. Cô ta nói rằng: Còn hai tuần nữa là cô ta phải ra nước ngoài học 5 năm. Cô ta 27 tuổi. Bằng tuổi anh. Nếu học xong mới lấy chồng thì cô ta đã 32 tuổi: Con gái 32 tuổi còn trẻ gì nữa hả em? Cô ta học nghề dệt. Đã tốt nghiệp trường Đại học. Được nhà máy cử sang Thượng Hải học tiếp.
- Anh yêu cô ta?
- Không. Anh chỉ yêu em.
- Anh nói dối. Em không phải là đứa trẻ con lên ba?
- Em hiểu anh thế nào là tùy em. Anh muốn để em quyết định giúp.
- Đó là cả cuộc đời anh, em không có quyền.
Hai đứa gặp nhau trong cơn mưa rào bất chợt. Ngày hai đứa xa nhau. Bão tố cuồn cuộn trong lòng.
Hùng không dám báo tin ngày cưới cho Hương, bởi họ cùng sống dưới bầu trời thủ đô. Cuối thu, trời Hà Nội trong xanh, gió nhẹ nhàng. Mà lòng Hương tối tăm, nặng trĩu buồn đau.
Trước khi đi xa, anh đến chào Hương. Anh nói rằng ngày cưới của anh có hai họ và vài người bạn. Sau ngày cưới anh bị ốm.
Nhìn Hùng gầy rộc đi, lòng Hương se lại.
- Anh muốn giữ một kỷ vật của em, khi anh bước vào nơi khói lửa. Nó sẽ là nguồn an ủi, động viên anh trong suốt cuộc hành quân gian khổ, hy sinh.
Trong giây lát, cô bỗng quên đi rằng anh đã lấy vợ. Cô lột chiếc vỏ gối dệt thổ cẩm mà chính tay cô sáng tạo nên, trao cho anh.
- Em rất lo cho anh.
- Đừng lo, anh không chết được đâu em. Khi nào về, em khao anh chè và phở là được. Anh rất thích hai thứ đó. Mà nếu anh nhắm mắt, thì trước khi nhắm mắt hình ảnh của em sẽ hiện lên rõ nét trong anh.
Anh ôm chặt chiếc vỏ gối vào ngực. Đứng lặng nhìn Hương rồi quay gót lao vút ra cửa. Hùng đi rồi cô mới thấy lòng mình trống trải, cô đơn. Cô thì thầm nói với Hùng ở nơi xa tắp, sặc mùi thuốc bom, đạn nào đó...
"Anh. Em cứ tưởng là em biết nhiều lắm, nhưng em chỉ là một cô bé ngốc nghếch. Cơn bão lòng đang cuồn cuộn trong em. Anh lấy vợ, vì thương bố mẹ già? Vì thương cô bạn học luống tuổi? Nếu quả thật anh hy sinh như thế, thì trái tim em rỉ máu suốt đời! Nhưng nếu anh mang tình yêu của em ra cân, đong, đo đếm... anh phản bội em, thì ngàn lần: em cám ơn anh.. Em sẽ thấy lòng mình thanh thản biết nhường nào"?
Hai tuần sau, cô nhận được bức thư của Hùng từ đất Vĩnh Linh gửi về. Vừa xé phong bì rút thư ra, có một tờ giấy nhỏ bằng bốn ngón tay bay ra rơi xuống đất. Cô nhặt lên xem, đó là mẩu truyện ngắn Hùng viết tặng Hương. Phần đầu viết bằng bút mực, phần cuối viết bằng bút chì đen. Hương đọc đi đọc lại đến thuộc lòng mẩu chuyện ấy.
- Truyện ngắn này anh chỉ tặng riêng Hương, cô gái có mùi thơm dịu ngọt của anh.
Hương không cần đọc bức thư dài. Hương áp tờ giấy có viết truyện ngắn của Hùng vào nơi trái tim cô đang thổn thức. Nước mắt Hương chảy dài nhưng lòng Hương ấm lại.
Tối đến khi lên giường nằm, chồng Hương dỗ mãi:
- Em? Em nói đi, vì sao em buồn?
- Em cứ bị những giấc mơ ám ảnh! - Hương nói.
- Em lại mơ thấy anh thiếu úy của em ư?
- Vâng.
- Em mơ thấy gì?
- Những năm trước như em đã kể với anh. Anh ấy thường tìm gặp em và bảo: "Đơn vị anh sắp hành quân. Em ra tiễn anh, kẻo không kịp". Nhưng khi em vội vã đi, thì không thấy anh ấy đâu nữa.
- Thế còn những giấc mơ gần đây?
- Em thấy anh ấy về, gục đầu vào vai em, anh ấy khóc. Anh ấy trách rằng: "Mọi người quên anh, để anh bơ vơ giữa khu rừng thế này?".
- Sao đơn vị và vợ anh ấy không "đón" anh ấy về?
- Em không biết, đã mười tám năm rồi. Đơn vị thay đổi, người còn, người mất, người về hưu, người chuyển công tác khác.
- Còn vợ anh ấy?
- Vợ anh ấy ư? Khó lắm. Chị ta bây giờ giàu có, chồng chị ta là một đại tá chuyển ngành, giữ chức giám đốc một công ty thương mại.
- Đó là một thiệt thòi cho anh ấy.
- Sao anh lại nói thế. Lẽ ra chị ấy giàu có, chị ấy phải đưa hài cốt của anh ấy về, xây cất cẩn thận tại thủ đô mới đúng chứ?
- Ôi! Có phải ai cũng được như em? Họ giàu có, họ suốt ngày bận bịu với ông chủ nọ cùng bà chủ kia. Họ đếm tiền suốt ngày không hết. Họ còn đâu thì giờ nghĩ đến nắm xương tàn!!!
- Thật bất hạnh cho anh ấy. Cha mẹ anh ấy quá đau buồn nên đã lần lượt qua đời sau con trai một năm. Còn cô em gái duy nhất nó rất quý anh ấy. Hai anh em nó rất hợp nhau. Thế mà trốn ra nước ngoài không biết có còn sống không? Nếu cô ấy ở nhà chắc chắn sẽ đi với em, để "đón" anh ấy về. Anh Hùng hay đưa thư của em cho cô ấy đọc. Cô ấy rất thích và khen "Chị Hương viết thư hay quá". Anh Hùng thường khoe với em và tự hào có một cô em gái rất hợp tính anh.
- Có thể có một số người quên anh ấy. Nhưng anh tin ở trái tim bạn bè, đồng đội cũng như em không quên anh ấy. Anh biết, một người bạn thân của Hùng còn sống.
- Ôi! Anh tốt quá. Thế mà bạn bè em cứ lo cho em, sợ anh ghen, anh không cho em đi tìm hài cốt của anh ấy.
- Có mà điên thì mới ghen với người đã khuất, em ạ.
- Trời đã xui khiến em gặp anh. Anh có nhiều điểm giống anh Hùng quá!
- Thôi, khuya rồi, em ngủ đi, giữ gìn sức khỏe, để chuẩn bị cho một chuyến đi xa.
Hương ngơ ngác nhìn chồng:
- Anh cũng đi với em ư?
- Em ngạc nhiên lắm sao?
- Vâng.
- Lúc nào anh cũng muốn được san sẻ với em từ nguồn vui, nỗi buồn và những lo âu, nhọc nhằn vất vả. Vì thế anh mới về quê đón mẹ lên trông con, trông nhà cho chúng mình.
- Anh thật tuyệt vời!
- Em yên tâm. Anh Cường dẫn đường là người được chứng kiến từ lúc anh Hùng bị thương đến lúc mai táng cho anh ấy.
- Em biết anh Cường rồi, cùng tốt nghiệp một ngày với anh Hùng, cùng ở đơn vị tên lửa phòng không không quân với anh ấy.
- Thế thì tốt quá rồi!
Cả ba người lặng lẽ chuyển từ chiếc xe ô-tô này đến xe ô-tô khác, chuyển từ bến này đến bến xe khác. Trên xe, xóc long sòng sọc, tưởng như những khớp xương của họ long ra từng đoạn một.
Những đoạn đường trèo đèo, lội suối, xuyên rừng, rồi cũng dẫn ba người đến với một nắm đất. Nơi ấy có hương hồn một chiến sĩ trẻ ngã xuống trong cuộc chiến tranh giữ nước, giành thống nhất đất nước. Anh mất trước ngày giải phóng Sài Gòn một tháng.
Đến lớp đất sâu, cả ba người quỳ xuống, bới từng mảnh xương một. Họ làm nhẹ nhàng như sợ anh đau.
Anh Thanh, chồng Hương đếm từng chiếc xương một. Anh rửa bằng rượu mạnh. Anh để xương bên phải sang bên phải, bên trái đặt sang bên trái. Anh xếp lần lượt, cẩn thận.
- Cậu như một bác sĩ ấy, Thanh ạ.
- Bác sĩ dốt thì không thể bằng mình được đâu.
- Cậu không kiêu đấy chứ?
- Không. Hoàn toàn không.
- à đúng rồi cậu là "nhà sinh học" mà. Một giáo sư dạy môn sinh, mình xin lỗi nhé!
- Không sao. Một nhà giáo. Một diễn viên múa giải nghệ làm thư viện, nên rất nghèo.
- Những nhà tỷ phú bỏ hết cả tài sản của họ ra cũng không mua nổi "cái nghèo" của hai bạn đâu.
- Cậu an ủi mình ư? Cường ơi?
- Không. Mình nói hoàn toàn nghiêm túc.
- Cậu có biết chuyến đi này, chúng mình lấy tiền ở khoản nào không?
- Tiền dạy thêm của cậu, tiền may thêm của Hương.
- Cũng không đủ đâu. Mẹ mình vừa xuất chuồng đàn lợn con, cho tụi mình hết. Mẹ mình bảo: Đây là việc tình nghĩa, việc thiện. "Uống nước nhớ nguồn". Mẹ góp với các con.
- Anh Cường ơi?
- Sao thế, chị Hương?
- Liệu có đúng... nhỡ nhầm...
- Tôi đã vẽ sơ đồ rất tỷ mỷ. Tảng đá to vẫn còn đây. Tôi ghi rõ "tọa độ" anh ấy nằm.
- Em không cần biết sơ đồ, tọa độ gì hết. Nhưng lấy gì để chứng minh?
- Anh ấy bị một viên bom bi vào sau gáy. Chỉ một vết thương này không có bác sĩ nào cấp cứu được.
Thế là cả ba người xúm vào xem kỹ hộp sọ. Quả thật, hộp sọ phía sau có lỗ thủng.
Nhưng Hương vẫn không tin, cô dùng hai tay bốc đất hất lên bờ.
- Hết rồi. Anh kiểm tra kỹ rồi. Em còn tìm gì nữa?
- Các anh đừng vội, hãy còn sớm. Bao nhiêu đường đất mới vào đến đây.
Bỗng Hương òa lên khóa nức nở. Cô lôi từ đáy huyệt lên một chiếc ba lô đã rách bươm, để lộ ra một gói ni-lông nhỏ ở trong có một mảnh thổ cẩm. Đây là mảnh gối còn lại, chiếc gối mà Hương đã tặng anh, ngày anh đi xa và một cuốn lịch "Quân đội nhân dân", bọc bằng bìa ni-lông mầu cỏ úa.
Hương vồ lấy như tìm được báu vật. Nhưng khi cô mở ra, mối đã xông gần hết. Những tờ giấy nát vụn mầu vàng của đất bay ra. Thế mà, thật kỳ diệu vì ở giữa cuốn lịch có một dòng chữ mà ai cũng có thể đọc được "Ngày... tháng 3 năm 1975.
Hương ơi! Anh mơ đến ngày thống nhất! Anh tặng em hai câu thơ này nhé!
Anh sẽ dành chuỗi ngày phép đầu tiên, vui dắt em đi thăm cả đôi miền."
Cường gạt nước mắt, quay lại hỏi:
- Chị Hương. Chị tin rồi chứ?
Hương nuốt nước mắt, gật đầu.
Thanh cẩn thận gói hài cốt lại, những giọt nước mắt của anh thấm cả vào vuông vải đỏ.
Khói nhang nghi ngút. Họ đốt hết những bó nhang đem theo. Họ cắm từng nén lên những gò đất xa xa... Có thể, rất có thể đó là những nấm mộ vô danh
Cường thì thầm nói với họ:
- Hùng ơi! Các đồng chí ơi! Hãy tha lỗi cho chúng tôi. Ngàn lần mong các đồng chí hãy tha lỗi cho chúng tôi, những người còn sống đã đón anh về quá muộn. Đất nước thanh bình đã mười tám năm rồi. Thế mà còn biết bao đồng chí như Hùng chưa có ai "đón" về.
Cả ba người lầm lũi trên đường về. Ra đến đường cái trời vừa sập tối. Những đám mây tím đen đang buông xuống, gió hiu hắt. Trời chiều ảm đạm quá. Giờ này thị xã đã lên đèn. Từng đôi trai gái đi bộ, lai nhau bằng xe đạp, xe cúp, xe Dream đến công trường, nhà máy, đến với các lớp học ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung, Nga... Họ còn đến công viên, đến câu lạc bộ, vũ trường...
Họ hăm hở lao động và học tập, vui chơi, họ nín thở để tận hưởng hạnh phúc.