hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1274.htm

Hữu Phương

Hoa cúc dại

Anh bước ra khỏi xe, chợt bàng hoàng, sửng sốt. Hóa ra, rồi cũng có lúc anh trở về chốn này ư? Dẫu ngoài hai mươi năm dâu bể, với bao vật đổi sao dời. Sừng sững trên đỉnh đồi không tên kia đã mọc lên cây cột điện cao thế như một chàng lực sĩ khổng lồ đứng giang tay trong mây, nơi giờ đây anh có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng thi công. Con đường giao liên xưa như sợi chỉ đỏ lẩn quất trong lá, giờ thay bằng con đường ô-tô vắt qua đỉnh đèo như một vệt lửa. Những cánh rừng đại ngàn trụi lá vì chất độc khai quang của Mỹ, giờ đã trở lại xanh tốt. Nhưng vẫn còn đây những lối mòn quen thuộc nở đầy một loài hoa cánh trắng, mỏng manh và hương thơm dìu dặt, anh gọi là hoa cúc dại. Còn đâu đây hơi thở những người đồng đội, còn đâu đây những nỗi vui buồn trận mạc đời lính chiến. Và, cái chính là vẫn còn kia, bản làng bé nhỏ, những nếp nhà sàn lơ thơ nghèo đói vùi trong lá cọ dưới thung sâu, nơi anh có một mối tình hoang dã, tươi đẹp và đầy đau khổ...

Anh đứng lặng, mắt nhòa đi trong hồi ức rạo rực, bùi ngùi. Hỡi Hơ-long xinh đẹp, dịu dàng, và hỡi đứa con anh chưa biết mặt, hãy tha lỗi cho anh, hãy tha lỗi cho cha. Người ta đã làm mọi chuyện để anh xa em; đời sống phố phường, địa vị cao sang và hạnh phúc đủ đầy sau này cũng đã làm cho anh quên em, quên một người vợ mòn mỏi lặng thầm nơi bóng núi mờ xa... Giờ đây, có lẽ Sơn Thần Thổ Địa, những người làm chứng cho lễ cưới của anh, đã đun đẩy anh về đây như một hình thức trừng phạt sự bạc tình của anh chăng?

- Báo cáo anh, có lẽ anh chẳng cần phải leo lên trên ấy làm gì, để mình em tự lo...

Anh quay lại, lơ đãng ngước nhìn những móng trụ bê-tông cao lớn, những xà sứ ánh lên trong nắng trời và những mối dây cáp nhôm sáng bạc vắt qua thung xanh, khẽ gật đầu với người lái xe vừa là cộng sự của mình. Anh còn tâm trí gì khác đâu, khi mà những kỷ niệm máu thịt, đau buồn và hạnh phúc của thời trai trẻ gian lao ào ạt xô về choán ngợp cõi lòng, đến nỗi cổ họng nghẹn ngào và trái tim nhói thắt. Bước chân anh tụt xuống chân đồi, tự lúc nào bước theo con đường xưa cùng Hơ-long đi bẻ măng, hái nấm. Anh cúi người ngắt một bông cúc dại và đưa lên mũi. Ngày xưa, anh thường ví Hơ-long như loài hoa này. Nàng xinh đẹp một cách kín đáo, trong trắng và lặng thầm nơi núi rừng hoang vắng. Với mái tóc hoe vàng không mấy khi chải chuốt ôm lấy khuôn mặt bầu bầu trái xoan, với ánh mắt ngời lên lóng lánh trong ánh đuốc, với dáng hình thon thả bước đi như ngọn gió, anh hiểu rằng mình đã gặp một cái đẹp của tạo hóa dành cho chốn thâm sơn cùng cốc. Ngay trong đêm đầu tiên mới chuyển đến, nàng khoác hộ ba lô cho anh và dẫn về nhà mình. Sớm hôm sau, anh ngắm trộm được cái eo lưng tuyệt đẹp, cái cổ cao rám nắng và đôi bờ vai mềm mại khi theo nàng quảy ống bương xuống sông lấy nước. Hơ-long xắn ống tay áo và kéo váy lên cao lội ra giữa dòng, để cho đôi tay trần và đôi chân thon lẳn như thân thể một vũ nữ ngời lên trong ánh nước rung rinh. Cái đẹp quá thể ập đến bất ngờ, khiến trái tim anh đau đớn, hụt hơi và tức thở. Lúc đó, anh hiểu rằng, anh đã gặp một báu vật thiêng liêng, cao sang và vĩnh hằng, một vẻ đẹp khỏe khoắn, tươi ngời và hoang dại mà đấng cao xanh đặt ở phía xa vời; và anh, kẻ trần gian phàm tục biết phận mình, không bao giờ ước tới, không bao giờ dám nghĩ tới, chỉ may mắn được phép thành kính chiêm ngưỡng, trân trọng và gìn giữ.

Hơ-long lấy đầy nước, đặt ống bương lên tảng đá, nàng quay lại phía anh một cách đột ngột, và hẳn đã bắt gặp cái bộ mặt dại ngây của anh.

- Bộ đội Minh, sao đứng thẫn thờ thế ? Nhớ nhà à?

Nàng nói và hồn nhiên cười bằng cả đôi môi mọng đỏ, bằng cả đôi mắt thẳm đen thông minh lóng lánh mầu thủy ngân, và bằng cả đôi mày dài và sắc như dao cau. Nàng ý tứ vốc nước định rửa mặt. Bấc giác anh bảo gấp:

- Đừng! Chớ có rửa mặt!

Hơ-long ngây thơ dừng lại, hẳn nàng nghĩ là anh sợ chất độc của Mỹ thả.

- Sao vậy bộ đội?

- Có rửa thì rửa chân tay, chớ rửa lông mày... chết cá sông anh.

Hơ-long chợt hiểu, nàng nguýt đuôi mắt dài về phía anh và cười rúc rích.

- Không phải rứa mô, bộ đội Minh nói giỡn.

Anh giành gánh phần lớn số ống bương cho Hơ-long, nàng chỉ toòng teng mỗi đầu một ống. Cả hai cùng bước lên những bậc đá quen thuộc, mòn nhẵn dấu chân người. Anh âm mưu nhường Hơ-long đi trước để ngắm cái đẹp uyển chuyển trong mỗi gót chân thoăn thoắt của nàng. Nhưng chợt Hơ-long dừng lại, nói:

- Bộ đội... nắm tay kéo miềng lên với.

Đấy là diễm phúc đầu tiên anh được hưởng. Anh nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại như một báu vật trong tay mình rất lâu, lòng mê mẩn lâng lâng, và thầm trách các bậc đá bờ sông quá ít.

Anh bắt dầu dạy chữ cho Hơ-long. Nàng thích thú như đứa trẻ lần đầu tiên đi học.. Anh hoàn toàn bất ngờ trước sự thông minh, nhanh nhạy của Hơ-long. Chỉ tháng sau, những dòng chữ tròn trịa, mềm mại kiểu con gái, tăm tắp hiện lên dưới nét bút của nàng. Giờ thì nàng đã có thể đọc chậm những trang báo từ Bắc chuyển vào ướt nhòe mưa rừng. Đấy là niềm kiêu hãnh, nỗi vui sướng nhất của nàng, khiến khi nào cũng hát luôn miệng những bài dân ca của dân tộc mình.

Mùa mưa đã bắt đầu đặt những bước chân dè dặt đầu tiên và tàn bạo của nó lên núi rừng bấy lâu khô khát bằng đôi ba hôm một trận mưa ào ạt. Các ngã đường vận chuyển quân lương thỉnh thoảng bị tắc. Khẩu phần lương thực, thực phẩm đã bữa đực bữa cái. Bộ đội phải tự túc thêm, rau xanh chưa trồng kịp thì hái măng, chuối rừng. Bầu trời đôi khi như sà xuống thấp, nặng trĩu và xơ xác vì chất độc hóa học và vì mùa khô kéo dài, giờ được dịp xanh lên tở mở, phơi phới. Những cánh rừng măng nứa, năng giang tua tủa mọc như thi nhau.

Anh mang gùi theo Hơ-long, vượt qua những cụm măng giang đã bắt đầu nhú khỏi mặt đất, anh sáng mắt lên như được vàng, sà vào bẻ hối hả, nhưng Hơ-long cười và kéo tay anh đi.

- Chỗ đó chưa lớn nhiều mô bộ đội ạ. Để dành bữa sau hái mà. Đi thôi.

Anh đã theo nàng, đi sâu mãi, sâu mãi, đến chỗ ngờ như chưa từng có dấu chân người, cảm giác hoang vắng và nguyên sơ cả trong tiếng chim kêu vượn hú, đến độ lạnh buốt cả sống lưng, buộc anh phải bí mật lên đạn khẩu súng ngắn, dự phòng bất trắc. Nhưng Hơ-long thì nhởn nhơ như không, nàng còn lẩn biến đi đâu rồi đột ngột hiện ra sau lưng anh và cười như nắc nẻ. Măng nhiều vô kể. Những búp măng to như bắp tay. Hơ-long tỉ mẩn bày cho anh cách chọn, cách hái để dưỡng sức cho mùa măng sau. Anh nghe rõ cả hơi thở nóng hổi, cả mùi thơm dịu dàng phả ra từ da thịt trinh trắng con gái núi rừng vô tư lự, và cả những gì đó nữa anh không diễn tả được, khiến lòng dịu lại, tràn ngập mến yêu.

Khi những gùi măng đã chất đầy, nặng trĩu, anh xăng xái định theo lối cũ trở về, nhưng Hơ-long lại dẫn anh xuôi theo mái núi gồ ghề đá. Và ít phút sau, cả hai lọt vào một vùng mây nước, một bồng lai tiên cảnh. Bây giờ, sau hơn hai mươi năm đi khắp đó đây, anh chưa thấy nơi nào đẹp đến thế, hùng vĩ đến thế. Dòng suối chảy đến đó chợt phình ra, xoáy thành một mặt hồ lặng phắc. Bốn bề dựng lên những lèn đá trầm mặc, nghiêng soi lơ thơ bóng dáng khắc khổ của loài cây mọc chen trong đá. Và đây đó là là trên mặt nước là những phiến đá vuông tròn, mặt phẳng lì bởi nước bào mòn, như thể ai đã bày ra từ thuở sinh thành trời đất. Dòng nước sau mưa lắng lại trong vắt như thể không có thật, đến nỗi ngỡ như đấy chỉ là một khối không khí trong suốt.

Hơ-long nhẹ nhàng đặt gùi lên một phiến đá rộng, khô ráo, và bắt đầu dùng dao con bóc sạch những chiếc bẹ măng. Thoắt sau, đôi bắp tay tròn trắng của nàng lẫn giữa mớ những búp măng rừng nõn nà vừa bóc rửa xong, khiến anh mê mẩn. Khi hai gùi măng được sắp lại gọn ghẽ, đặt nơi khô ráo, nàng chợt cười nhìn anh bẽn lẽn:

- Bộ đội Minh tắm với em đi?

Từ khi biết chữ, nàng không xưng miềng với anh nữa. Nàng nói, và không đợi anh trả lời, cởi phăng váy xống và nhảy ùm xuống nước, lượn đi như một nàng tiên cá. Không có bút nào tả được, vẽ được cái vẻ đẹp của "tòa thiên nhiên" hoang dã đang ở dưới đáy nước kia. Phải, anh chỉ còn ngây đực ra nhìn, tâm trí bấn loạn, đau quặn thắt ở đâu đó phần dưới rốn, và lóng ngóng mãi mới cởi được quần áo. Nước mát lạnh đã làm anh bình tĩnh lại, thăng bằng lại. Anh bơi một vòng rồi lặn tăm xuống đáy nước. Hơ-long hoảng hốt nhìn quanh: "Bộ đội Minh ơi! Bộ đội Minh à!". Nhưng liền đấy nàng cười ré lên, đấm lưng anh thùm thụp khi anh trồi lên ngay sát mặt nàng. Hai người chơi trò ú tim, lặn đuổi tìm nhau, mãi lúc lâu anh mới nắm được cổ tay nàng. Hơ-long không vùng chạy nữa, nàng cầm tay anh nũng nịu: "Bộ đội tắm chỗ ni cho em với". Nàng nói và đặt bàn tay anh lên vầng ngực tròn đầy của mình. Tay anh vấp phải đôi vú nhọn và cứng sần sật của con gái tuổi mười bảy... Anh như bị điện giật, đau buốt dọc sống lưng. Hơ-long  ôm ghì lấy cổ anh, và anh hôn tới tấp lên má, lên môi, lên cả đôi mắt đen mướt, lóng lánh mầu thủy ngân đang mở to thu cả vòm trời thẳm sâu, cả núi rừng hùng vĩ và hoang vắng. Lát sau, Hơ-long ra hiệu cho anh bế nàng lên tảng đá...

Mùa đông miền trung đến tự lúc nào; núi rừng, làng bản nhòe đi trong màn mưa rây xám xịt. Bầu trời buồn bã, tái ngắt. Những con đường vận chuyển nằm trong lầy lội, tắc nghẽn. Dân đói. Bộ đội đói. Nhiều gia đình đào củ rừng, ăn nõn chuối trừ bữa. Bộ đội nhiều bữa phải ăn cháo nấu toàn rau. Nhưng không biết bằng cách nào, đêm anh vẫn thường nhận được một củ sắn lùi của Hơ-long. Nàng bọc trong vạt áo, củ sắn được bóc vỏ, cuộn giấy báo hoặc lá bục bục và lùi xuống tro nóng, vàng giòn và tỏa mùi thơm kín đáo.

Rừng mùa đông lạnh vô kể. Hình như cái lạnh tự các lòng khe, các hang hốc và từ những lèn đá phả ra buốt xương. Gió lạnh hun hút chạy rông dưới chân nhà sàn, thổi thốc lên ràn rạt. Bếp lửa cháy thâu đêm thâu ngày vẫn không xua được cái đói và cái rét ra xa. Đêm, bếp lửa sàn chỉ đủ cho gia đình đông đúc của Hơ-long nằm úp thìa còng queo bốn phía. Họ mời anh cùng nằm, nhưng anh từ chối, vì rõ ràng không thể thêm được một chỗ nằm nữa. Anh trải võng và trùm kín đầu bằng chiếc chăn cá nhân, gia tài của người lính trận. Không ngủ được, anh nằm miên man nghĩ về quê hương, về mẹ, về chiến tranh, chuyện gì rồi cũng có bóng Hơ-long, bóng những con đường nở đầy hoa cúc dại, một loài hoa khiêm nhường, tận tụy và lặng lẽ tỏa hương nơi xa vắng. Nó đằm sâu trong ký ức chiến tranh của anh.

Anh không nghe tiếng chân của Hơ-long. Phải, anh hoàn toàn bất ngờ khi mép chăn mình bị kéo lên, và tay anh nắm phải cổ tay tròn lẳn quen thuộc của nàng. Hơ-long nhẹ nhàng nằm xuống bên anh, hai tay khẽ nâng đầu anh áp vào ngực mình, giọng thầm thì:

- Thương bộ đội Minh không biết để đâu cho hết mà. Rét thế bộ đội ngủ răng được?

Hình như, như thế vẫn chưa vừa lòng thương bộ đội, Hơ-long cởi cúc áo, nâng mặt anh áp vào giữa vầng ngực nóng hổi của mình và đắp hai vạt áo ra ngoài: "Ngủ đi bộ đội". Anh nghe lời, nằm nhắm mắt lại, nhưng có ngủ được đâu, người bồng bềnh như bay trên thảm cỏ nồng hương hoa cúc dại lẫn với mùi thơm sữa non...

Sau lần hiến dâng sự trinh trắng của tuổi mười bảy cho anh trên tảng đá giữa rừng sâu, đêm Hơ-long về sung sướng khoe thầm với mẹ. Sáng hôm sau nàng đã nói lại điều đó với anh, rằng mẹ em cũng rất vui sướng. Anh hoảng hốt và buồn rầu nói với Hơ-long rằng, nếu chuyện bị lộ, anh sẽ không được làm bộ đội nữa. Hơ-long hết sức lo lắng. Nghe lời anh, nàng tuyệt nhiên giấu kín mọi chuyện.

Nhưng váy xống của nàng đã không giấu được mãi cái thân hình ngày một đẫy ra, và cái thai ngày một lớn nhanh trông thấy. Rồi đến lúc vỡ chuyện...

Anh nhớ, một buổi, già làng buộc phải chống gậy đến gặp đại đội trưởng của anh.

- Bộ đội cán bộ à. Cái bụng Hơ-long nó đã có con ngài của bộ đội Minh trong nớ rồi... - Ông già nói mệt nhọc và buồn.

Người đại đội trưởng của anh nghe cái tin ấy, như nghe bom nổ bên tai, anh bật dậy, mặt biến sắc, không tin ở tai mình nữa.

- Già làng bảo sao? Hơ-long có thai với cậu Minh à?

- Phải. Cái bụng to lắm rồi, sắp sinh rồi...

Đại đội trưởng của anh mặt đỏ gấc, có lẽ vì tức giận. Hẳn anh ta không ngờ một chàng trai Hà Nội dễ nghe dễ bảo, học rộng tài cao, lại bất ngờ sinh ra hư đốn.

- Thế ý già thế nào, thưa già? - Đại đội trưởng thăm dò.

- Nó thế này thôi bộ đội cán bộ ạ. - Già chậm rãi. - Tục lệ của làng bản miềng đây từ thuở mới sinh ra trời đất núi non tới giờ, con gái chưa chồng mà chửa, phạt vạ năm trâu, để cúng Giàng, cúng Sơn Thần Thổ Địa...

- Nhưng thưa già. - Đại đội trưởng của anh lo lắng. - Bộ đội chúng con chỉ lo đánh giặc giữ bản làng, giữ Tổ quốc, nghèo lắm, có trâu bò chi mô?

- Già biết. Lũ làng biết. Phải. Bộ đội nghèo lắm mà. Nhưng đó là lệ làng, bộ đội cán bộ ạ. Cái lệ là phải làm thôi. Không làm Giàng phạt, Sơn Thần Thổ Địa phạt không cho ở, lũ làng phải bỏ đi. Lúc đó bộ đội ở với ai? - Ông già dừng lại một lúc để thở, vuốt bàn tay khô héo già nua lên khuôn mặt đen xạm, gầy quắt, đoạn nói tiếp: - Nhưng lũ làng thương các bộ đội lắm, chỉ phạt một trâu thôi, để cúng Giàng...

- Thôi được, thưa già, bộ đội xin hẹn già chiều mai bàn tiếp cụ thể. Bộ đội sẽ cố gắng ạ.

- Phải, phải. Bộ đội nên cố gắng.

Già làng đi rồi, đại đội trưởng của anh buồn bực ngồi thừ ra, vẻ mặt tuyệt vọng. Hẳn là anh giận lắm. Đang khi cơm không đủ cầm hơi ngày hai bữa, làm sao có trâu?

Mỗi lần nhớ lại, tao cảm ơn mày  ngàn lần Tài ơi!  Mày là vị cứu tinh của tao và của cái đại đội này đấy.

Tài là tiểu đội trưởng của anh. Đó là một anh chàng lém lỉnh, thông minh và hơi láu cá. Có lần tiểu đội nghỉ chân trong một gia đình đông con ở một làng hẻo lánh. Anh nhận về bảy hộp thịt, vỏ sơn xanh mới tinh, để lên chiếc chõng tre, rồi quay ra giúp anh em chuẩn bị hầm phòng tránh. Khi quay lại, chỉ còn sáu hộp. Anh em im lặng, nhưng Tài chợt thổi còi, hô tiểu đội tập hợp. Cậu chàng nghiêm nghị nói: "Trên vừa giao về cho tiểu đội ta bảy hộp mìn lỏng có hẹn giờ. Tôi phê bình các đồng chí không cẩn thận, để trẻ con lấy chơi đâu mất một hộp. Nếu không tìm được, nó sẽ nổ...". Từ trong buồng, ông chủ nhà lao ra, mặt cắt không ra hột máu, lắp bắp: "Tui phê bình mấy chú, vũ khí mà để lơ là. Thằng con tui nó đem chơi trong xó đây này". Ông nói và lẩy bẩy đưa hộp thịt đặt lên chõng. Cả tiểu đội quay đi, bấm bụng cười. Riêng cậu Tài lén ra gốc tre, ôm mặt khóc nức nở. Tối đó, anh ta bí mật cho anh em đục luôn hai hộp, nấu một soong quân dụng với rau khoai. Cả tiểu đội và gia đình xì xụp một bữa rất vui. Đấy là nồi canh ngon nhất mà anh chứng kiến. Sau này, biết bao cao lương mỹ vị đã nếm, anh vẫn không sao tìm được hương vị ngon lành ấy.

Không biết ngẫu nhiên, hay chính cậu ta nghe lỏm được mà đang trong cơn buồn rầu, bực bõ ngồi thừ ra của đại đội trưởng, thì Tài đi qua.

- Thưa thủ trưởng, có việc gì rắc rối mà trông thủ trưởng buồn như... chó chết con vậy à? - Tài hỏi.

Có lẽ lúc khác thì ông sẽ "chỉnh" cho cậu chàng một trận vì lối ăn nói ngang tàng ấy, nhưng bây giờ lòng dạ như tơ vò, nên đại đội trưởng đem sự tình ra kể. Tài ngồi vểnh tai, tay vuốt vuốt mấy sợi râu loăn xoăn mọc ra từ cái mụn ruồi đen ở dưới cằm, ra chiều tư lự. Đoạn, cười ruồi và nói:

- Chẳng có gì quan trọng cả. Thủ trưởng cứ "bình toong" uống nước trà, để vụ này em lo.

Và cậu ta đã lo được thật. Hơn thế, đơn vị còn được chén một bữa thịt trâu thả cửa. Sự việc bây giờ nhớ lại, cứ buồn buồn vui vui. Hôm sau già làng lại đến trình bày những điều ông đã nói với đại đội trưởng hôm trước, Tài chăm chú lắng nghe. Hôm nay cậu chàng ăn vận chỉnh tề, dáng điệu y hệt một cán bộ cấp trên mới về. Nghe xong, câu đặng hắng, lấy giọng nghiêm trang:

- Kính thưa già làng, luật lệ muôn đời là cứ phải thực hiện ạ. Bộ đội nộp phạt đúng một trâu...

- Phải, phải! - Già làng gật gù, ra chiều thông cảm.

- Nhưng... kính thưa già làng, bộ đội cũng có luật lệ phải được giữ gìn, nếu ai vi phạm cũng phải chịu phạt đấy ạ?

- Phải. Bộ đội cứ nói. - Già làng vuốt râu, lắng nghe.

- Cô Hơ-long bản ta đã lấy cái nước sướng của bộ đội Minh ạ. Nước sướng là sức khỏe của bộ đội, mất sức khỏe là không đánh Mỹ được.

- Phải, phải. Cái sức khỏe của bộ đội là quý lắm mà. Vậy bộ đội đòi nộp phạt bao nhiêu?

- Dạ, hai trâu ạ.

- Phải. Vậy là ta yên cái bụng lắm rồi. Bản làng nộp phạt cho bộ đội hai trâu. Bộ đội nộp phạt cho bản làng một trâu. Hầy?

Ông già nói và cười khà khà, vẻ mặt tươi rói vì cuộc "hòa đàm" diễn ra tốt đẹp và mau chóng.

Ngay sớm hôm sau, già làng cho đánh hai trâu mập ú đến buộc trước sân nhà đại đội trưởng. Đại đội trưởng hớn hở cử người dắt một con sang buộc dưới chân sàn già làng. Một cuộc vui vẻ chưa từng có xảy ra giữa quân và dân trong cái bản làng nhỏ bé ở dưới thung sâu kia.

Được một trâu, đại đội trưởng của anh xin ý kiến trên, và nhanh chóng tổ chức lễ cưới cho anh và Hơ-long. Đám cưới vui, nhộn, bày toàn thịt trâu và rượu cần uống thả sức. Hơ-long lộng lẫy như một nàng tiên trong chiếc váy mới thêu, đầu cài một vương miện kết bằng những bông cúc dại. Anh dìu nàng đi trong niềm hạnh phúc bay bổng, trong tiếng vỗ tay bôm bốp của đồng đội...

Nhưng anh và cả Hơ-long, có lẽ cả đồng đội anh đều không biết rằng, đấy chỉ là đám cưới giả, cốt để bảo đảm "công tác dân vận". Điều đó, mãi sau này, khi về đến Sài Gòn, anh mới hay biết. Một thằng bạn cùng đơn vị ngày ấy sống sót được, gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi vì đã tránh được hòn tên mũi đạn, chợt cậu ta hỏi giật giọng:

- Này Minh, cậu đã biết cậu chết rồi không?

- Hả? Làm sao tớ chết?

- Thì Hơ-long nhận được giấy báo tử cậu hẳn hoi, khi nàng sắp sinh. Chao ôi, Hơ-long khóc rú lên thảm thiết, quằn quại đau đớn. Đơn vị cũng được lệnh hành quân vào sâu ngay đêm đó. Nên bây giờ không ai biết mẹ con Hơ-long sống chết ra sao...

Anh bàng hoàng, ngẩn ngơ trước cái tin xa lạ ấy. Hẳn đó là công việc của "tổ chức". Khi cưới xong, anh sống với Hơ-long được ba ngày, thì có quyết định điều động đi xa, theo một công tác đặc biệt, áp sâu vào lòng địch, cho đến ngày kết thúc chiến tranh. Anh đâu biết ở nơi núi rừng hoang vắng, xa tít mù tăm, bông hoa cúc dại của anh khốn khổ trăm bề như thế...

Nhưng cái gì đã ngăn anh trở lại nơi ấy hai mươi năm nay?

Phải chăng anh trở về thành phố như hổ thả về rừng?

Nơi những thú vui đêm đêm ở các vũ trường, rạp xiếc, công viên với bao thiếu nữ sẵn sàng cùng anh thâu đêm suốt sáng? Hay những con búp bê tóc vàng hoe mắt biếc nhắm mở, những chiếc khung xe đạp quấn băng bảo hiểm để khỏi trầy tróc, những tấm vải lòe loẹt mỏng tanh chất đầy các ba lô cóc, tất thảy theo dòng xe liên vận chảy ào ạt ra Bắc đã cuốn cả anh? Hay trở về Hà Nội, anh như thần chiến thắng trở về, vinh quang tột đỉnh, được các nàng tiên áo dài vây quanh chào đón tung hô, anh được tận hưởng sự đoàn tụ gia đình với bao khoái cảm vật chất tiện nghi đầy đủ, khiến cái bản làng nhỏ bé kia trở nên xa lắc xa lơ và đầy tăm tối? Hay nữa, anh dựa vào cái giấy báo tử năm xưa để lẩn trốn? Anh cho rằng, đã có hàng chục vạn phụ nữ bịt khăn tang, giờ thêm một người nữa cũng chẳng sao, cũng không làm đông thêm số lượng những người cạn nước mắt vì chiến tranh?

Chao ôi, không biết nữa! Nhưng thực sự là anh đã cưới một cô giáo Hà Nội trẻ và đẹp, con của một người có thế lực. Không, điều đó ngẫu nhiên thôi, anh không hề vụ lợi trong chuyện này. Dẫu rằng, sau này anh được cất nhắc từ công việc này sang công việc khác, đi từ nước này sang nước khác, và từ đủ đầy này sang đủ đầy khác.

Bây giờ, mái tóc anh đã ngả bạc, thân hình đã bắt đầu bệ vệ, nặng nề, dẫu cố giữ phong độ và gương mặt sung mãn của tuổi năm mươi.

Để mặc cho viên cộng sự leo ngược dốc để kiểm tra chất lượng công trình một mình, anh lững thững vẩn vơ bước theo các lối mòn thuở xưa, nơi mùa thu vẫn không quên rắc lên vệ cỏ những bông cúc dại. Anh đi trong dìu dặt mùi hương và không khí núi rừng trong suốt, nguyên sơ và thoáng đãng, cả trong sự bồi hồi và luyến nhớ. Bất giác, anh ngắt lên một bông cúc dại nữa và nhìn không thôi vào những sườn dốc, nơi ngày xưa loáng thoáng bắp chân tròn của Hơ-long.

Khi anh ngẩng mặt lên, bước chân đã đến bên bến sông cũ, nơi lần đầu tiên anh nắm tay Hơ-long. Dòng nước vẫn còn đây mầu xanh thuở xưa, những bậc đá còn đây dấu mòn bàn chân người xưa, và vẫn còn đâu đây hơi thở, bóng dáng người xưa... Lòng anh vướng vất bởi một cái gì không rõ rệt, tuồng như là một chút hoài niệm man mác, một chút ngậm ngùi hối lỗi, một chút tò mò thôi thúc muốn nhìn lại cảnh cũ người xưa...

Từ bến đó, anh định hướng lại theo trí nhớ, rồi xăm xăm bước vào ngôi nhà sàn vừa lợp lại lá mới, mái cọ vàng mầu nắng. Một thằng bé chừng vài, ba tuổi đang chơi giữa sân, thấy anh, vội leo lên cầu thang, và giây sau hiện ra ngưỡng cửa một người đàn bà Thượng khó đoán tuổi, gầy gò, khô đét. Anh vội quỳ xuống bên chân cầu thang, như ngày xưa muốn vào nhà dân bản nào.

- Ôi, chào cán bộ. Mời cán bộ lên chơi nhà miềng mà.

Người đàn bà đon đả, thoăn thoắt quay vào. Anh ngờ ngợ những dấu ấn còn sót lại của một thời xinh đẹp, lẽ nào đó là Hơ-long của anh sau hơn hai mươi năm? Anh bước theo như một cái máy, đứng chôn chân giữa sàn. Có lẽ những người già thì đã chết hết, những người trẻ thì phân tán mỗi người một nơi, khiến ngôi nhà trở nên vắng vẻ.

Lát sau, người đàn bà từ trong bếp đi ra, tay bê bộ ấm chén. Nhưng chị bị sững lại, suýt đánh rơi cả bộ ấm chén khi nhận ra trong tay anh có bông cúc dại trắng.

- Cán bộ... ngày xưa cũng làm bộ đội à?

- ừ... à... Không! Đấy là tôi thấy bông hoa đẹp...

Anh đỏ mặt, không hiểu vì sao lại buông lời lẩn tránh một cách vụng về và hớ hênh như vậy - Ôi Hơ-long, Hơ-long hãy tha lỗi cho anh, tha thứ cho  anh, tha thứ cho một tâm thần bấn loạn, không rành rẽ nữa. Hình như anh không muốn mất anh, lại không muốn mất những gì anh có được sau ngày chiến thắng.

- Thứ hoa ấy... Ngày xưa bộ đội Minh của miềng thích lắm mà. Chừ nó hy sinh rồi, nó thành con ma ở đâu đâu rồi. Buồn lắm cán bộ ạ. Cán bộ có biết bộ đội Minh của miềng không?

Nàng nói và đôi mắt mở to, buồn xa xăm, hoang vắng, như thể có bóng anh ở đâu đó trên nội cỏ xa vời. Chợt anh sực tỉnh vì bị bàn tay Hơ-long kéo lại phía góc nhà, nơi có đặt một bàn thờ nhỏ, trên đó cắm một bình hoa cúc dại còn tươi rói. Hẳn ngày nào nàng cũng làm việc đó. Hơ-long khẽ kéo tấm vải che trên một cái giá khung đơn sơ, một người thanh niên trai trẻ hiện ra trong tấm ảnh đã ố vàng. Đó là bức ảnh anh chụp hồi còn ở trường đại học, trước ngày nhập ngũ, anh đã để lại cho Hơ-long trước khi đi nhận nhiệm vụ mới.

Khó tìm được nét nào giữa người thanh niên đẹp trai trong ảnh với người đàn ông mập mạp, nặng nề là anh đây. "Bộ đội Minh của miềng đấy, cán bộ à!". Hơ-long thầm thì, và nàng nâng bức ảnh trong cả hai bàn tay, từ từ áp vào vầng ngực đã lép xẹp, như ngày xưa nàng quen ghì đầu anh vào giữa vầng ngực sung mãn có hai núm vú nhọn và cứng, nước mắt ràn rụa. Bất giác, anh run lên, nghẹn nghào, nước mắt rơi lã chã. Anh muốn cầm tay nàng hét lên: "Hơ-long, Hơ-long, bộ đội Minh của em đây. Minh của em đây mà", nhưng không hiểu sao, cổ họng đầy ứ, tắc nghẹn và hai bàn tay thõng thượt ngây ngô.

Có tiếng bước chân mạnh mẽ lên cầu thang, và chàng trai trong ảnh hiện ra trước ngưỡng cửa. Tim anh nhói lên, chợt nhận ra đấy là giọt máu cố tình bỏ quên của mình. Tai ù điếc và sống mũi cay xè, anh lùng nhùng nghe tiếng được tiếng chăng của Hơ-long: "Con trai của bộ đội Minh đó, cán bộ à... Còn đây là cháu nội bộ đội Minh...".

Mắt nhòa lệ, anh lao đến, định ôm choàng lấy chàng trai, nhưng không hiểu sao lại quay sang bế bổng thằng bé lên cao, hôn chùn chụp rất lâu vào hai má nó, khiến nước mắt anh ướt đẫm cả mặt thằng bé, Hơ-long nhìn anh đau đáu, ngơ ngác, không biết ý nghĩ gì chợt đến trong đầu nàng. Nhưng anh móc vội mấy đồng bạc lẻ giúi vào tay thằng bé, và lấy hết tất cả tiền trong túi đặt lên bàn thờ, sát trước mặt tấm ảnh thời trai trẻ của anh, rồi tất tả quay ra, đi như bỏ chạy xuống cầu thang...

Chiếc xe chuyển bánh lúc trời đổ bóng, đưa anh ngược đường trở ra Hà Nội. Rừng núi, làng bản, những con đường nở đầy hoa cúc dại, chốc lát đã lùi xa vài chục cây số. Nhưng anh vẫn như kẻ mất hồn, ngơ ngẩn, lòng dạ ngổn ngang và sắc mặt im lìm.

- Sao sếp lại thất thần thế kia? Không khéo vương phải bùa mê của mấy o đồng bào Thượng thì khốn!   - Người cộng sự của anh nửa đùa nửa thật.

Nhưng, như thể cốc nước đầy mặp, vô tình rơi thêm một giọt, như thể bầu trời cuối hạ cứng căng oi bức, chỉ chờ ánh chớp là vỡ òa cơn mưa, anh bỗng hai tay ôm mặt khóc rưng rức, đôi vai rung lên bần bật. Rồi tuồng như không cần phải giữ gìn, ý tứ nữa, anh òa khóc hu hu như trẻ bị đòn oan. Anh khóc rất lâu, khóc như chưa bao giờ được khóc, nước mắt như mưa. Vừa khóc, anh vừa đấm mạnh vào thành xe sầm sầm.

Chiếc xe vừa dừng lại, anh đã đẩy tung cánh cửa và lao ra ngoài.

- Cậu cứ về Hà Nội trước. Mình ở lại đây ít hôm đã.

Anh nói với người cộng sự trong giàn giụa nước mắt, và chăm chắm bước đi. Không còn phong thái bệ vệ, nặng nề của một cán bộ lãnh đạo ngành nữa, anh đi những bước nhanh nhẹn, khỏe khoắn và hồ hởi như thời trai trẻ ra trận, như thuở theo người yêu ngược rừng hái măng.

Người lái xe lắc đầu, nhìn theo bóng anh nhòe trong sương núi, liền quay lại, đánh xe đuổi theo...


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com