hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1268.htm

Nguyễn Thị Vân

Những cơn mê

Con tàu sầm sập băng trong mưa. Gió hắt hơi lạnh và cả những hạt mưa vào trong toa. Cô gái ngồi sát cửa sổ cứ né mãi vào phía trong. Quang khó chịu ngồi nhích ra. Cũng tại cô gái không xinh đẹp. Đôi mắt lá răm nhỏ và sáng, đôi môi lại hơi dày, da ngăm ngăm, tóc thưa cứng lòa xòa trên cái trán rộng. Giá là đàn ông cô này cũng không phải diện đẹp trai, Quang nghĩ thầm và lại ngồi xích xa cô gái một chút. Mưa mỗi lúc một to. Quang nhăn mặt. Anh đứng lên cố kéo cái cửa kính mà không được. Chẳng hiểu nó hỏng hóc chỗ nào. Lúc này mưa đã thấm ướt một phần quần áo cô gái. Vải soa mỏng dán vào thịt làm lộ cái đùi tròn lẳn của cô khiến cô lúng túng. Quang chợt thấy ái ngại. Anh mở túi du lịch lấy tấm ni lông ra định đưa cho cô nhưng nghĩ thế nào anh lại đứng dậy nhường chỗ cho cô gái vào phía trong. Anh ngồi sát cửa sổ, khoác nhẹ tấm ni lông lên người che mưa.

- Ôi! Cảm ơn anh quá!

Quang hơi giật mình. Giọng nói du dương ấm áp đầy truyền cảm của cô gái khiến anh có cảm giác lạ lùng. Âm thanh ấy ngược hẳn với gương mặt của cô. Dịu dàng, mê mị... Mưa ngớt dần. Tàu đỗ ở một ga nhỏ. Những người bán hàng lập tức bu đầy phía dưới các cửa sổ tàu. Tiếng mời, tiếng rao í ới. Cô gái đứng dậy, cô nhoài người ra mua bánh dày và giò. Cô khéo léo tước bỏ lá chuối ở hai cái bánh rồi kẹp giò vào giữa, lấy một túi ni lông nhỏ lót vào bánh đưa cho Quang:

- Em mời anh xơi bánh!

Quang lắc đầu, nhưng cô gái không chịu, cô mời tiếp bằng cái giọng ân cần dịu dàng khó từ chối. Để đáp lại, Quang mua nước uống. Quang đỡ khó chịu với cô gái hơn. Con tàu lại chuyển bánh. Mưa đã tạnh hẳn. Quang treo tấm ni lông lên cái mắc, thở phào như trút bỏ một gánh nặng. Anh vốn ghét áo mưa vì nó rất bí. Khách trên tàu giở sách, báo ra đọc để giết thời gian. Quang cũng mở túi lấy ra một tập thơ. Anh chăm chú đọc. Đôi mắt nhỏ của cô gái bỗng sáng lên. Cô lựa lúc phù hợp, hỏi anh thật nhẹ nhàng:

- Anh có vẻ yêu thơ nhỉ?

- Cũng thường thôi. Nhưng đây là tập thơ mà tôi thích.

Quang nói và đưa tập thơ cho cô gái. Cô cầm tập thơ giở ra đọc. Quang hỏi, giọng hiểu biết:

- Cô có thích tác giả này không?

- Dạ!...

- Sao lại dạ? Thích hay không?

- Anh quen biết tác giả này ạ?

Cô gái hỏi anh thay câu trả lời. Quang có vẻ bâng khuâng. Anh nói:

- Quen, mà không quen. Đọc thơ cô ấy mình cứ cảm thấy như quen thuộc và rất thích thú...

Cô gái cười:

- Em có quen tác giả. Nhưng chắc vì quen, nên em chẳng có ấn tượng gì về thơ của chị ấy!...

- Cô quen à? Thế nữ sĩ có đẹp không?

Cô gái không trả lời chỉ lắc đầu. Cô hỏi sang chuyện khác:

- Anh xuống ga nào ạ?

- Nam Định.

Tàu vào ga Nam Định. Quang đứng lên lấy hành lý. Anh hỏi cô:

- Cô xuống đâu?

- Em đi miền nam (vẫn cái giọng dịu đến mê hồn).

- Chúc cô đi khỏe mạnh. Cô giữ lấy tấm ni lông, nhỡ trời lại mưa.

Quang đã ra đến gần cửa toa thì nghe tiếng gọi:

- Anh gì ơi!

Cô gái chạy theo trả anh tập thơ. Quang cầm tập thơ, vừa xuống tàu vừa nói với lại:

- Nếu gặp tác giả cho tôi gửi lời hỏi thăm và nói với nữ sĩ rằng tôi rất ngưỡng mộ, nhất là bài: "Bụi hồng" nhé! - Họ chia tay, không biết tên nhau.

Chuyển lên làm việc tại Hà Nội chưa được bao lâu, Quang đã nhận được điện báo mẹ ốm nên anh đành xin nghỉ về thăm. Nhưng khi về mới biết là mẹ chẳng ốm đau gì. Quang bực quá mà vẫn phải tươi cười. Gia đình Quang là loại có máu mặt ở cái thành phố nhỏ này. Quang là đứa con duy nhất. Bố lại mất sớm. Nhà chỉ có hai mẹ con nên mẹ lúc nào cũng lo lắng. Dựa vào tài buôn bán mẹ đã lo cho Quang chu đáo. Tuy chỉ có mình Quang, nhưng thấy ý anh muốn lên Hà Nội làm việc để dễ phát triển tài năng, mẹ cũng chiều. Tốn kém, tay thầy thước thợ mãi mới được. Vậy mà Quang vừa đi được vài tháng, ở nhà mẹ đã lo đến mất ăn, mất ngủ. Một thân một mình nơi phồn hoa đô hội ấy, liệu nó có giữ gìn cẩn thận hay lại chơi bời, yêu đương lung tung... Nhỡ mà... Nỗi lo cứ ngày một lớn. Thế là mẹ quyết định đánh điện cho Quang về. Mẹ bảo: "Mẹ nghĩ lại rồi, con đừng ở Hà Nội nữa. Mẹ chẳng yên tâm. Nhà có hai mẹ con, nhỡ mà có chuyện gì thì...". Rồi mẹ đề cập luôn việc cưới vợ cho Quang. Quang phì cười, anh bảo mẹ là muốn cưới vợ thì phải có cô dâu chứ. Mẹ bảo có rồi. Quang lại cười, nhưng trông bộ mẹ rất nghiêm túc. Quang hiểu là mẹ không đùa. Quả là mẹ đã dấm sẵn một cô dâu cho Quang thật. Cô tên là Gấm. Đang ngồi máy áo ngoài cửa hàng nghe mẹ gọi cô vội chạy vào. Quang sững người vì vẻ đẹp của Gấm. Dong dỏng cao, vai ngang, lưng ngắn, chân dài là cái dáng mà Quang thích. Có điều trông cô hơi diêm dúa và đôi mắt có cái nhìn ướt đến ngại ngùng. Gấm bạo dạn, tự tin, không e thẹn. Cô rót nước mời Quang cứ như thể cô mới là chủ nhà vậy. Thì ra suốt thời gian Quang ra Hà Nội, cô thường xuyên ở nhà anh. Mẹ thích cô nên đã cho cô thuê nửa cửa hàng mở hàng may. Bắt được ánh nhìn đầy xét nét và không hưởng ứng của Quang cô hơi khó chịu, nhưng lại làm như không thấy gì. Cô bảo mẹ Quang: "Con đã đong gạo và mua đủ những thứ mẹ dặn. Bây giờ con xuống làm cơm để đãi khách Hà Nội mẹ nhé!".

Cứ cái đà này, nếu không nêu chính kiến chắc là lôi thôi. Không biết là mẹ vơ vào hay là Gấm, hay là cả hai mà mẹ mẹ con con, ngon lành quá. Quang nói với mẹ là có công việc phải đi. Anh đi cho tới tối mịt mới về. Quang tránh bữa cơm nguy hiểm của cô gái bạo dạn. Tối đó, Quang đã phải nhiều lời lắm mới đả thông được cho mẹ. Bà bảo bà cũng không có quyền ép anh, nhưng nếu anh thương mẹ thì hãy chấp nhận Gấm. Có một nàng dâu như Gấm bà thật yên lòng. Từ khi có cô bà đỡ vất vả nhiều. Tuy là thuê cửa hàng, nhưng cô chẳng khác gì đứa con ngoan trong nhà. Cô giúp bà mọi việc. Có cô, nhà cửa, bếp núc bà chẳng phải nghĩ. Khi trái nắng, trở trời, chẳng phải lo. Đẹp người đẹp nết như Gấm mà Quang chê thì bà chẳng còn biết làm sao. Sáng hôm sau Quang đi, anh nhắc mẹ hãy giữ khoảng cách với Gấm, và việc cho thuê cửa hàng, mẹ nên làm giấy tờ cho chặt chẽ. Không hiểu sao Quang rất ngại nhìn thẳng vào mắt cô gái. Anh nói với mẹ cái linh cảm không yên ổn trong lòng rồi ra ga. Anh phải chuẩn bị cho triển lãm đầu tiên của ah tại Hà Nội. Quang thở dài, thế là vì cô gái đẹp người đẹp nết mà mẹ con anh chẳng còn chút thì giờ tình cảm với nhau.

Triển lãm tranh của Quang gây được nhiều ấn tượng cho người xem. Người ta thích những bức tranh trừu tượng của anh. Hòa sắc, đường nét có mầu thần bí, mặc sức cho tưởng tượng, cảm xúc của mỗi người. Quang ngờ ngợ nhận ra người quen. Anh chạy lại và nhận ra cô gái anh gặp trên tàu hôm về thăm mẹ. Cô đang nheo mắt ngắm tranh. Anh đứng yên lặng chờ cho cô nhận ra anh. Cô vẫn say sưa với bức tranh, cô nghiêng đầu nheo mắt rồi lùi xa bức tranh một chút cho hợp với tầm ngắm. Và cô đã dẫm phải chân anh khi đang lùi. Cô vội quay lại xin lỗi. Khi nhận ra anh, cô reo lên:

- Ôi! Lại gặp anh! Anh cũng thích hội họa à?

Quang tủm tỉm. Khi biết chính anh là tác giả của những bức tranh, cô gái đã biểu lộ sự ngạc nhiên đầy thích thú. Cô vội chỉ vào bức tranh trước mặt, hỏi anh:

- Em đang ngắm nghía bức tranh này, và tự hỏi không biết cái tên bức tranh có liên quan gì đến tên bài thơ...

- Cô thông minh lắm! Tôi đặt tên cho bức tranh là: "Bụi hồng" cũng là vì những cảm xúc của bài thơ khiến tôi vẽ bức tranh này.

Cô gái à lên một tiếng. Đôi má cô bỗng ửng đỏ, đôi mắt nhiều lòng đen chợt sáng. Cô lại chăm chú ngắm tranh. Bức tranh thật đơn giản. Một làn tóc rối tung, một đôi mắt ngơ ngác trong vũ trụ bao la, huyền ảo. Chỉ có vậy mà thật là ấn tượng. Cô gái buột miệng: "... Nhỏ nhoi thế... Mông lung thế... Bụi hồng vương vít thế!...". Quang giật mình. Thì ra, chẳng phải mình anh thích bài thơ "Bụi hồng". Quang định nói điều gì đấy với cô gái thì một đứa bé cầm que kem chạy ùa vào đưa cho cô giọng ríu rít: "Dì Bội Hương, dì ăn kem đi, cháu và mẹ ăn rồi". Bội Hương cầm que kem rồi dịu dàng quay lại đưa cho Quang: "Anh Quang, em mời anh!". Quang không cầm kem, anh trợn mắt lên vì ngạc nhiên. Thì ra cô là thi sĩ Bội Hương, là tác giả của "Bụi hồng". Cô gái đưa que kem lại cho cháu rồi mở túi lấy ví ra. Cô lấy một danh thiếp đưa cho Quang. Cô nói, giọng thật êm: "Em rất cảm ơn anh về những tình cảm anh dành cho "Bụi hồng", em rất thích tranh của anh, nhất là bức "Bụi hồng". Khi nào rảnh mời anh tới chơi, hoặc tiện đường, ời anh ghé vào tòa soạn, em xin phép ạ!". Cô cúi đầu chào anh thật lịch lãm. Bộ váy áo chẽn mầu đỏ thẫm làm nổi bật đường nét trên thân thể cô. Tròn lẳn, dịu mềm. Quang sững người nhìn theo hút Bội Hương và cứ đứng ngẩn mãi giữa phòng tranh.

Quang mua một bó hoa thật đẹp, anh tìm đến nhà nữ sĩ. Muốn dành cho cô một bất ngờ nên anh không gọi điện trước. Căn hộ nhỏ tầng một tập thể không sang trọng nhưng rất nên thơ với những chậu cảnh và cả một giàn hoa ti-gôn che rợp mát trước cửa. Quang hồi hộp bước tới, nhưng cửa khóa, Bội Hương không có nhà. Một cô gái ở nhà bên mở cửa đi ra, thấy Quang đứng tần ngần trước cửa nhà Bội Hương, cô gái nhoẻn cười:

- Anh đến thăm thi sĩ phải không? Không có hẹn trước à? Lại còn hoa nữa. Lãng mạn quá. Không biết thi sĩ đi đâu nhỉ?... Hay anh vào nhà em ngồi chơi chờ cho đỡ mỏi. Hay là anh vội không chờ được thì cứ đưa hoa em giữ hộ, anh cứ cài cái các vào, em thấy người ta vẫn làm thế, rồi em đưa hộ... Hay là anh không thích, anh không thích phải không? Thì thôi vậy.

Cô gái ăn mặc cộc cỡn, sặc sụa mùi nước hoa ấy tuôn ra một tràng dài chẳng để cho Quang lựa chọn. Anh vừa định mở miệng thì cô lại nói tiếp: "Cái cô thi sĩ xấu ỉn thế mà đào hoa gớm. Này, em trông anh hình như còn kém tuổi nàng, anh đẹp trai như nghệ sĩ thế mà... Chắc lại mê mẩn vì những vần thơ chứ gì?...".

Cũng may, đúng lúc Quang không muốn nghe thêm và chưa biết tiến lùi ra sao thì Bội Hương về. Cô gái nguẩy một cái, bỏ đi. Bội Hương nhìn theo cô bằng ánh mắt khó chịu rồi vội vui vẻ mở cửa mời Quang vào nhà.

Căn phòng nhỏ, ngăn nắp, sạch sẽ. Bộ sa-lông đệm mềm kê sát góc trong. Cái giường cá nhân có đệm, trải khăn rủ xuống tận đất như giường công chúa kê dưới cửa sổ. Bội Hương mời Quang ngồi. Quang đưa bó hoa cho Bội Hương và ngồi xuống sa-lông. Bội Hương cảm ơn anh rất nhẹ rồi đi lấy lọ cắm hoa đặt lên bàn. Cô tráng ấm pha nước trong khi Quang vẫn ngắm nghía căn phòng ấm cúng của cô. Bên trong là một phòng nhỏ hơn có một bàn nhỏ, chắc là nơi cô ngồi viết lách. Khu bếp và vệ sinh hẹp, kéo dài theo hai phòng. Bội Hương đưa nước mời Quang:

- Em mời anh xơi nước. Nhà em chật chội quá phải không anh?

- Chật, nhưng rất xinh xắn và ấm cúng. Có điều, em thích tranh thế mà sao chẳng treo bức nào?

Bội Hương cười dịu dàng:

- Tại em chưa chọn được bức nào vừa ý.

Quang à một tiếng:

- Thi sĩ khó tính ghê, thế bức "Bụi hồng", em thấy thế nào?

- Em không dám!

Có tiếng chuông điện thoại. Bội Hương xin lỗi Quang và nhấc ống máy:

- A-lô! Dạ! Em chào anh ạ!... Em nghỉ ạ!... Ôi, rồng định đến nhà tôm ạ?... Vâng ạ! ... Nhưng... - Bội Hương nhìn Quang. Quang xua tay ý bảo đừng quan tâm đến anh. Bội Hương nói tiếp - Dạ! Em mời anh đến chơi ạ!

Giọng cô ngọt ngào quá. Quang chợt hiểu ra vì sao anh không còn ấn tượng về vẻ xấu xí của cô lúc mới gặp. ánh sáng trí tuệ và sự dịu dàng của cô đã cuốn hút, khiến người ta quên đi cái hình thức bề ngoài. Thấy cô sắp có khách, Quang đứng lên định về nhưng cô đã giữ anh lại. Cô nói đó là một nhà văn lão thành, chắc khi gặp anh cũng thích. Quang ngồi lại. Anh trò chuyện với cô một hồi và phát hiện là cô rất ý nhị, hóm hỉnh. Khi nói đến cô hàng xóm. Bội Hương nói ngắn gọn: "Thuộc tầng lớp dưới đáy. Chồng cô ấy nghiện hút mới bị bắt. Còn cô ta...! - Bội Hương khẽ nhún vai - Nhà nước phân cho em căn hộ này, em làm sao có thể chọn hàng xóm!".

Ông nhà văn lão thành đến, có một cậu nhà thơ trẻ đi tháp tùng. Bội Hương vội giới thiệu mọi người với nhau. Quang cúi chào. Ông nhà văn khẽ gật, rồi ngồi xuống ghế. Dáng điệu ông cho người đối diện trước tiên thấy rõ uy quyền ông, dù chưa biết tài năng ông thế nào. Bội Hương mời tất cả ở lại dùng bữa. Cô thật khéo léo và nhanh nhẹn. Câu chuyện của mọi người vừa đủ hiểu sơ về nhau cô đã chuẩn bị xong. Có chả nướng mua ngay chợ gần nhà. Mực thì cô nướng bằng cồn. Một ít giá đỗ xanh trộn dấm. Một đĩa hạt điều. Đó là món nhắm. Còn no thì mỗi người một, hoặc hai cái bánh bao. Cô lôi từ tủ ly ra đủ thứ đồ uống: rượu Tây, bia, rượu quốc lủi để tùy theo ý mỗi người. Ông nhà văn uống rượu quốc lủi. Quang uống bia. Bội Hương và cậu nhà thơ uống rượu Tây. Tửu lượng Bội Hương khá cao. Rượu làm cho má cô hây hây hồng, đôi mắt long lanh. Giọng nói cao hơn, hoạt bát, thâm thúy. Cô đọc mấy bài thơ mới sáng tác cho mọi người nghe... Chủ yếu là cho ông nhà văn nghe. Một Bội Hương khác hẳn cô gái xấu xí trên tàu hỏa ngày mưa. Cô đang trong cơn say. Cô say rượu hay say thơ?! Quang ăn ít, uống ít. Anh quan sát mọi người, ngắm nhìn Bội Hương và tự nhiên anh muốn vẽ. Quang lấy cuốn sổ và cây bút chì ra nheo mắt ngắm nghía. Chỉ nửa tiếng sau đã có bức ký họa. Ông nhà văn có vẻ khó chịu. Cậu nhà thơ trẻ trầm trồ. Bội Hương đứng lên nhìn bức ký họa của Quang rồi thốt lên: "Ôi! Giống quá! Nhưng anh Quang nịnh mẫu quá! Em mà được như thế này ạ?". Cuộc vui tàn vào lúc trời sẩm tối. Quang tặng bức chân dung ký họa cho Bội Hương. Cô bắt anh đề tặng, đề ngày tháng và ký tên vào đàng hoàng rồi mới nhận. Khi nhận, không biết do đã ngà say hay cố ý, Bội Hương chúi đầu về phía trước, mặt cô gần áp sát mặt Quang. Hơi thở thơm nồng của cô lướt trên má Quang làm anh bủn rủn. Ông nhà văn lão thành nhăn mặt. Ông đứng lên ra về. Ra khỏi cửa ông chợt quay lại. Bộ mặt ông nghiêm trang, giọng ông oai vệ: "Đưa mấy bài thơ cho tôi. Dùng được đấy. Nhưng để tôi sửa chút ít cho phù hợp". Bội Hương cuống quýt dạ vâng lao vào lấy bản thảo đưa cho ông nhà văn bằng cả hai tay. Cô cúi đầu thật thấp và cứ luôn mồm cảm ơn sự quan tâm của ông. Quang hơi khó chịu. Anh ra về với cảm giác cồm cộm về cách cô khúm núm với bề trên. Tuy nhiên điều đó cũng chỉ thoáng qua. ấn tượng mạnh mẽ từ cô gái vẫn rõ nét, ấn tượng và cảm xúc ấy đã theo anh về nhà, lên giường, và đi luôn vào giấc mộng!

Bức "Bụi hồng" được treo vào giữa mảnh tường chính căn phòng ấm cúng của Bội Hương. Tuy Quang kém Bội Hương bốn tuổi, nhưng họ đã trở thành một cặp tuyệt vời. Say nhau, say thi họa, say rượu và những giấc mơ về tài năng của nhau. Quang không dám đặt vấn đề với mẹ. Bội Hương đã qua một đời chồng nên việc kết hôn lại cũng phải cân nhắc. Già nhân ngãi, non vợ chồng. Họ đưa nhau vào những cơn yêu mê đắm. Họ tận hưởng nhau, tận hưởng hương vị ngọt ngào của tình yêu đầy thi vị, không hôn nhân, không ràng buộc. Quang thường về thăm mẹ nhưng tuyệt nhiên không hé răng về mối quan hệ của mình ở Hà Nội. Mẹ vẫn hy vọng, vẫn vun vén mối quan hệ với cô gái mà mẹ mơ ước thành dâu của mẹ. Gấm càng ngày càng gắn bó với mẹ. Cô đảm đang việc nhà việc cửa cho mẹ, săn sóc, yêu chiều, nâng giấc mẹ nên trông mẹ khỏe khoắn. Mỗi lần về chơi thăm mẹ, Quang lại giật mình vì nhiều thứ trong nhà, Quang phải hỏi qua Gấm mới biết cặn kẽ. Gấm nồng nhiệt tự tin nhưng vẫn giữ được cái kín kẽ của cô gái tỉnh lẻ. Quang muốn nói với cô để cô đừng hy vọng. Quang muốn nói với mẹ để mẹ hiểu và thông cảm cho anh, nhưng lần nào cũng vậy, anh không mở được miệng. Rồi anh lại ra đi sau khi được Gấm và mẹ tiếp đãi ân cần như đãi khách. Gấm lao vào cơn mê với giấc mộng làm chủ căn nhà, làm dâu hiền của mẹ, vợ đảm đang của nghệ sĩ lớn trong tương lai (Chẳng hiểu sao cô nghĩ thế). Cô tận tụy, và kiên trì chờ đợi. Mẹ nhìn anh bằng ánh mắt dò xét và mẹ cũng kiên trì chờ đợi. Lần nào cũng vậy. Quang về thăm mẹ cho phải phép rồi lại nhanh chóng lên Hà Nội. Anh đã ngấm nàng thi sĩ như ngấm thứ men khó cai bỏ. Bội Hương cũng vậy. Họ say nhau nên hầu như ngoài công việc, họ đã dành trọn thời gian cho nhau. Mặt khác, men tình cho đôi nghệ sĩ một loạt tác phẩm mới. Nhưng không hiểu vì sao những bài thơ theo chủ quan của Bội Hương thì đó là những bài thơ hay lại không được dùng. Quang cũng không được yên ổn vì vụ vẽ tranh khỏa thân. Thực ra Quang chỉ vẽ Bội Hương. Người con gái có bộ mặt không xinh đẹp này, với đôi mắt tinh tường của họa sĩ, ngay trong lần mới gặp, chưa có tình cảm, anh đã nghĩ thầm rằng: Cô này cấu cái đầu vứt đi, cũng không đến nỗi. Bội Hương quả có một cơ thể đầy hấp dẫn. Thân thể đầy đặn, săn, lẳn, cân đối cùng nước da bánh mật mỏng tang khêu gợi. Quang đã để rất nhiều thời gian để vẽ Bội Hương. Cả hai đều kín đáo thế mà cũng không giữ được bí mật. Lời ra tiếng vào rằng Quang đam mê, chểnh mảng công việc. Rồi đột nhiên anh được cử đi công tác miền núi. Quang nằm thừ trên giường hút gần hết bao thuốc. Anh hiểu rằng không phải chỉ vì những bức tranh, hay chểnh mảng công việc. Có cái gì đấy mơ hồ, lơ lửng, khó nắm bắt. Quang đến Bội Hương. Cô cũng đang buồn. Bội Hương bảo: "Một loạt bài của em khá hay và cũng chẳng phạm gì thế mà bị để lại hết. Mấy tháng nay em chỉ trần trụi có lương thôi". Và... Cô như chìm vào một cơn mê, tiếng cô nhỏ như cơn gió thoảng lẫn trong tiếng thở dài: "Cái mộng phó tổng biên tập, thế là...!". Hôm ấy họ đi ăn hiệu. Quang vừa nhận được thư và viện trợ của mẹ. Trong thư mẹ nói bóng gió về những thu nhập của mẹ nhờ sự đảm đang của Gấm. Không cần biết. Quang không hề giải trình với Bội Hương về nguồn kinh tế của anh. Bội Hương luôn được anh chiều chuộng, chu tất. Quang để lại cho cô một khoản tiền rồi đi công tác. Sáu tháng tại một miền khỉ ho cò gáy buồn thê thảm, dài bằng sáu thế kỷ. Quang tốn không biết bao nhiêu tiền điện thoại đường dài để tâm sự với Bội Hương. Khi anh về Hà Nội thì lại đến lượt Bội Hương đi công tác. Cô đi thực tế để viết. Họ được ở bên nhau vẻn vẹn có hai ngày. Bội Hương bảo Quang: "Hay là sau lần công tác này mình tổ chức béng cho danh chính ngôn thuận anh nhỉ?". Quang ngồi thừ ra hút thuốc. Anh chưa dám nghĩ đến chuyện hôn nhân với Bội Hương dù anh yêu cô đến cuống cuồng. Nhiều lý do trong đó chủ yếu là vì mẹ mà anh chưa thể... Bội Hương không nói thêm, Quang tiễn cô ra tàu. Họ tranh thủ ngồi bên nhau trên ghế tàu hỏa. Toa tàu nhắc họ nhớ lại lần gặp đầu. Bội Hương ngồi im lặng, mơ màng... Trông cô thật dịu dàng. Quang nắm lấy bàn tay mềm như tay trẻ con của cô, anh thì thầm: "Đừng đi lâu em nhé!". Mắt Bội Hương hơi ướt. Cô ngả đầu vào ngực anh, im lặng... Quang còn đứng dưới sân ga rất lâu sau khi tàu chạy.

Tranh thủ lúc Bội Hương đi vắng, Quang kết hợp với một người bạn có cửa hàng quảng cáo. Anh muốn kiếm thêm để khi Bội Hương về tiêu cho thoải mái và có công việc cho đỡ buồn nhớ. Quang cũng muốn dành cho cô một bất ngờ nữa, anh mua cho cô một đầu vi-đi-ô để xem băng và một loạt băng ca nhạc hay. Sau chuyến đi căng thẳng, về nhà thấy nhà cửa vẫn ngăn nắp sạch sẽ, có hoa tươi và lại có băng nhạc. Bội Hương thấy vô cùng hạnh phúc. Cô lại suýt buột mồm nói đến hôn nhân nhưng cô kịp kiềm chế và chỉ nói nhỏ: "Một chốn đôi nơi, mệt, phải không anh?!". Quang chỉ mỉm cười, im lặng. Đã lâu mới được ở bên nhau, đêm ấy họ ngủ rất ít và hôm sau họ cùng dậy muộn, như đôi uyên ương, quấn quýt không rời. Nhưng Quang nhận được điện mẹ ốm nên phải xin nghỉ về thăm, vì vậy họ lại phải xa nhau. Gấm bảo gần đây mẹ hay sốt về chiều, cô muốn đưa mẹ đi khám nhưng mẹ không chịu, Quang lựa lời để đưa mẹ đi mẹ nhất định không đi. Không hiểu sao mẹ sợ bệnh viện đến thế. Mẹ bảo: "Mẹ sợ vào bệnh viện rồi không về nhà được nữa, mẹ sợ chết ở bệnh viện". Quang nhăn mặt vì lời nói gở của mẹ. Anh thấy nôn nao, xót xa thế nào ấy nhưng anh nhớ Bội Hương nên cứ đứng ngồi chẳng yên. Thấy Quang như vậy mẹ thở dài rồi bảo anh: "Con sốt ruột thì lại ra Hà Nội đi, mẹ chẳng sao đâu, mà ở nhà cũng chẳng giải quyết được gì". Quang thấy có cái gì vừa ảm đạm vừa tấm tức trong câu nói của mẹ. Anh bảo ngoài Hà Nội đang rảnh, anh cũng chưa phải đi ngay. Tự nhiên anh có linh cảm không yên ổn trong lòng và anh muốn ở nhà vài ngày quan tâm mẹ cho mẹ vui. Mẹ bảo: "Hôm nọ xem ti-vi, thấy người ta giới thiệu tranh của các họa sĩ, cái Gấm cứ nhìn mãi xem có tranh của con không. Mẹ bảo nó là con mới lớn lên, còn phải phấn đấu". Quang bật thở dài, anh ngồi thừ một lúc, rồi nghĩ thế nào anh bần thần dựng giá vẽ lên. Anh bảo Gấm mượn mẹ bộ đồ của bà mà mẹ vẫn giữ làm kỷ niệm mặc vào. Trông cô hệt cô thôn nữ cổ xưa. Cái áo nâu cài hờ cúc để lộ cái yếm đào với bộ ngực căng tròn trông Gấm đầy sức sống. Quang đạo diễn cho Gấm ngồi trên cái chiếu hoa rải ở thềm nhà sân trong, lưng tựa vào cột gỗ lớn, bên cạnh có chậu trúc quân tử vươn thẳng, xanh rờn, tóc Gấm dài và đen nhánh xõa trước ngực, mắt mơ màng, tay cầm lược chải tóc, ngồi mẫu cho anh vẽ. Gấm vốn bạo dạn thế mà thấy anh cứ nheo nheo mắt ngắm nghía cô kỹ lưỡng, cô bỗng e lệ, hai má đỏ ửng vì ngượng. Quang miệt mài vẽ. Mẹ như hết cả ốm. Mẹ mừng thầm và hy vọng lắm. Nhưng Gấm rất tinh. Cô hỏi anh: "Sao bỗng nhiên anh Quang lại rỗi rãi thế? Chắc hai người giận nhau phải không?". Quang ngỡ ngàng một chút rồi chợt hiểu, anh vờ buồn rầu rồi gật đầu. Anh cũng muốn nhân dịp này tỏ chính kiến để cô đừng tìm cách ràng buộc mẹ và anh. Gấm chỉ thoáng buồn, cô chẳng nói gì và vẫn kiên trì ngồi mẫu. Bức chân dung thành công ngoài ý tưởng của Quang. Thực thì anh chỉ định vẽ cho khuây khỏa, không ngờ... Có lẽ vì từ lúc nghe Quang thừa nhận có người yêu, Gấm buồn, nên thần thái bức tranh mới tuyệt vời đến vậy. Cô thôn nữ ngồi bâng khuâng, mắt buồn ngơ ngẩn, nhìn vào một cõi xa xăm, đợi chờ. Đúng vậy. Quang quyết định đặt tên cho bức chân dung là "Đợi". Quang ngắm nghía cô thiếu nữ trong tranh và cứ ngẩn người ra. Ngẩn ra đầy cảm xúc với tác phẩm nhưng vẫn không thay đổi cảm xúc với người mẫu.

Quang lại ra Hà Nội. Trước khi đi anh cảm ơn Gấm về bức họa và cả những quan tâm săn sóc của cô với mẹ. Anh cũng nói để cô biết dù mẹ không bằng lòng anh vẫn quyết tâm lấy vợ Hà Nội. Quang dặn cô đừng cho mẹ biết, khi nào phù hợp anh sẽ tự nói. Anh ra đi và mừng thầm là đã có dịp tỏ rõ lập trường. Quang không thể ngờ rằng đó là lần gặp mặt cuối cùng của anh với mẹ. Vì vừa ra Hà Nội anh đã phải nhận lệnh đi công tác xa. Chuyến đi tra tấn hơn là đi đày đối với anh. Bội Hương khóc, cô nói với anh về một ý nghĩ luôn ám ảnh cô, tuy rất mơ hồ nhưng hình như có cái gì đó luôn cản trở hai người. Quang chẳng nói gì, anh lì lợm ra đi.

Tám tháng sau Quang mới được trở về. Anh không về nhà ngay mà lao ngay đến chỗ Bội Hương. Cửa khóa, cô gái nhà bên chạy lại nhìn anh với cái nhìn vừa như khiêu khích, vừa như thương hại. Cô bảo Quang: "Thì ra là anh vẫn còn tồn tại, em lại cứ tưởng?...". Quang ngớ ra một chút rồi anh theo vào nhà cô một cách vô thức. Cô rót nước mời anh, chẳng cần để anh hỏi, cô vanh vách về những quan hệ của Bội Hương. Cô tuôn ra một tràng không sao ngăn nổi: "Em đã bảo anh mà, nhà thơ là lãng mạn lắm. Trên cả lãng mạn nữa là khác. Hay ho gì đâu mà lúc nào cô ta cũng vênh váo, lúc nào cũng làm bộ làm tịch, khinh bỉ người khác, làm như mình cao quý trong sạch lắm không bằng. Không phải em buôn chuyện đâu, thấy anh tử tế, em sợ anh bị lừa nên em mới... Em hỏi thật, anh có biết cái chuyện vì cô ta lãng mạn, ngoại tình nên chồng cô ta mới uất lên, sinh bệnh mà chết không? Không biết chứ gì? Anh cứ điều tra đi. Ôi! Thật là giả dối! Thật là bẩn thỉu! Lắm lúc em chỉ muốn lột cái mặt nạ đạo đức giả của cô ta ra cho bõ ghét! Em nói thực đấy!". Lòng Quang như lửa đốt, không thể nghe thêm, anh ngắt lời cô gái: "Xin lỗi, cô nói là...". Cô gái lại cướp lời anh ngay: "Em nói là anh bị lừa đấy, anh ra rìa rồi, không tin anh cứ chờ mà xem. Mà này, anh có muốn xem tận mắt không?". Cô hỏi rồi thì thầm một hồi khiến Quang chóng mặt. Anh không chịu đựng được thêm, đứng dậy ra về. Chẳng buồn tắm rửa, Quang nằm thừ trên giường... Tại sao Bội Hương không ra đón anh? Hay cô có công tác đột xuất? Hay là? Dù gì thì cũng phải gặp mới biết được. Anh nghĩ đến lời thì thầm mưu mẹo của cô gái, anh bật dậy và lại đến chỗ Bội Hương. Cô vẫn chưa về, cô gái bên cạnh cũng đi vắng. Một thôi thúc kỳ lạ dâng trong lòng, Quang vội lấy chìa khóa mở cửa nhà Bội Hương. Có cái mùi là lạ lẩn quất trong căn phòng. Quang đi một lượt kiểm soát, đó là mùi thuốc lá quện lẫn mùi rượu thịt, cả mùi hôi nách nặng của ai đó còn lưu lại. Cái gạt tàn đầy ắp các mẩu thuốc, chai rượu và một ít đồ ăn dở vứt bừa trên bàn tỏ rằng chủ nhân không đi xa. Quang thấy nhói trong lòng, tự nhiên những câu thầm thì của cô gái lại vang lên. Một quyết tâm khiến Quang run rẩy, Quang vội mở cái lỗ tròn trên cửa, lấy cái khóa thò qua lỗ, khóa trái cửa.

Anh đi vào phòng trong, nhanh chóng thu xếp một chỗ ẩn mình an toàn sau cái giá gỗ. Cũng may là anh không phải chờ lâu. Có tiếng mở cửa rồi Bội Hương cùng một người nữa vào nhà. Quang nhìn qua cái khe cửa sổ thông ra buồng ngoài, anh bỗng giật mình vì người đến cùng cô không phải thanh niên đẹp trai nào mà chính là ông nhà văn lão thành. Ông ta đóng cửa sổ, kéo rèm, bật ngọn đèn ngủ đầu giường rồi thản nhiên nằm ngả trên giường. Bội Hương rót nước cho ông, giọng ngọt ngào: "Anh đói chưa?". Ông nhà văn lắc đầu. Bội Hương vội dọn dẹp các thứ trên bàn rồi đun nước pha cà-phê. Cô pha cho mỗi người một ly cà-phê sữa. Ông uống một cách khoan khoái. Bội Hương bảo: "Em quyết định tối nay đi ăn hiệu, để có nhiều thời gian với anh, anh thấy thế nào?". Ông nhà văn cười, mặt rạng rỡ thỏa mãn. Bội Hương lấy ra một tập bản thảo đưa cho ông, cô bảo: "Đấy, để anh  toàn quyền lựa chọn, em làm sao biết bài nào là phù hợp". Ông nhà văn đeo kính lên, ông đọc và bảo cô: "Mấy bài như "Xóm nghèo", "Em tôi", "Xã viên mới", "Quê cha", tốt đấy!". Bội Hương nũng nịu: "Khiếp! Toàn là những bài...". Ông nhà văn nhăn mặt: "Sao? Không thích à? Thế mấy bài này không phải em đẻ ra sao? Hay chúng chỉ là con hoang của em thôi? Hay muốn đưa bài "Bụi hồng"? Này, anh cảnh cáo cô đấy!". Bội Hương xịu mặt, cô đưa tay vuốt lên má ông một cách âu yếm: "Anh! Lại thế rồi!". Ông nhà văn nắm tay cô và kéo luôn cô xuống giường. Ông tỉ mỉ cởi áo ngoài, áo trong của cô. Và... cái đầu thưa tóc của ông nhà văn già cứ hì hụi hoài trên ngực cô thi sĩ. Quang không dám tin vào mắt mình, anh bủn rủn chân tay, một cử động nhỏ không kiềm chế của anh gây tiếng động khiến ông nhà văn giật mình. Ông hỏi sửng sốt: "Có người à?". Bội Hương thì thầm: "Làm gì có, chắc là chuột!...".

Xong việc, họ lại chỉnh tề ngồi xuống sa-lông, trở lại những chuyện nghiêm túc. Ông nhà văn châm thuốc hút, ông e hèm một cái rồi nói bằng cái giọng vừa sang vừa hách muôn thuở của ông: "Anh sẽ cho người "Khênh kiệu" cho cô, giao cho nó viết một bài ca ngợi đăng trên báo. Sau bài báo, khẳng định những ưu điểm và tài năng của tác giả cho có tiếng vang rồi lúc ấy mới đề bạt, như thế mới chắc ăn, em bé hiểu chưa?". "Dạ, em hiểu ạ, em cảm ơn anh ạ!". "Ơn với huệ gì? Này, lên ghế phó tổng biên tập, oai quyền rồi, vẫn cho anh uống cà-phê chứ? Hử?". Bội Hương nghoẹo đầu, cô đưa tay khẽ dúi vào người ông một cái, giọng nũng nịu: "Cái anh này! Ghét anh lắm! à, thế còn giải thưởng thì thế nào hả anh?". Ông nhà văn hơi sững người. Thoáng cái cảm giác như chợt tỉnh một cơn mê, ông thấy hơi lạnh ở sống lưng, nhưng vốn là người có bản lĩnh, ông trấn tĩnh lại rồi toét miệng cười thật tươi và đưa tay bẹo má Bội Hương. Mắt ông già ánh lên một tia sáng ranh mãnh: "Em là tham lam lắm! Không định để anh mất hết vì em đấy chứ? Vừa vừa thôi cô bé nhá!".

Cũng may mà vở diễn kết thúc sớm. Họ đưa nhau đi ăn hiệu sau những thỏa mãn và cả những thỏa thuận nên thơ đầy tế nhị. Quang thò tay ra mở khóa, tay anh run bần bật. Khi anh về được đến nhà thì trời bắt đầu tối. Quang nằm lì trên giường không ăn uống. Người anh như lên cơn sốt. Gần khuya có tiếng điện thoại. Quang đoán là của Bội Hương nên anh không bắt máy. Sáng hôm sau Quang mở thùng thư, có một số thư từ và hai bức điện của Gấm, anh vã mồ hôi hột vì cái tin mẹ đã qua đời. Quang tức tốc ra ga về quê. Ngồi trên tàu Quang không nhịn được, anh cứ khóc tức tưởi, chẳng quan tâm đến sự chú ý của mọi người chung quanh. Bởi vì nước mắt tự nó tuôn chảy, Quang không kiềm chế nổi, nỗi đau cộn cạo ruột gan. Tất cả đều tại anh, vì không muốn mẹ và Gấm kiểm soát nên anh chỉ cho mẹ địa chỉ chỗ ở chứ không cho địa chỉ cơ quan, vì vậy trong quá trình anh đi xa, Gấm không liên lạc được. Quang lại giở hai bức điện ra, anh cố bình tĩnh nhìn vào ngày tháng trong từng bức điện: "Mẹ mệt nặng, anh về ngay", "Mẹ mất, anh về ngay". Hai bức điện cách nhau có năm ngày. Mẹ mất như vậy là mới có bốn ngày. Quang ngơ ngẩn, mặt anh thộn ra: Tháng trước anh gọi điện về nhà, Gấm ra bưu điện thay mẹ, cô còn bảo mẹ vẫn khỏe, sao lại có thể thế chứ?!...

Xuống tàu, Quang lao như điên ra ngoài tìm xe về nhà. Gấm khóc thút thít. Cô vẫn hàng ngày cúng cơm cho mẹ. Cô đưa anh ra mộ. Mọi chuyện cô lo chu đáo. Quang tái ngắt cả người. Anh không khóc được nữa. Bao nhiêu nước mắt anh đã khóc cạn trên tàu. Gấm thắp nhang cho Quang cúng mẹ xong cô dọn cơm cho anh ăn. Anh không nuốt nổi, cứ nhìn trân trân lên cái ảnh của mẹ trên bàn thờ. Gấm đưa cho anh sổ gửi tiền, chứng minh thư của mẹ anh, cô bảo: "Có anh về rồi em xin giao lại nhà, anh xem thế nào có thể về giữ lễ cho mẹ. Mẹ bảo bốn chín ngày đưa mẹ lên chùa và làm cơm mời họ hàng". Quang thừ người, anh thẫn thờ như người mất hồn. Anh làm sao gánh vác nổi trọng trách này? Những công lao của Gấm đối với anh và mẹ lấy gì để bù đắp cho xứng đây? Quang bảo cô: "Anh không thể chỉ nói lời cảm ơn em. Em đã làm cho mẹ, cho anh những điều không thể chỉ nói lời cảm ơn mà được". Gấm vội gạt đi, cô giao chìa khóa nhà cho anh rồi ra về, Gấm bảo nếu cần gì anh cứ gọi. Một mình trong căn nhà rộng mênh mông, mùi khói hương u uẩn âm thầm, Quang thấy rờn rợn cô đơn và hụt hẫng. Phải làm gì bây giờ? Quang cứ đi ra rồi lại đi vào. Căn nhà thiếu chủ, anh có thể làm chủ được sao? Người làm chủ phù hợp nhất mẹ đã lựa chọn là Gấm, người mà Quang hết sức cảnh giác ấy, lúc này đã bỏ đi. Quang mặc quần áo vào và tìm đến nhà Gấm nhưng cô không có nhà. Quang qua chợ tìm mua hoa quả về thay đồ lễ trên ban thờ, thắp nhang cho mẹ. Trong lúc dọn dẹp Quang phát hiện thấy bức tâm thư của mẹ dưới đế cái mâm bồng. Trong thư mẹ nói rõ ý nguyện của mẹ: Gấm không là dâu được thì mẹ nhận Gấm là con gái, cô có ngang quyền với Quang về mọi mặt thừa kế. Quang lại thừ người ra. Gấm đã không đưa chúc thư của mẹ cho anh. Số tiền mẹ gửi ngân hàng khá lớn cô đã đưa sổ lại và đã trả nhà cửa cho anh đàng hoàng. Anh đã nhầm đến mức không thể tha thứ. Quang lại lao ra ngoài tìm Gấm. Cô từ chối lời đề nghị của anh về mọi quyền lợi. Còn việc hương khói, và những nguyện vọng của mẹ về chùa chiền, họ hàng cô hứa sẽ giúp anh, cũng là nguyện vọng của cô vì cô coi mẹ như mẹ của mình. Cuối cùng vì sự khẩn khoản của Quang cô chấp nhận vẫn tiếp tục ở nhà anh, mở hàng may như cũ, giữ lễ cho mẹ trong thời gian Quang không có nhà, anh chưa thể bỏ cơ quan và công việc mà về.

Hà Nội đang mùa đông, gió rít từng cơn lạnh buốt. Quang lững thững đi bộ cho ấm. Anh đến quán bia quen thuộc. Giới văn nghệ thích tụ tập ở quán này. Bàn nào cũng đã chật người. Chủ quán thấy người quen vội cười tươi và thu xếp chỗ cho Quang. Anh ngồi vào bàn, ăn uống bâng quơ, lòng nặng trĩu. Bàn tay ai đó bỗng vỗ mạnh vào vai anh: "Thế nào! Họa sĩ! Khao đi chứ! Tác phẩm được giải mà định lờ anh em đi đấy à?". Quang nhận ra đồng nghiệp. Anh bảo xin sẵn sàng, rồi gọi thêm bia và đồ nhắm. Bức lụa anh vẽ Gấm không ngờ lại được giải thưởng. Điều đó chẳng khiến anh hết u sầu. Để tiếp bạn, Quang cũng không nhớ đã uống thêm bao nhiêu vại nữa. Cũng chẳng biết người bạn ra về vào lúc nào. Trong cơn tỉnh tỉnh, say say Quang nghe thấy mấy bậc văn nghệ sành sỏi bét nhè ở bàn bên đang tranh luận. Họ đang triết lý thật ồn ào, thật sôi nổi về cái đúng, cái sai ở đời. Về cái khôn, cái ngu. Quang bỗng thấy nóng gáy. Anh cố giương mắt lên nhìn kỹ từng người. Hình như họ nhìn anh, hình như họ đang đàm tiếu anh?... Ông nhà văn bảo: "Cái thằng, thế mà ngu bỏ mẹ!". Ông họa sĩ cãi: "Tôi thì tôi lại thấy hắn khôn!". Ông nhà văn lè nhè: "Cũng có thể lắm. Đời là vậy. Thằng ngu có khi lại là thằng khôn, mà thằng khôn có khi lại chính là thằng ngu mà!". Quang lại thấy nóng ở gáy, đúng là họ đang nói anh rồi. Quang dằn cốc bia xuống bàn rồi đứng lên, anh loạng choạng định sang bàn của họ nhưng chân anh run lên, rồi đáng lẽ chạy sang bàn họ để gây sự thì đôi chân mất chủ động của Quang lại đưa anh đi trở ra. Quang bước từng bước chập choạng ra phía cửa... Mà hình như họ cũng có ám chỉ gì anh đâu nhỉ?... Ông họa sĩ chợt cao hứng, ông gõ đũa vào bát, nhòm vào mặt ông nhà văn mà ngân nga, giọng ông hài hước mùi mẫn: "Thôi thôi, ông đừng nói nữa! Em biết tỏng ông rồi! Ông lẳng lơ với bút! Ông bay vút tầng mây! Bảo hạ cánh xuống đây! Ông lại giơ tay chào, rồi vừa gật vừa lắc, hây! Hây! Vừa gật, vừa lắc... Hự... Hự... ừ...! ...". Ông nhà văn gắt: "Thôi đi ông mãnh!". Quang đã ra đến cửa vẫn còn nghe cái giọng lè nhè của ông họa sĩ với lời ca đứt quãng, lởm khởm... Họ đều đã say lắm. Quang cũng khướt cò bợ. Phải cố gắng lắm anh mới vẫy được xe xích lô về nhà. Loay hoay mãi Quang mới mở được khóa, anh bước vào nhà, lơ mơ, phập phõm. Để nguyên áo quần, anh đổ vật xuống giường. Có tiếng chuông điện thoại, Quang cố với máy ấn vào tai. Tiếng của Bội Hương, vẫn cái giọng ngọt ngào, mê mị. Anh nói như trong mơ: "Cô gọi số nào đấy? Nhầm máy rồi!". Nhịp tim Quang bỗng đập liên hồi, co thắt, rồi chìm lỉm. Thân xác anh trùng lỏng, hồn anh chìm trong mơ. Anh mơ đi mơ lại. Mơ ở trong mơ. Chẳng cái gì rõ ràng. Anh ngủ như chưa từng được ngủ, như chẳng hề thức dậy, thật mê mệt, thật đứ đừ.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com