Gà gáy canh ba, bác Sơn thức giấc, quờ tay sang phải, nửa mảnh chiếu lạnh tanh. ủa cô vợ đi đâu rồi kìa, hay cô ấy ra ngoài nhà làm gì đó cho đỡ mắc cỡ, đêm tân hôn cô gái nào chả vậy, bác Sơn nghĩ và cảm thấy dễ chịu, đêm hợp cẩn thật tuyệt diệu. Đâu dè, vào tuổi sáu mươi, số phận lại ban cho mình cô vợ, tuy đã một đời chồng, nhưng còn nõn nà lắm. Mảnh tình cuối mùa mà đẹp thiệt, đúng là trời còn thương mình!
Năm Mậu Dần, bác Sơn phát lộc nhất vùng Thủ Thừa này. Vụ dưa hấu giáp Tết trúng lớn. Ruộng dưa nhà bác rộng những sáu công, năm nào cũng thu hơn chục tấn quả. Mấy năm trước bác bán quạ cho lái buôn, tụi nó mua tại ruộng rồi chở về bán cho các điểm bán sỉ ở Sài Gòn. Tụi nó thu lãi hơn cả người đổ mồ hôi, sôi nước mắt gieo trồng, chăm bón. Bao nhiêu màu mỡ bọn thương lái nuốt trọn. Nhưng bác Sơn đâu dễ để tụi nó đớp mãi. Bác rủ mấy người lên Sài Gòn quan sát và thấy chở thẳng đến các mối bán sẽ thu lợi gấp ba lần bán quạ ở ruộng. Thế là bác mướn người hái và tự mình thuê xe tải chở thẳng lên Chợ Lớn bán. Bác đã trúng đậm, thu được gần bốn chục triệu. Ôm một bao tải tiền bác vào siêu thị thửa một chiếc ti-vi và rất nhiều hàng. Từ nay, ngày trồng dưa, đêm về ngó lên ti-vi để thấy được cảnh diễn ra trên thế giới. Bác là người trồng dưa giỏi nhất vùng Thủ Thừa này. Dưa ấy hái cuối tháng chạp để ra giêng vẫn cứ tươi nguyên. Mùa nào cũng vậy, cứ đến Tết Nguyên Đán, bác dành biếu bà con quen biết trong ấp mỗi nhà một quả, gọi là lộc của đất chớ nên hưởng một mình. Nhiều gia đình từ đầu mùa gieo hạt đã đặt trước để đến bác bán cho một cặp để làm quà biếu ba má hoặc sui gia chung bàn thờ tổ tiên. Rất nhiều người gặng hỏi bác: "Có phải vì ông mát tay nên trồng dưa ngon thế không. Thì cũng đất ấy, giống dưa ấy, mà tui trồng nên thứ dưa bở hoét, ăn sật sượng hệt như nhai khoai lang sống". Bác cười đôn hậu: "Có lẽ trời thương nên cho tui được vậy. Chứ tui có tài cán chi hơn cô bác đâu". "Ông quá khiêm nhường. Thiệt ra, trồng cây như nuôi con cái. Người có đức, mát tay bao giờ cũng hơn kẻ khác". Bác đỏ mặt trước những lời khen tặng của bà con lối xóm. Hai năm nay, ở vùng này xuất hiện một cô gái trẻ đẹp thường mang các thứ hàng tạp hóa tới bán. Bác Sơn thường mua bột ngọt, xà bông và các thứ nhu yếu phẩm linh tinh khác. Có hôm trời nắng cô gái nán lại nhà bác trò chuyện. Cô tự xưng tên là út, quê ở Nha Mân, lấy chồng về Tân An. Bác Sơn nói vui: "Con gái Nha Mân đẹp nổi tiếng Nam Bộ, à ghen". Cô gái ngoảnh mặt cười: "Dà, nhưng số cháu vất vả lắm". Bác Sơn cũng không hỏi thêm, chuyện riêng của người ta mình tò mò làm chi. Bác nghĩ vậy và lấy nước mời cô gái, cô gái uống nước và ngắm ruộng dưa trải dài đến xa tít của bác Sơn trầm trồ: "Cháu nghe bà con biểu, ruộng dưa nhà chú tốt nhất cứ này, đúng thiệt". Bác Sơn đáp: "Ruộng đất tốt hay xấu là do mình. Mình siêng làm, biết chăm bón, đất đai màu mỡ, cây trái theo đó mà tốt hơn". Rồi không hiểu rủi may thế nào bác Sơn kể chuyện đời mình cho cô gái nghe: "Đời tui cũng chìm nổi lắm cô út à. Bà xã tui mất để lại cho tui hai đứa con, tui trồng dưa hấu nuôi con ăn học. Bây giờ thằng lớn định cư ở nước ngoài, con út lấy chồng xa. Một mình tui làm sáu công ruộng. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống tui có phần được an ủi, cháu à?". Mấy hôm sau cô út ở lại và hỏi: "Mỗi công đất một vụ thu được bao nhiêu dưa hấu, chú?". "Năm nào trúng mỗi công thu được chừng vài ba tấn". Cô út nhẩm tính một lúc rồi nói: "Vậy là một công thu được hơn hai cây vàng". Bác Sơn đáp thật thà: "Trừ các khoản chi phí, lãi cũng được thế đấy, cháu!". Sau bữa đó, cô út thường ghé nhà bác Sơn trò chuyện. Cho tới một hôm cô xách giỏ đồ áo đến trước nhà bác: "Chú ơi, thằng chồng út rượu chè bê tha lại còn đánh đập út rất tàn nhẫn, nên út đã xin ly hôn. Thôi thì đành chuốc vô tiếng trốn Chúa, lộn chồng vậy?". Nói dứt lời, nước mắt người con gái rơi như mưa khiến bác Sơn xúc động: "Cháu đặt đồ xuống nghỉ chút xíu đã. Người con gái như hạt mưa sa, sa vô chỗ ngon thì hưởng trọn phước đức, còn chẳng may sa vào nơi càn quấy thì phải rán chịu thôi, cháu à?". Cô gái đón ly nước bác trao và thổn thức: "Bây giờ út đã cầm giấy xác nhận ly hôn nhưng không dám về nhà vì sợ ba đánh". Bác Sơn ái ngại: "Tui ở một mình nhà rộng nhưng để cô ở chung sợ bà con lối xóm dị nghị, là sợ mang tiếng cho cháu kìa". Cô gái nhấp một ngụm nước rồi ngước đôi mắt cầu khẩn: "Chú cứ cho cháu nương nhờ, cháu sẽ không làm phiền chú đâu". Hai người trò chuyện một lát nữa, rồi bác Sơn cho cô nghỉ một chỗ ở góc nhà: "Cháu nghỉ tạm đấy, chú sẽ mắc võng ngủ ngoài hiên". Cô gái ở lại một ngày, hai ngày, ba ngày và dần dần trở nên quen thân. Bác Sơn coi cô như một cháu gái đáng thương. Nhưng cô gái lại chăm sóc bác theo kiểu vợ chăm sóc chồng: "Chú... hàng ngày chú thích ăn món gì để cháu làm. Không hiểu sao, nhìn người đàn ông độc thân cháu thương thiệt". Cô gái nói và liếc xéo mắt đưa tình. Bác Sơn cười gượng: "Tui sống vầy cả chục năm nên quen rồi, cô út à?". Cô gái lườm nhẹ, giọng kéo dài ra: "Quen... tại chú gò mình như thầy tu, không chừng ngôi nhà này rồi thành chùa mất". Bác Sơn phì cười, quấn thuốc rê hút, ờ thì vào tuổi lục tuần, mình đâu có ước ao gì hơn cuộc sống hiện tại đâu. Cô út cúi xuống ra chiều cười e lệ, rồi nói nhỏ: "Mà tại tính chú khô khan quá nữa. Chớ ngó chú có... thua gì thanh niên đâu". Hình như mắc cỡ với lời nói hơi thái quá của mình, út vội nói khỏa lấp: "Để cháu đi đun nước, châm trà chú dùng". Bác Sơn ngó theo cô gái xuống bếp, cái cô này cứ châm chọc mình hoài. Từ ngày cô ấy tới đây ở cuộc sống mình cũng đỡ buồn tủi thật, mỗi khi ở ngoài ruộng dưa về, cô ấy đã trao cho mình cái khăn để rửa ráy, bước vào nhà đã có sẵn mâm cơm tỏa khói trên bàn. Cuộc đời người đàn ông góa vợ đã hơn chục năm sống trong cảnh cô độc nay ấm áp lên. Bác Sơn thấy phấn chấn trong người, lắm lúc đang tưới dưa, bác cao hứng ngân nga vài câu vọng cổ hai điệu lý. Mấy người làm ở kế ruộng dưa bác cũng vui lây. Cho đến đêm trăng đúng vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch ấy.
Bác Sơn mặc áo ngủ đi ra ngoài. Vóc người bác chắc khỏe, ngực vuông, bắp thịt ở cánh tay săn chắc, bàn chân to, là nhờ bác cày sâu cuốc bẫm từ nhỏ tới giờ. Ra nhà ngoài, vẫn không thấy cô vợ mới cưới. Bác hơi hoảng và đẩy cánh liếp cửa và thấy cô vợ choàng chiếc khăn bông che gần kín người đang ngồi ở cái ghế mây dưới giàn bông giấy nhìn ra ruộng dưa. Trăng vàng rực trải lên những liếp dưa xanh chạy dài tới rặng trâm bầu hiện lên mờ ảo đầu ấp xa kia. Gió nửa đêm về sáng mang hơi lạnh từ sông Vàm Cỏ tràn tới buốt da. Sợ cô vợ trẻ giật mình tội nghiệp, bác khẽ đằng hắng, cô út quay lại, nửa gương mặt đẫm ánh trăng. Bác Sơn hỏi khẽ:
- Sao cháu lại ra đây?
Cô út sửa lại cái khăn cho kín cổ hơn và nắm tay bác kéo lại gần:
- Em đã hiểu, mình đừng gọi cháu, coi kỳ quá! Bác cười mắc cỡ:
- Chú... à... Anh quên mất.
Cô út khẽ tựa đầu vào bác:
- Mình coi, trăng đẹp không, giống cái đêm rằm tháng Bảy quá ha.
Phải, ngày rằm tháng Bảy ấy đã đưa hai người đến với nhau. Cô út đã tự đi chợ mua một con gà trống và rất nhiều thứ đồ ăn, thức uống, thổi một nồi xôi và bày ra bàn thờ bảo bác Sơn cúng tổ tiên. Chiều ý, bác làm theo, cúng xong cô lấy một bát cháo đưa ra mé ruộng đổ từng thìa vào lá đa uốn theo hình chóp. Bác Sơn hỏi, cô bảo, để cho những vong hồn phiêu bạt được hưởng ngày xá tội vong nhân. Tục này hồi nhỏ bác Sơn thấy bố mẹ làm nhưng đến đời bác thì bỏ qua, đâu ngờ cô gái ngó rất trẻ này lại nhớ và làm. Bác Sơn cảm động. Cô gái nói:
- Những vong hồn vô chủ ấy là người giữ ruộng đất cho mình đó.
Bác Sơn gật đầu khen cô út sống có tình. Đêm ấy trăng sáng rợn, đứng ở thềm trông thấy những mầm dưa vừa nhú trên vồng trước vườn. Trăng rằm tháng Bảy mà sáng đẹp thế là được mùa dưa hấu lắm. Bác Sơn mừng thầm và xách ghế ra sân ngồi hóng gió. Cô út đã dọn dẹp bát đũa xong và hình như đang tắm. Bác Sơn cứ ngắm ruộng dưa rộng, trải dài đến mút mắt và lòng thư thái quá. Bất chợt bác nhận ra mùi thơm dầu sả cứ dậy lên, bác quay lại, cô út tắm xong, choàng hờ chiếc khăn bông, qua ánh trăng để lộ bờ vai tròn, vòm ngực căng, đôi chân trần đầy sức sống, đang bước tới: "Nước mát quá, chú à?". Bác Sơn nói:" ờ... mà trăng thế này là vụ tới dưa hấu trúng lắm". Cô út bước đến khẽ lắc đầu, những hạt nước từ tóc bắn sang người bác: "Bộ chú coi dưa hấu quý hơn mọi thứ trên đời này sao?". "Thì mình trồng nó, nó nuôi sống mình mà, cháu". Cô út ngồi xuống cạnh bác choàng hờ tay lên thành ghế: "út nói vậy thôi, chớ từ lâu út cũng ao ước có một gia đình êm ấm, chồng trồng dưa hấu, vợ làm nội trợ, út sẽ chiều chồng hết mực. Đời người đàn bà có chồng để chiều là hạnh phúc lắm, phải không chú". Giọng người con gái lả lơi, bác Sơn, cười: "Tưởng gì, chuyện đó có gì là khó đâu". Vừa lúc ấy, có tiếng vạc ăn đêm bay qua thả tiếng kêu bất ngờ, cô út run rẩy ôm lấy bác Sơn: "Sợ... lắm". Bác đỡ cô gái dậy và đáp ngờ ngệch: "Mấy con vạc mà, có gì đáng sợ đâu, cháu". Cô út ôm lấy cổ bác: "Từ nay đừng kêu em bằng cháu... em giận đó". Bác Sơn thoáng nao lòng, nhưng rồi bác đỡ cô gái dậy: "Vô mặc đồ đi. Người ta thấy... cười chết". Cô út nói: "Ai thấy mặc xác người ta. Mà đây là thế giới riêng của anh, sợ ai kìa. Anh biết không, khi mới vô nhà này, em hơi sờ sợ nhưng sống một thời gian em thấy thương anh lắm". Người bác Sơn bỗng dâng lên cảm xúc thật mới lạ, bác xúc động khẽ siết lấy tấm thân mát rượi của cô gái. Từ đêm ấy, hai người luôn quấn quýt bên nhau, cô út cùng đi làm cỏ dưa với bác. Cô luôn tìm hiểu kỹ thuật trồng dưa một cách kỹ càng. Bác cảm động, cô này cũng chí thú làm ăn đó chớ. Trong một đêm, cô nói: "Em muốn anh và em đăng ký kết hôn. Anh thì sao cũng được, đàn ông mà! Còn em là con gái nhà lành, ở vầy sao đành". Bác Sơn xoa xoa mái tóc hoa râm: "Đăng ký thì có chi là khó. Nhưng em coi, ở cái tuổi sáu mươi như anh mà đóng bộ chàng rể, coi kỳ quá. Thôi thì, từ nay tụi mình coi nhau là chồng vợ là đủ rồi". Cô út quả quyết: "Không! Em muốn anh đăng ký kết hôn và làm đám cưới". Bác Sơn tròn mắt: "Bộ em biểu anh tổ chức đám cưới như tụi trẻ sao?". "Em không cần anh rước đón em bằng xe hoa, nhưng phải đăng ký và làm mâm cỗ mời người quen của anh tới dự để họ chứng dám cho anh và em là vợ chồng". Hai tuần sau, đám cưới của họ được tổ chức, bác Sơn đặt một con bê thui, làm bốn mâm cơm mời bà con quen biết trong ấp tới chia vui. Bà con lấy làm mừng cho bác, ở cái tuổi lục tuần mà xe duyên được với một người con gái trẻ đẹp, lại là gái Nha Mân: "Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh - Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân". Gái Nha Mân đẹp và hiền nổi tiếng ở Nam Bộ, thời trước phải là trai nhà giàu, thuộc loại công tử Bạc Liêu, cậu ấm Sa Đéc mới lấy được gái Nha Mân. Đâu dè, bác Sơn lại tốt số đến vậy. "Dạ, thưa cô bác, đời tui trải nhiều cơ cực, nay nhờ trời thương nên mới được vầy". Bác đỏ ửng mặt đáp lễ.
Nhờ trời thương nên cuộc đời bác Sơn thay đổi thật lạ. Người bác lúc nào cũng phấn chấn, cô vợ trẻ đã làm cho bác cải lão hoàn... thanh niên. Hàng ngày bác dậy sớm tập thể dục rồi bơm nước tưới cây quanh nhà. Hình như chủ nhân vui nên cây cối cũng tốt hơn lên, những thân mít tố nữ trổ trái sai, mấy tán xoài bung lên những lá non, báo hiệu mùa tới sẽ cho nhiều quả. Và đến những ngọn rau dại mọc dọc bờ kênh gần hiên nhà cũng vươn ngọn, xòe lá mởn lên như mời gọi. Công việc ở ruộng vườn cũng chạy hơn. Trước đây, sáng đi làm bác phải xách theo bình toong nước, lắm trưa ghé vào quán xá nào đó trong ấp mua chiếc bánh mì gặm. Bây giờ nửa buổi đã có cô vợ trẻ mang nước uống, kèm theo chiếc bánh bao hoặc bọc chè đậu xanh, đến tận bờ ruộng: "Mình nghỉ tay uống nước và dùng bánh chút xíu cho đỡ mệt". Giọng nói ấy hết sức dịu dàng, khiến bác Sơn xúc động khôn lường. Người ta bảo, con nuôi cha không bằng bà nuôi ông, thiệt có sai đâu. Đứa con trai ở nước ngoài, mỗi năm tới Noel mới gởi về cho bác tấm thiệp chúc mừng bé bằng bàn tay. Cô con gái lấy chồng mãi tận Kiên Giang, không hiểu làm ăn kiểu gì mà ba năm nay không ló mặt về thăm cha. May sao nhờ trời thương nên ban cho cô vợ trẻ này. Cuộc hôn nhân của bác Sơn, người ở tuổi lục tuần với cô út, mới hai mươi sáu tuổi diễn ra ngọt ngào tới độ các ông già bà cụ ở ấp đã phải thay đổi quan niệm cổ hủ của mình. Ra trên đời này, khi đã thương nhau thì không cần đến sự chênh lệch của tuổi tác.
Nhưng rồi, trong lúc nhiều người trong ấp đang mừng cho bác Sơn vào lúc xế chiều cuộc đời gặp được người vợ đẹp và ngoan như thế thì sóng gió bắt đầu nổi lên trong ngôi nhà bên ruộng dưa ấy. Người vợ trẻ bắt đầu nặng mặt và luôn quở trách chồng:
- Độ này sao anh cù lần vậy?
Bác Sơn sững người, sao bữa nay vợ mình gắt gỏng vậy nhỉ. Bác hỏi nhỏ:
- Cưng biểu tui cù lần gì?
- Đồ áo bẩn vậy mà anh treo lên cọc mùng.
- Mọi lúc cưng biểu tui để vậy để cưng giặt mà.
- Tui đâu phải kẻ ở đợ để làm lụng tối mặt tối mũi được.
Bác Sơn ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của vợ. Sao cô ta quạu cọ vậy kìa. Hay là mình ăn ở có điều gì đó không phải. Nghĩ vậy, nên từ hôm ấy bác có ý tứ khi làm mọi việc trong nhà. Nhưng rồi một đêm, bác bật thức dậy vì cái tát của vợ vào má mình. Bác dụi mắt, sao vợ đánh mình vậy kìa. Tiếng cô vợ chì chiết:
- Ông ngáy như bò rống, ai mà ngủ được.
Bác Sơn cười cầu lành:
- Tại cái nết tui xấu vậy đó cưng à. Từ thời thanh niên lúc ngủ tui cũng ngáy to vầy. Cô vợ ôm cái gối dài nhảy ra khỏi giường:
- Từ nay, tui ngủ ở nhà ngoài.
Bác Sơn cảm thấy thương vợ, chỉ vì cái tật lúc ngủ ngáy to của mình nên cô ấy không ngủ nổi. Bác cười xin lỗi:
- Cưng ngủ trong này để tui ngủ ngoài đó cho. Ngoải gió lạnh lắm đó.
Nhưng cô vợ trẻ của bác không chịu:
- Ông ngủ đó mặc sức mà ngáy. Để tui nằm ở nhà ngoài.
Từ đó hai người ngủ riêng. Mấy hôm sau, đi làm về trời đã đứng bóng, bác Sơn khấp khởi tưởng sẽ được cô vợ trao cho cái khăn bông để rửa mặt rồi sà vào mâm cơm ăn và chợp mắt một lúc để chiều đi làm, hạt dưa giống phải gieo giữa mùa mưa, đất tơi xốp, cắm hạt hôm trước, hôm sau bật mầm, đến đầu mùa nắng chỉ việc làm cỏ, vun gốc chờ ra trái. Bước vào nhà, bác thấy cô vợ trẻ đang ngồi chơi trò bói bài. Biết chồng về cô ta không thèm ngẩng lên, mà càu nhàu:
- Từ sáng tới giờ rủi thiệt, toàn bắt trúng con bích.
Bác Sơn cười nói:
- Cưng tin gì cái trò bài bạc nhảm nhí đó. Dọn cơm cho anh ăn để nghỉ trưa một chút, rồi đi làm, nghe cưng.
Cô vợ giương mắt lên:
- Ông muốn ăn thì vô nấu đi! Tui mệt lắm rồi.
- Sao độ này cưng quạu cọ với tui thế?
Bác Sơn trách và vào bếp bắc cơm. Đến bữa cơm, người vợ trẻ rơm rớm nước mắt:
- Không hiểu sao mấy hôm nay người em như phát khùng. Hay là do hai đứa mình xung khắc tuổi nên khó sống với nhau.
Bác Sơn chẳng hiểu lắm về cái gọi là xung khắc tuổi tác nên im lặng. Cô vợ lại giải thích:
- Nhiều đôi trai gái lúc mới gặp rất thương nhau, tưởng chết vì nhau được, nhưng khi thành vợ chồng lại sống với nhau không nổi. Bác Sơn gạt đi:
- Thôi, cưng ăn cơm đi để tui nghỉ một chút còn đi làm. Cưng nghĩ ngợi lung tung làm gì mấy chuyện tầm bậy đó cho mệt óc. Từ nay, cưng mệt thì để việc nhà tui làm cho.
Bác Sơn đã nhường nhịn đến thế, nhưng cô vợ vẫn luôn gắt gỏng khiến đôi lúc bác phát cáu lên. Hai người đã có những cuộc cãi cọ. Lúc nào cũng vậy, khi thấy gay gắt bác Sơn rán sức nín nhịn, dàn hòa, nhưng cô vợ cứ muốn đẩy mâu thuẫn cao lên.
Cho đến một đêm, bác Sơn đang ngồi hứng gió trước cửa nhà, cô vợ trẻ bước đến gần:
- Em đã đi coi tướng rồi, anh với em xung khắc tuổi nên phải chia tay thôi. Em rất đau lòng nhưng đành phải vậy. Ly hôn rồi em sẽ thường xuyên đi chùa để cầu Phật cho kiếp sau hai đứa mình sanh vào ngày lành tháng tốt, hạp tuổi tác, lúc ấy sẽ chung thủy với anh đến trọn đời.
Nghe vợ than vãn, bác Sơn đâm ra ngậm ngùi, ra ở đời vợ chồng còn phải hợp tuổi mới sống được với nhau sao. Bác bỗng ân hận, mình đã làm cho đời cô ta dở dang một lần nữa rồi.
Đứng trước tòa, bác Sơn rơm rớm nước mắt thú nhận:
- Tôi đã làm cho cô út thêm dở dang một lần nữa. Tui là đàn ông không sao. Còn cô út là gái... bây giờ cổ muốn lấy gì trong nhà tui cũng vui lòng. Cô út vừa nói vừa gạt nước mắt:
- Lúc đầu tụi này những muốn kết tóc trăm năm nhưng ở với nhau không hợp. Tui xin lãnh hết hậu quả. Của cải trong nhà cứ để ảnh dùng, tui chỉ xin một nửa số đất trồng dưa đó.
Bác Sơn giật mình, sáu công đất này là của hương hỏa do cha ông bác để lại, từ thuở nào đến giờ bác có tính san sẻ cho ai. Bây giờ phải chia đôi thì kẹt thiệt:
- Cô út à. Hay là tui xin cấp cho cô số tiền ngang với ba công đất, được không?
- Em muốn có đất ở cạnh đất anh để dựng nhà làm hàng xóm với nhau. Tụi mình không thành vợ chồng trăm năm thì ráng làm xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau vậy. Cô út nói dễ thương quá. Bác Sơn nghĩ một lúc, rồi đáp:
- Đất ruộng đó là của hương hỏa cha ông tui để lại, chia đôi làm sao được.
Cô út òa khóc:
- Em đã hiến tất cả cho anh, nỡ nào anh còn tiếc mấy công đất?
Tiếng khóc của cô út khiến bác Sơn động lòng:
- Chia một nửa thì không thể được vì tui còn để cho thằng con trai. Biết đâu sau này nó sẽ về ở đây. Thôi thì, tôi xin nhường cho cô hai công vậy.
Cô út rạng rỡ nét mặt, nhưng liền giả bộ âu sầu:
- Tình nghĩa vợ chồng tụi mình chẳng may đứt gánh, thì ta làm nghĩa láng giềng, bán chị em xa mua láng giềng gần, phải không anh?
Sau phiên tòa, bác Sơn cắt cho cô út hai công đất dọc bờ kênh Bo Bo. Cô ta làm một con heo quay cúng thổ địa, mời mấy người quen trong ấp, và tất nhiên có cả bác Sơn qua dự tiệc. Hôm sau, cô mời người làm một bờ rào bằng kẽm gai cao quá đầu người phân chia ranh giới rạch ròi với đất bác Sơn. Rồi cô dựng lên một căn chòi để ở và trồng dưa hấu. Mấy ngày sau, một gã đàn ông khoảng ba mươi tuổi, vóc người đô như cánh Sơn Đông mãi võ, mang cái túi du lịch căng phồng đến chòi cô út. Gã nhớn nhác nhìn quanh và hỏi chủ nhà:
- Cha nội Sơn có ở nhà bển không? Cô út đáp:
- ổng đi làm cỏ dưa ngoài đồng kia tắt nắng mới về.
Gã đàn ông chắp tay sau lưng thủng thẳng bước ra trước căn chòi ngắm nhìn ruộng dưa hấu đã lên xanh, ngọn bò kín đất. Hai công đất mà rộng dữ, ngó đến chói mắt, gã lẩm bẩm đầu gật gật coi bộ ưng ý lắm, rồi gã ôm lấy vai cô út siết nhẹ:
- Đâu lường tay không mà em dựng nên một cơ đồ như thế này.
Con đàn bà ngửa cổ cười khanh khách:
- Em mà không ra tay như vậy thì vợ chồng mình đến kiếp sau cũng không có đất cắm dùi. Còn anh, anh mới là người chồng tốt số, chỉ để cho vợ đi lang một thời gian mà thu về được hai công đất. Anh biết không, đất này trồng dưa hấu hảo hạng đó. Tết Nguyên đán này vợ chồng mình thu hoạch ít nhất cũng được bốn tấn quả. Rồi tụi mình sẽ chở thẳng lên Chợ Lớn bán cho được giá, chớ đừng bán quạ cho bọn con buôn dưới này, hạng người đó đểu giả, độc ác lắm, anh à?