hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1250.htm

Phạm Hoài Vũ

Trôi giạt

Hiền nép sâu trong góc tối của toa tàu. Những toa tàu thời chiến lầm lũi nối đuôi nhau chìm mãi trong đêm. Cả toa chỉ thấy nhập nhoạng ánh sáng tù mù của cây đèn bão, chốc chốc lại bùng lên cắt dòng suy tư đứt đoạn của Hiền... suy tư về chuyến đi đêm nay, ... về những năm tháng lênh đênh sông nước. Cả cái làng bến sông chẳng ai để ý đến chuyện mẹ con cô đã đến đây tự bao giờ, nhưng cái chuyện cha cô mất tích trong chiến tranh thì hình như ai cũng nói, ... nói không có mặt cô.

Mẹ thường kể, hồi năm bốn mươi mẹ sống với người anh họ là bác Cử Giang ở thị xã Thái Bình. Rồi chiến tranh. Mẹ theo chân bạn hàng xén về một nơi rất xa, gọi là chợ Đống Năm. Rồi mẹ đưa Hiền về đây, một làng nhỏ ven sông Trà Lý. Bên này là đồng ngô mượt, gió lộng. Bên kia có những làng chạm bạc, ngói đỏ nhấp nhô. Mẹ con cô sống với cha con ông lái đò. Mẹ bảo cô gọi ông là thầy. Con của ông gọi mẹ là u. Cuộc sống êm  ả trôi trên dòng sông. Hiền đi học. Học xong cấp một ở xã, cô lên học cấp hai trên huyện, rồi thi đỗ vào trường sư phạm. Sau ngày tốt nghiệp, cô được phân công về dạy ở trường cấp hai.

Hôm làm giấy tờ, người ta bảo cô khai lý lịch. Đến mục người cha, cô khai là lái đò. Bà tổ chức bảo không phải. Cô khai lại. Thấy cô lúng túng, bà buông thõng: "Khai là cha mất tích trong chiến tranh".

Sau thời gian tập sự, cô được xét vào biên chế. Biên chế là việc hệ trọng. Người ta phải xét năng lực chuyên môn, phải xét lý lịch gia đình. Nhưng còn người cha mất tích trong chiến tranh. Không tìm đâu bằng chứng về sự mất tích. Thế là cô không được vào biên chế. Cô lại trở về với mẹ. Cô lại trở về với bến sông. Dòng sông bằng lặng. Những cánh bèo hoa tím trôi giạt hiền hòa, không biết về đâu.

Đêm nay cô bước lên tàu ra đi là vì nể mẹ, không mảy may một niềm hy vọng mỏng manh. Mẹ bảo, dù thế nào, cô cũng phải tìm bằng được bác Cử Giang, vì chỉ có bác mới giúp được cô. Tàu đến thành phố thì trời rạng sáng. Cô hỏi tìm bác ở bất kỳ nơi nào gọi là cơ quan. Cũng may, bác là một luật sư có tên tuổi ở thành phố. Vì vậy, cô đã tìm được ông không mấy khó khăn.

Câu chuyện của cô làm ông ngỡ ngàng. Chỉ có điều ông phân vân, là trong suốt ngần ấy năm không một ai nói cho ông điều gì về cô.

Ông nhớ lại cái ngày vừa đỗ cử nhân luật, mùa hè năm 1938, ông về thị xã Thái Bình mở trường tư. Ngay từ buổi đầu đưa tin mở trường, ông đã được mọi người mến mộ. Người ta mến mộ ông vì tiếng tốt của cụ thân sinh ngày trước, là cụ Tú Lâm. Thuở sinh thời cụ cũng mở trường tư theo tân học.

Ông tìm đến ngôi trường ngày trước. Cỏ mọc um tùm. Mái ngói rêu phong. Cụ Tú mất đã mười năm. Các thầy mỗi người đi một phương. Chỉ còn một người duy nhất qua lại đây. Đó là cụ Giám. Cụ Giám là cậu họ, vốn là thầy đồ ở quê nhà bên huyện Trực Ninh, Nam Định. Cụ được cụ Tú mời ra trông coi trường sở. Người ta gọi cụ là ông giám thị. Về sau chỉ gọi là Cụ Giám. Sau khi cụ Tú qua đời, cụ bà về quê, riêng cụ Giám vẫn ở lại. Cụ sống cùng với vợ và cô con gái tên là Liên. Cụ bà và cô Liên ra chợ Bo mở hàng xén. Cô Liên vốn là trò ngoan của cụ Tú. Cô học sắp hết lớp "Pri-me Xuýp" thì cụ Tú mất. "Pri-me Xuýp" là lớp cuối cùng của bậc tiểu học thời đó. Sau ngày cụ Tú mất, trường đóng cửa. Cụ Giám phiền muộn suốt từ bấy đến giờ.

Nghe ông Cử ngỏ ý muốn mở lại trường, cụ Giám lặng đi hồi lâu:

- Anh Cử! Cậu thương nhớ cha anh. Cậu chỉ mong có ngày các anh về nối nghiệp. Bây giờ anh về, cậu trao lại cơ nghiệp cho anh. Còn nếu anh không chê cậu tuổi tác yếu hèn, thì cậu sẽ lại ra giúp anh như cậu đã tâm niệm trước vong linh của Bác Tú.

Thế là ngôi trường được sửa lại. Ông Cử treo biển trắng với dòng chữ xanh "Trường Trung học Port Royal".  Ai hỏi tại sao ông lại đặt tên như thế, ông chỉ cười. Học sinh thì mỗi người cắt nghĩa một kiểu. Người thì dịch sát nghĩa "Bến cảng huy hoàng", nơi ấy có những con tàu cập bến, có những con tàu ra khơi. Có người thì nói, hình như ông có ý đặt tên trường bằng cái tên của tu viện Port-Royal được thành lập ở Paris từ bẩy tám thế kỷ trước, sau thành nơi hội tụ của các danh nhân, ở đó có những cuốn sách giáo khoa nổi tiếng đã ra đời, còn lưu truyền mãi đến ngày nay, như Ngữ pháp Port-Royal, Lô-gíc học Port-Royal. Thật chỉ một cái tên thôi mà ẩn dụ biết bao ý nghĩa.

Cụ Giám trở lại công việc giản dị ngày trước. Ngoài cụ còn có cô Liên, con gái cụ, giúp ông Cử trông coi việc sổ sách.

Trường không lớn, nhưng có đủ các lớp, từ lớp đệ nhất đến lớp đệ tứ, giống như trường cấp hai của ta bây giờ. Trong số các thầy giáo có một thầy tên là Phước. Thầy dạy tiếng Pháp và văn học. Thầy rất nghiêm khắc. Nghiêm khắc đến lạnh lùng. Hết giờ lên lớp là thầy ngồi đọc sách, ngày nào cũng như ngày nào. Cô Liên chỉ gặp thầy vào những ngày phát lương. Điều duy nhất mà cô Liên nghe được ở thầy chỉ vẻn vẹn một lời khô khốc: "Merci!", tiếng Pháp nghĩa là "cám ơn". Cô đáp lại bằng cái cười xã giao cho phải phép. Nhưng một lần, sau khi nghe "Merci", cô không chỉ cười xã giao, mà còn lên giọng thách thức "Rien de quoi, Monsieur le Professeur", nghĩa là "Đâu có gì, thưa ngài giáo sư". Thầy trố mắt: "Parlez-vous francais, Mademoiselle ?", nghĩa là "Cô cũng nói tiếng Pháp, thưa cô ? ". Từ đấy hai người trở nên gần gũi.

Nhưng rồi chiến tranh. Dân chúng thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Nhà cửa, trường học, công sở đều bị phá hủy. Phố xá trở nên một đống gạch hoang tàn. Ông Cử và các thầy mỗi người đi một phương. Cụ Giám cũng qua đời năm ấy. Cô Liên theo chị em về buôn bán ở chợ Đống Năm. Bé Hiền ra đời.

Luật sư hồi tưởng lại cả quãng đời đã chìm trong năm tháng. Từ ngày ấy đến nay đã quá nhiều năm. Ông không được tin gì về thầy Phước. Hồi ở Việt Bắc, ông có nghe nói thầy sang dạy ở một trường Việt Nam ở Quế Lâm bên Trung Quốc, gọi là Khu học xá. Sau hòa bình vào năm năm mươi tư, Khu học xá giải thể, thầy Phước về nước. Vừa đúng lúc một số trường đại học được thành lập ở Hà Nội. Thầy Phước về dạy ở một trường nào đó. Đấy là tất cả những điều mà ông nghe được. Cũng là vì ngay từ khi đóng cửa trường, nhiều bạn học trong ngành luật đã mời ông ra làm việc và từ đấy ông không còn mối liên hệ với các đồng nghiệp trong làng giáo học nữa.

Ông mất hàng tháng trời để tìm lại bạn bè hồi trước chiến tranh. Ông đã gặp may, vì cuối cùng đã biết được tin tức về thầy Phước. Thầy hiện là giáo sư ở một trường đại học. Cái khó bây giờ là các trường đều sơ tán, tàu xe thời chiến khó khăn. Dù sao, việc đầu tiên là về Hà Nội, đến mấy trường đại học, ở đó mọi chuyện chắc sẽ rõ ràng hơn.

Đại lộ Ba-bi-lô, nay là Đường Lê Thánh Tông, từ thời trước chiến tranh đã nổi tiếng là đường phố của học vấn. Từ đầu thế kỷ, người Pháp đã mở Trường Thuốc để đào tạo y sĩ Đông Dương. Sau này mở thêm các đại học khác. Lần nào có dịp về Hà Nội, Luật sư Giang cũng đi dạo trên đường phố này. Ông đã gửi gắm ở đây cả một thời tuổi trẻ trong những năm còn học trung học và sau đó là đại học luật khoa.

Từ phía Bệnh viện Đồn Thủy, ngày nay là Viện Quân y 108, ông lặng bước dưới lùm cây sấu, qua cổng Đại học Dược, rồi đến trường của ông. Tất cả nguyên vẹn. Vẫn những hàng cây xum xuê. Đôi cánh cửa lớn, đường bệ, nặng quá khổ đưa lối vào giảng đường lớn. Ông dạo quanh sân tìm lại bầu không khí còn đượm hơi ấm của ba mươi năm trước. Lần theo những lối đi thân quen, ông bước vào giảng đường. Những dãy bàn ghế hình cung, đổ dồn từ trên cao xuống bục giảng. Bình thản. Tôn nghiêm. Cuối cùng ông cũng biết được thêm nhiều điều về Thầy Phước. Thầy Phước hồi đó, nay là giáo sư văn học Pháp. Ông hiện có mặt ở Hà Nội. Nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều.

Ông hồi hộp, trong lòng dội lên niềm vui xen lẫn nỗi lo. Sau một phút do dự, ông gõ cửa. Một người trạc tuổi ông bước ra.

Luật sư lên tiếng trước:

- Xin lỗi ông cho hỏi thăm, đây là nhà của giáo sư Phước ?

- Vâng thưa ông.

- Chào anh. Tôi là Giang, Cử Giang ở trường Port Royal.

- Trời ơi! Anh Giang, mời anh vào. ấy chết, xin lỗi, cho phép tôi thu dọn phòng... Bừa bộn quá. Chúng tôi sắp đi sơ tán mà.

- Anh đừng bận tâm.- Luật sư thoáng thấy mọi người trong nhà đang nằm ngủ dưới sàn, chừng là vợ con của giáo sư, ông chuyển sang nói tiếng Pháp, - Đã ba chục năm... - Luật sư ngập ngừng- ... có chuyện rất riêng tìm gặp anh, ... anh cho phép nói tiếng Pháp.

- Xin anh tự nhiên. - Giáo sư đỡ lời bằng tiếng Việt, vừa kéo ghế mời luật sư ngồi đối diện mình cùng một bên mép bàn làm việc.

Giáo sư Phước bối rối:

- Thầy trò chúng tôi đã đi sơ tán, người Mỹ sắp ném bom Hà Nội. Chắc anh biết. Gia đình tôi cũng chuẩn bị đi theo trường, nhà luộm thuộm. Anh chờ để tôi gọi vợ con dậy...

Luật sư đỡ lời, vẫn bằng tiếng Pháp:

- Anh đừng bận tâm. Để chị và các cháu nghỉ. Tôi có chuyện muốn nói, nhưng liệu ở đây có tiện không ?

- Anh đừng ngại..., - Giáo sư trả lời vẫn bằng tiếng Việt.

Luật sư Giang đưa giáo sư trở về dĩ vãng..., về cái thị xã thanh bình trước chiến tranh, về cuộc chia tay giữa thầy và trò, giữa những bạn đồng nghiệp. Cuối cùng Luật sư nói về cha con người giám thị... ngập ngừng:

- Nhưng,..xin anh thứ lỗi, nếu như câu chuyện tôi sắp nói đây là không gửi đúng địa chỉ...

- Ôi, anh Giang, xin anh đừng câu nệ.

Lặng giây lát, Luật sư hỏi:

- Anh còn nhớ cô Liên thư ký nhà trường không ?

- Tôi nhớ.- Giáo sư Phước chần chừ, và cũng chuyển sang nói tiếng Pháp, chậm rãi, khẽ khàng.

- Sau này anh có được tin cô ấy không ?

- Có. Khi ở Việt Bắc, tôi gặp mấy phụ huynh học sinh. Họ đều cho biết cô Liên về chợ Đống Năm buôn bán, sau đã có chồng con.

- Thế, thế...anh không được tin gì hơn nữa ?

- Quả thật là không. Vả lại sau này tôi được tin cô ấy đã yên phận gia đình...Tôi nghĩ, hãy để cho cô ấy yên phận .

- Không đâu, anh Phước ạ. Cô ấy không được yên phận, mặc dầu đã có gia đình. Cô ấy dõi trông anh ngần ấy năm trời.

- Trời ơi! Anh nói sao ? Sao lại dõi trông tôi ?

- Nói thế nào nhỉ ? - ông Cử Giang chần chừ. Anh có nghĩ đến một đứa con chung của hai người không ?

- ..., mà một trong hai người đó là tôi ?

- Anh không nghĩ là như thế ?

- Trời ơi! Anh Giang, thật là quá sức tôi!

- Tôi rất tiếc đã làm anh bận tâm. Mong anh thứ lỗi. Có thể câu chuyện của tôi đặt ra không đúng lúc. Cũng có thể có một sự lầm lẫn nào đó. Rất có thể là như vậy, anh Phước ạ.

- Không, anh Giang, trong mọi trường hợp, tôi xin cảm ơn anh về câu chuyện này. Tôi xin thú thực với anh là có câu chuyện giữa tôi và cô Liên. Chỉ có điều, ... xin anh thứ lỗi là tôi đã không nói ngay với anh từ dạo ấy. Nhưng còn đứa con? Đứa con ư ? Anh Giang. Anh cho phép tôi có thời gian.

- Tôi cũng hy vọng có một sự lầm lẫn nào đó. - Luật sư ngắt lời. Anh cho tôi được cáo lui. Đây là địa chỉ để anh liên hệ khi cần.

Luật sư đi rồi, mọi người trong nhà đều thức dậy. Giáo sư Phước bàng hoàng. Ông không giấu nổi điều sâu kín đang dội lên, từng hồi, từng hồi một. Người đầu tiên nhận xét là bà vợ:

- Ai vừa nói chuyện với ba đấy ? Hình như có chuyện gì rất hệ trọng giữa hai người ? Ba có thể nói cho em được không ?

- Chuyện cơ quan thôi mà! - ông lảng chuyện vụng về.

Hồi đó, lúc nào chẳng có chuyện cơ quan... người Mỹ ném bom miền bắc, chuẩn bị sơ tán các phòng thí nghiệm. Vợ ông biết rõ tình hình.

Đêm đó ông trằn trọc. Ông hồi tưởng lại những kỉ niệm với cô thư kí nhà trường. Từ sau cuộc đối thoại ngắn ngủi bằng tiếng Pháp với Liên hôm lĩnh lương, ông bắt đầu để ý đến cô. Ngoài giờ làm việc, cô thích đọc các tác phẩm văn học Pháp. Cô quý trọng ông vì ông uyên bác. Ông giảng giải cho cô về nhiều thứ, nhưng cuối cùng đọng lại, hình như cô bị ông cuốn hút vào những truyện ngắn của Guy de Maupassant và Alfonse Daudet. Về sau cô được biết là ông đang học đại học hàm thụ văn học Pháp. Hai người, từ lúc nào đó, đã từ lòng mến mộ trở nên gắn bó. Với cô, ông là biển khơi trí tuệ. Còn với ông, thì cô như một ngôi sao chói lọi trên trời trong cái đêm cô tịch ở miền Provence xa xăm. Ông bàng hoàng sống trong cuộc hạnh ngộ giữa cái tỉnh nhỏ bình dị này... Rồi ngôi sao trên bầu trời thơ mộng kia đã tàn lụi theo năm tháng trên những nẻo đường chiến tranh, bãi ngô, sông nước.

Ngay sau cái đêm trắng ấy, ông dậy rất sớm, tự châm bếp dầu nấu nước pha cà phê... Nói qua vài lời tạm biệt vợ, ông bảo ông lên chỗ sơ tán với sinh viên. Dắt xe đạp ra khỏi nhà vào đúng lúc nổi giông. Ông chần chừ, rồi vẫn lao xe về phía sông Hồng. Sau khi qua cầu chui, ông không đi Bắc Ninh để lên nơi sơ tán, mà đi về phía Hải Phòng. Trời dội mưa. Ông đạp hối hả. Những roi nước quất ngang mặt, nhòa đôi kính... Đến Bần, ông hỏi thăm nhà cô Hiền bán hàng xén. Trời mưa, cô chưa dọn hàng. Ông tìm lối vào nhà. Men theo bờ mương, băng qua quãng ruộng ngập nước, ông lội vào căn nhà cheo leo ở ngoài bìa một xóm trại giữa đồng. Ông bước vào sân. Do dự.

- Chào cô,- ông lên tiếng, - xin lỗi cho tôi hỏi thăm đây có phải nhà cô Hiền, cô Hiền con gái bà Liên ?

- Vâng thưa ông. Cháu là Hiền. Vậy ông là...

- Vâng tôi là bạn của bác Cử Giang,..

Hiền trân trân nhìn ông. Nghi ngờ. Ngập ngừng giây lát, ông tiếp:

- Nhân có việc về vùng này, tôi vào thăm mẹ con cháu.

- Trời ơi! Bác là bạn bác Cử cháu... ấy chết, mời bác vào nhà. Để cháu đi đun nước.

- Thế chỉ có mẹ con cháu ở đây thôi ư ? - Ông vừa hỏi, vừa tháo tấm vải mưa quanh cổ.

- Thưa bác, nhà cháu... vừa chuyển quân vào sát tuyến lửa.

Ông lặng thinh, nhìn ra ngoài mưa, lảng chuyện ...

- Thì ra cháu không có tin tức về bố cháu hay sao ? Bác nghe nói, cháu vẫn sống ở nhà quê với bố mẹ cháu kia mà ?

- Vâng, nhưng chỉ có mẹ cháu thôi, còn đấy là bố dượng cháu. Mẹ cháu chờ bố cháu mãi. Cháu cũng chẳng biết là bao nhiêu năm.

Rồi ông chia tay với xóm trại. Trời vẫn còn mưa.

Một tuần qua. Rồi hai tuần. Lại một tuần nữa, kể từ cái hôm mưa giông. Lòng ông ngổn ngang. Ông sẽ viết thư cho Hiền. Ông sẽ dành cho con gái những tình cảm đặc biệt nhất. Ông đền bù cho nó tất cả những gì đã mất mát. Ông sẽ làm tất cả. Trước hết ông viết cho nó cái trang còn bỏ trống về người cha mất tích trong chiến tranh. Hơn thế, không chỉ là điền đầy một trang giấy, mà là trả lại cho nó cơ hội làm một con người.

Nghĩ đến đó ông như trút  được một nỗi đau nhân thế. Nhưng ông chợt nghĩ, ông sẽ nói với vợ con thế nào đây về một cuộc tình dang dở mà, suy cho cùng, chính ông là người có lỗi. Ông vẫn giữ điều thầm kín này. Cuộc tình kia cứ níu kéo ông, giày xé ông. Ông bất lực. Chỉ có thể ... sống để bụng chết mang đi... mang theo đến một nơi nào đó rất mơ hồ, bất định. Nhưng sự trớ trêu của số phận đã lại thách thức ông. Ông không thể câm lặng mãi... Ông sẽ phải mang sự câm lặng ấy phô diễn trước người đời. Và rồi... cái gì sẽ xảy ra ? Người đời sẽ chia sẻ với ông nỗi đau nhân tình. Con ông sẽ được sống trong tình cảm của cha nó. Nhưng còn người vợ đôn hậu đã cùng ông đi gần hết cuộc đời? Đáng ra bà có thể tự hào về một cuộc sống trọn vẹn hạnh phúc với ông, thì đằng này, ở đoạn xế chiều, lại phải ôm hận vì đã chọn lầm người bạn đời... là ông. Còn các đồng nghiệp của ông ? Họ sẽ lên án ông như một kẻ không có tư cách.

Cơn bão táp suy tư thế thái nhân tình cứ dội lên... dội lên mãi.

Bốn tuần trôi qua. Rồi hai tháng. Cuối cùng ông quyết định. Không thể chậm trễ hơn được. Mấy đêm ròng dưới ngọn đèn tù mù ở nơi sơ tán, ông viết.

Hà Bắc, 10-4-1966.

Gửi Hiền, con gái của ba.

Ba đã sống trong những ngày đầy sóng gió. Cuối cùng ba quyết định viết cho con. Chắc con nhớ người bạn của bác Cử Giang đến thăm con trong ngày mưa giông? Người đó chính là ba. Từ hôm ấy ba đã nhiều đêm không ngủ. Ba nghĩ về sự bất hạnh trong câu chuyện dang dở giữa ba và mẹ con.

Nói cho cùng, ba là người có lỗi. Lỗi của ba không thể nào chuộc lại được. Ba chưa được gặp lại mẹ con. Nhưng con có thể nói với mẹ rằng tuy cuộc đời trôi giạt, nhưng mẹ vẫn để lại trong lòng ba những kỉ niệm trong sáng nhất.

Giờ đây, ba và mẹ con, mỗi người đã có một thân phận riêng tư trong cuộc đời. Những gì đã qua không có cách nào lấy lại được. Ba sẽ dành phần còn lại trong cuộc đời của ba để đền bù những gì con đã phải chịu đựng.

Một tuần sau ba sẽ tới thăm con. Hãy nói với mẹ con, ba có lời thăm.

Ba của con. Phước"

Đúng một tuần, ông trở về xóm trại.

Vừa bước vào nhà, mùi khói hương làm ông kinh hoàng. Trên bàn thờ là ảnh một người đàn bà đã luống tuổi, nhưng ông vẫn nhận ra vẻ mặt thân thuộc của cô thư ký Liên ngày trước. Đầu vấn tóc trần. Chuỗi hạt trắng nổi trên chiếc áo dài nhung the ông đã thấy Liên mặc hồi trước chiến tranh.

Hai mẹ con Hiền đều chít khăn tang. Con gái của ông lạnh lùng nhìn ông trân trối. Không một lời. Nước mắt dàn dụa trên đôi gò má cháy xạm.

- Con, - ông nghẹn lại, - Ba vẫn mong có ngày gặp lại mẹ con.

Rồi ông cũng không cầm nổi lòng mình. Nước mắt trào ra. Ông run run, thắp ba nén hương. Im lặng. Ông sám hối.

Bác sĩ bảo bà bị ung thư. Đã ủ bệnh từ mấy năm trước. Bà chỉ ho thúng thắng. Người cứ gầy mòn.  Không biết là bệnh gì. Trạm xá ở xã nghi bà bệnh lao, cho lên bệnh viện huyện. Huyện bảo không phải. Ba tuần trước đây ho nặng, nổi hạch khắp người. Đưa lên bệnh viện tỉnh. Tỉnh chuyển lên Bệnh viện K ở Hà Nội. Bệnh viện bảo về, cho bà ăn cái gì bà thích. Họ bảo bà bị ung thư tuyến giáp trạng đã đến giai đoạn di căn. Vô phương cứu chữa. Mọi người bảo vì bà quá khổ. Bà vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi bốn lăm.

- Ba ơi.- Hiền như sực nhớ điều gì đó, òa lên khóc nức nở như một đứa trẻ. Thằng bé ôm chặt chân cô, lấm lét nhìn ông khách. Cô tiếp, - Mẹ trao cho con cái ống nứa này. Mẹ bảo "nếu gặp ba thì thưa với ba, mẹ có lời vĩnh biệt".

Ông như tỉnh lại, đón từ tay Hiền khúc ống nứa đã ngả màu vàng xỉn của bồ hóng như vừa rút ra từ gác bếp nhà quê.

Ông thấy mình lảo đảo. Tay run rẩy, khẽ khàng rút từ trong ống nứa một cuộn giấy hoen vàng: Một tờ Giấy khai sinh đề ngày năm, tháng chín, năm một ngàn chín trăm bốn mươi sáu. Tên đứa trẻ là Nguyễn Thị Phước Hiền. Cha Nguyễn Trọng Phước. Mẹ Hoàng Thị Liên. Một bức thư bà viết cho ông hai mươi năm trước, vào ngày con gái ông đầy cữ. Thư viết bằng tiếng Pháp. Bà không muốn những người chung quanh biết chuyện riêng tư.

"Đống Năm, ngày 5-10-1946.

"Anh yêu dấu.

Em viết cho anh khi con gái của chúng ta vừa tròn một tháng, nói theo các cụ là nó được đầy cữ.

Nó đã ra đời không có mặt anh. Em biết anh đang mong tin về con chúng ta. Bởi vì, anh biết đấy, lúc chia tay, em đã nói với anh điều mà em lo sợ. Nhưng em sẽ chịu đựng để chờ anh. Em sẽ thay anh nuôi con.

Sao mà con giống anh. Em viết cho anh, nhưng em không rời đôi mắt nó. Đó là đôi mắt của anh. Đôi mắt hơi xếch như dáng quan võ trông rất ngộ, như chính đôi mắt của anh vậy. Em ngắm nó đắm đuối như đang sống trong phút giây hạnh phúc với anh. Nhưng rồi em  chợt buồn. Buồn vì thiếu anh. Buồn vì thương con. Con ra đời không có sự chăm sóc của cha nó.

Em viết cho anh để kỷ niệm ngày con đầy tháng, nhưng em chẳng biết làm thế nào mà gửi được. Biết anh ở đâu mà gửi phải không anh ? Em sẽ giữ nó cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Một năm. Cùng lắm là hai năm. Anh sẽ trở về. Em sẽ trao con cho anh. Anh đọc thư em. Em sẽ ngồi ngắm anh vừa nựng con vừa đọc. Rồi anh sẽ lại cho điểm bài văn tiếng Pháp của em. Rồi anh sẽ lại kể chuyện bằng tiếng Pháp, bắt em kể lại như một bài tập dịch.

"...Chung quanh chúng tôi, những vì sao tiếp tục cuộc hành trình lặng lẽ, dịu hiền như một bầy cừu lớn, và bỗng nhiên tôi cảm thấy như có một vì sao trong số đó, một vì sao đẹp nhất, chói lọi nhất đã lạc đường, sa xuống vai tôi mà ngủ yên lành"

Em đố anh truyện gì nào ? Anh nhớ đấy. Anh vẫn gọi em là Stê-pha-net của anh, là cô chủ Stê-pha-net trong câu chuyện về những vì sao.

Anh ơi. Con nó khóc. Nó muốn mẹ bế, anh ạ! Vừa lọt lòng đã biết đòi cưng nựng. Em không chịu nổi nữa anh ơi. Sao mà con đáng thương. Em không viết được nữa. Em sẽ còn viết cho anh.

Em của anh. Liên.

Ông ngây dại. Nước mắt lại trào ra. Ông chờ Liên viết tiếp. Nhưng có bao giờ nàng viết được nữa đâu! Cuộc sống gian lao đã làm kiệt sức nàng. Ông ở lại với con gái qua đêm. Hiền cố níu ông ở lại thêm với mẹ con cô cho nhà đỡ quạnh. Nhưng ông phải trở về.

Từ đấy, dường như tháng nào cũng vậy, dường như ngày hai mươi tám tết nào cũng vậy, mọi người quanh phố Bần lại thấy một ông già với chiếc xe đạp tồng tộc, lặn lội về cái xóm trại heo hút giữa đồng không. Ông về đều đặn, kể cả những ngày mưa giông. Cả xóm biết ông là cha cô hàng xén. Cha con lạc nhau trong chiến tranh. Rồi ít lâu sau, phố chợ vắng bóng cô. Bạn chợ không thấy cô bán hàng. Có người bảo gặp cô dạy học ở đâu đó, mãi tận xóm Đầm Xa, cách trại của mẹ con cô hai quãng đồng.

Riêng với giáo sư Phước thì câu chuyện vẫn còn được giữ kín. Cả  ông và người con gái đều phấp phỏng chờ đợi một điều gì đó . Hối thúc. Lo âu. Trĩu nặng. Mơ hồ .

Rồi bỗng bặt đi rất lâu không ai thấy bóng ông già về xóm trại. Mãi sau mới có người bảo ông đã qua đời sau một cơn đau tim. Hôm tiễn đưa ông, người ta thấy một thiếu phụ, dường như không ai quen biết, dắt đứa con trai, lặng lẽ xen trong dòng người bước sau linh cữu. Cả hai mẹ con đều không chít khăn tang mà chỉ cài kín đáo một dải băng đen khiêm nhường trước ngực. Ông mất năm 1972, sáu năm sau khi cha con ông tìm lại được nhau.

Tháng năm cứ trải dài phẳng lặng không gợn buồn vui. Làng bến sông ngày xưa xa vời vợi. Nơi ấy có một người mẹ yên nghỉ trong đồng ngô ngút ngàn gió lộng. Sông Trà Lý hững hờ buông những cánh bèo hoa tím trôi giạt theo dòng.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com