Nắng vàng chạy trước mặt chúng tôi trên triền đê. Phía trước mặt những khoảng trời trong xanh đến ngây lòng. Bố tôi đã ngừng thuyết minh. Ba chị em tôi lặng yên, cái lặng yên trước một sự òa vỡ sung sướng. Dưới bãi mọi người đang thu xếp quang gánh. Bỗng nhiên tiếng bà tôi ngân lên như hát "cha năm đời mười đời bố cụ nhà mày nhá, mày lấy thuổng mày đào, mày lấy dao mày cạo, mày bỏ thỏm vào nồi, mày đun sôi sùng sục, mày múc ra mâm, mày ăn ngấm ngầm, mày khen khoai nhà bà ngọt nhá". Bố tôi chép miệng - cái đứa nào lại bới khoai trộm của bà rồi. Bố tôi đạp thật mạnh. Chúng tôi đã nhìn thấy bà. Bà đứng hai tay chống nạnh, mặt bà phừng phừng. Bố tôi chống chân xuống đất gọi - U ơi. Bà tôi buông thõng tay xuống, nuốt vội câu chửi giữa chừng vào họng. Mặt bà tôi rạng rỡ. Bà chùi hai tay vào áo rồi sải lên đê:
- ới các cháu của bà về rồi đấy à? Thằng cu Tít, cái Thơm, thằng Tho của bà đâu?
Bố tôi hỏi:
- Dăm ba củ khoai, người ta đói người ta mới đào trộm, u chửi làm gì cho mệt.
- ừ, nhưng mà khoai nhà mình to lắm, bở lắm.
Bà líu ríu đi bên cạnh xe đạp đưa chúng tôi về nhà.
Nhà bà nội đẹp lắm. Nhà ngói hai gian to, trên một cái nền cao. Khi tôi lên 7 mà mỗi lần từ trên thềm xuống sân cũng rất khó khăn, nếu không trèo có người lớn giúp thì thường xuyên ngã, còn việc bước lên thềm thì càng khó khăn hơn. Một khoảng sân rộng lát gạch sạch sẽ trước cửa. Phía trước sân là một bể nước mưa và một vườn cây ổi. Bên tay phải sân là bếp và chuồng lợn. Bên tay trái sân là bức tường bao với một cái miếu nhỏ ở trên. Bên kia bức tường là 3 cây na. Đằng sau nhà là cái ao rộng. Cầu ao bắc bằng 3 phiến đá xanh. Trên bờ ao có 3 cây nhãn.
Nhà bà nội mát lắm. Mùa hè nào chị em tôi cũng được về nhà bà nghỉ. Buổi trưa, bà mở tung các cánh cửa quay ra ao. Chị em tôi ngủ trên cái giường quay đầu ra gốc nhãn. Bà ngồi bên cạnh phe phẩy chiếc quạt nan. Chúng tôi ngủ những giấc ngủ thiên thần nhất trong đời người.
Nhà bà nội có 2 gian. Một gian ngoài rất nhiều ánh sáng, bà kê 1 chiếc giường, 1 bộ bàn ghế, 1 chiếc bàn thờ và dưới chiếc bàn thờ là một cỗ hậu sự sơn son thếp vàng. Gian nhà trong thì tối lắm. Chỉ có một cửa ra vào qua gian nhiều ánh sáng và 1 chiếc cửa nữa quay ra ao thì bà luôn đóng kín, chỉ khi nào chúng tôi về bà mới mở ra. Tôi đã không ngủ ngay để xem gian phòng tối ấy có những gì. Một chiếc sào để bà treo quần áo. Một chiếc hòm gỗ rất to, to bằng nửa gian nhà để bà đựng thóc trên mặt bàn để khoai, và những chùm ngô vàng óng lủng liểng trên mái nhà.
Làng bà nội ở cũng đẹp. Nhà nọ cách nhà kia bởi những hàng rào trúc xanh, ken dày. Con đường chạy giữa làng được lát bằng những phiến đá xanh như những phiến đá bắc ở cầu ao nhà bà. Con đường ấy bắt đầu từ cầu qua sông (đúng hơn là 1 con ngạch đổ nước đồng ra sông, dâng nước sông vào đồng) và kết thúc ở con mương rộng ngăn làng với ruộng. Khi chúng tôi về, con sông đầu làng là nơi cấm kị, nhất thiết không được lảng vảng ra nơi đó, con mương cuối làng thì có thể. Một con mương rộng, nước chảy rất êm ả, trên bờ mương làng từ bao giờ có những cây dừa. Mỗi gốc dừa sẽ là 1 ngôi nhà búp bê. Thanh niên trong làng thấy chúng tôi ở nơi khác về thường chiều chuộng, dứt những chiếc lá dừa xuống gấp cào cào cho chúng tôi chơi. Ban ngày bà ra đồng ra bãi, chúng tôi ra bờ mương chơi. Tối về bà tháo những chiếc cánh cửa bắc ra sân để cho chúng tôi nằm rồi bà kể chuyện.
Ông nội mất từ lâu, nhà có bà nội ở với chú út. Rồi chú út cũng đi nốt vì chú không thích làm ruộng. Bà nội ở một mình, nên hè nào chúng tôi cũng về. Khi tôi không ngủ trưa ngay để hé mắt nhìn ra xem chiếc buồng tối kia của bà có những gì thì dưới bàn thờ của bà đã có hậu sự của bà rồi. Tôi hỏi bà - cái hòm đẹp kia bà đựng gì thế? bà bảo - hòm áo quan đấy cháu ạ! - "Để làm gì hả bà"? "Để khi nào chết thì nằm vào đấy". "Sao bà lại chết". "Bà già thì bà chết cháu ạ" "Khi nào bà già". "Bà đang già đi đây". "Chết thì thành gì hả bà" "Chết thì thành ma". "Thế cái hòm này thành nhà hả bà". "Phải đấy cháu ạ". "Nhưng sao bà lại gọi là cỗ hậu sự". "Cháu bé lắm cháu chưa biết đâu, hậu là hết, sự là sự đời, sự sống. Cái hòm này là nơi kết thúc mọi sự đời, một sự sống đấy cháu ạ". Khi tôi còn bé về với bà thì tôi thấy cỗ hậu sự nằm đó kín bụi, đầy nhện chăng. Lớn dần lên tôi thấy cỗ hậu sự của bà như càng ngày càng mới hơn, sạch sẽ hơn. Hôm nào nắng bà gọi con bác ái sang khiêng ra phơi. Bà lau chùi, vuốt ve cỗ hậu sự ra chiều âu yếm lắm. Thấy bà quý cỗ hậu sự chị em tôi cũng quý nó. Chúng tôi trèo lên và mở nắp chui vào làm chỗ trốn tìm một cách thích thú. Khi chúng tôi trở về nhà nghĩ đến nhà bà thì sẽ nhớ luôn đến cả cỗ hậu sự hơn là con cún mà bà rất quý.
Khi chúng tôi về nghỉ hè ở nhà bà nội chủ nhật nào cha mẹ cũng đạp xe về thăm. Một bận cha mẹ tôi bị hỏng xe về đến nhà bà thì đêm đã khuya, sáng hôm sau bác tôi đến thăm thè lưỡi trợn mắt nói:
- E lèo ơi, cậu mợ về khuya thế mà dám đi qua cống lầm ư, ở đấy có con ma khiếp lắm.
- Có, đêm qua em cũng gặp nó bác ạ.
- E lèo ơi, nó thế nào?
- Nó ngồi đầu cống tóc tai rũ rượi. Hai mắt nó đỏ như hai cục than, cái lưỡi nó dài như đòn gánh, tay chân nó loằng ngoằng đầy lông lá.
- Lèo ơi, đúng nó rồi, thế nó có thè lưỡi liếm lấy cậu không?
- Không, vì lúc ấy nó đang hút thuốc và cất vó.
- Cậu mợ bận sau có về thì về sơm sớm chứ về khuya thế nào có ngày nó lội xuống cống đấy.
- Vâng.
Bác về rồi câu chuyện con ma cống lầm ám ảnh chúng tôi phát khiếp. Chúng tôi bắt đầu sợ ma nhưng sao kìa bố mẹ, và bà lại đang cười lăn ra. Bà tôi gạt nước mắt kể. Tất cả đàn ông ở cái làng Đức Hậu này đều sợ ma. Ông tôi ngày xưa hay đi lên huyện hát cô đầu, bà khuyên nhủ mãi không được. Một đêm nọ khuya lắm ông tôi khật khưỡng về nhà. Một con ma đầu tóc rũ rượi khoác cái áo tơi bện bằng rơm, hai tay cầm hai cục than hồng múa may nhảy xổ ra từ bụi tre. Ông tôi hồn vía lên mây chạy cuống cuồng tỉnh cả rượu rồi nhảy ùm xuống ao. Bà tôi gạt nước mắt vì trận cười - "Ê lèo, lúc ấy u buồn cười quá mà không dám cười, lại sợ ông ấy uống rượu rồi cảm chết bèn cởi cái áo tơi ra nhảy xuống ao vớt ông ấy lên. Sáng hôm sau dậy sớm đun cám phải đun ngay cái áo rạ kẻo ông ấy biết. ấy thế rồi vì sợ ma mà chừa đi cô đầu đấy. Bây giờ thì mấy ông con rể nhà này đứa nào cũng sợ ma. Không còn cô đầu nữa nhưng ham đánh bạc. Tụ tập ở một nhà đánh bạc đến một hai giờ sáng. Rồi sợ ma không dám về nhà nhờ người nhắn vợ đến đón. Hôm nào vợ không đi đón thì ngủ luôn ở chân đống rơm, đống rạ, cả đống. Buồn cười.
Tối tối bà kể chuyện ma cho chị em chúng tôi nghe. Có nhiều loại ma lắm: ma không đầu, ma chơi, ma thương con... Ma không đầu thì thường trú ở các ngôi nhà hoang. Một ngôi nhà giữa cánh đồng hoặc giữa rừng sâu không có người ở. Nửa đêm, từ mái nhà rơi xuống 1 cái chân, cái chân nhảy chót. Bịch. Một cái chân tiếp theo. Hai cái chân cùng nhảy nhót. Bịch. Một cái mình rất nặng rơi xuống. Hai cái chân chạy đến ghép vào cái mình. Bịch. Một cái tay rơi xuống, nó sải trên nền nhà ghép vào cái mình. Bịch. Một cái nữa rơi xuống, ghép nốt. Thế là hoàn chỉnh một con ma không đầu. Con ma nhảy nhót và cười rú lên. Sợ lắm! "Nhưng nó cười ở chỗ nào hả bà?". Đứa em kề tôi run run hỏi bà "nó cười ở cuống họng ấy cháu ạ". "Ma chơi" là ma hay đi chơi, nó cứ nhởn nhơ ở khắp mọi nơi, trêu mọi người, nghịch ngợm vậy thôi nhưng chả làm hại ai cả.
"Ma thương con" là ma mẹ. Người mẹ thương con mà chết, chết rồi vẫn không hết thương con. Đêm đêm mắc võng trên cây tre hát ru rồi nỉ non khóc. Thương lắm. "ở cây tre nào cũng có hả bà". "ừ, cây tre nào cũng có".
Chủ nhật sau mẹ về. Buổi tối mấy mẹ con nằm quây quần bên nhau. Mẹ bảo mẹ thích ăn bánh đa. Mọi bận chỉ cần mẹ nói thế là tôi đi ngay đến nhà bà tráng bánh đa ở cuối làng mua về cho mẹ. Lần này mẹ sai tôi, tôi cũng chẳng dám đi. ở ngõ vào nhà bà tráng bánh có 1 bụi tre rất to. Ban ngày tôi đi qua mà cũng nghe tiếng kẽo kẹt đưa võng nữa là. Tôi sợ ma lắm.
Trong gian buồng tối nhà bà còn một bí mật nữa mà chỉ vào tháng 7 âm tôi mới được biết. ấy là trong đó bà cất giấu một cái "máy" in tiền. Tôi thấy có nhiều người ở làng đến nhà bà tôi thì thào. Bà tôi gật đầu ra vẻ quan trọng. Buổi tối bà bắt chúng tôi đi ngủ sớm. Hai đứa em tôi ngủ rồi. Tôi rón rén thức dậy vào trong gian buồng tối. Tôi thấy bà ngồi đó với một ngọn đèn hạt đỗ, mấy cái sàng để trước mặt, một cái bàn gỗ nhỏ, mấy bát mầu xanh, đỏ, tím và những tập giấy. Tôi không thể biết bà làm gì. Tôi đến ngồi bên cạnh bà. "Sao cháu chưa đi ngủ". "Cháu xem bà làm gì". "Bà in tiền đấy cháu ạ, nhưng cấm cháu không được nói với ai nhé". "Cả với bố mẹ cháu à bà". "ừ, kẻo bố mày lại mắng bà, bố mày là đảng viên đấy". "Cháu ngồi xếp giấy cho bà nhé". "Cẩn thận kẻo mực dây ra tay". Bà in được 3 sàng giấy tiền đầy thì tôi vừa nghĩ ra: "Bà ơi, tiền này có mua kẹo được không". "Không cháu ạ, tiền của người âm". "Là của ma à bà". "ừ". Bà xếp những sàng tiền lên mặt hòm gỗ rồi tắt đèn đi ngủ.
Tối hôm sau bà lại giục chúng tôi đi ngủ sớm. Tôi lại lẻn dậy cùng bà. Bà trải những tờ báo lớn xuống sàng rồi quét phấn mầu lên trên, xong bà lại bê để lên mặt bàn gỗ cho khô. Tối hôm sau tôi thấy bà nấu một nồi cháo nhưng không cho chúng tôi ăn. Bà lại giục chúng tôi đi ngủ sớm. Bà cắt những tờ báo đã được nhuộm xanh, đỏ, tím, đen thành những bộ quần áo lớn nhỏ rồi dán vào. Tôi rất thích những bộ quần áo mà bà làm rất khéo ấy. Xong, bà gói lại cẩn thận. Ngày hôm sau tôi thấy nhiều người đến nhà tôi, giấu vào áo những gói của bà mang về nhà.
Bà đi chợ về mua bao nhiêu thứ, bà đội một thúng đầy. Mặt bà đỏ bừng. Bà phải nhờ một người hàng xóm cất xuống hộ. Chúng tôi xúm quanh bà chờ nhưng bà không cho "chờ bà cúng xong nghe chưa". Bà luộc thịt, thổi xôi. Bà sắp lên bàn thờ xôi, thịt cùng những bộ quần áo, rồi bà thắp hương, rồi bà khấn lầm rầm, hương tàn, bà thái thịt, bê xôi cho chúng tôi ăn. Lâu lắm chị em tôi mới được ăn thịt nên chúng tôi đánh 1 bữa ra trò. Ăn xong nằm kềnh ra giường ngủ thẳng cẳng. Ngủ dậy thì đã xế chiều, bà đang lúi húi dưới bếp. Chúng tôi ùa xuống với bà. Quanh bà là thúng, là mẹt. Một mẹt ngô rang cát nổ bung. Một mẹt thóc nếp rang. Một mẹt gạo nếp rang giả làm cốm. Trên bếp nồi cháo đang sôi sùng sục. Đứa em út tôi định thò tay bốc ngô bị bà phát cho một cái: "Chớ ăn cháu, phải tội đấy". Nồi cháo sâm sấp bà đậy vung lên cời gio vùng xuống cho chín kỹ. Bà ra sân rửa mặt rồi sắp các đồ lễ ra mẹt. Mẹt đầy ắp các thứ mà đứa trẻ nào cũng thích. Hoa quả thì có ổi, roi, nhãn, chuối... rồi ngô rang, thóc nếp rang, gạo nếp rang và những chiếc dù đài bằng lá mít xinh xinh, đợi cháo chín thì múc vào đó. Ngoài ra còn có một đĩa muối, một đĩa gạo sống và tiền và những bộ quần áo nhỏ xíu như quần áo lọt lòng của bọn trẻ. Xong xuôi bà đợi trời tối sẫm mới đặt mẹt ra giữa sân cùng ngọn đèn hạt đỗ. Chị em tôi mải theo dõi bà nên không biết sân nhà bà đã đầy người từ lúc nào, mà toàn trẻ con. Chúng ngồi cách xa mẹt một quãng và đợi. Bà thắp hương lên bàn thờ, rồi ngoài miếu, rồi cắm quanh mẹt, rồi bà hát:
Nam mô a di đà phật
Con lạy Đức Phật di đà
Con lạy Đức Phật Thích Ca giáng trần
Con lạy Bồ tát Quan âm
Con lạy Táo Phủ thần quân chính thần
Tiết tháng 7 sắp phu phân
Ngày rằm xá tội vong nhân hải hà
Âm cung mở cửa ngục ra
Vong linh không cửa không nhà bơ vơ
Đại Thánh - khăn giáo - A man Đà Tôn giả nam mô
Tiếp chúng sinh không mả, không mồ 4 phương
Gốc cây xó chợ đầu đường
Không nơi nương tựa đêm ngày lang thang
Quanh năm đói rét cơ hàn
Không manh áo mỏng tre làn heo may
Cô hồn Nam Bắc Đông Tây
Trẻ già trai gái về đây họp đoàn
Dù rằng chết uổng chết oan
Chết vì nghiện hút - chết tham làm giàu
Chết tai nạn - chết ốm đau
Chết đâm chết chém chết đánh nhau tiệc tùng
Chết bom đạn, chết đao binh
Chết vì chó dại, chết đuối, chết vì sinh sản giống nòi.
Chết vì sét đánh giữa trời
Nay nghe tín chủ thỉnh mời
Lại lâm nhân hưởng mọi lời trước sau
Cơm canh cháo nẻ trầu cau
Tiền vàng quần áo để mầu đỏ xanh
Gạo nước ẩm thực hoa đăng
Mang theo một chút để dành mai sau
Phù hộ tín chủ lộc tài
An khang thịnh vượng hài hòa gia trung
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lại về thính chủ thành tâm gọi mời
Bây giờ nhận hưởng xong rồi
Dắt nhau già trẻ về nơi âm phần
Tiến chủ thiên hóa kim ngân
Cùng với áo quần đã được chia phân.
Bà hát xong thì hương cháy gần tàn. Bà ngồi lặng im chờ đợi, khi những chấm đỏ đã tắt, bà vặn to ngọn đèn dầu. Bà ra hiệu cho bọn trẻ. Chúng đã nhấp nhổm rồi lại ngồi im. Bà nhặt những chiếc áo và gom tiền lại. Bà lại nhặt những quả nhãn, quả ổi ngon đưa cho chị em tôi, xong bà mới vẫy bọn trẻ. Chúng ào đến như 1 đàn chim sẻ. Chúng cười khoái trí. Đứa nào cướp được phần rồi ngồi lỉnh ra một chỗ ăn. Bà đứng im nhìn bọn trẻ, rồi bà mỉm cười.
Phần ngô rang, phần bỏng đã được bà để riêng cho chị em tôi. Khi chị em tôi ngồi ăn bà ra góc sân "hóa vàng, đốt mã" tức là đốt những tờ giấy tiền và những bộ quần áo. Xong, bà ngồi xuống mép giường xoa hai chân vào nhau. Tôi nghe bà lẩm bẩm: "Cúng cả năm không bằng rằm tháng bảy". Bà bốc một nắm ngô bỏ vào mồm: "Cái Thơm, thằng Tho của bà ăn ngô có ngon không?" "Mai bà lại rang ngô cho cháu ăn nữa nghe bà". "Bố chúng mày chứ".
Ngày rằm, mùng một bà lên chùa lễ phật. Trong làng có đám ma, đám chay hoặc cầu cúng bà đến đọc kinh. Một lần khi chúng tôi về nghỉ hè làng có đám ma. Bà dậy sớm thổi cơm cho chúng tôi rồi bà đi. Chiều về bà mang theo một nắm xôi gói trong lá chuối, mấy miếng thịt lợn luộc. Bà nói xôi thịt của đám ma đấy. Nghe đến chữ ma tôi cũng hơi rợn người một chút, nhưng tôi lại thích ăn thịt nên chén ngon lành. Buổi tối bà có vẻ mệt nên đi ngủ sớm. Bà nằm được một chập rồi thì có tiếng gọi. Bà trở dậy liền ra mở cửa: "Bà Chén, sang chơi muộn thế". "Bà đã đi ngủ rồi à". "Vâng". Tôi đã thiu thiu, nhưng vội mở to mắt ra. Hễ bà Chén sang chơi, thế nào cũng có chuyện hay lắm. "Tôi sang kể với bà, bà Nụ bà ấy bị thần trùng bắt đi đấy". "Thế hả bà". "Phải, cái đận ông Nụ chết bà Nụ chẳng kiêng cữ ngày giờ gì cả. Ông ấy tuổi Dần bị chết vào giờ Tỵ là dữ lắm. Tôi bấm, ông ấy đi phải giờ "Nhị sa", tôi bảo bà Nụ mà bà ấy có chịu nghe tôi đâu cơ chứ. Bây giờ thì thấy chưa, đang khỏe mạnh là thế. Bà xem, trong có nửa năm mà nhà 2 đám tang. Nhưng tôi muốn kể cho bà nghe chuyện các thần trùng về làng mình đêm hôm kia bà ạ. Đêm ấy tôi không sao ngủ được. Quãng canh 1 - tôi nghe rõ tiếng đập cánh của con gà trống trong chuồng. Tôi mở mắt nhìn qua khe cửa thấy ngoài đường sáng trưng đèn đuốc. Tôi tưởng có chuyện gì mở cửa ra xem. Ôi, các ngài bà ạ; một ngài oai vệ cầm tờ lệnh đi trước, theo sau là quân lính, áo mũ chỉnh tề đi rầm rập. Tôi sợ quá đóng cửa lại. Tôi nghĩ, chắc là quan ngài đi bắt ai rồi. Sáng hôm sau thì nghe tiếng khóc bên nhà bà Nụ.
Bà đã từng bao giờ nhìn thấy thần trùng chưa hả bà?" "Chưa, bà ạ, đêm tôi ngủ được nên chả bao giờ thấy ngài".
Bà Chén về rồi tôi thấy bà nội vẫn chưa ngủ ngay, tôi đẩy đứa em bé ra rồi nằm bên bà. Quả thực tôi sợ và tò mò nữa. "Bà ơi, thần trùng là ai hả bà". "Là ông thần dưới âm ti cháu ạ". "Sao ông ấy lại về bắt bà Nụ". "Vì bà ấy có trong danh sách của ông ấy". "Vì ông ấy thích bà ấy cháu ạ". "Thế thì cháu chả thích ông thần trùng thích cháu đâu ạ". "ấy chết, cấm cháu không được nói thế nhá", bà vội vàng lấy tay bịt mồm tôi lại.
Một lần khác tôi lại thấy bà Chén sang thì thào với bà tôi: "Bà biết không, ở bên Nhật Thái có thằng bé mới lên 3 mà đã đọc được trang sách bà ạ". "ồ, nó bị lộn kiếp đấy mà. Chắc kiếp trước nó là một ông thầy hay chữ mà không được thông đạt, nên oan ức không luân hồi, lộn lại kiếp này để trả nợ đây mà". "Phải đấy bà nhỉ. Có thế thôi mà thiên hạ cứ đồn ầm lên rồi kháo nhau đủ thứ nào là thần đồng nọ, thần tài kia... " "Họ chưa hiểu thấu cái kiếp của con người đấy thôi".
Bà nội kể cho tôi nghe, kiếp người ngắn ngủi lắm nhưng cái chết chưa phải là hết. Kiếp người mà chân tu, chết đi được sang kiếp con vật. Như con gà, con lợn, con trâu, con khỉ... đến hết kiếp chó thì lại được lên kiếp người. Trải qua mỗi kiếp làm con vật, cũng phải chân tu mới được sang kiếp khác. Nếu không thì linh hồn sẽ bơ vơ không nơi trú ngụ, rồi mãi mãi chẳng bao giờ được trở lại kiếp người đâu cháu ạ. Nhớ chưa cháu. Sống ở kiếp nào cũng phải chân tu mới mong thanh thoát được". "Chân tu là sao hả bà". Cháu còn bé lắm chưa hiểu được sự đời đâu. Nhưng cháu phải ngoan ngoãn, học giỏi, nghe lời cha mẹ và yêu quý các con vật quanh cháu đây này. Nghe chưa?".
"Vâng ạ".
Chị em tôi nhiều khi không hòa thuận, hay chí chóe chửi nhau đứa "cha mày", đứa "mẹ mày", bà giận lắm: ". Các cháu có biết "cha mày, mẹ mày" là ai không hả. Hư quá thôi". Rồi bà hát "Ai mà chửi mẹ mắng cha, chết xuống âm phủ leo qua cầu vồng". Bà kể, cầu vồng rất nhỏ khó đi bắc qua hai đỉnh núi. Dưới là vực thẳm, đầy rắn rết; hai bên đầu cầu có hai con chó ngao to tướng ngồi ngóng cái miệng đỏ lòm với hai hàm răng trắng ởn sắc như dao. Sẽ chẳng có ai đi qua được cầu vồng đó, mà có đi qua được thì cũng bị chó ngao ăn thịt. Hôm nào bà sẽ chỉ cho các cháu xem cầu vồng"."Nhớ chưa, đừng có mà chửi nhau nữa nhé". Chắc chị em tôi đều sợ chó ngao nên chẳng dám chửi nhau nữa. Riêng tôi, tôi ám ảnh bởi những lời kể của bà, tôi cố răn mình cả trong ý nghĩ khi tôi tức giận định chửi ai đó.
Nhà bác tôi ở cuối làng, chị em tôi hay sang đấy chơi. Nhà bác cũng có một chiếc bàn thờ rất to, suốt ngày được che bởi hai chiếc mành ruộm đỏ. Một hôm tôi sang chơi lúc bác vén hai chiếc mành đỏ lên. Tôi nhìn thấy một tấm ảnh vẽ một con hổ to tướng. Tôi chỉ tay: "Con hổ kìa". Bà nội của chị Bưởi, tức là con gái bác tôi, đập vào tay tôi mắng: "Cấm được chỉ vào ông ba mươi, phải tội đấy nghe chưa". Tôi về nhà hỏi bà "Sao con hổ gọi là ông ba mươi?"."Sao chỉ tay vào con hổ lại bị tội hả bà"."Ông ba mươi có phải là ông ba bị không?". Bà bảo: "Ông hổ ở trên rừng quanh năm, ba mươi Tết nhớ người mò về thăm, nhưng vì ăn thịt người nên người sợ gọi là ông ba mươi. Ông ấy thích ăn thịt trẻ con lắm. Đứa bé nào hay nhắc đến tên ông là ông về để bắt đi. Nhưng ông có tật hay quên, cứ vấp phải gốc cây là ông quên sạch, lại quay về rừng". Trong những câu chuyện bà kể về ma, về cầu vồng, về ông ba mươi thì ông ba mươi ám ảnh tôi nhất. Tôi rất sợ ông về bắt tôi nhưng tôi lại hay phạm tội nhắc tên ông. Mỗi lần tôi nhắc đến tên ông xong tôi lại mong cho ông vấp phải gốc cây để ông quên đi. Thường những tối khó ngủ tôi luôn nghĩ về ông, rồi lại khiếp sợ, rồi lại ước ao ông quên đi vì ông vấp phải gốc cây nào đó.
Chiến tranh, cái thị xã bé nhỏ nơi cha mẹ tôi ở và làm việc phải sơ tán. Chúng tôi được về ở hẳn với bà nội. Những ngày tháng này tôi biết thêm rất nhiều bí mật của bà và quê nội. Một ngày bác tôi sang bàn với bà tôi: "U ơi con tính phải làm cái lễ cắt dây tiền duyên cho con Bưởi thôi. U, tính năm nay con Bưởi đã 25 tuổi rồi, là cái tuổi chả ai người ta hỏi nữa. Mà xem chừng nó có mặn mà gì với chuyện chồng con đâu". "Thế thằng Tính có giấy báo tử được mấy năm rồi", "Hai năm rồi u ạ"."ừ, để rồi u sửa soạn". Thế là từ buổi tối hôm ấy, căn buồng tối của bà lại được thắp ngọn đèn đỗ. Bà quấy một nồi hồ. Bà nhuộm các tờ giấy báo. Lần này bà bảo tôi xé giữa quyển vở học cho bà mấy tờ giấy trắng. Bà làm mấy đêm mới xong hình một cô gái thật đẹp. Mặt hoa da phấn, và đủ cả chân tay áo quần. Làm xong đâu đấy bà mới kể: "Chị Bưởi yêu anh Tính. Anh chị đã sắp sửa lấy nhau thì anh Tính đi bộ đội. Anh đi hai năm thì hy sinh. Nhưng vì yêu chị Bưởi nên giữ chân chị, không cho chị đi lấy chồng. Bây giờ phải gả cho anh Tính một cô khác thì anh ấy mới không theo chị ấy nữa".
Hôm sau bác tôi đến sớm cùng bà sửa soạn lễ vật gồm hương hoa, giấy tiền, xôi, chuối và đặc biệt có thêm một con gà luộc và một đĩa cua đồng rang. Chị Bưởi cùng đi cúng với bác nhưng mặt chị buồn lắm. Tôi cũng được theo bà lên chùa. Sư thầy làm lễ. Thầy khoác một chiếc áo thụng vàng. Thầy đặt mâm lễ vật và hình nộm cô gái lên bàn thờ. Xong thầy đi cắm hương ở các ban rồi thỉnh một hồi chuông dài. Thầy ngồi xếp chân bằng tròn, bà ngồi đằng sau còn bác và chúng tôi ngồi sau nữa. Thầy dặn khi nào thầy nam mô thì tất cả cùng cúi xuống lạy theo "nam mô a di đà phật". Tôi ngồi cạnh chị Bưởi thành tâm. Tôi nghe sư thầy đọc kinh như hát nhưng là một bài hát rất khó thuộc. Một lúc rất lâu sau tôi ngọ nguậy, rồi quay sang chị Bưởi. Tôi thấy mặt chị đầy nước mắt. Buổi lễ kết thúc là khi hình nộm cô gái được đốt kèm giấy tiền và mã. Bà nội và bác tôi rất vui lòng. Vẻ mặt họ nhẹ nhõm, chỉ có chị Bưởi là buồn bã. Chị đi lùi lại đằng sau và vẫn khóc. Tôi đi bên cạnh khẽ đụng vào tay chị dường như chị cũng không hay.
Tất cả các ký ức tuổi thơ của tôi đều trôi qua ở quê nội. Hết sơ tán chị em tôi đã lớn hơn, phải học hành nhiều hơn nên không hay được về quê nữa. Khi tôi tốt nghiệp lớp 10 và thi đại học xong tôi xin với cha cho về nhà bà nội chơi ít ngày. Bà nội giờ đã già yếu lắm. Bà chẳng thể đi làm đồng được nữa. Bà được các anh chị lớn nhà các bác đến ở cùng. Khi tôi về bà vui lắm, bà kể chị Bưởi về ở hẳn nhà bà rồi. Sau lễ cắt dây tiền duyên mà chị vẫn chưa lấy chồng. Chị ở nhà với bà nhưng chị xin kê một chiếc giường trong gian phòng tối của bà. Buổi trưa chị đi làm đồng về bà bảo chị và tôi khiêng "cỗ hậu sự" của bà ra phơi nắng. Chị em tôi đi ngủ trưa. Bà ra ngồi bậu cửa trông cỗ hậu như ngày mùa ngồi trông lúa phơi ở sân vậy. Khi tắt nắng hai chị em tôi lại khiêng cỗ hậu sự vào nhà. Bà cầm chiếc khăn mặt bông lau cỗ hậu sự âu yếm. Mặt bà lại bừng lên. "Cháu ơi, bà sắp được đi gặp ông nội đấy". Đêm tôi ngủ với bà. Bà rờ rẫm khắp người tôi: "Cháu lớn lắm rồi, cha bố mày, cố gắng mà học hành nhé"."Bà mệt lắm cháu ạ, chẳng muốn sống nữa đâu. Bà ước ao giời cứ cho khỏe mạnh rồi đến ngày đến giờ giời bắt đi. Thế là sung sướng lắm".
Ngày ấy sao mà tôi sợ chết đến thế. Nhưng nghe bà nói về cái chết nhẹ tênh đến vậy. Mỗi buổi sáng bà dậy rất sớm. Bà nhắc chân nhắc tay một lúc mới ngồi dậy được. Bà đi ra cửa, vừa đi vừa lẩm bẩm: -" Trời vẫn bắt sống".
Một sáng tôi với chị Bưởi đang líu ríu nói chuyện, bỗng nghe lao xao ở đầu làng rồi nghe tiếng trẻ con hét lên: "Ra mau mà xem, ngoài sông có người tự tử". Chị em tôi dắt nhau ra. Không phải là con sông cái mà là con ngòi ở đầu làng, có chiếc cầu bắc qua. Trên cầu mọi người đứng đông nghịt. Dưới sông những chiếc thuyền câu cá bơi xuôi bơi ngược trên sông, thả cần câu nhưng không mắc mồi câu cá. Những người trên cầu nín thở hồi hộp. Lâu lắm, một chiếc cần câu chùm được nhấc lên nặng tay hơn. Ba bốn chiếc thuyền cùng xúm lại giúp sức. Chiếc cần câu được từ từ nhấc lên. Trên mặt nước một cô gái với bộ ngực vồng lên đầu tiên. Lưỡi câu đã mắc vào tay áo. Cô mặc chiếc áo nâu non và chiếc quần lụa đen. Cô được đưa lên vệ cỏ. Cô nằm rất thanh thản với bộ mặt đẹp như tượng. Các cô gái làng Đức Hậu òa khóc nức nở. Phía ngoài kia một đám đông đúc các bà giữ mẹ cô gái lại không cho bà vào. Người chết đuối không được gặp người thân. Nếu không máu mồm, máu mũi sẽ chảy ộc ra, nhơ bẩn. Bà mẹ khóc lóc vật vã, kể lể vì đâu gây lên cái chết của cô. Cuối cùng sự tò mò của mọi người cũng hết. Họ tản ra về. Cô gái nằm đó được trùm thêm một cái chiếu. Người ta cũng bàn tán. Cũng có người giận cô, còn phần nhiều người ta thương xót cho cô, vì cô còn quá trẻ. Cuộc sống ở làng Đức Hậu này có gì là khó lý giải đâu mà cô phải chết oan uổng thế. Bà nội không ra xem nhưng bà giận lắm. Bà bảo: "Từ xưa đến nay làng Đức Hậu có đứa nào tự tử đâu kia chứ. Có lẽ đến ngày suy rồi. Chắc chắn mồ mả nhà nó động rồi. Mà con mẹ nó dốt, thấy con thế mà chả thắp nén hương kêu với ông bà. Người trần không che được thì để người âm phù cho chứ".
Chị Bưởi trở nên khó tính thế nào. Chị không muốn cho tôi ngủ cùng chị. Chị vào buồng sớm, thắp đèn lên và đóng cửa chặt. Cứ đến buổi tối tôi thấy chị như người khác hẳn. Chị như chờ đợi ai đó, chị không phải người đàn bà cô phụ không chồng, không con. Nhiều lần tôi muốn ngủ cùng chị mà chị không cho.
Tôi nhận được thư của bố báo tin đã đỗ vào đại học. Tôi báo với bà, bà vui lắm. Tôi chuẩn bị về nhà để lên nhập trường. Ngày mai tôi về thì hôm nay bà trở bệnh. Bà ngủ rồi bà không dậy nữa. Đến 9 giờ sáng thì bà có vẻ tỉnh lại. Bà mở mắt nhưng chẳng nhận ra ai cả. Bà gọi rất to, tiếng bà vang nhà - ông Thanh ơi, ông Thanh là ông nội tôi. Rồi bà nhắm mắt lại, nửa tiếng sau bác tôi khóc ầm lên: "Bà đi rồi". Lúc đấy tôi không khóc và tôi ngắm bà. Mặt bà thật thanh thản. Bà ra đi nhẹ nhõm lắm. Tôi nghĩ rằng bà rất toại nguyện. Lát sau tôi mới nghĩ ra rằng, sẽ chẳng bao giờ tôi được gặp bà nữa, được ngủ cùng giường với bà, được sờ chân, sờ tay, ôm lưng bà... tôi mới òa khóc. Khóc nỗi mất mát đầu tiên trong đời.
Đám ma của bà diễn ra như các bà, các ông ở làng Đức Hậu. Mấy bà già trong làng đến viếng bà nội đều ước ao có được cái chết như bà tôi: "Bà ấy ăn ở phúc đức lắm nên mới được ông trời ban cho cái chết nhẹ nhàng đến thế. Không biết đến lượt mình sao đây".
Bà mất rồi đêm cuối cùng tôi ngủ lại nhà bà nội chị Bưởi bảo tôi vào nằm chung. Chị kể cho tôi nghe chuyện chị và anh Tính yêu nhau như thế nào. "Em biết không, cái hôm bà với bác cắt dây tiền duyên cho chị ấy. Đêm chị nằm mơ thấy anh ấy về buồn bã lắm trách chị rằng sao nỡ phụ tình anh ấy. Sao nỡ gả cho anh ấy cô mặt rỗ. Chị giật mình không hiểu tại sao. Rồi chị bỗng nghĩ ra mà bật cười. Thôi đúng rồi, cái hình nộm cô gái bà làm ấy. Đêm bà để gián bò lên ăn hồ, cắn thủng một vết ở má. Hôm làm lễ chị có nhìn thấy nhưng buồn quá nên không dán lại. Chị thương anh ấy quá. Chị bảo với anh ấy là chị sẽ không bỏ anh ấy nữa. Anh ấy vui lắm. Anh ấy bảo chị - Em chẳng bao giờ cô đơn đâu, anh sẽ về với em luôn. Thật đấy em ạ, đêm nào anh ấy cũng về với chị đấy. Chị vui anh ấy cũng biết, chị buồn anh ấy cũng biết. Chị không cảm thấy thiếu thốn tình cảm đâu em ạ. Anh ấy có biết chị sang ở nhà bà nữa nhá. Anh ấy tình cảm lắm. Thế nên chị chẳng đi lấy chồng đâu. Chị trọn đời, trọn kiếp với anh ấy". Chị Bưởi kể cho tôi nghe mặt chị đầy hạnh phúc. "Em ạ, trần âm không cách biệt đâu nhé. Khi nào em lấy chồng em sẽ biết. Trần âm chẳng cách biệt đâu. Chị chẳng cô quả, chị cũng có một tấm chồng".
Tôi nghe chị Bưởi kể như kể chuyện cổ tích bà kể ngày xưa. Quê nội ơi! Bà nội ơi! Bà nội trong con thành một chuyện cổ tích rồi. Một miền cổ tích trong ký ức của tôi. Mỗi lần buồn đau tôi lại nhớ về nó.