Trên sân khấu nhà hát thành phố, âm nhạc và tiết tấu của vũ khúc "Chiu hon mu (Múa chiêu hồn)" của Đoàn nghệ thuật Hàn Quốc chợt lắng dần. Sân khấu sâu vời vợi. Cảm giác chất chứa, dâng lên trong lòng khán giả. Chợt có tiếng kêu : "Cấp cứu! Cấp cứu" ở ngay hàng ghế trước mặt tôi. Người đàn bà còn trẻ, ăn mặc đẹp lùa cánh tay trần, đỡ người đàn ông bên cạnh đang ngất xỉu. Bảo vệ nhà hát xuất hiện, nhanh chóng cùng người đàn bà, đưa người đàn ông ra xe cấp cứu.
Tôi bàng hoàng. Sự việc diễn ra nhanh quá. Hai chiếc ghế bỏ trống sờ sờ ra đấy. Không tin sao được.
Tôi biết người đàn ông này.
Người đàn ông cũng nhận ra người ngồi sau mình là người đàn bà ông ta rất thân quen. Dáng điệu ngồi xem của ông ta cứ nhấp nha, nhấp nhổm. Trái hẳn vẻ lập nghiêm thường ngày.
Chắc chắn người đàn bà bên cạnh ông ta chưa muốn nhận ra tôi. Càng hay. Tấn kịch cuộc đời bao giờ cũng vĩ đại, dung nạp tất thảy diễn viên.
Tôi bình thản ngồi xem.
Song sự việc vừa diễn ra làm tôi không bình thản được. Những băng giấy trắng phớ, giống như những lá cờ phướn, được tạo ra từ một nền công nghiệp siêu hiện đại, mềm như sương, nhẹ như khói đã gây hiệu quả huyền ảo, trùng trùng lớp lớp cái thế giới mờ mờ nhân ảnh. Đoàn vũ nữ mảnh mai xiêm y cũng một mầu trắng bay lượn. Vùng ký ức thê lương trong đời tưởng đã được thời gian khỏa lấp sống dậy.
Người đàn ông này đã đi qua chiến tranh.
Ký ức sống dậy, sự gục ngã của hiện tại đâu phải là bản năng.
Phụ họa khẳng định ý tưởng của tôi, cảnh trí trên sân khấu thật bi tráng. Những oan hồn chưa giải thoát vật vờ. Tiếng nhạc trầm uất đến nghẹt thở. Tôi biết tác giả của vũ điệu, không kinh qua chiến tranh. Nhưng nỗi day dứt về tội lỗi, của quân đội nước mình đi đánh thuê, gây ra trong quá khứ ở Việt Nam, hối thúc trái tim mẫn cảm của tác giả. Thà là muộn còn hơn không bao giờ. Niềm mong ước những con tim chung nhịp đập, vị tha, hòa giải đã nâng cánh vũ điệu "Chiu hon mu" bằng sức biểu cảm của ngôn ngữ được tác giả tái hiện rất sinh động. Trau chuốt từng dáng đứng đau thương, bước đi thể tất, hình ảnh người mẹ, người vợ - những người gánh chịu nỗi mất mát lớn nhất, của mọi cuộc chiến tranh, cũng là hình tượng đẹp nhất của vũ điệu. Lòng vị tha khởi nguồn từ tâm tình người mẹ. Nỗi buồn thinh lặng trùm lên. Không có sự phán xét của quan tòa. Chỉ có nỗi niềm cảm thông, thương xót những con người tươi trẻ từ giã cõi đời quá sớm. Điều gì đưa ta hạnh ngộ ? Chính âm nhạc và hình ảnh, bắt nguồn từ nền văn hóa phật giáo dẫn dắt nhau chạm tới miền vô thức của mỗi sinh linh. Vốn có nền văn hóa tương đồng, chung cách cảm đầy tính nhân bản về cái chết. Chết chưa phải là hết. Cái tinh thần vẫn còn. Bất giác tôi nhớ tới bài thơ "Chiêu hồn" của thi hào Nguyễn Du cách đây gần 300 năm, tế chúng sinh cô hồn, vô định :
"Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn, phách chiếc linh đinh quê người..."
Bảo rằng trong cái cõi tâm linh, vốn được coi là truyền thống đã hàm chứa tính hiện đại, không sai. Vong linh người lính đánh thuê, chiến sĩ giải phóng quân cùng vong linh người dân vô tội, trong khoảnh khắc lịch sử được siêu thoát, làm vợi nỗi đau quá khứ. Vũ điệu kết thúc trong sự lan tỏa, hòa nhập của biển hồn, trào dâng niềm vui hay niềm ân hận.
Không có lẽ sự thành công của người này, lại gây nỗi bất hạnh của người khác ?
Tôi biết rất rõ người đàn ông cách đây mười phút, ngồi hàng ghế trước mặt. ông ta tên là Thành. Người cùng làng.
Làng tôi nằm bên dòng sông Lô.
Năm tôi và Thành rời chiếc khăn quàng đỏ, chiến tranh lan ra miền bắc. Chiến tranh hiện đại, tốc độ bỏ xa vết loang của giọt dầu, mỗi khi chiếc ca nô chạy trên sông làm rớt lại. Trạc tuổi nhau, tôi với Thành vẫn thường ra sông bơi lội. Chếch làng, dòng sông có một khúc quanh lớn. Bên kia sông là núi. Dòng sông mưa lũ nước thúc về phía làng tôi. Cánh bãi, lở từng mảng lớn. Bờ sông nhiều chỗ dựng ngược. Nước sông đục như bát đất nhưng mát lạnh. Có lần tôi ngại làn nước đục ngầu. Mẹ tôi bảo "Mát của phù sa lành lắm!". Tôi mới thôi ngại nước, làm vẩn làn da tuổi dậy thì.
Tôi ngụp trong dòng nước. Thành vẫn ngồi trên bờ đất nhìn đâu đó. Tôi vốc nước té ngược lên và nói: "Mát phù sa lành lắm!". Thành chỉ cười. Bỗng "ùm" một cái, Thành đã nhào xuống dòng nước. Lát sau Thành nhô đầu lên, hai tay vuốt nước trên mặt cười khoái chí. Hàm răng Thành thật trắng.
- Làm người ta sợ hết hồn.
Thành nheo nheo mắt. Hai tay bụm nước hất về phía tôi. Qua làn nước, tôi nhìn rõ những mụn trứng cá lấm tấm như những hạt phù sa nâu đậm, trên gương mặt đã ra dáng người lớn của Thành.
- Nước phù sa lành lắm ! Nào bơi ra đây?
Giá như Thành dài giọng. Hẳn tôi sẽ đay đả lại. Đằng này cái giọng cứ mời mọc. Tôi dướn người nhoài ra. Nhưng, không biết có cái gì chả thấy nặng, cũng chả thấy nhẹ níu tôi trở lại. Bọn con gái sắp ra rồi đấy. Chúng mà biết sẽ chế cho, chỉ còn cách đào lỗ mà chui. Tôi quay vào bờ. Nước mát lạnh mà mặt tôi nóng bừng bừng. Thành nhìn tôi chưng hửng.
Thành là con út. Và cũng là út trai độc nhất của ông bà Nghi. Thầy, u và các chị gái rất cưng Thành. Gọi là cưng so với nhiều trẻ khác ở nông thôn. Chứ đến tuổi biết cầm chặt thừng trâu, Thành cũng phải đi chăn trâu cắt cỏ như bọn tôi. Cưng là mỗi lần đi đâu về, Thành vẫn được u cho sờ "tí". Đến năm hết cấp I, các bạn "ê ê" quá, Thành mới bỏ. Phải thế bây giờ dù đã ra dáng đàn ông, Thành vẫn cứ nhõng nhẽo. Đã bảo: "Không thể bơi sóng đôi với con trai được, con giải nó rút chân chết cả đôi, xấu hổ lắm!". Mà rồi: "Tớ đã khám sức khỏe, nay mai đi bộ đội, biết bao giờ trở về cùng tắm dòng nước mát?" Chưa hết: "Cậu làm cao nó vừa thôi, con gái đọc nhiều tiểu thuyết, sống như tiểu thuyết tớ sợ lắm". "Sợ mà còn muốn gần người ta!". "Gần bao giờ? Nào bơi ra đây!".
Tôi vốn ương bướng. Đã bảo "làm cao" làm cao cho biết mặt. Tôi quày quả lên bờ ngồi. Nước trên tóc chảy xuống, có hạt rơi vào môi. Sao lại mằn mặn nhỉ? Thành lên mặt giận. Chứng cớ là những mụn trứng cá rộp như bánh đa nướng. Thành biết tôi đã khóc vì "Thành không hiểu tôi!".
Đầu con dốc làng ra sông có cái miếu nhỏ. Miếu xây bằng gạch lợp ngói vảy. Nóc miếu uốn hai đầu rồng chầu vào nhau. Chiếc lư hương trên bàn thờ vẽ một con rồng nữa, đầu rồng lúc nào cũng hướng ra cửa. Mẹ tôi bảo: "Đấy là thần giữ đất". Gốc duối già cạnh miếu lá lúc nào cũng xanh đen. Dân làng tôi quê tứ xứ, lên ngụ cư làm phụ đồn điền canh nông cho Pháp. Miếu thờ ông Thổ địa. Ngài đã cho cảnh làng tôi, trên bến dưới thuyền, bờ xôi bãi mật, mùa nào thức ấy. Năm tôi còn tóc tết bím, phong trào phá đình, phá chùa, cấm cầu cúng rầm rộ khắp nơi. Vì lẽ gì cái miếu làng tôi không bị phá? Chắc chắn vì nó nhỏ quá! Xơ múi gì mà phá đi. Lạ hơn mỗi lần có người làng ra trận hoặc đi học xa, trên bàn thờ đều được thắp một cây nhang. Chỉ một cây thôi. Nhà gần miếu, tôi biết ai đốt nhang? Với tôi bây giờ vẫn là điều bí ẩn.
Ngày Thành nhập ngũ, mẹ tôi có ý tự mình cầu trời, khấn phật độ trì cho Thành chân cứng đá mềm. Mẹ tôi ra miếu rất sớm. Ai đó đã đốt nhang rồi. Nếu không là thần mách bảo thì còn ai vào đấy nữa. Mẹ tôi càng tin làng có thần. Biết chuyện tôi cố tình bắt bẻ mẹ:
- Anh ấy là con của làng. Người làng ai cũng có quyền cầu trời phù hộ. Mẹ chậm chân để người khác nhận Thành làm con rể rồi! Tiếc quá!
Mẹ là người tỉnh Bắc. Theo cha tôi tản cư lên rừng, vẫn giữ nếp nhà kín đáo. Mẹ tôi ngớ ra. Không ngờ cô con gái tính khí rụt rè, lại nói được câu như vậy. Dù mặt vẫn còn đỏ tưng bừng thế kia.
- Chị nhớ nhé ? Nay mai nó về, ông bà ấy sang hỏi không lấy thì chết đòn với tôi. Mẹ vừa nói vừa day ngón tay trỏ vào trán tôi ba cái. Y như tôi cầm bút chấm cái chấm lửng. Quý hồ mở ra một ý tưởng.
Chuông điện thoại đổ hồi. Cảm giác chùm nho chín nẫu buộc phải hái.
Tôi nhấc máy. Người đàn bà nói giọng đàng ngoài đằm nước mắt:
- Xin lỗi! Bà là X? Bà có quen nhà tôi là Thành Ly? Thưa bà! Trong cơn mê sảng nhà tôi hay nhắc đến tên bà. Thầy thuốc nói, chỉ có bà mới kéo được anh về với cuộc sống. May mắn bạn bè nhà tôi đến thăm, biết bà đang có mặt trong thành phố. Tôi khẩn thiết cầu mong bà, đến bệnh viện T. cứu giúp tôi...
Việc phải đến. Đã đến!
Tính tôi vốn kỳ cục. Bất kể việc gì, biết mình ở vị trí "không thể vắng mặt" là tôi cứ rề rề, rà rà. Không phải nói cái sự "trâu chậm uống nước đục". Lần này có cái gì đấy không ra nặng, cũng không ra nhẹ, cứ thúc sau lưng. ít phút sau tôi đã có mặt ở tại viện T.
Thành phố phương nam hầu như không có đêm. Bệnh viện sáng choang. Mùi thuốc sát trùng, đặc trưng của bệnh viện đậm đến mức, đưa tay vào đâu cũng có thể vốc được. Buồng cấp cứu có hai giường. Vừa đến cửa, mắt tôi chạm ngay chiếc khăn sợi dài vắt trên vai giường phía tay phải. Từ chiếc khăn truyền đi luồng điện cực mạnh. Bị hút vào đó như thế nào, tôi cũng không nhớ nữa. Người đàn bà đẹp ngồi ở cuối giường mở choàng mắt. Chị ta có phần xọp đi.
- Chị! Chị đã đến! Anh! Anh! Chị X. đến rồi. Trời ơi, phúc cho em quá.
- Tôi không phải là X.
- Trời ? Thế chị tìm ai ? Thiếu phụ nhìn tôi trừng trừng, thất sắc.
Tôi vừa nói gì nhỉ ? Tôi đỡ thiếu phụ ngồi xuống, nhận ra mình đã lỡ lời.
- Vâng, tôi là X. Chị bình tĩnh lại nào.
Tôi quay lại với người đàn ông, thân hình như quả bồ kết lép dán chặt xuống giường, gương mặt hốc hác, hai hố mắt trũng sâu. Tôi đặt tay lên ngực, qua tấm mền mỏng nhịp đập con tim của người đàn ông như tiếng vọng về xa lắm. Tôi hốt hoảng:
- Thành! Thành ơi! Lý đây mà. Em đã về. Dậy đi anh!
Đúng là chỉ chờ có thế! Từ hai cái giếng tối đen, sâu thăm thẳm vụt lóe lên tia sáng. Khỏi phải nói về sự linh diệu của kiếp phù du, cuối chiều gặp lại. Thần sắc đã tìm về gương mặt, vừa mới đây như kẻ vô hồn. Dưới tay tôi nhịp tim của Thành đập mạnh hơn. Chỉ sợ cái thần sắc kia nhòa vào ánh điện bay mất. Tôi líu lưỡi.
- Thành! Tỉnh lại đi anh. Lý về với anh rồi đây này. Cầm tay xem có đúng không nào?
Thiếu phụ thấy chồng đã tỉnh mừng quá. Cuống quýt:
- Anh lạc vào cõi nào xa thế? Có khát nước không? Em pha sữa nhé. Chị Lý chờ anh lâu lắm rồi!
Sau phút ngỡ ngàng. Thành đã tỉnh hẳn. Anh rút hai tay khỏi mền giữ chặt lấy tay tôi.
- Lý ơi! Anh không trốn em nữa đâu. Em có thấy chiếc khăn vắt trên đầu giường không? Em có nhận ra ư? Cảm ơn em. Chiếc khăn em đã quàng lên cổ anh ngày nhập ngũ. Vợ anh đấy! Anh đã bảo cô ấy lấy ra, để em biết lối tìm về.
Giọng Thành lào thào, như tiếng đập cánh của ngọn gió đi qua dòng sông thơ ấu.
- Vâng! Em đã nhận ra. Vợ anh - cô ấy tốt quá! Tôi quay sang thiếu phụ: Em tên là gì?
- Dạ! Em tên Sương. Mai Sương. Trong cơn mê sảng nhà em cứ nhắc đến chiếc khăn. Lúc đầu em chưa nghĩ ra. Ngỡ là nhà em lạnh cổ, em lấy ra quàng cho anh. Một lúc khác nghe nhà em nói, giọng như muốn khóc: "Anh trả khăn em đấy! Quàng làm gì cho thêm khổ" . Đến lúc này em mới lờ mờ hiểu - Chiếc khăn là của người yêu anh ấy tặng ngày xưa. Từ lúc gọi điện được cho chị, em tin đấy là chiếc khăn của chị. Chị đến đúng lúc quá! Hơn một ngày đêm rồi nhà em mê man bất tỉnh, chả ăn được gì. Chết mất thôi!
Giọng thiếu phụ chân thành, xởi lởi. Tôi cảm thấy dễ chịu. Thiếu gì cái cảnh gặp nhau tay ba "ngứa ghẻ hờn ghen", lạnh xương sống. Tôi ngồi xuống cạnh thiếu phụ.
- Sương ơi! Đây là chị Lý người cùng làng với anh. Chị Lý còn có tên là X, mà anh hay nhắc đến đấy. Nói đoạn Thành quay sang tôi: - Ngày anh và Sương làm lễ cưới, có nhận được quà mừng em gửi qua bưu điện. Em chu đáo quá! Biết em chuyển hẳn vào đây, chuyến công tác này anh đưa cô ấy cùng đi. Anh định bụng xong công việc, sẽ cùng cô ấy đến thăm em. Chúng ta sẽ thật vui vẻ. Bỏ qua cho nhau tất cả. Trong công việc đôi lúc muốn cùng em trao đổi, bàn luận cứ e điều gì ấy. Nào ngờ gặp lại em trong tình cảnh này. Lại một tình cảnh đáng thương. Hãy tha thứ cho Thành, Lý nhé! Những sợi ria đã bạc lâu ngày chưa cạo trên mép Thành mấp máy.
Có thể thế ư ? Cái con người từ ngày nào đến giờ vẫn được tôi coi là thần tượng, vẫn được tôi thường xuyên để mắt, lại cầu mong tôi tha thứ. Không. Chính Thành đã tha thứ cho tôi. Bằng chứng là trên đôi môi tím tái, đã ẩn hiện nét cười không bao giờ muốn ngưng lại.
"Chiến tranh thật tàn khốc. Sự sống của mình chưa hẳn là may mắn!" Có lần Thành nói với tôi.
Tôi - một người đàn bà lớn lên chỉ có ăn và học, rồi làm lụng chăm chút cái tổ ấm gia đình, làm sao có thực tiễn nặng đồng cân để tranh biện lại. Những ngày trở trời. ở miền bắc thì quá nhiều ngày trở trời, chuyển gió, những vết thương ở đầu, nơi có khối óc với hàng tỷ nơ-ron thần kinh, ở ngực nơi có trái tim nhạy cảm khôn lường, đã ra sức hành hạ Thành. Rồi cả những câu nói, hành động vô tình chạm tới vùng ký ức, anh hùng đấy mà cũng bi thương đấy. Vũ điệu "Chim họa mi" là một chứng cớ.
- Vũ điệu đã làm anh nhớ lại những ngày đầu ra trận. Lần đầu tiên nổ súng tiêu diệt địch ở sân bay Đ. Sau trận ấy trở về, tại trạm phẫu thuật tiền phương anh đã thư cho em. Không biết cơ may nào, anh còn sống đến ngày chiến thắng hoàn toàn? Cả một đại đội hành quân vào chiến trường, giờ điểm mặt lại còn đúng một tổ ba người. Ghê thật!
- Cơ may nào ư ? Tôi mỉm cười - Thần làng mình phù trợ cho anh đấy.
Năm Thành nhập ngũ, làng tôi cũng có nhiều trai tráng lên đường. Vào những buổi chiều, cái miếu nhỏ của làng luôn được thắp nhang. Mẹ tôi bảo: "Chiều xuống con chim về tổ, con người về nhà. Thắp nhang để người làng đi xa nhớ về ruột thịt". Dần dà tôi cũng tin. Một chiều tôi ra sông về muộn, nhìn vào miếu thấy cây nhang sắp tắt vụt lóe lên. Y như đốm sáng ở đầu điếu thuốc Thành hút, hôm ngồi ở bờ sông hóng gió.
Ngày tôi học lớp mười. Lớp cuối cùng của hệ phổ thông thời trước. Tốc độ leo thang đánh phá miền bắc của đế quốc Mỹ rất ác liệt. Trường tôi sơ tán vào rừng.
Đã vào rừng vẫn còn phải đào hầm kèo chữ A. Bom Mỹ ném có nhiều loại. Hầm kèo chữ A tránh được bom phạt, bom bi.
Non trưa. Nắng hanh hao. Cánh rừng đang im lìm, bỗng ồn ào, táo tác. Bốn chiếc phản lực Mỹ, biệt hiệu "con ma", ra sức quần đảo con đường liên tỉnh. Chúng nhằm mục tiêu cây cầu bắc qua sông suối lớn. Dòng suối có chiếc đập tràn ngày đêm cần mẫn đưa nước tưới những cánh đồng bên cạnh. Bị hỏa lực của quân dân ta chống trả quyết liệt lũ "con ma" vọt lên cao cắt bom. Bom nổ. Cầu không sập. Đập không vỡ. Chỉ có cái chết. Ngỡ bọn chúng đã cút thẳng. Dân ùa ra bắt cá. Can cớ gì một chiếc F.5 ngoặt trở lại?. Nhanh như xiếc nhằm đám người đang lố nhố, nó cắt bom. Máu người, máu cá đỏ thẫm dòng nước.
Tận mắt chứng kiến tội ác của kẻ thù, cái chí khí "Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha" được nhà trường, xã hội vun đắp, càng làm chúng tôi thấy không thể ngồi yên mà học. Tôi mơ được cầm súng để trả thù cho chị hàng xóm, ở cạnh nhà bà chủ tôi trọ học, chạy ra bắt cá trúng bom chết, bỏ lại đứa con khát sữa, khóc kiệt cả hơi. Tôi mơ được như Thành, mới hôm qua còn là chàng trai nông thôn, hôm nay đã thành anh giải phóng có chiếc mũ vải mềm quăn lên như tai bèo. Tôi đã ra sức vẽ trong tâm tưởng mình chiếc mũ màu nhiệm.
Lớp tôi lập nhóm thông tin. Nhóm có tôi với cái Bình là nữ, được giao làm phát ngôn viên. Tin tức hai miền đánh Mỹ được chúng tôi thông báo cho lớp hàng ngày. Một sáng thầy chủ nhiệm vào lớp đưa cho tôi lá thư. Lần đầu tiên tôi có thư! Tôi cuống quýt nhìn xem ai gửi. Góc thư đề chữ: Tiền tuyến kèm theo chùm chữ số lộn xộn, linh cảm thư của Thành. Tôi bóc vội. Hành động của tôi không qua mắt cái Bình. Thư gửi đúng họ tên tôi kia mà. Tên lớp sai kể gì .
Đúng là thư Thành. Chiểu theo ngày tháng ghi trong thư lá thư đi hết: một năm sáu ngày mới đến tay tôi. Có nghĩa con đường hành quân của Thành dài dằng dặc. Câu chữ nào của Thành tôi đọc cũng dâng niềm xúc động khó tả. Nảy ra ý đồ ngồ ngộ. Tôi làm phép so sánh. Một bên là tốc độ tội ác của đế quốc Mỹ, tính bằng giây bằng phút. Một bên là tốc độ tình cảm của chúng tôi, đại lượng thời gian tính bằng tháng bằng năm. Hệ quả giá trị chiến thắng được rút ra. Thật hết chê. ở lớp tôi được tiếng tài tử học môn vật lý. Tôi rất thích những khái niệm của môn này. Này nhé, những dao động cùng chiều, cộng hưởng, khúc xạ ánh sáng v.v. .. rất gần với cảm giác của tôi, khi tiếp nhận cuộc sống hàng ngày. Tôi áp chế những khái niệm đó vào các bài luận văn nhuần nhuyễn đến mức cô giáo dạy văn sửng sốt.
- Thưa cô? Con người là trung tâm của vũ trụ. Thế thì, tất cả những lực hút, lực đẩy xảy ra trong vũ trụ, ắt có gốc rễ từ con người . Cô vẫn dạy chúng em : văn là người. Dạ! Thưa cô.
Dạo đó, cô giáo đang có tình yêu với một thầy giáo trong trường. Khỏi phải nói : Điểm văn của tôi toàn bốn trở lên. Dòm dòm thấy vẻ mặt tôi phấn khích, cái Bình véo vai tôi.
- Nhiều thông tin mới hả ? Nghiền ngẫm một mình chắc?
- ờ. ờ! Tôi trịnh trọng. Từ tiền tuyến bạn tớ gửi lời chào Đoàn kết, Quyết thắng cả lớp ta. Đâu? Nhanh như xiếc, cái Bình giật lá thư. May mà tôi kịp buông tay. Bình hèm:
- Em Lý yêu thương!
Giật nảy người tôi gào lên: Bịa ! Bịa ! Tôi nhoài ra định giằng lại. Cái Bình nhanh hơn, nó đã chuyển lá thư cho cái Tân ở tít bàn trên. Cái Tân cầm thư quay xuống nhìn tôi. Giọng nó tưng tửng.
- Có thư Quân giải phóng, khác gì "du kích nằm kề", sao lại mếu xuệch, mếu xoạc thế kia ? Chợt nó nghiêm trang:
- Yên chúng mày! Thư kể chuyện chiến đấu hay quá!
- Đọc to lên ! Cái Lý mày cho bọn tao nghe nhờ một đoạn. Bọn con gái nhao nhao - Xem chiến trường khói lửa thế nào, còn chuẩn bị tinh thần chứ !
Tình huống đã chuyển. Tôi xúc động. Tao giấu làm gì. Tại cái Bình nó cứ bịa. Tao không thích. Đưa đây ! Bây giờ thì tao đọc trước sau như một. Thề có cây có cỏ, có mụ Lý là bạn mụ Bình. Con xin đọc.
Bình cầm lại lá thư. Sao hôm nay giọng nó tình cảm thế. Tôi ngỡ ngàng. Hình như không phải là nó. Tiếng của rừng xanh, suối chảy thì đúng hơn.
Thành viết cho tôi nhiều thư. Thư nào cũng có chuyện. Có thư chỉ kể: Đêm nằm nghe sương rơi trên mái lán "lộp bộp" , lại nhớ gốc trám già ở quê. Những hôm đi học sớm qua gốc nghe trám rụng. Giật mình đấy nhưng mà bình yên! Sao Thành chỉ nhắc lá thư đầu? A ? Tôi nhớ ra rồi.
Thư viết :
"... Cuộc chiến đấu đã kết thúc đúng như dự định. Sân bay Đ chìm trong biển lửa. Thành đang chuẩn bị rút thì một tên lính vọt ra từ khu hầm ngầm, cách mô đất Thành nấp mấy bước chân. Đầu hắn đeo tai nghe. Hắn là lính thông tin. Có lẽ đến phút này hắn mới biết bị thua trận. Bộ dạng mới ngơ ngác làm sao. Thành nâng khẩu AK lên. Trời hắn còn quá trẻ. Lại đẹp trai thế kia. Cái miệng gọn. Sống mũi cao. Thành gào to: "Giơ tay lên. Đầu hàng đi!" Hắn sững sờ. Bốn mắt gặp nhau. Mắt hắn đen và cũng hai mí đấy chứ. Đầu hàng đi . Có lẽ hắn hiểu. Hắn giơ tay lên trời. Tay Thành rời cò súng, hắn quay người, bước từng bước lên mé đồi cạnh sân bay. Hắn không thể chạy trốn được ! Dưới ấy là vực sâu. Bỗng hắn quay người lại hai tay hạ xuống, làm cử chỉ như vái chào Thành. Hắn đứng yên. Rồi như không chịu nổi. Bằng động tác rất đẹp, hắn xoay người, buông mình xuống vực. Lửa và ráng chiều như cùng bay theo hắn. Thành ớ người. Tiếng kêu tắc nghẹn trong cổ. Kinh hãi. Thành ngước nòng súng lên trời bắn ba phát. Tiếng súng chìm trong tiếng lửa réo phần phật. Không có tín hiệu đáp lại Thành bắn ba phát nữa. Tiếng súng khô khốc, cộc cằn. Cảm giác bị bỏ rơi ngàn ngạt dâng lên. Hình ảnh người lính Nam Hàn, và tự kết thúc đời mình bằng một cú nhảy làm Thành hoang mang. Cái nhìn của hắn dịu dàng thế. ý định đến xem thân xác hắn tan tành như thế nào, tàn nhẫn quá. Mà lửa cũng đã tạt về phía Thành. Lửa của bà La Sát cầm quạt ba tiêu quạt lên, cũng nóng đến thế là cùng. Thành chắp tay vái người lính rồi vùng chạy. Bỗng nhoàng một cái. Thành chỉ kịp nhận biết, chiếc lưỡi xanh lè dài vô tận quẹt lên người.
Sáng hôm sau đơn vị vào thu dọn chiến trường, thấy Thành nằm mê man bất tỉnh trên chiếc "ổ" bùng nhùng dây thép gai, cách đấy không xa là hố bom vỡ hoác đất đỏ như máu. Thật là may mắn. Nhớ lại chỉ cần Thành chần chừ mấy tích tắc thôi, hẳn đã tan xác pháo. Trời phật đã phù hộ cho Thành. Thành tin có ngày trở về , cùng Lý cắp sách đến trường...".
Vậy là, hình ảnh người lính Nam Hàn không chịu chết thiêu trong lửa, hương hồn không biết vương vất nơi đâu đã ám ảnh bạn tôi bao năm trời ? Bạn tôi đã làm nhiều điều tốt lành, vẫn cảm thấy chưa thỏa. Vũ điệu "chiu hon mu" như một lễ chiêu hồn truyền thống, mang ý nghĩa xã hội hiện đại của một tác phẩm nghệ thuật. Đã lâu lắm rồi, vào dịp rằm tháng bảy âm lịch bên cái miếu nhỏ, làng tôi cũng làm lễ: "Xá tội vong nhân" . Theo sự phân công của làng, mẹ tôi nấu một nồi cháo hoa to. Vừa nấu cháo mẹ vừa bắt lá mít. Mẹ dạy tôi gấp lá mít thành những chiếc bồ đài xinh xinh. Cháo nhừ. Bồ đài cũng gấp xong. Mẹ tôi đem ra miếu. Hai bên con đường đến cửa miếu, đã có người cắm những que tre nhỏ khoảng cách rất đều nhau. Mẹ lấy bồ đài lá mít cài lên que tre suốt lượt. Mẹ tôi làm rất nhanh. Đúng lúc tiếng trống, tiếng phèng phèng và tiếng hát của ông thầy cúng vang lên, mẹ tôi lấy muôi múc cháo vào những chiếc bồ đài. Mẹ tôi bảo: "Làm thế để những cô hồn lang thang, đói khát có ngày no đủ, không quấy nhiễu người sống". Cứ nhìn những chiếc bồ đài. Mẹ tôi múc đầy cháo mà không rớt tí nào ra ngoài, là biết mẹ thương những người dưới âm lắm.
Họ không còn quấy nhiễu người sống nữa. Có lẽ đúng thế. Người sống ơi, cứ bình tâm làm lụng và ca hát. Vượt lên mọi đau thương, mất mát, lời xá tội của cả một dân tộc thật hợp lòng người. Hợp lẽ trời.
Sau này, với thói quen nghề nghiệp, đọc sách báo tôi hiểu kỹ bối cảnh trận đánh sân bay Đ Thành kể trong thư. Thời gian ấy, theo hiệp ước quân sự của Mỹ lính Nam Hàn là đội quân đánh thuê cho Mỹ theo thời vụ. Đội quân đánh thuê này đổ bộ vào khu vực phía Nam Trung bộ, chủ yếu vùng đồi núi. Lính Nam Hàn giỏi nghề cầu đường và xây dựng sân bay. Đánh nhau là cứ phải đúng bài bản. Gì chứ, điều này phù hợp với đường lối của giới quân sự Mỹ. Sử dụng chiến thuật có quy ước của một nền công nghiệp phát triển, đánh lại một đối thủ không có quy ước của nền nông nghiệp chậm phát triển. Con số Thành dẫn đến đâu? Người ta đã tính được ? Số bom đạn Mỹ giội xuống dải đất cong cong hình lá lúa, gấp ba lần bom đạn đánh phát- xít Nhật hồi thế chiến thứ hai. Người ta tưởng tượng đất nước này trở về thời "đồ đá cũ" nhưng nào ngờ vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, Mỹ buộc lòng phải nhượng bộ, bắt tay thân thiện với đất nước này vào cuộc làm ăn. Giá như người phương Tây, cũng có được quan niệm của người á Đông về người sống và người chết, cuộc làm ăn chắc sẽ nhiều thuận lợi.
Trở lại trận đánh. Tôi biết chi tiết hơn. Bao quanh ba mặt sân bay là núi đồi. Tuy không hiểm trở bằng núi rừng quê tôi, nhưng với những ai sinh ra và lớn lên ở các đô thị lớn, thế cũng đã là hiểm trở. Lính Nam Hàn được trang bị súng máy, pháo tầm xa và trực thăng. Nghĩa là các loại vũ khí có công suất sát thương và tiêu diệt số đông sinh mạng. Quân ta chỉ có súng A.K và lựu đạn mỏ vịt. Do trinh sát kỹ lưỡng, lợi dụng các mô đất lùm cây bí mật tiến công, quân ta ém sát sân bay địch mới phát hiện. Pháo mất tác dụng. Gọi máy bay dội bom họa có điên. Ta được lệnh nổ súng. Được huấn luyện đánh có lớp lang, bài bản, bị đánh bất ngờ lại không có vũ khí tối tân yểm trợ. Địch đóng trong sân bay bị cắt rời từng mảng. Các tay súng của ta phát huy hết tác dụng chiến thuật cá nhân. Toàn bộ sinh lực địch bị tiêu diệt. Ta san bằng sân bay. Hóa được cứ điểm quan trọng trong phòng tuyến quân sự của đối phương ở miền trung.
Chiến tranh kết thúc. Đất nước thống nhất. Thành là đứa con cuối cùng trở về làng. Cả làng reo mừng. Trai làng tôi nhập ngũ có mặt khắp các chiến trường A, B, C đếm gần kín số đốt hai bàn tay đều trở về lành lặn. Mẹ tôi cười: "Phúc làng mình to lắm!".
Dạo đó tôi đã học xong trường chuyên nghiệp đang đi dạy học. Chủ nhật nghỉ dạy. Tôi về nhà thì hay tin Thành về. Mẹ rủ tôi lên thăm. Nhà Thành ở giữa làng. Bà con làng xóm kéo đến chật ngôi nhà tranh. Mẹ con tôi đến, ông bà Nghi rất mừng. U Thành chưa già lắm nhưng lưng sớm còng. Bà lập cập ra thềm đón mẹ tôi. Vừa bước vào ngưỡng cửa, tôi đã nhìn thấy Thành mặc bộ quân phục rộng thùng thình, ngồi trên chiếc ghế băng. Thành già đi nhiều. Thành nhận ra tôi ngay, khẽ mỉm cười. Nụ cười tái nhợt.
Tiếng xì xầm từ lúc mẹ con tôi tới vỡ tung:
- Chú rể ra đón cô dâu đi chứ!
Thành có ý muốn đứng dậy. Anh yếu quá!
Tôi chạy đến bên Thành. Vừa định nắm tay Thành thì sững lại. Tôi bẽn lẽn tìm cho mình chỗ ngồi không xa lắm để ngắm Thành. Nhìn mái đầu chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc, tôi không tin đấy là người con trai, từng đóng vai trung úy Phương trong vở kịch "Nổi gió" của Đào Hồng Cẩm, công diễn ở xã được nhiều cô nàng mê tít. Chả lẽ anh giải phóng quân trong tâm tưởng của tôi thân tàn ma dại thế này ư ? Tôi ứa nước mắt.
Từ lúc tôi vào, Thành đã chăm chú nhìn tôi, Thành đã bắt thóp được cái nhìn khốn khổ của tôi. Cái nhìn trong ý nghĩ không thành lời mới bạc làm sao. Thành nhỏ nhẹ.
- Mình bị sốt rét nhiều. Tưởng không về nổi làng. Lý dạy học có xa không?
Trời ơi ! Cái giọng nói. Vẫn là Thành ngày xưa - chân tình tha thiết.
- Dạ ! Cũng không xa lắm. Thành về hẳn chưa ?
- Mình cũng chưa biết. Kìa lau nước mắt đi chứ! Nhìn mình hãi lắm phải không?
Tôi ngượng chín người. Mẹ tôi ngồi bên giường với u Thành đỡ lời:
- Em nó lớn mà chưa có khôn. Anh về thế này là phúc đức cho ông bà lắm rồi.
- Phúc đức cả cho ông bà bên ấy nữa. Mấy bà hàng xóm nói xen vào.
Tôi lúng túng thật sự. Nhân lúc Thành nói gì với người chị gái, tôi đi ra ngoài. Có điều gì đấy đang cùng gió cùng mây muốn tôi đi thật xa. Thật xa. Tôi đang đứng trước miếu làng. Tôi thành kính thắp một nén nhang tạ ơn trời đất.
Đứa con cuối cùng của làng đã trở về.
Niềm mong đợi của tôi đã hiển hiện bằng xương bằng thịt, thế mà tại sao tôi cứ vơ vơ, vẩn vẩn. Cảm giác như không phải là Thành vậy. Tôi lấy những lá thư Thành viết đọc lại, gắng thuyết phục mình mà không xong. Tôi lờ mờ nhận ra trong mình có hai con người. Con người này cứ bám chặt vào những kỷ niệm, không chịu chấp nhận hiện tại còn con người kia chấp nhận hiện tại trong trạng thái khiên cưỡng, y như cái cây không rễ. Chiều tối. Thấy tôi sửa soạn lên trường, mẹ tôi ngạc nhiên:
- Thành nó mới về con lại đi ngay!
- Con phải đi mẹ ạ. Tôi dắt xe đạp ra cửa.
- Hay là mày có đám nào ở trường rồi ? Đừng dối nó mà tội nghiệp. Mẹ giúp tôi buộc mấy củ sắn vào xe hỏi.
- Không đâu mẹ ạ ? Tôi ngước nhìn, bắt gặp nét buồn phiền của mẹ - con vẫn chờ anh ấy về đấy chứ. Anh ấy về con lại thấy thế nào ấy ?
- ừ nó sốt rét nhiều quá. Cũng tại thằng Mỹ cả thôi. Cái đó tùy con.
Mẹ vẫn chiều tôi. Tôi thầm biết ơn mẹ.
Từ nhà đến trường tôi đang dạy học hơn chục cây số. Đấy là quãng đường tự do nhất của tôi. Tôi tha hồ tự lục vấn mình mà không bị phiền toái. Có lẩm bẩm. Có mày chau. Có nước mắt ràn rụa... Ai đấy bắt gặp: "Chuyện của người đi đường hơi sức đâu mà để ý". Tôi biết mình đã làm Thành buồn trong ngày gặp lại. Làm sao bây giờ. Tôi vốn không che giấu được ý nghĩ của mình. Nó cứ hiển hiện ra mặt, ra mắt. Mẹ vẫn mắng tôi: "Vụng ăn, vụng nói còn có thể sửa được, chứ vụng nhìn - con ơi chỉ có chết. "
Đúng như tôi linh cảm. Thành đã không xuống nước vì cái nhìn khốn khổ của tôi. Còn tôi vốn ương bướng. Thế là tôi và Thành cứ như hai đường thẳng song song. Có lúc do nhiều tác động, tưởng là nó sẽ gặp nhau. Nhưng không. Tôi biết: "Chàng cũng có nỗi buồn giống tôi?". Mong ngày gặp lại . Khi gặp lại như ông chằng bà chuộc. Mẹ tôi càng buồn hơn. Trước lúc mẹ từ biệt cõi đời này, mẹ còn dặn với : "Đàn bà có thì, mẹ xem ra anh Thành vẫn quý con, con nên nghĩ lại!".
Tôi đã không nghe lời mẹ.
Hình như cái quãng đường mà tôi cảm thấy mình được tự do nhất đã mê hoặc tôi. Bỏ ngoài tai điều nọ tiếng kia. Tôi lặng lẽ đi theo con đường mình thích. Thì ra không phải chỉ có bố mẹ chiều tôi, mà cả cuộc đời này cũng chiều chuộng tôi. May mắn tôi không tự huyễn hoặc mình. Công bằng mà nói cái ý thích của tôi chả làm phương hại đến quyền lợi, danh vọng của người nào, thứ nữa xã hội cũng chả tốn kém bao lăm. Nó chỉ làm hao mòn tâm lực tôi. Bù vào tôi đã có phương thuốc trấn an mình rất hiệu nghiệm - coi đấy là nghiệp căn.
Ngày biết Thành theo học Khoa tâm lý của một trường đại học, tôi hơi bất ngờ. Tôi biết Thành đã từng mơ ước, có ngày thay cây súng bằng cây bút. Thành vẫn cho rằng đàn ông mà học lực kém đàn bà, không thể làm chủ gia đình được. Thành đi học là phải. Nhưng tại sao lại là khoa tâm lý? Một người đã trải qua chiến tranh, trí lực vẫn minh mẫn, học tâm lý để trắc nghiệm lại cuộc đời này ư ? Tôi vẫn thường tự hỏi, mỗi khi nghĩ về làng xóm, bạn bè ở quê hương.
Cho đến một ngày. Ngày hôm đó như thế nào nhỉ ? Phải rồi không có bướm bay, nhưng có nắng thu vàng rười rượi và nền trời xanh ngăn ngắt. Bà bạn cùng phòng làm việc, ẩy ra trước mặt tôi cuốn tạp chí: Nghiên cứu văn hóa dân tộc.
- Bà này! Tôi vừa đọc bài viết của tay Thành Ly nào đấy, nhắc đến cái miếu nhỏ của làng bà. Cái miếu bên dòng sông Lô bà vẫn hay kể đấy ! Phải công nhận tay ấy viết khá. Nghe nói trên dòng sông quê bà có nhiều đền miếu thiêng, tết ra dân Hà Nội, Hải Phòng đi lễ cứ ùn ùn. Bao giờ bà cho tôi theo về một lần nhé! Bài viết đây này, chưa đọc hử?
Tôi cầm cuốn tạp chí nhưng chưa đọc ngay.
- Đi lễ cũng là một hình thức du lịch. Còn thiêng hay không là tùy lòng người. Chả gì mỗi năm có một chuyến đi, thả hồn cho núi non sông nước, quá bằng siêu thoát.
- Thảo nào. Tôi luôn thấy bà siêu thoát.
Tôi không thích kiểu tranh luận, đến một lúc nào đấy cứ vận vào đối phương. Tôi mở cuốn tạp chí. Với tiêu đề khiêm tốn: "Cảm nghĩ về tâm thức người làng" người viết có bút danh Thành Ly, làm tôi hồi hộp. Những hiểu biết sâu rộng, về cái tập tục xã hội của một quần cư gọi là làng ư? Hay những biểu hiện tình làng nghĩa xóm, khi tắt lửa tối đèn cũng như khi có ngoại bang rình rập đẹp như thế, đến bây giờ thời cơ chế thị trường lại có nguy cơ bị phá vỡ ? Hay là cái miếu làng, một vật thể sờ thấy được, mà tưởng trưng cho bao điều thầm kín vô biên của cõi tâm linh ? Không phải! Tôi hồi hộp vì cái bút danh. Rõ là con cháu của làng mới có chi tiết đắc địa như thế . Lẽ nào bút danh lại là một dấu chấm than, đầy ẩn ý của sự thành công và ly biệt ?
Một nhà triết học cổ đã nói: Mỗi một con người đều chứa đựng trong mình hai sinh linh. Đó là con người bình thường và con người siêu phàm. Tôi tin điều này từ lâu. Những lần tôi bị cảm, mẹ tôi thường luộc trứng gà đánh cảm cho tôi. Trứng luộc chín, mẹ bóc vỏ bửa làm đôi. Mẹ lấy lòng đỏ cất vào chạn thức ăn. Còn lại lòng trắng, mẹ lấy đồng bạc bà đầm xòe đặt vào giữa, túm trong vuông vải nhỏ, rồi nhúng vào xoong nước sôi trên bếp. Mẹ vắt bớt nước và cứ thế day mạnh lên trán, lên thái dương tôi. Trứng nóng nước nóng. Vừa "đánh" mẹ vừa dỗ dành : "Con chịu khó để mẹ đánh tan cái gió độc. Mai con tha hồ chạy nhảy" . "Mẹ ơi cái gió độc nó thế nào ? Sao nó thấm vào con, không thấm vào các bạn? ". "Tại cái hồn con thích rong chơi đây đó. ồ ! Con nhìn này đồng bạc đen và đỏ thế kia là độc lắm. Con thấy nhẹ đầu chưa nào? Mẹ lấy lòng đỏ con ăn, ăn xong là khỏi liền". Giọng mẹ tôi trong và ngọt như nước mưa hứng dưới gốc cau. Đầu tôi nhẹ bẫng và tôi tin mẹ là người giỏi nhất làng, nhất tỉnh. Bàn tay mẹ tuy sần những vết chai mà bắt được những con gió độc không hình thù, không tóc tai, rồi nhốt chặt chúng vào trong đồng bạc. Sau đấy mẹ để dưới gót chân cũng chai sần, đi cho đến lúc chúng tan biến vào đất, chả còn làm hại được tôi nữa.
Có thể bài viết ấy là của Thành. Vẻ lấp lánh ẩn dấu bao ngày đã đến lúc bộc lộ. Tôi gọi đấy là tính siêu phàm của phút giây đột biến. Tôi đã dành khá nhiều tâm lực cho chuyên đề này. Tôi đã mắc sai lầm. Đâu phải chỉ là những phút giây đột biến. Hàng loạt bài tiếp theo trong cùng một mạch cảm, về một nền văn hóa dân tộc, trên nền tảng văn hóa phật giáo cổ truyền của Thành Ly đã khẳng định tính chính xác của sự kiện. Rồi như, thay vào một lời thú nhận bút danh ấy với riêng tôi, trong một bài viết, bàn về những vật thể sinh ra, đến một lúc nào đó không tồn tại nữa, nói thẳng ra là sự chết. Thành Ly đã nhắc đến những cái chết trong chiến tranh. Cả cái chết của người lính Nam Hàn, chết vì quan niệm truyền thống của cả một dân tộc "thà phơi thây chiến trận" chứ không chịu làm hàng binh. Đến tận lúc ấy, hai con người trong tôi mới chịu chấp nhận chỉ có một Thành. Duy nhất một Thành. Thành của hiện tại gầy gò, ốm yếu cũng chính là Thành của ngày xưa - cung kính chắp tay xin thần thổ địa, cho chúng tôi được ăn chuối trên bàn thờ, chứ để qua đêm chuột bọ sẽ ăn mất.
- Kìa ! Lý, em nói gì đi chứ ! Thành chớp chớp mắt. Anh không được xem khúc kết của vũ điệu. Nhưng anh đã đoán ra. Cảm ơn em đã đến. Ông tác giả người Hàn Quốc ấy thật tài hoa!
Tôi bừng tỉnh. Tôi cũng vừa qua một cơn mơ thức. Thì ra, không phải tôi hay Thành, kéo nhau trở lại với cuộc sống tự nó vốn thế. Mà là một điều gì đấy đẹp đẽ hơn, cao thượng hơn ta nghĩ. Tôi cầm chiếc khăn đưa lên miệng dứt dứt. Sợi vải dai quá!