Người bố ấy thường đến thăm con vào lúc chuyến xe điện vét vừa rời khỏi thành phố. Hình như anh đã cố ý chọn giờ yên tĩnh nhất trong ngày để được vào ngắm con chốc lát.
Đến nơi là anh đi thẳng lại chiếc lồng ấp số 12, ở đầu giường có đính chiếc nơ đỏ. Anh quỳ một gối xuống xem tỉ mỉ tờ bệnh án ghi những diễn biến trong ngày của đứa bé. Và cái bảng kẻ ô vuông có vạch đường chỉ đỏ khi thì phẳng, khi thì gãy góc chỉ nhiệt độ tăng giảm của nó.
Cũng lúc ấy, nhẹ nhàng, tôi mang bình sữa đến, và se sẽ mở lồng ấp. Đứa bé nằm, cái đầu hơi to so với khuôn mặt, lọt thỏm vào giữa những khăn lót trắng bong, da tái xỉn, hơi thở yếu đuối, cho đến ngày hôm nay, nó vẫn chỉ ăn được từng giọt sữa một và mỗi bận ăn chừng mười xê xê sữa, do chúng tôi xin được của những bà mẹ khác. Tôi để giọt sữa đầu chạm vào môi đứa bé, thức nó dậy. Bé hơi giật mình cựa quậy, và theo một bản năng tự nhiên, đôi môi hé mở, đón lấy, nuốt từng giọt, từng giọt.
Không một tiếng động nhỏ trong căn phòng, có nồi nước sôi vẫn réo lên lình xịch, hơi nước bốc lên trắng mờ, tản vội đi, sưởi ấm cho những đứa trẻ sơ sinh đẻ non. Tôi mải cho bé ăn, không để ý đến người đàn ông đang theo dõi từng cử động nhỏ nhất của tôi. Giọt sữa cuối cùng vừa chạm vào môi bé, tôi mới thấy anh mở cuốn sổ tay bé tí, ghi ghi cái gì không rõ, rồi anh gật đầu chào chúng tôi, ra về.
- Sao có người bố cẩn thận đến thế nhỉ?
Mùi, cô bạn trực đêm cùng với tôi, hỏi. Rồi không đợi tôi trả lời, Mùi lại hỏi tiếp:
- Cậu có biết anh ấy đi bao nhiêu cây số đến đây không? Ba mươi cây cả đi lẫn về đấy. Mà trời thì rét mướt thế này.
Như đáp lại Mùi, cơn gió mùa đông bắc từ xa thổi tới, quật mạnh trên cành sấu, bứt lá khô ném xuống nghe rào rào. Đường phố về đêm vắng ngắt, thăm thẳm, tôi như nhìn thấy anh đang gò lưng đạp dấn.
Thể trạng đứa bé đã khá hơn một chút. Hôm nay, chân tay nó đã bớt giật, số lần ngừng thở ít đi, môi cũng đỏ hơn. Tôi thấy lòng vui vui.
Nhưng dù sao người yêu của tôi lại ra vẻ hờ hững với niềm vui bé nhỏ ấy của tôi? Anh cau mặt hỏi tôi: "Em lại đi trực nữa hay sao? Độ này em xanh lắm, em có định xin vào học ngành cơ khí nữa hay thôi?
Tôi hiểu anh đang lo cho tôi, anh chỉ muốn tôi có thêm thời giờ nghỉ ngơi, giải trí một chút ít. Và, có lẽ anh còn nhớ mãi đến điều tâm sự đầu tiên của tôi khi về làm ở phòng sơ sinh nuôi tách mẹ này. Hôm ấy tôi đã lo đến bỏ cơm, và đêm nằm, hai mắt cứ chong chong. Ôi! Những đứa bé mới đẻ, đỏ hon hỏn, trông mới hãi chứ?
Làm sao cho chúng ăn, bởi chúng còn non quá, đến không biết ngậm vào đầu vú mẹ, có đứa lại còn không biết nuốt nữa vì phản xạ nuốt đã mất. Làm sao tắm cho chúng, bởi chúng chỉ nhỉnh hơn cái chai một chút thôi. Từ thuở bé, tôi chưa hề tắm cho một đứa trẻ nào. Trong lá đơn tình nguyện xin đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì tổ quốc cần đến, tuyệt nhiên tôi không hề nghĩ đến những đứa bé sơ sinh này.
Hàng ngày, các bà mẹ đến gặp chúng tôi, và nói chuyện với các bà mẹ thật khó. Các bà bưng mặt khóc, trong khi tôi chỉ biết nói như một cái máy: "Chị ơi, chị cứ yên tâm về phòng nghỉ, chúng em sẽ trông nom cháu, sẽ coi cháu suốt cả ngày lẫn đêm thay chị".
Những câu nói vừa buột ra khỏi miệng, tôi biết là đã rơi tuột đi ngay. Các bà mẹ nhìn chúng tôi, ngỡ ngàng: "Sao, có thể giao "nó" cho các cô được ư? Trông các cô non bấy ra thế kia, khéo về nhà mẹ còn phải giặt quần áo cho cũng nên". Trao bé cho chúng tôi, đôi cánh tay các bà ngập ngừng, nửa tin cậy, nửa nghi ngờ, đôi mắt các bà dằn dọc, thăm thẳm. Tôi chợt nhận ra, những người con gái không có đôi mắt ấy - đôi mắt cứ đêm đêm chờ đến lúc mọi người về hết mới nhìn trộm qua khe cửa dõi về phía giường của con mình. Những đôi mắt tôi không thể nào quên được. Tới đâu tôi cũng gặp những đôi mắt ấy, những đôi mắt như dán vào khuôn mặt nhỏ xíu đang thở mệt nhọc, như in trên những ngón tay tí tẹo, răn reo. Những mẩu chuyện ngoài hành lang thấm mãi vào lòng tôi. Cùng với những tin báo vắn tắt đáng lo. Bà mẹ ở giường số 2 bỏ lại thức ăn chỉ một hai đòi muối rang, vì mẹ chồng dặn sao thì phải làm thế... Bà mẹ giường số 5 chỉ ăn được lưng bát cơm và cứ nằm khóc rồi kể rằng gia đình nhà chồng sẽ ruồng bỏ, vợ chồng sẽ ly dị nhau, bởi nhà chồng chê hữu sinh vô dưỡng...
Ngoài hành lang, thỉnh thoảng lại có một cặp vợ chồng, nét mặt đau khổ ngồi bên nhau, lặng đi hàng giờ lâu.
Mãi, người chồng mới cầm tay người vợ, nói như van: "Đừng lo, đừng lo em, rồi chúng ta sẽ..."
Câu chuyện của họ thường chấm dứt nửa chừng và tôi hiểu cái phần chưa chấm dứt kia, người ta mong đợi gì ở chúng tôi.
Thành phố có báo động luôn. Những tốp máy bay địch thường lén vào cắt bom giữa ban đêm, vào lúc những người mẹ và những đứa con đang ngon giấc. Thỉnh thoảng lại có một chuyến xe cấp cứu chở đến bệnh viện một đứa bé đẻ non, sau một vụ oanh tạc.
Người mẹ và bé số 12 ấy cũng được chở tới bệnh viện trong một đêm như thế. Mắt hõm sâu, hai gò má nhọn hoắt, chị phều phào: "Con tôi đâu? Ôi! Máy bay nó ập đến nhanh quá, tôi chả kịp làm gì, vội nằm sấp xuống cốt che cho cháu".
Những mảnh đạn vẫn rơi lộp độp trên mái nhà, trên sân bệnh viện. Chúng tôi lao đi chạy thuốc và cả máu về tiếp cho chị, cho đứa bé. Nhưng muộn rồi, chúng tôi không kịp cứu người mẹ nữa.
Còn đứa trẻ nhỏ vẫn thoi thóp. Chị bác sĩ lặng lẽ đặt ngón tay trỏ vào lòng bàn tay bé, bàn tay vẫn duỗi thẳng bất động, không hề nhận được một phản xạ nào. Chúng tôi tiêm cho nó mấy phát, nó cũng chẳng khóc, chẳng hề hay biết gì. Nhìn vào lịch sử bệnh án tôi chỉ thấy đôi dòng: Mẹ 43. Con so.
Khuya hôm ấy, người bố đến. Gan góc, im lìm, anh ngồi trước mặt tôi, hai bàn tay to rám nắng với những ngón dày dặn, đan chặt vào nhau. Trời bên ngoài lạnh đến 7 độ, nhưng mồ hôi từng giọt to tròn vẫn đổ trên trán anh. Lâu lâu, anh lại ngoái nhìn về phía lồng ấp số 12, con anh nằm đó, đầu giường có đính chiếc nơ đỏ. Chiếc nơ báo động. Khoa nhi chúng tôi đang cố gắng giảm dần những chiếc nơ đỏ ấy.
Từ đó, hầu như đêm nào người bố cũng đến. Trong cuốn sổ rất dày của anh, có một góc nhỏ ghi về đứa bé, tỷ mỉ, rõ ràng như một tờ bệnh án: nhiệt độ bao nhiêu, thở thế nào, phải thổi ngạt bao nhiêu bận, da, tay chân đen hay tái, được tiếp bao nhiêu máu, ăn được bao nhiêu giọt sữa, ăn xong có nôn, trớ không. Dần dần, cái bóng cao to của anh đã quen thuộc gần gũi với chúng tôi, những người mẹ nuôi của đứa bé, những dì hai, dì ba, dì bảy, dì tám... dì thì cho tắm, dì thì cho ăn, có dì thì chuyên môn truyền máu và tiêm cho cháu. Tôi được gọi là "dì Hai" hàng ngày chính tôi đi xin sữa của các bà mẹ khác về nuôi cháu.
Tôi thường hay về nhà chậm, người mệt lử, khó khăn vẫn cứ ùn ùn kéo đến, nhà máy sản xuất ô xy chưa chạy đều, phải dè sẻn ô xy, nghĩa là phải thay ô xy bằng phương pháp hà hơi thổi ngạt, hạ thấp tỷ lệ tử vong sơ sinh đến mức thấp nhất. ý nghĩ đó theo tôi da diết, ngay cả khi tôi về căn nhà riêng của mình. Đang ăn, tôi sững sờ, chợt nhớ đến một đứa bé hễ cho ăn vào lại trớ ra, cử chỉ buồn bực. Làm sao cho bé thôi trớ?
Mẹ tôi hình như cũng nhận ra điều khang khác ở tôi. Có một bữa, tôi đang chải đầu, mẹ bỗng nhìn thẳng vào mắt tôi, khẽ kêu: "Sao, mắt con Hiền sao thế, con?"
Tôi vội ngắm lại mình trong gương. Một đôi mắt có quầng đen, sâu thẳm như đôi mắt của bà mẹ nào đó đêm đêm ngó trộm qua khe cửa dõi mãi về phía giường của con mình, đang in vào trong tôi.
Mẹ không nói gì hơn, nhưng thỉnh thoảng mẹ lén đi giặt quần áo cho tôi, đến bữa ăn, mẹ lại nấu thêm cho tôi một món gì đó mà tôi thích, ví dụ như bát riêu cua ngọt lự, hay một bát canh cá quả thơm ngào ngạt.
Nhiều lúc nhìn mẹ, không ghìm được, tôi khẽ kêu lên: "Mẹ ơi, ngày xưa mẹ nuôi chúng con vất vả lắm, phải không mẹ?"
Mẹ se sẽ gật đầu, tôi hiểu. Mẹ coi cái đó là tất nhiên, cần gì phải hỏi nhiều, vì nếu không hy sinh cho con sao đáng được gọi là mẹ nhỉ.
Tôi thích nghe mẹ kể lại về chúng tôi khi còn bé tí, đỏ như một con chuột, mẹ thường bọc vào một cái chăn, mẹ ủ đấy, rồi mẹ đi làm. Bố đã mất vì lao lực, ngay từ khi tôi chưa ra đời. Nhưng chắc chắn có một điều mẹ không nghĩ tới là ngày hôm nay tôi đã thổi ngạt một trăm lượt cho các bé sơ sinh, và đã tắm cho bao nhiêu đứa trẻ. Tôi hầu như quên hẳn ý định xin đi cơ khí. Người yêu tôi đôi lúc còn nhắc tới, tôi chỉ ừ ào cho qua. Tôi hơi tiếc là đã làm anh không được hài lòng, chẳng hạn khi anh đang nóng sôi lên muốn đi xem một cuốn phim hay, tôi lại phải trực bất thường. Thế là tôi phải sai hẹn. Một lần, hai lần, ba lần, bốn lần... Anh thường đi đón tôi. Dù đêm đã khuya lắm, anh vẫn cứ kiên nhẫn đứng chờ bên gốc sấu ấy để đưa tôi về tận nhà. Vừa đi anh vừa kể chuyện hoặc hát nho nhỏ cho tôi nghe một bài hát gì đó, mà hai chúng tôi đều thích.
Tôi tự hẹn với mình, và hẹn với anh, sẽ dành cho anh cả một buổi tối, đúng vào hôm anh đi nhận nhiệm vụ mới, và tôi hy vọng từ đó, anh sẽ hiểu tôi hơn.
Chiều mùa đông đến nhanh, những tia nắng nhạt dần rồi chợt sẫm lại. Khu vườn ngả dần sang mầu tai tái rồi tím sẫm. Tôi chờ đến lúc được giao ca, được về sống gần anh ấy chốc lát, và câu chuyện đầu tiên tôi kể cho anh ấy nghe sẽ là ngày hôm nay những đứa bé ra viện khoảng vài tháng trước, được mẹ đưa đến thăm chúng tôi. Chao! Chả ai còn nhận ra chúng nữa. Mắt chúng đen nhánh, long lanh, đôi má bụ bẫm của chúng xị xuống, đỏ hồng như quả táo chín, và cổ tay cổ chân chúng hằn lên từng ngấn, từng ngấn như thắt chỉ. Chúng tôi chụp chung với chúng một "pô" ảnh, và trong lòng mỗi người cứ bừng lên một cảm giác tự hào, kiêu hãnh. Có lẽ bây giờ, anh ấy chưa hiểu hết niềm vui vô hạn của tôi khi gặp lại những cánh tay xây dựng đất nước mai sau ấy. Nhưng chắc rồi anh ấy sẽ hiểu thôi. ờ, giá mà anh ấy được gặp người bố tận tình đêm đêm đã vượt hàng chục cây số trong gió rét, chỉ để biết bệnh tình con tăng giảm thế nào. ừ, nếu anh ấy được gặp người bố ấy?...
Tôi đi kiểm tra lại hoạt động của bình ô xy, ước lượng số ô xy cần dùng cho đêm nay. Chợt chiếc loa ở đầu nhà bỗng kêu rè rè và giọng chị phát thanh viên ngân rõ từng tiếng: "Tin gió mạnh ngoài khơi. Tin gió mạnh ngoài khơi". Tôi đứng chựng lại giữa phòng, trong ánh mắt tự dưng cứ dán vào những cái lồng ấp.
"Đêm nay một bộ phận không khí lạnh từ phía nam lục địa Trung Quốc sẽ tràn vào một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ nước ta. Bộ phận không khí lạnh tràn vào sẽ gây ra mưa rào và giông rải rác. Trong đất liền, gió sẽ lên đến cấp 5, cấp 6. Trời trở lạnh..."
Một cơn gió bất thường khác của mùa đông khô cằn và dai dẳng này lại đến, mùa đông mà chẳng bà mẹ nào ưa thích cả. Cô bạn trực đêm đã tới, cô khẽ giục tôi:
- Nào, giao ca đi rồi mà về, chả lại có người kiện. Cô ta nói đến đây, mỉm cười ranh mãnh. Nhưng cô ta bỗng hỏi tôi:
- Sao thế Hiền, sao mặt lại tái đi thế kia?
- Cậu không nghe thấy gì à? Lại có gió mạnh ngoài khơi đấy.
- Thì biết làm thế nào?
Cô hơi nhún vai, tỏ ra không thể làm gì hơn trước được. Mà làm gì được nhỉ. mắt tôi chằm chằm nhìn vào chiếc lồng ấp 12 phía đầu giường có dính chiếc nơ đỏ. Bệnh tình đứa bé hôm nay có thuyên giảm hơn một chút, nhưng nó còn yếu lắm.
Ngoài vườn gió bỗng giật mạnh từng cơn. Những cành cây khô gẫy răng rắc. Mưa rơi hối hả. Nhìn qua ô kính, tôi thấy những dòng nước đổ xuống trắng xóa, và những cành sấu đẫm nước ngả nghiêng trước sự nổi giận của cơn giông. Tôi bàn giao từng giường bệnh cho bạn, giọng tự nhiên lạc hẳn đi.
- Bé số 5 nơ đỏ, bú ít, tím tái luôn, ngửi ô xy liên tục.
- Bé số 9, hôm nay thổi ngạt 10 lần, đã truyền máu và cho uống đa sinh tố.
- Bé số 12, thường bất động, viêm phổi.
Tôi nhìn xuyên qua mặt kính trong veo của lồng ấp. Chú bé số 12 cái đầu hơi to so với khuôn mặt, nằm lọt thỏm giữa những khăn lót trắng bong, mắt nửa nhắm nửa mở. Nó vẫn chẳng hay biết gì hết, chẳng biết ngoài kia đang nổi cơn giông lớn.
- Cậu nhớ chú ý thằng bé này. Nó vẫn bất động. Phải theo dõi nó từng giây từng phút một ấy. Nhưng thói quen lâu ngày khiến tôi nấn ná. Phải xa chúng, dù chỉ một đêm, tôi rất nhớ. Thằng bé trán dô hôm nay trông đã xinh trai, cái miệng nó hơi rộng nhưng mà tươi, vầng trán không dô nữa mà lại như nở nang, và lúc nó mở mắt, trông mắt biêng biếc xanh, đến là đẹp. Cả con bé tóc hung hung này nữa, hai má nó bữa nay đã hơi đầy, có một chút sắc hồng, với cái miệng xinh xắn, sau này hẳn là người đẹp gái. Chúng nó ngủ, ngoan ngoãn như những con búp bê.
Bên ngoài mưa đã ngớt dần, nhưng gió thổi nghe càng mạnh hơn.
- Này, Hồng ơi! (Hồng là tên cô bạn trực).
- Gì thế?
- Cái thằng bé số 12 nơ đỏ mà.
- Biết rồi, sao?
- Mẹ nó đã mất hôm chạy tàu bay Mỹ. Chị ấy đã nằm sấp xuống che cho con. Hai vợ chồng mãi đến năm ngoài bốn mươi mới đẻ con so. Lát nữa, người bố sẽ đến đây.
- Thì cậu đã chẳng bàn giao với mình là gì? - Hồng ngạc nhiên hỏi lại.
Nhưng tôi chưa yên lòng, cảm thấy rất rõ, chỉ có tôi là "hiểu" thằng bé nhất. Thở rất yếu, có khi chỉ quên bẵng nó đi chừng một phút, nó sẽ không bao giờ thở lại nữa. Đêm nay mưa giông và gió mạnh. Nếu như nó qua được đêm nay. Hay là ta ở lại? Nhưng không, kỳ quá. Đã mấy lần tôi chẳng giữ được lời hứa. Đêm nay, anh ấy lại đi. Đi giữa trời mưa bão thế này. Tôi thấy một mảng đầu mình hơi tê lại. Những ngọn đèn phòng không bị gió thổi chao đi chao lại trên đường dây. Từng quầng ánh sáng dịu đẫm nước mưa, hắt lên những cành cây um tùm, tối sẫm. Mưa vẫn lác đác rơi. Chắc anh đang mong tôi đỏ con mắt. Nào, mình đã sửa soạn cho anh ấy những gì? Chiếc áo len dài tay đã đan xong, anh mặc vừa khéo, và đôi tất cũng đã mạng xong, cái túi đựng bàn chải mà anh ấy rất thích. Chuyến tàu đặc biệt đưa anh ấy đi sẽ nổi còi vào khoảng lúc chuyến xe điện vét rời khỏi thành phố.
Chợt người bạn trực kêu lên:
- Hiền ơi! Lại đây, cái thằng bé số 12.
Như một cái máy, tôi vội chạy lại. Thằng bé đang thở gấp. Những vệt xanh trong xanh bóng cứ hiện dần lên trên da mặt nó, nhiều nhất là ở quanh mi, ở hai bên mép. Hơi thở thằng bé yếu dần. Nó khẽ nấc lên.
- Chạy đi gọi bác sĩ, tôi bảo bạn.
Tôi sờ vào chân bé. Hai bàn chân bé lạnh ngắt.
Tôi se sẽ thổi qua mặt nó. Đôi mắt bé vẫn mở nguyên, nhưng hoàn toàn bất động. Toàn thân bé đều bất động. Tim nó đã ngừng đập.
Tôi nhẹ lách chiếc áo lót bông, lấy hai ngón tay day day qua vòng tim nhỏ xíu rất mỏng manh, mỏng manh như tờ giấy bóng của đứa bé. Tôi khom lưng cúi xuống ngậm hẳn vào mồm bé đã thoáng lạnh, cố hết sức đem hơi ấm, đem toàn sức nóng của cơ thể tôi truyền sang nó. Hai má tôi, rồi tai tôi nóng rực lên. Và mồ hôi bắt đầu nhỏ giọt trên trán tôi.
Theo lệnh bác sĩ, chúng tôi tiêm cho bé mấy ống thuốc hồi sức. Chợt chúng tôi ngừng lại. Trong lồng ngực mỏng manh này, thoáng nghe như có một tiếng động nào rất nhẹ, rất nhẹ, mơ hồ, hay đó chỉ là cảm giác của chính mình. Tôi tiếp tục thổi hơi vào mồm cháu, bao nhiêu phút đã qua, tôi cũng chẳng hay, chỉ thấy chiếc áo bờ lu mỗi lúc một dính chặt vào lưng tôi, ướt đẫm. Tim đứa bé đập rất khẽ, rồi lại không đập nữa. Người tôi căng ra trong im lặng mênh mông.
Tôi bỗng thấy mắt tôi nhòa đi. Đầu lưỡi tôi có vị gì mằn mặn. Đứa bé nhỏ xíu, thân thiết như chính một phần cơ thể của tôi tách ra, có lẽ từ đêm nay, mãi mãi sẽ không gặp được bé! Đầu tôi nóng bừng cả lên, như có một cơn lốc xoáy bên trong. Anh ấy đi, nhưng anh ấy vẫn là của mình, mãi mãi là của mình. Và cũng có thể là, ra đến mặt trận, mặt đối mặt với kẻ thù, người ta bỗng thấy mình lớn hẳn lên, bỗng thấy hiểu thêm về bè bạn mình, càng thấy yêu quý những cái gì mình đã yêu. Chắc anh ấy sẽ hiểu mình thôi.
Gió vẫn vật vã đùng đùng trên các cành cây cao. Những lá cây bị bật tung khỏi cành kêu rào rào. Tôi cúi nhìn đứa bé. Không, nhất định không đi nữa... tôi lại khom lưng xuống hà hơi cho thằng bé, không nỡ đặt cả miếng gạc vô trùng nữa. Một mùi tanh lùa vào cổ họng tôi. Mặc, tôi vẫn thổi. Trong ca này, tốt nhất vẫn là chỉ có hà hơi thổi ngạt trực tiếp; hai ngón tay tôi vẫn không ngừng day day qua trên vòng ngực nhỏ xíu mỏng manh của đứa bé. Năm phút, mười phút qua đi, tim đứa bé vẫn thoáng ngừng, thoáng đập, rồi lại ngừng nữa.
Mãi, mãi không rõ bao nhiêu phút đã qua, được tiếp sức liên tục, tim đứa bé mới khẽ đập, tuy còn rất yếu, nhưng đã ít bị ngắt quãng. Môi nó hơi âm ấm, mi mắt nó đã động đậy. Chúng tôi mừng quýnh quên hẳn bên ngoài trời, mưa đã ngớt, gió dịu đi.
Lúc bấy giờ, tôi mới thấy hai chân dường như tê dại hẳn. Sống lưng mỏi nhừ. Chợt nhớ, tôi ngoảnh nhìn chiếc đồng hồ để bàn. Tim tôi đập mạnh. Có còn kịp nữa không? Tôi vội vã đi thay quần áo, luống cuống thế nào, làm áo bờ lu vướng vào cái móc cửa, xoạc ra một miếng nhỏ.
Tuy thế, trước lúc ra về, tôi lại không thể quên được nó. Tôi quay lại, cúi nhìn nó một lượt nữa. Nó vẫn đang ngủ, giấc ngủ đẹp đẽ, chẳng hay biết gì hết. "Thôi được rồi, bố em sẽ đến". Ra khỏi phòng sơ sinh, tôi lao nhanh xuống cầu thang. Nhưng không kịp nữa rồi. Từ xa, tiếng còi tàu đã thét lên, khiến tôi phải vịn vào cầu thang, đầu hơi choáng váng. Anh ấy đã đi, đi thật rồi. Từ xa, tiếng còi tàu vẫn thét lên lanh lảnh, thôi thúc như một lời chào, như một lời hứa hẹn, cả như một lời trách móc. Bước từng bước nặng nề, tôi quay trở lại.
Giọng chị phát thanh viên đọc bản tin đêm vang rõ từng tiếng: "Hiện nay cơn gió mạnh ngoài khơi đang chuyển về phía nam khu bốn cũ và yếu dần đi. Bão sẽ tan. Ngày mai trời hửng nắng. Nhiệt độ thấp nhất từ..."
Thế ra, ngày mai, các cháu sẽ ngủ yên hơn và nơi anh ấy đi cũng không còn có bão.
Lòng tôi dịu lại. Chuyến tàu điện vét vừa rời khỏi thành phố, tiếng chuông kêu keng leng. Chỉ một lát nữa, người bố ấy sẽ tới thăm con.
Nhẹ nhàng, tôi mang bình sữa đến. Tôi khẽ mở lồng ấp. Thằng bé số 12 cái đầu hơi to so với khuôn mặt, nằm lọt thỏm vào giữa những khăn lót trắng bong. Tôi để giọt sữa chạm vào môi bé, thức nó dậy. Đôi môi nó he hé mở, đón lấy từng giọt, từng giọt sữa nóng ấm.
Không có một tiếng động nhỏ trong phòng. Chỉ có nồi nước sôi vẫn còn réo lên xình xịch. Hơi nước trắng mờ vội vã tản đi. Căn phòng ấm rực lên. Tôi chợt có cảm giác như đang ở giữa một đêm xuân.