hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1240.htm

Phan Cao Toại

Phở Hợp Lợi

Nói đến tiệm phở Hợp Lợi, cả thành phố này ai cũng biết. Đến nỗi ai đã một lần đến đó đều không quên được vị ngọt đậm đà của nước phở múc ra từ nồi nước hầm xương ninh sùng sục suốt đêm, đến những miếng tái miếng nạm vừa ngon vừa mềm và đặc biệt được ngắm thỏa thuê dung nhan tuyệt vời của bà chủ tiệm. Bây giờ, người ta gọi bà là bà Hợp Lợi, còn cái tên cúng cơm của bà chẳng còn ai nhớ nữa. Năm nay bà đã gần năm mươi nhưng nụ cười vẫn ăn đứt các cô mười tám. Được cái, tuy là chủ tiệm phở nhưng người bà vẫn gọn gàng, thắt đáy lưng ong, nhiều chàng trai cứ lấy cớ đến ăn phở, thực ra là đến ngắm bà.

Khách đến ăn phở thấy bà sáng sáng ngồi trên một chiếc bàn trong góc với một chàng trai. Hai người ngồi uống cà-phê với nhau, nói nói cười cười, liếc mắt đưa tình như cặp tình nhân đôi mươi mười tám. Thiên hạ đồn, đó là chồng tư chồng năm gì đó của bà. Đồn thì đồn vậy, chẳng ai để tâm đi điều tra tìm cho ra cội nguồn. Việc thiên hạ, hơi đâu. Khách đến ăn phở chỉ lưu lại đó mươi mười lăm phút. Cánh phụ nữ ghen với bà, rằng bà đã ngũ tuần mà còn chim được trai tơ, còn giới mày râu vểnh mặt vì đã có người thay họ làm chủ được bông hoa tuy đã xế chiều còn mặn mà nhan sắc. Họ bàn tán xôn xao, có lẽ bà Hợp Lợi và chàng trai kia cũng nghe được. Họ nói mặc họ, bà và chàng trai kia không vì thế mà mất tự nhiên.

Sáng hôm ấy, tiệm phở của bà đông như mọi khi. Người vòng trong vòng ngoài, có người không có chỗ phải đợi. Bà Hợp Lợi và chàng trai đang nhâm nhi cà-phê. Bà không quan tâm đến hàng họ vì đã có người giúp việc, thả hồn theo ngọn khói thuốc lá hình trái tim vừa bay ra từ đôi môi chúm chím, phơn phớt hồng của chàng trai. Thế gian hình như chỉ có hai người và nhìn khuôn mặt đắm đuối mơ màng của bà, ai cũng biết bà đang yêu. Tình yêu thế mới tuyệt. Nàng hồng nhan, giàu có. Chàng trẻ trung, điển trai. Cứ như là trong mộng. Chợt từ bên ngoài, một chiếc taxi đỗ lại. Chẳng ai để ý đến chiếc xe. Việc ông to bà lớn đi xe hơi ăn phở là chuyện thường tình. Nhưng khi từ trong xe một người phụ nữ ăn mặc sang trọng bước ra, mỗi bước đi của bà đầy vẻ quý phái thì khách trong nhà dồn mắt ra phía bà. Tóc bà búi gọn, kính đổi mầu gọng đồi mồi và bộ váy mầu tím nhạt ôm lấy thân hình thon thả trông bà thật kiều diễm. Cùng đi với bà là một cô gái, chắc mười tám đôi mươi, ngực căng trong chiếc áo pull và chiếc quần jean bó sát người. Khuôn mặt của cô thật giống người phụ nữ. Chẳng phải giới thiệu, người ta cũng đoán được đó là hai mẹ con.

Khách ăn gần như buông đũa suốt lượt, trầm trồ trước vẻ đẹp của hai mẹ con. Bà Hợp Lợi lúc đầu cũng không để ý. Nhưng khi chàng trai bị hút vào hai mẹ con người khách đang đứng ngoài hiên, đôi mắt bà như chạm phải lửa. Bà dụi mắt nhìn cho rõ người đang đứng ngoài kia. Và vì chàng trai cũng đang dán mắt về phía ấy, bà Hợp Lợi thấy cần bày tỏ sự lịch sự và lòng hiếu khách với một người mới đến lần đầu, bà đứng dậy bước ra.

Người phụ nữ chủ động đưa tay bắt tay bà Hợp Lợi. Khi bắt gặp hai hàm răng trắng đều và nụ cười có lúm đồng tiền trên khuôn mặt ửng hồng của người khách, bà Hợp Lợi hơi ngờ ngợ. Hình như bà đã gặp người đàn bà này ở đâu rồi. Bà gõ tay lên trán, thầm trách trí nhớ kém cỏi của mình. Khách cũng không tự giới thiệu, khuôn mặt trở nên nghiêm nghị, nói với bà:

- Ta vào trong nhà nói chuyện!

Bà Hợp Lợi nhường khách đi trước. Đến trước bàn, nơi chàng trai đang ngồi, bà Hợp Lợi vẫn thảng thốt:

- Chết thật, tôi không nhớ chị là ai!

Chàng trai kéo ghế, mời mẹ con người phụ nữ ngồi. Người phụ nữ nghiêng người cảm ơn và ngồi xuống. Bà Hợp Lợi giới thiệu:

- Đây là nhà tôi!

Giọng bà không chút ngượng ngùng còn khuôn mặt người khách bỗng tái đi. Cũng may lúc ấy bà Hợp Lợi đang sai người giúp việc pha cho bà thêm hai phin cà-phê nên không để ý. Người khách sau một thoáng bàng hoàng đã lấy lại được bình tĩnh. Nhìn cách ăn mặc và đặc biệt không nghe được thứ tiếng cô con gái nói với mẹ, bà Hợp Lợi đoán được hai mẹ con bà là Việt kiều, liền hỏi:

- Xin lỗi, chị vừa từ nước ngoài trở về? Chị đến đây có chuyện gì không?

Người phụ nữ nhìn bà Hợp Lợi không chớp mắt làm bà lúng túng:

- Vâng, tôi vừa từ nước ngoài về. Tôi đến đây là để gặp anh Thiện!

Nghe xong câu nói ấy, bà Hợp Lợi rùng mình, đảo điên như vừa bị ai đâm một nhát vào tim. Thôi chết rồi! Người ngồi trước mặt bà chẳng phải là ai xa lạ, là vợ của Thiện, chồng thứ ba của bà. Trời ơi, sao thị lại về đây? Mười bảy mười tám năm rồi, bà Hợp Lợi cứ tưởng người đàn bà này đã làm mồi cho cá. Thế mà bây giờ thị lại sờ sờ trước mặt bà. Dẫu rằng dạo ấy mọi chuyện bán mua đã sòng phẳng, người đàn bà này đã xé hôn thú để chồng mình lấy bà, đổi lại thị sẽ nhận của bà mười cây vàng để trang trải nợ nần và làm lộ phí vượt biên. Ông Thiện thuở ấy cũng trẻ trung và đẹp trai như chàng trai đang ngồi đối diện với bà bây giờ. Bà Hợp Lợi lúc ấy giàu có nhưng góa chồng, biết hoàn cảnh vợ chồng Thiện đang khó khăn, nhất là vợ Thiện huê hụi nợ nần chồng chất, suốt ngày khi nào cũng đầy người đến xiết nợ, liền đánh tiếng nửa đùa nửa thật: "Đẩy thằng chồng đi mà lấy tiền trả nợ!". Vợ chồng ông Thiện lúc đầu nghĩ đó là trò cười nhưng suy đi tính lại, chỉ có cách ấy mới trả được nợ. Thế là có cái chuyện ông Thiện về làm chồng ba của bà Hợp Lợi. Vợ Thiện vượt biên, mười mấy năm chẳng tăm hơi, ai dè, hôm nay thị lù lù trở về.

Bà Hợp Lợi hết sức bối rối. Bà vừa trải qua một cú sốc, bàng hoàng trước sự hiện diện bất ngờ trước người vợ của ông Thiện, chị Hằng. Hằng ở thế chủ động, dồn bà vào chân tường:

- Bà yên tâm, tôi đến đây không vì ông Thiện mà để cho con gái ông ấy biết mặt cha. Chỉ một nguyện vọng nhỏ nhoi như vậy, tôi mong bà giúp đỡ. Cho cháu gặp ba nó. ít phút rồi chúng tôi sẽ ra đi.

Bà Hợp Lợi mặt tái xanh, hai môi lập bập, đến nỗi chàng trai ngồi cạnh bà phải thốt lên:

- Kìa mình, mình sao vậy?...

Bà Hợp Lợi không đáp, khuôn mặt dại đi, ú ớ như một người ngọng:

- Hông... hông... sao... đâu... em... hơi khó... ở...!

Bà ra hiệu cho chàng trai, giọng yếu ớt:

- Mình lên lấy giùm em lọ dầu. Em khó chịu quá!

Chàng trai hấp tấp lên gác, khi quay xuống đã thấy bà gục mặt lên bàn. Chàng xoa dầu lên khuôn mặt bạc phếch của bà. Trông bà thật thảm hại. Một lúc sau, bà thều thào nói với chàng trai:

- Em đỡ rồi. Thôi mình đi chơi một mình, em có chuyện riêng...

Chàng trai nhìn Hằng, nhìn cô bé với đôi mắt đĩ thõa, hôn đánh chụt lên gò má dính đầy phấn hồng của bà Hợp Lợi, vào nhà trong dắt chiếc Dream bóng lộn nổ máy biến khỏi nhà.

Khách ăn vãng dần. Bà Hợp Lợi vẫn chưa lấy lại được thăng bằng thì Hằng hỏi tiếp:

- Anh Thiện đi đâu mà không có nhà, thưa bà?

Bà Hợp Lợi im lặng. Biết trả lời thế nào đây. Dễ chừng cả năm nay, hàng phố không nhìn thấy ông Thiện ra đường. Còn khi trước, khi chuông nhà thờ rung lên lúc bốn giờ sáng, ông Thiện đã quần soọc áo pull, giày thể thao chạy ngoài bờ biển. Chạy xong, ông xuống tắm, nằm khoe thân thể cường tráng tuổi ngũ tuần với bàn dân thiên hạ. Bảy giờ sáng ông mới về nhà, bà Hợp Lợi khi ấy còn nằm phưỡn thây như một súc thịt trắng lờ nhờ trên đống chăn đệm, uốn éo bắt ông Thiện đỡ dậy. Lúc đầu, khi không thấy ông Thiện chạy biển, người ta nghĩ ông đi chơi đâu đó, Sài Gòn hay Đà Lạt. Rồi người ta dần quên ông. Khi chàng trai xuất hiện trong nhà bà, chàng cũng cố gắng rèn luyện thân thể như ông Thiện đã từng làm, người ta mới vỡ nhẽ. Ra cái ông Thiện tội nghiệp kia đã bị "thanh lý" rồi. Người ta đoán, bà Hợp Lợi lại xí cho ông mấy cây vàng làm vốn liếng và đã cao chạy xa bay, nhường chỗ cho cái anh chàng trẻ trung kia.

Thực ra, ông Thiện vẫn ở ngay trong ngôi nhà ấy, ở tận trên tầng bốn, bên cạnh gian thờ của nhà bà. Có điều, ông Thiện bây giờ là cái xác không hồn, cư ngụ trong cái nghĩa trang lộ thiên ngay giữa lòng thành phố. Ông bị tiểu đường, sau biến chứng thành lao phổi. Bà Hợp Lợi không muốn là kẻ phụ tình, sắp xếp cho ông ở riêng. "Anh thông cảm cho em, bệnh phổi dứt khoát phải cách ly!", bà nói với ông như vậy. Được cái, căn phòng ấy cũng tiện nghi, có toa lét, ti-vi, tủ lạnh riêng. Bữa ăn đã có người mang lên. Ăn xong chỉ việc bỏ bát chén ra cửa, có người nhặt đi rửa. Thuốc bổ thuốc bệnh đủ loại, muốn gì có nấy. Sự chăm sóc về vật chất, ông Thiện không thể chê trách bà. Bà không thể lên thăm ông vì cái thứ bệnh phổi hay lây. Thành ra, gần mà xa, cả năm nay bà chẳng ghé vào thăm ông. Khi người nhà đưa cơm lên, mấy phút sau thấy bát chén lại đưa xuống, bà hiểu, thế là ông ấy còn sống. Còn sống mới ăn được. Ông Thiện cũng thông báo không được đi xuống dưới nhà, cần gì cứ bảo nên gian phòng của ông trên lầu tư thành một phòng biệt giam, bà Hợp Lợi cả năm nay chẳng ngó ngàng, ở dưới tha hồ tung hoành.

Bây giờ, lại có người đòi gặp ông, thế mới rách việc. Như người khác, bà đã chối bay rằng ông đi vắng. Đằng này, lại là vợ con ông từ xa xôi về đây, có nói dối người ta cũng lỳ ra, đòi gặp cho được. Kẻ cắp bà già gặp nhau. Thôi thì cứ lật bài ngửa. Sau một lúc đắn đo, bà đẩy ly cà-phê về phía chị Hằng, nhỏ nhẹ:

- Chuyện là thế này, chị ạ. Anh Thiện hiện không được khỏe. Đau cả mấy năm nay rồi. Người cứ yếu dần, đi khám bác sĩ bảo bị bệnh lao. Anh ấy đang tĩnh dưỡng trên lầu tư...

Bà Hợp Lợi nhẹ người khi trút được mấy lời tựa như một khối đá đè nặng lên người. Bà cầm cốc nước, nốc ừng ực như vừa làm một việc quá sức. Vừa uống, bà vừa liếc nhìn thái độ của đối thủ. Khuôn mặt Hằng hầu như không thay đổi, chỉ có đôi mắt như tối lại. Chị nói điều gì đó với cô con gái bằng thứ tiếng bà Hợp Lợi không nghe được. "Mẹ cái quân mất gốc, ăn cho lắm bơ sữa rồi quên cả tiếng mẹ đẻ!". Bà Hợp Lợi chửi thầm. Ngày trước, người ta vượt biên rầm rầm, là người giàu có, bà đi dư sức. Bà không đi. Cũng không phải vì quá yêu nước mà theo bà, dân bên ấy nó không ăn phở! Bà sang bên đó bán phở cho ai? Bây giờ, nghe cái tiếng léo nhéo của con ông Thiện, bà bĩu môi khinh. Cô con gái nói xong, mặt vênh lên, vẻ bực bội, không thèm nhìn bà Hợp Lợi.

Chị Hằng dịch lại:

- Chị thông cảm, tôi sinh cháu bên ấy, nó nói được rất ít tiếng Việt. Nó nói, chị cứ cho nó lên gặp ba nó ngay.

Bà Hợp Lợi gọi một cô bé gái lại rỉ tai. Con bé gật đầu lia lịa rồi chạy như bay lên lầu.

Phải thừa nhận, ngoài vẻ xô bồ của tầng trệt dùng làm nơi bán phở, từ lầu một trở lên, ngôi nhà của bà Hợp Lợi có thể coi là một kỳ công của kiến trúc. Tấm thảm mầu đỏ có những bông hoa mầu tím trải từ lầu một lên lầu tư. ở mỗi chỗ chiếu nghỉ đều có một tấm gương lớn. Đèn trong hành lang là loại đèn đắt tiền. Ngôi nhà của bà thật sự tiện nghi và sang trọng, hơn hẳn căn hộ của mẹ con Hằng ở nước ngoài.

Lên đến lầu tư, bà Hợp Lợi nhường khách đi trước ra một phòng phía sau. Căn phòng đóng kín. Cửa sổ được một tấm riđô mầu xanh che phủ. Cô người hầu sẽ sàng mở cửa. Căn phòng chìm trong tăm tối, hắt ra một thứ ánh sáng lành lạnh khiến người ta có cảm giác sắp bước chân vào một nghĩa địa. Bà Hợp Lợi đưa tay bật đèn, miệng trách:

- Gớm, ban ngày mà anh cứ đóng kín hết cả cửa!

ánh sáng của ngọn đèn nêon, ánh sáng của nắng trời từ ngoài phản chiếu vào soi rõ khoảng không gian chừng mười tám mét vuông của căn phòng. Chiếc giường một phủ tấm drap đã cũ, không có người nằm. Một chiếc ti-vi cũ. Một chiếc bàn con với một cốc nước và rất nhiều thuốc men để vung vãi. Không thấy ông Thiện nằm trên giường. Hằng đưa mắt nhìn quanh và phát hiện sau góc tủ, trên một chiếc ghế bố, có một vật động cựa. Nhìn kỹ hơn thì đó là một bộ xương người đang cử động. Đó là ông Thiện. Mặt ông da dán vào xương, tóc lơ thơ vài sợi, đôi mắt sâu xuống thành hai hố sâu hoắm, cổ dài ngoẵng. Ông không mặc áo, để lộ bộ xương sườn như một pho tượng La Hán trong chùa Tây Phương. Chỉ có ánh mắt ông vẫn sáng, ngơ ngác nhìn Hằng. Hằng đã nhận ra ông nhờ ánh mắt ấy. Chị đổ xuống, gục đầu lên đầu gối khẳng khiu của ông, dàn dụa nước mắt. Đứa con gái ông thấy mẹ khóc cũng khóc theo. Ông Thiện trào nước mắt.

Phút xúc động qua đi, Hằng lấy khăn lau nước mắt cho ông rồi lau cho mình. Ông Thiện ôm ngực ho, lấy chiếc bô đặt cạnh khạc ra thứ đờm đặc quánh máu lờ nhờ. Bà Hợp Lợi đã rời khỏi căn phòng từ khi nào. Hằng nghẹn ngào nói với ông:

- Con của anh đây!

Ông Thiện nhìn chằm chằm cô bé. Đôi mắt ông đã ráo hoảnh bỗng tuôn trào nước mắt, ông run run đưa hai tay như muốn ôm cô bé vào lòng. Nhưng rồi, ông trấn tĩnh lại, tìm chiếc khẩu trang bịt miệng đeo lên, mệt mỏi đứng dậy, đôi chân rung rung tiến về phía cô gái. Cô gái chạy lại ôm lấy ông. Hai cha con nước mắt lưng tròng.

Giọng Hằng xúc động:

- Em có ngờ đâu, anh lại ra nông nỗi này!

Chị thở dài:

- Ngày đó ra đi, em cũng không biết mình đã mang bầu. Và cũng nghĩ mình đã có đứa con làm nguồn an ủi, em cũng không tính chuyện chắp nối với ai. Nghĩ rằng anh đã ấm êm, em chẳng thư từ. Ngờ đâu...!

Hằng nói đến đâu, nước mắt trào ra đến đó. Ông Thiện bùi ngùi kể lại nỗi đoạn trường của mình:

- Hồi đó, em đi rồi, anh mới thấy hết lầm lỗi của mình. Tờ giấy hôn thú của anh và con mẹ ấy thực ra là khế ước để anh khỏi xù nợ của nó mười cây vàng. Anh thành một tên nô lệ, thành một thằng đĩ đực. Hầu hạ nó ngày đêm, anh kiệt sức, lâm vào bệnh hoạn. Nó đang tuổi hồi xuân, bỏ tiền ra mua thằng khác. Em có gặp thằng thanh niên dưới đó không...?

Hằng gật đầu. Lúc ấy, cô con gái nói điều gì với chị. Ông Thiện đưa mắt dò hỏi. Hằng nói lại với ông:

- Con nó hỏi sao không đưa bố đi bệnh viện...

Ông Thiện xót xa:

- Tiền đâu mà đi hả em...!

Trở về khách sạn, mẹ con chị Hằng thầm thì với nhau đến khuya. ý định chỉ để con đến thăm cho biết bố trở thành ý định phải cứu ông Thiện ra khỏi chiếc quan tài giam ông khi tử thần chưa kịp đóng đinh vào nắp.

Hằng đến tiệm phở Hợp Lợi lúc năm giờ sáng. Bà Hợp Lợi càu nhàu khó chịu khi đầy tớ báo có người muốn gặp bà. Bà gắt gỏng:

- Thế mày không biết trả lời tao đang ngủ?

Người đầy tớ sợ hãi:

- Dạ, con đã nói nhưng mẹ con người ấy nhất định đòi gặp bằng được.

- Mẹ khỉ, lại hai mẹ con cái con đĩ ấy. - Bà Hợp Lợi chửi - Nó đến ám mình đây. Thôi thì dăm điều bảy chuyện để nó cút đi cho rảnh...

Bà Hợp Lợi đi xuống nhà. Xưa nay, mọi chuyện rắc rối bà đều chủ động giải quyết trước khi đối phương gây khó dễ cho bà. Bà vừa ngáp dài vừa vồn vã chào chị Hằng:

- Có chuyện gì mà mẹ con đến sớm thế?

Câu chuyện của hai người đàn bà được nói bên chiếc bàn bán phở cạnh nồi nước dùng đang sôi sùng sục. Chị Hằng khẽ thở dài, đưa tay đẩy lọ tương ớt trên bàn sang phía bà Hợp Lợi:

- Tôi ái ngại cho anh Thiện quá! Tôi muốn...

Chị bỏ lửng câu nói nhìn bà Hợp Lợi như thăm dò. Bà Hợp Lợi nghe xong, chau mày, chuyển từ thế bị động sang thế tấn công:

- Ơ, cái chị này mới hay. Chị muốn đưa con đến gặp cha, tôi đã bằng lòng cho gặp. Giờ lại vẽ sự muốn này muốn nọ. Nói thử tôi coi, chị muốn gì?...

Hằng ấp úng:

- Tôi muốn đưa anh Thiện đi chữa bệnh...!

Bà Hợp Lợi đứng phắt dậy, hai tay chống nạnh, nổi cáu:

- Không ai khiến chị làm việc đó. Chồng tôi, tôi lo. Ông ấy đau yếu, tôi đã lo đủ thứ thuốc men. Thế mà có chịu uống đâu. Thứ gàn dở ấy cho chết đi cho rảnh nợ.

Chị Hằng xót xa, biết mình đuối lý. Chị kéo tay con, toan đứng dậy ra về. Đứa con gái lộ vẻ ngạc nhiên, trợn tròn đôi mắt, thái độ bực bội, nói với mẹ câu gì mà nghe xong, chị Hằng lại sẽ sàng ngồi xuống ghế. Chị xuống giọng năn nỉ:

- Tôi biết về lý, tôi không có quyền can thiệp vào nội bộ gia đình bà. Nhưng về tình, mong bà nghĩ lại. Anh Thiện đau yếu, thuốc men bà đã lo đầy đủ, điều đó tôi có biết. Nhưng anh ấy thiếu một điều cơ bản, thiếu một bàn tay chăm sóc...

Bà Hợp Lợi đỏ bừng mặt, mắng xơi xới:

- Chị ra khỏi nhà tôi. Đừng bao giờ trở lại. Tôi sẽ cho người đuổi mẹ con chị nếu chị cố tình đến đây quấy rối chúng tôi...

Hằng hiểu, bà Hợp Lợi nói là làm và lần này là lần cuối cùng chị đến nhà bà. Nhưng hình ảnh ông Thiện teo tóp, bệnh hoạn hiện ra trước mặt chị khiến chị lì lợm, chị coi những lời mắng mỏ của bà Hợp Lợi như chưa lọt tai mình. Chị lại nói tiếp, giọng buồn bã và rất lễ độ:

- Chị ạ, em biết, em không có quyền gì để đến đây nói với chị những điều như em vừa nói. - Hằng rơm rớm nước mắt. - Nhưng chị ơi, xin chị hãy nghĩ đến đứa con của anh ấy...

Chị Hằng nức nở, gục đầu vào vai cô con gái. Trước những giọt nước mắt chân thành, khuôn mặt phừng phừng lửa cháy của bà Hợp Lợi như dịu hẳn xuống. Bà cắn chặt đôi môi, ra chiều nghĩ ngợi. Rõ ràng, lửa giận trong lòng bà bị cơn mưa nước mắt của Hằng đột ngột dập tắt, bà trở lại với tư chất của người đàn bà yếu đuối như bà đã từng. Lúc ấy, đã có một vài người khách vào ăn phở. Bà Hợp Lợi thấy không nên kéo dài câu chuyện, hỏi Hằng:

- Bây giờ, chị muốn sao?

Hằng đáp rất nhanh, như câu nói đã thường trực cửa miệng:

- Đưa anh Thiện đi chữa bệnh...!

Bà Hợp Lợi cười to khiến mấy người khách hướng mắt nhìn bà. Chị Hằng thấy khó chịu. Bà Hợp Lợi không sao tắt được nụ cười, rũ rượi ngồi xuống sát chị Hằng. Bà cười chảy nước mắt, vỗ vai nói với Hằng:

- Vẫn lại chuyện đưa ông Thiện đi chữa bệnh. Cô vừa nói với tôi đấy thôi. Sao lại có chuyện nực cười như vậy. Người đàn bà này đưa chồng người đàn bà khác đi chữa bệnh. Cô không sợ thiên hạ cười cho thối mũi? Thôi, hai mẹ con về đi...!

Hằng giận tím mặt, muốn tát vào mặt bà. Đứa con gái không biết hai người đàn bà nói gì nhưng qua thái độ khôi hài của bà Hợp Lợi, qua nét mặt giận dữ của mẹ nó, nó biết điều gì đang xảy ra. Khách vào cửa hàng mỗi lúc một đông, Hằng thấy đã đến lúc phải ra về, cố nén cơn giận, nhũn nhặn với bà Hợp Lợi:

- Thôi được mẹ con em sẽ về và xin phép chị được tiếp tục câu chuyện qua điện thoại...

Bà Hợp Lợi dẩu môi:

- Nói cho mẹ con nhà chị biết, tôi cũng không có nhiều thời gian...!

Bà bước lên lầu, không thèm chào tạm biệt mẹ con Hằng. Trên đường về khách sạn, đầu Hằng như đội đá. Chị ngước mắt nhìn lên tấm bảng treo trước nhà bà Hợp Lợi, cố nhẩm cho thuộc số điện thoại. Chị không về ngay khách sạn, dẫn con ra cửa hàng giải khát ngoài bờ biển. Nắng sớm lung linh trên mặt nước. Biển mênh mông, phẳng lặng và dịu mát làm nguôi những phút giây cay đắng chị vừa trải qua. Cô con gái hỏi chị:

- Mẹ, người đàn bà ấy nói gì?

Hằng không thể trả lời con gái tất cả sự thật, kể cả việc chị và ông Thiện đồng ý ly dị nhau để lấy mười cây vàng cho chị trả nợ và vượt biên hồi nào. Sự thật cay đắng đó dày vò chị mười mấy năm nay, như một thứ ung nhọt cứ lớn dần trong suy nghĩ của chị và chị không muốn chia sớt sang con mình. Chị nói dối con, khi con bé đã có chút suy nghĩ, rằng cha mẹ không hợp nhau nên phải chia tay. Trước câu hỏi của con, chị đành nói dối lần nữa:

- Bà ấy nói sẽ tìm bác sĩ giỏi nhất chữa bệnh cho ba con.

Đứa con gái hồn nhiên:

- Sao không đưa ba vào bệnh viện...?

- à... Nếu ở nhà có điều kiện, ở nhà vẫn hơn...!

Buổi trưa, khi con chị đang phơi mình trên bờ cát, Hằng lén lên nhà hàng gọi điện thoại cho bà Hợp Lợi. Suốt cả buổi sáng, chị đã chuẩn bị những điều sẽ nói với bà nên khi nhận ra tiếng bà Hợp Lợi đầu dây, chị nói một hơi:

- Em thưa với chị, dạo ấy vì kẹt quá nên bọn em phải chia tay nhau để nhận lấy số vàng chị giúp. Bây giờ, anh ấy đau yếu, cái chết đã gần kề, em muốn làm chút nghĩa tận với anh ấy. - Hằng thở dài - Hôm đầu tiên em đến, gặp chị đang uống cà-phê với một người thanh niên và chị có giới thiệu với em đó là chồng chị. Có nghĩa, chị đã có một người khác. Cho nên, em mạo muội thưa với chị, hay là chị cho em... nối lại tình xưa với anh Thiện...?

Có tiếng cười cùng cục của bà Hợp Lợi đầu dây rồi giọng chua ngoa của bà:

- Cô nói mới dễ nghe! Anh Thiện lấy tôi có giấy hôn thú hẳn hoi. Có đau, có ốm, vẫn là chồng tôi. Tôi bỏ anh ấy khi đau ốm, thiên hạ sẽ chê cười tôi. Hai năm nay tôi vẫn thuốc thang, chữa bệnh cho anh ấy trong nhà. Còn chuyện tôi có người khác, trong khi anh Thiện đau yếu, anh ấy đã đồng ý và cho phép...

Hằng vẫn mềm mỏng:

- Vâng, em biết vậy. Nhưng thưa chị, em nói thế này hơi quá thẳng thắn... hay... hay... chị trả lại tự do cho anh Thiện...?

Bà Hợp Lợi nhăn nhó:

- Có nghĩa cô muốn tôi ly dị anh ấy? Cô không biết làm như vậy là phải tội...? Ai chấp nhận lấy một người đàn ông không một xu dính túi lại đau ốm liệt giường...?

- Chị đừng lo. Em sẽ chắp nối với anh ấy.

- Nhưng cô nên nhớ, anh ấy đang bị lao, chỗ tôi có điều kiện tối ưu để chăm sóc và cách ly anh ấy. Thuốc men, ăn uống tôi đã lo đầy đủ...

- Nhưng anh ấy lại thiếu...

- Cái đó thì tôi không thể... Bác sĩ khuyên tôi phải cách ly anh ấy. Cô không biết, bệnh lao là bệnh hay lây...?

- Vâng, em biết vậy và xin nhận việc chăm sóc anh ấy về mình.

Không có tiếng bà Hợp Lợi trả lời nhưng đường dây vẫn còn thông. Hằng đoán, bà đang suy nghĩ. Mãi sau mới nghe lại tiếng bà:

- Hồi đó tôi đã đưa cô những mười cây vàng để cô đồng ý anh Thiện về với tôi. Bây giờ tôi ly dị, có nghĩa tôi sẽ mất trắng mười cây...?

- Chuyện đó đơn giản, chị à. Trước em nhận của chị bao nhiêu, giờ em xin gửi lại bấy nhiêu...

Bà Hợp Lợi lại cười:

- Chuyện trẻ con. Mười cây vàng, mười tám năm, tôi cho vay mỗi tháng bỏ rẻ cũng được ba chỉ. Một năm bốn cây. Mười tám năm là bảy mươi hai cây, cộng mười cây trước đó là tám mươi hai cây mà cô chỉ trả cho tôi mười cây...!

Hằng choáng váng với cách tính toán con buôn của bà Hợp Lợi. Tám mươi hai cây vàng để nhận lại ông Thiện trong tình trạng sống dở chết dở. Chị thấy đau lòng. Với số tiền ấy để thuốc men, chữa trị chắc chắn sẽ cứu được một con người. Chị về nước cũng không mang theo nhiều tiền. Nhưng Hằng không có thì giờ suy nghĩ, trả lời ngay:

- Vâng em đồng ý!

Nghe được câu ấy, bà Hợp Lợi lại đổi ý:

- Tôi nói với cô cho vui, tôi thiếu gì tiền. Tám mươi cây chứ một nghìn cây tôi cũng không cần. Rồi thiên hạ sẽ ỉa vào mặt tôi. Chả dại!

Hằng nhận ra tất cả vẻ cáo già của con mẹ hàng phở. Chị biết, mụ chỉ làm phách chứ bán một thằng chồng bệnh hoạn với giá tám chục cây vàng nằm mơ cũng không có được. Mụ làm ra vẻ cao đạo để Hằng thêm tha thiết và mụ không bẽ mặt. Đoán được ý định của mụ, Hằng bồi thêm:

- Em biết chị là người giàu có và nghĩ đến tình cảm với những ngày chung sống với anh Thiện. Nhưng thời gian em ở bên này không được bao nhiêu, em xin chị vui lòng chiều theo ý em. Không ai biết chuyện ngày xưa em gán anh Thiện cho chị để lấy mười cây vàng và cũng không ai biết bây giờ em chuộc lại anh ấy với tám mươi cây. Em chỉ muốn cho anh ấy lành bệnh.

Bà Hợp Lợi ngẫm nghĩ một lúc:

- Thế sau khi anh ấy khỏi...?

- Em sẽ lo nốt phần còn lại. Có lẽ mẹ con em sẽ xin về bên này làm ăn.

- Nhưng tôi sẽ không ra tòa và xé hôn thú trước mặt cô khi tôi nhận được vàng...

- Vâng, chị dạy sao, em nghe vậy.

Hằng đi thẳng từ sân bay đến tiệm phở Hợp Lợi. Chị đã xoay đủ số tiền bà Hợp Lợi yêu cầu. Ngồi trên taxi, lòng chị như lửa đốt. Một tuần lễ đã trôi qua. Chuyện gì đã đến với ông Thiện?

Chiếc taxi dừng lại. Trước mắt chị Hằng là một cảnh nhốn nháo. Tiếng nhạc đưa ma rầu rĩ xen giữa tiếng trống rời rạc điểm từng tiếng một mách cho chị điều không may đã xảy ra. Chị đã không kịp cứu ông Thiện khỏi bàn tay thần chết. Tim chị thắt lại. Nước mắt tuôn trào. Chị bước từng bước nặng nề đến trước nhà bà Hợp Lợi, thầm nguyền rủa bà, kẻ đã góp phần giết chết ông Thiện.

Người ta giãn ra cho chị bước vào. Chị hoảng hốt trước bài vị thờ hai người: bà Hợp Lợi và người thanh niên chị đã gặp trong ngày đầu đến đây. Ông Thiện nét mặt buồn, mặc áo xô từ trong nhà bước ra. Ông im lặng đưa tay mời Hằng ngồi xuống ghế. Chị nhìn ông như dò hỏi. Ông Thiện buồn bã nói:

- Hai người bị tai nạn khi người thanh niên chạy xe phân khối lớn lại uống quá nhiều rượu.

Hằng rùng mình, thắp cho bà Hợp Lợi và người thanh niên xấu số nén nhang vĩnh biệt.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com