Trước mắt chị là hòn Phụ Tử, một thắng cảnh riêng biệt của vùng biển trời. Hai chỏm đảo đá vút thẳng lên cao, giữa lọt một hòn đảo con, ai đặt tên Phụ Tử nghĩ cũng sâu nặng. Hằng ngày chị thường xuyên ngó cảnh vật nọ đập vào mắt, càng chiều càng chói ánh mặt trời dọi đỉnh đảo, trước khi từ từ lặn. Chị vẫn nói với chị em bạn hàng: "Tôi thật thỏa, sinh ở mũi Ngọc, tít đỉnh phía đông bắc biển, thấy trước tiên mặt trời mọc. Cuối đời vào tận đây, phía tây biển, được ngó mặt trời lặn". Trao tay khách những vòng ốc, xuyến đồi mồi, trái trứng đá, chị thờ thẫn nhìn từng tốp du lịch người lớn, picnic trẻ choai choai hò nhau chụp ảnh, đuổi nhau bên lườn cát. Đứa nào cũng thích chụp phía trước hòn Phụ Tử, kiểu ảnh mà không có hình đảo dính sau lưng thì coi như chưa đặt chân đến Hà Tiên.
Liệu đã phải nơi đây là điểm dừng cuối cùng?
Con trai chị bàn:
- Mẹ ạ, trên phân công con vào một nhà máy xi-măng mãi trong ấy. Con rất muốn đưa mẹ theo. Mẹ mỗi tuổi một đứng, ở quê không còn mấy ai. Con thèm được sống có mẹ!
Chị cứ nghe, những lời cởi gan ruột của đứa con trai. Nó là giọt máu duy nhất anh gửi lại chị. Anh chia tay chị vào chiến trường năm xửa năm xưa, giấy báo tử chỉ vẻn vẹn mấy chữ, mất ở eo đá Moso. May ra, đi theo con chị sẽ tìm được phần mộ chồng, không biết có hay không, nhưng thâm tâm vẫn lấp ló hy vọng. Con chị, niềm vui sâu xa trong chị, một kỹ sư cờ lanh ke đầy năng nổ, lăn xả vào công việc ngay khi đặt ba lô xuống đất này. Từ Mũi Ngọc, chị cùng con đáp máy bay vào Sài Gòn, tiếp luôn xe đò xuôi Rạch Giá. Rồi tạm biệt tức khắc Rạch Giá tới vòm cổng lớn vào thị xã, biểu trưng riêng ba cái tháp Chàm hoặc giống mái cổng tam quan kiểu chùa Khmer. Hà Tiên nơi cuối con lộ 80, cảnh vật lùi lũi phía sau xe, đường đất có phần càng tiến càng trũng xuống. Những khách đồng hành chỉ cho chị xem núi Hòn Đất mờ xa, địa danh đã đi vào tiểu thuyết của một nhà văn thời chống Mỹ. Chị lạ lẫm trước cả những cái tên, nghe nôm na và thật riêng những Rạch Sỏi, hòn Chong, hòn Trẹm, mũi Nai, Xà Xỉa... Ôi chao, đất nước mình thật rộng dài, đi tới đâu mở mắt tới đấy, xe phóng hoài không biết hết. Con trai chị tư lự ngồi bên, nó đang mải nghĩ tùm lum công việc nơi mới hay buồn nhớ một cô gái để lại xứ Bắc một mình. Thằng đến kín chuyện, lớn phổng mà yêu đương đục trong sao, cấm hé răng thưa cùng mẹ. Lúc nào cũng thấy nó tất bật, đi băng băng chân, đầu lúi húi phía trước, dáng khỏe nhưng vất vả, trăm phần trăm dáng bố. Chị bỏ nhà bỏ cửa vào trong này, vì bố nó hay vì chính nó, núm ruột của riêng chị?
Chị tâm sự:
- Con này, mẹ con mình chính thức trú ngụ Hà Tiên, chắc chẳng bao giờ nghĩ tới ngày ra. Mẹ muốn nguôi ngoai, tìm việc chi quanh quẩn, đỡ buồn chân buồn tay. Việc con con cứ làm, mẹ dành chút thì giờ kiếm tìm phần mộ bố con.
Chị nói là đi tắp lự. Xe khách, xe lôi, xe ôm, xe ngựa, cả xe đạp kéo, chị tìm đường đến khắp các ngõ ngách dò tin tức chồng. Moso là chiến khu miền Tây xưa hoang vu núi đá tiếp núi đá, khe rẫy mọc đầy bông lau trắng bạc. Mấy nhà máy xi-măng mọc lên, khói tuôn bụi mù mịt góc trời, duy nhất nhà máy xen giữa hiện đại hơn, sản lượng cao, khói bị lùa trong các đường hộp kín, không tỏa lọt ra ngoài. Chị vào chùa Hang thắp hương khấn vái hương hồn anh linh thiêng hãy chỉ cho chị biết nơi anh nằm xuống, hãy phù hộ hai mẹ con chị đến sinh sống nơi đất lạ quê người. Mấy chị lãnh đạo địa phương cảm tấm lòng chị, vạch nhiều địa chỉ mời chị kiếm tìm. Đến Ba Hòn, chị vô huyện ủy Kiên Lương, anh Năm Sơn, Bí thư thân đưa chị lội xuyên mấy rừng đước. Tới Đông Hồ, chị Ba Thới phụ nữ phường dắt chị trèo núi mấy ngày liền xung quanh lăng Mạc Cửu. Mỏm mũi Nai, các mẹ rủ chị lên nghĩa trang quốc tế thắp hương tìm, đủ mộ chí người các miền, vẫn không có mộ anh. Một mẹ bảo: "Hay sang Thạch Động, nơi Pôn Pốt bắn chết hơn trăm dân mình, lựa xem có tên chú ấy?". Chị lắc đầu. Chồng chị hy sinh những năm chống Mỹ kia, vời vợi xa lắm. Quay về chỗ con, chị thở dài, buồn chuyện:
- Biển khơi tăm cá, biết hỏi dò những đâu. Nhưng mẹ tin sẽ tìm được mộ bố con. Mẹ còn ít vốn, sẽ ra bãi Phụ Tử mở hàng bán những đồ kỷ niệm cho khách vãng lai. ở đấy gần Moso mẹ sẽ hóng tin tức bố. May ra...
Con trai chị vồn vã:
- Vâng, mẹ cũng nên ra biển cho đỡ oải người. Lương con đủ nuôi mẹ, nhưng con không muốn mẹ ngồi suông một mình. Con thì mệt việc quá, lò đứng tám mươi vạn tấn xem chừng không ăn. Bên lò Sao Mai triệu tư tấn mà họ làm băng băng. Con đang lo cải tiến lại hệ thống chuyển tải cờlanhke.
Chị bắt đầu bày bán các mặt hàng vặt, sản phẩm địa phương. ờ, chẳng có gì mấy mà ối người hỏi mua. Túi cá ngựa khô, túi tôm nõn bóc vỏ đỏ lừ, túi những xệp mực lớp lớp đóng gói. Nhiều nhất là các mặt hàng gỗ, hàng đá. Can chống gỗ trắc, gỗ sao. Thìa muỗng đũa gỗ thốt nốt. Những chiếc vòng đá xinh xẻo, những bức tượng vũ nữ trắng muốt đáng yêu cả những đĩa ấm chén đá tinh xảo khéo tay... Chị làm quen với chúng, như ngày ngoài mũi Ngọc, chị quen với mắm, với cá, với các vảy ốc... Chị biết anh cũng từ những vỏ ốc biển lạ mắt, nhiều kiểu nhiều hình. Anh từ khơi về, vạt buồm cánh dơi Trà Cổ nâu chéo riêng vụng biển quê, đổ vào bờ sóng. Buổi sớm, mặt trời đỏ như khối lửa chui hùng dũng từ đáy biển lên, nắng chói chang nhưng chưa kịp hun nóng cát. Chị choi choi nhảy tràn trên các triền cát đọng vảy tê tê đón anh. Thiếu nước chị đổ vào bộ ngực trần tráng kiện anh đứng đầu thuyền. Chị lã chã nước mắt: "Em nhớ anh muốn chết. Sớm nào em cũng ra chỗ Cồn Mang ngóng anh". Ngày cưới trời đổ rét ngằn ngặt, tới mức con sóng tung lên đọng lạnh như bông tuyết. ủ trong mền bông nóng rực, chị vồ vập quấn anh, lắng nghe tiếng thở chồng ấm quấn bên cổ, bên má. Nhắm mắt, chị tận hưởng cái mùi vị riêng vợ chồng, mùi vị đượm nồng từng sợi bông, không còn biết cái rét gào rít phía ngoài. Cái rét đầu tiên, cũng là cái rét cuối cùng, chị gần anh. Anh đi, tiếng súng nổ âm vang phía trời xa, mang theo cả gió rét xứ quê, mang theo hơi thở nóng gắt người vợ trẻ. Anh đi, gửi lại chị tầng tầng những vỏ ốc lạ, kiếm từ biển về chất đầy tủ ly; gửi lại trong lòng chị giọt máu hiếm hoi, anh chưa hề được biết tin, dù qua mấy dòng chữ. Chị nâng nâng từng chiếc vỏ ốc, bồi hồi nhớ anh; những gai ốc nhọn đâm chảy máu đầu ngón tay, ròng ròng tứa đỏ nhòe. Vào đây, chị quen lại cái sắc mầu của biển, nỗi nhớ vừa ngỡ phai, không ngờ được dịp gợi lại nhưng nhức tới từng thớ thịt.
Một tối, con trai chị xới đưa mẹ bát cơm có ngọn, kêu vui:
- Bữa nay mẹ gặp chuyện chi mà cười nói rôm rả?
Chị:
- Mẹ mừng tối tối được dùng cơm cùng con. Con ăn đi, biết mẹ nấu món gì con thích ăn không? Cá rô ron đập gừng nấu canh cải. Cá bống nhỏ kho khô cong, rưới thêm mắm hạt tiêu. Món ăn ngoài bắc mình. Trong này cá rô kho tộ, cá bống mú nướng cũng ngon, mẹ biết vẫn chưa hợp khẩu vị con.
Anh vung vẩy đôi đũa:
- Ngon quá, cảm ơn mẹ quá! Mẹ kiếm đâu ra mấy thứ nhỏ này?
Chị hào hứng:
- Mẹ nhờ mấy bạn hàng mua. Dạo này xem chừng con háo người, mải việc quá phỏng? Kiếm vợ đi con, con bé ngoài quê bỏ mày rồi chứ gì?
Anh cười khì khì:
- Mẹ đừng đoán mò. Rồi con sẽ lôi cô ấy vào đây với mẹ. Cô ấy bảo: "Xa mấy em cũng theo anh!" Mẹ hãy tin sẽ được một cô con dâu tử tế.
Chị thở thượt:
- Mẹ chỉ mong có thế. Nhưng mẹ vẫn lo. Con thì hun hút, nó lại quá xa. Đàn bà...
Sớm sau, ra bãi cát dọn hàng, chị vẫn canh cánh ân hận, trót nói những lời không đáng nói. Bãi cát bắt đầu nóng hầm hập, sóng từ tốn liếm những vệt dài lên phía mỏm đá, đầu các dãy hàng. Không biết bố con ông khách ngủ nhờ quán nào, sáng sớm đã ùa tắm góc biển, tiếng đứa con gái cười khanh khách tung nước đùa tóc bố. Hình như hai bố con họ từ Sài Gòn đến thì phải, chị để ý họ có mặt mấy hôm nay, chỉ tắm ào ào, rồi quấn khăn tắm đi dạo. Một người bố yêu con, mấy người bán hàng rỗi việc kháo nhau. Chợt một bà nhệu nhạo nhai kẹo, hỏi rướn về phía hàng chị:
- Chị Hai Bắc ơi, - mấy bà toàn kêu chị cái tên Hai Bắc nghe kỳ - sắp Tết đến nơi, chị có ra ngoải ăn Tết?
- Không, em vui Tết trong này với thằng cháu!
- à cái thằng "xi-măng" đến đẹp trai. Lấy vợ được rồi, cho bọn này ăn cỗ được rồi. Giờ đang tháng chạp ta, nghe đài báo ngoài bắc gió mùa đông bắc dữ.
Chị đon đả:
- Vâng, ngoài em đang rét đậm, rét ngỡ rụng ngón chân ngón tay. Các bác trong này sướng, quanh năm nóng nắng, không biết cái rét khổ thế nào?
Chợt chị nín lặng. Không, mình nói không đúng. Bao đêm rồi, nằm trong mùng, chị nhớ rét đến nao lòng. Không thể cứ tất tả suốt ngày, nóng bức suốt ngày. Phải gió bấc về, để một mình được ủ trong chăn nặng, để có những giây phút bâng khuâng riêng nhớ. Không gặp rét thì khó có thì giờ dành cho nhớ nhung. Nhớ gì, nhớ ai, hơi ấm sực nức giữa chăn đệm, tiếng thở nồng nàn của người thân yêu, hai vợ chồng dính nhau suốt đêm lạnh, mưa phùn lây rây ngoài cửa sổ...
Ngoài xa hòn Phụ Tử vẫn nghiêng nghiêng hai cánh tay chào, riêng trong mắt chị, đảo đá chừng cũng co ro, không giống mọi buổi sớm khác.