hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1222.htm

Trần Dũng

Những người xung quanh tôi

Hôm ấy, tất nhiên tôi dậy sớm nhất nhà. Nói sớm nhất nhà, là so với bố mẹ và anh tôi, chứ chị tôi thì đã đến nhà máy dệt từ lúc tôi sắp ngủ. Tuần đó chị tôi làm ca ba.

Thấy tôi rục rịch soạn sửa, mẹ tôi cũng dậy và xuống bếp nấu mỳ. Bố tôi nằm trong màn hỏi ra: "Chưa chuông phỏng?" Thế rồi bố tôi không nói gì nữa. Tôi chắc là bố tôi thừa biết cả đêm tôi chập chờn không ngủ được, bởi bố tôi có lạ gì cái tâm trạng của người sắp bước vào ngày làm thợ đầu tiên.

Ăn sáng xong, tôi chào mọi người và dắt xe ra cửa. Mười lăm phút sau, tôi đã phóng băng băng trong bầu không khí đầy hơi nước, mùi vị cỏ cây và những âm thanh dịu dàng trên con đường thoáng đãng của ngoại thành. Gió sớm mùa thu mát lạ. Tôi cảm thấy người mình mềm mại, nhẹ nhàng và thoải mái quá. Bất giác, tôi cho một tay ra sau lưng, ưỡn ngực hít một hơi dài, mỉm cười rồi ngửa cổ nhìn bầu trời lộng lẫy có những vì sao vẫn còn say sưa hát ca, và phương đông đang rạng dần...

Tôi đến trạm máy quá sớm. Một cảm giác ngường ngượng vút qua trong đầu tôi: "ồ mình còn trẻ con quá". Song tôi lại nghĩ ngay rằng: "Việc quái gì, ngày đầu tiên, ai mà chẳng như vậy!" Lát sau, mọi người mới lục tục kéo nhau đến. Mấy anh ở đội vận chuyển đã đổ dầu vào xe và cười nói ầm ĩ. Tôi đang ngẩn người nhìn thì một bàn tay khỏe mạnh nắm lấy vai tôi:

- Thế nào? Hôm nay bắt đầu làm đấy à?

Tôi quay sang, thấy một anh bạn trạc tuổi tôi, nhưng to ngang và chững chạc hơn tôi nhiều, đang cười cởi mở và nhìn tôi bằng đôi mắt hết sức vui vẻ. Tuy vậy, tôi vẫn cố lấy dáng của một người thợ thực thụ, chứ không phải là hạng còn măng sữa, cười một nụ cười hiểu biết và xuề xòa, vui vẻ trả lời anh bạn:

- ờ, mấy giờ bắt đầu làm nhỉ?

Tự nhiên tôi hỏi vậy chứ tôi cũng biết rõ là sáu giờ. Hôm nọ, khi đến nộp giấy tờ, tôi đã được bác trưởng phòng tổ chức phổ biến đầy đủ. Chắc anh bạn này là một trong mấy anh trông thấy tôi hôm ấy. Tôi hỏi:

- Cậu cũng làm thợ máy à?

- ừ, nhưng mà mình làm linh tinh hết cả. Gầm, điện, rèn, nguội, tuốt tuột. ở đây nó thế. Thợ sửa chữa ít nên việc gì cũng "cần" tất. Không như các xí nghiệp lớn trong nội thành. Nhưng mà thế cũng hay.

- Tôi lại thích thế cơ đấy. Tôi thành thực phát biểu như vậy vì từ xưa tới nay, tôi vẫn mong muốn được trở thành một người như bố tôi. Một người thợ sửa chữa máy nổ nhưng không có bộ phận nào của ôtô, máy kéo mà bố tôi không sửa được. Cả các nghề cơ khí khác như tiện, nguội, gò, hàn,v.v... mó vào cái gì là bố tôi làm giỏi cái ấy. Bố tôi thường bảo: "Thợ là phải thế". Hồi bố tôi chưa về hưu, anh em ở xưởng ôtô Mùng ba tháng hai vẫn gọi bố tôi là "cụ vạn năng". Tôi khoái cái tên ấy lắm.

Anh bạn mới của tôi trỏ một người đang lững thững đi từ nhà tập thể sang:

- Anh Tiến, tổ trưởng của bọn mình đấy, thợ bậc bốn thôi nhưng mà chúa lắm. Kể ra thì đại tu cả xe, anh ấy cũng không coi mùi gì. Tý nữa làm, cậu sẽ thấy. Bọn mình đang tiểu tu một cái MTZ. Anh ấy ở ngay khu nhà tập thể kia kìa. Hai "moóc" rồi nhưng mà "cụ" ấy còn vui tính bằng mấy bọn mình. Cánh đàn em quý anh ấy lắm!

Tự nhiên, tôi có cảm tình đặc biệt với anh tổ trưởng chưa quen thuộc này. Tôi đang định hỏi thêm thì kẻng làm việc. Người bạn mới của tôi kéo tôi vào xưởng. Lúc dừng lại dưới vòm cửa cao rộng của khu nhà còn thơm nức mùi vôi, vẻ tự hào, anh bạn nói:

- Cậu thấy cơ ngơi có sang không? Vừa mới xây dựng xong được mấy tháng đấy. Đằng cuối là của tổ tiện nguội. Cái nhà ngoài kia là tổ rèn. Còn tất cả là của bọn mình. Cậu đến đúng lúc thật. Ngày trước, máy móc tháo ra để giữa trời, nhiều hôm nắng to làm cực phải biết. Lúc mưa lại chạy như vịt, che cái này, cất cái kia. à cậu tên là gì nhỉ?

- Tôi là Trung.

- Còn tớ là Tuấn, "Tuấn ba suất". Anh em gọi tớ thế. Chả là ba suất 18 tớ chén bay.

Tuấn toét miệng cười và dẫn tôi đến bên chiếc máy đang làm dở. Gần đấy, Tiến và một anh nữa cũng mặc áo công nhân đầy dầu đang đứng hút thuốc và trao đổi với nhau một chuyện gì đó. Tuấn bô bô:

- Có một "sĩ quan mới" đến với chúng ta đấy! Thiếu úy, vừa tốt nghiệp cơ khí hai năm mươi. Còn đây là anh Tiến, thủ trưởng cậu đã biết rồi. Đây là anh Tần, lính lái chuyển về, ngài là cựu binh đã từng chiến đấu nhiều năm trên những cánh đồng ghồ ghề từ thời những chiếc KĐ.35 còn quý như vàng. Bây giờ cột sống của ngài nó hay kêu ca.

Lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ anh Tiến. Anh khoảng 30. Mặt xương xương nhưng cơ ở cổ tay lằn hẳn lên, chắc là khỏe lắm. Cái làm tôi đặc biệt chú ý ở anh là đôi mắt nâu to lạ thường, tôi sẽ khẳng định là anh hơi buồn, nếu anh không cười tươi tỉnh như thế kia. Anh đưa bàn tay rất rắn chắc nhưng hơi nhỏ so với khổ người của anh, bắt tay tôi rồi vỗ vỗ vào vai tôi:

- Mình cũng được báo là cậu sắp về. Tốt lắm. Vừa mới hết vụ, khá nhiều máy vào xưởng, cậu sẽ phải làm ra trò đấy - anh chìa bao thuốc Tam Đảo ra cho chúng tôi - Làm một điếu đã. Không hút à? Tốt. Sau này cậu cũng không hút thì nhất định mình sẽ noi gương, bà xã nhà mình sẽ nhiệt liệt hoan nghênh. Thôi, bây giờ Tuấn dẫn "sĩ quan mới" đi làm phiếu lĩnh "áo giáp". Vừa có loại mầu bộ đội đẹp lắm. Cậu này số đỏ. Mau rồi về đây... Hôm nay anh em ta làm nốt hộp số, cầu sau, mai lắp bánh, ca-bin, đổ dầu xong xuôi là có thể đi thử được. Hoàn thành kế hoạch!

Quả thật chưa bao giờ tôi được nói chuyện với ai vài câu mà đã thấy thoải mái đến vậy. Sống ở một hoàn cảnh làm việc như thế này giữa những người bạn, người anh như thế này, cái ước mơ trở thành một người thợ giỏi vạn năng của tôi, lo gì mà không thực hiện được! ý nghĩ ấy làm tôi khoái chí cười tủm tỉm. Tuấn lại tưởng tôi quá thích bộ quần áo bảo hộ lao động mới tinh, ngắm nghía tôi rồi gật gù:

- Thích thật đấy, cậu mặc nom vừa ghê, ác lắm!

Bác thủ kho cũng nheo mắt nhìn và nói:

- Đừng có chữa đi đấy nhá. Thật tao chẳng hiểu làm sao chúng mày cứ thích bó túp đít lại. Vướng bỏ cha. Chui vào gầm máy thì cốt được việc chứ cần quái gì? Mà cứ chữa quần áo đi thì thành hiên ngang à? Hiên ngang ở trong bụng mới hay chứ!

Một nửa ngày làm việc qua đi rất chóng. Phải nói là tôi không ngờ nó lại chóng đến thế. Loáng cái đã mười rưỡi. Anh Tiến bảo tôi sang nhà anh ăn cơm, tôi nói là tôi đã có bánh mỳ rồi. "Bánh mỳ thì ăn thua gì". Tôi phải nói rõ thêm là "Mẹ em đã cặp đầy thịt", anh mới thôi. Tuấn cũng sang nhà ăn sau khi hẹn tôi rằng ngày mai "cánh ta" sẽ "măm" chung. "Cậu chưa mua được phiếu thì cứ lấy phiếu của tớ".

Còn một mình trong xưởng, tôi lấy hai chiếc đệm MTZ kê tiếp nhau ngay cạnh chiếc máy, ngồi lên và chén bánh mỳ một cách ngon lành. Chà, thế là từ hôm nay, tôi chính thức là một người thợ. Một người thợ hẳn hoi chứ không chỉ trên giấy tờ. Đúng ra thì khi nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp, tôi đã phấn khởi lắm. Nhưng phải đến hôm nay, niềm vui ấy mới được trọn vẹn. Để ít bữa nữa, lúc nào tiện, tôi sẽ đưa bố mẹ tôi tới đây, để bố mẹ tôi xem "cậu út" làm ăn ra sao. Nhất định bố tôi sẽ thú lắm, còn mẹ tôi thì thể nào cũng rơm rớm nước mắt. Tính mẹ tôi thế. Cứ trông thấy một biểu hiện nào đó về sự trưởng thành của con cái, hoặc là lúc cả nhà quây quần quanh mâm cơm thịnh soạn nhân một dịp vui, là trăm lần như một, mẹ tôi lại chạnh lòng nhớ lại những ngày xưa, những ngày vất vả nuôi ba anh em tôi trong vùng tạm chiếm, đói khát, cô đơn... Lúc ấy bố tôi đang ở trong một công binh xưởng xa xôi trên chiến khu... Thường khi thấy mẹ tôi bắt đầu sụt sịt, bố tôi lại lên giọng, nói át đi: "Bà chỉ có lẩm cẩm, nghĩ linh tinh". Tuy thế, chúng tôi đều biết rõ bố tôi còn "lẩm cẩm" và "nghĩ linh tinh" hơn nhiều. Có điều là bố tôi không nói ra đấy thôi. Nhưng việc giáo dục con cái thì bố tôi lại hay nói hơn hẳn mẹ. Bố tôi có nhiều triết lý. Thí dụ như là: "Cục sắt muốn thành cái gì hẵng cứ cho vào lò rèn đã". Đấy là triết lý riêng của bố tôi - cái triết lý mà bố tôi thích nhất và tự hào nhất - nhưng rõ ràng là nhờ có ba năm làm công nhân trước khi được cử đi học, anh tôi đã trở thành một kỹ sư giỏi được nhiều người mến yêu. Còn tôi thì tuy chỉ mới chính thức sống trong môi trường công nhân có nửa ngày, cũng đã thấy giá trị lắm rồi. Và cũng chỉ mới có nửa ngày, cuộc sống và mọi người ở đây đối với tôi đã trở thành gần gũi và thân thiết quá. Được rồi, từ nay tôi sẽ gắng hết sức mình làm việc trong gia đình mới của tôi. Tôi sẽ giúp Tuấn học hết chương trình bổ túc (Tuấn mới xong cấp hai, không được học đến lớp mười như tôi). Tôi sẽ bám sát anh em, đi sâu vào nghề nghiệp. Tôi sẽ học tất cả những cái hay, cái tốt của mọi người. "Phải học bằng được", đấy là lời bố tôi vẫn dạy anh em chúng tôi và cũng là lời bố tôi đã tự nói với mình suốt mấy chục năm trời.

Tôi đang suy nghĩ như vậy thì Tuấn đến, Tuấn đặt một bát canh to tướng xuống trước mặt tôi:

- Chén đi, cậu ăn bánh mỳ, khát nước chết.

Xong xuôi. Tuấn rủ tôi vào nhà nằm. Tôi từ chối: "Hôm nay mình muốn nằm ngay đây thôi, để đến mai"... Hình như Tuấn cũng biết tôi muốn hưởng một cái thú riêng nào đó nên anh bạn cười thông cảm và nói "Tùy cậu!".

Buổi chiều, mọi việc vẫn vui vẻ và êm đẹp như buổi sáng. Vẫn những câu chuyện vui nhộn tưởng không bao giờ cạn. Vẫn những mẩu tâm sự chân thành, mộc mạc của mọi người. Đặc biệt, lúc tôi kể sơ qua về nếp sống và từng người trong gia đình tôi, đôi mắt nâu to của anh Tiến long lanh rất lạ. Và sau đó, một lúc lâu, tôi ngạc nhiên thấy đôi mắt thông minh tuyệt đẹp ấy buồn vô cùng. Nhưng chợt bắt gặp cái nhìn của tôi, dáng buồn trong mắt anh lập tức biến mất. Anh lại vừa làm những việc kiểm tra, điều chỉnh các khe hở và độ dịch dọc của các bánh răng, vừa giảng giải cặn kẽ cho chúng tôi. Về điểm này, tôi thấy thái độ anh Tần rất đáng học tập. Chẳng gì anh cũng cùng lứa tuổi với anh Tiến, cũng là một công nhân lâu năm ở trạm máy như anh Tiến. Nhưng anh chăm chú nghe anh Tiến giảng những cái mà anh không biết với một vẻ kính trọng thật sự. Còn Tuấn thì vẫn cứ tranh lấy những phần việc nặng nhất trong khi tháo "đùi" hoặc khiêng bán trục. Có lúc tôi phải ra vẻ cáu, nói xẵng: "Thì cậu cứ để tớ làm", Tuấn lại cười hì hì:

- Thôi để tớ, cậu chưa quen, nó rơi vào chân thì bỏ bà. Tớ biết cách tránh.

Khoảng bốn rưỡi, anh Tiến và các tổ trưởng đi họp chuyên môn hàng tháng. Anh Tần thì tổ rèn mời xuống làm "tham mưu" cho họ cải tiến cái mui xe ĐT. Trước khi đi, anh Tiến dặn chúng tôi:

- Hai cậu lắp nốt hộp số, cầu sau và những cái râu ria là vừa hết giờ đấy. Thu dọn xong là có thể "ngơi" được. Chú ý cẩn thận kẻo rơi cái gì vào trong đó nhá.

Tuấn và tôi mỗi người đứng một bên máy. Như vậy, công việc của tôi và Tuấn bằng nhau. Đừng nên nghĩ là tôi có ý ganh đua với Tuấn. Không đời nào tôi lại như vậy! Tôi chỉ muốn tự mình thấy rằng: mình cũng xứng đáng là một người thợ thực thụ, thế thôi. Tuấn bắt bu-lông thoăn thoắt. Tôi cũng bắt bu-lông thoăn thắt. Tay phải chúng tôi cầm cờ-lê hoặc tuýp 14 vặn chặt những con bu-lông đã bắt vào rồi. Tay trái chúng tôi lại đưa ra lấy một con bu-lông khác, bắt vào và vặn luôn bằng tay không cho tới lúc phải dùng đến cờ-lê. Chúng tôi làm như máy và nói chuyện rôm rả. Vui nhất là cái lúc lắp lại sau khi đã sửa xong. Tôi lại còn vui hơn vì sắp hoàn thành một ngày làm việc đầu tiên đầy những ấn tượng và kết quả tốt đẹp.

- Cụ Tiến là chúa hay phòng xa. Kể cũng đúng... Nhưng mình có phải loại ú ớ đâu mà lo đánh rơi cái gì vào trong máy. Phải không cậu?

Tuấn nói thế sau khi đã vặn chặt con bu-lông cuối cùng ở nắp hộp số "bên của Tuấn". Tôi nhìn Tuấn, cười đồng tình và đưa tay trái ra lấy thêm một con bu-lông nữa. Tôi cảm thấy ngón tay út chạm phải một con bu-lông khác và đẩy nó lăn đi. Tôi vội nhìn lại. Không thấy con bu-lông nào ở chỗ ấy. Tôi nhìn ngay xuống đất. Cũng không có. Lưng tôi hơi rợn lên. "Nó rơi vào trong này chăng?... Không có lẽ!". Tôi nghĩ thế và lo lắng nhìn vào ngăn của bộ phận truyền lực cuối cùng... Tuấn vừa cúi xuống khiêng tấm thép đậy cầu sau lên, bảo tôi:

- Lẽ ra bọn mình phải đậy luôn cả cái này vào rồi mới bắt bu-lông một loạt. Nhưng cũng chẳng sao đâu mà phải thần người ra thế. Này, đỡ lấy...

Tôi vội đưa tay đỡ lấy tấm thép và cùng Tuấn đặt vào vị trí của nó. Chúng tôi lại làm việc tiếp nhưng tai tôi bắt đầu ù lên. Giá tôi tỉnh táo một chút, tôi sẽ bảo ngay Tuấn: "Khoan đã, xem lại xem, hình như tớ đánh rơi một con bu-lông vào đây". Chúng tôi sẽ đếm lại số bu-lông và nếu đúng như thế, chúng tôi sẽ nhấc tấm thép ra để mò. Mọi việc sẽ lại êm đẹp.

Thế nhưng, tôi đã không nói được câu nói đơn giản ấy!

Tôi sợ cái gì? Lạ thật! Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy nhiều cái vô lý quá. Tôi sợ mọi người cười tôi ư? Tôi sợ cái tiếng là "thằng ú ớ" như câu nói nửa đùa nửa thật của người bạn vui tính và tốt bụng ấy ư? Hay tôi sợ mất phấn khởi vì thấy mình sơ suất?... Chà, thật là một mớ ngây ngô mà khó hiểu! Chỉ biết rằng lúc ấy tôi đã lắc đầu khi Tuấn hỏi:

- Hay là tớ hoặc cậu đánh rơi vào mà cóc biết nhỉ? Cậu thử nhớ lại xem cậu có...?

"Bực thật - Tuấn cằn nhằn - hôm tháo ra còn đủ nguyên cả..." Thế là tôi cùng Tuấn khom lưng đi tìm xung quanh. Mặt tôi nóng bừng. Tôi thấy rõ mình là thằng đê tiện. Tôi muốn vụt đứng thẳng lên và nói thật với Tuấn. Nhưng cũng như ban nãy, tôi không có đủ   can đảm và sức mạnh...

Lúc anh Tiến về, Tuấn nói, giọng buồn rầu;

- Đâu mất một con bu-lông 14, anh ạ.

Anh vẫn tươi tỉnh nhìn chúng tôi như lúc sáng và cười:

- Không khéo các cậu cho nó nằm trong bụng máy rồi cũng nên. Lúc lắp, các câu để ốc chỗ nào? Chỗ ấy à... Thôi được, cũng chẳng sao, con bu-lông bé bằng tí... Mà có khi nó lẫn vào đống ốc ca bin. Thôi hết giờ rồi, anh em ta thu dọn lại đi. Mãi hẵng hay. Này, nhưng mà lần sau không được để ốc ở chỗ ấy đấy nhá!

Tuấn hơi ngạc nhiên nhìn anh Tiến khi thấy anh bảo "cũng chẳng sao", nhưng lại tiếp tục thu dọn ngay, không ý kiến gì cả. Không rõ có phải là do hết giờ, "để đến mai", hay là Tuấn cho rằng ý kiến tổ trưởng của mình bao giờ cũng đúng. Cất xong hòm đồ nghề, anh Tiến ra góc xưởng nhặt nhạnh mấy thứ rơi vãi. Tôi đứng phía sau anh một quãng và tần ngần nhìn anh. Chợt anh quay lại phía tôi. Có lẽ do nghe tôi kể chuyện nên anh biết cả nhà tôi đang mong tôi về như mong một phi công mới xuất kích trận đầu, anh bảo:

- Về đi Trung, không có mọi người chờ, cỗ bàn nguội mất cả.

Thế rồi anh nói chuyện với anh Biên thợ tiện vừa đi tới. Tôi đạp xe ra đến đường cái mới thấy rõ rằng mình đáng nhẽ phải thú thật với anh ngay khi anh đang đứng ở góc xưởng. Không hiểu sao, tôi tin chắc anh sẽ nói với tôi:

- Không hề gì, mai ta sẽ mò con ốc ấy, lần sau phải nhớ cẩn thận hơn.

Tôi ngừng đạp và định quay về xưởng. Song tôi lại tự nhủ: "Thôi, đến mai vậy, bây giờ để cho anh ấy nghỉ".

Đường về, tôi vẫn vừa đạp vừa suy nghĩ. Nhưng tất nhiên, tôi không nghĩ như lúc tinh mơ. Bây giờ tôi buồn và tự trách mình nhiều... Con bu-lông nhỏ chìm tận đáy các-te quả thực là không làm tôi lo lắm. Anh Tiến cũng bảo "chẳng sao" đấy thôi! Thế nhưng, tôi đã làm ẩu mà lại còn nói dối... Mọi người thì đối với tôi tốt vậy... Lại còn những người thân yêu đang đợi tôi ở nhà nữa chứ! Bố mẹ tôi, anh chị tôi, hy vọng ở tôi biết bao! Nhất định mọi người đều tin chắc rằng: tôi sẽ thể hiện rõ được cái chất của đứa con trai một gia đình công nhân, ngay từ những ngày đầu... Vậy mà tôi đã làm hỏng tất cả. Tôi chưa có cái đức tính cao quý của những người thợ chân chính là dũng cảm, thật thà... Tôi buồn lắm.

Nhưng tôi thấy mình không được phép làm giảm bớt niềm vui của mọi người trong nhà. Tôi phải cất ngay cái vẻ mặt ỉu xìu này đi... Chưa bước vào đến cổng, mùi nem rán thơm phức đã nô nức ùa ra đón tôi. Bố tôi và anh tôi đang phì phèo điếu thuốc ngắm mấy chai bia hơi sủi bọt cạnh đĩa gà quay và bàn chuyện thời sự. Trông thấy tôi về, cả hai người đều rạng rỡ hẳn lên. Anh tôi nói to:

- Chào anh công nhân! Thế nào, tốt cả chứ?

Tôi cười bẽn lẽn:

- Vâng ạ.

Mẹ tôi và chị tôi ở dưới bếp lên cũng đều nhìn tôi có phần khác hơn mọi ngày và nói với tôi một câu đùa vui vẻ.

Trong bữa cơm, vấn đề được nhắc đến nhiều nhất vẫn là tôi và công việc của tôi. Tôi kể cho cả nhà nghe về trạm máy và xưởng của chúng tôi. Tôi kể về anh Tiến, về Tuấn, về bác thủ kho, về những chiếc máy kéo và những người lái máy kéo ở trạm. Bố tôi vừa ăn, vừa uống, vừa nghe chuyện, vừa gật gù có vẻ thỏa  mãn lắm. Anh tôi thì thỉnh thoảng lại hỏi một câu và pha trò làm cả nhà cười vang. Chị tôi cười nhiều nhất. Chị tôi thường bảo ở nhà máy chị tôi chẳng có ai bằng anh tôi cả. Tôi thì "mê tín" anh tôi lắm nên tuyên bố dứt khoát rằng' "ở nhà máy chị phần lớn là phụ nữ, mà những người như anh thì may lắm chỉ có vài người". Bố tôi lại nói: "Chúng mày chỉ bịa, tại chúng mày chưa sống gần họ lâu đấy thôi". Mẹ tôi thì ưa tranh luận bằng những kỷ niệm. Mẹ tôi bảo: "ừ, thằng Trung nói đúng đấy... Hồi anh ấy còn bé, nhà mình khổ lắm, anh ấy nằm mơ thấy đi bán "kíu lạc" để giúp mẹ nuôi hai đứa chúng mày..."

Ôi chao, mọi người có hiểu là tôi càng kể những điều tôi biết và những điều tôi nghĩ về gia đình mới của tôi bằng mọi sự rung cảm chân thành, thì tôi càng thấy lòng mình bị cắn rứt. Tôi đã không xứng đáng... Tôi đã phụ lòng tin yêu của tất cả mọi người!... Mải nghĩ miên man và ân hận quá, hình như có lúc tôi đã đần mặt ra mất một lát thì phải...

Xong cơm, chị tôi tranh luôn cái chức "rửa bát chuyên nghiệp" của tôi và bảo tôi đi súc miệng rồi lên ăn kẹo. Lúc tôi bước lên nhà, anh tôi và bố tôi đã đang ngồi uống nước chè và hút thuốc. Mẹ tôi vừa bưng nốt xoong canh xuống bếp thì đột nhiên bố tôi hỏi:

- Trung, hôm nay mày làm hỏng cái gì vậy con?

Tôi giật mình nhìn bố và anh tôi. Anh tôi vẫn hiền hậu nhìn tôi bằng đôi mắt hơi cười. Trời, lúc này tôi mới chợt nhận ra là khi anh Tiến đi họp về, cũng nhìn chúng tôi bằng cái nhìn ấy. Cái nhìn của một người anh lớn tuổi, từng trải và rộng lượng, đối với những điều sai phạm của em trai mình. Tự nhiên, nước mắt dâng đầy trong mi tôi. Tôi nghẹn ngào:

- Con làm rơi... một chiếc bu-lông... vào... ngăn... truyền... lực... cuối cùng.

- Thế đã lấy ra chưa? - Bố tôi nghiêm sắc mặt.

- Con... không... nói!

Bố tôi lặng người đi, ngẫm nghĩ một chút rồi uống cạn chén nước. Xong, bố tôi đứng dậy, mở tủ lấy bộ quần áo công nhân cuối cùng của đời làm thợ, mặc vào người.

- Cả, đèo bố. Trung, ra lấy xe đạp. Mau lên, không có mẹ mày lên. - Bố tôi quay xuống nhà nói to: Bố con tôi đi làm tách cà-phê nhá!

- Bố ạ, - tôi biết bố tôi giận lắm nhưng vẫn cố gắng trình bày - để mai con nói với các anh ấy. Mà có khi... không sao đâu, bố ạ...

- Sao? Sao mày lại ngu thế hử? Con bu-lông nuốt vào bụng thì còn có thể "ca-bi-nê" ra, chứ quẳng vào trong máy thì để mà vỡ tung cả xe à? Thôi, nhanh lên! Làm cái gì sai, phải sửa ngay, không có chậm trễ. Mai thì có việc mai. Kế hoạch thời chiến, đừng có lơ mơ.

Anh em tôi không dám nói thêm nửa lời, răm rắp làm theo ý bố. Nom anh tôi vẫn rất tươi tỉnh và có vẻ thích thú nữa là khác. Anh còn nói với tôi bằng giọng vui đùa mọi khi:

- Nào, xuất quân, chú!

Tôi định khi đến xưởng thì sẽ để bố tôi và anh tôi đợi tôi đi sang nhà tập thể gọi anh Tiến. Nhưng sao trong xưởng, đúng chỗ để chiếc máy đang sửa của chúng tôi, lại có đèn sáng thế kia? Cửa không khóa, ba bố con tôi bước vào. Anh Tiến đang lau cánh tay phải dính đầy dầu từ bả vai trở xuống, thấy có người, anh ngẩng đầu lên. Anh biết ngay tôi đi cùng anh trai và bố. Không phải chỉ do khuôn mặt của bố con tôi rất giống nhau. Anh chào bố tôi và anh tôi rồi cười ngượng nghịu.

- Việc gì mà bác với anh phải đến. Cả   Trung nữa - anh quay sang bố tôi: cháu được nghe em nó kể nhiều về bác, về gia đình... Bác cứ yên tâm, cháu đã lấy con bu-lông ra rồi.

Bố tôi sửng sốt:

- ơ thế tôi tưởng anh chưa biết nó...

Anh mỉm cười và thân mật nháy tôi một cái:

- Dạ... cháu biết chứ ạ. Em nó là người tốt, không quen dấu ý nghĩ của mình. Cháu thấy nó cứ băn khoăn, muốn nói... Về sau, cháu tìm kỹ lại tất cả mọi chỗ xung quanh đấy, vẫn không thấy con bu-lông đâu... cháu biết chắc là như vậy. Bác đừng mắng nó, buổi đầu, nó ngại...

Cảm động, bố tôi nắm  tay anh:

- Anh... anh dễ với chúng nó quá... Tôi là tôi phải hỏi đến nơi đến chốn ngay. Làm việc nhà nước chứ có phải...! Không có cái chuyện nể nang... Mất lòng trước được lòng sau... anh thương nó thế... không được!...

Anh Tiến cười xòa:

- Thì bác thấy, cháu không hỏi đến nơi đến chốn ngay cũng có hỏng việc nhà nước đâu. Xin "bá cáo" với bác, tổ chúng cháu mấy năm liền "lao động xã hội chủ nghĩa" đấy ạ.

Ngừng một lát tự nhiên anh nói nhỏ đi và tránh nhìn bố con tôi:

- ... Không phải bác ạ... anh em chưa sống với nhau mấy... Như Tuấn thì lại khác... cháu hỏi ngay sợ em nó buồn... không hay lắm... Để đến lúc nào tiện, bảo nó, tốt hơn... Mà bác lạ gì, ngày hôm nay đối với em nó... quan trọng lắm... cháu không muốn bất cứ...

Nghe anh nói, mọi vật trước mắt tôi như nhòa đi. Sau này, anh còn làm tôi  nhiều lần xúc động và cảm phục hơn thế nữa. Và cũng phải một thời gian sau, tôi mới được biết thêm rằng: bố mẹ anh, chị ruột và em gái anh, đều bị nạn đói khủng khiếp năm 1945 giết chết cả. Một bà cụ tốt bụng đã mang anh về nuôi. Khi ấy, anh chưa đầy bốn tuổi.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com