hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1219.htm

Dương Duy Ngữ

Thủy tiên

Mấy năm gần đây, vào những ngày áp Tết Nguyên đán, quãng từ hăm ba tháng Chạp trở đi người ta bày bán thủy tiên ở ngã năm Hàng Lược, Lương Văn Can, Hàng Mã nhiều lắm. Củ nào củ nấy đều đã nầy lộc, đâm nụ xanh mỡ và tua tủa bộ rễ trắng tựa rễ hành tươi. Kẻ bán, người mua mời chào, hỏi han tíu tít. Củ nào người bán cũng bảo đến Tết sẽ hoa đẹp lắm, thơm lắm! Còn kẻ mua thì phần đông xem ra còn rất mù mờ, bỡ ngỡ về  thủy tiên. Lại có kẻ cậy giầu, cậy sang tỏ vẻ biết chơi hoa quý phái này hơn người, vung cả bạc trăm ra mua vài ba củ, bất luận đến Tết nó có nở hoa như người bán quảng cáo không. Mà cái khái niệm đến Tết của người mình cũng thật ẫm ờ. Cái gì phải chờ đợi, hy vọng người ta chả bảo là đến Tết! Nhưng để  thủy tiên nở hoa đúng vào sớm mồng một Tết âm lịch thì thật chẳng dễ chút nào, nếu như không có sự tác động của trí tuệ tình cảm của con người.

Quãng cuối thập kỷ sáu mươi, giặc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại thủ đô Hà Nội rất ác liệt. Lúc đó tôi là một khẩu đội trưởng pháo cao xạ. Trận địa pháo chúng tôi đặt ở bãi Nghĩa Dũng phía ngoài đê sông Hồng. Trong khẩu đội tôi có cậu Tuấn pháo thủ số một, sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Mã. Có nghĩa, anh là người Hà Nội gốc. Tổ phụ anh sinh cơ lập nghiệp ở đất Kẻ Chợ đến anh đã là đời thứ tư. Thảng hoặc vào những ngày Mỹ tạm dừng ném bom từ vĩ tuyến 18 trở ra, chúng tôi thay nhau kéo tới nhà anh chơi một vài tiếng đồng hồ. Khi anh chuyển vào chiến trường Tây Nguyên, chúng tôi vẫn giữ lệ cũ. Anh em tôi đã trở thành người thân của gia đình. Lúc bấy giờ, em gái Tuấn còn nhỏ đi sơ tán theo cơ quan mẹ mãi tận Phú Thọ. Còn bố ở Công an Vũ trang rất ít khi có dịp qua nhà. Do vậy ở Hàng Mã chỉ có bà nội và chị gái Tuấn thôi. Bà nội xưa kia bán hàng mã. Thời buổi chiến tranh chẳng ai đốt mã, bà buôn bán lặt vặt kiếm sống. Còn chị Tú làm ở Ty Thương nghiệp thành phố.

Phòng khách ở ngay tầng trệt kê chiếc bàn tròn và dăm sáu chiếc ghế đẩu đơn sơ. Trên tường quét ve xanh treo lịch bóc hàng ngày và bộ tranh tứ bình lồng trong khung kính toàn các cô gái đẹp, tóc quấn đuôi gà, váy trùm gót, áo tứ thân, đứng gảy đàn, thổi sáo... Lần nào bọn tôi tới thăm, chị Tú cũng mang kẹo cà phê Hải Châu có ba lớp giấy hoặc cam Vinh, hồng ngâm ra đãi. Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên những ngón tay búp măng tuyệt đẹp của chị gọt hồng, bổ cam. Chị bổ cam khéo lắm. Những múi cam không bị dập chảy nước, được tách vỏ ở hai đầu. Cái mũi dao nhọn trong tay chị cứ thoăn thoắt tách vỏ, tách hột cam. Chúng tôi nhìn chị bổ cam đã cảm thấy nước miếng ứa ngập chân răng.

Lần ấy, tôi chân thành và vụng về khen đôi bàn tay đẹp và khéo của chị. Chị chỉ khẽ mỉm cười chứ không thèm ngước mắt nhìn người khen mình. Tôi xấu hổ đến nóng mặt và chợt nhận ra chị cao sang và có phần ngạo mạn. Hẳn tai chị đã quen nghe người ta khen nhiều rồi. Người chân thực có, kẻ nịnh nọt cũng nhiều. Người xinh đẹp, đoan trang như chị thiếu gì lời khen, lời nịnh. Khi đã quen thân với chị, tôi càng thấy cảm giác này thật đúng. Nhiều chàng trai cùng phố, nhiều bạn học đã từng ngước mắt lên tầng hai, nơi có kê chiếc bàn làm việc của chị, nơi có một tủ sách văn học phong phú để ngưỡng vọng cô gái kiêu sa ấy.

Bà nội chị tặc lưỡi, bảo:

- Các cháu đừng có khen mà nó phổng mũi lên. Nó sinh kiêu ngạo là không lấy nổi chồng đâu. Tay nó còn lâu mới khéo bằng tay ông Câm nhé. Và như chợt nhớ ra điều gì, bà nội quay mặt sang phía chị hỏi: - Mà sao tầm này vẫn chưa thấy ông Câm mang thủy tiên đến nhỉ? Mai đi làm về, con tranh thủ đạp xe xuống nhà ông xem. Ông ấy có bao giờ sai hẹn đâu. Hay lại ốm đau, bệnh tật gì? Bà cứ lo năm nay nhà mình đón xuân không có hoa  thủy tiên, các cụ về quở.

Chúng tôi chả có một chút khái niệm gì về hoa  thủy tiên. Và cũng không quan tâm tìm hiểu xem hoa thủy tiên quan trọng đến mức nào với ngày đầu năm mới của những gia đình trí giả ở Hà Thành. Tôi nghĩ bụng: "Phú quý sinh lễ nghĩa. Thời buổi chiến tranh mà người Hà Nội vẫn sống cầu kỳ quá". Lúc ấy, tuổi còn ít, đời sống chưa trải, kiến thức ít ỏi nông cạn, tôi làm sao hiểu nổi thế nào là văn hóa, là bản sắc dân tộc là truyền thống tinh tế của ông cha.

Rồi như chả để ý đến mấy anh chàng pháo thủ ăn no vác nặng chúng tôi, bà cụ thì thầm, không hiểu bà nói với chính mình hay nói với cô cháu gái rượu, hay vì tuổi già thường cô đơn chỉ thích đông người để nói chuyện.

- Cụ cố nội nhà này ngày xưa là nhà nho yêu nước đấy. Cụ có chân trong Hội Đông Kinh Nghĩa Thục kia mà. Tôi về làm dâu cụ đã thấy cụ bày hoa thủy tiên trước bàn để đón xuân. Cụ thường bảo: "Ngày Tết có thủy tiên nở trong nhà thì con cháu gặp may mắn, không sợ tà khí..." cho nên tết nào nhà này cũng có hoa thủy tiên. Cành đào, cành quất có thể thiếu. Tôi nói có thể thôi đấy nhé. Nhưng giò thủy tiên và chậu cúc thì không thể thiếu. Nếu cụ khỏe, tự tay cụ ươm cúc. Cắt ngọn, tạo dáng thủy tiên. Con dao cau sắc lẹm trong tay, có hôm cụ ngắm nghía, nghĩ ngợi trước củ thủy tiên cả giờ đồng hồ chỉ để chích tỉa có một mũi dao và một điểm nào đó đủ kích thích nó đơm nụ nở hoa vào đúng ngày mồng một Tết. Đã không có thủy tiên thì thôi chứ có thì phải cắt gọt thế nào đó để hoa nở đúng ngày đầu xuân mới tài. Còn nở trước Tết, sau Tết là bỏ đi rồi. Đến chiều ngày mồng một nó mới nở cũng hỏng rồi. Cho nên có phải ai cũng đón xuân bằng hoa thủy tiên được đâu. Chỉ tiếc nhà này chả ai chịu để tâm học cụ. Từ ngày cụ cố yếu chân, yếu tay thì cúc phải đi mua, thủy tiên phải đi thuê người ta đến nhà cắt tỉa. Mà cũng không được mấy người cắt tỉa, tạo dáng thủy tiên hợp ý cụ. Cụ cứ chăm chăm ngồi bên cạnh hướng dẫn người ta. Nhưng cả cụ cố và những người chăm thủy tiên giúp cụ chả ai khéo tay, tài hoa được như ông Câm đâu nhé. Cái bàn tay ông Câm khéo quá là khéo, tài quá là tài. Ông ấy tỉa tót, vỗ về thủy tiên thế nào đó mà mươi mười lăm năm nay, cứ tiếng trống sang canh chấm dứt là nụ hoa bật nở. Mùi hương thủy tiên dịu dàng, tinh khiết lắm. Bông nào cũng đủ năm cánh hoa trắng muốt đều đặn tỏa về các hướng. Cụ cố nhà này bảo hoa thủy tiên có đủ âm dương ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Còn cụ cố nhà ông Câm thì ví von năm cánh hoa thủy tiên như năm cửa ô của thành Hà Nội. Dương sao, âm vậy, lúc sang xuân hoa thủy tiên xòe rộng tức là lúc cả năm cửa ô đều mở cửa đón khách. Bà nhoẻn cười phô hai hàng lợi không còn một chiếc răng. Trông nụ cười của bà thật hồn nhiên và con trẻ. Bà bảo: Các cụ có chữ có hơn. Lúc đón xuân, các cụ pha ấm trà ngon, mở hộp mứt ngũ vị, rót ly rượu cẩm, ngồi nhâm nhi ngắm thủy tiên nở hoa, nghĩ được nhiều điều hay lắm. Lúc ấy, tôi còn ít tuổi, được các cụ sai vặt, khi lấy cái đóm, lúc tráng cái chuyên mà nghe lỏm được. ấy vậy mà nhập tâm đáo để.

Bà cụ dừng lời, chép miệng, thở dài, nhìn ra cửa như mong chờ sốt ruột lắm. Chị Tú bảo:

- Bà đừng có mong chú Câm nhiều. Nhỡ ra trên đường đi, chú ấy sơ ý để bánh xe đạp lọt vào đường tàu điện, ngã thì có phải tại bà không? Trưa mai con sẽ đạp xe xuống nhà chú ấy.

Bà bảo:

- ừ, sốt ruột thì có. Chứ bà có dám mong đâu. Bà cầm từng miếng cam đưa tận tay chúng tôi - Kìa, ăn hết đi các cháu. Chị nó bổ ra rồi không để lại được đâu. Còn thuốc lá thì chả ép. Cậu nào hút được cứ tự nhiên.

Thời ấy, vào những ngày cuối đông được ăn múi cam ngọt là quý lắm, hiếm lắm. Nhất là cánh pháo thủ nhà quê chúng tôi nhìn thấy quả cam đã khó, chứ đừng nói được ăn, được bàn tay khéo léo của chị Tú cắt từng miếng đều đặn, gọn gàng đầy hấp dẫn. Bây giờ thấy người ta bày bán ê hề các loại cam ở quầy hoa quả và trên xe thồ mới càng thấm thía cái thời bao cấp và chiến tranh khó khăn, cực nhọc, thiếu thốn đủ thứ. Tôi vẫn không quên, đơn vị phân cho chiếc kim khâu. Tôi đã bôi dầu pháo rồi bọc kỹ vào tờ giấy bạc lấy từ bao thuốc lá để mang về biếu mẹ. Mẹ tôi đã vui sướng như bắt được vàng kia mà!

Giữa lúc chúng tôi nháy mắt cho nhau chuẩn bị cáo lui thì ông Câm xuất hiện ở cửa. Đó là một người trạc ngoài bốn mươi tuổi, đeo kính trắng, râu quai nón cạo nhẵn còn để lại một vệt xanh mờ, mặc bộ vét tông mầu xám tro, cà vạt đỏ, đội mũ phớt đồng mầu với quần áo, chân đi giầy mõm ngóe đen bóng. Ông thận trọng khóa chiếc xe Pơ-giô rồi bước vào nhà, một tay ngả mũ, một tay đặt lên ngực, nghiêng người chào rất kiểu cách, điệu bộ.

Bà mừng rỡ reo lên:

- Có thế chứ! Tôi đã bảo ai chứ ông Câm không có sai hẹn đâu.

Chị Tú nhè nhẹ cười mỉm rồi vừa lấy thêm chiếc ghế đẩu mời ông Câm ngồi vừa nói theo thói quen. Hẳn chị thừa hiểu là ông không nghe được:

- Bà cháu đang mong chú!

Ông Câm chỉ cười, phô hàm răng trắng và đều. Lúc đầu, nghe bà kể chúng tôi cứ nghĩ ông tên Câm.

Bây giờ mới vỡ nhẽ ông bị câm lại điếc. Ông là con trai út một người bạn học với cụ cố nhà chị Tú.

Nhờ công phu dạy dỗ của cha nên ông Câm "đọc"  thông viết thạo được cả chữ nho và chữ quốc ngữ. Ông cũng được cha truyền dạy cách gọt tỉa thủy tiên sao cho hoa nở đúng mồng một Tết. Nhưng lại giỏi hơn cha mình ở chỗ, ông gọt tỉa chục củ thì cả chục nở hoa vào đúng lúc xuân sang. Thế mới khéo!

Bà nội chị Tú giang hay tay ra hiệu sao tận hôm nay ông Câm mới lên để bà chờ sốt cả ruột. Ông Câm cười gật gật đầu miệng ớ ớ ớ ớ. Ông giơ tay phải sẽ đặt mấy đầu ngón tay vào trán rồi rụt vội ra. Bà "dịch" cho mọi người:

- Ông Câm ra hiệu ông bị sốt cao đấy.

Ông Câm khum hai bàn tay vào nhau để lên miệng vừa thổi phù phù vừa húp rồi đưa hai tay ra sau lưng tựa như kéo cổ áo vòng qua đầu về phía trước sau lại kéo khăn tay quệt lên trán, miệng ớ ớ ớ ớ diễn giải. Tiếp đó hai tay ông xòe ra ép sát vào mặt bàn uống nước rồi xòe rộng cả mười ngón giơ lên trước mặt. Chúng tôi chăm chăm nhìn từng động tác của ông nhưng chẳng hiểu thế nào? Chị Tú mủm mỉm cười, hỏi:

- Các anh có hiểu chú Câm "nói" gì không?

Chúng tôi đều lắc đầu. Bà nội "dịch":

- Ông ấy bảo bị sốt cao, sờ tay vào trán phải rụt vội ra. Vợ ông cho bát cháo nóng vừa thổi vừa húp. Ăn xong, trùm chăn kín đầu, mồ hôi vã ướt đầm. Ông khỏi sốt nhưng phải nằm bẹp mười ngày.

Ông Câm chăm chăm nhìn vào miệng bà, gật gật đầu tán thưởng. Bà nội chỉ cô gái thổi sáo trong tranh, chỉ vào ông Câm bảo:

- Vợ ông Câm cũng đẹp như cô gái ấy.

Ông Câm đứng phắt dậy, xua xua tay, lắc đầu lia lịa, miệng ơ ớ ơ ớ rõ to, chúng tôi cười ầm lên. Bà "dịch":

- Ông ấy chối đấy. Giời Phật thương tình kén cho ông ấy cô vợ vừa đảm vừa xinh. Ông Câm được hai cậu con. Cậu nào cũng đẹp trai học giỏi. Một cậu thi đỗ vào Đại học Tổng hợp thì đi bộ đội. Còn một cậu đang học trường Tài chính.

Bà viết viết vào không trung ra hiệu xem ông Câm có nhận được thư của cậu cả ở chiến trường không? Ông Câm gật gật đầu, đứng dậy nhìn ngó xung quanh rồi bóc tờ lịch lấy cây bút Hồng Hà cũ cài trong túi áo vét tông, viết. Mọi người đều dồn mắt theo ngòi bút của ông. Con ông chiến đấu ở Quảng Trị, ác liệt lắm, vợ ông thương con, đêm nào cũng dấm dứt khóc thầm. Dạo này mất ngủ, xanh và gầy đi nhiều so với hồi đầu năm. Ông thương lắm, lo lắm. Bà ra hiệu cảm thông và bảo ông phải động viên vợ phải kiên gan. Trai thời loạn. Cái thằng Tuấn nhà này còn chả có thư từ gì kia.

Ông Câm gật gật đầu. Đã mấy lần chúng tôi đánh mắt cho nhau định xin phép bà và chị Tú ra về nhưng thấy câu chuyện lôi cuốn quá nên không dám cắt ngang. Bà ra hiệu hỏi ông Câm thủy tiên. Ông Câm cười. Dường như người câm điếc rất hay cười và nụ cười của họ thật tươi, thật hồn nhiên. Ông Câm đứng dậy lấy chiếc túi xách vẫn treo ở ghi đông xe đạp mà khi dựng xe, ông đã có ý để ló cái tay lái trước khuôn cửa ra vào. Ông Câm thò tay vào chiếc túi xách giả da mầu đen lấy một chiếc bát thủy tinh pha lê trong suốt to như chiếc bát canh nhưng miệng bó lại, đáy phồng ra từa tựa quả bầu be được bọc trong mấy lần giấy báo và một củ gì đó to như củ hành tây, củ và rễ trắng muốt, lá to bản như lá tỏi, xanh mỡ và mềm mại, nụ hệt nụ hành hoa. Chị Tú vội đứng dậy múc nước lạnh đổ vào bát thủy tinh pha lê. Ông Câm se sẽ đặt củ "hành tây" vào. Sau đó, tôi mới biết củ "hành tây" này chính là thủy tiên mà bà nội chị Tú đang mong đợi.

Thủy tiên hiểu theo cách đơn giản và thô thiển là một loại cây thuộc họ tóc tiên sống trong nước. Bình càng trong, nước càng trong thủy tiên càng đẹp.

Ngày xưa các cụ nhà mình chơi hoa ghét nhất bộ rễ. Bởi rễ là phần kín đáo nhất, âm thầm nhất của cây hoa. Thế mà nó lại phô phang trước mắt các vị hiền nhân, quân tử, các nhà trí giả thì còn ra thể thống gì nữa! Riêng rễ thủy tiên lại khác. Nhờ bộ rễ này mà người ta đã tạo được dáng hình các vị tiên ông, tiên nữ, tiên sa... trong chậu pha lê trong suốt. Theo yêu cầu một số người tây học, ông Câm còn tạo được cả dáng nữ hoàng, dáng tiểu thư quý tộc châu Âu, với bộ váy áo năm tầng bảy tầng kia. Cái chậu thủy tiên trước mặt chúng tôi đây như có phép mầu. Lúc ông Câm đặt thủy tiên vào chỉ thấy chùm rễ trắng xóa ra trong nước, chứ chẳng có hình dáng gì cả. Vậy mà ông chỉ cầm vào thân cây khoa nhẹ vài lần trong chậu nước nó thoắt biến thành cô tiên sa, lưng ong thắt đáy, xiêm y trắng muốt, lộng lẫy bay tha thướt lung linh. Cánh lính tráng chúng tôi cứ tròn mắt ra nhìn. Lạ quá!... Đẹp quá! Suốt ngày chúng tôi quen với bom đạn, sắt thép có biết thế nào về cái thú chơi hoa của người Hà Nội. Bà và chị Tú có vẻ hài lòng lắm. Phần nhiều những câu chuyện cổ tích của người châu á chúng ta khi con người tốt gặp khó khăn, hoạn nạn, tưởng chừng không còn lối thoát thì tiên hoặc Bụt xuất hiện. Vậy tiên là điềm lành, tiên giải thoát cho con người. Tiên trấn giữ, xua đuổi ma quỷ, tà khí. Do đó, lúc giao thừa, trước bàn thờ ông vải mà có tiên hiện ra thì còn gì may mắn, phúc đức hơn.

Bà bảo:

- Từ ngày thằng giặc Mỹ đánh bom Hà Nội, bà cứ phải chạy loạn tứ tung. Thoạt đầu về quê nội ở cuối huyện Thường Tín. Máy bay Mỹ ném bom cầu Rẽ, chỉ cách làng vài cây số. Sợ quá, bà bỏ quê nội chạy ngược lên Phú Thọ, nơi cơ quan con dâu sơ tán. Nhưng ở trên ấy xa quá lại toàn núi với rừng, cứ như bị cầm tù. Bà lại bỏ, chạy sang bên kia sông Cái, chỗ cơ quan cái Tú sơ tán. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào tầm áp Tết âm lịch là bà lần về Hà Nội. Bà có nhiệm vụ thay nước cho thủy tiên hàng ngày. Còn ông Câm mỗi ngày một lần, đạp xe tới nhà này. Ông ấy ngồi hàng giờ  trước chậu thủy tiên với một ấm trà ngon, một bao thuốc Điện Biên bao bạc. Ông nghiêng ngó, ngắm nghía, nghĩ ngợi, châm thuốc lại dụi thuốc, chán chê mới mang củ thủy tiên trong chậu ra trích bớt vài cái rễ hoặc tách bỏ một lớp bẹ ở củ. Cũng có hôm chỉ xếp lại mấy cái rễ sao cho dáng nó thật tự nhiên, thật tha thướt vần điệu như cô tiên sa trong cái chậu này. Các cháu thấy có đẹp không? Để có cô tiên đẹp thế này, ông Câm phải tốn nhiều công sức lắm. Ông ấy làm nghề cắt tóc. Tháng áp Tết là tháng kiếm ra tiền. Nhưng một khi ông ấy đã cuốn vào sự say mê thủy tiên thì... dĩ nhiên ông Câm chẳng bao giờ lấy tiền của nhà này. Bà ngừng lời, nhìn ông Câm rất tế nhị. Ông Câm cũng chăm chú nhìn miệng bà, gật gật đầu.

Chị Tú, không muốn để ông Câm nhìn miệng, quay mặt đi nói nhỏ:

- Chú Câm thông minh lắm đấy. Chỉ nhìn miệng mà chú ấy biết bà nói gì. Tuy vậy, sớm mồng một Tết chú Câm lên lễ các cụ, bà lại mở hàng xứng đáng với công sức của chú.

Bà nói tiếp:

- Vài năm nay, giặc Mỹ quấy nhiễu Hà Nội nhiều quá, ông Câm cũng cải tiến kỹ thuật. Ông ấy ươm, tạo dáng thủy tiên ở nhà mình, gần được mới mang cho. Dẫu vậy, vẫn phải mang trước Tết chí ít mười hôm để thủy tiên hợp thổ trạch. Bởi âm khí, dương khí mỗi nhà một khác. Có nhà còn bị tà khí kia. Người như bà cháu mình chả biết được đâu. Nhưng ông Câm nhìn vào thủy tiên là ông ấy biết. Âm khí thì ông ấy yểm bằng mấy mũi dao trích vào phần củ thủy tiên theo kiểu bát quái: cung Đoài, cung Ly, cung Thốn... Còn khí âm vượng thì ông ấy trích rễ, khí dương vượng thì gọt củ... có như vậy hoa mới tươi lâu, lá không bị khô đầu. Thủy tiên mà lá bị rơm đầu, coi như hỏng. Tôi tò mò hỏi:

- Bà bảo chú Câm xem, ngoài các việc tạo dáng, cắt tỉa... có còn phải làm gì nữa không?

Tôi nói tới đâu, bà ra hiệu tới đó, chú Câm hết nhìn miệng lại nhìn tay bà: chú gật gật đầu miệng ớ ớ ớ ớ. Chú nhoẻn cười chỉ vào bình thủy tiên, chỉ vào chị Tú. Chị Tú nhạy cảm đoán biết chú Câm định "nói" gì. Chị nhẹ nhàng cười mỉm, mặt đỏ rân đỏ rả đến tận chân tóc. Chị xua xua tay. Nhưng chú Câm vẫn tiếp tục các động tác của mình. Bà phá lên cười, nước mắt chảy giàn giụa. Bà vừa lấy khăn tay thấm nước mắt vừa bảo:

- Cái ông này đáo để chưa? Các cậu có biết ông ấy bảo gì không? Ông ấy bảo thủy tiên, tức là cái cô tiên sa trong chậu nước này cũng như cái Tú rất thích vuốt ve, vỗ về. Chị Tú đỏ mặt, nói:

- Bà đừng "dịch" cho các anh ấy nữa.

Bà bảo:

- Cứ để bà "dịch" cho các cậu ấy. Ông Câm, còn bảo chỉ vuốt ve, vỗ về thì con gái dễ sinh nhờn. Thỉnh thoảng phải ra uy, trích một mũi dao vào thân, vào rễ cho nó sợ.

Chị Tú mỉm cười, dứ dứ nắm tay, bảo:

- Nhà chú này.

Ông Câm đắc ý cười giòn giã. Thấy chúng tôi hào hứng, ông Câm chỉ vào tai mình, chỉ vào củ thủy tiên khua một vòng tròn trước mặt...

Bà "dịch":

- Ông ấy bảo ông có tai nhưng không nghe được. Còn cây thủy tiên không có tai nhưng mình nói gì nó nghe được hết đấy. Cho nên nó mới chiều ý mình nở hoa vào đúng lúc sang canh.

Từ đó, tôi không có dịp qua ngôi nhà một thời thân thiết với chúng tôi ở phố Hàng Mã, bởi giờ đây không còn ai quen biết chúng tôi. Bà nội chị Tú đã ra người thiên cổ. Chị Tú theo chồng chuyển vào công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuấn chuyển ngành và lấy vợ ở hẳn trong Quy Nhơn, quê ngoại của mẹ anh. Do vậy ngôi nhà ấy chỉ còn bố mẹ Tuấn và vợ chồng cô em gái mà tôi chưa một lần giáp mặt. Chẳng hiểu họ còn giữ được truyền thống đón xuân với bình thủy tiên trừ tịch thoang thoảng hương thơm thanh tao và quý phái nữa không?

Còn chú Câm? Trong đận mười hai ngày đêm tháng Chạp năm 1972 chú đưa cô con dâu trưởng trở dạ đi bệnh viện Bạch Mai đã bị dính mảnh bom B52 chết trước khi nhìn thấy thằng cháu đích tôn chào đời. Người ta cứ tấm tắc khen chú thương con dâu và đảm đang quá. Hẳn chú vừa ở chợ về đến cổng ngõ nhà mình thì đưa luôn con dâu đi đẻ nên trong túi xách vẫn còn vài củ "hành tây".


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com