Lúc ấy đã hơn chín giờ, tôi sắp sửa đi gặp một bạn viết để bàn với ông ta sửa chữa tập bản thảo mà theo ý tôi, nếu cắt xén một số đoạn, thay đi cái kết có thì thể in được. Hôm qua tôi đã gọi dây nói hẹn ông ta.
Nhưng tôi chưa kịp đi thì sếp Hưởng của tôi bước vào. Sếp hỏi:
- Có cái nào kha khá không? Mấy vị "phôn" tới đòi.
Tôi đáp:
- Có một cái viết được, chỉ ngặt khô quá, đọc rất mệt.
Sếp không nói gì, vẻ phân vân, nghĩ ngợi. Tôi tiếp:
- Những cái khác vài trăm trang, tôi chỉ đọc hai ngày là xong.
Còn cái này tôi phải quần mất đúng một tuần lễ, văn chương khô không khốc, nhưng càng đọc càng thấy tiếc. Tác giả mới, viết còn đầy lỗi chính tả, bù lại, có nhiều chi tiết hay. Người không lặn lội nhiều năm nơi chiến trận, không thể viết thật như thế được.
Mắt sáng lên, sếp phán:
- Nếu là tác giả mới, ta cố lăng-xê thử xem, biết đâu!... Mời cậu lên phòng mình uống nước, cùng trao đổi với bà Huyên.
- Huyên nào ạ?
- Huyên "đầu nậu" sách. Cậu mới về, chưa gặp bà ấy nhỉ? Hạng mạnh đấy. Đường dây của bà Huyên xuyên suốt từ Bắc chí Nam.
Tôi theo sếp lên gác hai để gặp khách. Cảm giác đầu tiên đến với tôi là Huyên đẹp - một vẻ đẹp dịu dàng, phúc hậu. Da trắng hồng, mịn màng (tôi không biết là Huyên thoa phấn), cặp mắt đen, dài, sâu thẳm, rất gây ấn tượng. Tôi nghiệm ra những người đàn bà có cặp mắt như thế thường đa tình và gặp lắm chuyện éo le, ngang trái trên bước đường đời. Sự bất hạnh là bạn đồng hành của họ.
Nghe sếp giới thiệu xong, Huyên vẫn tỏ vẻ dửng dưng, hờ hững.
- Chị còn giữ mấy tập bản thảo của chúng tôi.
- Nếu chị chưa ưng thì để người khác. Cô Nguyệt, cậu Thụy đã mấy lần đến thúc.
Huyên nhỏ nhẹ đáp:
- Cô Nguyệt, cậu Thụy, cô Luyện, cô Trăng đi sục bản thảo là cốt tìm cái ăn khách, chứ in sách mà lời ít thì chẳng đời nào họ chịu dốc vốn ra. Chả thế mà cô Nguyệt phất nhanh vậy.
Nghe Huyên nói, tôi càng hiểu rõ hơn. Cánh biên tập chúng tôi luôn được hỏi về bản thảo. Khi mấy vị "đầu nậu" nhận về, họ găm lại đấy cốt để khỏi lọt vào tay người khác, nhằm giữ độc quyền. Họ chỉ in những cuốn sách bán chạy và chắc chắn không bị cấm. Họ ham in của các cây bút trẻ hơn mấy ông nhà văn già. Những nhà văn già, theo ý họ, xét cho cùng bạn đọc hiểu quá rõ rồi, tinh hoa đã phát tiết hết, nên sách mấy ông viết rất khó bán. Cánh viết trẻ còn là điều bí mật đối với bạn đọc, thường gây ra lắm chuyện bất ngờ.
Tôi bảo Huyên:
- Hiện có hai tập bản thảo theo ý tôi là in được. Hai tác giả đều mới, chưa có tên tuổi gì. Một người ở Hà Nội, đang đợi tôi tới gặp.
Huyên lưỡng lự, phân vân:
- Thú thật với hai anh, bây giờ tôi mệt mỏi lắm rồi, muốn nghỉ hẳn. Tôi đang trao dần việc làm ăn cho cô bạn thân đã cộng sự lâu với tôi, cũng "hoàn cảnh" lắm. Thôi được, anh Phán cứ đưa cả hai cái cho tôi, sáng mai tôi trở lại, rồi anh trao đổi với tác giả sau.
Hưởng cũng đồng tình:
- Có lẽ nên thế, Phán ạ. Cậu lấy bản thảo đưa chị Huyên nhé.
Tôi hiểu là sếp đã kết thúc cuộc trò chuyện. Tôi đứng dậy đưa Huyên xuống phòng làm việc của tôi.
Khi cầm tới cuốn bản thảo khô không khốc kia, tay Huyên như phải bỏng, mặt bỗng nhợt đi. Có lẽ phải mất hàng phút Huyên mới trấn tĩnh lại được. Huyên lật rất nhanh những trang chữ viết tay, rồi dừng lâu ở trang cuối cùng có ghi địa chỉ tác giả.
Huyên hỏi:
- Anh đã gặp Đan Huyền, tức Nguyễn Đăng Dần lần nào chưa?
- Chưa.
- Anh có biết gì thêm về anh Đàn không?
- Không.
- Vậy ai đưa bản thảo lên đây giúp anh ấy?
- Một cháu gái tên La, học sinh Trường đại học Bách khoa.
Huyên nghe tôi nói và tỏ ra đặc biệt quan tâm. Bỏ bản thảo vào túi xách may bằng vải giả da, Huyên hẹn tôi:
- Tám giờ sáng mai tôi sẽ quay lại ta làm việc với nhau ít phút anh nhé. Xin anh đừng đi đâu.
Huyên ra khỏi nhà xuất bản, ngồi lên chiếc xích lô đã đợi sẵn.
Huyên lẫn vào dòng người dòng xe chảy nườm nượp về phía trung tâm thành phố.
Hôm sau, Huyên đến rất đúng hẹn. Chào hỏi nhau xong, Huyên đề nghị:
- Anh dành cho tôi khoảng một tiếng đồng hồ nhé.
- Vâng.
- Mời anh đi với tôi. ở đây người ra kẻ vào nhiều...
Tôi hiểu và đồng ý đi với Huyên. Tới cửa nhà xuất bản, tôi thấy chiếc xích lô hôm qua vẫn chờ ở đó, bởi người đạp xích lô già nua có bộ râu trông như râu ngô, rất khó lẫn.
- Mời anh lên xe.
Tôi ngồi một bên và Huyên ngồi bên cạnh. Chiếc xích lô lăn bánh. Người đạp xe hình như đã được Huyên dặn trước, bởi tôi thấy Huyên không nói gì với ông ta. Chiếc xích lô trông bình thường thôi, nhưng chỗ ngồi là đệm bọc da giả nên rất êm. Nếu ngồi một mình thì quả thật thoải mái dễ chịu.
Đến đầu ngõ nhỏ ở phố Huế, xe dừng lại. Huyên bước xuống và dẫn tôi vào một nhà hàng nhỏ, nom sạch sẽ, đang đông khách. Tôi chợt nghĩ, chỗ này ồn ào, xô bồ thế thì bàn bạc cái khỉ gì, Huyên nói nhỏ với bà chủ hàng rồi dẫn tôi lên gác hai. ở đây là một căn phòng sang trọng, có gắn máy điều hòa nhiệt độ và kê tủ lạnh Nhật Bản. Giữa phòng là chiếc bàn tròn kiểu Trung Quốc, loại bàn quay. Xung quanh bàn có mấy chiếc ghế tựa bọc da đỏ.
Huyên ngồi đối mặt với tôi qua chiếc bàn, điềm đạm nói:
- Coi như bước đầu ta đã hiểu nhau, tôi muốn được anh thật lòng giúp đỡ.
Tôi mỉm cười gật đầu.
Một cháu gái chừng mười lăm tuổi bước vào, đặt lên bàn bát tim lợn hầm với hạt sen và hành tươi. Rồi cháu mở tủ lạnh lấy bốn hộp bia Heineken đặt trước mặt tôi.
Huyên dường như không chú ý tới cháu, vẫn nói:
- Tôi đọc xong là đến anh ngay, nên chưa kịp ăn gì. Tôi mời anh cùng ăn sáng và ta trao đổi với nhau.
Tôi yên lặng. Cháu gái đã đặt đủ bát đĩa, diêm thuốc. Huyên bóc bao Capstan mời tôi rồi bật nắp bia, rót đầy hai cốc.
- Nào, xin chúc sức khỏe anh.
Hai chiếc cốc chạm nhau đánh "cách". Tôi xướng:
- Trăm phần trăm nhé!
Huyên cười chúm chím:
- Xin anh cho lai rai. Chiếu cố phụ nữ chứ.
Tôi vừa đặt cốc xuống bàn. Huyên lại rót đầy. Huyên cầm thìa múc mấy miếng tim vào bát của tôi, bàn tay gầy trắng xanh.
- Anh ăn đi cho nóng
Rồi Huyên vào chuyện:
- Tôi đã đọc cả hai cuốn rồi. Cuốn của anh Đàn rất đáng chú ý, tôi muốn được in càng sớm càng tốt, vì đây có thể là cuốn sách cuối cùng của tôi trực tiếp làm từ A đến Z. Về nội dung, theo tôi là ổn, nhưng văn chương chưa được, phải sửa chữa nhiều, có chỗ phải viết lại anh Phán ạ. Anh đã đọc kỹ, chắc anh cũng thấy thế?
Tôi rít một hơi thuốc và khẽ gật đầu.
- Việc văn chương, tôi trông cậy ở anh. Anh đảm đương việc này nhé. Rất vất vả đấy, xin anh cố gắng. Một tuần liệu có xong không anh?
Tôi lại khẽ gật đầu. Huyên giao hẹn:
- Xong lúc nào, anh gọi điện thoại ngay cho tôi, nếu tôi vắng nhà, anh cứ dặn ai đó nghe máy. Tôi sẽ cho đánh máy lại rồi cùng anh Hưởng đi xin giấy phép. Trong khi đó, anh xuống Quảng Ninh gặp Đàn, đưa cho tác giả tiền tạm ứng và anh viết ít dòng giới thiệu để in vào bìa bốn cùng với ảnh tác giả. Tất cả mọi phí tổn tính vào giá thành cuốn sách, anh đừng ngại.
Tôi hơi phật ý. Lẽ nào Huyên dám coi tôi như tay chân để chị ta sai phái. Tôi cố giữ vẻ mặt bình thản nghe Huyên nói tiếp:
- Tôi sẽ in ở Sài Gòn, in thật đẹp, nhất là cái bìa.
Nghe vậy, tôi bật hỏi:
- Chị định in bao nhiêu bản?
- Mười nghìn.
Tôi cứ ngỡ mình nghe nhầm. Sách ốc bây giờ, các nhà xuất bản chỉ in số lượng từ năm trăm tới một nghìn bản, họa hoằn lắm mới có cuốn in được nghìn rưỡi. Đằng này...
- Chị nói nghiêm chỉnh đấy chứ?
Huyên như nhìn thấu ruột gan tôi, nên mỉm cười đáp:
- Tôi có thói quen ít biết nói đùa.
Thấy tôi vẫn chưa hết nghi ngờ, Huyên tiếp:
- Tôi sẽ phát hành hết veo, anh khỏi lo. Đất nước hơn bảy chục triệu dân, tiêu thụ mười nghìn cuốn sách có gì đáng ngại. Tôi sẽ hợp sức với bà Đỗ trong Sài Gòn, phát hành ở tất cả các tỉnh phía Nam. Ngay khi còn làm công ty dịch vụ văn hóa tổng hợp quận, bà đã rất mạnh, huống gì bây giờ lên quốc doanh phát hành sách thành phố. Mạng lưới của bà rất đáng tin cậy, nên giao sách vào tay bà là yên chí.
ăn uống xong, tôi chuếch choáng say. Huyên trao bản thảo cho tôi rồi mời tôi lên xích lô. Ông già đạp xe lặng lẽ chở tôi đến cổng nhà xuất bản.
Tôi vào phòng riêng, khép cửa lại rồi giơ tập bản thảo của Đàn lật qua chứ chưa có ý định làm việc lúc này. Kẹp trong bản thảo một phong bì dán kín đề tên tôi. Tôi bóc ra xem, thấy hai chục tờ mười nghìn và mảnh giấy ghi mấy chữ: "Xin gửi ít tiền để anh bồi dưỡng lấy sức làm việc, mong anh vui lòng". Tôi hơi phân vân, rồi từ phân vân chuyển sang sung sướng. Hai trăm nghìn đồng tôi sẽ đem về quê cho vợ đong tạ gạo nuôi lũ trẻ. ở nhà quê làm ra tạ gạo mất nhiều công sức lắm.
Sau ba ngày, tôi hoàn tất công việc. Tám giờ tối, tôi gọi dây nói cho Huyên. Huyên dặn nửa giờ nữa, Huyên sẽ có mặt ở chỗ tôi.
Đúng tám giờ rưỡi Huyên gõ cửa phòng. Tôi mời Huyên vào, định pha trà nhưng Huyên phẩy tay.
- Thôi, anh pha trà làm gì nếu chỉ vì tiếp tôi. Anh cho tôi bản thảo để đêm nay họ đánh máy, sáng mai kịp đưa xin giấy phép.
Tôi ngạc nhiên:
- Làm sao trong một đêm đánh xong hai trăm trang?
Huyên cười nửa miệng:
- Hai nghìn trang cũng xong anh ạ. Chỉ cần mỗi người đảm nhiệm năm chục trang. Anh yên tâm chưa?
Tôi mở tủ, lấy bản thảo trao cho Huyên. Huyên bình thản nhận, cất vào chiếc túi giả da rồi bảo tôi:
- Sớm mai anh đi Quảng Ninh được chứ?
- Tôi còn phải báo cáo với sếp đã.
Huyên cười thoải mái:
- Tôi đã bàn với anh Hưởng rồi, anh cứ việc đi. Giấy công lệnh của anh đây, sếp Hưởng đã ký.
Tôi lại tròn mắt ngạc nhiên. Huyên phớt lờ, rút trong túi xách ra mấy xếp tiền, toàn loại giấy bạc mười nghìn đồng, đặt trước mặt tôi:
- Đây là triệu đồng của nhà xuất bản tạm ứng cho tác giả. Chỗ này là ba trăm nghìn để anh chi tiền tàu xe và tiêu vặt.
Tôi nói lấy lệ:
- Sao chị đưa nhiều thế?
- Nhiều nhặn gì mà anh băn khoăn.
Mọi việc diễn ra có lẽ chưa tới mười phút.
Huyên đã đứng dậy cáo lui. Tôi tiễn Huyên ra tận cổng, thấy chiếc xích lô quen thuộc vẫn đang chờ. Huyên vừa ngồi lên xe, đôi chân ông già đã chậm chạp guồng. Thấy tôi đứng nhìn theo Huyên khẽ vẫy.
Sáng hôm sau, tôi ra phố Nguyễn Công Trứ, ngồi ô-tô đi một lèo tới tận Cửa Ông. Có địa chỉ trong tay, tôi tìm Đàn không khó. Gặp tôi, Đàn rất cảm động. Đàn lắp bắp:
- Các anh tốt... tốt quá. Tôi thật không ngờ!
Tôi báo tin mừng về cuốn sách cho Đàn rồi nói:
- Nhà xuất bản tạm ứng cho anh một triệu đồng, khi sách in xong sẽ thanh toán sau.
Đàn ngơ ngác:
- Sao mấy ông nhà văn ở Cẩm Phả, Hòn Gai vẫn nói in sách bây giờ coi như "lõm", vì tiền nhuận bút không đủ mua sách biếu bạn bè?
Tôi đáp:
- Đúng vậy, anh là trường hợp ngoại lệ.
Đàn lúng túng, không biết nói gì, rồi ra cửa gọi to:
- Bèo ơi! Gọi mẹ mày về đây cho bố.
Lát sau vợ Đàn bước vào, Đàn giới thiệu:
- Bác Phán ở Nhà xuất bản Trung ương xuống thăm chúng mình.
Còn đây là cô Bọt, vợ tôi, đang làm công nhân xí nghiệp tuyển than.
Bọt thật trẻ, có lẽ chỉ trạc ba mươi tuổi. Tôi buột miệng hỏi:
- Vậy cháu gái học trường Bách khoa cầm bản thảo lên cho anh là thế nào?
- Cái La, con một ông bạn chiến đấu của tôi, sau này là anh vợ tôi. Bố cháu La nằm tại thành cổ Quảng Trị năm bảy hai, lúc cái La còn trong bụng mẹ.
Tôi lặng yên ngẫm nghĩ. Đàn bảo Bọt:
- Bác Phán cho một triệu đồng tiền tạm ứng in sách, mình cầm lấy. Chiều nay tôi với bác Phán vui vẻ với nhau.
Bọt cầm tiền, mặt tươi hơn hớn.
Đêm ấy, tôi ngồi lai rai với Đàn tới tận khuya. Uống rượu với sò huyết thật tuyệt. Qua trò chuyện, tôi biết sách của Đàn là tự truyện. Đàn thủ thỉ:
- Tôi chỉ viết một cuốn thôi anh Phán ạ. Viết để trình bày cuộc đời mình với thiên hạ. Chắc các anh biên tập phải sửa chữa nhiều, chứ không thì in sao được. Của tôi chỉ là bột, gột được nên hồ là công lao của các anh.
Tôi không dám lên tiếng thừa nhận sự thật đó. Nếu tôi không dồn sức vào đấy theo yêu cầu của Huyên, tập bản thảo chắc chắn bị loại. Tôi bèn lảng:
- Trong chuyện có nhân vật Hiền rất đáng yêu. Vậy Hiền là cô nào thế?
- Người yêu cũ của tôi. Sau khi nhận giấy báo tử, cô ấy để tang tôi hết ba năm mới đi lấy chồng. Nghe nói về đường chồng con cũng khổ lắm.
- Ngày chưa đi bộ đội. Đàn ở tận vùng mỏ Mạo Khê?
- Đúng vậy. Vợ tôi là cô ruột cháu La, sau khi lấy tôi mới được ông anh rể xin làm công nhân ngoài này. Mình đành cam phận trai theo vợ.
- Cô người yêu cũ biết anh ở ngoài ngày không?
- Cô ấy chưa về làng kể từ ngày đi lấy chồng nên chắc chưa biết tôi còn sống.
Sáng hôm sau lúc tôi tỉnh dậy, nhà cửa vắng tanh. Tôi đợi một lát, thấy Đàn tập tễnh bê về cái âu nhôm trắng. Đàn bị thương phải lắp chân giả. Cái áo bộ đội cũ, rộng thùng thình. Trông Đàn gầy guộc, giống như bộ khung xương mắc quần áo.
Cái âu nhôm đựng đầy bún và lòng lợn. Nể Đàn tôi ngồi ăn với anh bát bún với mấy miếng lòng chấm mắm tôm. Xong đâu đấy, tôi ngồi xe ôm lên bến xe Cẩm Phả.
Ba giờ chiều, tôi đã có mặt ở nhà xuất bản và quay số gọi dây nói cho Huyên. Nửa giờ sau, Huyên ngồi xích lô đến chỗ tôi. Huyên rủ tôi đi ăn ở cửa hàng hôm trước để tiện chuyện trò. Hai người ngồi với nhau suốt ba tiếng đồng hồ, tới lúc trời sẩm tối. Hầu như chỉ có tôi nói. Tôi kể Huyên nghe những gì tôi biết về Đàn. Cứ tôi vừa dừng lời thì Huyên lại hỏi câu khác. Mỗi lúc càng thêm nghi ngờ. Nếu chỉ là quan hệ công việc, không thể nào Huyên để tâm tới Đàn đến thế. Chẳng lẽ...
- Bản thảo "Đời lính" của Đan Huyền đưa in rồi anh Phán ạ. Mười ngày nữa sẽ có cách.
- Sao chị bảo in trong Sài Gòn?
Huyên cười:
- Chứ gì nữa. Sáng qua, anh đi Quảng Ninh thì tôi với anh Hưởng đến cục xuất bản lấy giấy phép. Cậu bạn tôi làm xong ngay. Vừa ra khỏi cục xuất bản, gặp ông Doãn đang ngồi xe lên sân bay. Tôi nhờ ông Doãn cầm giúp vào trong ấy. Sáng nay nhà in Tổng hợp phôn cho tôi, hẹn tuần sau cho người vào lấy sách và trả tiền.
Tôi bỗng kêu lên:
- Vậy còn ảnh tác giả và mấy lời giới thiệu của tôi?
- Sẽ gửi sau. Ngày nào tôi cũng có người vào đấy, anh khỏi lo.
Sáng hôm sau tôi về quê để đưa tiền cho vợ, không phải chỉ hai trăm nghìn mà là nửa triệu. Chưa bao giờ tôi đưa cho vợ được món tiền to thế. Sếp Hưởng cho phép tôi ở nhà mười ngày.
Vừa tới cơ quan, sếp đã bảo tôi:
- Bà Huyên đang sốt ruột sốt gan đợi chờ cậu.
- Sao vậy?
Hưởng rút trong cặp đưa tôi cuốn "Đời lính" vừa ra lò. Bìa in ốp-sét rất đẹp, được láng nilông trông bóng và sang. Vì in chữ điện tử chữ to nên sách dày tới hơn ba trăm trang, trông bề thế, chững chạc, giá bán mười hai nghìn đồng. Tôi xem phần xinhê, thấy ghi số lượng in một nghìn bản. Tôi hỏi Hưởng:
- Anh định trả tác giả mấy phần trăm?
- Sáu thôi - Hưởng thản nhiên đáp.
Tôi nhẩm tính, tổng số nhuận bút của Đàn chỉ được bảy trăm hai chục nghìn, vậy mà Huyên đã tạm ứng một triệu, chẳng lẽ bắt Đàn hoàn trả hai trăm tám chục nghìn? ấy là chưa kể Đàn còn nhờ tôi lấy thêm ít sách để biếu bạn bè.
Giữa lúc tôi đang còn phân vân thế thì Huyên xuất hiện. Huyên khẩn khoản:
- May quá, Phán đây rồi. Mời hai anh đi cho.
Hưởng cưỡi chiếc Dream II mầu mận chín bóng loáng của ông ta (sau này tôi mới biết do Huyên nhượng cho) còn tôi ngồi xích lô với Huyên.
- Tôi vừa đọc xong một cái khá lắm, chị có nhận làm không?
Huyên lắc đầu chán nản:
- Tôi mệt mỏi lắm rồi anh Phán ạ, không còn sức nữa. Tôi cố làm cho xong cuốn này, như đã nói với anh bữa trước.
- Đan Huyền nghĩa là gì? - Tôi hỏi giọng bỡn cợt.
- Đan Huyền Đàn. Anh thừa biết thế sao còn hỏi?
- Đan Huyền là Huyên Đàn thì sao?
Huyên vội hỏi, không giấu nổi sửng sốt:
- Té ra anh Đàn đã nói hết với anh?
Tôi tỏ vẻ khẳng định:
- Chứ còn gì nữa. Nhân vật Hiên trong "Đời lính" đích thực là Huyên.
Huyên lặng im và khẽ thở dài.
Đến nhà hàng quen thuộc ở ngõ phố Huế, tôi theo Huyên lên gác hai, đã thấy đủ mặt các nhà phê bình quen tên từ mấy năm nay trên các tờ báo có chuyên mục văn nghệ. Tôi và Huyên ngồi vào hai cái ghế còn trống kê gần máy điều hòa nhiệt độ.
Hưởng đĩnh đạc nói với giọng thật mềm:
- Hôm nay, chúng tôi cho xuất xưởng cuốn tiểu thuyết của một tác giả nguyên là lính chiến. Đan Huyền nhìn chiến tranh dưới một góc độ khác, không giống với những cây bút chúng ta đã biết. Tôi muốn được các nhà phê bình đọc giúp và cho ý kiến chỉ bảo.
Trong khi Hưởng nói thì Huyên đưa sách tới từng người. Cả năm nhà phê bình đều thuộc hạng cự phách, họ nói xuôi nói ngược thế nào nghe cũng đều hợp lý. Ví dụ ông giáo sư ngồi trước mặt tôi đây, khi cuốn "Những người thợ mỏ" vừa ra mắt bạn đọc đã viết bài đưa lên tận mây xanh, nào là cuốn sách mang tính sử thi, là bản anh hùng ca cách mạng, nhưng ngay hôm sau đó có nhà lãnh đạo chê thiếu tính Đảng, thì cũng chính ông ta viết bài hạ "Những người thợ mỏ" xuống tận đáy bùn đen. Chuyện ấy cách đây đã ba chục năm có lẻ.
Năm hổ tướng này tung hoành trên mọi tờ báo, từ trung ương tới địa phương, ai nói trái ý bọn họ sẽ bị đập tơi bời. Họ cùng một ê-kíp, đi theo cùng một đường dây, lại là một người có cương vị quan trọng ở năm tờ báo lớn. Bởi vậy ý kiến của họ khác gì ý Chúa. Ông Hưởng lọc lõi, sành sỏi lắm, nên mới kết giao với họ. Sau này tôi mới biết, kết giao với họ cũng chẳng khó khăn gì. Cái họ cần, rút cục cũng chỉ là tiền.
Sau bữa ăn sang trọng mà tôi miễn mô tả ở đây, Hưởng nói:
- Xin gửi các anh chút quà cho cháu.
Người đưa phong bì cũng lại là Huyên. Mỗi phong bì ba trăm nghìn đồng. Hưởng và tôi đều được nhận quà như năm nhà phê bình trứ danh. Qua cuộc tiếp xúc này, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ viết truyện hài hước "Ngũ hổ bình... văn".
Trong vòng một tháng, hầu hết các báo có trang văn nghề đều đăng bài viết về tiểu thuyết "Đời lính" của Đan Huyền với các bút danh khác nhau, nhưng tôi thừa biết đó là con đẻ của "Ngũ hổ" cả thôi. Ngũ hổ đang hợp đồng tác chiến.
Cuốn "Đời lính" bán chạy veo veo, chả mấy mà hết nhẵn.
Huyên gọi điện mời tôi đến chị, có xích lô đón. Tới nơi, tôi mới biết chị đang ốm. Chị đưa tôi tờ giấy thanh toán nhuận bút cuốn "Đời lính" thấy ghi những mười hai triệu. Tôi vội thốt lên:
- Sao nhiều đến thế này?
- Sòng phẳng đấy - Huyên đáp. Mười hai triệu cũng chẳng nhiều đâu. Tôi đã thống nhất với ông Hưởng, trả nhà xuất bản sáu triệu và đề nghị ông ấy thanh toán cho Phán hai triệu, ông Hưởng cũng đã nhất trí.
- Té ra chị vẫn in mười ngàn bản?
- Vâng.
- Sao xinhê chị ghi một ngàn? Để trốn thuế à?
- Đúng vậy. Và chạc tiền của tác giả lẫn nhà xuất bản. Nếu mỗi đầu sách chỉ in nghìn cuốn chúng tôi ăn gì?
Tôi chợt hiểu thảo nào mà mấy vị giàu nhanh.
- Anh đưa nốt mười triệu cho anh Đàn giúp tôi. Tôi biếu anh ấy hai trăm cuốn sách để tặng bạn bè.
Nhìn nước da xanh tái của Huyên tôi ân cần bảo:
- Chị nên vào bệnh viện điều trị một thời gian.
Huyên lắc đầu, bình thản:
- Vô ích thôi Phán ạ. Mệnh tôi tuyệt rồi.
Bây giờ tôi mới hiểu Huyên sống độc thân, bèn hỏi:
- Anh ấy và các cháu đâu?
Huyên mở xắc trao tiền cho tôi, lờ đi không đáp.
Trên đường về, tôi hỏi ông già đạp xích lô:
- Bác chở mỗi mình chị Huyên thôi ư?
- Vâng, cô ấy yêu cầu vậy.
- Tiền nong như thế nào?
- Mỗi ngày hai chục nghìn đồng. Trước cô ấy cưỡi Dream II cơ. Từ ngày đổ bệnh mới chịu ngồi xích lô. Hình như cô ấy tin chú lắm.
- Bác nghĩ thế? à mà chồng con chị Huyên đâu cả?
Giọng bác buồn buồn:
- Cô ấy chưa có con thì hai vợ chồng đã ly hôn.
- Sao vậy?
- Anh chồng biết cô vợ lâm bệnh nặng. Anh ta vội dứt bỏ để lấy người khác.
Tháng sau Huyên qua đời vì ung thư di căn.
Ông già đạp xích lô chở vòng hoa đi trong đoàn đưa tang. Tôi bùi ngùi nhìn ông và bỗng ứa hai hàng nước mắt. Tôi thương ông lẫn người đàn bà vừa mất. Tôi biết về Huyên mới ít ỏi làm sao!
Lúc từ nghĩa trang trở về, ông bảo tôi ngồi lên xe xích lô để ông nói chuyện.
- Cô ấy kể với tôi, lẽ ra người viết cuốn sách "Đời lính" là chồng cô ấy. Ngoài tôi ra chỉ có chú biết chuyện này. Cô Huyên bảo thế.
Bây giờ thì tôi khẳng định Đan Huyền là Huyên Đàn. Cô Hiền, nhân vật trong tiểu thuyết "Đời lính" đích thực là Huyên. Nếu vậy thì tình nghĩa Huyên Đàn sâu nặng biết bao nhiêu! Và thời con gái của Huyên đẹp biết nhường nào!
Nhưng than ôi, cuộc đời Huyên khép lại rồi, Đàn ơi!