hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1205.htm

Phạm Khánh Nguyên

Hết mùa rau dại

<#poem>

Ru con ra đứng đầu làng

Hái rau tập tàng về nấu canh suông...

(Ca dao)

</#>

Không có tên, vậy mà cũng góp lại thành mùa. Mùa rau tập tàng. Tôi thầm nghĩ như thế mỗi khi nằm lắng nghe tiếng sấm đầu mùa ì ầm dội tới, tiếng thở dài rất khẽ nhưng rất sâu của mẹ tôi, tiếng người thì thầm nghèn nghẹn: thế là hết mùa rau tập tàng.

Ngày ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu được tất cả mọi chuyện. Tôi còn nhớ mình đã tròn mắt ngạc nhiên như thế nào, và tò mò hỏi mẹ tôi:

- Mẹ ơi, tại sao khi nghe tiếng sấm đầu mùa, mẹ lại bảo là hết mùa rau tập tàng?

Mẹ tôi cười: Vì cái thứ rau dại đó trở nên đắng khi có sấm đầu năm con ạ. Tiếng sấm ấy báo hiệu mùa hè đang đến nhưng cũng chấm dứt luôn một kiếp rau dại, con hiểu không? Tôi gật đầu mặc dù không hiểu gì cả. Rồi tôi bỗng bật ra:

- Có phải vì thế mà mẹ buồn, mẹ thở dài không?

Mẹ tôi im lặng. Mắt người nhìn đâu đó rất xa. Bằng linh cảm trẻ con, tôi không thích ánh nhìn ấy. Nó không dành cho tôi.

Tôi đã sống qua những mùa rau dại như vậy suốt một thời tuổi thơ. Giờ đây trong tôi dường như vẫn còn chút hương đăng đắng ngòn ngọt của mùi rau dại tỏa lan nhè nhẹ trong không gian. Lớn lên một chút, chắp nối từ những mẩu vụn, những giọt nước mắt âm thầm, những nụ cười buồn hơn cả tiếng khóc của mẹ, tôi hiểu dần ra mọi chuyện. Hóa ra mẹ vẫn chờ đợi một người sau ngần ấy năm ư? Đã tàn biết bao mùa rau dại, đã có biết bao người ra đi, mang lời ước hẹn theo vào lòng đất cùng với áo vải, mũ lưới đính dù hoa, dép cao su, bi đông nước, cùng với đôi môi chưa bao giờ được thốt lên một tiếng yêu đương, với vồng ngực chưa bao giờ được đón một mái đầu ngả xuống tìm sự chở che bao bọc, với bàn tay chưa từng được vuốt ve một mái tóc mây. Đã có biết bao cô thôn nữ già đi sau khung cửa, đan những chiếc áo, thêu những chiếc vỏ gối chờ một ngày cưới chẳng bao giờ đến... Nhưng sự chờ đợi lặng thầm và nhẫn nại của mẹ tôi làm tôi vừa kính phục lại vừa sững sờ. Tôi chưa và có lẽ chẳng bao giờ có gan chờ đợi một điều gì quá lâu. Bố tôi bảo rằng tôi không có đủ các phẩm chất cần thiết để làm vợ một người lính. Thế mà cuối cùng tôi lại lấy một chàng sĩ quan quân đội hẳn hoi. Nói theo giọng hài hước của bố thì tôi đã bẫy được một con cá to bằng một cái lưới nhỏ. Còn mẹ tôi thì buồn bã bảo tôi có được anh chàng đẹp trai này là nhờ có cái bùa rau dại.

Hồi ấy, tôi đang học năm thứ nhất khoa Văn, vào thời điểm toàn dân ăn mì cả hạt và tấm ấn Độ. Nhìn cơm thì ngon vì gạo tấm trắng như tuyết, nhưng ăn liền mấy tháng trời, bọn con gái chúng tôi đứa nào cũng bị phù. Mẹ tôi vốn là bác sĩ bảo rằng chúng tôi bị phù dinh dưỡng. Bắt chước mẹ, tôi rủ lũ bạn ra đồng tìm rau. Ngày ấy, có được một cái bếp dầu đã là sang lắm, là con nhà giàu rồi. Chúng tôi nhặt cây cỏ khô, chụm ba hòn gạch lại hì hụi đun nấu khói um cả mấy gian nhà. Bấy giờ đang là mùa hạ, rau dại đã hết. Chỉ còn cây rau muối, lá mặt trên thì xanh mặt dưới thì tím sẫm và lấm tấm những hạt li ti như hạt muối tinh. Rau ấy nấu ăn cũng mát nhưng nấu không khéo thì nồng và không được ngọt như rau dại tháng ba. Tôi gặp anh chàng này trên cánh đồng ấy, khi lớp sĩ quan của anh ta đang tập luyện. Sau này tôi nghe nói rằng đại khái là anh ta bị choáng khi nhìn thấy một tốp các thiếu nữ đang tung tăng đi hái một loài cỏ dại nào đấy và lơ ngơ lạc vào khu vực cấm của quân đội. Hai cái bím tóc nặng trĩu sau lưng tôi đập thẳng vào mắt anh như một làn roi quất. Thế là chiều nào anh ta cũng ôm khư khư một ôm sách đi ra cánh đồng, làm ra vẻ như đang sôi kinh nấu sử kinh khủng lắm. Tôi thì chẳng hề để mắt đến anh ta. Ngày ấy tôi là một con bé nhà quê đặc, cái gì cũng sợ cũng nghi ngờ, và cho dù có tò mò muốn chết thì cũng chỉ giương mắt ra mà nhìn, rồi im như thóc ngâm. Hơn nữa, hình ảnh mẹ tôi với đôi mắt buồn rười rượi, với tiếng thở dài mỗi khi nghe tiếng sấm đầu mùa, với sự chờ đợi lặng câm suốt mấy chục năm trời lúc nào cũng ám ảnh tôi. Tôi đã biết là mình chẳng thể chờ đợi được lâu đến thế, nên đã tự răn đe mình rằng đừng có bao giờ hứa hẹn với ai để rồi suốt đời cứ phải mang cảm giác có lỗi vì "bến chẳng đợi được thuyền".

ấy thế mà rồi cuối cùng anh ta cũng làm quen được với tôi. Anh ta đã bỏ công nghiên cứu rất kỹ cái thứ cỏ dại mà chúng tôi thường hái về. Rõ ràng là không phải để cắm vào lọ, cũng chẳng phục vụ cho thí nghiệm sinh học. Những nghiên cứu của anh ta chẳng phát hiện ra được điều gì. Sau đó anh ta bắt quen được với một đứa nhanh mồm nhanh miệng nhất trong số mấy đứa tôi. Và anh ta đã thực sự kinh hoàng khi nghe nó nói rằng chúng tôi thường nấu món cỏ dại đó để ăn!

Có đến mấy ngày anh ta nhìn chúng tôi như thể chúng tôi có bốn chân hay đại loại như thế. Tôi khi biết được điều đó liền tỏ thái độ ghét anh ta ra mặt. Thế rồi anh ta bị ốm, hình như cũng ốm theo kiểu chúng tôi trước đó. Tôi cho rằng như thế là công bằng và thật đáng đời anh ta. Tất cả những thông tin về trận ốm ấy chúng tôi đều nắm được thông qua Tú Anh, con bé chẳng bao giờ giữ được một điều bí mật cỏn con nào. Nó thường bảo rằng chẳng có gì là bí mật dưới ánh sáng mặt trời, và đã nhiều phen làm chúng tôi điên tiết nhưng đành chịu. Ngày ấy tôi còn quá ngớ ngẩn để hiểu bằng cách nào mà nó có thể quen biết một người xa lạ như thế.

Rồi một hôm anh ta xuất hiện ở cửa phòng chúng tôi, lúng túng hỏi thăm Tú Anh. Con bé chạy ào ra đón, trong khi chúng tôi đứng chào cờ hết lượt. Anh ta mang theo một nắm gì to tướng giấu trong bàn tay nắm lại rất chặt như chỉ sợ thả ra là mất biến ngay lập tức. Sau cùng thì chúng tôi cũng biết đó là một nắm rau muối lẫn với đủ thứ cỏ dại linh tinh khác. Nhờ có tài phiên dịch thiên biến vạn hóa của Tú Anh mà rốt cuộc chúng tôi cũng giải mã được cái thứ ngôn ngữ được nói bằng những cái gãi tai và bằng mầu đỏ trên khuôn mặt điển trai của anh ta, rằng sau trận ốm anh ta bỗng thấy thèm rau kinh khủng nhưng chẳng có ai nấu cho mà ăn, rằng tuy biết là rất khó ăn nhưng có lẽ nếu cố tình thì cũng ăn được, và còn những gì nữa mà con bé làm cho rối tinh lên bằng sự liến thoắng của nó. Chúng tôi nhìn nhau. Không khí đang tích tụ dần một cơn giông mà nếu không có anh ta ở đấy hẳn bão táp sẽ đổ ụp xuống đầu Tú Anh. Rồi như có ai xui khiến, tôi đưa tay ra nhận lấy nắm rau dại ở tay anh ta, lặng thinh mang ra bể rửa rồi nhóm bếp. Mùi khói lẫn với mùi rau là lạ bốc lên. Nhìn anh ta vừa ăn vừa nhắm mắt nhắm mũi, tôi chợt thấy trào lên một cảm giác vừa thương vừa buồn. Tôi nhớ đến chuyện của mẹ tôi.

Ngày xưa, mẹ tôi môi cắn chỉ, áo nâu non, lưng ong, và một dáng vẻ tràn đầy nữ tính. Tiểu đoàn của chú Thi đóng quân ở  làng tôi chỉ hơn một tháng, đúng vào cữ mưa phùn tháng hai, rồi vào chiến trường miền nam. Mẹ tôi khi ấy đang bắt đầu học lớp đào tạo nữ y sĩ đầu tiên của khu vực. Chú ấy làm quen được với mẹ tôi khi người đang lúi húi hái một thứ rau gì đó trên cánh đồng lất phất mưa. Bị cái búi tóc buông trễ trên cái cổ cao trắng ngần của mẹ tôi trêu tức, chú ấy rẽ xuống và lăng xăng hái hộ. Đến khi trở về nhà thì mẹ lẳng lặng mang ra bờ sông ngồi nhặt lại và phì cười: Chao ôi, toàn là cỏ dại! Mẹ nấu canh rất ngon, và mời chú ấy ăn thử. Chú ấy ăn một cách dè chừng và hỏi mẹ tôi rau gì mà lạ thế, mùi vị của nó chẳng giống với những thứ rau thông thường, mẹ cười và bảo cứ ăn đi đừng có hỏi gì cả. Sau này chú ấy cố công tìm hiểu và phát hoảng lên khi biết mẹ tôi lấy cái thứ cỏ dại mà có lần chú ấy hái giúp để nấu canh. Ăn mãi rồi quen, rồi nghiện. Mẹ dạy chú ấy cách chọn rau ngoài đồng, cách nấu sao cho không bị đắng và nồng, cách nghe tiếng sấm đầu năm để biết khi nào thì hết mùa rau dại. Rồi đùng một cái, đơn vị chú ấy được lệnh lên đường. Chú ấy chỉ kịp dặn mẹ có một câu: Đợi anh.

Thế là mẹ đợi. Một năm, hai năm, mười năm sau cũng chẳng thấy chú ấy trở về. Những nắm rau dại hái về, mẹ để héo trong rổ, rồi lại thả xuống dòng sông Đáy, trôi đi. Đến năm thứ mười một, có một người lính từ chiến trường ra, ghé thăm mẹ tôi, đưa cho người một cuốn sổ tay đã ngả màu, cùng một lời chia buồn lặng lẽ. Mẹ tôi lặng lẽ đọc, lặng lẽ khóc một mình. Tôi không hiểu tại sao chú ấy lại hẹn mẹ tôi vào cái ngày tháng ba mưa phùn ảm đạm ấy, sao không là một ngày đầu hạ rực rỡ nắng và hoa, hay đó là dự cảm về một điều không thể đến? "... Tôi nhớ em, trên từng chặng đường hành quân, nhớ mùi lá sả trên tóc em, nhớ vị đắng đắng ngọt ngọt của bát canh rau tập tàng mà bàn tay thơm thảo của em đã nấu. Nơi đây chỉ có núi đá và nắng cháy da. Tôi cố đi tìm những loài rau ấy nhưng không gặp. Bao giờ đến tháng ba, ta sẽ trở về gặp em, cầu mong đừng có sấm đầu mùa, để rau dại đừng ra hoa...". Chú ấy viết thư thế trong cuốn sổ tay, một ngày trước khi ngã xuống.

Đến năm thứ mười sáu, mẹ tôi lấy chồng. Chính là người lính đã báo tin chú Thi hy sinh dạo trước. Đó là một đám cưới thời chiến mà cả cô dâu chú rể và những người đến dự đã phải chạy ra hầm tránh máy bay tới hai lần cho dù là vào buổi tối sáng trăng. Mẹ tôi mặc cái áo cánh trắng, còn bố tôi vẫn bộ quân phục mầu xanh. Những người bạn của mẹ tôi hát tặng hai họ bài "Đường cày đảm đang", còn bác Chủ tịch xã thì chúc cô dâu chú rể' "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Chưa kịp quen với cái duyên mới đó thì bố tôi đã lại phải lên đường. Sau đó mẹ có chị em tôi. Rồi mẹ gửi chị em tôi cho bà nội để bắt đầu một cuộc học hành đằng đẵng năm năm trời ở Đại học Y khoa. Không muốn cho mẹ đi học, bà nội tôi từ chối nuôi chị em tôi. Lần nào mẹ về, bà cũng mang chị em tôi trả lại. Lần nào mẹ cũng phải rời chúng tôi vào lúc ba bốn giờ sáng để ra đi, nếu muộn hơn mẹ sẽ không đi nổi. Lần nào tôi cũng lẽo đẽo theo mẹ tôi ra bến đò, lẽo đẽo bám theo xe mẹ tôi và cả hai mẹ con đều khóc. Tôi lặng nhìn mẹ tôi trên con đò nhấp nhóa giữa dòng sông nhờ nhờ ánh trăng, nước mắt đầm đìa. Mẹ gửi tôi lại bến đò, tôi ngồi đó chờ trời sáng để lại lủi thủi ra về. Chiều nào chị em tôi cũng ra ngõ ngóng mẹ. Mẹ với chiếc xe đạp cũ kỹ, trên xe đèo trăm thứ bà rằn: gạo, mì, mắm muối..., đủ cho chị em tôi ăn trong những ngày vắng mẹ. Tôi không hiểu bằng sức mạnh nào mà mẹ có thể vượt qua chặng đường hơn một trăm cây số trong tiếng máy bay Mỹ gầm xé, trên những con đường tối mò chi chít hố bom như thế. Vào dịp mẹ được nghỉ hè thì đó là cả một thiên đường trần thế đối với chị em tôi. Chúng tôi ríu rít cạnh nách mẹ, như hai con chim đã từng bị gió bão hất tung khỏi tổ khi chưa kịp ra ràng. Bà nội không cho mẹ ăn chung, cũng không cho mẹ nấu chung một bếp. Mẹ quét lá rụng dưới các gốc cây để đun, rồi chiều đến mẹ ra mảnh vườn hoang sau nhà hái những thứ rau linh tinh mà mẹ gọi là rau tập tàng về nấu canh với mắm tép mẹ muối rất khéo. Bữa cơm rau với mắm thế mà chị em tôi ăn thật ngon lành. Tối đến, mẹ trải chiếu ra hè, để hai chị em tôi nằm gối lên đùi, mẹ vừa quạt vừa kể chuyện cổ tích bằng một giọng êm ái dịu dàng. Mẹ kể Hoàng Trừu, kể Phạm Công Cúc Hoa, kể Tấm Cám, kể Tống Trân Cúc Hoa, kể... Chị em tôi trôi trong cái thế giới hoàn hảo đẹp đẽ đó rồi ngủ lúc nào. Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác hạnh phúc tuyệt vời khi thức dậy không phải hoảng hốt vì thiếu mẹ bên cạnh, khi quờ tay chạm làn da mát rượi của cánh tay mẹ tôi. Và vốn là một đứa trẻ hay lo sợ, tôi lại nghĩ đến những ngày mẹ phải trở lại trường đại học. Tôi sợ cảnh chiều chiều, hai chị em buồn bã dắt tay nhau ra đứng trước cổng ngóng mẹ tôi về. Và sợ những đêm đông dài đằng đẵng. Nghe trẻ con hàng xóm gọi mẹ ơi, tôi lại tủi thân chui vào góc nhà khóc một mình. Bố tôi khi ấy còn đang mải miết hành quân trong các cánh rừng phương nam, thi thoảng lắm mới có một lá thư đến tay mẹ tôi. Trong ký ức của chị em tôi hồi đó, bố là một chú bộ đội. Vì thế, đã có khi những đoàn bộ đội hành quân qua làng, em tôi đứng ở ngõ giơ tay đếm: một bố, hai bố, ba bố, ôi nhiều bố quá. Cả đoàn quân cười vang: Có theo bố ra chiến trường không con trai? Tôi tức lắm, cốc cho nó một cái vào đầu. Nó rụt cổ lại, mếu máo: người ta gọi bố mà cũng không cho gọi. Để bố đi mất rồi. Về mách mẹ cho mà xem.

Tiếng cười của Tú Anh khiến tôi giật mình, lau vội nước mắt. Trong phòng vắng tanh. Tôi vội vàng hỏi:

- Chàng về rồi à?

- ừ nhìn mặt mũi chúng mày khó đăm đăm thế ai mà dám ngồi lâu.

- Thế chàng có nói gì không?

- Có, gửi lời cảm ơn mày.

- Chỉ có thế thôi à?

- Thế cũng là nhiều rồi, khỉ ạ.

Tôi phì cười, chợt nhận ra sự ngớ ngẩn của mình. Sau lần ấy anh ta có vẻ nghiện cái món rau dại của chúng tôi. Rồi đến một ngày anh ta xong đợt huấn luyện và trở về đơn vị.

Chiều hôm ấy ba đứa chúng tôi lại ra bãi ruộng như mọi lần, nhưng không hiểu sao cả ba đều im lặng, ngay cả Tú Anh là đứa lắm mồm nhất mà cũng im như thóc. Tôi lấy làm lạ bèn hỏi, nó bảo tự nhiên thấy vắng vẻ thế nào. Ngọc Lan thì nói đại ý rằng thiếu một người và trái đất trở nên hoang vắng.

Một lúc sau, Tú Anh lên tiếng trước:

- Chúng mày có thấy anh chàng ấy đáng yêu không?

- Ai?

- Anh Tiến ấy.

- Tiến nào?

-  hay cái con bé này, mày không biết tên chàng thật à?

- ừ.

- Ngốc ạ!

- Cứ nhìn anh ấy là tao lại nhớ đến lão Dũng nhà tao. - Ngọc Lan thủ thỉ. Tôi phì cười: Liên tưởng gì mà lạ quá? Nó nói: Lão ấy cũng đẹp trai, cũng hay tò mò và tếu như thế, và điều cơ bản nhất: cũng là lính. Tôi ngạc nhiên, làm sao mà nó có thể nhìn ngắm anh ta một cách kỹ càng đến thế? Tú Anh thêm: mà anh chàng có đôi mắt mới đẹp làm sao. Mắt ấy mà nhìn thì chỉ có mà chết đuối thôi. Tôi tò mò: thế hắn đã nhìn mày bao giờ chưa? Nó cự lại, mặt đỏ bừng: nếu thế thì tao đã xuống thủy cung từ đời tám hoánh nào rồi, mà có khi như thế lại hay cơ đấy, ở đây với chúng mày chán chết. Tôi hoảng hồn nhìn hai đứa: chắc tụi mày vừa bị ma ám hay sao? Chúng nó bảo Nguyên thì biết gì. ừ, có lẽ thế. Chúng tôi ra về, lẳng lặng, rũ rĩ.

Chiều hôm sau một mình tôi ra bãi cỏ sau nhà. Nắng chưa kịp tắt hẳn trên cánh đồng, đây đó ánh lên mầu vàng nhàn nhạt. Không gian mênh mông và mênh mông. Những cây rau muối đã ra hoa từ lâu và cánh đồng cũng sắp đến mùa gieo hạt. Đã từ lâu bước chân chúng tôi không còn in dấu trên những luống màu nữa. Không còn tiếng cười thoải mái vang khắp đồng bãi. Tôi không còn hất hai bím tóc nặng ra đằng sau để đáp lại cái nhìn dò xét của anh ta. Bỗng dưng tôi thấy lòng buồn bã. Tôi chợt hoảng hồn khi nghĩ rằng rất có thể chẳng bao giờ anh ta quay lại đây nữa và tôi chẳng bao giờ còn có cơ hội để mà gặp lại. Anh chàng có một đôi mắt với cái nhìn thẳng và sáng, một vóc dáng mạnh mẽ cùng một nụ cười thật dễ thương, nụ cười làm sáng bừng cả không gian, có một lần tôi đã thấy anh cười như thế. Hóa ra bấy lâu nay tôi đã nhìn ngắm anh, nhìn ngắm một cách vô thức. Hóa ra trong ba đứa bọn tôi, người buồn bã nhất trước sự ra đi của anh lại chính là tôi chứ không phải Tú Anh, hoặc có thể nó còn buồn hơn tôi nhưng nỗi buồn ấy không giống tôi, không dai dẳng dường như trong tiềm thức tôi đã có, dường như từ trong nỗi nhớ mong mẹ tôi xưa giờ đây lại tái sinh trong nỗi nhớ mong một con người hoàn toàn khác.

Tôi âm thầm nhớ và âm thầm ân hận vì những cáu bẳn của mình trước đây. Tôi vừa tròn mười tám tuổi và chưa yêu lần nào.

Cho đến mùa rau dại năm sau. Bỗng nhiên tôi nhận được một lá thư. Lần đầu tiên giấu bạn bè, tôi mang lá thư ra cánh đồng ngồi đọc. Trời rất lạnh và có mưa bay. Tôi run không hiểu vì sao lại thế. Trong thư, anh nói rằng anh rất nhớ  những bữa canh rau dại mà tôi đã bị buộc phải nấu với cả nỗi bực tức trong lòng, và hy vọng rằng đó không phải là bát canh cuối cùng tôi nấu cho anh ăn. Anh chỉ viết có vậy mà không quên gửi lời thăm hai đứa bạn tôi đặc biệt là cô bé Tú Anh hay nói hay cười. Anh cũng nói thêm rằng là thi thoảng lại bắt gặp hai bím tóc dài và bướng bỉnh trong mơ. Anh gửi lời thăm cả hai bím tóc ấy và cầu chúc cho nó vẫn dài vẫn ngúng nguẩy như xưa. Tôi ngồi bó gối giữa cánh đồng đang chuyển mưa dày đặc cho đến khi hai đứa bạn tôi hốt hoảng tìm về. Tôi không hiểu trái tim mình lúc đó ra sao nhưng tự nhiên thấy buồn da diết. Tôi chợt nhớ tới mẹ tôi với nỗi chờ đợi dai dẳng suốt mấy chục năm trời, chợt nhớ tới hình ảnh hai đứa bé rách rưới buồn rười rượi đứng bên cổng ngõ chiều chiều ngóng đợi mẹ về, tôi cũng nhớ tới lời hứa của mình ngày xưa là không bao giờ chờ đợi bất kỳ một người con trai nào. Tôi chợt có cảm giác cuộc đời như một vòng tròn mà mọi cái cứ lặp lại.

Sau này tôi hỏi mẹ có yêu bố không? Mẹ bảo có chứ, không yêu sao lại lấy. Tôi thắc mắc; vậy còn chú Thi? Mẹ lắc đầu, nói mẹ yêu hai người. Đó là hai tình yêu hoàn toàn khác nhau. Người ta có thể dung hòa cả hai tình yêu ấy mà không sợ bị kết tội.

Dường như nỗi buồn của mẹ tôi đã vơi đi phần nào khi tôi đưa Tiến về thăm nhà. Đi bên anh, tôi bé bỏng và hiền như một cánh hoa đồng nội. Tất cả lại y như cách đây ba mươi lăm năm, tôi lại lặp lại một tình yêu như thế. Có khác chăng là giữa chúng tôi không có cuộc chiến tranh nào cả, tôi không bị mất anh. Nhưng trong tôi, mãi vẫn còn lại những mùa rau dại gắn với những tháng ngày cơ cực của mẹ con tôi ngày xưa, những mong đợi âm thầm vô vọng của mẹ tôi về một con người đã vĩnh viễn ra đi, những ngọn rau mẹ thả xuống dòng sông Đáy mỗi khi xuân về.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com