hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1202.htm

Nguyễn Xuân Hưng

Quả cầu nhựa mạ đồng

1

Khi còn ở trường, bạn bè đã nhận xét: Phùng Trung Thuần không vào phòng thí nghiệm không phải là Trung Thuần. Có lẽ tại Thuần lúc nào cũng đạo mạo, thích tu ép xác. Song anh được các thầy đánh giá là người có tố chất làm nghiên cứu rất chuẩn.

Trong lớp, bạn bè không ai có tương lại rực rõ như Thuần khi ra trường. Được nhiều viện nghiên cứu mời. Được vài công ty to đánh tiếng nhận về. Rồi không hiểu sao Thuần đột ngột xin về địa phương công tác. Vì sao? Vì sao? Người ta đoán già đoán non trong quyết định của Phùng Trung Thuần có yếu tố... mỹ nhân.

Ai cũng tưởng Phùng Trung Thuần sẽ lấy cô bạn Hoàng Hồng Lý. Già bạn bè, non yêu đương... cặp quan hệ như vậy chứa đầy sự bất trắc. Trong những ngày ấy, một hai người con trai đã đến với Lý, đã tỏ tình. Lý buồn cười. Mà mỗi lần như thế là một lần cô buồn vô hạn, bởi vì cô luôn nghĩ đến Thuần. Cuối cùng, Thuần ra đi rồi, cô bèn tưởng tượng ra Thuần đĩnh đạc bên những ống nghiệm, những bình tam giác óng ánh, nghiền ngẫm những tài liệu nước ngoài. Nhưng rồi sau bao nhiêu ngày tự giận mình, giận Thuần, Lý cũng dần bình tâm lại và lại tự hổ thẹn: việc gì cứ phải làm rắc rối thêm quan hệ bạn bè. Này anh chàng kiêu ngạo và ngờ nghệch, thôi thì,... mong sao anh chân cứng đá mềm!

Nào ngờ, khi cô kỹ sư Hoàng Hồng Lý đến chơi thăm đồng nghiệp Phùng Trung Thuần, cô mới biết mình chẳng hiểu mô tê gì về những xí nghiệp địa phương, nơi Thuần đã chọn để hao tâm tổn sức một thời trai trẻ.

Đó là một gian phòng của một dãy nhà cấp bốn lợp ngói. Người ta đặt vào đó một cái bệ xây lát gạch gọi là bàn thí nghiệm, trên đó cũng có mỗi thứ vài chiếc: ống hút, bình tam giác, bình quả lê... Giá trị nhất là bộ cân phân tích điện cổ lỗ. Nước rửa thì lấy từ một cái thùng tôn to đặt trên nóc tủ đứng và dĩ nhiên phải đưa nước lên cái thùng cao vị ấy bằng cách xách tay từng xô một. Lý hỏi: "Nước cất đâu?". Thuần cười hề hề, dẫn bạn sang phòng bên, kế với khu công trình phụ. Một thứ thiết bị giống như nồi đồng cất rượu, với ruột gà và ống cao su rắc rối. Đó là bộ cất nước tự tạo của Thuần. Không tủ hốt, Lý thấy Thuần đốt một mẫu quặng, khói xanh khói vàng bay lên, bị cái quạt tai voi xua ra đầu nhà. Không hiểu sao Lý có cảm giác bị tức thở, cứ phân vân hay là mình hít phải khí a-xit ni-tơ-ric? Cô kêu lên: "Thế này ư? Những người khác dốt hơn thì về Viện, còn anh lại lặn lội về đây?".

Trưởng phòng thí nghiệm là một ông gầy quắt queo, không thể đoán tuổi được. Ông ôm cái điếu cày, sau khi rít một hơi thuốc, hồ hởi bảo Lý: "Giám đốc chúng tôi cũng là tay chịu chơi, đồng ý trang bị phương tiện cho chúng tôi nghiên cứu một số đề tài". Nghiên cứu trong một gian phòng dở nhà bếp như thế này chăng? Trưởng phòng thí nghiệm vẫn vô tư khoe: "Này, chúng tôi đã mạ được crôm lên trên nhựa. Đồng chí giám đốc bảo đi khắp cả nước, ra Hà Nội, vào thành phố Hồ Chí Minh cũng chả anh nào dám chắc là làm được. Nào ngờ, nhân tài chính là bụt chùa nhà". "Cái gì? Kỹ sư Lý buộc phải dỏng tai lên nghe. Thuần nhỏ nhẹ xác nhận câu nói của Trưởng phòng: "Đúng, chúng mình đã làm được. Mà chả cần đến hợp chất paladi".

Cách đó khoảng hai tháng, Thuần có gửi thư cho Lý, nói là giám đốc giao cho việc xem xét mạ crôm lên chi tiết nhựa, phục vụ một dự án sản phẩm mới. Thuần than thở: "Ông ấy chỉ biết rằng, nước ngoài người ta làm được, thì mình ắt phải làm được. Nói chuyện với một người không biết chuyên môn, khó lắm". Nên nhớ, đó là đầu những năm tám mươi. Thế nào là thị trường hóa? Thế nào là đổi mới cơ chế? Ai cũng nói vanh vách, còn làm ra sao thì anh nào cũng ừ ào như nhau cả một lượt. Giống như người ta biết rằng một số bí quyết công nghệ, như công nghệ mạ trên nhựa này, đã được đưa ra sản xuất công nghiệp ở nước ngoài, còn ở ta thì vẫn chỉ là... nghe nói.

Lý đã theo đề nghị của Thuần, mò đến một trong những chuyên gia về mạ kim loại ở một Viện nghiên cứu. Ông này thuộc loại có học vị, xếp vào loại cây đa cây đề, dè dặt nói: "Nói chung là có nhiều cách tạo lớp phủ kim loại ban đầu. Nhưng tôi biết là các tài liệu đều nói về paladi clorua. Phải dùng nó làm chất xúc tiến". Khi hỏi về paladi clorua, ông đắn đo mãi mới lục trong tủ kín ra một hộp to. Trong hộp to là một hộp bé. Trong hộp bé có một ống thủy tinh nhỏ màu tối bằng ngón tay. Chủ nhà nâng ống lên, lúc lắc thứ chất bí hiểm mà ngay cả kỹ sư hóa cũng chỉ thông thuộc tính chất của nó qua sách vở, chứ hiếm khi nhìn thấy. Đó là một phẩy mười lăm gam paladi clorua. Khi nghe nói giá, Lý giật mình không tin được. Làm sao Thuần có thể thuyết phục ông giám đốc chi   một số tiền không tưởng để làm thí nghiệm.

Thế mà bây giờ cô thấy rõ ràng Thuần cầm trong tay một mẫu mạ sáng óng ánh. Đó là một quả địa cầu nhựa bằng quả táo, thường làm dây đeo chìa khóa, đã được mạ crôm. Thuần bảo: "Mình dùng hợp chất của bạc thay cho paladi làm xúc tác để mạ phủ nhúng đồng làm lớp lót. Sau đó chỉ việc mà điện crôm lên lớp đồng đó". à, phải rồi... Xin nhớ đó là vào những năm tám mươi. Kỹ sư Lý không khỏi sững sờ. Nhưng cô cũng biết Thuần còn húc phải một núi khó khăn ở phía trước. Giá như ở Viện, giải quyết xong đề tài, có thể  được ghi nhận thành công, coi như một cái mốc quyết định. Nhưng đây là xí nghiệp, là tiền tươi thóc thật, phải giải quyết khâu triển khai sản xuất hàng loạt trên dây chuyền công nghệ. Nếu không, coi như công việc nghiên cứu để chơi, vô nghĩa lý.

Mấy ngày ở thăm Thuần, Lý thấy anh đánh vật với những vỏ hộp ác-quy (làm bể mạ), với quạt con cóc (rút cánh ra, lắp trục dài làm máy khuấy), với lỉnh kỉnh dây dợ và linh tinh bình lọ. Cô thốt lên: "Anh đưa xí nghiệp tiến lên sản xuất lớn thế này sao? Chỗ của anh không phải ở đây!".

Đó là một buổi chiều kỳ lạ. Họ ngồi bên nhau trong gian phòng thí nghiệm khét lẹt mùi ni-tơ-ric. Lý thuyết phục Thuần trở về Viện, nơi cô công tác. Thuần nghe, nghiêm nghị. Anh gật gật. Cô khấp khởi. Mắt anh chăm chắm vào cái bình thủy tinh làm bể mạ. Anh nói: "Phải giải quyết việc đồng kim loại cứ tự nhiên tự mạ hết vào thành bể? Như thế này thì dung dịch mạ sẽ chóng hỏng lắm". Cô buồn hẳn. Hóa ra quan tâm duy nhất của anh là bể mạ đang từ mầu trắng thủy tinh chuyển dần sang mầu vàng óng. Cô bảo: "Thuần, chả lẽ anh không hiểu rằng...?". Và mạnh dạn: "Anh hãy về Hà Nội với em đi". Cô nói.

Không biết làm sao lại nói như một con điên như thế. Hình như cô bộc bạch, tưởng rằng anh ra đi, cô không còn vướng bận về anh nữa, nhưng hóa ra thiếu thốn quá chừng... Cô tỏ tình? Hóa ra cô lại đi nói cái điều người ta cho là cấm kỵ? Thuần đứng thẳng dậy: Anh không nhìn cô mà dõi mắt xa xăm ra ngoài khung trời qua cửa sổ. Lúc đó cô mới để ý cả một bầu trời chiều ráng mỡ gà vàng rực đang đổ mầu ngọn lửa như là muốn thiêu đốt mọi vật. Không gian ong ong căng căng và ngột ngạt. Đột nhiên, anh nói: "Mình cứ nghĩ...?". Chuyện chẳng liên quan gì đến tình tang cả. Chuyện đó chẳng là gì. Nhưng thế này thì Lý có nghĩa gì với Thuần? Giá cô có thể cháy lên được. Thuần đưa cho cô quả địa cầu mẫu mạ đã phủ đồng. Công sức của anh, tâm trí của anh. Điên thật. Chỉ có thế thôi. Sao đó không phải là một cái nhẫn vàng? Thì mầu vàng trời đất này sẽ thế nào? Họ cùng bước ra. Cùng bước đi trong cái chiều vàng ấm ức với cơn mưa chả thế nào mưa được. Ơ, cái chiều bực bõ, cái mầu vàng mộng mị...

ít lâu sau, công việc của Thuần cũng có hồi kết quả. Lý đã đọc thấy một bài báo giới thiệu "phương pháp Phùng Trung Thuần". Thuần viết cho Lý: "Hiện nay mình có một điều buồn, một điều vui. Buồn là giám đốc mới không đầu tư triển khai sản xuất lớn cho mạ nhựa nữa, vì ông đã được thăng chức làm cán bộ tỉnh. Vui là có nhiều ông ở các nơi khác đến bàn với mình, mặc cả, mời mọc mình làm. Buồn vui xấp xỉ nhau". Phùng vẫn là người của kỹ thuật. Lượng hóa đến cả vui buồn. Khi ấy, cô tự hỏi, hay mình chưa làm cho con người khô khan đó cân đo được tình cảm của mình chăng?

2

Sau bao nhiêu năm nghiên cứu và công tác ở nước ngoài; Hoàng Hồng Lý chân ướt chân ráo mới về nước là tìm cách đến thăm Phùng Trung Thuần.

Lý đến địa chỉ công ty của Thuần, gặp ngay ông bảo vệ chính là ông Trưởng phòng thí nghiệm xí nghiệp Thuần ngày xưa. Cô nhắc lại chuyện cũ. Ông ngơ ngác nhìn. Nhìn. Rồi nhớ ra, cười khà: "Xí nghiệp ấy đưa ma lâu rồi". Cô bảo: "Cháu muốn gặp Phùng". Ông càng cười: "Giờ chỉ có Phùng cao thủ thôi".

Lý loanh quanh hẹn hò rất khó khăn, tối đêm mới gặp được Thuần. Lao đến bên cô một tay đàn ông tề chỉnh, đường hoàng. Như là mới từ một cuộc họp bước ra. Lại còn reo lên dạn dĩ: "Trời ơi, vẫn xinh đẹp như xưa. Xin chúc mừng tiến sĩ". Cô đâm ra bối rối. Thuần kéo cô vào phòng làm việc của anh. Anh cởi áo ngoài, lóng ngóng pha trà. Mấy năm qua sống bên Tây, sướng lắm nhỉ, học vị, chồng con này... Được, được mọi thứ. Giá như ngày xưa Lý dính với thằng cha quê mùa này, có phải khổ ải không? Không, anh Thuần, quan niệm sướng khổ chỉ đơn giản thế thôi sao? : Lý không thể hình dung những ngày vừa qua của anh gian nan thế nào đâu.

Cô bảo Thuần: "Em không ngờ người ta lại làm anh trở thành một "cao thủ". Thuần cười. Nheo nheo mắt. Anh ta nhìn xoáy vào mắt cô ta. Cái cười này, ánh mắt này từ đâu ra thế. Như là móc tim óc người ta. Sao trong cái chiều vàng khỉ gió hôm ấy anh không mang ra mà thi thố đi. Không cứ lù dù ngốc nghếch mãi đi?

Thì ra, khi Thuần chuẩn bị ký hợp đồng với Nhà máy K. ở thành phố Hồ Chí Minh triển khai dây chuyền mạ nhựa, thì một biến cố ập đến. Ông chủ xí nghiệp đầu tư vốn nước ngoài đầu tiên của tỉnh, cứ gọi là ông Giả, đến đề nghị anh làm chuyên viên kỹ thuật cho họ. Hợp đồng tương tự với Nhà máy K. nhưng đây là doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh nên Thuần gật không chút đắn đo.

Công việc lắp đặt nhà máy nhanh đến chóng mặt. Thuần được đặt vào trong phòng thí nghiệm khá tươm tất, vào thời điểm đó có thể gọi là mơ ước. Trong hợp đồng lao động với Thuần, công ty "cho phép ông Thuần được làm bất cứ việc gì trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu". Anh có thể thử nghiệm sản xuất quy mô nhỏ trong một phòng, với những bể mạ to như những cái bồn tắm. Anh khấp khởi. Anh mừng. Thoáng, thoáng lắm. Họ biết đầu tư. Họ tôn trọng chất xám. Họ có lợi, đất nước mình có lợi, mà cá nhân anh Thuần cũng thỏa chí.

Ròng rã nửa năm trời, Phùng cùng với hai nhân viên làm việc rất hào hứng. Thỉnh thoảng ông Giả đến chuyện trò rất vui. Trong những cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, ông Giả gọi Thuần là "chuyên gia số một, vốn quý của tỉnh và của đất nước".

Thuần cười hô hô, rung cả vai: "Thành thực mà nói, đó cũng là thời kỳ làm việc hăng say nhất, kỳ thú nhất của mình. Vì lúc đó mình nhận ra rằng, đã đến lúc từ bỏ con đường mạ lớp lót bằng phương pháp hóa học, mà phải dùng cách phủ lớp keo dẫn điện. Công việc thuận lợi, chúng mình bay lượn như thế đến tháng thứ tám".

Bỗng nhiên... "Nếu không có sự tình này, cuộc đời mình không biết sẽ an phận đến đâu?". Là tình cờ. Thuần biết được những tài liệu báo cáo nghiên cứu của anh đều bị ông Giả xếp vào một cái tủ giấy, tháng tháng mang đi... hỏa thiêu. Vâng, nghĩa là đốt đi.

Lại có chuyện như thế ư?

"Mình tức tốc gặp lão Giả. Ông ta hoàn toàn bình thản nhận lỗi là đã sơ suất.

Lại còn bảo: "Chúng tôi trả lương ông xứng đáng, tạo điều kiện cho ông thực hiện ước mơ hoài bão, còn đòi hỏi gì nữa?". Thuần bảo, làm như thế được gì, nếu như chỉ vì sơ suất của ông mà công trình của anh tan thành khói cả.

Anh đập bàn đánh rầm. Lão Giả không cáu, lại thản nhiên đưa cho anh cái chẹn giấy, bảo: Nếu ông đau tay, thì ông cứ sử dụng cái này để đập xuống bàn này. Tức lộn ruột. Lúc giận, Thuần xỉ vả, nào là ông đã làm kéo dài thời hạn áp dụng đề tài, là đã hại cho công ty. Lão Giả cứ mỉm cười, nói: "Ngược lại, ông đã làm lợi cho công ty tôi, tức cũng là làm lợi cho đất nước, vẻ vang cho tỉnh, vì công ty tôi đã lãi lợi...". Thuần thoắt trở nên ngơ ngác. Ngố hẳn đi. Quái lạ. Lộn tùng phèo hết cả. Lão Giả bảo: Nếu ông hợp đồng với Nhà máy K., chắc chắn họ sẽ sản xuất ra sản phẩm giá thành rẻ, thì chúng tôi chân ướt chân ráo vào Việt Nam, khó cạnh tranh được. Nên chúng tôi trả tiền cho ông chỉ là để ông không làm cho họ mà thôi. Vì mạ nhựa như thế này, chúng tôi đã làm vài năm rồi. Thời gian qua, các cơ sở của tôi ở trong và ngoài tỉnh chẳng đã vẫn làm ra sản phẩm công nghệ mà ông đang còn nghiên cứu đó ư? Thuần như bị rơi từ chín tầng mây xuống vực. Đến lượt lão Giả ngạc nhiên: "Đây chẳng phải một cuộc mua bán sòng phẳng à?". Anh bực: "Tại sao các ông động tí là nói đến mua bán?". Giả bảo: "Chứ không ư? Bây giờ tôi muốn ký hợp đồng mới, mong ông làm kỹ sư trưởng cho tôi, vì giá trị của ông ở hợp đồng cũ đã hết". Tức là lão đã không còn lo lắng đến Nhà máy K. nữa. Thuần bèn cuốn xéo khỏi công ty. Nhục thật. Anh ôm được quả đắng to tướng. Nó đểu. Nhưng công nhận là nó hơi bị tài. Nó chơi ta một vố ngon như ăn kẹo.

Thuần ngả người trên ghế bành. Tiến sĩ Lý bất chợt nhìn thấy một ông chủ thật sự. Đĩnh đạc. Tự tin và từng trải. Đến nỗi dám tự diễu cợt. Kề bên mà là lạ. Thân tình sao xa xôi. Ông chủ điềm đạm: "Rồi sau đó mình cũng phải suy nghĩ nghiêm túc. Có lẽ phải chấp nhận với cuộc chơi bán mua của những lão Giả thôi. Thế thì mới mong hiểu biết nó, chọi nhau được với nó". Tiến sĩ không biết nói gì. Cứ ngờ ngợ. Cái con người mẫu mực làm nghiên cứu của cô biết đâu lại rơi tòm vào cuộc chen lấn làm ăn? Hay là đến bấy giờ mới cựa quậy đánh động vào cái gốc gộc nông phu của anh ta? "Những ngày đó, mình bắt đầu nghĩ lại tất cả. Về Viện? Đất nước mình có quá nhiều người nghiên cứu không? Thêm Phùng Trung Thuần vào nữa thì sao? Trong khi chúng ta giương mắt nhìn những lão Giả đến bòn rút mồ hôi và nước mắt mình".

Anh hùng biện. Rồi lại bỗng im bặt. Giữa anh và cô là một khoảng trống không - thời gian lạ lùng. Cô đang nghĩ: Hình như anh vẫn là con người mô phạm ấy. Thì lại gặp ánh mắt anh thiêu đốt cô: "Giá mà lúc đó Lý còn trong nước. Anh sẽ chạy ngay đến em. Bất chấp để làm lại. Biết đâu cuộc đời anh đã đỡ khổ". Ô... Điêu? Giá ngày xưa, nghe thế cô ngất ngay. Nhưng giờ thì trái tim chai của cô miễn dịch với những lời lâm ly rồi. Thuần nói nghiêm trang: "Khi đó, mình mới hiểu mình đã mất một người quý giá. Chỉ biết kêu trời". Thế à? Sao Phùng vụng dại thế, mà Phùng cao thủ trơn tru thế? Cô bảo: "Bây giờ anh khổ lắm sao?". Lập tức, anh tuôn ra bao nhiêu là kêu ca. Chạy sình sịch như ngựa tối ngày. Có khi sáng dậy ra sân bay, ngày Hà Nội, Hải Phòng, tối lại thành phố Hồ Chí Minh rồi. Phải ăn, phải uống, phải tiếp đãi. Đó cũng là công việc cả. Thương trường không tiếng súng đạn. Nhưng hở ra là nó "giết" mình ngay. Tự gớm mình, ôm một cục tiền, cứ phải trăn trở cho nó sinh sôi nảy nở, cho nó khỏi bị teo tóp.

Có lần anh gặp lão Giả. Trong một cuộc đấu thầu, anh trúng mà lão thì trượt cái hợp đồng rất bở. Hắn ngả mũ: "Xin chúc mừng". Nhưng lại ngọt nhạt: "Tôi không nhầm thì anh không thích những đồng tiền lương tôi trả cho anh?" Anh đã bảo hắn: "đồng tiền bao giờ cũng có hai mặt". Còn bây giờ anh nói với cô: "đồng tiền đâm toạc mọi thứ. Lô-gíc đồng tiền tráo trở khó lường chứ không có chút gì giống tư duy khoa học". Thuần bảo: "nhiều đêm còn lại một mình, ước sao có Lý đến đây, rủ nhau đi la cà, sà vào quán xá, nói chuyện tào lao chi khươn không liên quan gì đến làm ăn. Những thằng như mình, tồn tại trên đời quả là một khối thống khổ biết di động. Chỉ một an ủi duy nhất là mình ý thức rất rõ mình đang cuốn cùng làn sóng thời đại. Anh tư lự: "Nhưng bị đưa đẩy đến không biết điểm nào dừng". Cô bảo: "Cũng phải có cái mục đích nào đó chứ?". Anh hơi ba hoa: "Cái đích của bọn mình luôn ở phía trước". Thế ư? Cô lại bảo anh: "Ví như lập gia đình, một mối tình chẳng hạn. Đó chẳng phải một điểm dừng của người ta à?". Anh bĩu môi: "Tớ đã sai lầm không lấy vợ ngay từ xưa. Khi ấy, gia đình là và chỉ là một người đàn ông một người đàn bà yêu nhau và mưu cầu sinh sống. Nay thì khó rồi". Anh cười ha ha: "Nay khái niệm thằng đàn ông là anh không phải chỉ có anh. Anh chỉ là một phần trong cái khối đời sống gồm có anh và các thứ khác". à, cô lờ mờ đoán là anh đã giàu. Anh đã là ông chủ. Khá thương thay, anh đang đứng đây, cô đơn lạ lùng khiến cô không thể không nhìn anh như người lạc bước. Sao anh không ngừng tự đại lấy một lần. Chả lẽ thế thái hết nhân tình? Chả lẽ không còn một người đàn bà yêu anh và chỉ anh thôi? Thế ra anh vẫn là một người gánh nặng đường xa, gánh cái thúng vô hình, cày bừa trên cánh đồng thương trường.

Thuần không còn dáng vẻ tếu táo nữa. Dường như nói đến chuyện làm ăn khiến anh không vui. Không, những ông chủ thì trung tính, làm gì có ông chủ vui, ông chủ buồn. Cô nhìn lại thấy Phùng đang đầy tâm trạng. Sao anh không đo tình người theo đơn vị lô-gic tiền tệ của anh đi? Lý bỗng nhỏ nhẹ bảo anh, cô vẫn nhớ từng đêm, từng ngày, kể cả khi cô đồng ý lấy chồng. Cô không thể chịu đựng như anh, không thể tung tẩy như anh, đàn bà phải chọn lấy một điểm dừng. Sao mà cô muốn sỉ vả đến thế? Điên thật. Anh chỉ biết anh khổ, còn không biết cô sống ra sao sau cái chiều vàng mộng mị ngày xưa. Gánh nặng tâm hồn cô mang không đong đếm được, không nhìn ngắm nổi. Thể xác người ta có nghĩa gì? Mà anh cũng như người đàn ông khác chỉ có khả năng cảm nhận không hơn gì một đứa bé đòi bú. Chỉ đến khi có con, cô mới nguôi nỗi nhớ khốn nạn. Nhất là thời kỳ hai đứa làm thí nghiệm tốt nghiệp, nếu không có anh... Thế nếu bây giờ có anh? Muộn rồi! Đồng hồ treo tường điểm những tiếng tặc tặc đều đặn...

... Đã hừng sáng. Từ căn phòng của Thuần có thể nhìn thấy biển. Lý lần ra ban công nhìn mặt trời đang ló lên khỏi đường chân trời. Mặt trời đỏ. Mặt trời bị thổi khỏi mặt biển mù mịt sương và bợt bạc dần. Nhưng bây giờ đã là một khối mầu bạc chói lóa. Rồi không gian ướt loáng thứ ánh sáng mới mẻ. Cái không gian này khác quá so với buổi chiều vàng ngày nào. Như là đã được hoàn chỉnh trong một nước mạ crôm trắng bạc. Mới từng ấy năm, sao xưa quá?

Thuần vẫn đang ngủ ngon lành. Có thể rất lâu rồi anh mới có một giấc ngủ êm sâu như thế. Cô phải làm gì bây giờ? Cô bèn nhẹ nhàng bật nút "on" cho điện thoại di động của anh và lặng lẽ từ giã. Có nên trả lại anh vật kỷ niệm đã theo cô ngần ấy năm trời: quả địa cầu nhựa bằng quả táo mà anh đã mạ đồng? Cô lại có anh chăng? Hỡi ôi, cô ta không còn là con bé kỹ sư trẻ mới tò te như xưa và anh ta không còn chỉ là Phùng ngày xưa. Ngày xưa cô sinh viên Lý hiểu rất mù mờ về Phùng, còn bây giờ bà tiến sĩ Lý biết rõ cao thủ Phùng cao thủ. Sung sướng và lo sợ... Cũng thường tình như bao nhiêu người đàn bà khác đã từng sung sướng và lo sợ. Nhưng này... Lát nữa thức dậy, anh có quan tâm đến trời mây non nước như cô không? Hay là mặc kệ hoàng hôn vàng với ban mai bạc, vớ lấy điện thoại di động, lại gồng gánh lo toan trên đường kinh doanh vô định, mất hút trong làn sóng người hối hả bán bán mua mua?...


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com