Sáng chủ nhật tôi đi thong thả ra bờ hồ. Gần đây trong những ngày nghỉ, đường phố có một sức hấp dẫn lạ thường, nó hút tôi ra khỏi căn phòng làm việc không để cho tôi cưỡng lại, và thả tôi vào với dòng người nhiều hình, nhiều sắc và cũng khá ồn ào ấy, trôi đi, trôi đi mãi trên các hè phố.
Tờ báo Nhân Dân sắc mực còn tươi dán ở bảng thông tin vườn hoa Cửa Nam đang giữ lại một số khách qua đường. Tôi chợt nhận ra một người bạn quen khá thân từ ngày hòa bình chưa gặp nhau, đứng trong đám người xem báo. Gặp bạn cũ trong một buổi đi chơi rỗi rãi thế này, thật đúng lúc. Tôi hăm hở đi lại phía anh, bỗng chậm dần bước chân. Tôi bỗng nhận ra: anh bạn chắc có một việc bận riêng nên tự anh đã không muốn gặp tôi trong lúc này. Rõ ràng là đôi luồng mắt chúng tôi đã chạm nhau, và không thể nói là không nhận ra nhau, nhưng anh bạn đã vội quay vào tờ báo. Tôi nhìn thấy một vẻ bối rối thoáng hiện lên trên mặt anh. Đã có kinh nghiệm một vài lần về những trường hợp như thế, tôi nghĩ nên đi thẳng. Hòa bình lập lại đã mang đến cho đời sống vật chất và tinh thần nhiều người những thay đổi mới. Kháng chiến ngày trước đã hạn chế nhiều mặt trong đời sống của chúng ta: mọi người hầu như chỉ còn có nhiệm vụ làm sao cho kháng chiến thắng lợi; chúng ta dễ gần, dễ hợp nhau hơn. Mọi người gặp trên đường công tác, trong quán trọ... có thể nhanh chóng trở thành tri kỷ. Nhưng ngày nay bên cạnh nhiệm vụ chung dù có giống nhau, chúng ta đã còn thêm nhiều quan hệ, nhiều bận tâm mới, dễ làm cho cả những đôi bạn rất thân ngày kháng chiến khó mà gần gũi nhau như xưa. ở đô thị này, thời giờ càng eo hẹp, thường thường ngày chủ nhật ai nấy đều có kế hoạch từng giờ rồi. Thái độ của anh bạn như vậy, đúng là không nên quấy rầy, tôi đi thẳng. Nhưng lòng tự ái của tôi vẫn bị va chạm. Nó bắt đôi mắt tôi phải nhìn anh lần nữa, để xem có nhận thấy ở anh có những thay đổi gì, tuy lúc này anh đã quay lưng lại phía tôi. Anh hình như không còn ở bộ đội nữa. Quần áo của anh toàn bằng vải mầu bóng đắt tiền, và như còn nóng hổi hơi bàn là. Anh ta không có vẻ chăm chú như những người qua đường bị lưu lại chỗ bảng thông tin vì một vài tin tức cần thiết. Chắc anh ta chỉ mượn chỗ này đứng chờ làm một việc gì riêng.
Tôi đi vượt qua chỗ anh đứng chừng mười thước thì nghe tiếng người gọi tên mình phía sau. Quay đầu lại, thấy anh đang vẫy. Chúng tôi đều làm ra vẻ mừng rỡ như vừa chợt nhận ra nhau. Anh hỏi tôi:
- Bây giờ ở đâu?
- Vẫn ở đơn vị cũ.
- Khỏe không?
- Bình thường - Tôi nhìn bạn một lần nữa từ đầu đến chân rồi hỏi lại: "Chuyển ngành rồi à?".
- Không.
- Đơn vị ở Hà Nội à?
- ở Hà Nội.
Sau vài lời trao đổi về sức khỏe, công tác của nhau, tôi hỏi anh:
- Sao lại đứng đấy?
- Mình có chút việc riêng.
- Thảo nào! Rõ ràng lúc nãy đã nhìn thấy nhau, tôi đang chạy lại thì bạn quay đi. Cũng đoán bạn đang bận việc riêng, không dám làm phiền, nên đi thẳng.
Anh không bào chữa cho mình cái lỗi đã định lờ một người bạn cũ sau một thời gian khá lâu xa cách.
Câu nói của tôi hình như đã gợi lại sự thân mật của chúng tôi ngày trước, anh nhìn tôi rồi hỏi:
- Có bận việc gì không?
- Rỗi. Nhưng cậu đang bận thì để mình đi. Lần sau gặp nói chuyện nhiều.
Anh chần chừ... lần này tôi được nhìn rõ hơn, vẻ bối rối của anh bạn mà tôi đã thoáng thấy. Anh hỏi tôi:
- Có thể đi chơi với mình sáng nay không?
Bạn cũ lâu ngày mới gặp, lại thêm vẻ mặt, vẻ người khác lạ của anh gợi cho tôi sự tò mò, tôi nhận lời ngay:
- Được, chỉ sợ ảnh hưởng công việc riêng của cậu.
- Không... - Anh định nói gì nhưng ấp úng rồi thôi.
Chúng tôi cùng đi vào một quán nước vắng ở phố Tràng Thi. Tôi ôn lại anh nghe một số kỷ niệm cũ hồi còn chung sống công tác. Thỉnh thoảng anh nhếch miệng mỉm cười để hưởng ứng. Tôi cảm thấy ngay những chuyện đó nói lúc này có vẻ lạc lõng. Tôi không nói chuyện cũ nữa, và chợt nhớ ra một điều đáng phải hỏi anh ngay từ ban nãy:
- à quên chưa hỏi... Thế nào! Vợ con chưa?
Đôi mắt sâu sâu của anh hơi sáng lên. Anh gật đầu chậm rãi:
- Rồi! Lắm chuyện lắm! Mình sẽ kể cho mà nghe.
Để có thể ngồi nói chuyện được lâu lâu, anh gọi hai cốc cà-phê "phin". Tôi đã nhận thấy một số nét thay đổi ở anh. Người anh trắng trẻo và đầy hơn, cách ăn mặc hơi chải chuốt. Bộ mặt đen đen hơi ngắn, lại có đôi lưỡng quyền cao ngày trước, nay sáng ra và đầy đặn hơn. Nhưng tôi thấy anh già đi nhiều, không phải vì một vài nếp nhăn, mà vì những bóng tối đang tụ đầy trong mắt, trên vầng trán anh, vì những cử chỉ rất chậm chạp của anh. Người bạn sôi nổi hoạt động không mấy khi chịu ngồi yên của tôi ngày trước, từ lúc nói chuyện với tôi đến giờ, vẫn dán chặt hai bàn tay xòe đủ mười ngón trên cặp đùi, như các cụ xưa kia ngồi chụp ảnh. Đầu anh nghiêng về một bên, đôi mắt nhìn không chớp vào một khoảng trống trên thềm đá hoa, không buồn ngẩng nhìn xem tôi ngày nay có thay đổi gì không.
Anh bắt đầu kể chuyện...
Trở về thủ đô, tôi là đứa con lâu ngày đi xa nay được quay về quê cũ. Nhưng hồi đầu tiếp quản, tôi không thể nào gần gũi hòa hợp với cảnh người ở đây được. Có ngày chủ nhật, ăn cơm sáng xong, tôi ngủ miết cho đến bữa chiều. Cũng có những ngày nghỉ, tôi tự giam mình trong hết rạp chiếu bóng này qua rạp chiếu bóng khác. Thà thế còn dễ chịu hơn tiếp xúc với những người xung quanh. Gặp họ tôi bắt đầu lúng túng ngay vì những cái nghiêng mình thi lễ, những câu mời chào làm ra vẻ thân mật một cách rất không tự nhiên. Người ta lúc cần phải cười, lúc không cần phải cười. Người ta làm duyên làm dáng cố ép cho những lời nói trở nên ngon ngọt và kéo dài, trong khi chỉ cần trao đổi với nhau rất chóng vánh một vấn đề thực tế. Nhiều lần sau khi gặp gỡ trao đổi với ai, tôi không tránh khỏi có cảm giác là những điều người đó nghĩ có lẽ khác hơn những điều họ vừa nói với mình. Vì thế, một người ưa hoạt động, thích mở rộng sự quen thuộc, tôi bỗng trở nên lầm lì, trốn tránh sự tiếp xúc với chung quanh.
Họ hàng thân thuộc ở đây, tôi chỉ có một bà cô ruột. Nhờ bà ta mà tôi đã được ăn học từ nhỏ ở Hà Nội. Nhiều lần trong kháng chiến tôi đã nghĩ đến phút vui mừng cảm động, ngày thủ đô giải phóng trở về, gặp lại cô tôi. Nhưng từ sau chỉnh quân 53, điều đó không đặt thành vấn đề nữa. Không biết bà ta còn ở lại Hà Nội hay không, nhưng những khi đi lại, tôi đều tránh qua phố C, nơi cô tôi ở cũ, để đỡ cho mình những suy nghĩ, những đối phó không cần thiết.
Hà Nội gợi cho tôi nhiều kỷ niệm cũ, nhưng đồng thời mang lại cho tôi những trống rỗng to lớn. Có lúc tôi vẩn vơ tiếc nhớ những ngày sống sôi nổi, hừng hực lửa chiến đấu từ chiến dịch này qua chiến dịch khác, trong thời kỳ kháng chiến. Tôi nghĩ đến một đồn biên phòng miền núi hay bờ biển xa xôi nào hiện nay, ngày ngày những chiến sĩ quật ngựa phi vào rừng cây bắt thổ phỉ, hoặc đứng trên đầu chiếc thuyền lướt sóng dữ đuổi theo một chiếc chấm đen vừa xuất hiện trên mặt đại dương. Lẫn vào ánh đèn điện giả làm ban ngày, trăng đêm Hà Nội đỏ đục như ngọn đèn dầu lạc thắp trong chiếc đèn chai, làm tôi nhớ lại những đêm trăng sáng mùa gặt, chung sống với bà con nông dân, tâm hồn tôi nhẹ lâng lâng bay trong ánh trăng cùng với những tiếng ca. Những buổi tha thẩn dưới vòm cây cao lưa thưa vườn Bách Thảo, tôi không thể quên được cảnh rừng già hùng vĩ Việt Bắc, nơi tôi đã sống khá lâu với đồng bào miền ngược, những người chỉ nói rất ít mà tình cảm rất nhiều, tràn trề trong khóe mắt, tiếng cười.
Một hôm tôi chạm trán thằng con cô tôi trước một rạp chiếu bóng. Nó nhận ra tôi trước. Tôi phải nói dối là mới tới Hà Nội, chưa kịp về nhà cũ tìm cô. Nó nói mẹ nó đang có nhiều thắc mắc lo lắng, định đi Nam nhưng có người gàn nên dùng dằng. Tôi đành phải hẹn nó ngày một, ngày hai cố gắng về thăm nhà. Về đơn vị tôi hội ý câu chuyện với đồng chí thủ trưởng, với ý định để đồng chí đó xét, nếu thấy cần thiết, sẽ báo cáo với cán bộ công tác khu phố tới giải thích. Mấy hôm sau, đồng chí thủ trưởng nói chuyện với tôi một buổi dài. Cuối cùng, đồng chí đó khuyên tôi nên về gia đình gặp bà ta hỏi thăm tình hình, giải thích để cho bà ta ở lại. Đồng chí đó nói: "Đây không còn là việc riêng của đồng chí, mà là một việc nằm trong nhiệm vụ của chúng ta hiện nay: tranh thủ nhân dân với đối phương. Chúng ta có lập trường quan điểm, chúng ta không ngại sự tiếp xúc với bất cứ tầng lớp nào". Ban đầu tôi không muốn đi, vì với bà ta mình đã kiểm điểm xác định thái độ rồi, đi lại không có lợi. Nhưng sau khi nghe đồng chí thủ trưởng nói, đây là một nhiệm vụ, tôi không có ý kiến gì nữa. Sau thời hạn tập kết ba trăm ngày, tên lính Pháp cuối cùng đã rút vào Nam, bà cô tôi vẫn ở lại miền Bắc. Lúc này tôi đã có một số ý nghĩ mới về cô tôi... Khi còn ít tuổi cô tôi ở nhà quê làm ruộng với ông bà tôi. Sau vì có một ông chú làm bồi cho tên chánh mật thám, cô tôi được đưa ra tỉnh. Không biết thế nào ít lâu sau cô tôi lấy tên chánh mật thám già đó. Được mấy năm, tên cáo già này chết, để lại cho cô một đứa con nhỏ và gần chục tòa nhà. Cô tôi ở vậy nuôi con. Nhờ vào thế lực cũ, và những bạn chồng, cô tôi xin được một cái đại lý độc quyền cho một hãng buôn bên Pháp. Bây giờ tôi về nhà, được cô tôi cho biết, suốt thời gian tạm chiếm cô tôi không buôn bán gì nữa, chỉ ăn chay niệm Phật sống sẻn so bằng số vốn liếng cũ và tiền cho thuê nhà. Như vậy thì thành phần tư sản mại bản của cô tôi, tới nay đã thay đổi rồi. Tôi đem trao đổi với một số đồng chí ở đơn vị. Mỗi người nói một khác. Tôi hỏi trên, đồng chí thủ trưởng giả nhời: "Việc xác định thành phần giai cáp cho các tầng lớp nhân dân ở thành phố, hiện còn có nhiều điều phức tạp nên chưa làm được. Với gia đình đồng chí, tôi cũng chưa thể có ý kiến dứt khoát thế nào. Đồng chí có đi lại tiếp tục thì chủ yếu là do mình tự xác định lấy một thái độ đúng đắn". Từ đó tôi thường đi lại nhà cô tôi.
Trong thời kỳ học tập, đấu tranh để dứt khoát tình cảm với cô tôi ngày trước, hình như sự thiên kiến đã làm suy nghĩ của tôi lệch lạc đi. Hồi đó tôi đã tưởng tượng ra cô tôi như một mụ yêu tinh, ăn thịt người, rất nham hiểm. Con yêu đó đã làm hư tôi bằng bao nhiêu hơi thở độc của nó, mà trước kia vì chưa học tập tôi không thể nhận thấy được. Cảm giác này cứ đeo đuổi mãi trong đầu óc tôi. Tới nay, tôi thấy sự thật không đúng như thế. Dù muốn hay không tôi cũng phải nhận thấy mỗi ngày một rõ, là cô tôi rất thương yêu tôi, một thứ tình thương yêu ruột thịt không kèm theo tính toán gì cả. Tôi nghĩ lại, trước kia cô tôi nuôi tôi ăn học, chẳng qua cũng chỉ vì tấm lòng thương thầy mẹ tôi nghèo, nhiều con và thương tôi chứ tuyệt không phải vì quan hệ bóc lột xã hội. Một số lời bàn tán xì xào của chung quanh làm tôi không vừa lòng. Tôi nghĩ sự học tập một chiều vào chưa sâu sắc, đã làm cho các đồng chí chúng tôi nhìn vấn đề rất thiển cận, cứng nhắc, hay chụp mũ lung tung. Im đi thì khó chịu, nhưng nói ra lại rắc rối thêm. Nếu các đồng chí đó không thông cảm, đầu tôi sẽ phải mang nặng hàng tá mũ. Ngày chủ nhật tôi đã có chỗ đi lại. Nhưng mỗi khi dắt chiếc xe đạp ra cổng hoặc về nhà, tôi có cảm giác chung quanh đã nhìn tôi bằng cặp mắt khang khác. Chẳng thể nào tránh được ở họ ý nghĩ: "Thằng này đã bén mùi tư sản rồi đây!". Tôi thấy rất phiền... Nhưng thôi kể mãi làm gì chuyện đó. Tôi phải đi vào phần chính của câu chuyện.
Nhà cô tôi là nơi tôi đã được gặp Huyền. Thím Huyền thường sai Huyền đến mời cô tôi đi lễ. Tôi vốn chưa quen với lối ăn mặc điểm trang của các cô ở Hà Nội. Ngày tôi đi kháng chiến, phụ nữ uốn tóc rất ít. Tôi rất tiếc cho những mái tóc dài óng mượt như suối chảy, êm đềm như liễu rủ, nay bị cắt cụt đi, làm quăn lên rồi bù xù, lạc lõng với khuôn mặt dịu dàng và thứ quần áo dài tha thướt của phụ nữ chúng ta. Sao người ta lại bắt chước phụ nữ châu Âu một cách lố lăng? Người phương Tây vốn sinh ra đã có mái tóc quăn, bộ tóc cắt ngắn kia chỉ thích hợp với lối phục sức ngắn gọn và thân hình khỏe mạnh của họ. Tôi khó chịu khi thấy mấy năm gần đây ở Hà Nội, người ta đã kéo thêm mấy phân cổ áo dài, bắt chước cổ áo người Trung Quốc. Sao lại dại dột đi che kín cái cổ nuột nà, khi có những đường ngấn mà tôi thấy không một thứ kiềng, dây chuyền nào có thể làm cho đẹp hơn. Những người đàn bà nhan sắc qua phai lạt, phấn son đôi chút, tôi thấy có thể tha thứ được. Nhưng những cô còn con gái mà đánh phấn bôi son, thì từ trước đến giờ tôi vẫn không thể nào ưa. Gặp họ tôi cứ phân vân không hiểu họ đẹp hay xấu, bộ mặt thực của họ ra sao? Tôi đã nhiều lần bị lừa. Bộ mặt mỹ lệ trên sân khấu cả đêm hôm trước đã làm tôi say mê, sớm hôm sau, các mầu sắc, đường nét tươi đẹp bay đi đâu mất cả, chỉ còn lại bộ mặt nhạt nhẽo, trơ trẽn. Những lúc đó tôi bực mình như người mất nhiều tiền mà mua phải của giả. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên sống với nhau cho thực. Nhưng cái miệng non nớt xinh đẹp của các cô lại luôn luôn có thể nói những câu rất chối tai... Vì vậy nên gặp Huyền những buổi đầu, tôi không hề để ý.
Đã nhiều lần cô tôi hỏi tôi về việc xây dựng gia đình. Tôi chỉ ừ ào cho qua chuyện. Thực ra, việc đó gần đây tôi hầu như phải luôn luôn nghĩ tới. Tìm vợ giữa một thành phố giải phóng, nhiều vấn đề còn rối beng lên, không phải dễ. Tôi cũng đang nhắm một người... Đó là cô con bà láng giềng với anh bạn tôi ở một xóm lao động. Cô ta khỏe mạnh dễ thương, có cặp má lúc nào cũng đỏ mọng như quả nhót chín, tưởng chừng chỉ lấy khẽ một mũi kim vào đôi má ấy là nước ngọt sẽ tứa ra. Có một anh trai đi bộ đội. Khi còn kháng chiến cô ở nhà quê làm ruộng, giờ về đây làm công trường. Từ chỗ biết nhau đến chỗ quen nhau đã xa, đến chỗ thông cảm nhau tôi còn thấy xa lắm. Về mặt này tôi rất vụng. Hàng bốn năm tuần lễ đi lại chúng tôi vẫn chưa trao đổi được với nhau gì hơn mấy câu chào hỏi. Tôi định nhờ anh bạn nhưng người bạn này cũng không thân lắm nên lúng túng mãi chưa nói ra được. Chuyện còn đang linh tinh chưa đâu vào đâu, tôi biết nói thế nào với cô tôi.
Một hôm cô tôi hỏi:
- Cô nghe nói bộ đội không được lấy con gái vùng địch phải không?
- Làm gì có điều đó ạ. Hết Pháp rồi thì còn đâu phải phân biệt vùng tự do với vùng địch. Xây dựng gia đình với người vùng nào là tùy ý mình lựa chọn. Cấp trên chỉ yêu cầu có một điều: không được lấy những người hiện nay đang làm những việc hại dân hại nước... - Tôi mỉm cười nói tiếp: và những người lấy chồng vài ba tháng, không chịu được xa nhau, xui chồng giải ngũ về nhà.
- Người ta lấy các anh chỉ vì quý các anh là bộ đội, khi nào người ta lại xúi bỏ bộ đội mà về?
- Nếu không như thế thì được thôi cô ạ... - Tôi giải thích để cô rõ thêm là không có sự phân biệt đối xử, giữa người ở tự do trước và vùng mới giải phóng bây giờ.
Nhưng cuối cùng cô tôi vui vẻ bảo tôi:
- Thế tôi hỏi cho anh một đám nhé! Được cả nết lẫn người. Gia đình ấy nền nếp lắm, lại chẳng có ai đi lính tráng, đi Pháp đi nam gì cả. Anh không phải bận tâm, phải mất thời giờ gì. Bên ấy với tôi là bạn thân, hễ xin là được ngay. Cưới về để nó ở đây với tôi, anh cứ yên tâm mà công tác... Liệu các ông trên có đồng ý không?
- Cấp trên thì không có gì cản trở, nhưng cháu đã biết ai vào với ai mà giả nhời cô được.
- Đây! Cái con bé hay mặc áo mầu cẩm thạch vẫn đến đây đấy! Tôi xin bà bên ấy nhất định được.
Vấn đề đặt ra đột ngột làm tôi lúng túng. Hôm đó tôi tránh giả nhời dứt khoát thế nào. Về nhà tôi suy nghĩ rất nhiều. Hai tuần lễ liền sau tôi đến nhà anh bạn ở xóm lao động. Cả hai lần đều không gặp Lý, việc ở công trường gấp nên Lý phải đi làm cả ngày chủ nhật. Tuần sau nữa, tôi trở lại nhà cô tôi. Vừa gặp Huyền dắt xe đạp trong nhà bước ra. Lần này gặp Huyền, tôi bỗng thấy đầu óc bối rối. "Anh!" Tiếng chào của Huyền như một tiếng đàn dương cầm thánh thót ngân vang mãi đến tai tôi. Tôi nhìn theo tà áo xanh bay múa, thân hình khỏe mạnh của Huyền uyển chuyển trên chiếc xe đạp, đến khi Huyền khuất vào cuối phố. Vào nhà, tự nhiên tôi bước tới trước tủ gương. Tôi tiếc rằng mình sớm nay đi quên chưa cạo mặt và bộ quân phục mặc từ hôm qua đã bị nhầu nát quá nhiều.
Từ hôm đó, tôi bắt đầu để ý tới các cô gái ở Hà Nội. Tôi chú ý theo dõi cuộc thảo luận về áo ngắn áo dài trên báo và dần thấy chiếc áo cộc thật ra không thích hợp lắm nếu dùng để đi chơi trên đường phố thủ đô. Tôi lại nhận thấy nếu ta ngồi chơi mát ở vườn hoa, mắt ta có thể bỏ qua nhiều bóng áo cộc nhưng không thể nào bỏ qua được một bóng áo dài. Những tà áo nhiều mầu sắc đó như cánh thuyền buồm trên mặt biển, thu hút cặp mắt ta từ xa, buộc ta phải nhìn cho đến lúc nó tới gần. Tôi cũng không thấy khó chịu lắm nữa với những mái tóc uốn cắt ngắn. Rồi tôi cũng nhận ra rằng: có những khuôn mặt nếu thêm vào mái tóc uốn thì xinh càng thêm xinh. Tôi cho rằng mình giống như người đi xa, lâu ngày nơi non cao rừng rậm, về nhà thấy khu vườn cũ hoa lá được chăm sóc, xén tỉa gọn gàng tươi đẹp, chưa quen mắt tưởng như đó không phải là vườn của mình; nhưng ngày nay đã nhận thấy đúng là vườn nhà mình, thì muôn hồng nghìn tía lại rực rỡ tươi đẹp như xưa. Mới hay những thói quen thường làm cái cảm cái nhìn của ta lệch lạc đi.
Chung quanh tôi nhiều bạn bè cũng đang có nhiều chuyển hướng mới trong việc xây dựng. Họ nói chuyện tới trường học, tới đường phố, nhiều hơn là nhắc tới nông thôn, tới công trường như trước kia. Tôi được nghe nhiều chuyện chạy đuổi ráo riết, nhiều thành công, nhiều thất vọng. Các nhà cho thuê cưới ngày đêm chật ních người. Tôi luôn luôn nhận được những lá thiếp mời có hai chữ đầu tiên lồng vào nhau và đôi chim bồ câu hòa bình. Chiều thứ bảy, chật vật và may mắn lắm mới giành cho mình được chiếc xe công của cơ quan. Tôi bắt đầu lấy làm lạ không hiểu sao, những ngày nghỉ trước kia, mình có thể ở nhà cả ngày. Mầu sắc, âm thanh của thành phố đã làm tôi, nếu phải xa ít ngày, rất nhớ. Hoàn cảnh xung quanh càng thôi thúc tôi sớm quyết định hướng lựa chọn của mình. Tôi thấy có nhiều may mắn hơn các bạn bè xung quanh... Tôi chỉ cần nói ra một nhời thôi, là có thể làm chủ ngay một đóa hoa mà nhiều người mơ ước, đang phải lật đật vất vả cũng chưa gần được kia.
Tôi tìm hiểu thêm về Huyền và gia đình. Huyền có một hoàn cảnh gần giống tôi ngày xưa. Bố mẹ chết sớm, Huyền phải ở với chú thím. Nuôi Huyền từ nhỏ nên chú thím thương Huyền như con đẻ. Nhà bận bán hàng tạp hóa, Huyền phải thôi học từ ba năm nay. Tôi phân vân cân nhắc một thời gian... Huyền là con gái mới nhớn lên, thiếu tình thương của bố mẹ đẻ, văn hóa kém, lại ở trong một gia đình buôn bán thường, như vậy sự tiêm nhiễm những cái xấu, cái rởm của xã hội này có thể hạn chế hơn. Huyền còn ít tuổi, mới 19, kém tôi gần chục tuổi. Với cái tuổi non nớt ấy, nếu tư tưởng có gì lệch lạc, điều mà tôi lo nhất, tôi tin mình giáo dục được. Về hình thức được quá đi mất rồi. Có những đồng chí tài hoa, hình thức hơn tôi, mê mệt những cô gái mà tôi thấy còn kém Huyền xa... Cân nhắc mọi mặt như vậy, tôi thấy được. Và tôi bắt đầu lo, nửa tin nửa ngờ, không biết cô tôi có thể làm được điều đã nói với mình không.
Cô tôi không chủ quan lắm. Gia đình Huyền được cô tôi giúp đỡ nhiều, nên với cô tôi rất vì nể. Với đơn vị, lại gặp được lúc tình hình sai lầm cải cách ruộng đất chỉnh đốn tổ chức đang gây nhiều rối ren, việc xây dựng gia đình của tôi, đáng lẽ với mọi khi cũng còn phải điều tra đi lại khá lôi thôi, nay được giải quyết dễ dàng. Nhờ sự mối manh, giúp đỡ trong việc hỏi cưới, một tháng sau khi trả lời cô tôi, chúng tôi đã thành vợ chồng. Hạnh phúc đến với tôi khá đột ngột.
Tình yêu đúng như lời người ta nói, có những phép mầu lạ kỳ... nó chắp cho người ta những đôi cánh mới, bay rất cao, rất xa, bay vào cõi thần tiên của những giấc mơ. Có thêm Huyền, những nơi chúng tôi chung sống như đều xây trên những đám mây, làm cho tôi cảm thấy bỡ ngỡ, đi, đứng, ngồi, nằm thấy nhẹ lâng lâng. Huyền là cả một thế giới mới. Huyền đã đem lại cho tôi những hạnh phúc mà mười năm trời nay, kẻ thù đã cắt xén của tôi. Cuộc sống đã đẹp như giấc mơ, thì những giấc mơ thật, đã làm tôi nhiều lần kinh hãi. Một lần tôi mơ thấy Huyền nằm bên cạnh mình, chúng tôi đang say mê âu yếm nhau, chợt Huyền vụt biến đi đâu mất. Trong giấc mơ tôi lại nghĩ, thôi đúng mình đã gặp Huyền trong một giấc mơ nào. Huyền không thể có ở cõi đời. Vì cõi đời không thể nhiều hạnh phúc như vậy. Tôi là bộ đội, đời tôi là chinh chiến, tôi còn phải vác gạo leo đèo những ngày nắng mưa đói rét, đi để diệt quân thù. Trời đất xung quanh bỗng sa sầm lại. Gió quằn quại thở dài trên những rặng cây ven hồ... Cơn gió lạnh thực của đêm đông làm tôi tỉnh giấc. Tôi ngơ ngác nhìn xung quanh... Đèn điện bên ngoài hắt qua cửa kính một ánh sáng mờ mờ. Rõ ràng là căn buồng của tôi. Và Huyền vẫn nằm bên tôi. Bấm vào đùi, thấy đau. Tôi mừng rỡ thấy cuộc đời thực của tôi vẫn đẹp vô cùng. Giữa lúc tôi đang nằm im lặng để tận hưởng phút vui mừng sung sướng của mình, thì Huyền quờ tay qua người tôi. Thấy tôi nằm hở ra ngoài, nàng sẽ kéo chăn đắp cho tôi. Tôi nắm chặt tay nàng đưa lên miệng hôn, rồi ôm chặt lấy nàng và nói: "Anh cảm ơn em đã mang lại hạnh phúc cho anh. Em là nàng tiên đừng bao giờ bay khỏi tay anh nhớ!" Tôi cứ muốn được sống lại mãi mãi những phút như thế. Có những đêm tôi vờ mê ngủ đạp chăn tuột ra để chờ nàng đắp lại hộ. Không may đêm đó nàng lại ngủ say. Tôi cố gan nằm lạnh và thức hơn một tiếng đồng hồ. Cuối cùng tôi tự cười mình, và kéo lấy chăn đắp cả cho nàng.
Mười năm trời sống tập thể ở đơn vị, mỗi khi ăn cơm chúng ta đã quen vác bát chạy từ đầu bàn đến cuối bàn để xới, thay một bộ quần áo, phải tính từng phút tranh thủ giặt phơi... Bây giờ, bát vừa và hết đã có một bàn tay yêu dấu đón ngay lấy xới, đơm và đưa lại tận tay mình; quần áo buổi sớm thay ra để đó buổi chiều đã thấy thơm tho nằm vuông vắn ở góc giường. Chỉ có những người đi bộ đội lâu ngày, lăn mình trong khói lửa, chưa hề biết đến chút hạnh phúc gia đình, mới tận hưởng được những cái vui mà tôi được hưởng.
Suốt thời gian nghỉ phép, tôi không muốn xa nàng một phút. Gần bên nhau đã tận hưởng sự yêu đương rồi, xa Huyền tôi càng thấy yêu Huyền thêm. Có thể nói không lúc nào tôi không nghĩ đến Huyền, không một sự việc thay đổi nào không làm tôi liên tưởng đến Huyền. Tôi thường cảm ơn cô tôi, người đã tác thành cho tôi, đã mang lại cho tôi hạnh phúc ngày nay. Đêm chủ nhật về đơn vị đã mong cho thứ bẩy chóng đến. Ngày thứ bẩy đến là tôi bồn chồn ruột gan. Tôi mong gặp nàng đến nỗi trong óc tôi hiện ra bao nhiêu tai ương... Có thể lát nữa tôi bị ốm, có thể lát nữa trời sẽ mưa thật to, gió thật lớn. Có thể hôm nay cô tôi đã sai nàng đi một tỉnh xa nào... Tôi nghĩ rằng sao mình lại có thể có hạnh phúc được gặp nàng tối nay... Tuy vậy không phải vì thế mà tôi bê trễ công tác. Nàng có ngự trị trong đầu óc tôi, chiếm một số khá lớn thời gian. Nhưng nàng đã mang lại cho tôi một tâm hồn nhẹ lâng lâng, không chút gợn, nó giúp cho tôi làm mọi việc không biết mệt mỏi và với một nguồn vui. Thường ngày tôi hay đùa, lại dễ cáu vì sự đùa nghịch của anh em. Nay tôi bỗng trở thành tươi vui, không chớt nhả, dễ tha thứ với chung quanh, và giàu lòng thương những đồng chí đang buồn vì chuyện gia đình. Tình yêu đã làm cho tôi tươi, tốt hơn lên.
Dần dần tôi bỗng nhận thấy một điều... Sao Huyền ít nói quá, và ít bộc lộ tình cảm. Tôi không dám nghĩ là nàng có thái độ lành lạnh. Lấy nhau đã lâu vẫn thấy nàng không tâm sự, không bộc lộ một thứ tình cảm gì đặc biệt. Thái độ này lúc đầu chính là làm tôi tin tưởng ở nàng hơn. Không phải chỉ là tôi thích những loại người kín đáo thùy mỵ mà tôi thấy thái độ đó nói lên cái e thẹn, cái trong sạch của một người con gái còn ngây thơ, chưa đụng chạm với đời, với đàn ông. Nhưng bây giờ đã thành vợ chồng, sự yên lặng đó vẫn kéo dài, làm tôi cảm thấy đôi lúc, hay nàng có một tâm sự gì riêng chưa thoải mái, hay nàng chưa yêu tôi lắm. Tôi đã khêu gợi nàng về chuyện đó. Nhưng càng gạn hỏi, tôi thấy hình như càng gây cho nàng thêm sự khó chịu. Tôi lại nghĩ, có khi sự khó chịu này do tại nàng buồn vì thấy tôi đã ngờ vực tình yêu của nàng đối với tôi. Riêng những khi xác thịt gần nhau, thì tôi thấy nàng bộc lộ ra với tôi rất hòa hợp, rất say sưa. Hai mươi tám tuổi đầu tôi vẫn rất bỡ ngỡ về sự chung đụng nam nữ. Trước khi lấy vợ, tôi cho rằng người ta chung đụng với nhau như vậy trong sự hổ thẹn của đôi bên. Nhưng ngày nay tôi đã nghĩ ra, trong tình yêu của vợ chồng, những phút sinh lý chính là những phút người ta bộc lộ với nhau những tình cảm, những khát khao yêu đương bậc nhất. Và tôi thấy nàng đã bộc lộ với tôi rất nhiều tình cảm... Sao tôi lại tự mua lấy những thắc mắc, suy nghĩ: nàng có yêu tôi hay không?
Sự đi lại ra vào doanh trại của cán bộ được quy định rộng rãi hơn, tôi năng có dịp tạt qua nhà. Trong những khi đi về bất chợt này, tôi rất ít gặp Huyền. Điều này làm tôi phải nghĩ ngợi. Một hôm về nhà không gặp Huyền, tôi đi tìm nàng, tôi đến nhà một người bạn Huyền ở phố Huế, người đã đến xin phép cho Huyền cùng đi chơi sớm hôm nay. Đứa em cô ta cho tôi biết Huyền không đến đây, và chị nó sáng đi chơi một lúc đã về nhà ngay. Tôi gặp cô ta, hỏi Huyền đâu, thái độ cô ta hơi lạnh lùng. Sau đó cô ta nói:
- Sáng em đến rủ Huyền ra mậu dịch. Huyền tìm không thấy hàng may áo nên lại lên Hàng Đào. Còn em về nhà để thổi cơm.
Buổi tối hôm đó, tôi được phép về nhà. Khác với mọi khi, tôi ít nói chuyện, lên giường nằm, mở một quyển tiểu thuyết ra đọc. Những dòng chữ nhảy múa trước mắt. Tôi cố chịu đựng, giở hết trang này sang trang khác, cốt chờ xem trước sự thay đổi của mình như vậy Huyền sẽ có thái độ như thế nào. Tôi chỉ mong Huyền chạy đến bên, ngước mắt nhìn âu yếm hỏi tôi một câu: "Anh làm sao thế?", chỉ một câu thôi, buồn giận của tôi sẽ tiêu tan. Nhưng Huyền vẫn lạnh lẽo và có vẻ không quan tâm gì hết. Tôi càng tức già.
Nhà tắt đèn đi ngủ. Nằm yên lặng một lúc lâu, tôi hỏi Huyền bằng một giọng khô ráo:
- Sáng nay em đi chơi đâu?
- Em đến nhà Cúc chơi, định mượn nó mấy quyển truyện về đọc.
Tôi như người bất thần bị rơi xuống một bể nước lạnh. Vì sao Huyền phải nói dối tôi? Tôi nghĩ đến thái độ của Huyền và sự hay vắng mặt của Huyền từ trước đến giờ. Một cái gì chẹn lấy cổ họng làm tôi nghẹt thở. Tôi không nói được nữa. May mà đèn đã tắt, Huyền không nhìn thấy sự thay đổi trên mặt của tôi lúc đó. Một lát sau, tôi cố giữ giọng nói cho bình tĩnh:
- Có việc gì mà em nói dối anh? Anh biết sớm nay em không đến nhà Cúc.
Huyền hơi lúng túng nhưng vẫn cố cãi:
- Thế thì anh bảo em đi đâu?
- Em đi đâu, anh không biết. Nhưng không phải em đến nhà Cúc. Sớm nay anh về không thấy em, anh đến nhà Cúc tìm. Cúc bảo có đến nhà ta rủ em đi, nhưng mỗi người đi một nơi.
Huyền nằm im, tôi đã biết rằng cả Huyền và Cúc đều nói dối mình. Chắc họ định giấu diếm tôi một cái gì. Tôi đoán là Huyền đang bối rối, tôi nói tiếp:
- Anh rất tin em, anh không muốn bao giờ em nói dối anh. Bây giờ em đã là vợ anh, em phải khác với lúc còn là con gái. Anh không muốn em đi chơi nhiều. Em hãy nói cho anh biết: Em hay lui tới những nhà ai? Làm gì? Anh cần biết để giúp đỡ em.
Lời nói của tôi lúc đó có lẽ nghiêm khắc quá làm Huyền phát cáu:
- Làm gì mà tra hỏi như quan tòa thế? Ai cũng có bạn. Anh cũng có tự do.
- Anh không cấm đoán tự do của em. Nhưng anh là chồng em, anh cần phải hỏi em những điều có liên hệ đến hạnh phúc chung của chúng ta.
- Bố mẹ tôi sống lại cũng không kiềm chế tôi được. Chỉ có anh biết giữ hạnh phúc, dễ thường tôi không biết giữ hạnh phúc. Hạnh phúc nào cũng phải có tự do.
Lời qua tiếng lại xô xát như thế một lúc, tôi tung chăn đứng dậy mặc quần áo bỏ đi ra ngoài. Huyền không giữ tôi lại.
Đường phố về khuya đã vắng. Rét luồn qua quần áo bò vào thân thể, làm tôi cóng buốt. Cuối xóm lập lòe ánh lửa ấm của gánh phở rong. Hơi lạnh làm dịu dần ngọn lửa giận đang bốc cháy trong đầu tôi. Tôi đút hai tay vào trong túi quần, nghiến chặt hai hàm răng lại để chống với cái lạnh đêm đông, bước chậm chậm trên vỉa hè. Một cặp vợ chồng mặc quần áo ấm to sù, chắc đi xem hát khuya về, ngồi sát cạnh nhau bên bếp nước dùng phở, lửa cháy bập bùng. Tôi nhớ lại những đêm ấm cúng của vợ chồng tôi trong những ngày qua. Tự nhiên tôi hối hận về những lời nói, những cử chỉ của mình ban nãy. Chắc vì thái độ quá gay gắt của tôi nên Huyền bực mình. Nếu Huyền có điều gì ám muội, tôi chắc Huyền không dám có thái độ bực giọc, gần như hỗn xược với tôi như vậy. Tôi thầm trách tính nóng nảy của mình. Mỗi lần nóng xong lại thấy mình dại, lại thấy mình đã gây ra những việc đáng tiếc. Tôi ái ngại cho Huyền đêm nay nằm một mình, chắc không ngủ được, và sẽ vẫn rấm rứt khóc vì những lời lẽ quá tàn nhẫn của tôi. Tôi nhớ tới cái mái ấm và hơi thở nóng hổi của Huyền. Hai bàn chân tôi bỗng dừng lại trước một ngã ba đường. Về doanh trại bây giờ đã quá khuya, giấy tờ lôi thôi, lại mất giấc ngủ của anh em. Đến nhà một vài người bạn thân, chắc họ cũng đã ngủ từ lâu. Chả nhẽ lang thang suốt đêm trong sương lạnh giá rét thế này? Nghĩ ngợi một lát tôi quay người và hăm hở bước trở về nhà.
Huyền ra mở cửa. Hơi lạnh lùa vào làm nàng run lẩy bẩy. Tôi ôm chầm lấy Huyền và hôn như mưa trên mặt nàng: - "Em đừng giận anh. Tính anh đôi khi có những phút nóng nảy như thé". Một lát sau chúng tôi đã nằm ấm áp trong chăn. Gió hú từng hồi trên mái nhà. Những chuyện ban nãy hầu như đã quên hết Huyền ghì chặt lấy tôi nhiều lúc như điên như dại. Chúng tôi đã rời khỏi tay nhau, đang nằm yên lặng để tận hưởng những giờ phút hạnh phúc của vợ chồng. Chợt Huyền hỏi tôi:
- Sao anh khỏe thế?
- Chỉ vì anh yêu em quá đấy thôi.
Huyền yên lặng một lát, lại nói tiếp:
- Bộ đội các ông "cây quỷnh!"
Một luồng máu nóng bốc lên thái dương, tôi hỏi:
- Sao em lại nói thế?
- Nói thực thế đấy! Nhiều đứa nó nói, chả riêng gì em.
- Vì sao, em nói cho anh nghe đi...
Tôi gạn hỏi một lúc. Huyền mới giả nhời:
- Hôn chả có một tý tình cảm! Kém tụi thanh niên Hà Nội xa.
Những ý nghĩ nóng bực ở đâu lại rầm rầm kéo về cả trong đầu óc tôi.
- Bao nhiêu thanh niên đã hôn em rồi?
Huyền nghĩ, rồi nói bằng một giọng rất liều:
- Đứa nào mà hôn được!
- Nếu không sao em biết mà so sánh? Lại thêm một lần nữa em nói dối anh. Anh không ghen đâu. Em cứ nói thực đi.
Bị tôi dồn mãi, cuối cùng Huyền nói:
- Thì em nói thực!... Nói thực là không đứa nào hôn được em vì em chưa yêu ai cả. Kể cả anh, em cũng không yêu.
- Không yêu sao lại lấy anh?
- Không lấy anh thì phải lấy người khác. Người khác em cũng không yêu. Lấy anh là bộ đội thì không sợ bị lừa. Chúng nó bảo: Trông anh "cà tể" lắm không thể "mê" được. Em vẫn không thấy yêu anh đâu.
Sau khi nghe Huyền nói thế, tôi đau đớn nằm im lặng đi, thức cho đến sáng. Huyền thỉnh thoảng lại gác chân gác tay lên người tôi, tôi không thể rung động gì nữa. Từ khi lấy nhau đến giờ, thực ra nàng đối với tôi chỉ hòa hợp được trên mặt xác thịt này. Tôi đã bắt đầu hiểu được thái độ lạnh lẽo và sự hay vắng nhà của Huyền. Sự săn sóc một đôi khi nàng có với tôi phải chăng, chẳng qua chỉ là những hành động thông thường của một người vợ đối với chồng, dù không yêu...
(Tiếp theo)
Người chủ hiệu giải khát đã cất "phin" và pha thêm nước sôi vào hai cốc cà phê. Anh bạn cũ của tôi không nói chuyện nữa. Nhưng chỉ nhìn nét mặt và dáng người của anh, tôi thấy lúc này anh đang nói với tôi rất nhiều. Tôi đã được chứng kiến nhiều về vẻ buồn... vẻ buồn của người chiến sĩ sau một trận đánh không hoàn thành, vẻ buồn của người mẹ có con chết trận, vẻ buồn của người nông dân khi ôn lại quãng đời khổ cực của mình... Tất cả những thứ buồn ấy tôi thấy nó đều còn pha ít nhiều chút sinh khí. Nhưng anh bạn tôi lúc này đang buồn một cách đổ sụp, giống như một tàu lá đu đủ úa vàng, cả người anh đều rũ xuống. Tôi cần phải hiểu rõ thêm câu chuyện của anh, tuy biết rằng như vậy sẽ chạm vào vết thương đau đớn nhất của anh. Tôi hỏi:
- Bây giờ thì ra sao?
Anh nghe chưa rõ, ngước nhìn tôi bằng cặp mắt khẩn khoản:
- Hôm nay cần có cậu đi với mình. Cậu đã bảo không bận mà!
- ừ không bận. Nhưng mình muốn hỏi chuyện đó sau ra sao?
Anh khẽ gật đầu, và một lát lại kể tiếp...
Đêm tôi vừa kể trên, đã đánh một cái mốc bắt đầu bước ngoặt mới của cuộc đời vợ chồng chúng tôi. Tôi đã nhìn thấy rõ Huyền hơn. Nàng cũng biết thế, nên cứ thế mà sống với tôi, mỗi ngày một quá quắt hơn. Tôi không thể tưởng tượng được một người con gái ít tuổi, sống trong một gia đình nền nếp, có cái bề ngoài ngây thơ đã làm cho tôi lúc đầu đánh giá nàng như một tấm gương thật trong, chưa bị phủ mờ chút hơi thở của cuộc sống, nhất là hơi thở của một người con giai, bây giờ lại bộc lộ ra một cách lạ lùng như vậy. Nàng nói vì sao đã lấy tôi: "Em không kết lấy bộ đội đâu, người lúc nào cũng như cây gỗ, trông thực mất cảm tình nhưng cũng có đứa nó khuyên em nhà cô anh giàu không phải vất vả, lại không phải làm dâu vì bố mẹ anh đã mất, anh lại xa nhà luôn, tha hồ tự do. Một phần tại thím em, không lấy cũng không xong, mới tý tuổi đầu thế này, em thiết gì chồng với con". Tôi đã phải đi hầu hết các hiệu sách ở Hà Nội, mới kiếm mua được bức tranh hai em bé ôm chim bồ câu, mang về dán ở đầu giường. Nàng đã lột đi lúc nào không biết và bảo với tôi: "Chưa có cái gì cả đâu! Có con bây giờ coi như là hết đời. Bao giờ ba mươi tuổi mới đẻ. Anh phải làm cách nào vợ chồng gần nhau không có con mới được. Nếu không thì đừng gần nhau nữa. Anh cần "giải quyết" em đưa anh đi nơi khác. Em biết khối đĩ quý phái". Thấy tôi gần đây năng tạt về nhà, nàng bảo: "Anh đừng lo. Trẻ tuổi thì ham chơi thôi. Lấy chồng rồi không để chồng mọc sừng đâu. Nếu hư thì anh có về nhiều hơn nữa, anh cũng không giữ được. Chỉ cần buổi trưa đi vắng nửa tiếng là đủ rồi... Nghe nói vợ ngoại tình hay tìm cách hại chồng phải không anh". Có khi nàng hỏi tôi những câu rất lạ: "Anh này, nếu bây giờ ở ta lại xẩy ra những vụ như ở Hung-ga-ri, anh có sợ bị phản động treo cổ không?"...
Những chuyện đó như là những tảng đá lớn choảng vào màng dây thần kinh của tôi, làm tôi bị hết choáng váng này qua choáng váng khác. Tôi hiểu rằng ngoài cuộc sống ở gia đình với cô tôi và tôi, Huyền còn có một cuộc sống rất khác, ở nơi khác, khá phức tạp và nguy hiểm. ở đây chắc rằng nàng sống thực và thoải mái. Huyền đã xa tôi, không riêng về tình cảm mà còn nhiều mặt khác nữa. Có lúc tôi thấy nàng giống như một con sâu róm, tôi ghê tởm những sự chung đụng với nàng. Mỗi lần gần gũi nàng là những lông độc ghê gớm của con sâu róm đó xuyên vào da thit tôi nhức nhối, thành ung thành nhọt. Chúng tôi không thể chung sống cùng nhau được... Tôi đã được rèn luyện mười năm bằng gió lửa, mưa thép kháng chiến, tôi không còn là người học sinh ngày đầu bỡ ngỡ bước vào cuộc Cách mạng. Còn Huyền, nàng thấp kém quá, nàng không thể là vợ một người quân nhân cách mạng như tôi. Chúng tôi là hai thế giới không thể nào gần nhau được. Tôi lại nghĩ, giá mình cứ kiên tâm theo đuổi Lý... ít nhất tôi cũng không phải chịu những đau đớn như thế này. Tôi đã ghìm mình ở đơn vị suốt một tuần không tạt về nhà. Nhưng chỉ được một thời gian... tâm hồn tôi bị dày xé mãnh liệt. Càng cố quên nàng, nàng càng hiện lên rực rỡ hơn trong đầu óc tôi, với một sức mạnh cuốn hút lạ thường. Nếu lúc đó nàng ở trước mặt tôi, thì tôi sẽ như một con thiêu thân lao vụt mình vào lửa. Huyền có những cái mà Lý không thể có được. Trước kia Lý có bao giờ làm tôi say mê thế này? Có lúc tôi thấy Huyền như một nàng tiên có cánh, đang dần dần bay xa mình, hương sắc vẫn còn thoảng lại làm tôi ngây ngất. Tôi nhìn lại thực tế: hiện nay Huyền vẫn là vợ tôi, tôi vẫn là chồng nàng, và tôi có thể giữ không để bao giờ nàng xa tôi được. Trong những ngày đau đớn đó, tôi cảm thấy đã yêu nàng quá mất rồi. Đời tôi, đây là lần yêu đầu. Tôi sẽ không chịu nổi sự đau đớn, nếu tôi phải xa nàng. Thế rồi tôi lại về nhà. Đầu óc tôi nhiều lúc như điên cuồng. Còn nàng, vẫn như một con bươm bướm nhởn nhơ trước mắt. Mặc dầu tôi khuyên bảo, nàng vẫn đi chơi rất nhiều, và không bao giờ chịu nói cho tôi biết nàng chơi ở những nơi nào. Bảo nàng không được, có lần tôi giận dỗi bỏ về đơn vị trong ngày nghỉ. Nhưng sau biết làm như vậy là dại. Tôi vắng nhà lại càng thuận lợi cho việc nàng đi chơi.
Một buổi trưa chủ nhật, tôi nằm nhà bị thiếp đi trong một giấc ngủ khá dài, tỉnh giấc, không thấy nàng đâu. Hỏi u già, biết nàng đi chơi từ lúc tôi mới bắt đầu ngủ. Khi Huyền về, tôi thấy hôm nay Huyền đánh phấn. Nhìn kỹ mặt nàng, tôi bắt gặp một vết ố trên má bên phải. Tôi hỏi nàng:
- Ai vừa mới hôn em?
- Ai hôn?
- Đừng chối nữa, bên má bên này.
- à! Có. Con bạn em nó đùa.
- Em đừng nhẹ dạ...
- Em không bao giờ nhẹ dạ.
- Không nhẹ dạ thì đúng là em đã cố tình.
- ừ thì mấy thằng cà lơ nó hôn đấy. Tôi không yêu anh. Anh tồi lắm!
Tôi chồm lên:
- Cô nhắc lại câu cô vừa nói!
Chừng như thấy thái độ tôi lúc đó dữ tợn quá, nàng vội đổi giọng:
- Sao em nói anh không tin? Con bạn nó đùa. Em đã nói rồi anh cứ tra hỏi mãi.
Nghĩ đến mình là bộ đội, tôi cố nén cái giận trong đầu. Cũng may lúc đó nàng không dám nói câu gì láo xược nữa. Thái độ của tôi hôm ấy làm nàng e sợ được ít ngày. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Nàng thì hình như không thể kìm nổi những cá tính, những ham thích của mình mà tôi đã không đem lại được đầy đủ. Còn tôi, tôi không thể lúc nào cũng cứng rắn với nàng như hôm đó.
Tôi thấy phải tìm hiểu thêm về nàng. Người ta bảo nàng lắm bạn, và hay đàn đúm chơi bời. Nhưng không ai nói cho tôi biết những điều cụ thể hơn. Tôi có tìm đến một số bạn bè của nàng mà tôi đã biết. Tôi cảm thấy họ rất khôn ngoan. Họ nói rất nhiều, rút cục chẳng để tôi hiểu biết thêm về nàng. Mặt khác, với các loại bạn của nàng, tôi không thể nào ngồi chịu chuyện lâu được. Về gia đình Huyền, tôi không tìm được điều gì đáng chú ý lắm. Bà thím Huyền buôn bán thạo. Ngoài việc buôn bán và đi lễ ra bà không biết đến gì khác. Ông chú Huyền là viên chức lưu dung, hiền lành ít chơi bời. Mấy đứa em Huyền đều còn nhỏ đang đi học. Tôi tìm đến chị vợ một anh bạn, dạy học đã lâu năm ở Hà Nội. Chị cho biết: "ở Hà Nội có một lớp các cô như vậy đó, họ chỉ biết có ăn ngon, mặc đẹp, đọc tiểu thuyết tình, chơi bời phóng đáng, ngoài ra không biết đến gì nữa. Các anh mới về nên lấy thế làm lạ lắm..." Chị đó an ủi tôi: "Các chị ấy còn ít tuổi nên thế, rồi mỗi tuổi nó một thay đổi đi. Với ông bộ đội thì lo gì! Khó mấy mà các ông chả giáo dục được". Rồi chị nhìn tôi một cách thương hại: "Các anh hiền lành quá! Đối với các cô còn ít tuổi khô khan thì không được đâu. Phải đi hỏi anh em người ta truyền bá cho ít kinh nghiệm để chiều chuộng các cô ấy..." Tôi lại phải nghĩ cả về mình. Thực ra tôi cũng có nhiều nhược điểm, nhiều chênh lệch so với Huyền. Huyền còn trẻ có nhan sắc, ưa thích những cái gì uốn éo, vừa duyên dáng, vừa hùng theo điệu ở đây. Tôi thì nhiều tuổi hơn, lại bỡ ngỡ vụng về, tôi không thể có những cái uốn éo trong tình cảm, trong sinh hoạt để thỏa mãn được nàng. Gần đây, tôi phải làm lại những cái mà từ lâu tôi đã quên đi. Tôi mới tập chải đầu từ tháng nay, mới may mặc một số quần áo này; trước kia có bao giờ tôi nghĩ đến chuyện đó đâu; bộ đội phát gì mặc nấy, miễn là có quần áo là được rồi.
Tôi nghĩ đến chuyện kiên trì giáo dục Huyền nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Tôi kể chuyện chiến đấu, để Huyền hiểu cái đẹp của người chiến sĩ. Những chuyện đó không bao giờ hấp dẫn được Huyền. Sách truyện tôi mang về Huyền không đọc, nhưng trong tủ không bao giờ thiếu những sách Huyền đi mượn về và xem rất say mê: "Đảng thập tự đỏ, Ngũ kiếm hổ, Lấy máu vì tình". Thiếu truyện đọc Huyền lại đi chơi. Tôi nhiều lúc rất bực, vẫn phải mượn một số truyện như thế về cho Huyền xem. Tôi nói chuyện với Huyền về chính trị một vài lần. Huyền kêu lên: "Khổ lỗ tai lắm, đừng nói chuyện ấy nữa!" Tôi định đưa Huyền lại chơi nhà một số bạn bè, định lấy sự làm ăn, lo lắng gia đình của họ, giúp Huyền nhìn thấy thực tế, và nhờ họ giúp đỡ uốn nắn thêm cho Huyền về tư tưởng, Huyền không bao giờ chịu đi. Nhưng trong tất cả các mặt của Huyền, điều làm tôi đau xót nhất vẫn là: Huyền đã mang tình yêu của nàng, cả tinh thần và vật chất cho những kẻ khác. Và tôi nghĩ rằng: lấy tôi, chính là dịp tốt để Huyền phát triển cái hư hỏng của mình.
Nắng bắt đầu lên. Những dòng người, xe đạp, ô-tô đủ các mầu sắc, ngày càng đông đảo trôi ngược, trôi xuôi trên thành phố. Đang ngồi với anh bạn tôi chợt nhớ lại một buổi trưa hè trên con đường Điện Biên, người cũng đi ngược xuôi nườm nượp thế này. Phía trước phi cơ địch vừa oanh tạc làm sạt mất một quãng đường và cháy trụi một quả đồi. Người ta đang nhắc nhau cẩn thận, chú ý bom nổ chậm, bom bươm bướm, phải vượt qua quãng đường địch vừa oanh tạc thật nhanh, đề phòng phi cơ có thể bất thần trở lại. Tôi cũng hành quân tới đó. Nghe tiếng nói quen quen, nhìn sang bên đường, thấy anh bạn đang động viên một số đơn vị bộ đội và dân công ra sửa đường. Anh đứng trên một thân cây đổ, mặc một chiếc áo cổ cuông, cúc đứt, ngực áo trễ xuống, quần xắn ống thấp ống cao, mặt anh đỏ như lửa, miệng sang sảng: "... Con đường này là mạch máu, mạch máu không lưu thông người khó sống, chiến dịch khó thắng lợi. Chúng ta phải dũng cảm xông ra hàn gắn lại bảo đảm đêm nay pháo qua được..." Trong khi mọi người đang hồi hộp bước cho nhanh khỏi quãng đường nguy hiểm, nhìn bóng anh vươn lên trong đoàn người anh dũng đang bám chặt lấy nó để chiến đấu với địch, tôi bỗng thấy anh bạn đẹp lạ lùng.
Giờ đây anh vẫn ngồi trước mặt tôi, mái tóc chải uốn éo một cách vụng về, chiếc áo sơ mi kẻ ô đắt tiền ôm cứng lấy người anh, mặt anh nhợt nhạt, cái nhìn lo âu, chung quanh anh đang lởn vởn rất nhiều bóng tối.
Tôi hỏi anh:
- Trước tình hình này định giải quyết thế nào? Có thể giáo dục giúp đỡ để chung sống với nhau lâu dài được không?
- Giáo dục Huyền tôi thấy rất khó. Vài tháng nay hầu như tôi không còn làm được việc gì nữa vì Huyền. Lúc nào cũng như có dăm bẩy thằng bé con đang làm xiếc trong đầu. Hở chút thời gian nào lại tranh thủ đạp miết hàng chục cây số trở về nhà. Tôi cũng tính hay là cắt. Nhưng giải quyết như thế cũng khó lắm. Mình là bộ đội, lấy vợ mới sáu tháng đã ly dị, sẽ gây ảnh hưởng không tốt với nhân dân, với cả đơn vị nữa. Lại còn cô tôi... Cô tôi đã bỏ một số tiền khá lớn vào việc cưới xin. Còn một điều này... tôi vẫn rất yêu Huyền. Tôi không muốn Huyền sẽ rơi vào tay người khác. Mà tôi tin rằng tôi bỏ Huyền rồi, thì dù ba, bốn hay năm năm nữa, Huyền vẫn lấy được chồng; người chồng đó có khi về hình thức lại hơn tôi. Cậu xem chung quanh ta đấy... ở xã hội này, miễn là có chút nhan sắc, hư đến mấy vẫn lấy được chồng. ý nghĩ đó làm tôi đau đớn lắm. Còn tôi, nếu tôi bỏ Huyền, việc lấy vợ có phải mỗi lúc làm được ngay đâu! Tôi vẫn yêu Huyền lắm. Tôi không thể chịu được, khi nghĩ rằng Huyền sẽ rơi vào tay người khác... Nhưng hoàn cảnh đã đẩy tôi đến bước đường cùng, phải quyết định rồi!
Từ giờ đến trưa sẽ quyết định số phận của chúng tôi. Chúng tôi nhất định phải xa nhau! Anh mở ví, rút đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ, một trang giấy xé ở sổ tay. Tôi đọc xong. Anh bảo:
- Thôi bây giờ cậu đi với mình!
Chúng tôi đi về phía chợ Hôm rồi rẽ qua phố X, anh bạn tôi lúc này bỗng trở lên lanh lợi. Anh vào ngôi nhà ở cạnh cái biệt thự mà anh bảo vợ anh hôm nay sẽ tới đây. Tôi đứng chờ bên ngoài lòng xôn xang suy nghĩ về những việc lát nữa sẽ xảy ra. Một lát sau anh quay ra đón tôi vào. Ông chủ nhà mặc quần áo ngủ chào tôi rất lịch sự, và đưa chúng tôi lên một căn buồng gian gác trong. Ông ta nói với chúng tôi:
- Ngoài kia là "ban công" liền với mái nhà sau nhà bên đó. Trong buồng này không có cửa nhìn sang bên. Lúc làm nhà tôi ghét cái hướng tây, nên chỉ mở cửa các mặt khác. Anh bạn tôi hỏi:
- Nhà ta có thang nhỏ hay một chiếc ghế cao không?
- Để làm gì ạ?
- Những lỗ thông hơi trên tường kia là chỗ quan sát rất thuận lợi và kín đáo. Đứng ngoài bao lơn dễ lộ.
- Nếu vậy chúng tôi xin góp ý kiến với hai đồng chí thế này: chúng tôi sẽ đưa hai đồng chí mượn hai chiếc ghế cao để chậu hoa, nhưng hơi khó đứng vì mặt nó hơi hẹp...
- Được vậy thì tốt lắm!
Ông chủ nhà đưa hai chiếc ghế lên. Anh bạn tôi trèo lên đứng thử, mặt vừa ngang với lỗ thông hơi. Không kịp để chúng tôi cảm ơn, ông mỉm cười nói: "Thôi để các đồng chí thừa hành công vụ", rồi xuống nhà dưới.
Anh bạn nói với tôi:
- Mình phải đưa chứng minh thư, nói với ông ta là có nhiệm vụ theo dõi nhà này sớm hôm nay, nên mới được giúp đỡ như vậy. Cậu đứng đây thôi. Mình sẽ sang nhà bên đó, nếu cần mình gọi, cậu ra bao lơn nhảy mái ngói, sang luôn.
Tiếng nói của anh gấp gấp, giọng hồi hộp. Tôi nắm tay anh dặn một lần nữa:
- Dù trong trường hợp nào cũng phải thật bình tĩnh, hết sức tránh ầm ĩ.
- Nhìn qua lỗ thông hơi, cách dăm thước có một gian gác nhỏ. Mặt tường quay về phía tôi không có hành lang và cửa ra vào, nhưng có một cửa sổ to, cách dăm thước có một gian gác nhỏ. Mặt tường quay về phía tôi không có hành lang và cửa ra vào, nhưng có một cửa sổ to, cánh mở khá rộng. Trong buồng kê một chiếc giường con, một cái bàn viết trên để lọ hoa và một chiếc tủ nhỏ. Chủ nhân của nó dõng dớt, mặt trắng xanh thiếu máu, đôi mắt hơi nhỏ nhưng sáng và láu lỉnh. Hắn đi ra đi vào có vẻ trông ngóng ai. Thỉnh thoảng hắn đến trước gương nắn lại mái tóc sấy khô cháy, ngắm chiếc áo sơ mi vẽ hình chim cò và chiếc quần ống rất nhỏ mới là còn nguyên nếp. Theo anh bạn nói thì hắn là một tên thanh niên lêu lổng. Chiều qua về nhà, tình cờ anh bạn tôi đã bắt được mẩu giấy của hắn, hẹn vợ mình chín giờ hôm nay cố gắng đến chơi, vì lúc đó nhà hắn đi vắng cả. Anh bạn tôi đã nói dối nhà đi Hà Đông, và sớm nay đang đứng giết thời giờ ở vườn hoa Cửa Nam thì gặp tôi. Anh bảo Huyền ít nhất cũng có vài ba người yêu loại như hắn ta. Và đã đến nước này anh cũng không thể làm ngơ được nữa.
Tôi đang nhìn chiếc mái ngói, nhằm trước đường lúc cần sẽ sang bên đó, nghe tiếng chuông bấm. Một chiếc xe đạp vừa đỗ trước cổng sắt nhà hắn. Vú già trong nhà đi ra. Dưới giàn hoa thiên lý một bóng áo dài xanh đi vào, tôi đoán là Huyền. Chị ta có một thân hình nẩy nở khỏe mạnh, mỗi bước đi người như nhún nhảy. Vì đứng trên cao, nên mãi tới khi chị ta bước vào buồng hẳn, tôi mới được rõ mặt. Tôi hơi ngạc nhiên. Nếu không phải nhìn thấy chị ta ở nơi hò hẹn này, tôi không thể tin một người con gái vẻ non nớt thế kia, lại có thể như lời anh bạn tôi đã kể.
Họ ngồi nói chuyện ở bàn, bình thường như đôi bạn. Tôi bắt đầu nhận thấy họ có những cái nhìn nhau hơi khác. Chắc là cặp này mới quen nhau. Bỗng thấy anh bạn tôi hiện ra phía cổng sắt. Chiếc cổng bị đẩy ra một cách nhẹ nhàng. Anh bạn tôi vừa vào khỏi cửa, bất thình lình một con "béc-giê" khá to từ trong nhà chạy vụt ra. Tôi đang lo cho anh. Nhưng thấy anh bình tĩnh rút trong túi quần ra một chiếc bánh mỳ, dí vào mõm nó. Nó nhảy lên bám vào người anh, nhận lấy món quà, và để mặc anh đi vào nhà.
Anh đi hết cầu thang và khuất vào phía bên kia nhà. Tôi đoán anh đã dừng ở lại ở quãng gần gian buồng này để theo dõi. Bên trong, cặp trai gái vẫn bình tĩnh ngồi nói chuyện, chưa hay biết gì.
Đứng ở đây, tôi chỉ nghe được bập bõm câu chuyện trao đổi giữa hai người. Chuyện của họ đã dần dần chuyển sang một hướng khác...
- Huyền có "mê" chồng không?
- Không "mê".
- Sao lại không "mê"?
- Biết được!
Chị ta phụng phịu đôi má vốn đã phúng phính như má một đứa trẻ:
- Không biết.
- Không đồng ý thế, nói đi Huyền! Có yêu anh không nào?
- Không yêu, không ghét.
Họ cứ nói những chuyện yêu đương dấm dẳng như vậy khá lâu mà không chán. Cái ghế của hắn nhích lại gần, rất khéo, và bây giờ hẳn đã ngồi sát bên nắm lấy tay Huyền.
Tôi đã hiểu biết tình yêu. Tôi nghĩ đến bạn. Hai bàn chân tôi bỗng run lên vì tức giận. Tôi chờ một tiếng cánh cửa đẩy rầm, và bạn tôi sừng sững bước vào. Tôi nhìn ra phía bao lơn, chỉ vài "tích tắc", tôi sẽ có mặt ngay bên đó.
Hai người vẫn êm ả say sưa tiếp tục câu chuyện nhấm nhẳn của họ. Chợt hắn ôm chầm lấy Huyền. Chị ta có chống cự đôi chút, nhưng rồi cũng ngả đầu trên thành ghế để đón một cái hôn khá dài của hắn. Hắn buông Huyền chạy ra phía cửa sổ. Hai cánh cửa sổ phía tôi vụt khép lại. Tôi đã toan nhảy xuống đi ra bao lơn, lại thấy cánh cửa bị đẩy ra. Hai người giằng co nhau một lúc khá lâu. Hắn định đóng cửa, chị ta không chịu. Tôi lại nghe tiếng chị ta phụng phịu:
- Không đồng ý thế đâu!
Cuối cùng, các cánh cửa vẫn mở như cũ. Tôi hơi tiếc cho anh bạn. Giá anh ta nhảy vào khi hai đứa đang ôm nhau! Chị ta ngồi một lát nữa rồi nhìn đồng hồ nói:
- Về đây!
- Về làm gì sớm?
- Về không nhà biết!
- Bữa nào lại đến?
- Không biết.
- Sao lại thế?
- Biết đâu mà hẹn được.
- Chắc lại đi chơi với kép khác "hắc" hơn rồi, thiết gì!
- Không thích nói thế đâu!
Tôi chờ cho anh bạn bước vào... Sao anh ta chậm thế? Tôi chuẩn bị sẽ sang đó thật nhanh. Đau xót cho anh ta! Đôi trai gái bắt tay nhau. Anh vẫn còn chưa vào. Chậm chạp quá rồi, chị ta đã đi xuống cầu thang. Chị ta quay lại vẫy nhân tình một lần nữa. Vú già đưa chị ta ra đến cổng. Thế là chị ta đi mất rồi! Vẫn không thấy anh bạn tôi đâu. Khéo mà anh ta ngất đi ở một xó nhà nào bên đó cũng nên. Tôi đang lúng túng chưa biết xử trí thế nào. Bỗng thấy anh ta đi từ bao lơn vào. Người anh như vừa bị rơi xuống nước. Chiếc áo sơ mi kẻ ô vuông lúc nãy dán chặt vào người. Một bên tóc anh xõa xuống, bết vào chiếc trán mồ hôi còn giỏ hột. Mắt anh hơi đỏ. Trên mặt anh có những gợn máu chảy chỗ trắng chỗ hồng. Anh bảo tôi:
- Chúng mình đi về thôi.
Giọng nói của anh bình thản làm tôi phân vân không biết tình cảm anh lúc này ra sao. Có lẽ anh đã đau đớn quá nên ra thế chăng?
Chúng tôi cảm ơn ông chủ và chào đi ra. Được một quãng, không thể nín lặng được nữa, tôi sôi nổi hỏi anh.
- Sao lúc chúng nó ôm nhau cậu không vào ngay?
- Mình định chờ lúc chúng nó hủ hóa thực sự. Nhưng cậu có thấy không?... Vợ mình đã cưỡng lại được.
- Nhưng sau đấy, sao cậu vẫn không vào? Mình chỉ định chờ cậu mở cửa là xông sang ngay.
- Không vào phải hơn cậu ạ.
Tôi nín lặng, rất thắc mắc, và tôi càng khó hiểu khi nhận thấy vẻ mặt anh ta lúc này rạng rỡ ra, linh lợi hơn buổi sáng.
Anh chậm rãi nói với tôi bằng một giọng thiếu tự tin:
- Vợ mình có lăng quăng, nhưng với một số cô gái ở Hà Nội, cậu tính xem tránh sao được! Hôm nay mình đã thấy vợ mình căn bản vẫn là tốt cậu ạ! Cậu thấy rõ đấy chứ! Thật là vợ mình đã cưỡng lại, đã chống lại nó một cách rất rõ ràng. Vợ mình không chịu sa ngã, trong khi điều kiện rất thuận lợi, và thằng kia thì rất cay cú, rất quyết tâm. Cái thằng ấy đẹp trai thật, mình trông cũng phải yêu, không nói đàn bà. Cậu ạ, kháng chiến đã lấy đi của chúng ta quá nhiều rồi, tuổi thanh niên của chúng ta qua đi mất rồi. Chúng ta không thể thỏa mãn loại người như vợ mình được. Chúng mình phải nhận thấy đó là một thực tế. Chúng ta không may là một nạn nhân, chúng ta phải nhìn nhận thẳng vào thực tế đó để khắc phục.
Tôi hơi ngạc nhiên vì câu nói của anh ta. Hai chúng tôi yên lặng đi bên nhau một quãng đường khá dài.
- Cậu ạ! - Tôi ngoảnh nhìn thấy mắt anh đang sáng lên - Mình dốt quá! Dốt quá! Cậu ạ. Sao mãi bây giờ mình mới nghĩ ra điều đó...? Với tình hình này, mình tin là có thể khắc phục được, nếu mình biết giải quyết vấn đề một cách thực tế. Từ trước đến giờ mình rất ít săn sóc hắn ta... Cậu xem, lấy nhau bằng ấy tháng mình chưa may cho hắn được một cái áo dài. Mình cữ nghĩ hắn có nhiều áo rồi. Nhưng vấn đề đâu phải chỉ là ở chỗ có nhiều áo rồi. Vợ mình đôi khi hay kêu chóng mặt, mình cũng chưa hề nghĩ đến chuyện đưa hắn đi khám bác sĩ. Mà những điều này, với sự giúp đỡ của bà cô, mình có thể làm được. Chuyến này nghỉ phép mười lăm ngày, mình sẽ đưa vợ mình đi Tam Đảo. Tình yêu là phải đi bằng con đường tình cảm. Tụi mình có nhược điểm, trước khi lấy nhau chưa hiểu biết nhau, do bố mẹ gả bán, bây giờ đã là vợ chồng phải tìm cách khắc phục trở lại. Mình sẽ dựa vào khung cảnh thần tiên của Tam Đảo để sống bắt đầu lại những ngày của cặp tình nhân. Mặt khác, phải giải quyết bằng tổ chức cậu ạ - tức là phải năng về nhà, luôn luôn và bất chợt, để nàng lúc nào cũng tưởng như mình đang sắp ở bên cạnh. Điều này rất khó đấy! Thời gian qua cũng vì Huyền mình đã vô kỷ luật quá nhiều rồi, anh em đã thành kiến, giờ lại đi về nhiều hơn nữa thì rất lôi thôi. Nhưng dầu sao cũng phải khắc phục bằng được. Mình sẽ nói thẳng cho Huyền biết là những chuyện vụng trộm như sớm nay, mình biết rõ từng chân tơ kẽ tóc rồi. Mình sẽ nói thẳng là mình rất yêu Huyền, mình chỉ có thể sống được nếu Huyền còn là vợ mình. Cậu thấy không, trước kia chúng mình đơn giản quá, cứng nhắc quá, lúc nào cũng chỉ có hai chữ lập trường, như người đi tu gặp trường hợp nào cũng niệm "nam mô". Thời đại này về giữa thủ đô mà cứ thế thì mất hết, mất hết cậu ạ. Phải thực tế như thế mới được. Ngay như cái việc chung đụng với đàn bà cũng là một cái thuật đấy! Nếu anh biết cách yêu đương, thì có khi người đàn bà suốt đời không thể quên anh được. Mình vừa đọc được ít sách và mới tìm ra điều đó...
Anh càng nói, mặt anh càng rạng rỡ. Anh nói rất say sưa. Thái độ của anh lúc này khác hẳn ban sáng. Anh không còn là người kể lể tâm sự để yêu cầu một sự giúp đỡ nữa, mà anh có thái độ một người từng trải, đang lên lớp chỉ dẫn cho người khác.
Tôi ngắt lời anh:
- Theo mình thì đây là sự xung đột giữa hai luồng tư tưởng khác nhau. Giải quyết như vậy là cậu chạy theo đuôi cái lạc hậu của cô ta rồi. Cậu đừng đánh giá cậu quá thấp, cho là cái gì cậu cũng kém cô ta. Theo mình chỉ có một cách là phải giúp đỡ, đấu tranh cải tạo tư tưởng cho cô ta, phải đứng trên lập trường của mình... có chinh phục được tư tưởng cô ta...
Nhưng anh bạn không để tôi nói hết, cướp lời ngay:
- Khổ quá! Lập trường với tư tưởng mãi, chuyện đó chỉ chúng mình nói với nhau được thôi. Với vợ mình những câu ấy không vào tai nó được đâu. Cái công thức đó cổ lắm rồi ông ơi! Thời buổi này cứ thế thì mất hết. Mất hết!
Tôi cúi đầu đi, chỉ còn nghe những lời nói của anh bạn vang vang hỗn độn bên tai... Tôi không ngạc nhiên lắm về chị vợ của anh ta, tuy mới được nghe một chuyện như thế lần đầu. Trong lớp người trẻ tuổi đang đổi mới, đầy sức sống của Thủ đô, tất không khỏi còn những người như chị ta, mà không phải mỗi lúc dễ làm thay đổi được ngay. Nhưng còn anh bạn của tôi, anh bạn to lớn trên chiến trường Điện Biên Phủ của tôi, sao mới có sau hai năm hòa bình ở Thủ đô mà anh chóng han gỉ đi như thế? Tình cảm của tôi đối với anh lúc này thật khó tả, vừa thương, vừa bực, vừa đau xót. Anh như người đang tự dẫn mình ra giữa một dòng nước lũ lớn, mặc nó cuốn đi tất cả những của cải mà mình đã tạo nên bằng mồ hôi, máu và nước mắt trong hàng chục năm trời, để trở về với hai bàn tay trắng ngày xưa, khi còn ở nhà bà cô anh.
Người đi lại ngày chủ nhật trên đường ra Bờ Hồ vẫn nhiều, cuồn cuộn. Đài phát thanh bắt đầu nổi nhạc, ô tô quảng cáo oang oang giới thiệu chương trình các cuộc vui, xe điện lanh canh. Tôi phải nói rõ những ý nghĩ của tôi về anh... Nhưng anh đã nhìn đồng hồ tay hoảng hốt: "Mình còn nhiều chuyện muốn nói với cậu nhưng chậm giờ quá rồi! Hôm nào lại nhà mình chơi nhớ! 75 phố X". Anh vội vàng nhảy lên xe rồi cắm đầu lao đi, vượt qua cả ngã tư mà người công an đã giơ găng trắng báo hiệu ngăn đường. Tiếng còi nổi lên nhưng xe anh đã khuất vào đám bụi mù của đoàn ô tô vừa chạy qua. Người công an nhìn theo lắc đầu. Anh bạn tôi chắc đang sốt ruột vì sợ vợ anh ta đã về nhà một lúc lâu rồi.