hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1172.htm

Ngọc Giao

Để tặng các võ sĩ già

ở rạp chiếu bóng ra. Kông hoa mắt nhìn những ánh đèn pha xe hơi, xe đạp ngược xuôi ngoài phố lạnh mưa phùn. Anh chìa tay chào người bạn mới quen, ân cần nói:

- Cảm ơn bác đã đãi tôi tấm vé. Tình cờ được coi một phim hay quá... cảm ơn bác lần nữa nhé!

Người bạn mới quen cũng nắm chặt tay Kông niềm nở:

- Có gì mà bác nói ơn với huệ. Phim tả cuộc đời võ sĩ phải được một khán giả võ sĩ như bác coi mới đúng. Tôi không có tâm sự con nhà võ mà cũng xúc cảm, bồi hồi nữa là bác, già nửa đời nhẩy lên đài, làm gì mà không cảm động.

Người bạn mỉm cười xoa xuýt rét:

- Giờ ta đi chén bát phở nóng cho ấm bụng. Cuối phố Huế kia có chú Tàu chuyên môn phở ngẩu pín, ăn bổ lắm. Nào mời bác lên xe.

Người bạn hào hiệp ấy vẫy xe. Nhưng Kông nhất định cảm ơn về tấm vé thêm lần nữa rồi chối từ bữa phở, nhất định bắt tay ông bạn mà đi, lấy cớ rằng đau bụng, kiêng ăn thịt.

Ông bạn cả cười, rung mạnh bàn tay lực sĩ Kông:

- Đã đến mười năm nay tôi mới lại được thấy bác, tuy bác chẳng biết tôi. Song đã nhiều lần tôi được thưởng thức, hâm mộ tài nghệ võ sĩ Kông, tung hoành các võ đài nam, bắc. Chính tôi, hồi 1939, đã theo đoàn võ sĩ bắc vào Chợ Lớn, coi bác hạ một võ sĩ da đen trong đó. Tôi vỗ tay khoái quá, suýt bị mấy khán giả miền nam đánh chết tươi ngay ở cửa võ trường.

Ông bạn mới cười to và bắt chước giọng Sài Gòn: Họ nắm tay tôi lại, trỏ vào mặt tôi mà thét: "Mấy anh đất bắc này coi bộ muốn gây lộn hả. Còn la cho người bắc nữa, ta đánh bể đầu nè!". Tôi hết vía, phải chuồn về Sài Gòn ngay lúc đó, không thì bỏ mạng vì cuộc đấu võ ấy rồi.

Kông mắt sáng hẳn lên, nghe ông bạn kể lại trận đấu mà Kông cho là oanh liệt nhất đời của mình. Chính nhờ trận đấu ấy mà Kông có tên tuổi trong làng đấm. Cũng do trận đại thắng ấy, anh đã kiếm được số tiền đáng kể, để rồi ra Hà Nội mở một cửa hàng xe đạp, nhà võ sĩ quyền Anh danh tiếng Kông lại đã ba lần được khoác áo danh dự trong cuộc đua xe đạp Hà Nội - Đồ Sơn, rồi thì lại vào nam so vòng bánh với bầy phượng hoàng Đồng Nai nữa. Nhờ những cuộc đua vạn lý, đôi giò võ sĩ Kông càng thêm một sức dẻo dai, một sức chịu đựng phi thường, do vậy tài nghệ đấm của Kông quả đã bao phen làm cho khán giả say mê, làm cho địch thủ không đo ván cũng xin bỏ cuộc đấu ở hiệp ba, hiệp bốn, mặc dầu những địch thủ ấy là những kẻ xương đồng da sắt.

"Thế mà, ngày nay thì...

Kông thốt thở dài. Ông bạn mới không nài ép về bát phở ngẩu pín nữa, cười ha hả:

- ấy thế rồi, từ năm ấy, tôi không còn có dịp trông thấy bác, nhưng mỗi lần đi xem đấm đá, tôi lại nhớ đến hình ảnh bác ngày xưa. Thấm thoắt, tóc đã lốm đốm muối tiêu rồi đấy, nhưng kể ra thì coi bác còn khỏe lắm, còn đủ sức thượng đài. Bác thử lại quả đấm xem.

Ông bạn mời điếu thuốc cuối cùng. Kông hút một hơi dài, nuốt khói. Ruột đang rỗng đói, khói thuốc làm anh khó chịu, nôn nao. Ông bạn rung cánh tay Kông, lùi lại nheo mắt ngắm:

- Thực tế trông bác cũng chẳng sút bao nhiêu. Bác cứ thử lên đài lần nữa, xem nào!

Rồi ông ta ghé tai Kông, nói nhỏ:

- Nếu tiện, xin mời bác sang đồn tôi. Cứ hỏi thăm ông Quận, còn lạc đường sao được. ở với tôi, bác tha hồ tẩm bổ và tập dượt. Cạnh đồn tôi có mấy anh võ sĩ đen và trắng, vào hạng nặng cân cả đấy. Tôi vẫn thấy họ tập khi nào rỗi rãi. Tôi sẽ giới thiệu, bác sẽ cùng họ đấu dượt chừng vài tháng, lo gì không trở lại phong độ vô địch cũ. Bác nghĩ kỹ xem, rồi biên thư cho tôi biết nhé!

Ông ta cười khà khà, nhảy lên xe đi thẳng.

Võ sĩ Kông xuôi xuống phía cửa ô. Mưa bay mau hạt. Gió thêm lạnh buốt, Kông thấy cơn đói như cào cấu dạ dày. Anh vứt nửa điếu thuốc lá thơm xuống gốc cây bên hè, đúng vào chỗ thịt rượu của một kẻ tửu đồ nào nôn ra đó.

Mưa gió thấm vào da thịt. Kông bước rảo cho đỡ cóng. Nhưng xe cộ chật đường và trai gái chật hè, anh phải đi chậm lại.

Phim ảnh vừa rồi lại hiện trước mắt anh. Kông thì thầm: "Tối nay, chúng ta đã thắng" - "Nous a vons gagné ce soir". Thật là bi thảm. Kông lần lượt nhớ lại những bóng hình.

"Một võ sĩ tuổi đã ba mươi. Vợ chồng anh đang sống nghèo nàn trong gian phòng khách sạn. Họ yêu nhau. Người vợ xinh đẹp và hiền hậu, chăm lo sức khỏe cho chồng. Trên võ đài, anh đã nếm nhiều thất bại, khiến người vợ se lòng mỗi khi thấy chồng vì kế sinh nhai mà nhận ký giao kèo với những ông bầu đấm. Chủ trọ đuổi vợ chồng anh đi chỉ vì vợ chồng anh nghèo quá. Bị dồn đến đường cùng, anh lại liều mạng lên đài lần nữa, mặc dầu vợ anh năn nỉ can ngăn. Nàng sẽ đi làm, bán hàng hay đánh máy chữ ở một hãng buôn nào, để cho chồng nàng dưỡng sức, bồi bổ những vết thương do người ta đấm đánh anh ít lâu nay. Nhưng người chồng cương quyết, vì anh yêu vợ, không muốn vợ phải lầm than. Hơn nữa, anh nghĩ rằng: thằng đàn ông đội trời, đạp đất, thà chết chứ không ăn bám vợ. Thế là tối ấy, anh xách va ly ra cửa, hôn vợ, và đưa tấm vé cho hiền thê, dặn: "Mình cứ đến xem, tối nay anh sẽ thắng, chúng ta sẽ thắng, sẽ có tiền trả chủ nhà, chủ nợ...". Người vợ hiền, đúng 9 giờ, đã đến cửa võ trường, nghe rõ tiếng hò reo trong đó vọng ra ầm ĩ. Chị rùng mình ghê sợ, nghĩ rằng chồng chị đã ngã gục dưới chân địch thủ, đã ộc máu mồm, máu mũi, như tất cả mọi lần, trước những con mắt trợn ngược, những cái mồm sủi rãi, những bàn tay nắm chắc vung lên không khí của bọn người đánh cá cược. Thiếu phụ tần ngần rời cửa võ trường, đi vào con đường hẻm mờ sương. Theo sau chị, một gã phong tình buông lời ong bướm. Chị chau mày cự tuyệt, lẳng lặng bước lên cầu, xé nát tấm vé, thả những mảnh vụn xuống dưới đường, ngựa xe thiên hạ trôi như nước trảy. Trong khi ấy thì chồng chị đã lên đài. Anh hốt hoảng, ngã lòng vì nhìn xuống hàng ghế dưới, vẫn không thấy vợ yêu. Anh chịu đựng được một hiệp đầu, dưới cơn mưa đấm của con đười ươi hung dữ. Anh ngã gục, lại ngóc lên, chịu thêm vài quả đấm, để rồi lại ngã. Nhưng anh vẫn còn sức đứng lên trước tiếng cồng cứu vớt. Đến quả đấm thôi sơn vào giữa mặt, anh ngã sấp xuống sàn, quằn quại, bên tai còn vẳng câu nói của vợ hiền: "Đừng lên đài nữa, mình đã luống tuổi rồi". - "Không, tối nay anh sẽ thắng, chúng ta sẽ thắng, sẽ có tiền để sống...".

Gương mặt âu sầu, hiền hậu của vợ anh lờ mờ hiện trong con mắt sưng húp. Anh cố ngóc lên, cố đứng lên. Một sức mạnh ma quái nào vừa cuốn vào bắp thịt, anh đánh trúng cằm địch thủ. Con đười ươi cao lớn lao đao. Tiếp hai quả vào mang tai, nó rũ xuống. Nhân đó, anh đánh bật nó vào giây vũ đài. Nó gục hẳn, nằm bất động.

Nửa giờ sau, anh ra khỏi vũ trường, lao đao bước. Anh không còn sức, ngã phệt xuống vỉa cống.

Người vợ ngơ ngác chạy kiếm chồng, đã thấy anh ở đó. Chị ôm chầm lấy anh, nhấc anh lên, lau vết máu ở mắt anh. Anh tỉnh hẳn, nắm chặt bàn tay vợ hổn hển nói: "Anh đã thắng. Anh đã đoán chắc với em mà!". Người vợ lau nước mắt, lòng quặn đau. Phố về khuya, không còn một chiếc xe, chị dìu chồng về, đi không vững.

Từ nãy, Kông gục đầu bước trên hè, lan man nghĩ đến câu chuyện phim bi thảm. Thì ra số phận một phần đông võ sĩ thế giới đã nổi tiếng hay ngập chìm trong bóng tối cơ hàn, đều chẳng hơn gì số phận anh, các bạn anh. Kông chặc lưỡi thở dài:

- Cũng may mà mình chưa mang trọng tật: lồi mắt, thủng màng tai, đeo hàm răng giả, chảy nước óc, mà mới chỉ có vài cái sẹo in trên mặt. Mình đã suy yếu lắm rồi, phen này quyết là giải nghệ, sức đâu mà theo đuổi danh vọng mãi.

Kông lại liên miên nghĩ đến hàng ngũ của anh, kẻ thì đã xoay nghề làm nên giầu có, kẻ thì đã bỏ mạng vì nghệ thuật ngay trong trận đấu, kẻ thì bây giờ còn ngắc ngoải, vẫn còn níu lấy nghề nghiệp cũ bằng cách mở lò hun đúc tài năng cho đàn niên thiếu cương cường.

Kông đã chạm trán vào cái cổng tre ở ngoại ô. Đó là trạm chứa đồng bào mới hồi cư, do một hội từ thiện lớn thủ đô tổ chức. Võ sĩ Kông đem vợ con về Hà Nội đã hơn ba tháng, vẫn tạm ăn ở nhờ hội thiện, chiếm một góc nhỏ của khu đất rộng, quây cót lợp gồi che mưa gió. Anh buồn bã bước chân vào, sờ túi tìm bật lửa xòe lên. Vợ anh trùm kín chiếu. Đứa con trai lên tám tuổi, co ro ngồi bên mẹ, thấy bố về, vội reo mừng:

- Mẹ ơi, cậu về kìa. Cậu có xin được việc làm không cậu? Cậu xơi cơm chưa? Con phần cậu bát cơm nguội trong rổ đấy.

Kông ngồi xuống ôm con hôn hít:

- Cậu được người bạn mời xem xi nê, lại mời ăn phở ngẩu pín nữa, no rồi. Con đem cơm ra mà ăn, không phải nhường cho cậu.

Đứa trẻ vội sờ soạng lấy bát cơm ra:

- Con ăn còn đói. Cậu no rồi, con ăn thêm vậy. Đứa bé bốc cơm nhai trong bóng tối, vừa ăn vừa hỏi bố:

- Cậu xem xi nê có thích không?

- Thích lắm. Phim đánh bốc. Mai cậu sẽ cố xoay tiền dắt con đi coi lại.

- Thế hả? Đánh bốc thì thú lắm. Nó có giỏi bằng cậu không?

Kông thở dài nín lặng.

- Kìa sao cậu thở dài, con hỏi cậu nó có giỏi bằng cậu không? Chắc không bằng cậu, chả ai bằng cậu. Con chắc thế.

Kông se lòng vì lời trẻ dại, hôn con:

- Sao con chắc chả ai bằng cậu?

- Con biết chứ. ở hậu phương, cậu dạy bao nhiêu học trò lớn thế ai cũng bảo rằng cậu giỏi. Mai kia cậu lại đánh bốc nữa, lấy nhiều tiền thuê nhà rộng, cậu lại dạy con học võ, cậu mua thuốc cho mợ khỏi ốm mãi thế này, cậu nhá?

Người vợ khẽ cựa mình, lật chiếu thò bàn tay nóng bỏng ra, nắm lấy tay chồng:

- Mình đã về đấy ư? Có tí cơm phần mình đấy, ăn tạm cầm hơi vậy.

Kông chua xót đáp:

- Tôi ăn rồi. Khổ, càng ngày càng sốt nặng biết làm sao đây?

- Đỡ rồi mình ạ. Mai tôi lại đi chợ như thường, mình chớ bận tâm về tôi quá nhiều...

Tiếng người vợ yếu dần, tắt vào tiếng ho của những ông già bà lão, tiếng khóc của con trẻ chung quanh đang nheo nhéo vì gió rét và thở than về nỗi ngày cùng tháng tận đến nơi rồi.

Kông mệt mỏi, đói cào gan ruột, anh ngả mình nằm xuống bên con. Đứa trẻ lại hỏi chuyện xi nê. Anh thuật lại chuyện anh chàng võ sĩ trong phim cho con nghe, để quên cơn đói. Miệng nói, mắt thì ríu lại, anh thiêm thiếp ngủ. Anh mê sảng nhắc lại câu nói của anh chàng võ sĩ bất hạnh trong phim: "Tối nay anh sẽ thắng, chúng ta sẽ thắng, chúng mình sẽ có tiền...".

Người vợ ngắt cơn rên, sờ tay sang bên cạnh khẽ lay hổn hển:

- Mình ơi, sao mê sảng thế mình?

Võ sĩ Kông, vì hoàn cảnh đói nghèo, đã viết thư cho ông Quận và đã được mời vượt bốn mươi cây số bằng ôtô để đến cái tỉnh bé nhỏ kia, tập dượt lại quyền Anh, mong một ngày tới nhảy lên võ đài lần nữa.

Quả như lời ông quận hứa hẹn tối nọ ở ngoài cửa rạp chiếu bóng, võ sĩ Kông được ông trọng đãi như Thái tử Đan đãi hiệp sĩ Kinh Kha.

- Xưa Thái tử Đan mổ ngựa quý, cắt thịt tay mỹ nữ đãi Kha để cầu Kha mang kiến thuật tinh vinh ám thích bạo Tần.

Ngày nay, ông Quận cũng có tham ý như Đan. Số là ông vốn có hiềm với một võ sĩ đương kim vô địch hạng gà, đại danh là Hải, mà làng đám đặt cho tước hiệu là Hùng Khoát Hải. Đã hơn một lần ông Quận bị lực sĩ Hải đấm ngã đổ máu cam tại một nơi công chúng, chỉ vì một đuôi mắt mỹ nhân. Ông Quận mang nhục và nuôi hận, vẫn không có dịp nào trả được, mặc dầu ông có quan quyền ấn tín và súng lục.

Năm nay, Hùng Khoát Hải xưng vương ở võ đài Bắc Việt, chưa hề ai hạ nổi con trâu rừng ấy. Cho nên ông Quận định vỗ cho võ sĩ Kông trở lại tài lực cũ, để thượng đài đánh ngã Hùng Khoát Hải cho hả cái giận chẳng chung một đất trời.

Ngày ngày, ông Quận tôn võ sĩ Kông làm thượng khách. Mỗi ngày ba bữa, thịt bò thui, thịt bò bít tết. Để thay món: cá to, thịt cừu dâng võ sĩ; tráng miệng điểm tâm, toàn trứng gà con so, chuối trứng cuốc, cam, nho.

Võ sĩ mới mờ đất đã dậy, chạy từ đồn đến một địa điểm nào nhất định, chừng mười cây số, rồi về nhẩy dây, đấm bị cát và biểu diễn tài nghệ với mấy quân nhân ngoại quốc vốn cũng là tay cự phách trong làng quyền thuật.

Xem võ sĩ Kông đấu với các võ sĩ kia, lại thấy Kông nở nang lực lưỡng nhanh như thổi, ông Quận Thái tử Đan mát ruột mừng rằng hận kia phen này ắt là rửa sạch. Mấy võ sĩ da đen đều lần lượt bị Kông - Kinh - Kha cho đo đất. Họ thành thật bắt tay Kông, bái phục.

Thấm thoát, võ sĩ Kông đã ở với ông Quận hơn hai tháng. Một hôm gió heo may hiu hắt nổi, võ sĩ mang máng thấy rằng trượng phu thoắt đã động lòng thê nhi. Võ sĩ nghỉ ba ngày, không tập dượt, chỉ lặng lẽ nhìn về chân trời Hà Nội.

Ông Quận kinh ngạc hỏi. Kông ngỏ ý muốn về thăm hỏi vợ con. Ông Quận tròn mắt nói:

- Tôi đã viết thư về Hà Nội báo cho Chủ tịch Quyền Anh biết rằng bác muốn lên đài, thách đấu với vô địch Hải 6 hiệp. Có lẽ họ sắp trả lời và tin rằng Hải không dám xé tối hậu thư của cựu vô địch mà nó yên trí rằng tuổi đã xế chiều, tài sức không bằng nó. Công tu luyện bấy nay đã vững chắc rồi, thế mà bác hạ sơn, đụng vào cái việc gối chăn thì... giết đệ, cứ là chùng gân rụng gối, cái công rèn cốt luyện xương, một phút đi đời nhà ma hết. Thôi, xin bác vì nghĩa lớn mà tạm dẹp lòng thương nhớ gia đình lại ít ngày...

Võ sĩ cương quyết đáp:

- Nhất định đệ phải về thăm cháu. Đêm qua cuối canh tư, tôi mơ thấy tay tôi máu đổ. Có lẽ cái điềm cháu chẳng được lành chăng. Tôi nguyện sẽ lên ngay và cam đoan rằng không dúng vào tửu sắc. Bác yên lòng.

Kông về Hà Nội. Quả như mộng triệu. Hoa nhi đang mơ hoảng vì cơn sốt thương hàn, chỉ còn tí xương da cuộn vào manh chiếu rách, trong quán dịch ngoại châu thành.

Người cha gạt lệ, ôm con và nắm bàn tay băng giá của vợ hiền cũng võ vàng như cỏ úa.

Kông lưu lại với vợ con đã năm hôm. Năm hôm đó Kông nhận được hai điện tín của ông Quận thúc về đồn tập luyện. Kông viết thư kể sự nhà và hỏi vay ông Quận một số tiền, hẹn sau cuộc đấu với Hùng Khoát Hải sẽ xin thanh toán.

Ông Quận không hề trả lời về vấn đề vay nợ, Kông chán nản, bắt đầu ngờ tấm lòng hào hiệp của Thái tử Đan từ đó. Nhưng, như súng nổ trên đầu, một sớm Kông lang thang ngoài phố, chờ gặp cố nhân nào đó để vay tiền mua thuốc cho con thì thấy mấy dòng chữ lớn trên tờ báo thể thao bày trong hiệu sách, đăng tin cựu vô địch Kông thách đấu với đương kim vô địch Hải và võ sĩ này đã nhận đấu. Cuộc tranh hùng phi thường đó sẽ quyết định vào ngày lễ tới.

Chao ôi, Kông hoa mắt, ù tai không phải vì cái tin quái lạ kia, chính vì anh điên cuồng uất ức. Anh có cảm tưởng người ta coi anh như ngựa thi, gà chọi không hơn kém. Kông lắc đầu chửi thầm một câu giữa đám đông đang xúm vào đọc cái tin thể thao quan trọng đó, rồi lững thững bước men theo bờ hồ Hoàn Kiếm, ngược lên phố Trường Thi.

Qua cửa nhà thương, Kông lững thững bước vào. Anh loanh quanh ra những bồn hoa sân bệnh viện, ngơ ngác nhìn những người đau ốm, què chân, băng cổ, nằm ngồi la liệt ra cả ngoài hành lang hẹp, sặc một thứ mùi không chịu nổi.

Chợt Kông dừng chân trước căn phòng ngoài treo tấm biển:

"Phòng máu".

Kông thầm nhủ: "Có lẽ ở đây người ta mua máu. Mình thử hỏi xem... Mấy tháng nay mình được lão Quận tẩm bổ cho béo tốt, nghe như máu ứ tràn huyết quản. Bán đi một lít, vừa giúp bác sĩ tiếp huyết cho người ốm, lại vừa được tiền thang thuốc cho vợ con".

Anh bước lên thềm, gặp một cô khán hộ, hỏi về việc mua bán máu. Cô cho anh rõ: người phong lưu thừa máu quá, lo có ngày căng huyết quản, biếu nhà thương máu, nhà thương vui lòng nhận. Người thừa máu nếu bán lấy tiền, nhà thương cũng vui lòng trả hăm nhăm đồng một phân khối.

- Nếu vậy, thưa cô, tôi nhiều máu quá, nhưng đang thất nghiệp, xin bán một lít hay hơn cũng được.

Cô khán hộ xinh đẹp mỉm cười:

- Thường thì chỉ cần trích 200 cc máu một lần. Chứ trích ngay một lít thì chúng tôi chỉ còn việc đưa ông vào nhà xác.

Kông im lặng suy tính:

- Tôi xin tạm bán 200cc vậy, vị chi là...

Cô khán hộ nhanh nhẹn đưa võ sĩ Kông vào phòng bác sĩ. Người ta thử máu và bằng lòng mua máu Kông.

Sau đó nửa giờ, võ sĩ già đã bàng hoàng đút vội mấy tờ giấy bạc vào túi áo rời bệnh viện.

Anh đi trong phố, soi vào gương kính tủ sách gần bệnh viện, nghĩ rằng mình vừa sút gày đi, rồi thì sẽ xanh đi, nếu còn có lần sau, nghèo túng quá, anh cần phải vào "Phòng máu" bán hết phần máu còn sót lại trong da thịt.

Qua hiệu sách phố Bờ Hồ, Kông bước vội, khỏi phải nhìn mấy dòng chữ lớn in trên tờ báo thể thao: "Cựu vô địch Kông sẽ thượng đài...".

Kông cúi đầu rảo bước, mong về với vợ con ở ngoại ô. Anh chen lấn đi trong đám đông người và xe cộ, thảm hại như cái rác trôi giạt theo dòng nước rãnh trong cơn mưa ngày lửa hạ.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com