Cụ Hai Sắn ở cách nhà tôi một con truông. Đứng ở đầu truông gần bãi cát nhìn vào thấy rõ từng cánh cửa liếp, mấy bức vách che bằng phên, hai mái lợp lá dừa khô của nhà cụ Sắn.
Cụ Sắn đi đâu về cũng ghé vào nhà tôi ngồi một lát. Cụ không đưa tay ra trước để sờ tìm hàng rào, cửa ngõ mà chỉ hai con mắt nhướng nhướng bắt hướng rồi đi thẳng vào. Cha tôi đưa ly nước chè đặt vào bàn tay cụ. Cụ im lặng nâng ly nước đang bốc khói lên, đưa qua lại để xông hai mắt. Sau đó cụ chỉ nói một câu tôi nghe đã thành thuộc:
- Hà, chè Tam thái thơm nóng không khác gì trầm.
Uống xong cụ Sắn để úp ly xuống đúng cái đĩa, hai bàn tay vuốt vuốt mái tóc bạc trắng hai bên tai, chào ba tôi ra về. Cụ đi chậm rãi thẳng ra ngõ, trong tay không gậy dò đường. Cứ nhiều lần như vậy tôi biết hai bàn chân cụ không bao giờ vấp khúc cây, hòn đá. Tuy vậy, tôi vẫn đi theo bên cụ để rủi có gì cầm tay dắt cụ đi. Đi bên cụ nhiều lúc tôi muốn nghe cụ nói một chuyện gì đó, nhưng cụ vẫn im lặng, cái im lặng vắng ngắt. Mỗi lần cụ đi khuất tôi đứng nhìn theo lại nhớ những gì cha tôi nói về cụ.
Cụ Sắn mù từ ngày lọt lòng mẹ. Nhưng từ khi biết đi cụ không bao giờ để ngã bởi một hòn sỏi nhỏ nào. Cho đến lớn, ngõ nào cụ cũng biết, cũng thuộc. Người mù từ trong bụng mẹ có con mắt bên trong mà. Cha tôi thường nói như vậy. Con mắt đó đã nuôi sống cụ bằng cái nghề vẽ mắt thuyền cho cả mấy xóm biển Ô Quẳn từ hồi cụ mười hai tuổi.
Biết cụ Hai Sắn vẽ mắt thuyền đã lâu, nhưng tôi chưa một lần xem cụ vẽ bao giờ. Vì vậy có lúc tôi không tin cụ Sắn vẽ được. Và nhiều lần tôi ao ước được tận mắt thấy cụ cầm bút vẽ. ước ao ấy của tôi đã đến thật.
Hôm ấy, mới sáng sớm cha tôi bảo trưa nay đi với cụ Hai Sắn ra cồn để giúp cụ và xem cụ vẽ mắt thuyền cho mùa cá tháng bảy tới.
Đến nhà thấy cụ ngồi xếp bằng tròn bên tấm ván gỗ có nhiều mọt đục lỗ chỗ. Hình như cụ vừa tắm xong nên mái tóc còn ướt sũng. Tôi đi thật nhẹ, vậy mà cụ biết, cụ bảo chờ cụ một chút. Rồi cụ chỉ tôi xách giúp ba lon dầu, một lon dầu trộn với vôi dẻo trắng, một lon dầu đã pha mầu đỏ tươi. Cụ Sắn ôm trong tay một gói bọc bằng vải đỏ điều, tôi đoán là khăn áo trong đó. Cụ đi không vịn vào vai tôi mà còn chỉ đường, chỉ ngõ cho tôi không qua eo phía núi vì có nhiều đá hàu mà đi tắt ngõ truông Dâu, xuống dốc bà Quạng rồi ra thẳng cồn.
Vừa đến cồn bỗng tôi lóa mắt. Khói trắng bay cuồn cuộn từ trong những đống lửa xếp theo hình trôn ốc để hun thuyền nằm rải mé bãi. Từ trong khói trắng thỉnh thoảng những ngọn lửa mầu vàng cam, mầu vàng nghệ của loại củi hái ở Côn Đảo về cứ làm cay xé ở sống mũi. Những ánh lửa chập chờn trong nắng biển sao giống một thứ mầu đậm nhạt của ngọc trai sáng láng. Cụ Sắn bảo tôi đặt ba lon dầu xuống bên chân cụ. Cụ mở gói lấy ra ba cây bút lông to bằng ngón chân cái người lớn. Cụ mặc chiếc áo dài lỡ đã cũ thành mầu lòng trứng. Đứng trước cụ là một dãy thuyền vừa đóng xong, đang hun, đặt trên giá gỗ, giá tre, tôi đếm chẵn tám chiếc. Hơi lửa, hơi nắng đã già làm nhả ra mùi dầu, mùi nhựa của tám chiếc thuyền mũi day về phía biển, phía sau là những ngọn núi nằm xoải mình giống hình người. Người đứng xung quanh cụ đông đặc.
Cụ Sắn bước tới đúng vị trí chiếc thuyền thứ nhất ở đầu dãy, tôi đi liền sát bên cụ. Tôi theo dõi từ bàn tay cụ đặt vào be, gang ra hai ngón để đo, hai ngón tay thật dài để móng trắng được chuốt thon thả, đến ba cây bút lông cụ để chụm lại đứng thẳng.
Xong đâu đó cụ vẫy bút đưa đúng vào be chỗ đã đo gang ước tính. Cứ thế đầu ngọn lông đi thật nhẹ, hai con mắt cụ cứ hướng lên trời như để nghe những nét vẽ đi êm ru của cụ. Ngòi bút lông đi tới đâu, đường cong, đường thẳng, dấu chấm mầu trắng, dấu phẩy mầu đen hiện lên cồm cộm tới đó trên cái nền mầu đỏ hình lưỡi gươm được cách điệu. Phút chốc con mắt thuyền nổi rõ ghếch theo hướng mũi thuyền. Tiếng nhiều người đứng ở phía sau cứ nhắc nhau, chuyền đi như một điệp khúc:
- Con mắt cá đao... Con mắt cá đao... Con mắt cá đao...
Đấy là con mắt của một loài cá ở dưới biển sâu thường trong sóng to gió lớn thì xuất hiện. Nó bay ngang bay dọc dùng thân lao vào như một cái đao lớn chém sả vào loài cá mập đang chực nuốt những đàn cá nhỏ. Trừ cá voi mà người dân biển gọi là cá thần là bạn thân luôn đi bên cạnh thì các loài cá lớn ăn tạp khác cá đao không nể một con nào.
Thỉnh thoảng cha tôi kể như một truyền thuyết về cá đao, nay nhìn con mắt cá cụ Hai Sắn vẽ sao mà linh lợi vạm vỡ nhìn thẳng phía trước. Có lúc tôi như thấy con mắt cá của thuyền quay nhìn vào cụ Sắn soi rọi vào hai mắt mù của cụ để đặt vào đó cái nhấp nháy như ngọn lửa.
Vẽ xong, cụ Sắn đứng đối diện với con mắt thuyền, hai mắt cụ vẫn lặng im, nhưng một cái gì ấy đang cháy ở trong. Có lúc tôi cố nhón chân lên nhìn, hình như cụ thấy rõ hết bên trong con mắt thuyền mình vừa tạc - con mắt như con mắt người hiền lành, như dám chém sóng, chém gió. Người đứng xung quanh cụ vẫn im lặng, tôi nghe rõ mùi mồ hôi biển, cuồn cuộn những bắp tay, ngực cồn lên và mắt họ nhìn như đang gặp con mắt thuyền của mình. Và phía sau lưng cụ Sắn lửa hun thuyền vẫn thành ngọn, đôm đốm như hoa xòe rừng rực cháy làm bóng cụ Sắn lung linh. Con mắt thuyền nhìn vào lửa động đậy, nhấp nháy.
Tôi vẫn đi theo bên cụ, có lúc tôi nghe trên vai mình có bàn tay cụ Sắn đặt nhẹ thật ấm nóng. Cũng có lúc tôi nghe năm ngón tay cụ bấu mạnh như định nói với tôi một chuyện gì, nhưng rồi lại thôi. Xong chiếc thứ nhất, đến chiếc thứ hai, thứ ba... Hết hàng phía bên này, cụ Sắn cùng dòng người rùng rùng chuyển sang phía bên kia be vẽ tiếp.
Chiều xuống, gió biển thổi vào lồng lộng làm mấy ngọn lửa hun thuyền bắt đầu nổ tích tách như pháo. Vài cơn nóng rưng rức từ trên mấy hòn núi có tượng người đứng giăng hai tay ùa xuống làm dậy lên cái oi bức, ngột ngạt, cái oi như khều từ lửa ra rồi ném vào từng người. Cụ Sắn từng chặp rũ rũ tà áo dài như để đuổi cái oi xung quanh. Có người nói ở phía sau:
- Chúng cháu quạt cho cụ Hai mát nhá?
Cụ Sắn vẫn đưa ngòi lông của mình lướt đi, giọng cụ thật nhẹ:
- Khỏi... khỏi. Nhờ cái oi này làm mắt thuyền hong mầu, bền nét đấy.
Tôi như bị những con mắt thuyền cứ hút lấy nên không biết gì là cái nóng cái oi bức. Những giờ tập vẽ ở trường đã làm tôi mê rồi, cái mê mà cha tôi cứ bảo tôi có máu họa sĩ. Nhưng nhìn bàn tay cụ Sắn vẽ lại làm tôi cứ bất ngờ, cứ tưởng là không thật. Đến khi mười sáu con mắt thuyền đã hiện hình hai bên be thì tôi bắt đầu bỡ ngỡ, ngạc nhiên kỳ lạ. Mười sáu con mắt, con nào cũng như con nào không chệch một dấu, không khác một nét, như cùng một khuôn đúc ra, con mắt nào cũng hiền lành, nhưng cũng linh lợi và táo bạo.
Thú thiệt, sau khi đi một lượt hai bên be, đo từng con một, đứng ở đầu mũi dãy thuyền, ôi chao, mười sáu con mắt thuyền, một lần nữa tôi vẫn không tin đấy là chuyện thật. Và cụ Sắn nữa, đấy có phải là cụ Sắn thật không?
Tôi đi lại đứng sát bên cụ, rụt rè cầm lấy bàn tay cụ:
- Ông Hai ơi, lâu nay ông vẫn vẽ hình những con mắt thuyền này à?
Và tôi nghe bàn tay cụ Sắn thật sự để hẳn lên vai tôi, chiếc bút lông mầu đỏ cụ giắt lên vành tai, mắt cụ nhướng nhướng mấy cái, cụ không nói gì. Lâu nay có nghe cụ Sắn nói gì đâu, vậy mà tôi dám hỏi cụ, tôi nghĩ mình cũng táo tợn thật. Lúc ấy thật sự tôi hơi sợ. Nhưng... bỗng giọng cụ Sắn trầm trầm...
Lần đầu tiên nghe cụ Sắn nói nên mọi người đứng vây lại, lắng tai nghe. Gió vẫn thổi lồng lộng. Sóng ồ ạt từng chặp vỗ vào bờ không dứt. Nắng chạy cuồn cuộn cuốn chiếu từng cơn trên bãi cát trắng.
Bàn tay cụ Sắn vẫn trên vai tôi, chiếc áo dài lỡ mầu lòng trứng gió thổi phần phật. Giọng cụ Sắn không to như át hẳn tiếng gió, tiếng sóng. Tôi nghe rõ từng lời:
- Trong đời vẽ mắt thuyền, nhưng gần mười bốn năm nay, con mắt thuyền này mới thật của ông cháu à.
Và bắt đầu một chuyện kể thật dài, nhiều lúc xúc động cụ Sắn ngừng lại nhướng nhướng đôi mắt. Người đứng vây xung quanh, im lặng xúc động theo.
Năm đó là năm 1974, cách đây đã gần mười bốn năm rồi, cũng vào buổi trưa như hôm nay. Buổi trưa đó có nhiều ngọn gió muối và nắng muối của tiết trời tháng chín. Ngồi trong nhà nghe nhiều ngọn dừa, ngọn phi lao cháy sém, khô rào rào như lửa đốt. Vài mươi năm lại có những ngọn gió muối, nắng muối đến với vùng biển Vũng Tàu như vậy đấy.
Ông đang nằm trong chiếc chòi rách nghe gió tước lá khô trên mái thì một tốp lính ngụy xộc vào dựng thẳng ông dậy bảo đi. Ông hỏi bọn chúng đi đâu, đi làm gì. Bọn lính không nói chỉ lôi tay ông ra khỏi lều nhỏ. Ông rụt tay lại, mắt ngước thẳng lên trời, hai chân đứng lại. Ông nói:
- Cái nghề vẽ mắt thuyền của tôi không được để cho ai cầm tay dắt. Tôi mù nhưng đi một mình được.
- Ông biết đường ra cồn Quắn chứ? - Một tên trong bọn có giọng nói lơ lớ pha bắc lẫn nam hỏi.
- Đường ngõ nào của quê tôi, tôi đều đi được...
Ông chưa nói hết câu, hai chân đi thẳng tới để tỏ ra cho chúng biết ông không mù trong cái đầu của ông. Trên đường đi bọn chúng nói cho ông biết là đi ra cồn để vẽ mắt cho một chiếc thuyền. Lúc ấy đang đi ông cứ phân vân mãi: "Sao lại vẽ mắt cho một chiếc thuyền?", "Vẽ để làm gì?", "Sao lại bọn lính ngụy bắt vẽ mà không báo trước cho ông biết?"... Phân vân nhưng ông vẫn cứ đi vì bọn chúng kèm hai bên, nếu mình không chịu, bọn chúng không để yên đâu. Cuối cùng ông nghĩ chắc chắn có chuyện gì đây, nhất định không có lợi cho cách mạng.
Trong lúc chưa hiểu phải làm như thế nào, ông suy nghĩ đắn đo mãi. Vẽ mắt thuyền thì dễ thôi, mắt thuyền của ông vẽ đã thành dấu riêng, thành quen thuộc của đất biển Ô Quắn này, cả Vũng Tàu này. Đó là con mắt thuyền hình cá rựa từ đời ông cố đến đời ông, đời cha, nay đến đời ông chuyên cầm bút lông vẽ không bằng hai mắt nhìn. Con mắt thuyền hình cá rựa dù có đi trăm sông nghìn bến cứ nhìn vào hai mắt bà con làm biển cũng nhận ra là thuyền Vũng Tàu của mình. Đấy là con mắt thuyền ông vẽ bằng tấm lòng thể hiện rõ bằng lương thiện, sống biết làm ăn ra sóng vào gió, sống có nghĩa có tình. Đi hay đậu mắt thuyền chỉ biết nhìn về phía trước... Vậy mà bây giờ bọn lính bảo ông vẽ hai mắt thuyền ấy, con mắt của quê hương xứ sở, con mắt của tấm lòng bao đời nay của ông sao? Và cứ thế trong ông dùng dằng đi hay không đi... vẽ hay không vẽ... thì có tiếng gọi từ trong ngõ đầu truông Dâu ơi ới, ơi ới nghe thật khẩn thiết:
- Ông Hai ơi. Ông Hai... cháu mang cho ông mấy lon dầu sơn.
Đúng là tiếng trẻ con, nhưng không phải trẻ con ở đất Ô Quắn này. Ông biết ngay tiếng đứa trẻ đang gọi đó không phải con cháu trong xóm này. Ông đang nghĩ như vậy thì một cháu bé đi sát bên ông, từng chặp cầm tay ông như đã quen biết. Đi được một lát thật lâu bỗng cháu bé níu lấy ông như bảo ông đi thật chậm. Ông biết hình như cháu bé đó có chuyện gì muốn nói. Ông nghiêng tai xuống chờ đợi. Không đợi ông chờ lâu, cháu bé nói nhỏ vào tai ông từng tiếng thật rành rọt:
- Ông Hai ơi, ông đừng vẽ giống những con mắt thuyền lâu nay ông vẽ...
Ông bỗng rùng mình, trong ông như lặp lại: "Đừng vẽ giống những con mắt thuyền lâu nay ông vẽ". Bàn tay ông run run. Hai bàn chân ông đi không muốn vững nữa. Cái nghề của ông chỉ cho người ta ra sóng gió, cái sống của con người thật nhỏ nhoi đứng trước mênh mông hiểm họa, nên ông hành nghề bằng tấm lòng thiêng liêng. Vậy mà bữa nay một chú bé ở đâu đến lại bảo ông vẽ khác đi. Vậy là như thế nào? Năm ngón tay ông bấu mạnh xuống vai đứa bé để xem có phải người thật hay không phải người. Người thật mà, da thịt cháu bé nóng ấm, xương vai cháu bé non nớt mà. Trong khi có chân bọn lính nghe cách xa ông một chút ở phía sau thì cháu bé đó nói thật nhanh để ông biết:
- Ông ơi, các chú bảo chiếc thuyền mà bọn chúng bắt ông vẽ để bơi vào cơ sở của ta đấy, chúng đánh lừa các chú đấy, ông à. Ông có nghe cháu nói không? - Như biết ông phân vân ngần ngại. Cháu bé cầm chặt tay ông - Ông ơi, ông phải vẽ hai con mắt thuyền hình cá đao, hình cá đao để các chú dễ nhận ra. Ông nghe cháu nói chứ? Đấy là dấu hiệu riêng của các chú ông à.
Bao nhiêu đời nay ông chỉ vẽ mắt thuyền hình cá rựa bây giờ vẽ mắt thuyền hình cá đao là như thế nào. Trong đầu ông lúc này như một câu đố, một bí mật mà ông không thể giải nổi.
Giọng cháu bé lại thủ thỉ bên tai ông:
- Ông ơi, ngòi lông của ông cứ kéo dài hai đường vòng ở góc là thành đuôi mắt tròn thôi ông à. Ông đừng lo, có cháu đứng bên ông mà.
Chỉ một câu nói mà hình như cháu thật thạo nghề? Lại một câu hỏi trong ông nữa. Thôi được, chỉ cần tin ở các chú đã báo là tin được điều cháu bé đã nói. Cháu bé vẫn đi bên ông, và lúc này ông cảm thấy rất cần cháu bé ở bên ông.
Cồn Quắn hôm đó vắng tanh, không nghe thuyền về. Không nghe tiếng người như mọi ngày. Mà sao sóng vỗ vào bãi nghe cũng nặng tiếng hơn, gió muối đi qua trên dầu cồn Dâu nghe vi vút. Cồn Quắn trong mắt ông cháy bỏng mênh mông. Hai con mắt ông nhìn lên nhướng nhướng bắt hướng rồi đi thẳng đến một chiếc thuyền đặt trên giá những cây sắt những thanh tà vẹt. Ông chưa vội lấy ba cây bút ra mà trong ý nghĩ cứ day dứt khó chịu, thuyền mà đặt trên cây sắt, cây thép thì khác nào đặt trên cây súng, trái bom.
Lúc bấy giờ bọn lính đứng vây sát vào ông, ông nghe nồng nặc mùi rượu, mùi la de thở phả vào mình. Cái khó chịu làm ông cảm giác như mùi tanh của thú rừng. Bên ông vẫn cháu bé nhỏ nhoi, tay xách ba lon dầu, bàn tay thỉnh thoảng cạ cạ vào chân ông. Ông hiểu cái cạ cạ và im lặng của cháu như một cái ngòi nổ đợi chạm lửa. Ông đưa hai bàn tay vào be thuyền, gang ra hai ngón để đo, rồi thật nhanh ông rút tay lại, mắt vẫn ngước lên trời, nhưng giọng nói thì như để nói cho bọn lính nghe.
- Hà, thuyền cỡ một trăm tay chèo... Nặng đấy... Mắt thuyền vẽ phải to (ông tránh nói phải vẽ khác). Ông nghe rõ tiếng bọn lính xầm xì: "Chà, ông già mù mà đo thật đúng". Có một tên trong bọn lên tiếng:
- Vẽ to thì to nhưng không vẽ khác chớ ông già.
- Đã là to thì hình phải to, nét phải lớn, sao các ông không biết gì nghề nghiệp?
Nghe ông nói bọn lính im re. Ông nghĩ, bọn này cũng chẳng biết gì. Ông nghe bàn tay cháu bé cạ cạ vào chân, ông hiểu ý, nhưng vẫn im lặng. Ông lấy trong túi ra chiếc bút lông chấm vào lon dầu pha vôi trắng dẻo rồi đưa lên ngay chỗ gang hai ngón tay đã đo, đưa qua đưa lại mấy cái để "điểm nhãn". Chừng độ một chút, mặt ông ngẩng lên trời. Giọng ông thong thả, chắc nịch:
- Khi tôi vẽ xin các ông lui ra, chỉ cháu này ở lại với tôi thôi.
Bọn lính miễn cưỡng lui ra, rồi đứng tản mác, nhưng mắt vẫn nhìn vào mũi chiếc thuyền ông già sắp vẽ. Cháu bé bước lại đứng dưới cánh tay ông, hai mắt hướng lên cây bút lông cứ ngập ngừng, chậm chạp của ông Hai Sắn.
Trên đỉnh ngọn núi Lớn nhiều cơn chớp trắng kéo dài ra tận biển. Nếu tính thời gian thì cũng đã lâu, vậy mà cây bút lông của ông vẫn chưa chấm xuống be thuyền. Hình mắt cá đao cứ chập chờn, ảo ảnh không rõ ràng trong tâm trí ông. Trong đời làm nghề vẽ mắt thuyền, cùng một lúc ông vẽ hằng mươi con mắt, mà ông vẽ thì chỉ "điểm nhãn" một lần. Vậy mà bữa nay sao bàn tay như run rẩy, níu kéo, chập chả chập chờn. Phải chăng một cái gì lớn quá, mới quá đang chờ đợi ở ông, tin cậy ở ông. Mắt cá đao... Mắt cá đao như nhắc trong ông. Và cứ thế trong mắt ông thật sâu như nhìn thấy được một điểm sáng mới vừa lóe. Thế là ngọn bút lông của ông chấm xuống điểm của đôi mắt thuyền và định kéo dài thành một vệt ngang... Bỗng dưới cánh tay ông, tiếng cháu bé chậm rãi nhắc:
- Ông Hai, vệt cong cứ đi tới ba lóng tay, rồi mở tròn dần...
Ngọn bút lông của ông lướt nhẹ thành một nét thật nhanh, thật nhẹ đi như một kẽ chỉ.
Lại tiếng cháu bé nhắc tiếp:
- Ông Hai, đuôi phía mũi hình trôn chén, ba nét chồng lên nhau thật đậm, thật mạnh. Phía dưới đường mi bằng nửa lóng tay...
Ngọn bút lông của ông như được mở ra, bàn tay ông như được có con mắt nhìn thấy từng nét đậm nhạt, từng đường cong, từng đường thẳng, từng dấu ngang, dấu dọc. Hai con mắt ông vẫn hướng lên trời nhướng nhướng bắt "cái thần" trong lời cháu bé nhắc. Đến khi ngọn bút lông của ông vừa khép góc thì toàn bộ những đường nét dựng lên hình con mắt thuyền sắc sảo, linh lợi, nổi dợn thật rõ ràng. Lúc này trong mắt ông hình con cá đao cồm cộm, cựa quậy sống như thật. Cây bút vẫn còn trong tay ông chưa muốn giắt vào vành tai. Người ông cứ bàng hoàng vì không tin mình vẽ. Không, cháu bé cầm tay ông để vẽ đấy chứ. Không, tất cả đường nét và hình dạng đều của cháu bé mà. Đến khi cháu bé dưới cánh tay ông nói: "Ông Hai vẽ tài lắm. Đúng là mắt cá đao, các chú sẽ nhận ra ngay" thì ông như chợt tỉnh. Giọng ông thật rõ ràng:
- Cháu cầm tay ông để vẽ đấy chớ.
- Ông nói gì vậy, ông Hai?
- Cháu cầm tay ông để vẽ mà. Ôi, đúng là mắt cá đao.
Ông cứ đứng như vậy, mặt ngẩng lên trời, hai con mắt đã bắt hướng ý nghĩ bên trong cứ lóe sáng, "mắt cá đao phải là con mắt của biển, không có con mắt cá nào thay được. Vậy mà lâu nay mình không nghĩ tới". Năm ngón tay ông bấu mạnh vào vai cháu bé, một giọt nước mắt trong veo từ trong mắt ứa ra. Giọng ông như muốn khóc:
- Mắt cá đao... Mắt cá đao... Ôi, cảm ơn cháu...
Trong khi lần qua bên kia be để vẽ con mắt thứ hai thì bằng năm ngón tay nhạy cảm, ông dò biết chiếc áo mỏng vá vai của cháu bé, mặt cháu bé tròn trĩnh, trán dô, tai thòng, mồm rộng. Ôi chao, một chú bé quý tướng, quý nhân. Đứng bên kia bé, biết bọn lính đứng lấp hẳn chiếc thuyền, ông nghiêng tai xuống nói nhỏ:
- Cháu tên là gì?
- Cháu là út Ba.
- Ba má cháu?
- Ba má cháu mất sớm, cháu mồ côi từ nhỏ.
- Cháu sống với ai?
- Các chú nuôi cháu từ nhỏ...
- Quê cháu không phải ở Vũng Tàu chớ?
- Cháu ở Rạch Ông, Sài Gòn... Nay cháu đi theo các chú hoạt động ở Vũng Tàu.
Hiện lên trong ông một Rạch Ông, bến tấp nập thuyền tàu, hàng trăm loại mắt thuyền của tứ xứ anh chị. Một Rạch Ông có thuyền chiến của vua Quang Trung về đậu, thuyền buôn Tây, Tàu cập bến. Và bây giờ có những tàu thuyền của ta từ "ngoài kia" về nằm lẫn lộn với vạn thuyền.
- Sao cháu biết ông mà tìm đến?
- Cháu có công việc ông à.
- Vẽ xong mắt thuyền, chúng sẽ vào đâu cháu?
- Chúng sẽ vào eo biển Lương Sơn, ông à.
- Lương Sơn... Lương Sơn... Ông hiểu cháu à.
Con mắt thuyền thứ hai đã nhập vào ông, ông vẽ khá nhanh không đầy nửa điếu thuốc hút. Vẽ xong hai con mắt thuyền ông vẫn nhướng nhướng lên trời để nghe hai con mắt thuyền mà bàn tay ông cầm bút, còn cái "thần" là của cháu bé có tướng quý nhân đang nhấp nháy, linh lợi nhìn về phía eo núi biển...
Ông vừa giắt cây bút lông lên vành tai thì bọn lính đã áp vào nói như thét:
- Ông già có cần bọn tôi đưa về không?
- Khỏi, khỏi... Đã có cháu bé đi với tôi rồi - Ông nói giọng tỉnh khô, mặt vẫn ngẩng lên trời, hai bàn chân ông bấm xuống cát, tai ông lắng nghe có hai bàn chân thật nhỏ bước trong cát thật êm đi bên ông.
Chiều hôm sau, hôm sau nữa, ông ngồi trong chòi lắng nghe chiếc thuyền có hai con mắt hình cá đao đi vào một chiếc lạch có độ sâu, hai bên rặng mắm lưu niên bạt ngàn gió, bạt ngàn loại chim cò làm tổ. Qua khỏi lạch, qua khỏi khe nước chảy ngược ra biển đến chỗ núi khúc khuỷu co thắt, sóng vỗ hai bên, gió lộng thổi như huýt sáo trên đầu qua những đỉnh nhọn chơm chởm. Đường vào eo như ruột lợn. Ngồi ở đây ông vẫn nghe rõ ràng trong nhiều đoàn thuyền có con mắt cá rựa đi qua có một chiếc thuyền mắt hình cá đao đang lầm lũi, lì lợm đi sâu vào theo cái "điểm đỏ" đã định. Từ trong phía Lương Sơn "các chú ấy" đã bắt được hai con mắt thuyền hình cá đao đang nhấp nháy, và trên thuyền một trăm tay chèo cũng là một trăm thám báo biệt kích mặc ngoài quần áo bà ba đen của người Vũng Tàu đi làm biển mà bên trong là bộ quần áo rằn ri vện rằn, cọp rằn. Ông nghe rất rõ người ngồi trước mũi thuyền "thi hành" lệnh chỉ đường là chú bé út Ba. Cứ từng chặp ông vừa nghe lại vừa nín thở, hai mắt huyền hình cá đao cứ nhấp nháy cháy sáng trong ông. Ba cây bút lông ở trong bàn tay ông như ba ngọn tầm vông năm nào cầm trong tay đi trong đoàn người Cách mạng Tháng Tám.
Buổi chiều hôm đó ông ngồi thật lâu để nghe, hai con mắt cứ nhướng nhướng không nhìn lên trời mà nhìn ra phía trước để bắt hướng gió, bắt nguồn tin.
Đến chạng vạng, gió muối vẫn xao xác. Nhiều cánh dơi biển bay về dập cánh vào cửa phên giống như nhiều bàn tay gõ cửa không dứt. Ông cũng chưa cơm nước gì vì ông biết chiều nay ông có tin... Và có tin gọi cửa... Tim ông như ngừng đập - chiếc thuyền có hai con mắt hình cá đao đã bị các chú chôn trong dòng xoáy của thủy triều đang lên cường... Và út Ba vĩnh viễn không trở lại với ông như nó đã hẹn.
Ba cây bút lông đã gẫy làm đôi trong bàn tay ông lúc nào không biết. Rồi cứ thế ông ngồi lặng lẽ, và nhiều dòng nước mắt cũng lặng lẽ từ trong hai hốc mắt sâu thẳm chảy ra. Trong mắt ông cứ từng lúc hình ảnh một cháu bé cầm bút lông thành người thợ vẽ mắt thuyền. Cứ từng lúc hình ảnh một cháu bé hai bên vai có gắn hai mắt hình cá đao sáng rực trên biển ẩn hiện chập chờn. Cuối cùng một khuôn mặt ngây thơ, tròn trĩnh, trán dô, tai thòng, mồm rộng áp trong lòng bàn tay ông. Trong chiếc lều rách, tiếng chào ông ra đi của nó đã thành mờ ảo, ẩn kín tận trong đáy tâm trí cùng với tiếng gọi khàn khàn của ông "út Ba, út Ba" mới dứt.
Trong câu chuyện ông kể, tôi nhớ mãi giọng ông như có tiếng khóc bên trong. Còn người đứng vây quanh ông thì im lặng, đến khi hai bàn tay ông ôm bọc vải đỏ điều để đi thì có tiếng nhiều người như còn bỡ ngỡ hỏi ông:
- Ông Hai, mắt thuyền ông vẽ lâu nay là mắt hình cá đao đấy chớ?
- Chỉ có con mắt cá đao mới ra sóng, ra gió, con mắt nhìn thấy chiến công, nhìn thấy mùa cá lớn - Giọng cụ Hai Sắn trầm trầm xúc động.
Trong lúc mọi người quay nhìn lại mười sáu con mắt thuyền mới tinh còn thơm mùi dầu mùi sơn để nghĩ đến mùa cá lớn vụ tới vẫy gọi ngoài biển xa, thì trong tôi hiện lên hình ảnh út Ba người bạn ngã xuống bằng lứa tuổi mười ba của tôi bây giờ. Tôi nhìn vào mười sáu con mắt thuyền hình cá đao bỗng thành mười sáu vầng sáng rung rinh sống động.
Năm ngày sau, mặt trời lên khỏi biển như một đóa hoa. Trên mé bãi, tám chiếc thuyền xếp hàng ngang đợi lệnh. Bà con xóm Ô Quắn của tôi đã ra đứng chật cồn để tiễn đoàn thuyền.
Dứt hồi trống và một hồi ốc biển tu... tu... tám người trai lực lưỡng đưa rập mái chèo xô sóng về phía sau như nghiêng biển. Một chốc sau máy của tám chiếc thuyền xình xịch nhả khói. Mười sáu con mắt thuyền hình cá đao phóng ánh sáng từng luồng về phía trước.
Đứng bên cha tôi tiễn đoàn thuyền ra khơi, nhìn thấy mắt người nào cũng có niềm vui, tôi lại nghĩ đến cụ Hai Sắn ở nhà cũng đang nghe đoàn thuyền ra khơi trong mùa đầu vụ. Tôi nhớ lại, tối hôm qua sang, thấy cụ uống từng ngụm rượu Nàng Hương, hai mắt hướng lên trần nhà để nghe những trận gió lật ồ ạt từng đám lá dừa. Trông cụ thật thong thả, trầm tĩnh như lúc cụ đang đứng "điểm nhãn" mười sáu con mắt thuyền hình cá đao. Hình như lúc nào hai mắt cụ cũng để lên bầu trời tìm hướng sóng, hướng gió, hướng đi cho đoàn thuyền.
Sáng nay cụ Hai Sắn không ra cồn, nhưng hai mắt cụ ở nhà vẫn tìm hướng. Đoàn thuyền đã đi xa rồi mà tôi vẫn như nhìn thấy mười sáu con mắt thuyền hình cá đao nhấp nháy, sáng trưng. Nắng lên vàng hết dãy đảo, thỉnh thoảng vài cơn chớp trắng như có ai lia ánh sáng từ phía chân trời biển. Chốc chốc mười sáu con mắt thuyền được tia chớp lóe lên chiếu rọi sáng đến bất ngờ. Tôi bất chợt hiểu ra một điều... Đôi mắt cụ Hai Sắn chính là những con mắt thuyền, những con mắt dám vượt qua sóng gió tìm đến những nơi có nhiều mẻ tôm, bãi cá. Và giữa mênh mông sóng nước, những con mắt đó biết tìm đường trở về.