Phúc về đến cổng nhà mình thì gặp người bưu tá với chiếc xe đạp và hai cái giỏ thư báo to bự ở poocbaga xe. Nhìn thấy Phúc, ông ta reo lên như trẻ con gặp mẹ về chợ:
- Ôi! Ông có thư từ Cali đây. Tết này nhà ông ăn Tết lớn rồi. Hì hì.
Phúc giật lá thư đọc lướt: Em Trịnh Ngọc Đức, quận Cam... Cali... gửi: Phạm Ngọc Phú, Quyết Tiến... Biên Hòa... Phúc ngớ người. Có lẽ nào là thư của Đức, mười mấy năm rồi còn gì.
- Ông sắp có tin mừng rồi. - Nét mặt ông bưu tá nửa cười nửa nhăn nhó.
Phúc chợt tỉnh. Anh đặt vội vào tay ông bưu tá tờ bạc 20 ngàn. Nét mặt giãn ra, ông ta đạp xe đi ngay.
Hai anh em Phúc và Đức lại họ Trịnh và Phạm là vì...
Mẹ của Phúc là chị ruột bà Tâm. Bà Tâm là mẹ của Đức. Ngày ấy vùng quê Thanh Vân - Hà Nam là vùng du kích. Trong một lần ra bờ sông cắt cỏ cho trâu, mẹ Phúc bị bọn Tây và lính commăngđô đi patrui bắn chết. Đến tối mịt dân làng mới dám ra đem xác bà về chôn. Cũng năm đó đơn vị của bố Phúc có người đi dân công về làng báo tin bố anh đã hy sinh tại chiến dịch biên giới. Mới 5 tuổi, Phúc đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Dì Tâm đã chịu bao cơ cực khi đem cháu về nuôi. Người chồng của dì đi buôn vải, thuốc tây từ vùng tề ra vùng tự do. Đi thì thôi, hễ cứ về đến nhà là ông ta hằn học đá thúng đụng nia, tát, đá, đấm, đạp, béo tai. Nhiều khi đau quá buốt tận óc Phúc phải kêu lên: "Con lạy dượng, con đau quá". "Lạy cái mả mẹ mày". Ông ta gầm lên: "Tao đã bảo đem giả họ hàng nhà nó. Hơi đâu mà nuôi con tu hú". Dì Tâm phải năn nỉ: "Tôi xin anh, anh làm ơn cho tôi nuôi nó, nó mồ côi. Con cũng như cháu, mai sau này nhớn lên, nó không dám quên ơn anh".
Phúc giở lá thư. Một tờ 10 đô la rơi xuống. Con gái Phúc vừa đi học về, hai cha con sững sờ nhìn nhau. Điều gì có liên quan đến 10 đô này? Loại tiền mà gia đình này chỉ mới nghe qua đài, báo chứ chưa bao giờ có trong tay.
"Cali ngày...
Anh Phúc.
Trước tiên em mong anh tha thứ cho em. Mười mấy năm qua giờ lại viết cho anh. Anh ơi. Anh vẫn thắp nhang cho mẹ em chứ. Em là đứa con bất hiếu: ... Theo địa chỉ sau... anh tìm cho em bé Ngọc Giao. Em muốn bù đắp cho cháu. 10 đô la không là gì. Chỉ đủ anh đổ xăng đi Đồng Xoài là cùng.
Em biết ơn anh...
Đức"
Phúc quyết định cất tờ 10 đô làm kỷ niệm. Thế là bao chuyện của quá khứ lại hiện về từ cái đêm...
Tháng 7-1954, tiếng loa của du kích vang lên từng đêm báo tin thắng lợi ở Điện Biên Phủ và hội nghị Gèneve lập lại hòa bình ở Đông Dương. Xóm thôn như sống trong luồng gió mới, luồng gió hòa bình thổi mát rượi đến từng bờ tre mái rạ thì một đêm kia, cha của Đức hiện về với chiếc tay nải đeo vai. Ông ta ghé sát tai dì Tâm:
- Gom một ít quần áo, có bao nhiêu tiền Đông Dương, vàng mang theo trong cạp quần. Đi ngay đêm nay, ra Phòng sẽ có tàu của người Mỹ đón vào nam.
Dì Tâm hốt hoảng:
- Vào nam ư? Vào đấy làm gì. ở nhà còn mồ mả cha mẹ, ruộng vườn...
- Nếu cô muốn Việt Minh nó cắt cổ, hoặc tống đi cải tạo thì ở lại. Cha cô là hương lý thành phần bóc lột. Tôi lại là người có quan hệ với nhà buôn vùng tề. Quanh đây ở Điền, Đặng người ta đã đi cả rồi. Lợn gà nhà cửa vứt đi tất. Vào nam có người Mỹ viện trợ, cái gì mà lại chả có. ở lại cô không chịu nổi cái thuế nông nghiệp của Việt Minh đâu. Vào nam tự do làm ăn chả phải thuế má gì. - Rồi ông ta gườm gườm nhìn Phúc. - Vứt cái của nợ này cho họ hàng nhà nó. Càng gọn nhẹ càng tốt. Nào mau lên.
- Không! - Dì Tâm dứt khoát. - Tôi đã nuôi nó như con. Nếu đi, cho nó đi với thằng Đức như anh em. Còn không thì anh đi đi. Ba mẹ con dì cháu tôi ở lại.
Ông ta phải để dì Tâm cho Phúc đi. Nhưng ông ta nói trước nếu dọc đường xảy ra chuyện lôi thôi thì ông ta sẽ thẳng tay với Phúc. Cái đêm ấy trăng mờ, dì Tâm mở cửa chuồng gà, chuồng lợn để phóng sinh cho chúng, rồi ra Phòng, xuống tàu vào nam. Sau hai ngày, ba đêm lênh đênh trên biển, ói ra mật xanh mật vàng, chuyến tàu cũng cặp bến Cảng Sài Gòn. Đoàn người rũ rượi dìu nhau lên bờ. Một đoàn xe của tổng ủy di cư đã chờ họ và gia đình dì Tâm được đưa về Long Khánh với một căn chòi lợp tôn thấp lè tè do tổng ủy dựng lên được tạm cấp cho gia đình di cư.
Ông dượng nhanh chóng xin được một chân phân phát đồ cứu tế trong tổng ủy. Trong khi dì Tâm còn bàng hoàng chưa biết làm sao để sống nuôi con, cháu nơi đất khách thì một ngày kia, ông dượng nói:
- Tôi và cô từ nay không thể sống chung. Phòng nhì đã điều tra lại, bố cô tuy là phó lý nhưng có ủng hộ lúa gạo cho du kích. Lai lịch nhà cô không trong sạch. Mà tôi thì sẽ làm việc cho quốc gia cho nên...
- Thì ra anh đem con bỏ chợ. Đem vợ vào nam rồi giở mặt Sở Khanh... Thôi anh đi đi... Tôi còn hai bàn tay, mẹ con tôi sẽ chẳng chết được. Anh cứ chống mắt ra mà nhìn. Con người bạc tình như anh thì nhìn ai, có nhìn cũng chẳng thấy gì.
Ba mẹ con dì cháu côi cút nuôi nhau từ dạo đó. Năm giờ sáng khép cửa cho Đức ngủ, dì Tâm cùng Phúc đi rửa bát thuê cho những tiệm phở người di cư.
Đổi lại họ cho mình ít nước phở và xương bò đem về nấu canh rau muống xì xụp qua ngày. Bây giờ nghĩ lại mà chảy nước mắt tự lúc nào. Còn lúc ấy chả biết khổ là gì. Bởi con người ta trong cõi khổ đã bão hòa chỉ luôn chú tâm chịu đựng thì thần kinh dường như tê liệt, chả biết đâu là khổ hay đâu là bờ bến mình cần ngoi tới.
Gần ba giờ rưỡi chiều, Phúc mới tìm được ấp 4 Đồng Xoài, theo tay chỉ của bọn trẻ. Đúng hơn thì đó là một căn chòi lợp tôn. Cửa mở thông thống từ trong ra ngoài, đồ vật đáng giá chỉ có cái chổi cây quét sân, cái cuốc, chiếc xô múc nước, vài bộ quần áo treo ở vách, gian giữa có tấm ảnh của một thiếu phụ với đôi mắt u buồn. Vách bên là ảnh của Đức trong quân phục trung úy bảo an. Phúc rút ba cây nhang để thắp cho người em dâu quá cố thì từ ngoài sân, một cô gái lảo đảo, vịn lấy cửa cất tiếng kêu như từ trong tâm khảm:
- Ôi! Ba ơi. Sao... giờ ba mới tìm con?
- Không. Bác là Hai Phúc, anh của ba con. Theo thư của ba con, bác đi tìm con đây. - Phúc đỡ lấy cô gái.
Chắc là Phúc có nét hao hao giống Đức, tuy là anh em con dì. Ngọc Giao gục vào ngực Phúc và nấc lên.
Thời gian Phúc làm giao liên cho phân khu thì được biết Đức đã có vợ có con ở Đồng Xoài, sau lại bỏ nhau vì ba của Liên cậy có con rể làm trung úy nên bán gạo cho giải phóng, bị an ninh quân đội bắt được, phải vào tù. Trước tình hình bất lợi đó, Đức lại tằng tịu với Như Hảo, con gái trung tá Mãng ở chi khu. Hai người sắp có con... phải cưới gấp. Với cái ô là cha vợ, Đức lại thoát không phải điều lên chủ lực để ra vùng 1.
Sau 1975, Đức đi cải tạo như bao sĩ quan chế độ cũ. Nhưng do thực chất Đức chỉ là sĩ quan văn phòng, ăn chơi trác táng, chưa gây tội ác; vào trại, Đức lại mồm miệng đỡ chân tay được làm đội trưởng, làm báo tường của trại. Có thành tích sản xuất tốt, học tập tốt. Một phần Phúc cũng có giấy bảo lãnh cho em. Nên sau 4 năm Đức được về đoàn tụ với vợ con. Phúc yên tâm cứ tưởng rằng từ đây Đức sẽ chí thú làm ăn với cái xưởng mộc để xây dựng một cuộc sống ổn định. Nhưng sịch đến vấn đề H.O. Đức như mở cờ trong bụng, anh ta nói với Phúc:
- Anh Hai, chắc là em sẽ được có trong diện H.O, cùng ba của Như Hảo. Em cho rằng chỉ qua bên đó em mới có điều kiện phát huy khả năng để có một cuộc sống như ý muốn.
Trong bữa cơm chia tay, khi chạm ly Đức còn hưng phấn hơn.
- Em được ra trại sớm cũng một phần nhờ anh Hai bảo lãnh. Giờ trúng dịp đi H.O ơn anh Hai, em không bao giờ quên. Khi em có cuộc sống ổn định và khấm khá, em sẽ không bao giờ quên anh Hai.
Phúc gạt đi: .
- Chú lo xa quá. Mong sao chú thím và các cháu mạnh khỏe, làm ăn ổn định biên thư về là anh chị vui rồi .
Hồi mới sang Mỹ, Đức có gửi một lá thư về hỏi thăm. Một lá thư dài độ 50 từ tiếng Việt. Hơn 8 năm qua biệt vô âm tín không thư từ, không tin tức. Cũng giống như từ khi đi cải tạo về, Đức không bao giờ có ý định đi tìm đứa con gái bị bỏ rơi từ trong chiến tranh.
Ngay hôm đó, Phúc thuyết phục Ngọc Giao về Biên Hòa:
- Bác muốn đưa cháu về Biên Hòa. Xin việc cho cháu làm, cháu ở đây một mình sao tiện.
Ngọc Giao chần chừ:
- Không... ở đây cháu còn có ông Tư... là cậu của mẹ cháu. Rồi ai thắp nhang cho mẹ cháu?
- Ông Tư già rồi, không thể lo cho cháu mãi. Cháu về Biên Hòa vẫn có thể thờ mẹ được nếu cháu còn nghĩ đến mẹ.
Thế là con bé gói ảnh mẹ cho vào giỏ khoác. Hai bác cháu sang chào từ biệt ông Tư và gửi ông chiếc xe ba gác với một cái xẻng là bạn đời của nó trong việc nhận bảo dưỡng cung đường số 4 của hạt giao thông. Hai mươi năm qua Ngọc Giao sống không có tuổi thơ. Hồi cấp 1 cứ sáng đi học chiều về đi dọc lá chuối bỏ mối cho tiệm bánh ích. Hết cấp II thì mồ côi mẹ. Tiếp theo là ngày làm công nhân hợp đồng của hạt giao thông. Một mình Ngọc Giao phải kéo chiếc xe đầy tràn đá dăm. Kéo mãi thành quen. Phúc để ý, con bé đi không cũng trong tư thế gồng người dướn ngực như lấy đà để kéo xe đá nặng.
Phúc lại nhận được thư của em trai.
Thư đề ngày 2-11-199...
"Anh Hai.
Em hy vọng khi nhận thư này của em thì anh đã tìm được cháu Ngọc Giao rồi. Ôi! Thế thì em hạnh phúc quá. Hạnh phúc vì đã phần nào gột rửa được tội lỗi cùng con em, Anh Hai. Còn về phần em, Như Hảo từ chỗ coi thường em cô ấy đã đoạn tình, ly hôn với em. Hảo đã làm vợ nhỏ một thằng cha tỷ phú trồng bông người Tàu: Phụ nữ người Việt ở đây rất có giá. Có cô thay chồng như thay áo. Em cố thu xếp về thăm anh một ngày gần đây.
Em
Ngọc Đức"
Gấp lá thư mà trong đầu Phúc không khỏi gợi lên bao câu hỏi: Hai mươi mấy năm nay Phúc chỉ mơ hồ biết Đức có đứa con với người vợ cũ, nhưng không nghe Đức xót xa tiếc nuối bao giờ. Tám, chín năm nay Phúc như quên đi việc anh có một đứa em con dì ở bên kia đại dương. Chả lẽ cuộc sống ở Mỹ ngặt nghèo quay cuồng đến mức nó không còn viết nổi lá thư thăm anh...? Hay bởi việc ly dị với Như Hảo đẩy Đức vào tình thế "mất trắng" nên hắn đã hồi tâm nghĩ về tình anh em, máu mủ... Ngọc Giao cũng không giấu nổi xúc động.
- Vậy là con sắp được gặp ba con rồi. Chắc là ba nhớ con lắm. Phải không bác?
Bé Hà, con gái Phúc đế vào:
- Ngọc Giao ơi, mi sắp lên hương rồi... Biết đâu chú Đức lại chả chấm cho Giao một chàng Việt kiều yêu nước ở Cali rồi. Nè, lúc đó đừng quên chị nha.
Ngọc Giao đấm vai Hà:
- Em mà hương sắc nỗi gì chị ơi. Em chả cần Cali Calo gì cả. Em sẽ đi làm nuôi ba, nếu ba ở lại Việt Nam.
Vợ Phúc đi làm về đã góp ngay vào không khí của những lá thư:
- Gớm. Anh Phúc nè. Cơ quan em người ta kháo ầm lên nào là nhà ông Phúc chuyến này có ông em ở Mỹ sắp về thế nào chả lên "giấc mơ hai", thay nhà cấp 4 bằng vila. Nào là ông ta (Đức) là chủ một hãng taxi hàng trăm chiếc, đôla xài như nước.
Phúc xua tay:
- Ai nói sao mặc người ta. Bịt làm sao được mồm thiên hạ. Khối người sang Mỹ đang dở khóc dở cười kia. Đôla ở đâu mà sẵn thế.
Bé Hà đưa ra một giấc mơ khiêm tốn hơn:
- Ngọc Giao thì khỏi nói rồi. Còn con, chỉ mong chú Đức quan tâm cho một chiếc Canon có ống room tự động loại xịn để làm hình tư liệu báo chí thôi. Cha! Hết ý. - Bé Hà nháy mắt với Ngọc Giao.
- Thôi các con, chú Đức về với tay không cũng có sao. Miễn là tình cảm anh em cha con chú cháu thân tình là nhà mình vui lắm rồi. - Phúc nhẹ nhàng kết luận. - Dĩ nhiên ba hiểu Hà với Ngọc Giao đều có những ước mơ hết sức chính đáng và hồn nhiên. ồ. Mà ba chỉ mong chú Đức sẽ cùng ba đi về quê ngoài bắc một chuyến để thăm lại cội nguồn.
- Con đi, con cũng đi . - Hà, Ngọc Giao cùng đồng thanh reo lên.
Một người xa quê biền biệt, tám chín năm trời nay trong vòng một tháng có đến hai lá thư hứa hẹn ngày về như kiểu tung cánh chim tìm về tổ ấm, đủ biết quyết tâm của anh ta mãnh liệt đến độ nào. Cái phút ấy đã đến.
Bé Hà đang sắp cơm chiều thì một chiếc Vina taxi lướt vào khu cư xá và dừng ngang trước căn hộ có cánh cổng gỗ ọp ẹp nhà Phúc. Đằng sau xe mấy đứa trẻ đã đứng lố nhố. Đức trắng trẻo và mập mạp bước xuống. Hà nhìn ba. Phúc bước ra cửa. Hai người đàn ông đứng sững lại nhìn nhau. Phúc - Đức của những tô nước phở thừa là đây, của những ngày đón nhau ở trại cải tạo là đây, của chín năm cách biệt là đây:
- Anh Hai! Em... may quá, hỏi mấy cháu nhỏ, nó chỉ vào tận nơi.
- Ôi! Đức... anh không nghĩ em về được nhanh như vậy - Một giọt nước mắt lăn nhanh trên má Phúc.
Đức vội quay lại phía sau, một thanh niên độ 28-30 tuổi cao ráo, đang đứng lúng túng trước cảnh hội ngộ.
- à... em xin giới thiệu đây là Tuấn. Davit Tuấn kỹ sư ngành điện tử. - Dường như từ tiếng Anh chưa đúng chỗ, Đức vội sửa. - Nguyễn Anh Tuấn cùng ở Sanjose... Tuấn về Cần Thơ thăm ông ngoại. à... thế còn cháu Ngọc Giao...?
- Cháu nó đi làm ở trại cây giống, có lẽ cũng sắp về. - Phúc trả lời. - Như sực nhớ ra mọi người còn đứng cả ở sân, Phúc nhắc nhở. - ồ. Vào nhà. Mời tất cả vào nhà. Cả cậu Tuấn nữa.
Ngọc Giao về cùng một thanh niên của trại cây giống. Cả nhà lặng đi trong giây lát, cô bé nhìn sững lại ở Đức, người có khuôn mặt từa tựa khuôn mặt bác Hai Phúc.
Đức đứng lên. Có lẽ do sự mách bảo của tâm linh mà Đức tiến lại phía Ngọc Giao:
- Ngọc Giao. Ba là ba Đức của con đây.
Không như những ngày trước đây háo hức, Ngọc Giao vẫn đứng đó, mặt cô lặng đi.
- Chú... là ba của con ư? Mẹ của con đã... - Ngọc Giao đưa hai tay bưng lấy mặt.
Thế đấy, lúc này cô bé lại nhắc đến mẹ mình một cách tức tưởi. Người thanh niên vội đỡ lấy Ngọc Giao:
- Xin lỗi. Có lẽ tôi đến không đúng lúc.
- Không... đừng... anh Sơn. Anh ở lại với em.
Davit Tuấn cảm thấy khó thở. Anh ta đưa tay chặn lấy ngực.
Giọng Đức khàn đi:
- Ngọc Giao. Ba về thăm con. Chắc là con... chưa chấp nhận tình cảm cha con với ba. Con hãy tha thứ cho ba... để ba có điều kiện lo cho con... ba mong rằng...
Phúc lấy lại vẻ tự chủ đứng lên:
- Thôi nào chú Đức, các con và cháu. Hôm nay nhà ta rất vui. Rồi tâm sự còn nhiều. Nào, chúng ta hãy làm một vài món gì đó cùng với chai bia Sài Gòn cho anh em tôi uống chén rượu đoàn viên đi chứ.
Sau khi đi thắp nhang mộ bà Tâm về, thời gian trong thị thực không còn bao nhiêu, Đức không còn kiên trì được nữa trong việc thuyết phục con gái để Ngọc Giao "yêu" Tuấn và làm thủ tục kết hôn:
- Ba đã nói đến thế mà con không hiểu ra. Hay là con không thương ba. Con mà chấp nhận lấy Tuấn thì con sẽ có cuộc sống hoàn toàn mỹ mãn. Con nghĩ coi, một tháng nó lĩnh 5.000 đô, gần 70 triệu tiền Việt. Con có tưởng tượng được không? Con đi trồng cây một tháng hai trăm ngàn đồng đến bao giờ. Nghe ba đi con. Lấy Tuấn một bước con đổi đời.
Ngọc Giao mệt mỏi:
- Thôi mà ba. Ba con mình nói chuyện khác đi. Con không chê anh Tuấn. Nhưng con không yêu anh ấy.
Đức năn nỉ Phúc:
- Anh Hai. Em bất lực với Ngọc Giao rồi. Em mong anh phân tích cho cháu giúp em. Coi như anh bảo lãnh cho em một lần nữa như hồi ra trại cải tạo vậy mà. Em cũng được biết nhiều cô gái ở quê nhà lấy chồng Việt kiều khi tình yêu đến sau hôn nhân mà vẫn hạnh phúc anh Hai ạ. Nếu cháu... đi đến hôn nhân với Tuấn thì ngoài hạnh phúc cuộc đời của nó ra, cháu còn giúp em qua khỏi nợ nần tù túng... Em... Chính gia đình cậu Tuấn đã...
Phúc nhìn Đức như một người xa lạ:
- Bọn trẻ nó yêu đương theo lý lẽ của riêng nó. Tình yêu lạ lắm. Vật chất nhiều khi không giải quyết được gì đâu. - Phúc buộc phải lật sổ để lộ tờ 10 đô. - Chú coi. Không có tờ 10 đô này tôi không đi tìm nổi Ngọc Giao chăng? Tôi tưởng chú về lần này vì tình cảm anh em, cha con. Ai ngờ cái mục đích của chú ngay các con cháu đây nó cũng biết.
- Em biết rồi. Anh mà nói vào một tiếng là Ngọc Giao nghe anh thôi. Chẳng qua nó chưa chấp nhận em là cha nó... Hừ, thì ra cái nhà này có ai thương tôi đâu. Tôi vẫn là trung úy ngụy mà.
Phúc trừng mắt:
- Chú có thôi đi cái giọng ấy không. Anh em trong nhà mà chú lại nói chuyện xưa cũ vào đây. Ngọc Giao là con chú! Ngay chú cũng không thuyết phục nổi nó. Huống hồ là tôi. Cứ cho là Ngọc Giao vì chú mà lấy chồng... chú trả được nợ tiền bạc, chắc gì chú đã hết nợ. Nợ cuộc đời mới khó trả. Tôi thật không hiểu.
Hai anh em im lặng.
Không khí gia đình lặng đi. Mọi người trở nên gượng gạo bởi các ý nghĩ quái gở từ Mỹ đem về của Đức. Đành rằng đồng đô la có sức mạnh ghê gớm song trong trường hợp này nó đã thua tình yêu của một cô gái côi cút, ít học như Ngọc Giao.
Buổi sáng sau cùng trong visa.
Kẻ tiễn và người đi ngồi quây quanh một bàn cà-phê ở cantin sân bay. Bé Hà quay sang Tuấn để phá tan sự im lặng không hề là vàng này.
- Anh Tuấn qua bên đó... Nếu tụi này có gì không phải cũng đừng vì thế mà không biên thư về nha.
Tuấn nhìn Ngọc Giao đang ngồi bên chàng kỹ sư lâm nghiệp hôm nọ đến nhà.
- Chị Hà. Tôi thật vô duyên... - Tuấn nhìn thẳng Sơn. - Tôi đã chậm hơn anh nhiều bước. Xin chúc mừng anh.
Sơn chỉ cười và tỏ một cử chỉ xã giao là khẽ gật đầu.
Hà càng được thể:
- Ôi Thế là Sơn Tinh và Thủy Tinh đã định ngôi thứ. Sơn Tinh mau về đem voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao dâng lễ đi. - Hà quay qua Tuấn, - tiếp tục giọng bông lơn. - Anh Tuấn qua đó chắc không đến nỗi như Thủy Tinh nổi sóng gây bão lụt ngập úng cho đất nước Việt Nam chứ.
- ồ không! Tôi làm vậy thì làm sao còn đường về nước chứ.
Bọn trẻ kết thúc vấn đề xem ra có phần dễ chịu hơn người lớn.
Lúc này, giọng người nhân viên hướng dẫn vang lên "Chuyến bay Sài Gòn - New York cất cánh lúc 14 giờ 30. Quý khách vào phòng chờ qua cửa số 4". Đức bắt tay Hai Phúc rồi xoa đầu con gái một lần nữa.
Ngọc Giao run giọng:
- Ba. Ba đi nhớ giữ gìn sức khỏe nghe ba. Con bao giờ cũng thương ba, nhớ ba.
- Ba đi nghe. ở nhà nghe lời bác Hai.
Đức cùng Tuấn bước vào nhà kính. Chiếc xe buýt ghé vào cửa phòng chờ. Đức quay lại một lần nữa rồi bước đi. Mặt Đức cúi thấp, dáng người hơi nghiêng về một bên, anh lại trở về bên kia đại dương với bao nhiêu điều chưa tự hóa giải được.