hn4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com
Full version available at http://4u.jcisio.com/p/story/pt-1142.htm

Phượng Vũ

Diễm

Sài Gòn ngày...

Thân yêu gửi Thủy, Hiền, Minh, Hằng và...

Hẳn là các cậu sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được tập thư photocopy này. Mình quyết định photocopy tập thư này thành nhiều bản gửi cho các cậu và cả cho những đứa nay mai biết được địa chỉ. Để làm gì ? Các cậu sẽ hỏi thế chứ gì ? Đơn giản thôi, mình đang ốm và buồn. Rất buồn. Mình cần tâm sự với các cậu những đứa bạn hồi học phổ thông. Nhưng quan trọng hơn là mình muốn trắc nghiệm cuộc đời. Năm đứa chúng mình cùng học một lớp, cùng sinh ra và lớn lên ở thị trấn Vân, cùng sinh năm Quý Mùi tức là cùng cầm tinh con dê. Xưa nay, dân gian vốn coi tuổi mùi là tuổi tháo vát, giỏi giang, cuộc đời sung sướng nhàn hạ. Chả thế mà người ta đã ước ao: "Người ta tuổi ngọ tuổi mùi. Tôi nay luống những bùi ngùi tuổi thân". Ngày còn học cấp ba, mỗi khi đến chơi, nhìn dáng vẻ của mình, bà ngoại mình thường bảo : "Con Diễm sau này rồi nhàn hạ, lấy được chồng khá giả". Nhưng lần khác đến chơi, bà lại như thở dài rồi nói nhỏ với mẹ mình: "Chỉ hiềm là thiên can tuổi của nó lại là Quý Mùi. Người ta bảo, trai: đinh, nhâm, quý, giáp thì tài; gái: đinh, nhâm, quý, giáp phải hai lần đò. Đường nhân duyên của con Diễm rồi dang dở". Những năm 1960 ấy, ai mà tin những điều như vậy ở miệng một bà già? Vậy mà những năm 1990 này, sau ba mươi năm dấn thân vào cuộc đời, những điều ấy lại ứng nghiệm lạ lùng, nhất là đối với cuộc đời mình. Các cậu có biết không, mình sắp đi chuyến đò thứ hai, sau khi đã chia tay với anh Hội trong chuyến đò thứ nhất. Nhưng nguyên nhân nào dẫn đến cuộc chia tay, rồi dần dần các cậu sẽ biết. Giá như ba mươi năm trước, mình tin lời bà ngoại mình ứng nghiệm như vậy, có lẽ mình đã không lấy chồng. Nhưng biết làm sao, số phận mình như vậy". Số phận, có thật là người ta có số phận không ? Đã hai năm nay mình như một con chim chích lạc vào cánh rừng ại ngàn là thành phố Sài Gòn này: Mình loay hoay mãi vẫn chưa tìm được một nhánh cây để làm tổ. Những lúc buồn tủi, mình lại nhớ về cái thị trấn Vân nhỏ bé bên dòng sông Đáy của chúng mình; nhớ về tuổi học trò để quên đi những vất vả hằng ngày. Có lẽ trong năm đứa, mình là người vất vả nhất. Này nhé, cái Thủy là y sĩ, sau mấy năm công tác ở bệnh viện huyện, được đi học thành bác sĩ rồi về công tác ở bệnh viện tỉnh, nay lại làm việc ở Ban bảo vệ sức khỏe cho các ông cán bộ to công việc nhàn nhã, nên năm mươi tuổi vẫn còn trẻ đẹp như gái ba mươi, lại được chiều liệu, đi đâu cũng có xe của các xếp đưa đón. Cái Hiền, sau khi chia tay với ông kỹ sư trưởng phòng nông nghiệp huyện, đã chuyển vào Đà Lạt dạy học, hiện đang sống hạnh phúc với một ông phó tiến sĩ. Từ một túp lều tranh hai trái tim vàng, Hiền đã có một biệt thự cho người nước ngoài thuê, mỗi tháng thu hơn một nghìn đô. Còn Hằng vốn có tướng làm quan từ thời đi học nên sau này làm phó chủ tịch tỉnh, rồi lên Bộ làm vụ trưởng và nghe đâu sắp lên thứ trưởng nữa. Riêng Minh, vẫn nuôi chí để trở thành một cây bút nổi tiếng, hiện là biên tập viên một tờ báo lớn ở thành phố, sống sang trọng và đầy hạnh phúc. Chỉ còn mình là hẩm hiu. Có phải tại mình nông nổi, dại khờ chăng?

Đúng là tôi đã nông nổi, dại khờ, đã giấu diếm các bạn nhiều điều, nhất là những chuyện riêng tư. Trong số bạn bè, không mấy ai biết tôi là người có gốc gác Trung Hoa. Cha tôi vốn là người Quảng Đông, lưu lạc sang Việt Nam từ thời cách mạng Tân Hợi. Ông theo gia đình một người chú ruột phiêu dạt qua bao miền đất. Ngoài dao cầu thuyền tán gia đình ông chú còn mang theo nhiều bồ thuốc bắc. Cái nhóm người Hoa đầu tiên đến phố Vân, lúc đầu chỉ có bốn người. Hai ông bà Dương, người con trai nhỏ ba tuổi và một người cháu trai năm ấy mười sáu tuổi. Người cháu trai mười sáu tuổi sau này trở thành bố tôi. Cái cửa hàng thuốc bắc ở phố chợ chỉ nhỉnh hơn cái lều đã che chở cho bốn con người xa lạ. Mấy năm sau, khi đã hòa nhập vào cư dân phố Vân, ông tôi mới dựng được một căn nhà gỗ, theo kiểu nông thôn, vừa làm nơi ở vừa làm nơi bốc thuốc, chữa bệnh. Ông giỏi thuốc, lại nhân hậu nên được dân cả vùng mến mộ. Chẳng mấy chốc ông tôi trở nên giàu có. Ông xây một căn nhà gạch ở trong phố huyện, ra sức rèn cặp người cháu trai đã hai mươi tuổi để có người kế nghiệp. Ông định lập nghiệp lâu dài ở phố Vân nên tính chuyện lấy vợ cho người cháu trai. Một cô gái xinh đẹp Làng Bặt đã về làm dâu nhà họ Dương. Đấy là mẹ tôi. Cặp vợ chồng vợ Việt chồng Hoa ấy là một hiện tượng lạ lẫm khiến người trong vùng bàn tán. Người ta bình phẩm nhiều về mẹ tôi : "Con gái xinh đẹp dịu dàng thế, thiếu gì người mà lại lấy chú khách". Nhưng mẹ tôi vốn là người sâu sắc đâu có hành dộng vội vàng. Bà lấy bố tôi vì cảm ân nghĩa ông đã cứu sống mấy người trong gia đình bị bệnh nặng. Ông là một thầy lang trẻ có đức độ, giỏi chữa bệnh và hay chữ. Bên cạnh ông lúc nào cũng có quyển Đường thi nhất bách thủ mà ông đã thuộc lầu lầu. Ngay sau khi mẹ tôi sinh tôi, bà ngoại báo tin cho cha tôi biết: "Con gái. Mặt đẹp như hoa ấy" ông liền đọc câu thơ Lý Bạch "Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung - Nhìn mây tưởng là xiêm áo, nhìn hoa tưởng là dung nhan" và đặt tên tôi là Hoa. Sau đó người dì tên là Hoa rồi nên ông cải tên tôi thành Diễm, với ý là đẹp đẽ, diễm lệ.

Chính cái nhan sắc diễm lệ trời phú cho tôi ấy, đã khiến tôi khổ ải suốt cuộc đời đúng như người xưa nói "hồng nhan đa truân". Năm học cuối cấp ba, tôi đã nổi tiếng là hoa khôi của trường. Không chỉ các bạn trai tỏ lòng quyến luyến tôi mà cả các thầy, trong đó có thầy dạy văn học. Mỗi lần trả bài, trong vở của tôi bao giờ cũng có một bức thư của thầy. Những thư đầu là những lời khuyến khích, động viên, tiếp đến là những lá thư tràn đầy tình âu yếm. Và cho tới lần trả bài cuối cùng, tôi nhận được một lá thư dầy của thầy kẹp vào đúng trang cuối bài làm về Chinh phụ ngâm, với lời tỏ tình tha thiết và cả lời hẹn hò. Nhưng lúc ấy tôi còn bận học thi, lo thi nên lời tỏ tình và hẹn hò của thầy đã làm tôi sợ hãi. "Thầy sẽ đợi em ở cuối bãi dâu, lúc trăng lên" . Những lời giảng của thầy về ngàn dâu xanh biếc, về bóng trăng lung linh trong tiếng trống trường thành trong giờ giảng văn Chinh phụ ngâm đã làm rung động tâm hồn tôi. Nhưng lời hẹn ở cuối bãi dâu lại làm tôi lo lắng. Không đến thầy sẽ giận. Mà đến thì không thể. Một bức tường vô hình đã ngăn cách giữa tôi và thầy. Tôi chỉ có thể coi thầy như một người anh, một người cha mà thôi. Tình yêu đầu tiên thiêng liêng và mơ mộng tôi đã dành cho Quyền, một bạn trai cùng lớp. Quyền hơn tôi một tuổi khỏe mạnh, đẹp trai và rất thông minh. Quyền học giỏi các môn và luôn luôn đứng đầu lớp. Trong khi bọn con gái chúng tôi và cả phần lớn con trai trong lớp phải đánh vật với các môn học thì Quyền học cứ như chơi, vậy mà vẫn giỏi, vẫn đạt kết quả cao nhất trong các kỳ thi toàn tỉnh. Quyền là nỗi ước ao của tất cả bọn con gái, trong đó có tôi. Tôi thầm yêu Quyền từ đầu năm lớp mười. Hình như Quyền cũng để ý đến tôi. Trong số con gái cùng lớp, tôi là người xinh đẹp hơn cả, tuy lớp tôi có nhiều người đẹp. Quyền để ý đến tôi vì nhận thấy ở tôi có một vẻ gì rất riêng, như sau này Quyền có lần thổ lộ.

Năm ấy cả lớp tôi chỉ có hai người trúng tuyển vào đại học. Đó là Quyền thi đỗ vào Tổng hợp Văn và Hằng lớp trưởng đỗ vào Đại học Nông nghiệp. Ngày ấy thi đỗ vào đại học vinh dự lắm. Chúng tôi buồn cho mình và mừng cho bạn. Tôi buồn vì thi trượt một phần, buồn nhiều hơn vì phải xa Quyền. Quyền sẽ lên Hà Nội, nhập trường vào quãng giữa tháng. Từ hôm có thông báo gọi nhập trường, tôi không gặp Quyền. Hẳn là Quyền bận chuẩn bị hành trang để lên đường. Suốt cả năm cuối cấp, chúng tôi đã đi chơi với nhau nhiều lần. Lần thì đi xem phim. Lần đi hội chùa Hương. Nhưng nhiều nhất là ngoài bãi dâu. Đã bao nhiêu lần Quyền nói với tôi về bãi dâu và những chuyện liên quan đến cây dâu. Nào là hai bên triền sông là những bãi dâu, có từ mấy nghìn năm, từ thời công chúa Hoàng phủ Thiếu Hoa con gái Vua Hùng đến ở vùng ven sông dạy dân trồng dâu nuôi tằm, rồi hội rước kén vào mùa xuân hằng năm, đến con sông Dâu trở thành phòng tuyến của Hai Bà Trưng chống quân Mã Viện. Những lúc ấy Quyền nắm lấy tay tôi thì thầm:

- Diễm có tin không, sau này mình sẽ viết một cuốn sách về con sông Dâu của quê chúng mình.

Tôi tin vào ý tưởng đẹp đẽ ấy của Quyền. Chỉ mấy năm nữa thôi cuốn sách về con sông Dâu sẽ trở thành hiện thực. Biết bao nhiêu huyền thoại được chứa đựng trong cuốn sách ấy?

Tôi đang ôn lại những kỷ niệm của tuổi học trò thì Quyền đến. Quyền nhìn tôi giây lâu rồi nói:

- Mình đến chào Diễm để mai lên nhập trường.

- Vậy ư? - Tôi thốt lên rồi im lặng, chợt thấy mặt mình nóng bừng.

Quyền nhìn tôi đăm đăm rồi nói nhỏ:

- Tối nay Diễm tiễn chân mình được không?

- Được. ở đâu?

Quyền đọc câu thơ Chinh phụ ngâm như mọi khi:

- Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Đêm ấy là đêm rằm. Trăng sáng vằng vặc trên bãi dâu. Quyền trải một mảnh ni lông trên nền đất phẳng giữa hai luống dâu gần bờ sông. Qua những cây dâu thưa chúng tôi nhìn rõ cả dòng sông lấp lánh. Tôi thốt lên:

- Đêm chia tay của chúng mình đẹp quá.

- Nhưng nếu không có Diễm vẻ đẹp của trời đất cũng trở thành vô nghĩa.

- Thật thế ư?

- Thật.

Nói xong Quyền ôm ghì lấy tôi mà hôn. Người tôi run bắn lên, cố đẩy Quyền ra, nhưng không thể nào đẩy được. Quyền rúc đầu vào ngực tôi thì thầm:

- Người ta bảo em là con gái Hoa. Anh muốn biết em có gì khác không?

Câu nói của Quyền đã làm tôi tự ái. "Khác gì. Tôi cũng giống như mọi người đàn bà trên trái đất này". Nghĩ vậy, tôi đã để cho Quyền thỏa mãn sự thèm muốn khám phá những điều khác lạ. Sau khi đã chiếm đoạt tất cả thân thể tôi, Quyền nói rên rỉ:

- Ôi em đẹp quá, còn hơn cả Thần Vệ nữ. Em cũng chẳng khác gì mọi người đẹp trên thế gian...

Tôi bỗng nổi giận. "Hóa ra anh ta đã từng biết cơ thể của những người đẹp khác?". Tôi đứng phắt dậy, đẩy Quyền ngã ngửa xuống luống dâu rồi mặc vội quần áo. Tôi trừng trừng nhìn vào mắt Quyền giận dữ nói:

- Hóa ra. Anh cũng chỉ là một hạng Sở Khanh!

ở đời ai mà chẳng có lần dại khờ. Nhưng mình lại là người dại khờ suốt cả cuộc đời. Không, đúng ra là sự cả tin. Mình đã tin vào bọn đàn ông mà gã đàn ông nào cũng có chất lừa lọc và gã đàn ông là chồng mình có thể là một trường hợp điển hình. Các cậu có thể tưởng tượng được không, mình lấy chồng hai mươi năm thì mười lăm năm phải nuôi con một mình. Mình là gái có chồng mà lại thành góa phụ.

Tất cả đều bắt đầu từ cái năm mình thi trượt đại học ấy. Mình cũng định học lại để thi một năm nữa, nhưng sau thấy Thủy đã đi học trường trung cấp y tế mình và Hiền đã rủ nhau thi vào trung cấp sư phạm. Với lại hoàn cảnh nhà mình không cho phép đi học tiếp được nữa. Cửa hàng thuốc bắc của bố mình ngày một vắng khách. Mẹ mình đã mất vào dịp cuối năm. Mình là chị cả, phải giúp bố trông nom bốn đứa em, mình cần phải đi làm. Tốt nghiệp sư phạm 10 + 2, mình và cái Hiền đều được phân lên dạy ở huyện miền núi. Đây là nơi cộng cư của nhiều dân tộc, trong đó có cả người Mèo. Ngày phiên chợ, những cô gái Mèo thồ những rổ đào to như nắm tay mùi thơm phức xuống chợ huyện bán. Nhưng muốn lên đến các bản Mèo, xe phải chạy một ngày đường. Được cái huyện lỵ ở trong một thung lũng đẹp. Ngoài người Kinh, người Thái, người Mường còn có cả một số gia đình người Hoa. Những cửa hiệu của người Hoa bán thuốc bắc, hàng thực phẩm, ăn uống. Chúng mình dạy ở trường huyện nên thường ra phố huyện chơi, mua sắm. Ngày chủ nhật không về được nhà hai đứa thường đến hiệu mỳ vằn thắn của thím Síu ăn bánh bao hoặc mỳ. Chính ở cửa hiệu mỳ vằn thắn này đã bắt đầu sai lầm lớn nhất của đời mình.

Hầu như lần nào đến ăn ở hiệu thím Síu, mình cũng gặp một thanh niên dong dỏng cao, nước da trắng hồng và khuôn mặt rất đẹp, đang ăn ở đấy. Bao giờ anh ta cũng ngồi ăn ở cái bàn phía trong, ăn một mình, có rượu và đồ nhắm. Cái dáng phong nhã và nụ cười tươi của anh ta khiến mình để ý ngay từ phút gặp đầu tiên. Mình chú ý đến anh ta bởi mình chợt nhớ đến Quyền. Thế là đã ba năm không gặp Quyền. Mình chỉ được Minh đang học đại học báo chí ở Hà Nội cho biết, Quyền đã bỏ học sau năm học đầu tiên. Quyền sống sa đọa với một người đàn bà giàu có ở Ngã Tư Sở. Bây giờ ở giữa một huyện miền núi, mình chợt gặp lại bóng dáng của Quyền. Đấy là điều lành hay dữ ? Ngay lần đầu gặp mình, anh thanh niên đã rất sững sờ. Những lần sau, vừa ăn anh ta vừa liếc trộm sang bàn mình và Hiền ngồi. Mình có cảm giác là anh ta chỉ nhìn trộm mình. Vì dù sao, công bằng mà nói, Hiền chỉ xinh thôi chứ không đẹp. Sau một học kỳ, mình và thím Síu đã thân nhau. Cũng dễ hiểu thôi, ở vùng đất lạ, gặp người gốc gác Trung Hoa là mừng lắm. Thím ấy lại là người Quảng Đông, đồng hương với bố mình. Qua thím Síu, mình biết người con trai thường đến ăn ở quán thím Síu tên là Hội. Hội quê ở tỉnh Hà, con một ông tỉnh ủy viên. Trước Hội làm công tác tổ chức ở một xí nghiệp. Sau chuyển sang lái xe quá cảnh qua Lào. Nhờ có sự môi giới của thím Síu, mình và Hội đã quen nhau. Một vài lần Hội mời mình và Hiền cùng ăn. Trong lúc ăn Hội nói chuyện rất có duyên. Hội kể về những chuyến đi vượt trăm núi nghìn đèo đến Luông Pha Bang kinh đô cũ của vua Lào. ở đấy không có trấn lột trộm cắp và đặc biệt là thành phố rất sạch, không bụi bậm. Hội kể cả lần chết hụt trên sông Mè Khoỏng khi xe qua ngầm bị lũ trôi xe, nước ngập đến nóc, may mà có bộ đội cho xe tăng đến kéo lên. Chuyện nào Hội kể cũng có sức cuốn hút lạ lùng khiến mình cứ đăm đắm nhìn Hội không chớp mắt, đến nỗi cái Hiền phải cảnh cáo:

- Này, đây bảo cho mà biết, phải cảnh giác đấy kẻo lại hối không kịp.

Đối với tình yêu mọi lời cảnh cáo đều là thừa. Tình cảnh mình lúc ấy là như vậy. Không hiểu sao, sau mỗi lần Hội lên xe đi, mình lại thấy lo cho anh, và nhất là mong Hội chóng trở về. Một lần, vào sáng chủ nhật, mình và Hiền đang cuốc đất ở trước phòng ở, vừa trồng rau vừa trồng hoa cho vui mắt. Chợt có tiếng xe tải phanh đỗ ở cổng trường. Mình nhìn ra. Từ trên ca-bin Hội bước xuống, tay xách một hộp các-tông lớn đi vào sân trường. Mình vội vứt cuốc đi rửa chân tay rồi mời Hội vào phòng. Hội nhìn căn phòng đơn sơ mình và Hiền ở chung nói vẻ ái ngại:

- Ôi các cô giáo ở đơn giản quá nhỉ? Thật là một sự hy sinh.

- Anh cứ nói thế. Trường miền núi nhà tranh vách nứa, cảnh khó, người phải chịu vậy.

Hiền cũng vào tiếp chuyện Hội. Hội cho biết anh vừa từ Luông Pha Bang về, nhân đi qua trường ghé lại thăm. Nhìn dáng vẻ Hội, không có vẻ gì là người đã vượt muôn trùng sông núi về đây. Vẻ mặt Hội tươi tỉnh, quần áo sạch sẽ phẳng phiu, dáng vẻ phong nhã. Nhìn Hội, không ai nghĩ đấy là một lái xe quá cảnh.

Hiền mở ấm giỏ cầm ấm tích rót nước mời Hội:

- Nước hơi nguội. Anh ngồi chơi để em đi đun ấm nước.

Nhân lúc Hiền đi ra ngoài, Hội rút trong túi áo ra một hộp nhỏ, đặt vào tay mình nói:

- Tặng Diễm chút quà nhỏ nhân ngày sinh nhật.

Mình ngơ ngác mất mấy giây không hiểu Hội nói gì. Ngày sinh nhật nào. Sao Hội lại biết ngày sinh nhật của mình. Đến như mình, mấy năm nay có nhớ đến ngày sinh nhật đâu. Vậy sao Hội lại...

Như đoán được ý nghĩ của mình, Hội bảo:

- Diễm nên biết rằng, đã có thời Hội làm công tác tổ chức. Mà tổ chức thì cần phải biết cả những chi tiết nhỏ nhất.

Dường như sợ mình từ chối, Hội vội vã cáo từ ra xe. Mình mở cái hộp nhỏ ra xem thì là cái đồng hồ đeo tay mạ vàng óng ánh. Dưới đáy hộp có một mảnh giấy nhỏ có dòng chữ viết nắn nót: "Tặng Diễm cái hộp thời gian để lên lớp "đúng giờ".

Hiền đã trở vào phòng. Thấy cái hộp trong tay mình, Hiền hỏi:

- Cái gì thế?

- Hộp thời gian.

- Sao lại hộp thời gian. Của ai?

- Anh Hội tặng mình. Hôm nay là ngày sinh nhật Diễm mà. Hiền ơi, mày thông cảm nhé, lương giáo viên như chúng mình thì biết đến bao giờ mới có thể mua được những thứ như thế này.

Hiền ngắm nghía chiếc đồng hồ như ngắm một báu vật chưa bao giờ nhìn thấy rồi bỗng thở dài:

- Anh ta mê mày thì rõ rồi. Nhưng tiền ở đâu mà anh ta tiêu xài phung phí thì chưa biết rõ.

- Có thể nhà anh ấy khá giả. Ông bố là cán bộ cỡ.

- Cũng có thể như vậy. Nhưng tao nghi lắm...

Hiền là người nhạy cảm với các hiện tượng xã hội nhưng không nói ra, phần vì sợ mình giận, phần vì thương mình nữa. Ngày mình và Quyền còn mới  thân nhau, có lần Hiền đã bảo: "Thằng Quyền là loại người chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao. Tránh xa nó ra". Nhưng lần này thì chính Hiền cũng lầm. Nhân một lần Hội ngỏ lời mời đến thăm nhà, Hiền đã nhận lời luôn. Nhà Hội ở trong nông trường cam cách trường mình hơn mười cây số. Hội ở với bà chị gái là kế toán trưởng nông trường. Hiền lập cả một kế hoạch tìm hiểu về gia đình Hội. Nào là phải quan sát kỹ từng người trong gia đình, nào la cà bên hàng xóm hỏi thăm về Hội và nhất là phải tìm bằng được mấy đứa bạn dạy ở trường cấp 2 nông trường để hỏi cho có độ tin cậy. Sau chuyến đi thăm, Hiền bảo:

- Thôi thì tùy mày. Tao không can thiệp.

Tuy được Hiền ủng hộ nhưng mình vẫn chưa quyết định. Mình muốn kéo dài quan hệ thêm ít lâu nữa, nhất là sau khi Hội bố trí được thời gian về ra mắt bố mình và ông bà nội ngoại. Hội rất sốt sắng bố trí chuyến đi ra mắt ấy. Hội khéo léo kết hợp một chuyến chở hàng về Hà Nội để về thăm bố mình. Chiếc xe MiFa còn mới sơn mầu xanh lá cây được chất đầy hàng chuẩn bị lên đường. Xe chạy được vài tiếng đồng hồ thì mưa lớn! Mưa như thác đổ suốt hai bên tuyến đường. Sẩm tối thì đến bến phà sông Bưởi. Qua cửa kính ca - bin mình thấy hàng đoàn xe nối đuôi nhau đậu bên đường. Hội mở cửa ca-bin hỏi một người đứng gần. Thì ra lũ to quá, ngầm quá sâu, không thể qua sông được. Tất cả đều phải chờ lũ rút. Chín giờ tối, không có hy vọng gì qua được sông, Hội đánh xe vào một bãi bằng có nhiều cây cổ thụ để nghỉ. Hội bảo mình trông xe để đi kiếm cái gì ăn. Một lát sau, Hội bưng về một cái giỏ lót lá chuối, trong đó có con gà luộc và mấy đĩa xôi. Hội không quên mua cả một chai sáu nhăm rượu trắng. Mấy tờ báo được trải xuống dưới gốc cây, chúng mình xé thịt gà và nắm xôi ăn một cách ngon lành. Ăn xong, Hội xách cái xô nhôm ra sông xách về một xô nước cho mình rửa chân tay. Hội bảo:

- Lũ to lắm. ít nhất cũng phải sáng mai mới qua ngầm được.

- Thế thì làm thế nào?

- Ngủ ở đây thôi. Em nằm trong ca-bin. Còn anh đã có tăng và võng.

Hội nói thế nhưng mình chỉ thấy Hội đứng ở đầu xe hút thuốc. Mình mệt mỏi nằm xuống đệm xe ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy mình thấy Hội đang áp mặt vào ngực mình và giọng Hội thì thầm:

- Anh muốn biết em có gì khác người không. Anh yêu em!

Mình không muốn có đến người thứ ba hỏi mình có gì khác lạ không nên đã quyết định lấy Hội. Đám cưới được tổ chức tưng bừng ở trường mình. Trong ngày cưới mình thấy mệt mỏi lạ lùng. Lựa lúc vắng khách, cái Hiền hỏi mình:

- Mày có mang rồi phải không?

Mình gật đầu. Cái thai trong bụng mình đã hình thành từ cái đêm lũ to ở trên sông Bưởi. Từ đêm ấy cuộc đời mình đã an bài rồi.

Chuyện tôi lấy Hội thì bạn bè nhiều người biết. Nhưng những chuyện sau đó ít ai hay. Vào đúng hôm tôi đi bệnh viện đẻ đứa con trai đầu lòng thì Hội bị bắt. Trong chuyến quá cảnh từ Lào về, Hội đã mang 15 cân thuốc phiện. Thì ra, từ lâu Hội đã là đầu mối của một đường dây buôn lậu thuốc phiện. Hội đã thoát được nhiều chuyến. Chả ngờ lần này...

Ngày đứa con đầy tuổi tôi cũng là ngày Hội bị còng tay vào trại giam. Tòa tuyên án Hội tù 10 năm với các tội buôn lậu hàng quốc cấm và lừa đảo. Tôi cứ như phát điên lên. Cú sốc quá mạnh đã quật ngã tôi hằng tháng trời. May mà còn có Hiền. Hiền giúp đỡ an ủi tôi, chu cấp cả tiền nong cho mẹ con tôi. Tôi phải nghỉ dạy mất hơn hai tháng. Khi đã khỏe trở lại lớp với các em, tôi thấy vui lên được một chút, giá như không có lời khuyên của Hiền:

- Mày cũng nên đi thăm anh ấy. Dẫu sao thì ...

Ngày chủ nhật, tôi chuẩn bị một số quà đi thăm Hội. Cái làn nhựa căng phồng những thứ mà anh thích, ngoài thức ăn còn có cả chè Thái Nguyên, thuốc lá, dao cạo râu và một bánh xà phòng thơm. Tôi đạp xe hơn bốn mươi cây số vào khu rừng mà xưa nay ai cũng biết là trại giam.

Người thường trực trại giam là một người đã đứng tuổi, sau khi xem giấy tờ của tôi và ghi yêu cầu xin gặp anh Hội, đã ngẩng lên hỏi:

- Chị và anh Hội quan hệ thế nào?

- Tôi là vợ anh ấy.

Khuôn mặt người thường trực đầy vẻ kinh ngạc:

- Là vợ? Thật như thế?

- Thưa vâng. Chúng tôi có giấy đăng ký kết hôn.

Người thường trực trại toan nói câu gì lại thôi. Ông ta chỉ sang ngôi nhà gạch bên kia đường bảo:

- Chị hãy sang bên kia chờ. Lát nữa sẽ được gặp. Tôi đợi chừng nửa tiếng thì Hội ra. Mới có mấy tháng mà Hội đã xọm hẳn đi. Râu ria mọc tua tủa, mặt hốc hác như người mới ốm dậy. Tôi không kìm được nước mắt, nức nở khóc mãi không nói được lời nào. Hội lại sát gần tôi, khẽ vuốt tóc tôi, bối rối nói:

- Anh có lỗi với em... Anh chỉ muốn mẹ con em được sung sướng.

Hội chỉ nói được có thế. Trong suốt thời gian được gặp chúng tôi chỉ nhìn nhau, săn sóc nhau bằng những cử chỉ âu yếm. Tôi hẹn là sẽ thường xuyên đến thăm anh.

Tôi đã giữ đúng lời hứa. Mỗi tháng tôi đi thăm anh hai lần. Đến lần thứ tư thì bác thường trực trại giam bảo:

- Lần này thì cô phải chờ hơi lâu đấy. Thôi, cứ ngồi đây đợi. Nước đây, cô uống đi cho đỡ khát.

- Vâng, cảm ơn bác.

Thấy bác thường trực vui vẻ, tôi biếu bác bao thuốc Điện Biên rồi gợi chuyện:

- Nhà cháu bận việc gì hả bác. Hôm nay chủ nhật cũng phải đi làm ư?

- Không, không phải thế. Cô cứ ngồi đây rồi sẽ biết.

Tôi đưa mắt nhìn sang dãy nhà gạch bên kia đường đang tấp nập người vào ra. Đấy là khu dành cho người nhà tù nhân đến thăm thân nhân mình. Thấy tôi có vẻ sốt ruột, bác thường trực hỏi chuyện để tôi yên lòng:

- Cô ở cách đây có xa không?

- Hơn bốn chục cây, bác ạ.

- Cô đang nuôi con nhỏ?

- Vâng, con cháu mới được sáu tháng.

- Anh chị xây dựng gia đình đã lâu chưa?

- Mới hơn một năm bác ạ.

- Vậy là thế.

Bác thường trực ngẫm nghĩ một lát, bảo:

- Tôi trông cô cũng là người tử tế. Cô làm nghề gì?

- Cháu dạy học.

- Tôi cũng đoán thế. Cốt cách của cô là người hiền hậu nhưng lại đa truân, có phải thế không?

- Vâng, đúng thế đấy ạ. Cháu vất vả lắm.

Tôi bỗng bật khóc. Tiếng khóc nức nở của tôi khiến bác thường trực động lòng trắc ẩn. Bác an ủi tôi:

- Cô cũng bằng tuổi con gái út của tôi. Tôi không thể giúp được cô việc gì cả, ngoài việc giúp cô biết rõ sự thật về chồng cô.

- Vâng, xin bác giúp cháu.

Bác thường trực bóc bao Điện Biên rồi rút ra một điếu chậm rãi châm thuốc hút. Lúc lâu bác mới bảo:

- Tôi đã định nói với cô từ mấy lần trước nhưng cứ đắn đo mãi. Với lại cũng còn phải tìm rõ căn cứ đã. Tôi biết nói ra cô sẽ rất đau lòng. Nhưng như thế còn hơn, vì cô còn trẻ, đời còn dài. Từ hôm Hội bị giam ở đây, trước cô đã có hai người đàn bà trẻ đến thăm, người nào cũng tự nhận là vợ Hội. Người thứ nhất ở tận Thuận Châu, cùng đứa con gái lên bảy đến thăm Hội ngay từ những ngày đầu. Sau đó ít ngày, một người 25 tuổi cùng đứa con trai lên bốn, giống Hội như đúc, từ Tuần Giáo đến thăm. Khi cô tới đây lần đầu, cũng tự nhận là vợ Hội, tôi ngạc nhiên lắm. Sao lại có thể như thế được. Tôi đã báo cáo việc này với đồng chí giám thị. Đồng chí ấy đã bắt Hội kể rõ sự tình. Hội khai là trong những ngày rong ruổi đường trường từ đây đi Luông Pha Bang và từ Luông Pha Bang về đã tằng tựu với nhiều người, đã có con với một người ở Thuận Châu, một người ở Tuần Giáo và cả với một người ở Mường Khoa bên đất Lào. Cả mấy người đều có cưới xin hẳn hoi...

Tôi bàng hoàng như người không hồn. Tôi đau đớn không thể khóc được nữa. Sự thật phũ phàng đến như thế ư?

Bác thường trực lựa lời an ủi tôi:

- Đấy là sự thật mà tôi được biết. Còn định liệu như thế nào là tùy ở cô. Sáng nay, trước khi cô tới nửa giờ, cô gái ở Tuần Giáo và thằng con trai đã đến thăm Hội. Họ đang ở trong căn nhà số hai kia kìa. Cô cứ ngồi đây sẽ rõ.

Quả nhiên, chỉ một lúc sau Hội từ căn nhà số hai đi ra. Đi bên cạnh Hội là một thiếu phụ trạc hơn tuổi tôi dáng vẻ xinh đẹp nhưng buồn rầu, tay dắt đứa con trai có khuôn mặt hao hao giống Hội. Hội tiễn họ ra đến chỗ ba-ri-e thì quay vào. Đứa trẻ giơ tay lên gọi: "Bố, bố!" mấy lần nhưng Hội không quay lại. Khi cô gái đến chỗ phòng thường trực xin lại giấy chứng minh thư, tôi mới thấy rõ là cô ta còn trẻ và có khuôn mặt đẹp. Còn đứa trẻ không thể trộn lẫn với ai được. Đúng là giọt máu của Hội. Tôi ngất đi lúc nào không biết. Tôi chỉ chợt nghe thấy tiếng kêu thất thanh:

- Kìa bác ơi, chị ấy làm sao thế kia?

Sau khi đã xoa hết nửa hộp cao sao vàng, tôi đã tỉnh lại. Tôi gửi gói quà lại cho Hội rồi ra về. Tôi không thể gặp Hội được nữa cho đến khi nào Hội trở thành người lương thiện. Thông cảm với cảnh ngộ của tôi, Hiền đã vận động để cho tôi được chuyển về xuôi. Nhờ có thầy Hải lúc này là trưởng phòng giáo dục huyện, tôi được về dạy ở trường cấp hai thị trấn quê nhà.

Khi mình ôm con trở về thị trấn Vân, các cậu đều bay nhảy khắp nơi rồi. Hằng đã tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, đang công tác trên tỉnh. Minh học năm cuối đại học báo chí, đang thực tập ở một tờ báo lớn. Y sĩ Thủy cũng đã chuyển về bệnh viện tỉnh. Còn Hiền, vẫn ở lại dạy học trên miền núi. Thời gian đầu mình thấy thật cô đơn. Ngoài mấy giờ lên lớp về ôm con trong căn phòng nhỏ mà từ thời con gái mình đã từng ở. Được cái là bố mình và mấy đứa em gái đều rất thương mình, thương cháu nên cũng khuây khỏa. Đêm đêm ôm con nằm trong căn phòng tối, nghĩ đến thời gian dằng dặc mười năm đứa con không bố, mình lại rùng mình kinh sợ. Rồi đời mình sẽ ra sao, mình cũng không thể nào biết được nữa. Đành phó mặc cho số phận.

Mình dạy ở truờng thị trấn được mấy tháng. Không hiểu sao những lời đồn đại về mình bỗng dội lên, đến nỗi phụ huynh học sinh phải kiến nghị với phòng giáo dục: "Thị trấn là nơi trung tâm văn hóa chính trị của một huyện, không thể để một cô giáo thiếu tư cách như vậy dạy ở trường huyện". Thầy Hải tuy rất thương mình nhưng cũng phải chuyển mình đi dạy ở một trường nông thôn cách nhà gần mười cây số. Đang nuôi con nhỏ, mình không thể ở luôn trường được mà mang con đi theo, cũng biết bao khó khăn. Mình đành bán cái đồng hồ đeo tay và một số vải vóc để mua một cái xe đạp cũ, hàng ngày đi về cho con bú. Do thiếu những điều kiện nuôi dưỡng, nên cháu thường ốm đau, quặt quẹo. Đôi khi mình phải nghỉ dạy học để chăm sóc cháu. Điều ấy làm cho bà hiệu trưởng không hài lòng. Trong một lần họp hội đồng giáo viên nhà trường, bà hiệu trưởng nói: - Chúng ta là những người thầy. Người thầy phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo về các mặt phẩm chất đạo đức ý thức tổ chức kỷ luật và sự lao động quên mình. Rất tiếc là trong hội đồng ta còn có đồng chí kỷ luật lao động yếu kém khiến cho học sinh thiếu tin tưởng.

Một đôi lần mình gặp riêng bà hiệu trưởng để trình bày, tâm sự. Bà ấy cũng chú ý lắng nghe nhưng lại bảo:

- Chị em mình phải phấn đấu. Ai mà chả khó khăn. Ngay như tôi đây, chồng đi B biền biệt hàng chục năm, một mình nuôi ba đứa con, lại bố mẹ già. Tôi đã phải phấn đấu...

Noi gương bà hiệu trưởng, mình đã phấn đấu. Nhân có một giáo viên nam dạy sử đi bộ đội, phòng chưa điều được giáo viên về thay, mình đã xung phong dạy thêm cả môn Sử. Số tiết dạy trong tuần tăng lên rất nhiều, mình không thể đi về trên đoạn đường mười cây số gồ ghề ấy nữa. Mình xin với bố cho đứa em gái út học lớp bảy vào trường học và giúp mình trông nom cháu. Nhà trường bố trí cho mình ở trong một gian nhà kho cũ. Ngày nghỉ mình và đứa em gái cuốc đất trồng rau, nuôi lợn, gây một đàn gà đẻ, xin ruộng của hợp tác cấy một sào lúa. Mình đã trở thành một cô giáo nông thôn thực thụ.

Bảy năm đã trôi qua. Thằng cu Tài đã bắt đầu cắp sách đi học. Nó đã lớn lên trong khung cảnh buồn tẻ nhưng êm đềm ở ngôi trường bên sông. Mình cũng đã cam phận làm cô giáo làng, không mảy may có một mơ ước gì nữa, thì đột nhiên Hội trở về. Hội được mãn hạn trước ba năm vì đã phấn đấu rèn luyện tốt. Hôm Hội trở về, mình đã như một người vô cảm, không biết nên vui hay buồn. Hội đã chết ở trong lòng mình từ lâu rồi.

Mình viết thư hỏi ý kiến Hiền. Hiền vẫn dạy ở miền núi và đã lấy chồng. Chồng Hiền là kỹ sư trưởng phòng nông nghiệp huyện. Vợ chồng Hiền vẫn thường viết thư thăm hỏi động viên mình. Thư gửi đi hơn một tuần thì mình nhận được thư trả lời của Hiền. Trong tờ pơ-luya trắng chỉ có ba chữ to tướng do Hiền viết: "Nên đoàn tụ". Mình nói chuyện với bố, nhất là hỏi ý kiến mấy bà dì, ông cậu ruột. Tất cả đều khuyên đoàn tụ để làm lại cuộc đời. Người cuối cùng mình hỏi là thầy Hải. Thầy đăm đăm nhìn mình rất lâu rồi bảo: "Thầy rất thương em. Nhưng thầy biết là em rất yêu anh ta. Vậy có lý do gì lại không về sống với nhau". Thế là Hội về thị trấn sống với gia đình mình. Bố mình đã già bao nhiêu năm nhà cửa hư hỏng không sửa sang được, nay có Hội về anh sửa sang lại tất cả như một người thợ lành nghề. Ngày nghỉ mình đèo cu Tài về thị trấn thăm bố. Nó vẫn cứ yên trí là bố nó đi bộ đội về. Những bữa cơm đầm ấm lại bắt đầu. Nhưng rồi một vấn đề đặt ra là làm sao có cái để sống? Chính Hội là người nêu vấn đề này ra trước. Anh bàn với mình:

- Em ạ, anh biết là em rất thương anh. Nhưng lương giáo viên cấp hai của em làm sao nuôi được con và nuôi được anh. Anh định đi kiếm việc để làm, để em đỡ vất vả.

- Anh định làm gì ?

- Việc gì chả được. Làm gạch, làm ngói, thợ mộc, thợ nề, miễn là sống đã, rồi sẽ tính sau.

Cũng chả có cách nào khác thật. Suốt nửa năm Hội đi làm ở hợp tác xã sản xuất gạch, ngói, vôi. Lúc khuân vác, lúc ép gạch, lúc áp tải xe đi các huyện xa. Công việc vất vả nhưng yên ổn. Một hôm, người em trai của Hội từ quê lên cho biết, bố Hội lúc này là phó chủ tịch tỉnh, đã xin được cho anh vào làm ở Công ty xuất khẩu anh cần về tỉnh ngay để đi học một lớp kế toán cấp tốc. ông bố Hội giận con hàng chục năm trời nay đã nghĩ lại. Hai hôm sau Hội cùng người em trai rời thị trấn Vân về tỉnh Hà.

Tôi lại phạm sai lầm một lần nữa khi để Hội rời khỏi thị trấn Vân về tỉnh Hà. Những tưởng về đấy, dưới sự giám sát của ông bố, Hội sẽ có điều kiện để tiến bộ. Mà Hội đã tiến bộ thật. Chỉ hơn một năm, Hội đã được cử làm kế toán trưởng, là cánh tay đắc lực của ông giám đốc công ty. Thời gian đầu Hội lên thị trấn Vân thăm mẹ con tôi đều đặn. Rồi dần dần do công việc của anh ngày một bận rộn hơn, nên những cuộc về thăm của anh cũng trở nên thất thường. Nhưng tiền và các thứ vật dụng khác thì gửi đều đặn. Có bận, anh gửi cho tôi cả một thùng mỳ chính Trung Quốc. Lúc ấy nhà nào có một gói mỳ chính đã là sang lắm rồi. Vậy mà tôi có đến cả một thùng mấy chục gói. Rồi những thứ hàng khan hiếm khác như các loại vải ngoại, thuốc tây, đồng hồ đeo tay Liên Xô, lốp xe đạp, xà phòng các loại được gửi đến ngày một nhiều. Lần nào người mang hàng đến cũng nói một câu: "Anh ấy dặn, không dùng hết, bán đỡ đi mà tiêu". Chỉ riêng những thứ "không dùng hết" bán đi đã bằng mấy chục lần lương tháng của tôi.

Thấy ở trong trường cũ không thuận tiện nữa, tôi lại sở cậy thầy Hải cho chuyển ra trường thị trấn. Thầy Hải đúng là một ông Phật. Thầy đã cho tôi trở lại trường thị trấn. Hôm nhận quyết định, tôi mang mấy thứ quà đến biếu thầy, thầy xua tay không nhận, miệng nói: "Thầy sống một mình, không cần dùng đến những thứ này. Em mang về đi". Và thầy nói vui: "Thầy chỉ cần một lưỡi dao cạo để cạo bộ râu cho đỡ già thì không sao tìm mua được."

Nhà tôi bắt đầu có nhiều người qua lại. Phần lớn là những cô giáo và cán bộ huyện. Người đến bảo nhượng lại một gói mỳ chính, người mua bánh xà phòng, người hỏi vải, phụ tùng xe đạp, thuốc tây. Vì vậy mà tôi bị rầy rà phiền nhiễu... Công an thị trấn mấy lần gọi tôi lên hỏi những thứ hàng ấy ở đâu ra. Trong khi cả huyện không có lấy một ống thuốc đánh răng, một bánh xà phòng thì tôi lại có cả một hòm. Những thứ ấy có phải là do các nhân viên bách hóa tổng hợp tuồn ra không?

Một hôm, Hội lái chiếc xe com-măng-ca về thị trấn Vân. Vừa gặp tôi trong phòng, Hội đã hỏi:

- Mấy cái hộp bọc giấy thiếc còn không?

- Còn. Mấy cái hộp ấy em để bên buồng ngủ của bố nên không bị khám.

- Tốt lắm. Chốc nữa em mang ra đây để anh mang đi. Kết thúc chiến tranh, mấy cái hộp ấy có giá lắm. Hội nói tiếp như an ủi tôi:

- Em cứ yên tâm. Những thứ anh gửi cho em là những thứ hàng thông thường, chỗ anh sẵn có nên mua gửi cho em dùng đó thôi.

Tôi bực bội nói:

- Từ nay anh đừng gửi những thứ ấy về. Em chỉ cần tình yêu của anh chứ không cần những thứ ấy nữa.

Hội cười vui vẻ:

- Thì hôm nay anh mang tình yêu về cho em đây. Hẳn là em vừa lòng.

Hội quay ra đóng cửa phòng rồi như một con thú dữ dằn tôi xuống cái giường đôi mà lâu lắm không có hơi ấm đàn ông. Tôi cũng không ngờ rằng đấy là lần ân ái cuối cùng giữa tôi và Hội. Mấy tháng sau tôi mới được biết, Hội đã giả mạo chữ ký giám đốc công ty để tham ô một khoản tiền rất lớn rồi bỏ trốn. Mãi tới năm 1977 người ta mới bắt được Hội ở một tỉnh ven biển với âm mưu tổ chức người vượt biên và buôn bán ma túy. Hội lại nhận một cái án 10 năm tù.

Mấy năm sau khi không còn hy vọng gì ở sự hối cải của Hội nữa, tôi viết một lá đơn xin ly dị gửi tòa án huyện rồi vội vã trở vào Sài Gòn. Đời mình sẽ là vô nghĩa nếu như không có cái "hậu vận". Mà hình như cả các cậu cũng thế, đều có "hậu vận" tốt đẹp. Người ta bảo, tuổi Quý Mùi ăn nhau ở cái hậu vận, mình nghiệm ra có lẽ đúng như thế! Nhưng để có căn cứ kết luận, phải chờ đến ngày 25 tháng bảy, tức là đúng một tháng hai tuần nữa, nếu tất cả các cậu đều có mặt tại Nha Trang để dự đám cưới của mình và Bách. Các cậu đừng vội hỏi Bách là ai. Mình chỉ có thể nói với các cậu rằng Bách là nguồn suối mát đã làm tươi lại một cây khô héo là cuộc đời mình. Anh ấy là đại diện cho những điều tốt đẹp đang tồn tại và phát triển ở cuộc đời này. Bách chính là anh giáo trẻ dạy sử ở cùng trường làng với mình đã lên đường đánh giặc trong những năm chống Mỹ, mà sau đó mình đã phải đảm nhiệm thêm công việc của anh. Chiến tranh kết thúc đã mười năm, không ai biết tin tức của anh, hay đúng hơn là không ai nhớ đến anh nữa. Chỉ có mình là nhớ đến anh với tư cách là người đồng nghiệp. Anh ấy đi ra trận nhẹ nhàng như không, để lại cho mình tất cả sách vở, giáo án, sổ tay và cả tư trang nữa. Tất cả ở trong cái va-li da đã cũ. Qua những tư liệu mà mình đọc được những thông tin về anh quá ít, hầu như là vắn tắt: Bố là liệt sĩ chống Pháp, mẹ đã tái giá, ở với bà nội, học xong sư phạm thì bà mất, đi dạy học, đi bộ đội. Trong một năm cùng làm việc ở trường anh ấy tận tụy với học trò và không vướng bận điều gì. Các mặt hàng phân phối, trong khi người khác suy bì tỵ nạnh, phải thương lượng, gắp thăm, thì anh ấy đều đứng ngoài cuộc. Hoặc giả nếu có được phân thứ này, thứ nọ anh ấy lại nhường cho các chị em gia đình khó khăn. Bách nhường xà phòng cho chị em con mọn để giặt tã lót nhưng lại dùng bồ hòn để giặt quần áo, dùng bồ kếp và chanh để gội đầu. Anh nói vui rằng anh là người của thời đồ đá giữa, ưa dùng những sản phẩm của thiên nhiên. Những tưởng bom đạn của chiến tranh đã khiến anh trở về với cát bụi, vậy mà trời đất lại run rủi để mình được gặp anh.

Lần ấy, sau khi đã đoạn tuyệt với Hội, mình chán nản tưởng đến không sống nổi nữa. Nhân có người em rể là lái xe du lịch đưa khách ra Nha Trang, chú em rể bảo mình đi chơi ít hôm cho khuây khỏa. Quả như lời người em rể nói, sóng gió của biển Nha Trang đã làm vợi đi những nỗi buồn chán trong lòng mình. Sang ngày thứ ba, mình tự nhiên thấy vui hẳn lên nên một mình đi thăm tháp Pô-na-ga là ngọn tháp nổi tiếng của người Chàm, với ý định cầu nguyện Thánh mẫu Thiên A Na một điều gì đấy! Cầu nguyện điều gì, mình chưa nghĩ ra được rõ rệt nhưng những ngọn tháp đã làm mình mê mẩn. Giữa lúc đang ngẩn ngơ ngắm nhìn vẻ đẹp của các ngọn tháp, mình chợt nghe thấy có tiếng gọi đằng sau:

- Diễm. Diễm phải không?

Mình quay lại. Một người đàn ông cao gầy, mặc bộ quần áo bộ đội cũ nhưng sạch sẽ, đôi mắt sáng đang tươi cười lại gần mình. Mình thốt lên:

- Anh Bách!

Ngay sau đó Bách đưa mình về chỗ ở của anh. Đấy là một căn phòng dưới tầng hầm Nhà bảo tàng. Căn phòng vừa là chỗ ở, vừa là chỗ làm việc của Bách nên tuy rộng nhưng rất ngổn ngang bề bộn. Nhiều nhất là sách. Hàng chục cuốn từ điển, cuốn gấp, cuốn mở đầy trên bàn, trên giường. Rồi các loại tạp chí bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Nhiều mẫu vật bằng đất nung, gốm sứ và rất nhiều tượng vũ nữ bằng đồng và thạch cao. Tất cả làm mình ngợp mắt.

- Hóa ra, Bách biến mất mười mấy năm nay là như thế này đây.

Bách cười hiền lành:

- Đã có lần mình nói với Diễm rồi. Mình là người của thời đồ đá giữa, không thích hợp với chốn phồn hoa.

- Bách giải thích về mười lăm năm biệt tích đi.

- Có gì đâu. Mình nhập ngũ, theo đơn vị vào Đường 9 - Nam Lào giữ thành cổ Quảng Trị, tấn công Buôn Mê Thuột rồi vô tuốt Sài Gòn. Xong xuôi, lại trở lên Tây Nguyên tiễu phỉ Fulro, lang thang khắp các tỉnh Cao Nguyên, trở về Hà Nội học khảo cổ, rồi về sống ở căn hầm này đã năm năm.

- Thế vợ con đâu?

Bách cười, lộ hàm răng ám khói thuốc lá:

- ở thời đại đồ đá giữa chưa có tục kết hôn.

Mình chợt thấy thương Bách và linh cảm rằng quãng đời còn lại của mình sẽ gắn bó với Bách. Từ đấy tháng nào mình cũng đi nhờ xe của chồng Phấn ra Nha Trang thăm Bách. Công việc của Bách rất nhiều viết bài, tiếp khách nước ngoài, thuyết trình những vấn đề về văn hóa Chăm, nghiên cứu chất dính đã xây nên những tháp Chàm, tìm phương pháp tối ưu phục chế các tháp bị hoang phế. Bách phải làm việc với các nhà khoa học Ba Lan, Nga, Pháp và Mỹ, nói thông thạo được ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nga. Lần nào Bách cũng hứa đưa mình đi thăm dinh thự của Bảo Đại và hồ cá Trí Nguyên nhưng lại bận không đi được. Lần nào cũng vậy, Bách đang chuẩn bị đưa mình đi thì điện thoại réo. Có một chiếc tàu du lịch vừa cặp bến đưa hơn ba trăm khách du lịch Mỹ thăm tháp Chàm, trong đó có một số nhà khoa học rất muốn trao đổi ý kiến với Bách.

Bách vò đầu băn khoăn:

- Diễm thông cảm, lắm việc đột xuất quá!

Mình động viên Bách:

- Anh cứ đi công việc đi. Mình ở đây, hồ cá thăm lúc nào chả được.

Bách nổ máy Hon đa phóng đi. Mình lại bàn viết thì thấy bản in thử cuốn sách Vương Quốc Chăm Pa dày hơn bốn trăm trang mà Bách là tác giả. Đọc danh mục các sách tham khảo in ở cuối sách, mình bỗng phát hoảng. Làm sao mà Bách lại có thể tiếp cận được tất cả những thông tin ấy. Để giết thì giờ mình đi quanh phòng Bách ở, vào cả nhà tắm, nhà bếp. Trong nhà tắm có hai bộ quần áo thay ra chưa giặt, trong nhà bếp còn sót lại một số mẩu bánh mỳ, có mẩu đã rắn lại như đá. Hẳn là đã có những bữa Bách phải nhai bánh mỳ thay vì nấu nướng. Mình bỗng thấy yêu Bách tràn ngập cả tâm hồn. Anh ấy cần phải được chăm sóc. Mình cởi áo ngoài ra, vào phòng tắm giặt đi giặt lại hai bộ quần áo của Bách sạch đến mức như chưa bao giờ được giặt sạch như thế. Mình hỏi chị hàng xóm đường ra chợ, định bụng sẽ mua một số thứ về làm cơm cho Bách ăn, nhưng chị hàng xóm nhiệt tâm lại bảo:

- Chị cần mua gì cứ bảo để em mua cho. Em cũng đi ra chợ  bây giờ đây.

Mình nhờ chị mua những thứ để làm nem. Hẳn là đã lâu Bách không được thưởng thức món này.

Mình hoàn thành các công việc bếp núc vào lúc 6 giờ chiều. Nửa giờ sau Bách về. Vốn là người vô tâm, Bách không để ý đến những sự việc đã diễn ra, vội vàng quăng cái túi xách lên xa-lông, nói:

- Làm việc với bọn Mỹ cũng thú vị lắm. Chúng nó rất thực tế. Hừ, chiều nay sao nóng thế, phải tắm cái đã.

ở phòng tắm ra, khuôn mặt Bách tươi tắn lạ lùng. Bách bảo:

- Diễm ơi, bây giờ chúng mình ra tiệm. Bách sẽ chiêu đãi Diễm một bữa đặc sản. Đến thành phố biển mà không thưởng thức hải sản thì coi như chưa đến!

Mình tủm tỉm cười:

- Nhưng nếu Diễm là chủ tiệm, Bách thích ăn món gì?

- Nem rán Bắc Kỳ!

- Thưa ngài, sẽ có ngay hầu ngài.

Mình dọn các thứ ra. Giữa bàn là một đĩa nem rán vàng rộm, quanh mâm là rau sống, nước chấm và các loại gia vị. Bách trố mắt ngạc nhiên:

- Thế này là thế nào. Cứ như chuyện cô Tấm ấy!

Buổi tối Bách đèo mình ra bãi biển hóng mát. Bách chọn một quán vắng vẻ, thơ mộng rồi gọi hai quả dừa nước. Mình và Bách ngồi trên ghế xích-đu đối diện nhau, vừa hút nước dừa vừa nhìn nhau âu yếm. Một lúc, Bách bảo:

- Diễm ơi, em ra đây ở với anh đi.

- Nhưng còn hai đứa con em.

- Anh sẽ lo cho chúng nó! Cụ thể là như thế nào nhỉ?

- Thằng Tài đã học xong trung cấp cơ điện nhưng chưa có việc làm. Thằng Lộc vừa thi tốt nghiệp lớp 12.

Bách hồn nhiên nói:

- Được. Anh có nhiều bạn chiến đấu, chúng nó giờ nhiều đứa làm to lắm. Anh sẽ nhờ một đứa là giám đốc xí nghiệp ở Sài Gòn giúp cho thằng Tài, còn Lộc,  cho học Anh văn, nay mai về đây làm hướng dẫn viên du lịch.

Bách nói thế nhưng mình chưa thật tin. Bởi lẽ cháu Tài ra trường đã hơn một năm vẫn chưa tìm được việc làm. Mình đã nhờ nhiều người, đến gõ nhiều cửa, tốn kém hàng triệu đồng, nhưng thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp.

Trước lúc mình ra ô-tô ray để về Sài Gòn, Bách mới viết thư cho bạn là Giám đốc xí nghiệp cơ khí. Ngay sáng hôm sau mình tìm đến xí nghiệp ấy và xin gặp ông giám đốc. Người thường trực gọi điện vào trong văn phòng. Một cô thư ký rất trẻ ra mời mình vào phòng khách. Trong lúc chờ đợi , nhìn căn phòng sang trọng, mình cứ hình dung sẽ gặp một giám đốc béo tốt phì nộn. Nào ngờ đấy lại là một người gày gò, ăn mặc giản dị, nước da tai tái như người sốt rét rừng nhưng nụ cười lại tươi tắn, cởi mở:

- Xin lỗi đã để chị phải chờ lâu. Chị là người nhà anh Bách?

- Thưa vâng.

- Tôi đã đọc thư của Bách rồi. Chị cứ yên tâm. Bách đã nhờ thì chúng tôi thế nào cũng giải quyết. Hôm nay thứ năm, sáng thứ hai tới chị mang hồ sơ của cháu đến đây. Thứ bảy cuối tuần bảo cháu đến nhận việc.

Ngày thứ bảy Tài đến xí nghiệp nhận việc. Đêm ấy mình mừng quá suốt đêm không ngủ được. Sáng dậy mình viết cho Bách một bức thư có ba chữ bật ra từ trái tim mình: "Em yêu anh". Bách đề nghị mình định ngày cưới. Mình bàn với anh tổ chức vào ngày 25 tháng 7. 25-7 là ngày sinh nhật mình. Mình muốn ngày cưới là ngày tái sinh của đời mình. Nguyện vọng tha thiết nhất của mình là ngày ấy tất cả các cậu đều có mặt. Chiều ngày 24 tháng 7 mình và Bách sẽ đón các cậu ở thành phố biển.


hainam4u @ Last updated 21/11/04 22:42
Go to my homepage at http://4u.jcisio.com